Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Lớp 10A thăm bạn VĂN THANH





Hai năm nay, lớp 10A chúng tôi mới tìm được bạn Văn Thanh. Nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ 27/7, chúng tôi lại rủ nhau đến thăm bạn.
Văn Thanh lên đường nhập ngũ năm 1972, tham gia chiến đấu chống Mỹ trong thời kỳ vô cùng ác liệt, bạn bị thương rất nặng, là thương binh loại 4/4, bạn lại còn bị nhiều bệnh tật hiểm nghèo khác nữa nên bạn hầu như khó có khả năng làm việc để có cuộc sống bình thường…
Văn Thanh chào đón chúng tôi với nụ cười tươi vui vẻ, bạn bắt tay và xướng tên họ đầy đủ của từng bạn. Bạn nhớ hết các bạn ai ngồi ở đâu, nhà ở phố nào… làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú, vì cả lớp trưởng lẫn bí thư của lớp 10A cũng không nhớ hết tên họ của từng bạn trong lớp.
Bạn cảm động lắm khi thấy chúng tôi đến chơi và rất lưu luyến khi phải chia tay các bạn!
Chào tạm biệt Văn Thanh, ra về ai cũng ngậm ngùi và hẹn nhau sẽ đến thăm bạn nhiều hơn!
Mong sao các bạn lớp 10A và các bạn cùng khóa 1972 dành chút thời gian cũng như có sự đóng góp nho nhỏ để chia sẻ, giúp đỡ bạn có được cuộc sống tinh thần vui vẻ, đầy đủ và sống khỏe trong những năm tháng sau này.
Bạn lớp 10A

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc


- Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

- Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.

- Hai mươi bảy năm qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

- Cần gì ư ? Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Đồng Lộc, 5 - 7- 1995

Vương Trọng

Chấp Ngã



Nguyễn Ninh Thuận

Hôm nay ngày Chủ Nhật trời mát dịu, Tâm gọi điện thoại cho chị Xuân và rủ mấy bạn đến thăm chị Xuân.

Cả nhóm vừa đến cửa chính chỉ đóng bằng cửa lưới, đã nghe tiếng nói chuyện trong nhà vọng ra…Giọng chị Xuân than thở: “Đúng là đổi đời có khác! Ngày nay con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó, khác với ngày xưa còn ở Việt Nam, cha mẹ đặt đâu là con ngồi đó, ngay cả chuyện cưới hỏi trăm năm hạnh phúc cũng lựa chọn ý trung nhân theo ý chúng, không hỏi ý kiến cha mẹ… Thật buồn, tôi đã để ý con Nga, con gái ô. bà Trung từ lâu rồi, con bé xinh ơi là xinh, hiền hậu nết na để chấm cho Tuấn. Tôi nhắn nó về coi mắt để làm quen và hợp nhãn thì tiến hành cưới xin đàng hoàn, nhưng nó lắc đầu ngầy ngậy…Thì ra nó chọn vợ theo ý nó rồi! Tưởng là xinh đẹp và hiền hậu, ai ngờ Huệ thua xa con Nga về mọi mặt…”

- Mẹ mới gặp Huệ một hai lần sao vội vã xét đoán theo ý mẹ thế! Hôn nhân rất hệ trọng là ăn đời ở kiếp với nhau, em con chọn vợ theo ý thích của nó, đó là hạnh phúc lứa đôi của nó, gần ngày cưới rồi mẹ đừng nói ra mà vợ chồng nó nghe sẽ có ấn tượng xấu sau này!...Giọng nhỏ nhẹ của Thu góp ý…

- Phải đó bà, con gái nói đúng! Chúng ta nên biết hai thế hệ khác nhau, thì ý kiến, sự suy nghĩ, cảm giác đều khác nhau. Hơn nữa, chúng ta đừng chấp chặt các quan niệm xa xưa, cổ lỗ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa. Cứ chấp chặt như vậy chỉ đưa đến phiền não và khổ đau mà thôi! Giọng ô. Xuân điềm đạm cất lên…

Trong vấn đề tế nhị…thấy không khí lắng dịu, thế là cả nhóm bấm chuông cửa. Chị Xuân mở cửa mời các bạn vào phòng khách và vồn vã chia sẻ “chắc các chị đã nghe chuyện vợ chồng chúng tôi bàn về việc hôn nhân của cháu Tuấn rồi! tôi thật buồn…”

- Vậy sẵn dịp đây, chúng ta bàn về vấn đề Chấp Ngã nhé!...Về phương diện tinh thần, chúng ta thường chấp chặt ý kiến của mình là đúng, việc mình làm là đúng, ai có ý kiến khác, ai làm khác là không đúng, là sai. Chúng ta thường cho là người khác lúc nào cũng phải suy nghĩ giống như mình, nên khi có người phát biểu khác đi, làm khác đi là chúng ta khó chấp nhận được! Chúng ta không thấy những lỗi lầm, sai trái của mình, cho nên đau khổ, bực bội, vì chỉ thấy lỗi lầm của người. Chuyện vợ chồng cũng vậy. Chuyện cộng đồng cũng vậy. Ngay cả chuyện quốc gia xã hội, cho đến chuyện thế giới, cũng không khác, chỉ vậy thôi! Khi bất cứ chuyện gì xảy ra, người nào, bên nào cũng có một phần lỗi, không nhiều thì ít, không bên nào vẹn toàn, không người nào toàn vẹn. Hiểu được như vậy, làm được như vậy, chúng ta sẽ bớt khổ đau nhiều lắm chị ạ! Tâm lên tiếng trước tiên…

- Cho Kim góp ý thêm…Trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội, điều quan trọng là chúng ta phải biết quên mình vì người, thì mới có an lạc và hạnh phúc. Còn nếu tâm ý quá ích kỷ, chỉ biết có mình, gia đình mình, đoàn thể mình, tôn giáo mình, cái gì cũng vì mình hết trơn, thì chỉ có phiền não và khổ đau mà thôi! Muốn có một gia đình hạnh phúc, người cha phải biết hy sinh, lo lắng mọi nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho cả gia đình, người mẹ cũng phải biết hy sinh những vui thích cá nhân, hòa hợp với nhịp sống chung của gia đình, con cái phải biết nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, phải biết nghe lời dạy dỗ, phải biết báo hiếu…

- Hoa nhớ lại bài thuyết pháp đã nghe trước đây, vậy nay chia sẻ với các bạn…Trong cuộc sống của thế gian này, mỗi người đang sống hàng ngày đây, có bao giờ mình tự đặt câu hỏi: Là cuộc sống là cái gì chăng? Phải thấy lại chỗ này để có một cuộc sống ý nghĩa hơn… Xét kỹ lại, cuộc sống này là cuộc sống của một cái TA chứ không gì khác phải không? Bởi ngay từ cái gốc ban đầu chúng ta sinh ra đời là từ nó mà ra - Tức là do lòng thám ái chấp ngã nên nó mới sinh ra ở đây; nếu không có nó thì đã vào vô sinh, niết bàn rồi! Do đó, nếu sự sống này chấm dứt, mất nó thì quyết phải tìm cái khác thay vào, dòng sinh tử tiếp nối không dừng từ đây… Và cái gọi là cuộc sống cũng từ đó! Cho nên, trừ bậc Bồ Tát thị hiện, ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này đều mang theo một cái tính chấp ngã, nó luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Đây gọi là cái vô minh của chúng sinh. Nếu còn chưa vắng bóng cái này, là chưa bao giờ giải thoát viên mãn, chưa thật sạch hết khổ đau…Mỗi người hãy chín chắn nghiệm kỹ lại xem, mọi thứ buồn vui, mừng giận, thương ghét, hơn thua… trên đời là vì cái gì mà có? Buồn là vì cái gì mà buồn? -Có phải vì cái ta không được như ý chứ gì? Vui là vì cái gì mà mình vui? - Có phải vì cái ta được thỏa mãn phải không? Rồi thương ghét vì đâu mà có? – Có phải vì thuận với ta nên ta thương, bởi nghịch với ta nên ta ghét!?- Tất cả rõ ràng là như thế đó!!! Dù ai có cố biện luận thế nào cũng không thể chối bỏ lẽ thật này! Cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hai bao mồ hôi, xương máu, có lúc chém giết nhau, cũng vì cái gì?- Có phải chỉ vì cái ta này thôi!? Không có nó thì giành giật cho ai? Để làm gì???!... Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kiêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti v.v… cũng gốc tại cái ta thôi! Tự ái là bị chạm đến cái ta chứ gì? Tự trọng là nâng cái ta lên thôi!…. Cho thấy, chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời….

Thông thường chúng ta hay đổ lỗi cho người, cho huynh đệ, cho hoàn cảnh… đó là trốn trách nhiệm, là bảo bọc cái ta này quá kỹ! Chớ lầm! Mỗi người hãy tự xét lại, khi ta buồn trách ai, là tại vì ai mà có buồn trách? Nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác… mà quên điểm chính là Tại vì cái ta này bị đụng chạm!... Lo trách người mà quên trách cái ta này! Cho nên nó từng được mang tên: cái ta nguy hiểm!!!

- Qua đây Tâm nhớ đến câu chuyện trong Kinh Bách Dụ… Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, ông nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai vị đệ tử ấy thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói: “… Không phải là Ta chán ghét ngươi mà chính là ngươi chán ghét Ta….” Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo. Một hôm nọ, một người có việc đi nơi khác, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãy chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ, định tâm báo thù lập tức dùng đá đập gãy chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết! Vậy cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến trường hợp đau đớn như thế? Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra! – Rõ ràng cho thấy cái ta nguy hiểm chưa?

Vậy đã thấy được cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra! Chính chấp ngã là tự đóng khung mình trong cái vỏ chết, là thu hẹp tình thương, thiếu sức sống sáng ngời, rộng lớn…Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau, chúng ta sẽ tìm được an lạc hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại.

- Vậy thế nào là “chấp ngã”? Thủy vẫn không thấu suốt nên lên giọng ngập ngừng hỏi!

- Để Tâm nhớ lại bài giảng hôm trước có dịp đi dự mà phân tích lại cho các bạn rõ nhé!...Chấp ngã có hai phần: vật chấttinh thần. Về vật chất, chúng ta chấp cái thân xác tứ đại mấy chục ký lô này là “mình”. Về tinh thần, chúng ta chấp cái tâm suy nghĩ, tính toán, suy lường là chính “mình”. Nếu có người hỏi: chúng ta là ai? Chúng ta liền chỉ vào thân mình và trả lời: Tôi đây nè! Thực ra, cái xác thân tứ đại giả tạm này đâu phải là “mình”. Cái xác thân tứ đại bao gồm những chất: đất, nước, gió, lửa, tụ hội với nhau trong một thời gian, từ khi cha mẹ sinh ra, cho đến khi chúng ta thở ra, mà không muốn hít vào nữa, thì ô hô tử vong! Thời gian đó ít năm, nhiều năm, ngắn dài tùy theo nghiệp duyên của mỗi người. Người đời thường gọi đó là: số mạng, định mạng, hay số mệnh, định mệnh. Có người được vài chục năm. Có người chỉ trong hơi thở! Lúc đó, hơi thở trở về với gió, hơi ấm trở về với vũ trụ, các chất lỏng như máu, mủ, nước tiểu trở về với nước, các chất cứng như thịt, xương trở về với đất. Cái gì là “mình” đây? Còn lại chỉ là cái xác không hồn, cái tử thi bất động. Cái xác thân tứ đại của chúng ta tan rã, trở về với tứ đại của vũ trụ. Nói nôm na là: cát bụi trở về với cát bụi. Thậm chí, ngay khi còn sống hiện nay, nếu chúng ta không vay mượn tứ đại bên ngoài để bồi bổ từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, thì chúng ta đâu tồn tại được. Luôn luôn mượn không khí thở ra hít vào, lát lát mượn ly nước, ngày ngày mượn vài ba chén cơm. Cái thân tứ đại muốn khỏe thì khỏe, muốn đau yếu thì đau yếu, chúng ta không thể làm chủ nó như ý muốn của chúng ta được. Vậy mà chúng ta cứ chấp chặt cái thân xác tứ đại là “mình”, chúng ta dành trọn cuộc đời để yêu mến, cung phụng, săn sóc nó, thì quả là chúng ta quá mê muội, đang sống trong mộng tưởng, trong cơn mê, mà không biết đó thôi! Chúng ta đã hiểu cái thân xác tứ đại không phải là mình, vậy còn cái tâm suy nghĩ, tính toán, suy lường có phải là mình chăng? Thực ra, cái tâm đó cũng không phải là “mình”. Tại sao vậy? Bởi vì, có lúc chúng ta suy nghĩ rất hiền lành, thánh thiện, muốn giúp đỡ mọi người, muốn bố thí cúng dường, muốn trở thành người hoàn toàn tốt....Nhưng cũng có nhiều lúc, chúng ta tính toán, suy lường, muốn hơn người khác cho thỏa lòng ganh tị, đố ky muốn thấy người khác suy sụp, gặp nạn cho thỏa lòng hơn thua, ganh ghét, tị hiềm. Vậy thử hỏi chúng ta là người thiện hay bất thiện? Chúng ta là một hay là hai? Dù là khởi tâm thiện, hay khởi tâm bất thiện, chúng ta cũng khổ đau. Lúc tâm thiện khởi lên, muốn làm người tốt, muốn giúp đỡ người khác mà không được, thí dụ chúng ta muốn cứu người thân bị bệnh nan y, thầy thuốc đã bó tay, chúng ta sẽ đau khổ. Lúc tâm bất thiện khởi lên, muốn thấy người khác khổ đau, nguy nan, khốn đốn, mà họ vẫn cứ bình an, chúng ta sẽ đau khổ. Đàng nào chúng ta cũng đau khổ cả! Lòng tự ái cao là một dạng của tâm chấp ngã. Do tâm tham ái, chấp ngã một cách mù quáng, chúng ta đã, đang và sẽ tạo tội tạo nghiệp không biết bao nhiêu trong nhiều đời nhiều kiếp. Đó là nguyên nhân dẫn dắt chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi…

- Kim thấy bài Tâm chia sẻ lại rất đúng. Về phương diện vật chất, chúng ta chấp mọi thứ có hình tướng như cái nhà này, cái xe này là của mình. Về tinh thần, chúng ta chấp mọi thứ, mọi việc, mình làm, mình nói, mình nghĩ, cái gì của mình cũng là đúng, là nhất. Về phương diện vật chất, chúng ta đang sống trong mộng tưởng, cho là cuộc đời này sẽ vĩnh viễn trường tồn, cho là những người thân sẽ mãi mãi ở bên mình, cho là những của cải vật chất như nhà cửa, xe cộ, vàng bạc, cơ nghiệp luôn luôn thuộc về mình. Cho nên, nếu người thân có ra đi, hoặc có mệnh hệ nào, nếu của cải vật chất có bị mất mát hư hao thì chúng ta sẽ đau khổ…

- Cho Thủy nói hớt lời Kim để có phần đây!...Về phương diện tinh thần, chúng ta thường chấp chặt ý kiến của mình là đúng, việc mình làm là đúng, ai có ý kiến khác, ai làm khác là không đúng, là sai. Chúng ta thường cho là người khác lúc nào cũng phải suy nghĩ giống như mình, nên khi có người phát biểu khác đi, chúng ta khó chấp nhận được! Chúng ta không thấy những lỗi lầm, sai trái của mình, cho nên đau khổ, bực bội, vì chỉ thấy lỗi lầm của người…

- Có một vị đạo hạnh đã nói với Tâm… Người ta chấp có cái ngã chân thật của mình, vì thế khi làm việc gì đều làm cho ngã, làm danh, làm lợi, làm hơn thua, ganh ghét, tị hiềm, hờn giận đều là vì cho cái ngã của mình v.v.. Nói chung về cuộc sống của con người, là một cuộc sống chấp ngã, sống cho ngã, làm cho ngã v.v.. Buồn vui, khổ đau hay phiền lụy đều do chấp ngã. Cái ngã có tầm quan trọng trong cuộc sống của con người rất lớn không thể nghĩ lường. Cho nên, sự diệt ngã có một tầm quan trọng rất lớn của một đời người tu sĩ theo Phật giáo. Nếu tu đúng chánh pháp của Phật thì mới diệt được ngã, bằng tu sai pháp thì vô lượng kiếp chẳng diệt được ngã mà còn nuôi lớn ngã thêm lên, phục vụ cho ngã, đang làm tôi tớ cho ngã, họ là những người nô lệ cho ngã v.v.. Thôi chúng mình bàn vấn đề này đã nhiều rồi, chúng mình còn có cái hẹn cùng nhau đi mua sắm đây! Chị Xuân đã sẵn sàng đi với chúng em chưa? Cho chị 5 phút là chúng ta đi, sau đó ghé lại tiệm Huế ăn những món miền Trung để chị còn so sánh với ở quê nhà đó nhé!


Đô ĐH st

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Bài ca Người Lính.


Blogger K1972 tặng các bạn K22 một thời chinh chiến. Nhân ngày 27/7.
Các bạn không xem được, vào đường dẫn sau :

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

TÂY TIẾN


 Nhân dịp có 2 “chiến hữu” Công Học và Trung Thục ở miền Nam ra chơi, chúng tôi rủ nhau trốn cái nóng oi ả của HN những ngày áp bão về miền Tây với hương đồng gió núi và còn nguyên vẻ hoang sơ…
   Trước ngày lên đường ai cũng lo lắng cập nhật tin tức về cơn bão số 2. Nhưng dù thời tiết bất thường thế nào  cũng không làm chúng tôi đổi ý.

    7 giờ sáng xe đón chúng tôi tại nhà Bàng HS, đi chừng 70km chúng tôi đến Hoà Bình và đi tiếp khoảng 60 km nữa đến Bản Lác-Mai Châu. Ở chặng đường thứ 2 chúng tôi phải vượt qua con dốc dài 12km goi là dốc Cun- đó là con đường quanh co khúc khuỷn nhưng càng lên cao cảnh quan càng đẹp, rừng núi mây trời hùng vĩ, xung quanh “núi ấp ôm  mây; Mây  ấp núi”… .Dừng chân  ở đèo Thung Khe, chúng tôi vào quán nhỏ có cái tên Phong tình ngồ ngộ, ngả mình trên võng , nhâm nhi ly cà fê mà nghe gió ràn rạt thổi qua mơn man mái tóc, ngắm nhìn  ngọn cờ Tổ Quốc tung bay trước gió trên đỉnh đèo, bỗng dưng một cảm giác sung sướng, tự hào về quê hương đất nước trào dâng” Tổ Quốc ơi sao mà đẹp thế! Từ trên cao nhìn xuống thung lũng Mai Châu thấy những ô ruộng như bàn cờ  thật lớn phủ một màu xanh bát ngát, những nếp nhà san sát nằm ẩn mình trong dãy núi phủ kín mây mù . Ôi cuộc sống bình yên tươi đẹp thế ! Thư thái ngồi chơi,  ngắm cảnh mà cả đoàn như được tiếp thêm sức lực, bao mệt nhọc bỗng dưng tan biến!

      Nhờ sự giới thiêu của một người bạn Công Học chúng tôi ăn trưa tại quán nhỏ của 2 vợ chồng nhà giáo nghỉ hưu. Đồ ăn thật ngon với món vịt luộc mềm ngọt dịu, cùng 2 món măng tươi đặc sản của núi rừng.Ai cũng xuýt xoa khen ngon và cả đoàn phấn chấn lên đường tiến quân vào Bản Lác. Sau khi đi qua cây cầu Nhật Bản chúng tôi đến khu nhà gỗ của bản Lác 2, song vì chậm chân sau đoàn du khách  nước ngoài nên chúng tôi không được ở đó - nơi có những căn phòng hiện đại tiện nghi nhưng rất gần gũi với thiên nhiên , chất liệu làm bằng tre , gỗ , lá rừng chắc chắn. Chúng tôi đành chọn một nhà dân để trọ. Đón chúng tôi là một cô chủ nhà còn trẻ có vẻ đẹp mộc mạc, trong sáng. Chủ nhà sửa soạn dành toàn bộ sàn chính để đón khách. Phần này đã được sửa lại thành sàn gỗ công nghiệp, chân sàn có ốp xi măng để tạo nên sự bền vững cho ngôi nhà, còn phần trong  vẫn là sàn đan bằng phên tre ọp ẹp để gia chủ sử dụng. 
   Buổi chiều chúng tôi đi dạo khắp bản ngắm nhìn những nếp nhà sàn đơn sơ ẩn hiện dưới chân núi, những con đường uốn lượn giữa cánh đồng lúa non xanh mướt, những bãi cỏ xanh đàn trâu bò thong dong gặm cỏ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trắng, thăm cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm mỹ nghệ… Ngay ở trung tâm của Bản là những dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm: khăn quàng cổ, váy xoè Thái, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Gian hàng kế bên còn có các cung , nỏ, chiêng, tù, phách…Tất cả đều do bàn tay khéo léo của người dân trong bản tự làm ra. Chị em trong đoàn ngất ngây trước vẻ đẹp rực rỡ của các bộ váy áo  nên đã tự hoá thân thành các cô gái Thái trong bộ trang phục truyền thống.Tuy không còn trẻ, hơi bị  giống các Mế một tý, nhưng vẫn khiến các Chàng được trận cười zdui zdẻ!

    Đêm ở Bản Lác mới thật là vui, dân bản thành lập nhiều dội văn nghệ chuyên phục vụ du khách, khoảng 10 thanh niên nam nữ ghé tới chỗ chúng tôi. Nhà sàn bỗng chốc trở thành sân khấu nhỏ, chúng tôi được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc, cùng hoà mình với các điệu múa của các cô gái Thái trong trang phục truyền thống ( múa xoè, múa tình ca Tây bắc, múa hát bông, múa được mùa …) và hát những bài  dân ca Thái. Nhưng vui nhất, phê nhất vẫn là  điệu múa của Đòan  do Công Học múa khèn, Trung Thục nhảy sạp  làm say  lòng người. Cũng không thể thiếu được  thú vui  uống  rượi cần, từng tốp thay nhau vào, hết lượt một đến lượt hai … và ngay cả  một thành viên nhỏ nhất ( Cu Tít- con bố Bàng) cũng đươc quyền uống, cứ thế kéo dài cho đến khi rượi nhạt ,cho đến  khi bạn Công Học hô “chế thêm nước vào’ mới ngưng. Uống nhâm nhi từng hụm rượi rồi  cười thật nhiều, cười đau bụng ….Đến lúc này tôi không còn đủ tỉnh táo để  nhận ra mình say hay tỉnh,  mọi thứ cứ lâng lâng trong men rượu cay nồng, trong tình thân bè bạn .
  Sáng hôm sau thức dậy ngắm bình minh, tận hưởng giây phút tĩnh lặng yên bình có tiếng gà gáy le té le te…và ăn một bát cháo gà nóng hổi cùng xôi trắng. Sau bữa điểm tâm sáng, chúng tôi theo quốc lộ 6 khoảng 60km tiến thẳng lên Mộc Châu. Một cao nguyên rộng lớn khí hậu mát mẻ rất thích hợp cho những ngày nóng oi bức. Chúng tôi như chìm đắm trong cảnh sắc thơ  mộng lãng du của rừng thông bạt ngàn,  đồi chè xanh mướt, những vạt ngô vàng óng hay ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ, kỳ bí của  Tây thiên  đệ  nhất động. Dừng chân nhâm nhi chén trà nóng vị  chát đậm đà mà dịu ngọt tại  vườn Lan, sau  đó ghé thăm chợ Mộc Châu  chị em tranh thủ  chọn mua những đăc sản như xoài Mộc châu, quất hồng bì Mộc Châu… về làm quà cho người thân. Ai nấy đều mãn nguyện .
   Bản Lác, rồi Mộc châu, đi chơi bên nhau chỉ 2 ngày thôi nhưng tất cả mang lại cho chúng tôi những cung bậc cảm xúc tuyệt vời và những kỷ niệm khó quên!


Ngọc Hà

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

TÂM SỰ CÙNG CHÁU

Cháu ạ! Những ngày qua, có một bọn người nước ngoài đem dàn khoan mang tên HD981, bên cạnh đó còn đem lực lượng Hải quân và không quân uy hiếp những ngư dân và những người chấp pháp Việt Nam hòng đặt một chân vào cánh cửa đất nước. Câu chuyện xưa “cáo gửi chân” mà bọn bác và các cháu học, không hề cũ.
Nhân chuyện này, bác chỉ muốn chia sẻ với cháu một suy nghĩ nhỏ.
Vào những ngày tháng của những năm 1967-1968, bọn bác học trường Thiếu sinh quân. Thời gian ấy, chiến tranh phá hoại ác liệt, trường bác sơ tán tại Quế Lâm (Trung Quốc). Nhưng cũng thời gian ấy, nơi đó lại xảy ra cuộc "Đại Cách mạng Văn hóa" đã đi vào lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Trung Quốc nói riêng như một thời kỳ tàn bạo và khốc liệt nhất.
Nơi bọn bác ở là một vùng đồng bào dân tộc Choang. Người dân nơi đây chất phác, hiền hòa như những người nông dân nước mình vậy. Họ làm ăn sớm tối, chăm lo tưới rau, trồng cây trên những cánh đồng, đánh cá trên dòng sông Ly...
Ấy thế mà cuộc "Đại Cách mạng Văn hóa" xảy đến. Xảy ra phân chia phe phái:phe Tạo Phản và Liên Chỉ.  Phe Tạo phản chủ yếu là Hồng Vệ Binh, bọn cơ hội đấu đầu với những người muốn giữ cuộc sống bình yên. Trong phe Tạo phản cũng tranh giành lẫn nhau. Họ mâu thuẫn với nhau dẫn đến đụng độ nhau, bắn lẫn nhau. Báo chữ to dán lên tường hàng ngày chồng lấn lên nhau với những lời lẽ kích động, phỉ báng. Lũ trẻ Hồng Vệ Binh mang những huy hiệu, những cuốn  “Trích lời Mao Chủ tịch” kéo nhau đấu tố những người tri thức đáng tuổi cha chú của chúng, sau khi đội lên đầu họ mũ chóp cao và gán cho họ những cái nhãn như “phản động”,” đi theo con đường tư bản”, ”theo chân đế quốc”... Hai phe trấn giữ hai đầu cầu Giải Phóng bắc qua sông Ly. Có nhiều đêm trên bầu trời thung lũng nơi trường bác ở, vẫn nhìn thấy những đường đạn sáng lòa. Sau nhiều trận giao tranh, bước ra Thị trấn Quế Lâm, những đống gạch vụn đã thay cho những căn nhà đẹp ngày bọn bác mới sang, các cửa hàng Đại Lầu, Trung Lầu, Tiểu Lầu vắng ngắt bên những tấm hình người lãnh tụ đứng chơ vơ.
Người dân sống thuở ấy rất lầm than. Bữa ăn thanh đạm, rất nhiều bữa không có  thịt. Họ rất tôn trọng Mao Trạch Đông. Có buổi trưa đi qua nhà họ, bác còn nghe thấy họ nói :”Xing Mao Chủ Xí sư phan!”1 . Điều ấn tượng là trẻ em quanh đấy, có nhiều em không đủ ăn. Và kỷ niệm không quên được của bác cũng đi cùng ngày đó.
Cháu có biết không? Lũ trẻ thiếu ăn đến mức không có cơm mà ăn. Chúng thường la cà quanh nhà ăn của bọn bác để kiếm cơm. Đến mức bọn bác sau khi  ăn xong, đi rửa bát (thiếu sinh quân tự rửa bát của mình như bộ đội) thì bọn trẻ chặn ở cuối máng nước hớt lấy cơm thừa để ăn!!!
Ngày ấy, bọn bác chỉ biết rất thương chúng mà đâu có lý giải được nguyên nhân vì sao chúng phải làm như vậy. Bọn trẻ tranh nhau chỗ lấy cơm cuối máng, đứa nào được thì mừng lắm. Lúc đầu bọn bác cố gắng để lại cơm nhiều để rửa. Về sau nhường hẳn bát cơm cho chúng nó. Chúng cũng chỉ kém bọn bác vài tuổi thôi.
Bác vẫn nhớ như in một cậu bé trong nhóm trẻ. Trông nó rất hiền, nước da tai tái, mắt một mí, áo xanh công nhân có nhiều chỗ đen sạm. Mỗi lúc có người rửa bát, khi bọn khác châu lại chặn nước, nó cũng chạy lại nhưng dường như lúc nào cũng bật ra. Những lúc ấy, bác lại nghĩ  đến những đứa em bác ở nhà. Có còn đâu nỗi tự ái của trẻ thơ khi phải kiếm một cái ăn mà phải hạ mình như vậy.  Chiến tranh ở nước mình vô cùng ác liệt mà sao không đến mức thế này. Nhìn cảnh ấy, cổ bác cứ nghẹn lại. Thế rồi một  hôm, bác mang bát cơm đến cho cậu bé. Lũ trẻ xung quanh nhìn rất  ngạc nhiên. Chúng xao xác nói với nhau những câu gì. Còn cậu bé! Mắt nó mở to nhìn bác. Cái nhìn như ngạc nhiên mà pha chút ngần ngại. Chiếc áo đầy bụi lấm thấm mồ hôi. Nó nhìn xung quanh rồi lại nhìn bác. Nó giơ cái bát cũ mang theo để bác trút vào. “Xia xia nỉ” 2 với giọng run run và nhẹ như hơi thở. Ánh mắt ngây thơ, đau đáu làm bác phải ngoảnh mặt đi. Anh còn có thể làm gì hơn nữa hả em !
Đi cùng thời gian, bác mới hiểu. Nhân dân nước họ  cũng biết xẻ chia gian khổ với nhân dân mình. Dù họ có đánh lẫn nhau, chia phe phái thực đấy, nhưng họ biết có một đất nước Việt Nam nhỏ bé đang gồng mình chống lại xâm lược để gìn giữ độc lập và góp phần bảo vệ chính đất nước họ. Nhưng nỗi khổ của họ là ở chỗ khác. Họ tôn thờ một cách mù quáng vào một bộ phận lãnh đạo có quyền lực để rồi nhận những hậu quả tai hại.  Mười năm "Đại Cách mạng Văn hóa", có 20 triệu người chết, 100 triệu người bị đấu tố, lãng phí 800 tỉ nhân dân tệ. Bác không rõ thời kỳ "Đại nhẩy vọt" ở Trung Quốc, số dân chết đói, thiệt hại thế nào, nhưng qua con mắt của bác nhìn trẻ em ngày đó, bác hiểu con số đó là khách quan.
Cháu ạ! Có thể mai đây cuộc sống dù có thế nào đi chăng nữa, bác vẫn tin những người dân Trung Quốc vẫn mong sống những cuộc sống an bình, mưu cầu hạnh phúc. Nhưng còn điều gì khủng khiếp hơn khi họ bị lừa đảo, và rồi đến mức cuồng tín, họ sẵn sàng trừ bỏ những người thân, những hiền nhân của mình. Và như vậy, với những dân tộc khác, họ đâu cần quan tâm.

Cũng chỉ lan man với cháu một chút như vậy vì bác đã có lúc nhìn thấy tận mắt cảnh thương tâm đó. Cháu cũng đã lớn rồi và cháu cũng đã ý thức được nhiều việc cháu đang và sẽ làm. Bác muốn chia sẻ cùng cháu một góc nhìn khác về một đất nước có nền văn minh 5000 năm mà bác và cháu cùng trân trọng.,.
BàngHS
======
1: Mời Mao Chủ Tịch ăn cơm!
2: Cảm ơn anh!