Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

HOÀNG HÔN

Bộ sưu tâp: cảnh hoàng hôn ở mọi miền đất nước được một số bạn gửi về chia sẻ cùng blog
 

Ảnh 1:Hồ tây Hà nội
Ảnh 2: Hoàng hôn tại Nha trang
 
Ảnh 3 : Hồ Ba bể

Ảnh 4 :Tai Bắc cạn


Ảnh 5 : Bãi sau Vũng tàu
Ảnh 6 : Trên thành cổ Salzbung- Áo



Ảnh 7 : Canberra  Úc



Ảnh 8: Ở Hawaii-Mỹ



Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Rạng ngời bao ký ức
về những ngày thu Cách mạng*



Phương Mai 

Đại tá Trần Quang Thường tham dự triển lãm tranh về người lính ( tháng 8/2012 )
Rạng rỡ! Đó là ấn tượng sâu đậm lưu giữ trong chúng tôi về gương mặt hai người cựu chiến binh già khi nhớ về mùa thu lịch sử 1945. Đó cũng là cảm giác đọng lại sau câu chuyện với những nhân vật đã trực tiếp sống và trải nghiệm khí thế hào hùng của cả dân tộc ngày ấy.

67 năm qua đi, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng những ký ức về ngày độc lập của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm thức Đại tá Trần Quang Thường, nguyên Cục trưởng Cục Xây dựng (thuộc Tổng cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng) và cựu quân nhân Vy Thị Nhung, nguyên cán bộ bệnh xá Quân khu I.

“Tổ quốc ta đây rồi!”

Trong căn phòng khách nhỏ giản dị tại tư gia ở 12B phố Lý Nam Đế (Hà Nội), ánh mắt rạng ngời niềm tự hào, Đại tá Trần Quang Thường xúc động ôn lại những ngày hòa mình vào không khí sục sôi của cả nước để có được ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khi ấy, người lính trẻ Trần Quang Thường tham gia Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với vai trò trung đội trưởng chỉ huy một cánh quân hoạt động ở khu vực núi rừng Yên Thế.

“Không cần kể chắc ai cũng hiểu cuộc sống, điều kiện chiến đấu của quân dân ta những năm ấy khó khăn đến nhường nào. Đơn vị của tôi lại hoạt động sâu trong rừng nên càng khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Sau ngày Bắc Giang giành chính quyền, tôi mới hay lệnh Tổng khởi nghĩa đã được ban hành trong cả nước,” ông Thường chia sẻ.

Rung rung chòm râu bạc, người cựu chiến binh nhớ lại: Nếu không có buổi sáng ngày 19/8 chủ động tới căn cứ địa trước đây của quân ta ở Phồn Sương để tìm hiểu tình hình thì có lẽ, ông cũng chưa biết được thông tin quan trọng ấy. Ngỡ ngàng! Vui sướng!

“Nhiều anh em đã tếu táo đùa tôi rằng: đúng là người… rừng,” dõi đôi mắt nhòa lệ về phía  tấm ảnh chụp những người đồng đội treo trên tường, giọng nói mừng vui xen lẫn nghẹn ngào như đang sống lại những cảm xúc xưa, ông kể.

Cũng chính trong buổi sáng hôm đó, ông đã gặp một gã ăn mày đầu tóc rối bời, quần áo rách rưới, người mà về sau ông mới biết chính là đồng chí Phan Mỹ, thư ký riêng của đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đó.

Ông đã nhận từ người ăn mày một bức thư hỏa tốc là một mẩu giấy nhỏ cuộn tròn, kẹp vào một chiếc lông gà và để trên một quả ớt với nội dung: “Đã có lệnh tổng bộ khởi nghĩa, đồng chí theo đồng chí giao liên (ZT) về Thái Nguyên/ Ký tên: Văn [Bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp - PV].”

Nhìn ánh mắt ngơ ngác của chúng tôi, ông cười - một nụ cười bao dung - rồi chậm rãi nói: “Chiếc lông gà và quả ớt là mật hiệu của thư hỏa tốc với ý thư đi nhanh như bay, bỏng như ớt.”

“Làm cách mạng chỉ có những nguyên tắc nằm lòng: tuyệt đối bí mật, tuyệt đối chính xác, tuyệt đối sẵn sàng. Chúng tôi lập tức lên đường bất kể đêm tối hay mưa gió; có những lúc chân như khuỵu xuống vì đường trơn hay vấp phải đá,” giọng ông như rắn rỏi, mạnh mẽ  hơn khi kể về cuộc hành quân ấy.

Người trung đội trưởng trẻ trung năm xưa giờ đã là một ông cụ ở ngưỡng tuổi 95 nhưng khẩu khí vẫn đầy hào sảng khi kể rằng: Hành quân tới được đường số 3, nhận tin nhiều địa phương trong cả nước đã giành chính quyền, cả trung đội không kìm chế được niềm sung sướng. Tất cả ôm chầm lấy nhau rồi… nằm lăn ra đường, hướng lên trời xanh hét vang: “Tổ quốc ta đây rồi!”

Ngày trọng đại 2/9/1945, không được có mặt trực tiếp ở quảng trường Ba Đình nhưng trong lòng những người chiến sỹ ấy vẫn ngời lên niềm tự hào đã góp phần công sức làm nên ngày lịch sử ấy của dân tộc.

Tiếp tục mạch câu chuyện, giọng trầm ngâm, ông Thường xúc động nhớ lại: “Cả mấy đại đội chúng tôi khi đó chỉ có chung nhau một chiếc đài radio cũ rích, loa rè rè, vỏ ngoài hoen gỉ vết thời gian. Tất cả như nín thở để cùng lắng nghe những thông tin được phát đi về buổi mít tinh lịch sử ấy.”

Không gian lặng phắc của ngôi nhà nhỏ cuối con ngõ như càng khiến giọng kể của người cựu binh vang vọng hơn.

Ký ức sáng thu xưa…

Những người ở xa một lòng hướng về Hà Nội ngày thu lịch sử ấy. Những người trực tiếp tham dự buổi míttinh ấy cũng lặng đi, vỡ òa trong niềm vui sướng mà không kìm nổi nước mắt.

Bà Vy Thị Nhung, người đã vinh dự được đại diện cầm cờ cho đội tuyên truyền giải phóng quân trong lễ duyệt binh sáng 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, đã nói như vậy khi hồi tưởng lại không khí của buổi sáng thu ấy.

Trong không gian thanh bình của những ngày thu này, thấy phố phường rợp bóng cờ hoa, lòng người cựu chiến binh lại rạo rực hồi tưởng lại không khí tưng bừng, phấn khởi của ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Cảm xúc ùa về, dâng trào xúc động…

“Buổi sáng hôm đó, từ rất sớm, hàng vạn người đã có mặt ở quảng trường Ba Đình. Áo trắng, cờ hoa phấp phới! Dường như ai cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất trong ngày độc lập. Người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng chung một cảm xúc,” nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hằn in vết thời gian, bà xúc động kể.

Trong ký ức của bà, đó là một không gian vừa trang nghiêm vừa gần gũi, xúc động. Sau câu nói: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?” đầy trìu mến, chan chứa tình yêu thương của Bác, tất cả như vỡ òa.

“Mỗi câu nói của Bác vang lên, tôi thấy như có làn sóng rạo rực chạy dọc cơ thể. Xúc động! Nghẹn ngào!” một tay nắm chặt chiếc gậy, một tay đặt trước ngực, giọng bà run run.

Không giấu được niềm xúc động, bà chia sẻ: Cuộc đời bà đã trải qua nhiều bước thăng trầm, chứng kiến nhiều sự kiện được coi là bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, nhưng không điều gì để lại ấn tượng, sự xúc động sâu săc trong bà bằng câu nói đó của Bác cũng như không khí tưng bừng, phấn khởi của mùa thu ấy.

“Thật khó để tìm được ai không rơi lệ trong buổi lễ hôm đó. Những người quân nhân như chúng tôi đã thực sự phải kìm lòng để không khóc nấc lên, để giữ được tác phong trang nghiêm khi diễu binh qua lễ đài. Giây phút đó, tim tôi đập nhanh hơn, bàn tay nắm chặt,” bà bồi hồi nhớ lại.

Bà kể, có những cụ già lưng đã còng gập xuống vẫn cố ngước đôi mắt đẫm lệ về phía lễ đài, cố giơ cao đôi tay khẳng khiu, yếu ớt vẫy chào đoàn diễu binh.

“Mỗi độ thu về, tôi như được sống lại không khí hào hùng những ngày lịch sử ấy; thấy mình như được tiếp thêm một nguồn sức mạnh tinh thần mới,” nhấp ngụm trà để lắng sâu những xúc động bồi hồi, bà Nhung tâm sự.

Giữa những tất bật, lo toan của nhịp sống hôm nay, mỗi người có những cách thức riêng để lưu giữ cho mình những ký ức, nhưng tất cả đều gặp nhau ở vẻ rạng rỡ khi hồi tưởng lại mùa thu cách mạng. Vẻ rạng rỡ làm ngời sáng gương mặt những người cựu chiến binh già, xoáy vào lòng thế hệ trẻ niềm tự hào về quá khứ và vững tin vào tương lai./.
BàngHS st


============
* Về cụ thân sinh bạn Trần Tuyết Lan
Xem thêm:
1.   http://my.go.vn/g/NewClubComment.aspx?ti=40626&ci=24833&gtype=0&gid=95954
2.2 http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=10313.0
4. https://sites.google.com/site/vatlyvmd/dhia-danh-trong-tay- tien

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

TIN BUỒN

Ban Liên lạc lớp 10C kính báo:
Cụ ông Trần Quang Thường , nguyên Đại tá quân đội, cán bộ tiền khởi nghĩa, thân sinh bạn Trần Tuyết Lan(10C) đã  mất ngày 24/2/2013, hưởng thọ 95 tuổi.
Lễ viếng: từ 7h30 đến 9h00 ngày 27/2/2013.
Địa điểm: nhà Tang lễ Viện Quân y 108 (số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội).
Xin kính báo cùng các bạn.
(Lớp 10C sẽ đến viếng cụ lúc 8h00 ngày 27/2/2013).

Ban Liên lạc khóa

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Nỗi nhớ

Có nỗi nhớ nào da diết trong tim
Thổn thức trong ta những đêm dài không ngủ
Có bóng hình một đời mình ấp ủ
Sao mãi xa vời chẳng chạm gót yêu thương

Có những kỷ niệm một thời vấn vương
Vẫn còn đó trong nhau những môi hôn vụng dại
Để đêm về cõi lòng tê tái
Xa mãi rồi , biết sẽ về đâu?

Nhớ một thời kỳ ký ức đậm sâu
Tay trong tay một chiều phố vắng
Những nỗi nhớ, những yêu thương thầm lặng
Xa nhau rồi , xa cả những giấc mơ..........

Những giấc mơ bỗng hóa thành dang dở
Vỡ tan rồi , tim vỡ, tim đau.........
Và ta biết giữa dòng đời hối hả
 Mình vô tình để lạc mất nhau

Dẫu thời gian trôi chẳng phai màu nỗi nhớ
Dẫu những bộn bề chẳng vơi bớt yêu thương
Nhưng ta biết yêu thương sẽ không là mãi mãi

Ai đành lòng mãi mãi lạc mất nhau?!
Một thời hoa đỏ


TH st.

Trăm = 100 ? ba mươi sáu = 36 ?

Nguyễn Dư

Trong số những ngôi chùa cổ ít được các sách nói tới có chùa Trăm Gian thuộc tỉnh Hà Tây.
Chùa tọa lạc ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, trên một quả đồi cao khoảng 50m, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm T , được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185).
Đến đời Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây được người đời gọi là Đức Thánh Bối. Chùa gọi là Trăm Gian vì có 100 gian theo cách tính 4 cột là một gian.
Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông (1693), là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao..
Chùa còn giữ được nhiều di vật, đồ tế khí và tượng quý.
Đây là ngôi chùa đẹp về mặt kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên, nên ca dao đã có câu:
Đình So, quán Giá, chùa Thầy,
Đẹp thì có đẹp, chưa tày Trăm Gian(1)

" Trăm gian ", cái tên rất bình dân, dường như muốn nói lên vẻ "bề thế " của ngôi chùa. Nhưng có đúng là chùa có tới 100 gian theo cách tính 4 cột là một gian như Võ Văn Tường giới thiệu không ?
Nhìn tấm ảnh chụp chùa và gác chuông thì khó mà tưởng tượng được rằng chùa Trăm Gian có nhiều gian và cột đến thế .
Chúng ta hãy tạm rời chùa Trăm Gian, đi thăm một ngôi chùa khác, chùa Ninh Phúc ( tỉnh Hà Bắc ), và thử so sánh kiến trúc của hai chùa, để tạm rút ra một kết luận.
Chùa Ninh Phúc thuộc làng Bút Tháp là " một ngôi cổ tự còn lại ở miền Bắc Việt Nam, đứng vào hàng quy mô dài lớn nhất hiện nay và nổi tiếng về những tác phẩm điêu khắc và kiến trúc (... ). Phần chính của chùa nằm trong một khuôn viên chữ nhật ngang 40m, dài 80m (...). Chín tòa chùa sắp hàng hai bên hành lang dài như hai dãy phố, cộng tất cả 112 gian "(2).
Chăm chú đếm trên bức họa đồ của chùa thì thấy mỗi dãy hành lang có được 27 gian. Mỗi gian gồm " 4 cột ". Nhưng chỉ có cột đứng ở góc mới hoàn toàn là của một gian, các cột khác, tuỳ theo vị trí, được đếm nhiều lần. Nếu trừ ra hai dãy hành lang, tất cả phần còn lại của chùa Ninh Phúc, gồm 9 tòa chùa cộng với tam quan, gác chuông, bảo tháp, chỉ còn 58 gian.
Chùa Trăm Gian có mấy toà ? Tấm ảnh chụp mặt trước của chùa chỉ cho thấy một tòa, với một hàng cột gồm 8 cái. Chùa Trăm Gian bé hơn chùa Ninh Phúc, chúng ta cứ giả thử là chùa được xây theo kiểu "nội công ngoại quốc ", tức là có hai tòa ngang và một tòa dọc. Chùa không có hành lang " dài như hai dãy phố ", thì làm thế nào để dựng được 100 gian trong 3 tòa ? Ngược lại, nếu chùa có 100 gian thật thì trong lòng chùa sẽ chi chít cột, giống như bàn đinh của thầy phù thuỷ. Không dễ gì tìm ra chỗ để đặt bàn thờ và đón tiếp khách thập phương đến lễ Phật !
*
Tôi mang thắc mắc của mình đi dò hỏi xung quanh. Một bác lớn tuổi, đã có lần đến thăm chùa Trăm Gian, cười nói : " Làm gì tới ! Nhiều thì người ta gọi là trăm cho gọn, cho to ! ".
Trăm gian chỉ có nghĩa là có nhiều gian thôi.
Tiếng " trăm " ( tiếng hán việt là bách ) hay được dùng một cách khái quát để chỉ số nhiều. Trăm không phải là một số đếm chính xác. Trăm không có nghĩa là một trăm ( 100 ).
Xưa kia, nhiều làng lập hội " bách nghệ " ( trăm nghề ). Những người làm cùng nghề ( thợ mộc, thợ nề ... ) tập họp thành hội, hàng năm tổ chức lễ thánh sư ( ông tổ của nghề ), ăn uống vui chơi. Ai ở trong hội gặp khó khăn, túng bấn thì hội sẽ giúp đỡ. Hội bách nghệ thật ra chỉ quy tụ vài nghề. Chưa nghe nói có làng nào chuyên làm quá hai, ba chục nghề khác nhau.
Hàng năm nhiều làng quê miền Bắc mở hội, tổ chức nhiều trò chơi. Các trò chơi, tuy chỉ có độ mươi, mười lăm trò nhưng cũng được gọi là "bách hí " (trăm trò vui).
Ngày nay ta có nhiều " trăm " và " bách " lắm.
Ta có 3 trường đại học Bách khoa ( trăm môn ). Người Pháp khiêm tốn hơn, họ chỉ có trường Đa khoa (Polytechnique ) thôi.
Tại các thành phố lớn, những lúc nhàn tản, người ta đi bách bộ ( trăm bước ), ngắm nhìn các cửa hàng bách hoá ( trăm món hàng ). Nếu kể hết các mặt hàng lặt vặt, từ cái kim, cuộn chỉ, cục phấn, thì đôi khi cũng lên đến 100 thật đấy.
Những hôm trời nóng bức ai chả thích đi dạo vườn bách thú (trăm giống thú vật ), bách thảo ( trăm thứ cây ), hay vào công viên ngắm " trăm hoa đua nở " để quên đi " trăm cay nghìn đắng " của cuộc sống hàng ngày.
Tục ngữ, thành ngữ cũng thích dùng chữ " trăm " :
Trăm hay không bằng tay quen.
Trăm voi không được bát nước xáo.
Trăm bó đuốc cũng vớ được con ếch.
 
...
" Trăm " và " bách " được dùng từ bao giờ ? Chắc chắn là từ lâu lắm rồi. Từ cái ngày người Tàu gọi vài chục học giả nổi tiếng thời Xuân Thu là " Bách gia chư tử ". Cũng có thể là từ ngày bà Âu Cơ đẻ ra " trăm trứng ".
Còn một con số khác cũng thường gặp trong văn học là số ba mươi sáu ( 36 ). Một con số thật chính xác nhưng nghĩa thì lại mù mờ!
Nổi tiếng nhất là " Hà Nội băm sáu phố phường ". Nhiều người trong chúng ta đã được đọc tập bút ký nổi tiếng của Thạch Lam, viết năm 1943, mang tựa đề này. Trước Thạch Lam đã có bài thơ nói về phố phường Hà Nội như sau (3) :
Rủ nhau chơi khắp Long thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
M
ã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,
Hàng M
ã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng H
òm,hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

Thơ và văn đều nói " Hà Nội 36 phố phường ". Hà Nội ngày xưa chỉ có 36 phố thôi à ? Điều đó có đúng không ? Chắc là sai !
Chỉ cần đọc câu ca dao:
Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, hàng Đường, hàng Muối trắng tinh.

cũng đã thấy hai phố, hàng Gạo và hàng Đường, không có tên trong bài thơ. Và còn rất nhiều phố nổi tiếng khác như hàng Lọng, hàng Quạt, hàng Đẫy, hàng Trống, hàng Bột, hàng Kèn, hàng Bún ... cũng bị bỏ quên.
Trong công trình nghiên cứu lịch sử của " Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ", cụ Hoàng Đạo Thúy đã đưa ra một loạt tên của 63 phố (4). Có thể vẫn chưa đủ vì danh sách của cụ còn thiếu phố Trường Thi (nơi tổ chức các kỳ thi ) và phố Trường Tiền ( nơi có sở đúc tiền ngày xưa ). Như vậy, có thể nói rằng thành phố Hà Nội cổ phải có từ 65 phố trở lên.
Nhưng tại sao lại nói là " Hà Nội băm sáu phố phường " ? Con số 36 mang ý nghĩa gì ?
Đào Duy Anh nhận xét rằng ba mươi sáu là " số nhiều hữu hạn chỉ toàn bộ " (5). Theo Hoàng Xuân Hãn thì " số ba mươi sáu là một phương-số mà người Á Âu đều coi là có đặc tính huyền bí " (6).
Có thể vì vậy mà tác giả của bài thơ đã cố ý chỉ kể tên 36 phố, để làm tăng vẻ đẹp, nét thơ mộng của thành phố Hà Nội năm xưa ?
Chúng ta còn gặp con số 36 ở nhiều chỗ khác.
Giáng Kiều khuyên Tú Uyên (truyện Bích Câu kì ngộ) nên chọn cảnh tiên giới, xa lánh trần gian:       
 Vẩn vơ trong áng phồn hoa
       Ba mươi sáu động, ai là chủ nhân?
Toàn bộ cõi tiên ở trên núi gồm ba mươi sáu động. Núi nào, ở đâu, không ai biết được.
Trong một tình huống khác, nàng Kiều cũng gặp con số vu vơ này:
Thừa cơ lẻn bước ra đi
Ba mươi sáu chước, chước g
ì là hơn ?

Sở Khanh dùng lời người xưa "tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách" ( trong 36 chước, chạy là hay hơn cả) để dụ dỗ Kiều trốn khỏi lầu Ngưng Bích. Đố ai kể rõ được 36 chước là những chước gì, hay ho như thế nào?
Bát Giới học được 36 phép biến hóa. Nhưng Tề Thiên còn giỏi gấp đôi Bát Giới, học được 72 ( hai lần 36) phép thần thông ( Tây du kí ). Cả hai vị đều chưa thi thố hết tài năng nên chúng ta đành chịu, ngồi chờ các đòn phép mới lạ khác.
Yêu nhau tam tứ ( 3,4 ) núi cũng trèo
Thất bát ( 7,8 ) sông cũng lội, tam thập lục ( 36 ) đèo cũng qua.

Trai gái khi đã yêu nhau thì khó khăn tới đâu cũng sẵn sàng vượt qua.
Dân ca quan họ Bắc Ninh có bài " Ba mươi sáu thứ chim ":
Trên rừng ba mươi sáu thứ chim
Thứ chim c
hèo bẻo, thứ chim chích chòe
Ng
ười trồng tre cho tôi biết thứ tre
 
...
Thoạt nghe hát chúng ta sốt ruột chờ đợi nhiều giống chim quý trên rừng. Nhưng bài ca chỉ đưa ra hai thứ chim quen thuộc của đồng quê, rồi nói qua chuyện khác. Chúng ta ṭ ṃ, sốt ruột v́ con số 36.
Làng Đồng Kỵ, tỉnh Hà Bắc, hàng năm mở hội từ mùng 4 tới mùng 6 tháng giêng. Ngoài những trò chơi, thi đốt pháo, hội làng còn có rước hình sinh thực khí từ đền về đình. Hai lễ vật tượng hình sinh thực khí của đàn ông và đàn bà được làm bằng gỗ ( gọi là nõn ) và mo cau ( gọi là nường ). Đám rước tới trước sân đình thì cử hành "vũ điệu âm dương", lồng hai vật vào nhau ba lần. Lễ xong thì tung hai sinh thực khí lên trời cho dân làng tranh nhau chụp bắt.
Tục lệ này đã gợi ý cho câu ca dao rất trần tục:
Ba mươi sáu cái nõn nường
Cái gối đầu giường là ba mươi bảy

Con số 36 thật là mờ mờ ảo ảo.
*
Một vài trích dẫn kể trên cho thấy rằng trong văn học, ngôn ngữ dân gian Việt Nam, " trăm " và " ba mươi sáu " thường được dùng để chỉ số nhiều một cách khái quát, không chính xác. Chúng không phải là những số đếm của toán, của thống kê ...
Chùa Trăm Gian không chắc có tới 100 gian và Hà Nội ngày xưa có nhiều hơn " băm sáu phố phường ".                                                            
ĐôĐH st
============
(1) Võ Văn Tường, Việt Nam danh lam cổ tự, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993, trang 90 và 396 .
(2) Nguyễn Bá Lăng: Chùa xưa tích cũ, NXB Lá Bối, San Jose ( Hoa Kỳ), 1988, trang 147-173.
(3) Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, trang 186.
(4) Hoàng Đạo Thúy: Thăng Long, Đông đô, Hà Nội, NXB Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, trang 56.
(5) Đào Duy Anh: Từ điển truyện Kiều, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.
(6) Hoàng Xuân Hãn: Bích Câu kì ngộ, NXB Đại Học, Huế, 1964


Thuyền và sông


Bức ảnh được
Chụp
 trên Cầu Long biên- Sông Hồng

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Dẫm đạp lên nhau để cướp ấn đền Trần


Dẫm đạp lên nhau để cướp ấn đền Trần


http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/110157/dam-dap-len-nhau-de-cuop-an-den-tran.html

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130224/hang-ngan-nguoi-lao-vao-gianh-an-cuop-loc-o-den-tran.aspx

Cảnh tượng hỗn loạn xảy ra trong những giờ khắc đầu tiên của lễ phát ấn đền Trần Nam Định khiến nhiều người không khỏi choáng váng.





Tại đây người ta sẵn sàng dẫm lên người khác để đi thế này. Ảnh: VNE

Hàng năm, lễ khai ấn đền Trần Nam Định luôn thu hút sự chú ý và quan tâm của hàng triệu người. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra để thắt chặt an ninh, giảm thiểu những cảnh tượng phản cảm và phi văn hóa diễn ra tại lễ phát ấn nhưng tình trạng lộn xộn, bê bối do chính những khách thập phương muốn xin ấn mang đến một hình ảnh không thể chấp nhận được.



Tiền lẻ rải khắp nơiẢnh: VNE
Dù đến 0h sáng ngày 24/2 (tức sáng 15 tháng Giêng) mới chính thức khai ấn nhưng hàng ngàn người đã túc trực tại đây từ đêm qua, vạ vật ngoài trời lạnh giá để được là những người sớm nhất được vào trong đền Trần. Và cảnh tượng khủng khiếp lại tái diễn khi biển người đổ dồn tới xin ấn. Người ta sẵn sàng xô đổ hàng rào, dẫm đạp lên nhau, cướp lộc, đẩy ngã người khác để được chen lên trước vào xin ấn. 
Nhiều người không chịu nổi đã bị ngất xỉu. Cảnh tượng rải tiền lẻ tại đây cũng khiến cho hình ảnh của đêm khai ấn thêm phản cảm. 



Cướp lộc lao ra ngoài. Ảnh: VNE



Vạ vật cả đêm để chờ đến giờ khai ấnẢnh: Khám phá



Đạp cả lên đỉnh đồng thế này để đi thì ai chứng cho? Ảnh: TPO



Cả vạn người cố gắng có được chiếc ấnẢnh: TPO



Cảnh tượng chen chúc ở thời điểm khai ấn khiến nhiều người ngạt th.Ảnh: LĐO



Mắc kẹt trong đám đông. Ảnh: LĐO



Trèo tường, xô đổ hàng rào để tìm lối đi. Ảnh: LĐO

Linh Anh (Tổng hợp)

Khai ấn đền Trần Nam Định bắt nguồn từ đâu?

Lễ khai ấn đền Trần Nam Định là một trong những tập tục đẹp được gìn giữ từ lâu đời. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển.
Lễ khai ấn trước hết là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Thiên Trường không phải là kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một "Thủ đô kháng chiến" theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường... Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là "Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng...".
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11h đêm 14 đến 1h sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Lễ khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay, xong về hình thức nghi lễ có đơn giản hơn trước đây. Sau lễ khai ấn đầu năm tại đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở vào dịp từ 15-20.8 âm lịch hàng năm. Cũng như những lễ hội khác nó bao gồm các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian từ xưa nghi lễ ở đây diễn ra với các lễ rước từ khác đền chùa xung quanh về làm lễ dâng hương và tế tự ở đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo.
Các đám rước gồm có: cờ, bát kiệu, kiệu long đình, đội trống nhạc lễ cùng đông đủ các bô lão và dân các làng xung quanh tham dự. Khi đám rước về đến đền thi nghi lễ được diễn ra. Trước đây chỉ có lễ chứ không có hội, những năm gần đây do nhận thức được tầm quan trọng của các di tích, các cơ quan văn hoá, kết hợp với các cấp cơ quan chính quyền địa phương với chỉ đạo nghi lễ, với sinh hoạt văn hoá tổ chức thành lễ hội lớn lễ hội đền Trần, lễ hội Trần Hưng Đạo. Sau phần lễ là phần hội với các sinh hoạt văn hoá khá phong phú và độc đáo như hội diễn võ củ 3 thế hệ (ông, cha, con) tại sân đền Thiên Trường còn diễn ra cuộc đấu vật, múa rồng, múa sư tử…hội chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ…