Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

ĐÊM PARIS

Jacques Prévert 
Nhà thơ Pháp (1900- 1977) 

Ba que diêm lần lượt đốt trong đêm
Que thứ nhất để nhìn rõ khuôn mặt em
Que thứ hai để nhìn rõ mắt em
Que thứ ba để nhìn rõ môi em
Và sau đó là bóng tối
Nhớ lại tất cả khi ôm em vào lòng...

Xuân Hòa st

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

LÁ THƯ NGƯỜI THẦY

     

       Vào giữa năm 1974, những ngày học căng thẳng trong khu nội trú trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nhận được lá thư của thầy Luân, tôi rất xúc động.
      Những năm đầu của tuổi sinh viên, xa gia đình, mới chia xa tuổi học sinh, vẫn bộn bề nỗi nhớ, bỡ ngỡ với những mối quan hệ. Khu nhà cấp 4 lợp fibro xi măng. Mới chớm hè mà nóng vã mồ hôi. Một phòng chừng 40 m2 với khoảng 15 giường tầng. Nắng ngoài sân hắt vào nhà như táp lửa. Quạt trần chạy ì ạch. Vẫn phải chúi đầu làm bao nhiêu bài tập,  vì các thầy giao bài đơn giản là theo chương. Lại còn phải bước đầu làm quen với cách học mới trong trường đại học. Lá thư của thầy là nguồn động viên tôi rất nhiều.
Trong thư, thầy kể về công việc của thầy sau khi rời trường cấp III Nguyễn Trãi trong việc triển khai công tác giáo dục ở Khu 5. Mỹ vừa rút khỏi Việt Nam, ta và ngụy quyền giằng co giữ đất. Trong những đợt đi công tác Hoài Châu, Hoài Hảo- Bình Định được thầy chia sẻ về những gian khổ mà đồng bào nơi đây( đặc biệt các học sinh) phải gánh chịu cùng sự cảm phục về tinh thần anh dũng của họ. Trong thư thầy lạc quan nói về  vùng giải phóng rộng lớn, nhân dân phấn khởi vì được mùa lúa ngô và thầy còn kể về tình hình giáo dục nơi đây. Trong thư, tôi còn thấy thầy tâm sự:” Đoạn đường công tác vừa qua cho thầy nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức thực tế mà trước đây thầy vừa bước chân đến khu 5 rất ngỡ ngàng”.
      Nhớ những ngày học ở trường cấp III Nguyễn Trãi, bọn tôi được thầy dạy môn Toán. Sao ngày ấy, bọn tôi được nhiều thầy cô dạy giỏi, nhiệt tình và tâm lý học sinh đến thế. Thầy là một trong những giáo viên để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Bài giảng nào cũng được thầy truyền thụ với lời lẽ rõ ràng, khúc chiết, đặc biệt nhấn vào những ý chính của mỗi bài, và cả những kỹ năng học môn toán của thầy.  Còn nhớ, có bài kiểm tra đại số gồm 2 phần: lập công thức tính toán và sau đó thay số, rút thước tính logarit để có được kết quả. Phần đầu tôi làm thì ổn, phần sau thì do rút thước chập choạng nên cho kết quả sai lệch. Thế mà tôi vẫn có điểm khá. Tôi có trao đổi với thầy, được thầy rất nhẹ nhàng giải thích:” Với mỗi người, trước hết là khả năng tư duy, sau đó mới là kỹ năng tính toán”. Tới nay, tôi thấy điều đó càng rõ, nhất là học sinh việc tính toán đã quá thuận lợi, làm gì cũng chỉ bật máy tính tay lên là xong!
        Không những vậy, trên lớp, thầy vẫn trao đổi với học sinh những chuyện thường ngày. Thầy có kể, khi hỏi con thầy học để làm gì, con trả lời “để phục vụ đất nước”, thầy nói, nếu phục vụ đất nước thì con có thể ra đi làm ngay, hót rác cũng được, còn việc học, đầu tiên là học cho con, để con trở thành người. Những phát biểu đó ngày ấy đâu phải dễ “tiêu hóa”. Thế mà thầy lại “tâm tình” với học sinh!
         Cuối thư, thầy gửi gắm vào lời nhắc phương pháp học đại học khác hẳn cách học ở phổ thông nên phải có cách học phù hợp:” phải biết nhớ, biết suy luận, biết đọc sách không chỉ bó gọn vào bài giảng của cán bộ giảng dạy”. Tôi thật sự cảm động từ lời khuyên chân thành của thầy.
          Khi chúng tôi đã trưởng thành, mỗi đứa đã đi theo con đường của mình, tuổi học trò vẫn gọi chúng tôi đến bên nhau. May mắn là bên chúng tôi vẫn có những người thầy, người cô cùng chia sẻ trên bước đường đời. Những cuộc hội quân của bạn bè cùng trang lứa cũng có thày cô đến chung vui. Thầy vẫn tham gia sinh hoạt cùng khóa như những bạn đồng học khi có dịp. Trước những thành công của lớp lớp học sinh , thầy vẫn luôn vui mừng và chia sẻ. Những dịp gặp gỡ nhau, thầy vẫn cùng ôn lại kỷ niệm và có những trao đổi chân thành.  Đáng nhớ là tháng 5 vừa qua, thầy cùng với khóa 1972 rong ruổi từ Thành phố HCM lên Đà Lạt, qua mũi Né với sức khỏe và lòng nhiệt tình , chúng tôi phải nể phục. Thầy vẫn bám sát học trò, chúc mừng thành công của học trò, chia sẻ tâm tình trên Facebook .

     Hôm nay, dẫu cho nhiều bạn đã khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống, nhưng với thầy cô, họ luôn coi mình vẫn là những người trò với bao kỷ niệm với thầy cô và mái trường mình học. Thầy là một trong những người đã giúp chúng tôi vững vàng hơn trong cuộc sống! Tấm lòng tri ân thầy cô cũng là một tài sản quý giá của mỗi học trò !
BàngHS

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

TIN BUỒN

Vô cùng thương tiếc báo tin, bố chồng bạn Bích Hạnh lớp 10A mất do tuổi già sức yếu!
Lễ viếng tổ chức từ 11h30 đến 13h ngày thứ 5 (27/11/2014) tại nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Lớp 10A đi viếng Cụ tập trung lúc 11h45.
Ban Liên lạc lớp 10A
Xuân Hoa


Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

TRI ÂN THẦY CÔ



Mỗi khi tháng 11 ùa về….
Hình ảnh người thầy chủ nhiệm đôn hậu, tận tuỵ lại trở về trong tâm trí chúng tôi .Dù Thầy đã đi xa, nhưng khi gặp lại những người thân của Thầy, chúng tôi vẫn thấy như Thầy  đang hiện hữu đâu đây … vẫn ấm áp tình thầy trò !
Thầy ơi! em vẫn đi tiếp con đường của Thầy, ngày ngày vẫn quẩn quanh với lũ trò nhỏ.  

                                                 Thầy ơi! Chúng em nhớ Thầy...
                                                      Học trò lớp 10G bên vợ và con trai út của Thầy
Hình ảnh Thầy Hà Mạnh Tâm trước lúc đi xa 10/1999

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

CHÚC MỪNG THẦY CÔ



Chúng em Lớp 10 B và các bạn Khóa 1970 - 1972 Nguyen Trai Hanoi - Kính dâng các THÀY ,CÔ những tình cảm thiết tha nhất , lòng biết ơn , tôn kính tới các THÀY ,CÔ . Kính chúc các THÀY ,CÔ cùng gia đình niềm vui , hạnh phúc , khang minh , trường thọ — 
Vũ Thái Hà (10B)
=========
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1479885942260483&set=np.112970950.100001323360521&type=1

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Chúc Mừng Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11




K1972 Nguyễn Trãi Ba đình Hà nội, Chúc Mừng Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11

Các bạn không xem được các bạn vào đường dẫn sau :

Blogger K1972 Nguyễn Trãi.

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

PHÙ SA MẶN

Bloggers xin đăng lại những cảm nghĩ về những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ của anh Xuân Lăng-một học sinh trường Thiếu sinh Quân Nguyễn Văn Trỗi.


"Xin thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70) đã hy sinh nơi cuối nguồn của những dòng sông: Bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) liệt sĩ Huỳnh Kim Trung đã hy sinh năm 1972. Bên bờ sông Thạch Hãn chảy qua Thành cổ Quảng Trị là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ Bùi Hữu Thích, Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh, Đặng Bá Linh, Y Hòa...
Tôi là một người may mắn được trở về sau những ngày ấy."

 Phan Tất Thành st

Kể đi sông ơi! Tôi muốn nghe tất cả
Hỡi con sông cõng nặng phù sa,
Xứ Quảng Trị - dẫu quen mà rất lạ
Bao lớp người qua, bao lớp đất bồi.
Tôi đến bên sông với tâm trạng bồi hồi
- Đâu rồi nhỉ? Đâu rồi lịch sử? 
Sông vẫn chảy mặc nhiên dáng trầm ngâm tư lự!
Hãy kể tôi nghe… dù chỉ đôi lời…!
Tôi vẫn biết: Trong suốt cuộc đời
Sông cũng như người: Buồn vui đủ cả.
Có khác chăng:
- Sông đục phù sa mùa hạ.
- Sông trong xanh nổi đá mùa đông.
Nhưng sông ơi! Sông có còn nhớ không?
Những đồng đội tôi đến bên sông ngày ấy
Những con người đầu trần, lưng cháy
Những ”thiên thần” đi xuyên bóng đêm!
Có phải vô tình? Hay lâu quá sông quên?
Như con nước vẫn đổ xuôi về biển…
May có lớp phù sa - phù sa còn lưu luyến
Giữ lại trong mình bao kỉ niệm xa xăm!
Thời gian trôi qua khỏa lấp tháng năm
Nhưng phù sa đến hôm nay còn mặn
Mang trên mình vết thương chưa lành hẳn
Lẫn xương, máu bao người
nên phù sa có vị mặn… Sông ơi!
Đồng đội tôi bao người đi xa rồi
Nhưng sông không bồi - mà sông chỉ lở
Những con người trẻ trung từng làm nên bão tố!
Họ ở đâu bây giờ? 
chỉ có phù sa mới nói hộ sông thôi. 
Tôi muốn xới lên bao lớp đất bồi
Để tìm dấu chân những đồng đội cũ
Tìm những hương hồn bao năm yên ngủ
Họ vẫn chưa về sau cuộc chiến tranh?
Tôi đang đi trong vô tận mầu xanh
Nghe phù sa vẫn thì thầm kể mãi:
- Đây nơi quân vào, đây nơi vượt bãi…
Tôi như trôi trong huyền thoại…
chơi vơi! 
Sông vẫn vô tình đổ nước về khơi
Đâu có biết tôi đang đi ngược dòng chảy.
Bởi có phù sa!
lớp phù sa rực một màu đỏ ấy!
Vẫn mặn mà với bao chuyện đã qua.
Ai đó trên sông đang cất tiếng ca
Hát về chiến công của một thời xa ấy.
Câu hát tỏa lan - xôn xao - sóng dậy.
Như lớp phù sa – chập chờn mãi
… trong tôi!
Quảng Trị, 8-2002
Xuân Lăng