Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Dấu hiệu đau tim

Có nhiều dấu hiệu cho biết là bệnh đau tim đang bắt đầu, nếu chúng ta biết và đề phòng. Theo bản khảo cứu của trường đại học Havard thì có khoảng 25 phần trăm những bệnh nhân bị bệnh đau tim mà không có triệu chứng. Có những triệu chứng của bệnh đau tim mà chúng ta không ngờ, vì xem ra chúng chẳng có liên quan gì đến tim mạch cả. 
Sau đây là 7 dấu hiệu báo trước bệnh đau tim mà nếu biết, chúng ta có thể cứu sống được nhiều mạng người. 
 1.Tim đập nhanh bất thường: Tim bất ngờ đập nhanh là báo hiệu tình trạng đột quỵ có thể sẽ xảy ra trong vài tuần lễ sắp đến. Bạn cảm thấy tim đập mạnh như bị dội vào ngực, như trường hợp bạn ra bến xe trễ, phải chạy đuổi theo xe bus. Sau khi tim đập mạnh, bạn cảm thấy như muốn xỉu. trường hợp này phải đến phòng cứu cấp khẩn cấp ngay. 
2.Đau bụng, nôn mửa khi không có bệnh đau bao tử : Nếu tự nhiên không có một lý do nào, mà bạn bị đau bụng nôn mửa, mà nhiều người nghĩ là những triệu chứng của bệnh bao tử. Các mạch máu dẫn máu về tim bị nghẽn, khiến bạn cảm thấy đau ngực, đau bụng và có thề nôn mửa. Triệu chứng này thường có ở những người phụ nữ, và 42 phần trăm những người phụ nữ có triệu chứng này, bị đau tim trong vòng 1 năm. 
3.Tình trạng mệt mỏi kéo dài: Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và tình trạng này kéo dài lâu, thì đây có thể là triệu chứng của bệnh đột quỵ. Thường thường bạn bắt đầu một ngày làm việc ở tình trạng bình thường, nhưng bắt đầu thấy mệt mỏi vào buổi chiều, cảm thấy chân đi nặng nề là những dấu hiệu có liên quan đến bệnh tim. 
 4. Mất ngủ, lo lắng: Tình trạng thiếu khí oxy trong hệ thống tim mạch cũng khiến người ta bị mất ngủ, bị lo lắng. Kinh nghiệm của những người bị heart attack cho thấy là những người này, đã bị mất ngủ, hay cảm thấy lo lắng từ nhiều tháng trước. 
 5. Đau vai, cổ và hàm răng: Khi các cơ tim bị tổn thương, nạn nhân sẽ cảm thấy những cơn đau ở vai, ở cổ, ở hàm răng: các mạch máu về tim bị tắc nghẽn. truyền những dấu hiệu theo cột sống và cơn đau có thễ ở vai, ở cổ.. Các cơn đau này có thể là cơn đau nhói hay chỉ như là cơn đau thường mà người ta nghĩ là đó là đau bắp thịt. Tay chân bị tê cũng là một dấu hiệu của cơn đau. Nếu chứng đau không ngừng sau một vài ngày, thì bạn phải nền đi gặp bác sĩ. 
 6.Khó thở, hơi thở ngắn (shortness of breath): Khoảng 40 phần trăm những người phụ nữ bị khó thở hay thở ngắn dồn dập sẽ bị đột quỵ trong vòng 6 tháng sau đó. Nguyên do của việc khó thở là vì oxygen đã không được đưa theo máu vào tim đủ cho nhu cầu, khiến người ta phải thở dồn dập. Thở ngắn cũng có thể là dấu hiệu của bệnh phổi. 
 7. Ra mồ hôi quá nhiều: Theo bản nghiên cứu của trường đại học Chicago thì khi mồ hôi ra quá nhiều trên thân thể như ở ngực, lưng, da đầu, bàn tay, bàn chân.. là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật. Khi người ta ra mồ hôi quá nhiều, có thể là do tình trạng gọi là “endocarditis” nhiễm trùng vào màng bao tim và có thể gây bệnh đột quỵ. Nếu bạn có những triệu chứng như bị cúm, nhưng lại không bị sốt mà tình trạng này kéo dài hơn một tuần, thì nên đi khám bác sĩ.

ĐôĐH st

CÁI ROI NGÀY ẤY


                                  

Cái roi ngày ấy” là một bài thơ xuất sắc của Đinh phạm Thái viết về đề tài thương binh liệt sĩ. Chẳng có gì mới về đề tài này nhưng sao đọc bài thơ  tôi cứ rưng rưng…
Thuở bé nghịch ngợm bị mẹ cho ăn đòn,  khi lớn anh lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc & Anh đã hy sinh.  Cái roi đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt của người mẹ đối với người con trai yêu dấu, mỗi lần chạm tới cái roi là như đụng tới một nỗi đau sâu lắng ... Nỗi đau đó càng nhân lên gấp bội khi mẹ chưa biết anh nằm ở đâu giữa Trường Sơn đại ngàn xa lắc?!
  

               
                      C ái roi ngày ấy

               Ngày nào con nghịch con chơi
              Bỏ nhà đi suốt một hơi tối ngày
             Làn roi rơi xuống thân gầy
             Làm đau tay mẹ, làm cay mắt bà.

            Bây giờ con ở đâu xa
           Nắm xương không cửa không nhà mãi đi
           Trường Sơn một dải xanh rì
          Đất đen, đất đỏ đất gì chôn con?!

            Chân run quờ chiếc gậy mòn
           Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.

     
                                                Đinh Phạm Thái   
         Chú thích : Bài thơ đạt giải nhì ( ko có giải nhất) trong cuộc thi thơ lục bát của báoGDTD năm1998           

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

AHLLVTND, Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân và khát vọng sống




Nói đến Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), người ta không thể quên một “Dáng đứng Việt Nam” từ cách đây hơn 40 năm về trước, khi cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược đang bước vào thời kỳ gay go, ác liệt nhất. Nhưng nhờ có “dáng đứng” ấy mà dân tộc ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, làm nên một mùa xuân đại thắng, đất nước vang bài ca khải hoàn.
 
Hoa thơm trái ngọt đong đầy

Thầy giáo, Nhà báo, Nhà thơ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), liệt sĩ Lê Anh Xuân sinh ngày 5- 6-1940 tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha ông là Giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học. Các thành viên trong gia đình ông cũng đều là những nhà giáo, nghệ sĩ được nhiều người biết tới. Anh trai ông là Giáo sư- nhạc sĩ Ca Lê Thuần, em gái là nữ đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Nghệ thuật- Sân khấu II Thành phố Hồ Chí Minh, em trai là hoạ sĩ Ca Lê Thắng...

 
 AHLLVTND, liệt sĩ Lê Anh Xuân

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, yêu văn chương- nghệ thuật và giàu truyền thống cách mạng, đối với không ít người trong chúng ta điều ấy chỉ có thể mãi là niềm mơ ước. Nhưng với Lê Anh Xuân dường như vẫn là chưa đủ.

Ngay từ nhỏ Ca Lê Hiến đã bộc lộ khả năng về thơ ca. Đang ngồi trên ghế giảng đường Đại học, ông đã có bài thơ đầu tiên “Nhớ mưa quê hương” được giải Nhì cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ tổ chức năm 1960. Thầy Vũ Dương Ninh người trực tiếp dạy Ca Lê Hiến chia sẻ: “Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân học rất giỏi, thông minh”.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm là người thầy trực tiếp giảng dạy và sau này là đồng nghiệp của Ca Lê Hiến kể lại: “Ngay từ những ngày đầu năm học 1959- 1960, tôi đã chú ý tới một sinh viên trẻ măng, nét mặt thanh tú, nói năng nhẹ nhàng, vào học năm thứ nhất khoa Lịch sử. Đó là Ca Lê Hiến, học sinh trường miền Nam- mới thi đậu vào trường. Sau đó ít lâu, tôi lại được biết anh là con trai cụ Ca Văn Thỉnh- Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội, một vị trí thức có tên tuổi mà tôi đã nhiều lần được tiếp xúc và vô cùng cảm phục...”

Năm 1962, Ca Lê Hiến tốt nghiệp đại học và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa Sử, bộ môn Lịch sử văn hóa Hy Lạp- La Mã, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoảng một năm sau, ông được nhà trường cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, cùng đợt với Chu Cẩm Phong (Khoa Văn) nhưng cả hai ông đều từ chối và kiên quyết xin được trở về  quê hương chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược. Và thế là ý nguyện của thầy giáo trẻ Ca Lê Hiến đã trở thành hiện thực.

Cuối năm 1964, ông vượt Trường Sơn vào miền Nam, làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Trong thời gian này, ông lấy bút danh Lê Anh Xuân.

Những tưởng, có gia đình “chống lưng” vững chãi như thế, lại được đào tạo học hành cẩn thận, đã có hai năm đứng trên bục giảng đường đại học, và một tương lai rộng mở về khoa học đang chờ ở phía trước,...ngay đến hôm nay cũng là điều không hề dễ dàng đối với nhiều sinh viên, huống chi điều ấy đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ. Thầy giáo trẻ Ca Lê Hiến thấy dường như đấy không phải là con đường và cách lựa chọn tốt nhất cho mình. Ngày Ca Lê Hiến chính thức lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam đánh Mỹ (22-12-1964) chỉ cách ngày xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (02-08-1964) hơn bốn tháng. Đấy là cái cớ duy nhất để giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta, hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Khi ấy Tổ quốc rất cần những người thanh niên trí thức chi viện cho miền Nam. Tổ quốc gọi, thầy giáo, nhà thơ Ca Lê Hiến sẵn sàng.

“Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”

 
 Lê Anh Xuân, chị gái Ca Lê Hồng và vợ chồng anh chị Ca Lê Dân. (Ảnh: internet)

Dường như bài ca “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã nói hộ tâm tư nguyện vọng và lý tưởng sống cao đẹp của cả một thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Dù rằng, sau khi thầy giáo trẻ Ca Lê Hiến lên đường vào miền Nam đánh Mỹ được 4 năm, thì ca khúc “Tự nguyện” mới ra đời trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, năm 1968, cũng đúng vào thời điểm mà Lê Anh Xuân ngã xuống cho quê hương. Nhưng khát vọng sống, chiến đấu cho quê hương, đất nước, dù có phải hy sinh cả tính mạng vẫn mãi là lẽ sống của những thanh niên miền Nam tập kết vào những năm 60- 70 của thế kỷ trước.

Ra chiến trường chiến đấu bảo vệ quê hương, nhưng thầy giáo, nhà thơ, nhà báo Lê Anh Xuân chưa một lần phải “xếp bút nghiên” để theo “nghiệp binh đao”. Trái lại, theo ông chỉ có ra chiến trường, về quê hương, nơi có đồng bào, đồng chí mình đang sống, chiến đấu chống lại giặc Mỹ xâm lược mới thỏa lòng mong ước của tuổi trẻ Việt Nam khi đất nước có họa xâm lăng. Và hơn thế, chỉ có ra nơi đấy, thì những trang giáo trình của người thầy, những trang viết của người nghệ sỹ, những bài ký sự chiến trường của nhà báo,... mới thật sự tươi rói như bản thân cuộc sống vốn có của nó, mới thấm đẫm nghĩa đời tình người khi mà cả dân tộc ta đều hướng về miền Nam thân yêu. Chính nơi ấy, mọi người hoàn toàn có thể nói không với “lý thuyết màu xám”, vì chẳng có nơi nào mà “cây đời mãi mãi xanh tươi” như trên trận tuyến chống quân thù, giành từng tấc đất quê hương, từng sự sống cho đồng bào, đồng chí mình.

Cuốn “Nhật ký Lê Anh Xuân” sau 43 năm mới được xuất bản cách đây chưa lâu là minh chứng sống động nhất cho sự xanh tươi của “cây đời”. Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách trên đã khẳng định: “Nhật ký Lê Anh Xuân toát lên cả một lý tưởng trong trẻo, đẹp đẽ và cao thượng. Đó là lý tưởng sống của một thế hệ trên nền giác ngộ chính trị sâu sắc, luôn đặt quyền lợi chung trên lợi ích cá nhân. Lê Anh Xuân mãi mãi là một biểu tượng của sự sống và cống hiến kiên cường”.

Người trực tiếp biên tập bản thảo cuốn “Nhật ký Lê Anh Xuân”, nhà văn Bích Ngân nhắc lại những mẩu chuyện đã đọc và ghi nhớ từ tác phẩm ấy: “Có những câu chuyện được ghi nhận một cách rất giản dị, thô mộc, thậm chí vài ghi chép cứ như tủn mủn, vụn vặt nhưng tất cả lại có thể làm bật lên nhân cách của một con người. Đó là những chia sẻ rất thật, rất chân thành và cũng đầy trách nhiệm và yêu thương”.

Đấy là những nhận định, đánh giá của người “ngoài cuộc”, sống cách nhà báo, nhà thơ Lê Anh Xuân chừng nửa thế kỷ, khi mà cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc đã lùi xa vào quá vãng gần 40 năm. Vậy mà những trang viết của ông thưở nào vẫn như còn vang vọng đâu đây, gây xúc động đối với những người hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập, tự do của đất nước từ những hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước, trong đấy có người thầy Ca Lê Hiến, nhà thơ, nhà báo Lê Anh Xuân.

Những ghi chép sống động, hãy còn tươi rói như thế này: “Té võng. Thật buồn cười”, “Về đến nhà 3 giờ sáng. Ngủ không mùng. Muỗi cắn”, “Đi đào sắn, mất lon gi-go”, “Làm chuồng gà”, “Nghỉ, giặt quần áo”, “Úp muỗng dừa gài lựu đạn, địch đá nổ. Lần sau nếu không gài lựu đạn địch cũng sợ”… “Sáng ra nghe lính vào. Mõ đánh. Chú Tám Nghệ ra dắt đi hầm khác”,... ta có thể tìm thấy ở bất cứ trang nào trong  cuốn Nhật ký ấy.

Cuộc sống của những ngày gian lao, vất vả nhất nơi chiến trường, nhưng người chiến sỹ cộng sản Lê Anh Xuân vẫn tràn đầy lạc quan, hài hước trong khó khăn gian khổ, mặc dù cũng đôi lúc chạnh lòng, xót xa khi được tin người đồng chí mình vừa ngã xuống. Tất cả những điều đó càng khẳng định thêm về một chân lý bất biến là những tác phẩm văn chương- nghệ thuật và những trang báo, chỉ có thể đem đến cho công chúng những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ khi cái tôi cá nhân luôn đồng hành cùng với cái ta của đất nước mình, dân tộc mình và của nhân loại./.  

ĐỖ NGỌC YÊN

Dáng đứng Việt Nam

Tác giả: Lê Anh Xuân

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Cùng một tác giả

TH st.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

BẠN BÈ TÔI


Vũ Đình Minh

Bởi vì mẹ chỉ có thể trông theo nơi đầu ngõ
Bởi vì vợ chỉ có thể vùi đầu trong gối nhớ
Bởi vì ảnh con chỉ có thể đem theo trong ngực áo thôi
Sợi dây diều của đời tôi nằm trong tay con bé nhỏ
Còn tháng ngày của tôi nằm giữa bạn bè tôi

Người đã dìu tôi đi suốt cả cuộc đời
Người đã dẫn tôi qua những vấp ngã và cay đắng
Bạn bè ơi, quả ớt đỏ thì cay, hạt muối trắng thì mặn
Không bạn bè sao biết được sắc màu
Vừa vấp ngã lại gặp bàn tay bạn
Gặp niềm tin rồi thấm thía lòng nhau

Người đã đắp cho tôi bàn tay dịu cơn đau
Ngươi  che đạn cho tôi trên nắp hầm trống trải
Người xì xụp nấu cho tôi bát canh mặn nhạt
Vợ chồng thương nhau khi tủi khi mừng
Bạn bè thương nhau ồn ào như ngọn thác
Không bạn như cây đơn độc không rừng

Dẫu vấp ngã bao nhiêu cũng xin chớ cô đơn
Nhưng đến hết cuộc đời tôi chỉ nhớ
Người đã thắp trong hồn tôi ngọn lửa
Người đã nhen những khao khát khôn cùng
Có bạn tôi thành người giàu có
Không bạn như thuyền mắc cạn giữa dòng sông

Rồi tôi sẽ về đậu trên bàn tay con
Sẽ đỡ mẹ qua dốc trơn đầu ngõ
Sẽ làm cột cho yếu mềm của vợ
Nhưng hôm nay tôi ở giữa bạn bè tôi
Vợ chồng thương nhau thầm thì bên bếp lửa
Bè bạn thương nhau hát ở giữa đời.
BàngHS st

27-7 Nhớ Y Hòa và Liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc

Hoan nghênh và rất trân trọng tình cảm của các bạn Trỗi vẫn thường xuyên tưởng nhớ đến Y Hòa và các Liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Sau đây là tin và ảnh TH sưu tầm từ Blog Ut Trỗi:




Ghé thăm bạn.

Tháng Bảy ghé nơi bạn Y Hòa nằm xuống ở Đồi Cháy - Quảng Trị.

Các bạn đồng ngũ đã xây dựng
ở nơi đây một bia tưởng niệm nhỏ
cho các bạn mình
đã nằm xuống trong cuộc chiến.
Và trong ngôi nhà nhỏ người chủ vườn thường xuyên cùng bạn.






Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

THÔNG BÁO THÁNG 7/2012


Như đã thống nhất tại buổi họp các Ban liên lạc toàn khóa ngày 7/4/2012, trước cuối tháng 7/2012, các ban liên lạc sẽ cùng bạn Nghĩa(10C) lên THIÊN SƠN-SUỐI NGÀ tìm hiểu vị trí mà các ban liên lạc các lớp  đã đề xuất. Sau khi đã “lướt” các thông tin trên mạng, ngày 21/7 đại diện các ban liên lạc của khóa đã cùng nhau lên khảo sát. Công việc bao gồm :
- Khảo sát thực địa:  Các vị trí có thể tổ chức hội họp, ăn, nghỉ, sinh hoạt
- Các thủ tục cần thiết
- Những cách thức mà các đoàn trước đó đã triển khai.
- Thông qua đó, đề xuất kịch bản cho ngày gặp mặt tới

 Ngày hôm đó, do NghĩaĐH phụ trách hội Thể thao tại SVĐ Mỹ Đình,  Ban liên lạc một số lớp bận nên không tham dự được, và vì vậy ủy quyền cho các ban liên lạc còn lại. 8h15 nhóm xuất phát từ Hà nội, chừng 10h tới THIÊN SƠN-SUỐI NGÀ( của Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh) . Chúng tôi đã khảo sát chủ yếu tại Trung Sơn và Ngoạn Sơn theo các nội dung đã định . Ngày hôm đó khá đông khách và rất nóng. Chừng 13h, nhóm qua Hạ Sơn để rời THIÊN SƠN-SUỐI NGÀ về Hà Nội.

Đánh giá sơ bộ của nhóm khảo sát:
-       Địa điểm này có thể tổ chức hội khoá ( nếu chưa tìm được nơi khác tốt hơn)
-       Đáp ứng các yêu cầu sau:
·          Cách HN 60Km, đi ô tô mất khoảng  hơn 1h30, có thể đi về trong ngày hoặc có thể nghỉ qua đêm
·         Có nơi hội họp, nơi ăn, nơi nghỉ, nơi vui chơi, thư giãn
·         Không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên


Các Website của THIÊN SƠN-SUỐI NGÀ:
 http://www.thiensonsuoinga.com (hình như Website này hết hạn?)

Các thông tin chi tiết sẽ sớm được trao đổi và thống nhất giữa các Ban Liên lạc với nhau trong thời gian tới.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH


Đường đến THIÊN SƠN-SUỐI NGÀ



Bể bơi trẻ em ở Trung Sơn



Bể bơi người lớn ở Trung Sơn







Đoàn tại Trung Sơn




Thác Cổng Trời Trung Sơn


Suối tự nhiên ở Trung Sơn




Đường lên nhà ăn và Lễ tân ở Trung Sơn


Giường đá ở Trung Sơn



Thảo luận với lễ tân tại Ngoạn Sơn


Hồ câu cá Ngoạn Sơn



 2 ” thủ trưởng” Đặng Thái Bảo(10H) và Nguyễn Lương Hòa(10G)
phải thay áo mang theo vì mồ hôi.



Đường lên Phòng ăn, Hội trường và Lễ tân Ngoạn Sơn


Phòng ăn trên Ngoạn Sơn




Sảnh chờ tại Ngoạn Sơn



Nhà sàn 50 chỗ Ngoạn Sơn



Nghỉ ngơi và thảo luận tại Ngoạn Sơn





Trên đường đi từ Ngoạn Sơn về Trung Sơn

BàngHS

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Thi pháp Nguyễn Quang Thiều:
Nhìn từ
dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
(Kỳ cuối)

VI. Nguyễn Quang Thiều của trường ca và trường ca của Nguyễn Quang Thiều

Những nhà thơ tạo ra được trường thơ riêng biệt là đã có điều kiện cần để thành nhà trường ca. Hơn thế, Nguyễn Quang Thiều có thơ mang chất trường ca xét về từng mặt của thi pháp.
Trong các thảo luận văn học Việt Nam và thế giới, có lẽ nhiều bất hòa nhất là ở việc sáng tác và phê bình trường ca - thể loại khổng lồ và đa dạng, thâm niên và luôn tươi trẻ! Thơ của Nguyễn Quang Thiều đã sinh sự, trường ca của anh tất sẽ đa sự và cần nhiều quan tâm hơn của giới nghiên cứu, phê bình. Dành cho tham luận, xin nêu vài suy nghĩ ban đầu cho trường ca Nguyễn Quang Thiều trong một khảo cứu đang làm về tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam hiện đại [37].
Với lý luận phê bình hậu hiện đại, nhiều nan đề của trường ca đã có những lý giải thấu suốt và uyển chuyển hơn về phương diện thể loại, cấu trúc văn bản và thực hành ngôn ngữ. Từ cội nguồn, cảm hứng sử thi với hình thức tự sự trong giọng điệu hùng ca sau khi làm nên trường ca cổ điển như là thể tài đầu tiên, vẫn luôn là dòng sữa nuôi thơ trường ca cho đến nay. Qua từng thời đại, trường ca đã có những cách kể rất khác nhau dù không còn “trạng thái sử thi” nguyên thủy, mà ngay cả trong trường ca hiện đại thì cảm hứng trữ tình cũng là cách kể bằng cách cảm các đại tự sự với tinh thần lãng mạn và phong cách bi hùng.
Trong phong trào Thơ mới, trường ca Việt ở giai đoạn đầu chưa định hình thi pháp. Sau năm 1945, chính nhờ giai đoạn oai hùng và bi tráng nhất của lịch sử người Việt hiện đại, trường ca mới trở nên một dòng nhánh của thơ Việt như là thể loại riêng. Là máu thịt cùng hòa vào lịch sử dân tộc trong nửa cuối thế kỷ 20, dòng trường ca cách mạng và chiến tranh 1954-1986 đã là một khuynh hướng sáng tạo văn học hiện đại với đủ các tiêu chí thẩm mỹ và thành tựu nghệ thuật, qua hai thế hệ tác giả thơ ưu tú nhất, đó là những Thu Bồn và Nguyễn Khoa Điềm; Hữu Thỉnh và Thanh Thảo; Nguyễn Đức Mậu và Trần Mạnh Hảo; Anh Ngọc và Thi Hoàng, v.v…
Theo dòng chảy liên tục, từ sau 1986 có các rẽ nhánh với thể chất và diện mạo rất khác mà trường ca Nguyễn Quang Thiều đã nổi trội trong đợt sóng đầu tiên và liên tục vỗ bờ cho tới buổi hôm nay, với những tác phẩm thơ dài (sau đây trước dấu “;”) và trường ca là: Đêm gần sáng (1988), Đoản ca về buổi tối, Dưới trăng và một bậc cửa (1992), Chuyển dịch màu đen (1995), Bài ca những con chim đêm (1997), Mười một khúc cảm; Những người lính của làng (1994),Nhịp điệu châu thổ mới (1995), Nhân chứng của một cái chết (1998), Hồi tưởngCây ánh sáng (2003), Lò mổ (2009),Bí ẩn thành Cổ Loa, Bi ca về một thị xã bị mất tích.
Với cách tìm hiểu của chúng tôi, “trường ca” và “thơ dài có ý nghĩa tương đương” (gọi chung “trường ca”) gồm các loại hình văn vần (trừ truyện thơ, kịch thơ) mang dung lượng lớn với phương thức tự sự hay trữ tình, cấu trúc có hay không có cốt truyện, câu chuyện. Nếu như thế, về số lượng, kể từ thời Thơ mới, con số cập nhật 13/6/2012 là khoảng 407 tác giả (292 tác giả trường ca và 115 tác giả thơ dài) đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương trường ca, với tổng số khoảng 989 tác phẩm. Trên thế giới hiện đại, liệu có nền thơ ở một quốc gia nào khác, có tỷ lệ các nhà trường ca cao như ở Việt Nam không? Đã từng có nền văn học của dân tộc nào mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội, như dòng trường ca chiến tranh Việt Nam 1963-1975 và hậu chiến tranh 1975-1986 không?
Nếu kể từ 1986 đến nay, theo nội dung và cảm hứng, trường ca Việt có thể chia làm ba nhánh: Trường ca sử thi, chiến tranh; Trường ca phi sử thi, phi chiến tranh về thế sự, nhân sinh; Trường ca đời thường, cảm thức cá nhân. Nguyễn Quang Thiều thuộc về nhánh thứ hai, cùng Du Tử Lê, Trần Nhuận Minh, Cao Đông Khánh, Vĩnh Quang Lê, Trần Anh Thái, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Nguyên Bẩy, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Tam Lệ, v.v…
Những điều gì làm nên trường ca Nguyễn Quang Thiều? Theo tiêu chí cho “tính trường ca” trong biên khảo, tác giả này đã được tìm hiểu với những nét rất khu biệt trong nhiều tác giả khác và thống nhất với thi pháp thơ của mình. Những cái đạt và chưa đạt ở trường ca của anh định vị sự không thể thay thế, và còn nói lên một xu hướng của thơ trường ca hiện đại và hậu hiện đại Việt Nam cũng như thế giới.
Thể tài: Trên bản đồ nghệ thuật thơ trường ca, Nguyễn Quang Thiều đã làm chủ và phần nào phát triển tư duy thể loại. Trong sáng tác văn học, đó không phải là cửa ải đầu tiên cho những cây bút mài mòn theo những thể loại quen tay. Đó chỉ là cửa ải dành cho kẻ sáng tạo. Các đề tài theo đó cũng biến hóa miễn là mang tinh thần và nội dung không của cá thể, mà thuộc về giá trị cộng đồng, dân tộc, nhân loại... Từ Đoản ca về buổi tối, Dưới trăng và một bậc cửa đến Chuyển dịch màu đen, rồi Mười một khúc cảm, tác giả đã đi những bước chắc chắn để nhận về “bằng sáng chế” từ Nàng Thơ cấp cho một thi sĩ trường ca. Và, thi sĩ đã cất cao Nhịp điệu châu thổ mới như một cái gì rực rỡ nhất cho đến nay về nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng như là một tác phẩm đang được treo lên bảng giá trị thi ca Việt đương đại khi đã tạo một “sử thi” mới cho thời đại của Người Nông Dân Già và Cậu Bé:
Và lúc này, Người Nông Dân Già khép cửa ra đi
Còn lại bên thềm mắt vệt loáng ướt trăng
Đọng lại ngàn năm - muối của ánh sáng
Chỉ còn lại trên những ngón tay trải dài
Con đường vô tận của bài ca ngũ cốc
Trường ca Nguyễn Quang Thiều có cái tẻ ở nội dung do các đại tự sự không tươi mới. Chúng kinh viện, cao siêu. Buồn tẻ, chứ hoàn toàn không tẻ nhạt.
. . . . . . . . . 
.


Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

NHỮNG CON CHIM Ở XỨ ÚC

Tôi sang Canberra -Úc thăm con & cháu. Ngôi nhà con tôi ở có một khoảng sân nho nhỏ , phía sau bờ rào là mấy cây bạch đàn lớn và một vài bụi cây thông ( Ở Úc bạch đàn có khắp nơi). Từ sáng sớm từng đàn chim đã bay tới đậu trên các bụi cây sau nhà và hót . Có rất nhiều chim tụ tập về đây, chúng rất dạn và thân thiện với con người.Thấy vậy tôi vác máy ảnh ra chụp , cùng xem nhé.

Những con sáo đá
Ở Úc có rất nhiều vẹt( hơm 50 loài vẹt)
Chú quạ đậu ở bờ rào chờ ăn vụn bánh mì, loài này mà ''hót'' thì khủng lắm
Hơi giống chim sáo, khi tôi tới gần được cảnh báo là nó dữ lắm hay mổ để tự vệ
Cokatoo dạng vẹt, nó đậu trên cây làm mẫu hàng giờ (thoải mái chụp các kiểu ảnh)

Cokatoo-galah, có hàng đàn ở bãi cỏ chung của khu dân cư
Chim tước đang chờ rải bánh mì để ăn
Chim Ác là có ở khắp mọi nơi , nó hay tha thẩn kiếm ăn dưới đất
Thiên nga đen ở Weston park
Vịt trời ở Weston park

Không chỉ ở Canberra mà hầu như chỗ nào tôi cũng thấy chim chóc bay lượn tự do ( ngay cả trong trung tâm thành phố có đông người và nhà). Ngắm những con chim tôi chợt ước có một ngày loài chim ở Vn cũng được bảo vệ như ở Úc. Để thế hệ con cháu còn biết con chim thật chứ không phải tưởng tượng qua phim ảnh sách vở hoặc chỉ nhìn thấy chúng bị nhốt trong các lồng chim bày bán , trong sở thú …..
Nếu đôi khi bạn nghe tiếng chim hót trên cành cây, trong vườn nhà, trong thành phố bạn sẽ thấy cuộc sống sao thanh bình và hạnh phúc.. Ông cha ta vốn có câu ‘’ đất lành chim đậu’’ mà.
VT