Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

CHIỀU HẢI CẢNG

....Trong những ca khúc Liên Xô chúng tôi yêu thích ấy có bài "Chiều Hải cảng" của Sôlôviốp Sêđôi: 

Thành phố quí mến của tôi ơi! 
Ngày mai tôi sẽ vắng xa rồi
Trời nắng mới sáng lên
Biển khơi đón chúng ta
Trên bờ khăn xanh thắm vẫy chào ta

    Có lẽ tuổi nhỏ ít hiểu biết, có lẽ là những năm tháng trong trắng ấy, tâm hồn trong trắng đang phát triển, những năm 50 tôi chưa bao giờ thấy biển, chưa bao giờ được đi lên hạm tàu, lại càng chưa làm lính thủy, ấy thế mà hễ hát bài ca này lại thấy lòng xao xuyến, như chính mình đang ở hoàn cảnh đó, tâm hồn bay bổng. Tại hải cảng trong màn sương đêm, trước mặt là biển cả mênh mông bát ngát, sắp bắt đầu ra khơi xa, sau lưng là thành phố thân yêu, cô gái mến yêu đang vẫy chiếc khắn xanh tiễn biệt. Sao mà đẹp và thương cảm bùi ngùi đến thế, sao mà cao cả mà lại dịu hiền, bịn rịn mà lại tự do đến thế! Giai điệu ấy, tiết tấu ấy, chính là đang biểu đạt cái xốn xang của thủy triều và nhịp đập trái tim. Hơi thở của biển cả và thủy thủ, sương đêm và vẫy chào của chiếc khăn. Tôi không tách bạch được tiếng hát, tiếng thủy triều và tiếng của trái tim....

Vương Mông(Nhà văn Trung Quốc )
Trích "Sớm mai chúng tôi ra khơi xa"



 

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

NHỚ HÀ NỘI VÀ CÁC BẠN!


Nhớ những ngày cuối thu và đầu đông hiu hiu gió lạnh... ở Hà Nội. Từ nơi xa, mình gửi các bạn 1 vài bức ảnh kỷ niệm.....

Vẫn còn lưu luyến mãi....

Nhà bố mẹ bạn Học (10H)


Tạm biệt Hà Nội...


 
Tạm biệt TP HCM....


Chiều hoàng hôn ở hồ Tây với ánh nắng cuối ngày. Chỉ chậm 1 chút là sẽ không còn giọt nắng nào nữa, hì hì...

Thân mến!
VND (10A)

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Những điều thú vị về Canada mà có thể bạn chưa biết


THAY LỜI MUỐN NÓI NGÀY 20.11
Xin chuyển những ý tưởng về thực tế cao quí nhất của môi trường và hệ thống giáo dục chung đến thầy cô giáo và quí vị có kiêm nhiệm trách nhiệm trong công tác giảng dạy cho thế hệ sau.

Những điều trông thấy mà vui
Những điều nghĩ tới mà ........


1.  Thiện nguyện

Tháng nào thằng bé cũng mang về cái thư của trường báo có ngày sinh hoạt ngoại khóa không bắt buộc: đi xem kịch, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, di sản văn hóa, thảo cầm viên, vườn thú... Nếu bố mẹ đồng ý cho con đi thì ký vào giấy, nếu cháu nào thích đi mà gia đình không có khả năng trả tiền vé thì nhà trường sẽ cấp vé cho cháu miễn phí. Phụ huynh nào có nhã ý tham gia đi theo thiện nguyện giúp thầy cô giáo trông các em cùng thì phải đăng ký trước và tự trả tiền vé cho mình. Sẵn lòng đi giúp không công, tự chi trả cho mình mà vẫn còn hồi hộp vì luôn có quá nhiều người sẵn sàng giống mình, nhiều khi trường phải cho những người thiện nguyện bốc thăm chọn chỉ lấy bốn người cho mỗi lớp 25 cháu. Khó thay để được làm thiện nguyện ở xứ sở được mệnh danh là thiên đường của "vị kỷ" và "cá nhân chủ nghĩa" này!
 
2.  Stop Sign

67 là tuổi nghỉ hưu. Nhiều người già không muốn cho phần đời còn lại vô nghĩa xin thành phố cho làm việc thiện nguyện. Việc của họ có thể là cầm cái biển dấu hiệu "STOP" ra trực các ngã tư để dẫn học sinh qua đường lúc 8-9h sáng; 12-1h trưa và 3-4h chiều là giờ các cháu đi, về học. Mùa hè ấm áp thì học sinh được nghỉ hè. Thân già, giữa mùa đông tuyết giá ra đứng đường trông trẻ là cả một cố gắng. Cuộc sống thật có ý nghĩa hơn khi nó không phải chỉ cho mình.
 
3.  Dọn nhà

Mấy năm trước tôi dọn đến ở khu vực cũ kỹ của thành phố. Trên trăm tuổi đã được coi là lâu đời vì Canada cũng mới có 145 tuổi. Dọn về đây vì tôi thấy thú khi thấy cái tòa thị chính cũ bé tí tẹo chả nhỉnh gì hơn cái nhà dân thường trong khu. Trong khi đó các trường cấp 1, 2, 3 là các tòa lâu đài thật đồ sộ, vật vưỡng to gấp cả trăm lần tòa thị chính. Nhà thờ tuy to thứ hai sau trường học mà cũng chỉ bằng 1/20 khuôn viên trường. Các ngân hàng, cửa tiệm không bằng cái móng tay so với trường. Mỗi nhà dân chỉ được xây cất xấp xỉ ½ diện tích đất của mình vậy mà tổng diện tích cây xanh, công viên, hồ, đường xá bên ngoài vẫn chiếm tới 70% toàn khu vực. Cảm ơn các tiền nhân Canada đã mở mắt cho kẻ hậu bối thật nhiều điều.
 
4.  Chapters

Là cửa hàng sách. Một tòa nhà cổ lộng lẫy ở một vị trí cực kỳ đắc địa là đón lõng toàn bộ học sinh mấy trường phổ thông. Ai qua đây cũng có ba việc có thể làm là mua sách, ngắm sách hoặc là lấy bất kỳ cuốn nào, mới tinh, thơm mùi mực in ra ngồi ở bất kỳ cái ghế bọc da hay nỉ êm ái nào trong cửa hàng và nghiền đến lúc nào xong rồi trả sách lại về giá rồi ra về. Nếu chưa đọc xong mai cửa hàng mở cửa lại ra đọc chùa tiếp. Xin mời cứ tự nhiên, vô tư. Yêu khu vực dân cư mà những tòa nhà lớn nhất là trường học, bệnh viện, thư viện bao nhiêu thì càng thấy yêu sự tế nhị và hào hiệp trong nghiệp kinh doanh của Chapters bấy nhiêu. Tri thức cũng như thương mại là cái không phải cứ ép mà được.
 
5.  Kỳ thị

Mark sinh ở Chicago. Từng rất cố gắng làm việc từ bồi bàn, dọn dẹp, bán hàng để góp thêm tiền trả học phí đại học và sau đó là... bảo vệ thành công hai bằng tiến sỹ. Một âm nhạc và một về nhân chủng học. Hai hướng đi chả có gì gần nhau nhưng đó là ý thích của anh từ bé muốn hiểu rõ về giống người và âm thanh. 13 năm cuộc đời để làm hai cái Ph.D. rồi chàng yêu và lấy một cô Canada. Hiện nay người trung niên da trắng gốc Mỹ ấy là giáo sư của hai trong ba đại học của Toronto. Vợ bảo lĩnh anh sang Canada theo diện hôn thê. Mark mới nói với tôi là anh thật hạnh phúc vì cuối cùng Bộ công dân và di trú Canada đã hết nghi ngờ anh và anh vừa nhập quốc tịch. Một minh chứng sống cho việc không phải chỉ vài sắc dân châu Á bị nghi ngờ tìm cách vào Canada theo con đường hôn thê dởm.
 
6.  Giáo viên

Chưa yên tâm hành nghề giáo sư đại học; từ khi có con Mark mới thấy là mình thích thành giáo viên. Để làm giáo viên ở Ontario thì dù là giáo sư anh vẫn phải đi học thêm một năm sư phạm nữa. Nhiều khi gặp các thầy cô ở trường phổ thông hỏi họ trước làm nghề gì. Nhiều người nói là tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư cao cấp... Động cơ nào khiến họ từ bỏ công việc thu nhập cả vài trăm ngàn, học lại ra làm giáo viên với lương chỉ 50-80 ngàn$/năm. Tiền bạc không thể lý giải nổi thì chắc động cơ chỉ còn là niềm đam mê.
Khi tới Canada định cư, ở sân bay tôi được phát tờ quảng cáo của chính phủ hướng dẫn là có ba nghề rất được tin cậy và tôn trọng ở đây là giáo viên, cảnh sát và bác sỹ. Vào quốc tịch cần có người biết mình từ ba năm trở lên chứng nhận và danh sách hàng đầu những người có thể ký chứng nhận không phải là tiến sỹ hay giáo sư nọ kia ... mà là ba nhóm người hành nghề trên.
 
7.  Răng đẹp

Canada không cho phép tư nhân hóa y tế cơ bản. Không có bệnh viện tư, y tế không mất tiền. Tuy nhiên y tế công không bao thẩm mỹ. Và răng lợi được coi là làm đẹp nên phải tự trả tiền túi hoặc bảo hiểm trả. Làm giáo viên ở Ontario có chế độ bảo hiểm răng thật trên mức tuyệt vời. Khi đi khám nha sỹ rất thích đè thầy cô ra chữa răng, miệng. Lo cho thầy cô luôn có hơi thở thơm tho, nụ cười được nở trên mặt cùng hàm răng đều trắng trẻo sẽ giúp các thầy cô thêm tự tin và duyên dáng trước các công dân tí hon của đất nước.  

8. Vui

Hôm nào đón con đi học về tôi cũng hỏi là ở trường hôm nay thế nào? Vui lắm bố ạ. Cô giáo của con năm nay thế nào? Cô giỏi lắm bố ạ. Sao năm nào con cũng khen cô giỏi, thế không có ai kém à? Không! Họ đều giỏi theo những cách khác nhau.
Đứa khác hôm nào tối mịt cũng mới thấy mặt. Hỏi sao con về muộn thế? Bố ơi hôm nào về nhà thấy trời còn sáng con thấy tiếc như mình còn chưa sống trọn vẹn đủ một ngày. Chúng con bây giờ là người Type A tức là người học hết mình nhưng chơi còn hết mình hơn. À ra thế! Nhà trường đã thành công khiến chúng học như chơi và chơi như học.
 
9.  Thời tiết

Để làm quen, dân Anglo-Saxon thường bắt chuyện từ thời tiết. Tôi thích mùa xuân vì sau cơn ngủ đông cây ra cả trăm màu xanh của sự sống dâng trào. Mùa thu ngắn như người đàn bà hồi xuân khao khát cháy hết những rạo rực còn lại trong đời. Mùa xuân thong dong như gái mười tám đôi mươi còn dài đường tính. Các danh họa Canada trong Group of Seven thật nổi tiếng nhưng chưa ấn phẩm thu nào của họ sắc nét bằng Golden Autumn của Levitan. Mùa thu nước Nga đã thật mê hồn, nhưng mùa thu Canada còn đầy hấp lực hơn. Vì ở Nga cây chủ đạo là bạch dương trong khi ở Canada cây chủ đạo là cây phong. Mà phong đa dạng hơn bạch dương nhiều lắm. Các lá phong vàng đỏ bay trong gió như những bàn tay nhỏ vẫy chào thế gian đầy lưu luyến. Thật hay là lá còn đang rất tươi và đang độ đẹp đã rời cành. Không đeo bám dai dẳng với quyền lực tới khô đen như nhiều chính trị gia già nua trên thế giới này.
 
10.  Mẹ

Các tiếu lâm dòng chính bên này khai thác chuyện con rể mẹ vợ. Còn bên ta chủ đề "hot" là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Ở đây, dù là mẹ, nhưng chèn vào tự do của con cũng bị chê cười.
 
11.  Khóa cửa

Mấy lần đổi nhà thinh thoảng có người hỏi là có thay ổ khóa cửa không? Tôi hỏi thay làm gì nhỉ khi bên này hai cái thượng tôn nhất, quí nhất là quyền tự do và quyền tư hữu thì đều hiện diện và được bảo vệ chu đáo như nhau cả ở trong nhà cũng như ngoài đường.
 
12.  Dân chủ

Ở châu Âu 70% dân chúng ở nhà thuê. Ở Mỹ người ở nhà của mình là 65,4%. Còn chủ nhà Canada chiếm tới hơn 70% dân số. Tại Ontario các mâu thuẫn của người chủ nhà và người thuê nhà do tòa Landlord and Tenant Board giải quyết. Nếu người thuê kiện người chủ thì người thuê nộp lệ phí tòa là $50 và có luật sư miễn phí cãi hộ tại tòa. Nếu người chủ kiện người thuê thì lệ phí tòa là $150 và phải tự đi thuê luật sư với giá tối thiểu $1000/ngày.  
 

13.  Công bộc

Ở Canada nếu thấy xe cảnh sát nháy đèn ngay sau xe bạn thì phải tấp xe vào vệ đường, đánh đèn hỏng, rút bằng lái và giấy tờ bảo hiểm xe ra, hạ cửa kính bên phía người lái xuống, để hai tay lên vô lăng và ngồi chờ. Cảnh sát sẽ tới, cúi chào bạn trước sau đó xin cho xem giấy tờ rồi họ về xe cảnh sát. Khoảng 15 phút sau họ quay lại xe bạn trao trả giấy tờ và phiếu phạt. Giải thích nội dung bạn vi phạm và quyền của bạn rồi chào bạn, đường ai nấy đi. Nếu đồng ý mức phạt bạn trả ngay trong vòng 14 ngày. Nếu không bạn ra tòa. Ra tòa phần đông vì mong cảnh sát vì lí do gì đó không ra thì mình sẽ trắng án. Cậu em tôi cũng thử ra tòa. Rủi thay là chàng cảnh sát đó cũng lại ra. Khi tòa hỏi cậu có muốn đối chất với cảnh sát xem ai sai không thì cậu thấy chả có gì để nói vì cảnh sát đúng. Vậy mà viên cảnh sát đó (đã thay cảnh phục sang comlê đen cà vạt tuyệt đẹp) lại đứng lên nói với tòa: hôm nay tôi đến đây để muốn xin quan tòa cho anh ấy giữ nguyên mức tiền phạt, nhưng không cắt điểm vì trong sổ công tác tôi có ghi chú lại là anh ấy hành xử rất lịch sự lúc nhận phiếu phạt. (Không cắt điểm thì không bị bảo hiểm xe tăng giá). Cậu em kể lại và chua thêm sao bọn này nó đào tạo "đầy tớ" tốt mà lại ít thế nhỉ, chỉ cho có mỗi 2 tên đày tớ trên 1000 dân.
 
14.  Chết

Mẹ của cô giáo Doris vừa mất. Ôm chúng tôi cô khóc kể khi chỉ còn nửa bước nữa là tới cửa thiên đường, cụ bỗng mở mắt, nhìn tám người con nuôi và con đẻ đang không cầm được nước mắt vây quanh giường, cười và nói: Các con, mẹ đã sống một cuộc đời vô cùng hạnh phúc. Sau chiến tranh thế giới II dân miền nam nước Ý nghèo đói chỉ làm nông nghiệp và băng đảng đã di cư sang Canada. Là một nông dân chỉ quen cày cuốc ít học mà mẹ đã có các con phương trưởng làm giáo viên, bác sỹ, luật sư. Mẹ sắp được gặp bố. Các con phải vui và chúc mừng cho mẹ đi chứ?
Đúng là:

"Người dưới vực sâu còn cứu kẻ trên bờ
Nếu dưới vực sâu còn dũng khí" 

 
15.  Lời hứa
 
Tôi thường hay tản bộ ra High Park hay Rennie Park. Thiên nhiên mùa nào cũng có bộ cánh tuyệt đẹp. Mùa xuân rạo rực với cả triệu triệu bông anh đào đua sắc. Mùa thu thanh thản suy tư cùng đàn thiên nga trắng muốt lượn lờ trong hồ. Hai công viên này có đủ thứ từ vườn thú, sân tennis, bể bơi, sân trượt băng...Và tất cả đều miễn phí. Khởi đầu là hai người giàu có trước khi chết hiến tặng lại gia sản cho thành phố với điều kiện thành phố chỉ được dành cho đại chúng và không được thu phí gì kể cả chỗ đỗ xe. Hàng trăm năm qua thành phố luôn giữ lời.
 
16.  Phương tiện
 
Hôm nọ có việc phải ngó vào hồ sơ của hai người hành nghề kiểm toán. Chồng báo kiếm $12,000/tháng, vợ $18,000. Ba mươi ngàn $/tháng, nhà trả hết, Visa Master Cards không nợ và... không có ô tô. Giờ nhiều hãng cho mua chịu ô tô trả dần từ 3-5 năm có 0% lãi xuất. Gặp họ tôi hỏi họ di chuyển như thế nào? Họ nói chúng tôi chỉ dùng xe đạp và đi bộ.
Anh bạn mới sang Canada họp hội nghị khoa học ở trường Tổng hợp Toronto vào phòng chủ nhiệm khoa thấy bề bộn sách vở và chình ình giữa phòng là ... cái xe đạp. Ồ ra xứ này đang chuyển giao biểu tượng. Người giàu đi bộ, xe đạp, người nghèo ôtô. "Đổi mới" để làm gì nhỉ? Có minh chứng hùng hồn để rao giảng là từ những năm 80 ta đã có phương tiện ngang tầm dân giàu Canada của tận năm 2012 rồi mà?
 
 
17.  Chùa
 
Tháng 9/2012 ra sân bay tiễn vợ về Việt Nam. Nhìn thấy một em trung tuổi mặt mũi khá sạch nước cản đang gọi điện thoại bằng tiếng Hoa. Hết cú điện thoại bỗng em đon đả bằng tiếng Việt: Anh về Sài Gòn? (à ra em là người Việt gốc Hoa) Không anh chưa, ra tiễn vợ về Hà Nội thăm nhà thôi. Em tưởng anh về dự hội nghị Việt kiều lần II. Có gì hay ở đó hả em? Được xe đưa đón và bao ăn ở khách sạn sang toàn bộ. Em sang Canada bao năm rồi? 30 năm anh ạ. Em làm nghề gì? Em làm công ty bảo hiểm. Trời ạ. Em có công ty riêng, thành đạt ở một xứ giàu có 30 năm về còn hí hửng khoe được bao đi lại và ăn ở. Em không tự lo được nổi cho mình mấy cái vặt vãnh đấy sao?
 
18.  Thủ lĩnh
 
Canada có ba đảng chính trị tầm vóc quốc gia. Hữu là Bảo thủ. Tả là Tân Dân Chủ và khuynh tả là Tự Do. Bảo thủ được coi là đảng của người giàu vì nhiều người giàu là đảng viên của đảng; nhưng phần lớn nông dân và binh sỹ cũng tham gia đảng này. Đường hướng của đảng này là nhà nước hãy can thiệp ít nhất vào cuộc sống của dân chúng, giảm thuế sẽ cùng giảm sự bao biện của bộ máy công quyền. Stephen Harper - đảng trưởng Bảo thủ- người đàn ông lên đỉnh cao quyền lực từ năm 2006 khi 46 tuổi theo đánh giá của dân Canada qua 3 lần liên tiếp thắng cử cũng "not too bad" ( không quá tệ)! Về đối nội ông liên tục giảm thuế cho dân chúng và các công ty, dẫn Canada vững bước phát triển qua cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ toàn cầu. Về đối ngoại, (...) ông từ chối tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Mới đây là nước phương Tây đầu tiên dẹp luôn tòa đại sứ của mình tại Iran và đuổi toàn bộ nhân viên sứ quán Iran ra khỏi Canada. Đêm Stephen Harper đắc cử lần đầu, báo chí Canada chạy tít Thủ tướng Tim Hortons. Tim Hortons là loại cà phê rẻ tiền của Canada (coi như đẳng cấp chè vối của Việt Nam) vì Harper không có tài sản gì đáng kể ngoài cái ôtô cũ và căn hộ nhỏ. Trong khi người mà ông đánh bại là Paul Martin - thủ tướng tiền nhiệm- là thủ lãnh đảng thiên tả Tự do lại là chủ hãng vận tải biển có tài sản trên 70 triệu đô.
 
19.  Ồ Canada!
 
Khi mới tới đây định cư, cảm giác đầu tiên là sao cái đất này cái gì cũng nhẹ nhàng, thiếu quá chất hào hùng kể cả từ bài quốc ca. Ồ Canada cứ như một khám phá nhỏ dịu dàng đến ngỡ ngàng.
Vậy mà ở càng lâu càng thấy sao câu thơ lại chỉ thấy đúng đến thế ở nơi cách xa quê hương của tác giả tới nửa vòng địa cầu lận:
 
"Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào..."

 
HoànTV st

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Truyện cực ngắn, đọc... sao cay mắt quá !


Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường quành quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến đám cưới tôi, ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa. Ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...

Lòng tin
Xe ngừng…
- Mận ngọt đây! ...
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.

Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?", bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ.
Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.
Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là: "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận".
Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố...

Nhạt
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã. Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm.
Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn. ...
Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo, kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt. Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...

Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô. Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: "Sao không đón nội?"
Bố bảo: "Bận quá!"
Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai.
Bố bảo: "Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách...."

Ba
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: "Có dư đồng nào không con?”
Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”.
 Ba nói tiếp: "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

( BáTrần giới thiệu- tintuccaonien )

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Cuoi Thu o Berlin



Than tang cac ban chum anh cuoi Thu o Berlin, chuc cac ban cuoi tuan vui khoe va hanh phuc.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Tư thế khó ?

Lang thang trên mạng tìm thấy được mấy tấm ảnh của ĐBaothai.

A1:?
 
A2:?
 
A3:?
 
A4:?
 
Xin một lời bình nhé :
1 – Đứng phải chắp tay?
2- Ngồi cũng chắp tay ?
3 - Cả hai cùng phải chắp tay?
4- Giữa rừng giữ cho chặt sợ gió bay ?

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

TÂM SỰ NHÂN NGÀY 20/11


Chuyện xẩy ra cách đây thật là lâu rồi, Hồi tôi còn học lớp 1, lúc đó tôi học thầy Như. Thầy bị khuyết tật chân đi khập khiểng, nhưng thầy cực kỳ thương và  hết lòng vì học sinh. Tôi nhớ hồi đó thầy ở khu Ngọc Hà, Đội Cấn gì đó, vì thỉnh thoảng đi chợ Ngọc Hà tôi vẫn nhìn thấy thầy. Rồi thời gian thấm thoát trôi qua, tôi không còn học thầy nữa, nhưng gặp thầy là tôi chào thầy từ xa, hồi đó chắc ai cũng vậy, Lâu quá rồi tôi không nhớ rõ là đến lớp mấy chắc khoảng lớp 3, 4 gì đó, có 1 lần tôi thấy thầy đi xe đạp, không biết sao tôi làm lơ không chào thầy và nghĩ rằng quá lâu chắc thầy cũng chẳng nhớ mình là ai đâu. Tôi đi qua thầy và lén nhìn lại tôi thấy thầy cũng quay lại nhìn và tự dưng tôi cảm thấy mình có lỗi thật lớn và suy nghĩ đó cứ dằn vặt tôi cho đến bây giờ "tại sao tôi không chào thầy?" Tại sao?
Không biết giờ người thầy đó ở đâu để tôi được xin lỗi. Nhiều lần ra Hà Nội đến khu Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Hà, Đội Cấn tôi lại tìm thầy, nhưng đều không gặp. Tôi tin rằng giờ đây tôi và thầy cùng già khó mà nhận ra nhau, nhưng với đặc điểm của thầy thì chắc chắn tôi nhận được ra thầy.
Kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp phổ thông, tình cảm của K22 và tình thầy trò càng làm tôi không thể tha thứ cho mình được. Mong rằng chúng ta nay có người đã là ông, bà nội ngoại rồi, hãy giáo dục cho con cháu lòng Tôn sư trọng đạo các bạn nhé.
Xuân Hải 10a

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Cô giáo và học trò lớp 5

Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ.
 Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".
Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém).
Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo phụ trách lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ". Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".
  Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xạm màu mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa".
Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em".
 Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em".
 Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời".
Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể.
Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ".
Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chỉ biết thế nào là dạy học kể từ khi cô được gặp em".
 
ĐHĐ st

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

VÙNG PHẤN BAY

Phi Tuyết Ba 


Hình như... thầy chẳng khác xưa 
 Ba lăm năm trước... thầy đưa qua đò 

 Dòng sông kiến thức sóng xô 
 Mỏng manh trang vở học trò trắng tinh 
 Em cầm cây bút đời mình 
 Thầy cầm phấn trắng chắc tình quê hương 

 Đất trời trang trải mấy phương 
 Nắng, mưa, sương, gió... biết thương đời thầy 
 Sông bao nhiêu nước... sông gầy 
 Cánh đồng gieo chữ... đợi ngày hoa non 

 Bao nhiêu viên phấn đã mòn 
 Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung 
 Nước trôi về xứ vô cùng 
 Thương thầy ở lại một vùng phấn bay 

 Trang trời xanh thẳm hôm nay 
 Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu 
 Sông đời bất chợt nông, sâu 
 Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm.

 ==================== 
Nguồn: Thơ thời áo trắng, NXB Đồng Nai, 2005 
http://www.vietnamsingle.com/f_view.asp?CID=1030&QID=64886&PageSize=Viewall

Tôn sư trọng đạo

 
Bụi phấn hôm nào rớt xuống tay
Giờ đang vương trắng tóc mai thầy
Bao năm chữ luyện gân còn chắc
Mấy thuở tâm rèn trí vẫn hay
Việc nghĩa lo toan còng dáng mỏi
Lòng nhân vun đắp trĩu vai gầy
Tôn sư kính chúc người luôn mạnh
Trọng đạo trò nguyền đức gắng xây


Thu Phong

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Chúc Mừng Ngày Lễ Hiến Chương Các Nhà Giáo Việt Nam




CHÚNG EM KÍNH CHÚC THẦY CÔ CÓ NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NIỀM VUI!




Một mùa thu như bao mùa thu trước
Nắng hồng lên trong mắt biếc học trò
Phấn trắng, bảng đen, nét mực thầy vẫn đỏ
Sao con tìm mà chẳng thấy ngày xưa...


Thời gian qua, mùa thu nay có khác
Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sâu
Nghĩa thầy cô một đời không trả hết
Dẫu đời con qua biết mấy nhịp cầu.


Trang giáo án bao năm thầy vẫn mở
Mà tập bài thầy chấm đã khác xưa
Chúng con đi, biết khi nào về lại
Có bao giờ tìm được thuở ngây thơ...


Mùa qua mùa, bụi thời gian rơi rắc
Nên tóc thầy một sáng bỗng bạc thêm
Trời xanh vẫn bình yên ngoài cửa lớp
Chữ nghĩa tình muôn thuở chẳng nguôi quên.


VND st

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

DELETE ‘TINHYEU’?


Của : Nguyễn Thế Hoàng Linh

are you sure you want to delete‘tinhyeu’?

giá tình yêu save được
error thì load lại chẳng bận lòng
giá tình yêu delete được
chán
hắt xì một cái
thế là xong

tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ
có một lần tôi làm thơ trên máy tính
và đặt tên file là “tinhyeu”
khi không hài lòng tôi định xoá
cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm hỏi tôi:
“are you sure you want to delete ‘tinhyeu’?”
tôi đã rùng mình
bạn ạ

(xuanhoanews)

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Chó làm bạn với đười ươi

Chúng ta đã biết nhiều câu chuyện về tình bạn khác loại. Nay lại thêm một câu chuyện nữa. Đó là chuyện về tình bạn độc đáo giữa chú chó Roscoe và cô đười ươi có tên Surya ở vườn thú Nam Carolina. Một bức ảnh thật ngộ nghĩnh. Hai con vật khác loài đang xem chung một cuốn sách có tựa đề là “Surya & Roscoe” - một câu chuyện thật. Sách đang bán chạy tại Mỹ, kể về hai nhân vật là Roscoe và Surya.

Roscoe là một chú chó vô gia cư. Một hôm, đang lang thang, Roscoe ghé vào sở thú bang South Carolina. Các nhân viên thương tình cho chú ăn. Vòng quanh sở thú chán, chú dừng lại ngồi nghỉ dưới gốc cây. Surya – tên cô đười ươi cái từ đảo Borneo sang đây đã vài năm, đang buồn vì không có ai thân thích - lân la làm quen người bạn mới. Cách làm quen thật ấn tượng. Cô treo ngược trên cây, thả mình xuống, khoác vai Roscoe.

Thấy Roscoe gầy gò và hơi… hôi, Surya dẫn chàng trai đi tắm, kỳ cọ cho chàng.

Lại lôi cà chàng xuống hồ, bắt rận và “giặt giũ” bộ lông cho thật sach sẽ. Chàng coi bộ “bảnh” hẳn lên

Rồi cả hai lên bờ sưởi nắng. Từ đó họ trở thanh đôi bạn thân thiết, đi đâu cũng có nhau

Surya thường dẫn Roscoe lên một chiếc cầu cao ngắm cảnh, mà nếu không có cô bạn gái, chàng chẳng dám trèo lên, sợ ngã

Tình bạn của họ đâm ra nổi tiếng, thu hút khách tham quan đến sở thú South Carolina. Đôi bạn còn sẵn sàng “tạo dáng” cho khách chụp ảnh kỷ niệm.

Có khi còn biết lôi cả bác voi làm nền để khách tham quan có những bức ảnh đẹp. Đôi bạn trở thành hai ngôi sao sáng giá của sở thú, được lên tivi, báo chí và có một đội ngũ “fan” đông đúc, nhất là trẻ em.

Đặc biệt, họ còn được viết thành sách, như ta thấy ở đầu câu chuyện. Đó là một cuốn sách best-seller của thiếu nhi. Ngồi bên nhau, ra dáng những nhà trí thức, cùng bình luận xem người ta viết gì về mình.

Trong một buổi họp báo ra mắt sách, chẳng lẽ không ký tặng bạn đọc theo thông lệ? Surya đành nguệch ngoạc vài nét cho có chuyện

Còn Roscoe hùng hồn… sủa để trả lời phỏng vấn, mà chẳng ai hiểu chú định nói gì. Ý hẳn chú ta cũng muốn thanh minh như nhiều “ngôi sao” khác: “Chỉ là tình bạn thôi,không phải tình yêu đâu”.

Bảo Châu ( theo Pravda)
Nguồn : Vietnamnet

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Lạc vào chốn bồng lai của sắc tím hồng

Sự đa dạng sắc màu của  không chỉ tạo ra vẻ trẻ trung tươi mát của màu lục, vẻ hiền hòa thanh bình của màu xanh hay vẻ rực rỡ nồng nàn của màu đỏ. Sắc tím đậm chất thơ cũng khắc họa lên những bức tranh thiên nhiên đẹp như trên thiên đường hay trong truyện cổ tích.
Cánh đồng hoa tím trải dài đến tận chân trời


Một màu tím ngát trải dài ở một khu vườn Nhật Bản, khung cảnh đẹp như trên thiên đường


Cực quang tím hồng - một trong những hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất trên thế giới


Một khoảnh khắc hoàng hôn rực trong sắc tím


Một con đường đan kết bằng hoa tím, nơi tổ chức đám cưới lý tưởng cho những cặp tình nhân


Sắc tím hồng nhạt của hoa sakura luôn được xem là nét đẹp tình tứ nhất vào mùa xuân


Với sắc tím hồng đậm, sakura vẫn khiến khung cảnh thơ mộng và diễm lệ như thế này


Một góc yên bình và vẫn đầy chất thơ


Chiếc cầu Moss Bridges tại Ireland khi trải lên tấm thảm tím hồng đẹp như chốn bồng lai


Một thác nước trong hang động ở Chattanooga,Tennessee


Thử tưởng tượng một ngày bạn được chèo thuyền thăm đảo Skye ở Scotland, bạn sẽ choáng ngợp trong sắc tím hùng vĩ này


Một góc nên thơ khác ở xứ sở Phù Tang


Con đường trải hoa tím hồng đi vào xứ sở thần tiên


Màu tím hoa Fuji ở Nhật Bản đẹp đến mức làm xao lòng du khách



Màu tím nhẹ phủ lên trên ngôi nhà và chiếc cầu tạo ra một khung cảnh chỉ có trong cổ tich

My Xuyên sưu tầm