Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

LỜI CẢM ƠN


 Thứ bẩy 28.11.2020 K22 tổ chức thành công tốt đẹp buổi gặp mặt nhân ngày kn 70 năm thành lập trường Nguyễn Trãi - Ba Đình.

Ban Liên lạc K22 Nguyễn Trãi: xin chân thành cảm ơn BGH và các thầy cô giáo trường Nguyễn Trãi.
Xin chân thành cảm ơn các thầy các cô giáo chủ nhiệm k22 đã tới dự.
Xin cảm ơn tất cả 75 học sinh k22 đã tới dự.
Xin chúc các thầy các cô giáo và các bạn k22 mạnh khỏe và hạnh phúc.










Văn Trung


Niềm vui trong sân trường !

 27 / 11 - 2020 Tại Trường Cấp 3 - Nguyễn Trãi - Ba Đình - Hà Nội ( xưa )

Nữ sinh cấp 3 NGUYỄN TRÃI - Ba Đình - Hà Nội
sau 50 năm chắc hớn hở hơn cả thời cắp sách đến trường !







Vu Thái Hà










Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

THÔNG BÁO

Lễ kỷ niệm 70 năm nhà trường chuẩn bị rất công phu chu đáo (xin xem ảnh).
Ban Liên lạc K22 Nguyễn Trãi xin đề nghị: 
1- Ban Liên lạc các lớp nhiệt tình động viên các bạn đi đông đủ (xem chương trình gặp mặt thứ bẩy 28.11.2020 đã thông báo). 
2- Trang phục các bạn ăn mặc đẹp (không bắt buộc) 
3- 11g30 liên hoan tại nhà hàng Bia Thu Hằng số 2 Liễu Giai(ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai - Văn Cao).
 Xin cảm ơn ! 

MỘT SỐ CẢNH CHUẨN BỊ CHO NGÀY K22 GẶP MẶT TRƯỜNG CẤP 3 NGUYỄN TRÃI

Ngày mai họp mặt cả khóa K22 nhân 70 năm thành lập trường, hôm nay trưởng Ban liên lạc rất vất vả.











BàngHS







Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

CHÚT ÍT VỀ "SƠN NÚI" - THI NHÂN SỐ D(R)ÁCH VIỆT NAM HIỆN ĐẠI


[Chia sẻ giữa Thi nhơn hạng bét và Thiền sư Cò Hương; cùng nhìu PS]
--------------------------------------------------------------------------------
Họ, đôi bạn thân thời 10H Nguyễn Trãi Nguyen Trai Hanoi. Cùng học trò thầy Văn Tâm - 1 nhân vật lừng danh giới giáo dục, làng văn chương VN 60 năm qua. Thầy giỏi sinh trò quyết không hèn. Thế nên họ, người tu tập thiền tông (không chánh quả ắt chánh hạt!), kẻ luyện chuốt chữ nghĩa (chẳng thành thơ cũng thành thân!)
Họ, vừa giống vừa khác nhau ngoại hình đến nội tâm. Kẻ cao lòng khòng thạo chuyện mặt đất; người thấp xoẳn thông việc trên trời.
Đồng nghiệp giảng viên bỏ ngang cành hông: người toán học xiêu hình, kẻ vựt lý hột nhơn - cả hai không hẹn cùng... mất dạy. "Thầy giáo tháo giày đi chân đất" xông vô nghiệp mới cùng tâm đắc báo chí sinh nhai.
Thiền sư Cò Hương Xuân Hòa sau khi rời 1 trường Cao đ(c)ẳng tung chân nhảy vọt như nhà báo có số ở 1 tờ báo nhớn và nóng của đất nước trong những năm hậu Đổi mới. Yêu thi ca, anh sư tại gia ấy không quá màng 3 cái vụ thơ thẩn, nhưng - như mọi hành giả đắc thủ - khi cần có thể túm lên đỉnh thi, mò tận đáy ca.
Thi nhơn hạng bét thì là bạn thơ bạn thiết bạn hồn bạn xác số d(r)ách của mình Đỗ Quyên - kẻ viết các dòng này. Khỏi cần PR.
Đây, chí chát giữa họ trong những ngày thi giới Việt trên 2-3 bờ đại dương đành chịu để mất đi Sao Trên Rừng - Sơn Núi.
Mời làng Phây...
------------------------------------------------------------
- Thiền sư Cò Hương:
Mô Phật! Thầy có thể tham khảo stt trên FB anh Nguyễn Khắc Nhượng Nguyen Khac Nhuong, nguyên Tổng thư kí Tòa soạn báo Thanh Niên:
"SAO TRÊN RỪNG" ĐÃ TẮT
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (bút hiệu khác: Sao Trên Rừng) đã qua đời lúc 3g sáng nay 11/6/2020 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, thọ 84 tuổi.
Ông nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 là nhà thơ lập dị, đầy cá tính trong thơ, trong đời sống riêng, trong phát ngôn cũng như trong đối nhân xử thế.
Có một kỷ niệm đáng nhớ với tôi [Nguyễn Khắc Nhượng] về ông liên quan đến một sáng tác của ông sau 1975.
Một lần khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước ông từ Bảo Lộc xuống TP HCM và ngủ đêm tại nhà tôi. Sáng ra sau tuần trà, ông trao cho tôi một bài thơ của ông cùng lời "kích tướng" đặc hiệu Nguyễn Đức Sơn rằng, nếu báo Thanh Niên dám đăng bài thơ này thì ông sẽ chịu bú... hết tất cả anh chị em trong toà soạn; riêng tôi ông sẽ cõng đi chơi một vòng khắp chợ Bến Thành.
Gần 30 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ bài thơ ấy không sai một chữ. Xin ghi lại đây để tưởng nhớ về ông:
'MƠ VỀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Hẹn một
ngày vui
Anh đui
em dắt
Réo rắt
đàn kìm
Tiếng chìm
tiếng nổi
Ăn xổi
ở thì
Ta đi
hát dạo
Nắm gạo
tang thương
Nắm xương
lạc phố!
NĐS'
Hồi đó sau khi đọc đi đọc lại bài thơ đầy cay đắng về thời thế này của ông, tôi nói với ông rằng bài thơ hoàn toàn có thể đăng được nếu ông cho phép tôi sửa lại nhan đề bài thơ là "Lạc phố" chứ không là "... thành phố Hồ Chí Minh" một cách cụ thể như thế.
Ông giật lại bản thảo bài thơ tôi đang cầm trên tay rồi bảo: "Bài thơ này "ăn" ở cái nhan đề. Bỏ cái nhan đề bài thơ của tôi đi thì toàn bộ bài thơ này chỉ đáng để chùi đít mà thôi!"
Nay ông đã lìa trần, không biết trong di cảo văn chương và thi ca của Nguyễn Đức Sơn để lại có bài thơ "Mơ về thành phố Hồ Chí Minh" này không nữa. Cầu cho hương linh nhà thơ sớm được siêu sinh tịnh độ.
Sau này, bài thơ được đăng trên trang nào đó nhưng đổi đầu đề thành "Lạc phố".
Ảnh: Chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Sơn qua cọ vẽ của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh"
[Hết trích toàn văn]
+ Thi nhơn hạng bét:
Dạ Mô Phật ạ. Cảm tạ thầy quá xá, 1 bài quá hay và cực hiếm! Bần tăng quan tâm lắm lắm quái sĩ Sơn Núi mà chưa kịp biết stt như thế. Không ngờ ngài nguyên Tổng thư ký có duyên vậy mà chẳng thành quả. Phải tui, sẽ xin đổi tên bài hiền hơn (có thể chả cần là "Lạc phố"; mà "Hẹn" hoặc "Hát dạo", nhưng dưới bài thơ thì đề như sự bình thường: địa điểm và thời gian - "TP HCM, ngày... tháng... năm 19...".
Đây gọi là thủ pháp thành phần phụ. Nó rất hữu hiệu mà Đỗ Quyên, cái tay bạn thơ bạn thiết bạn hồn bạn xác số d(r)ách của tui mươi năm trước trong 1 bài bình thơ Trương Đăng Dung đã xướng ra trên Tạp chí Sông Hương.
- Thiền sư Cò Hương:
Đa tạ thầy hưởng ứng. Cái duyên của bài thơ chỉ có dzậy thui. Hi Hi...
+ Thi nhơn hạng bét:
Thiền sư phán chí phải. Ngài Tổng thư ký dính vô quái kiệt nhân hơi sâu tí nữa, có thể hổng còn... đít mà chùi. He he...
Siêu dị thi nhân dường như ít làm thơ thời cuộc có tánh chính trị (bài "Lạc phố" mới là 1 ám chỉ). Nơi chàng chủ đạo vẫn là thơ tình người, tình đời; thơ nhân sinh triết lý; thơ vấn nạn thời cuộc - tất cả đều pha "muối tiêu" dục tính (không hẳn dục tình) khi tục khi phàm trong cái nhìn phàm tục của trần đời.
Vội cống hiến thầy Cò Hương 1 bài thời cuộc hiếm hoi và đạt đỉnh mà tui vừa biết khi dạo chợ Phây (trang Thi Viện bảo: "Một trong những bài thơ đáng đọc của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn"):
"TÂM SỰ VỚI MỘT ĐẢNG VIÊN TRÍ THỨC MUỐN RA KHỎI ĐẢNG
Anh đi cách mạng bao năm
Từ rừng đến phố dao găm chưa xài
Vẫn chưa dứt điểm sòng bài
Tấm thân ê ẩm khuya dài đau sao
Cứ yêu tha thiết đồng bào
Tuy nhiên hễ thấy máu trào thì ngưng."
Về ngôn ngữ, tui thấy các chữ "dao găm", "đồng bào", "máu trào" thực đắc địa. Tuy nhiên, chữ "tuy nhiên" khi làm tăng độ hài hóm (sở trường của Sơn Núi), đạt hiệu quả chính trị thì lại làm giảm chất thơ.
[Mở ngoặc chê đại sư phụ phát chơi: Về khí thơ, bài này mang giọng vè. Ngay câu đầu đã bị vè hóa, y chang giọng Bút Tre, "Anh đi công tác Plây...". Có thể ngài cố ý? Dở! Chất dân gian, dân dã trong thi giới Sơn Núi cao hơn núi, mềm hơn sông; song khi tác giả quá đà dễ làm chuyển loại hình giữa thơ trữ tình (thơ) và thơ không trữ tình (không-thơ).
(Tiếng ta có chữ "thẩn" là thế. Thơ (lẩn) thẩn. Nói cho ngay, với các thi nhân dưới hàng thi bá, có lẽ già nửa cái viết ra là... thơ thẩn.
Nhưng ở bài "Lạc phố" Sơn Núi không hề bị "vè" dù dùng thể đồng dao; như đa số các bài thơ 2 chữ mạnh như các đường gươm của mình.
Đóng ngoặc, hẹn nếu có duyên trở lại vụ này ở 1 bài chuẩn hơn khi so sánh nhị vị thi bá Bùi Giáng & Nguyễn Đức Sơn]).
Về thủ pháp, chữ "ngưng" là từ khóa của bài thơ. Hạ được nó ở chữ cuối cùng của toàn bài, chỉ tầm thi bá cho đến thi hào. Hạng bét như bần tăng chắc tu mấy kiếp nữa mới được?
- Thiền sư Cò Hương:
Cám ơn thầy chia sẻ! Thiển ý tui: Nhà-thơ-rừng vẻ như chú ý nhiều đến gai hơn là hoa hồng - trái tim, nụ cười, niềm vui?
+ Thi nhơn hạng bét:
Bạch thiền sư, bởi chưng thiên hạ bị cái GAI hiển lộ chọc dữ dội nên quên cái HOA tỏa ngát sâu thẳm trong thơ Sơn Núi.
Đây, trích dẫn từ Lê Trọng Hà mà bần tăng vừa thấy trên 1 trang cực chính thống vanhien.vn 13/06/2020:
"Nguyễn Đức Sơn có những vần thơ rất hay và đẹp (...)
Viết về thiên nhiên:
Có hương có nhạc trên trời
Tóc tôi se gió mắt ngời ánh sao
Có con chim rủ tôi vào
Ở trong giấc mộng tôi trao ái tình.
Nói với con:
Mai kia cắp sách đến trường
Con nên học hỏi bình thường như ai
Trời sinh con dẫu có tài
Cũng không kéo được mộng dài thêm đâu
Một điều phải hiểu cho sâu
Trăm năm hai chữ vô cầu mà thôi".
Chính văn sĩ nức danh Võ Phiến, 1 ngự sử văn đàn văn chương miền Nam, trong Tạp chí Bách Khoa, # 238 - 1/12/1966, cũng lý giải cực tâm lý tâm tình:
"Trông thấy Nguyễn Ðức Sơn khoa trương về những tác phẩm “ngợp mắt” của mình và xỉ vả tất cả những ai, “bất luận già hay trẻ, đực hay cái”, muốn lợi dụng tài năng mình, người ta tưởng tượng ông ngổ ngáo không ai bằng. Nhưng hãy đến gần một chút, sẽ thấy ông hiền lành dễ mến biết chừng nào. Con người ta chỉ làm bộ làm tịch lúc bình thường, chứ một khi có điều trọng đại xảy đến, lay động sâu xa, thì liền quên hết bộ tịch mà xuất lộ ngay chân tướng."
Tất nhiên, trong bài của mình tác giả họ Lê cũng dẫn ra được 2 GAI đỉnh của Sơn Núi:
"Nếu câu thơ này hay và thật, và ai đó cũng có thể viết được:
Ôi tấm thân và da thịt đàn bà
Tôi rất thèm và muốn biết qua
Thì câu thơ sau đây là tuyệt tác, không ai có, ngoài Nguyễn Đức Sơn:
Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt..."
Thầy tha cho tui, khỏi bình lại câu thơ cuối. Nó là câu nhập môn khi kẻ bần tiện này vào thế giới thi ca Sơn Núi (và chắc khối kẻ cũng... bần tiện giống tui chăng?)
Siêu độc giả ấy của Sơn Núi còn bộc bạch cực... dễ thương: "Tôi [Lê Trọng Hà] cũng ngỡ ngàng, nhưng là sự ngỡ ngàng xấu hổ: Thực sự là tôi không biết nhiều về nhà thơ được coi là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam trước đây (ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên)."; và "Tôi biết đến Nguyễn Đức Sơn quá muộn, lỗi của tôi là chính, truyền thông cũng có lỗi một phần."
- Thiền sư Cò Hương:
Đọc thầy, tui thấy mình là kẻ ngoại thi đạo đến mấy vòng gửi xe nên không dám ý kiến ý cò chi hết.
Chia sẻ riêng: Khi nói về vô ngã vô thường mà chưa trải nghiệm qua thiền, đó chỉ là kiến thức. Trải nghiệm vô ngã vô thường qua thiền cũng giống như ăn ớt. Chưa ăn mà mô tả, đó chỉ là "nói về" ớt. Thiền giả thực sự sẽ biết tác giả thơ đã ăn ớt hay chưa. Cảm nhận này tinh tế, khó diễn tả bằng lời.
+ Thi nhơn hạng bét:
Thưa vưng. Thiền sư à, ý nầy cực quan trọng, xin thỉnh thầy duyệt. Cũng như thần thi quái kiệt số 1 là Bùi Giáng, chàng Sơn Núi cực thấm Phật tính và đưa vào thơ điệu nghệ vô cùng tận. Khi trúng duyên xin sẽ nạp thầy hẳn 1 bài lạm bàn (chọc Sơn Núi chơi chớ chắc hẳn kẻ bần tiện làm sao nói trúng lòng quái kiệt?) Nay vội ngắt ra dăm câu thơ minh họa:
.Về tương quan Thiên-Địa-Nhân; cái Không cái Có, cái Siêu cái Phàm:
"Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên"
. Về vòng luân hồi và nghiệp:
“không biết từ đâu ta đến đây
mang mang trời thẳm đất xanh dày
lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ
sống điêu linh rồi chết đọa đày”.
. Về nhi nhiên thiền tịnh:
"đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không..."
. Về tính không:
"Sáng mênh mông.
Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng.
Ồ bông,
ồ mộng,
ồ không."
. Về siêu hình, hiện sinh:
"Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai".
- Thiền sư Cò Hương:
Xin huyên thuyên vài ngu ý nữa. Triết lý Phật giáo là kiến thức; tinh hoa Phật giáo là thiền. Một bài thơ có các từ mô tả vô thường, vô ngã, vô cầu thì nó có triết lý Phật giáo. Một bài thơ diễn tả cảm nhận trực tiếp sự vật mà không có ý nghĩ (thiền) thì nó có hương thơm của tinh hoa Phật giáo.
Bài haiku sau của Basho là một thí dụ:
"Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang."
À, trong một buổi thiền hành, loạng quạng thế nào tôi vớ được chút nước hoa quá đát:
"công viên
cỏ mới cắt
gió vẫn còn thơm."
+ Thi nhơn hạng bét:
À há. Đứng trước núi, thiền sư mới chịu xì thơ mình ra. Not too bad ạ.
Xin tiếp với Sơn Núi. Còn 2 cái này đã từng có lời bình về Phật pháp của sư thầy Tuệ Sỹ:
”Mai sau tắt lửa mặt trời
Chuyện linh hồn với luân hồi có không
Thái hư chừng sắp chuyển vòng
Đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gởi cát bụi về mai kia…"
”Tôi đang rơi xuống kêu cái bịch
Trên rong rêu tịch mịch
Từ muôn đời nay”.
- Thiền sư Cò Hương:
Hành thầy và bạn đọc nghe lời bình của kẻ ngoại đạo về bài haiku thần thánh của Basho.
Tai nghe: Tiếng chuông chùa tan. Mũi cảm: Hương hoa đào buổi tối. Mắt thứ ba thấy: Tiếng chuông và hương hoa quyện vào nhau trở về cõi lặng vô cùng. (Cõi lặng vô cùng là nơi mọi cái khởi sinh để rồi về lại.)
+ Thi nhơn hạng bét:
Thưa vưng. Và cuối cùng, để thấy thâm tình của VIP của chúng ta với làng Phật VN cùng các VIPs trong làng Phật, đây chỉ là 5 trong nhìu info quí mà khi Núi Thơ VN nằm xuống thì cả làng văn báo mới tỏ:
1. "Sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn thất nghiệp một thời gian dài (...) Năm 1979 Nguyễn Đức Sơn dẫn gia đình lên ngọn núi Phương Bối, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng sinh sống (...) khai hoang làm nương rẫy. Hàng ngày ông dùng xe đạp thồ củi xuống chợ bán để nuôi chín đứa con và vợ. (....) từ đó, gia đình ông ăn chay trường, con ông hầu như đều tu tại gia, trong các am thất trên núi...” (motthegioi.vn 11/06/2020)
2. "Hai ông bà Sơn - Phượng có chín người con, bảy trai, hai gái. Theo trình tự là Thạch, Vân, Thảo, Thủy, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê. Không một người con nào được cho đi học cả! (...)
”Những đứa trẻ lớn lên cũng hoang dại như núi rừng, không cách chi sinh sống đươc nên tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Ngoại trừ Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình, Thảo nằm kia từ lâu lắm, nấm mồ chơ vơ trên ngọn đồi yên ả mây bay. Vân từ chối cơ hội sang Pháp tu học, tạm quay về để gom tất cả bốn người em trai, nuôi ăn học lại dưới một mái nhà tại chân Phương Bối. Trong đó, Thủy đang theo học cao cấp Phật học tại Sài Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà theo thế học”. (Nguyễn Hữu Hồng Minh, duyendangvietnam.net.vn 29/7/2019).
Theo đó được biết nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Vân, tức đại đức Thích Giới Lực là bạn của tác giả bài báo - 1 thi sĩ, phê bình gia thông minh, cực năng nổ và tinh nhậy; chí ít trong "vấn đề Sơn Núi" mà trên Phây của chàng Nguyễn Hữu Hồng Minh đang có nhiều nhận định, info, foto, link về Sơn Núi và về thơ Sơn Núi ít nhất từ khi ngài đổ bịnh 1 năm qua.
3. "Từ khu đất trên đồi do thiền sư Thích Nhất Hạnh tặng lại, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã cùng vợ con trồng thông, chấp nhận khoai sắn qua ngày để giữ khoảng trời thông reo”. (Báo Nông Nghiệp Việt Nam 11/6/2020)
- Thiền sư Cò Hương:
Để có bài "chuông chùa tan" nói trên, Basho cảm nhận bằng 2 giác quan là tai và mũi. Khi nghe hay ngửi, người ta không thể suy nghĩ. Khi suy nghĩ dừng thì đó là thiền. Bài thơ của Basho có tính thiền vì thế.
+ Thi nhơn hạng bét:
4. "Trong lần xuất bản tập thơ "Chút lời mênh mông, NXB Đà Nẵng - 2019, thầy Không Hạnh ở thư viện Huệ Quang có nhận định về nét dâm tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn bằng một ý quan trọng:
"Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông... Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!" (Trang Tuổi Trẻ TTO 11/6/2020)
5. Còn đây, các lời hoa ý hương mà thi nhân kiêm nhà tư tưởng hàng đầu Phật giáo VN là hòa thượng Thích Tuệ Sỹ dành cho thơ của bạn đạo của mình:
“Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh (Sơn Núi) với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? Làm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai”.
Cũng ở bài báo trên, phê bình gia họ Nguyễn phán khá là chuẩn: "Tuệ Sỹ có một phát hiện về thơ Nguyễn Đức Sơn độc đáo, riêng một. Có lẽ chỉ duy nhất ông nhìn thấy do soi rọi ngôn ngữ thơ qua lăng kính triết học Phật giáo", và "Thân người, lạ bóng! Từ cổ chí kim tôi đọc chưa ai viết như thế! Chỉ có Tuệ Sỹ viết về thơ Sơn Núi và đọc ra như vậy quả là hết sức kính nể!"
Úi chao, bần tăng đang muốn thất kinh luôn, thiền sư à.
- Thiền sư Cò Hương:
Vừa coi lại những gì chúng mình san sẻ. Hoa cả mắt trước một rừng chữ về thi nhơn thứ thiệt thứ dữ Sao Rừng. Xin nhại theo sư thầy Tuệ Sỹ: "Tui chưa biết mình là ai nên làm sao biết tỏ thơ Rừng". Nhờ rừng chữ thầy vừa mang về, tui mới vỡ ra: Nhìn người thơ ấy, cụ sư thầy thấy nhiều gai. Nhìn rừng thơ đó, cụ sư thầy thấy nhiều hoa.
+ Thi nhơn hạng bét:
À, chốt lại sẽ là lời hương ý hoa nữa bên tấm hình 2 người thơ - đạo hữu rủ rỉ bên nhau khiến kẻ thi nhơn hạng bét phải lao xao, bởi qua đây mới thấy Sơn Núi cũng biết... cười (dù chỉ tủm tỉm). Mời xem foto đầu tiên.
- Thiền sư Cò Hương:
"FB của anh Nhượng Nguyen Khac Nhuong:
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã được hoả táng tại TP Đà Lạt. Xin vĩnh biệt ông bằng bài thơ chỉ có bốn câu của chính ông trong tập thơ Vọng do An Tiêm xuất bản năm 1971:
HẠ HUYỆT
(Tặng thầy Th. Tr. G.)
trăng đã lấp một bóng dài hun hút
như chặn đầu sinh tử thấu trong hang
mây lẩn quẩn dựng thành sầu ngút ngút
ta nổi khùng châm lửa đốt xe tang
NĐS"
+ Thi nhơn hạng bét:
Mô Phật ạ! A vẫn chưa xong, xin nói vớt 3 câu: Từ khóa của bài thơ - chữ "tang" - lại một lần nữa rơi vào chữ chót của toàn bài. Wow, siêu thi bá của chúng tui, siêu thi bá của chúng ta! Mô Phật ạ. Xong.
Vancouver, 15/6/2020
Đỗ Quyên cẩn bút soạn chép
--------------------------------------
PS:
Các fotos đều rất đỗi quen thuộc, thân thương với bá tánh làng phây - mạng; riêng foto quý hiếm 2 ái nữ út của siêu thi bá Sơn Núi (tức là của Nguyễn Đức Sơn & Nguyễn Thị Phượng - cặp uyên ương đặc biệt hạng nhứt làng thơ VN) đến từ nhà tín chủ văn hữu Trịnh Thanh Thủy. Xin phép và cảm tạ!
A vẫn chưa xong, xin nói vớt nhiều câu nữa:
Tường nhà Trịnh Thanh Thủy Thanh Thủy Trịnh đang treo bài của chính chủ, cực hay và rất gần gụi với Sơn Núi. Được viết từ 3 tháng trước trong thời gian khổ chủ lâm bịnh cực nặng. Về tập thơ mang tên "Thơ và Đá" của Sơn Núi. Vừa được ra lò tại hải ngoại tháng 12/2019. Bởi Nxb Van Hoc Press & Culture Art Education Exchange Resource. Tuệ Sỹ viết Thay lời tựa. Bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Nhật (Mua sách trực tiếp qua Barnes and Noble. Mại dzô! Mại dzô!)
Giang hồ đồn thổi Nhóm chủ trương từng toan tính ra mắt sách vào ngày 19/3/2020 tại Garden Grove, California để mong tất cả tiền lời bán sách sẽ được chuyển về gia đình siêu thi bá ở Đà Lạt.
Ngờ đâu.
Mưu sự bất thành.
Chung quy chỉ tại Vua Hùng.
Úi xin lỗi.
Chung quy chỉ tại Cô Vy!
Xong hẳn.
PS Bis:
Tưởng bở "Xong hẳn"! Đâu dễ. Mần xong tút đặc biệt, mình nằm vắt mouse lên mũi... Nhớ lại, nhận thêm nhìu bài vở, info chất lừ về chính chủ Sơn Núi.
Đành hẹn dịp khác thuận tình hơn. Tất cả để hiểu đúng thơ Sơn Núi hơn mà thui. Đích cao nhất: Tôn vinh 1 Núi Thơ VN vừa nằm xuống. Mọi chuyện xung quanh Núi chỉ là hoa lá cỏ cây bụi cát và... "dòi". He he...
Xin ghim lại nơi đây 1 nhận định chuẩn khó mà chỉnh của 1 VIP mình quá hên được thân quen - 1 nhà tranh đấu kiêm văn sĩ cực am hiểu và tham dự trong vấn nạn văn học miền Nam, văn học cả nước VN ngay sau 1975 nhứt là thời Đổi mới, và - tất nhiên - cực am và thân tình trong "vấn đề Sơn Núi".
Ảnh bảo thế vầy:
"Theo tôi, Sơn Núi là một tài năng thi ca độc đáo, một trí tuệ lớn mà cũng là một con người đầy mâu thuẫn, đôi khi hoang tưởng, lộn nhào giữa thiên đường và địa ngục nhưng vẫn cho mình đã giải thoát. Cuộc sống của anh là bi kịch lớn mang tầm thời đại và tính nhân văn sâu sắc, một hiện tượng phi thường và nghiệt ngã, bi tráng đột khởi giữa vùng nhân gian bình thường đơn điệu tự nghìn xưa."
- The end hẳn -
Nói dzậy mà hổng phải dzậy:
Thêm 1 bài ký giá trị viết từ năm 2000 lận (dám mình đọc rùi mà quên), nay vừa thấy lại trên web: Người Đàn Bà Trên Đồi Cỏ của văn sĩ phản kháng nức danh một thời Đào Hiếu.
Về thơ và đời Sơn Núi cùng gia đình qua hình ảnh Mặt trăng Nguyễn Thị Phượng.
- Tạm The end -




Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

NHỚ HÀ NỘI


Từ ngày xa ấy ở Hà Nội
Nước lũ dâng lên mấp mé đê
Thanh niên xung kích cùng cuốc xẻng
Đêm thức cùng đê, cười rộn đê

Từ ngày xa ấy ở Hà Nội
Gặt lúa giúp dân, xóm ven ô
Lao động công ích cùng bè bạn
Lúa trĩu đôi vai cười vang đồng

Đã bao ngày ấy cùng Hà nội
Xao xác hàng cây trời trở thu
Mướt tơ Cơm nguội đường Yên phụ
Bông Nhuộm Bằng lăng tím ngẩn ngơ…

Đã bao ngày ấy cùng Hà Nội
Vui buồn gian khổ sẻ san nhau
Giờ tạm cách xa ngàn cây số
Nỗi nhớ trời cao và biển sâu.
Tháng 11 năm 2010
Ngọc Hà

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

THƠ NĂM BÀI TÌNH ĐỖ QUYÊN -1



ĐỨA CON CHUNG

Em,

anh vừa bị bác sĩ xem là đang có thai
phải đẻ
trong tiếng thét
đêm mơ vỡ tan

việc đời ráng thu xếp lẹ
vào đó đẻ giùm anh

ôi
đứa con chung
trong khi chúng ta còn
xa cách

SỰ VIỆC LÚC NỬA ĐÊM

Có một kẻ vừa xóa đi hình ảnh
liên quan đến chuyện chia tay
vì không muốn nỗi buồn nhân hai

Hẳn tên này chưa từng trải
qua những sự trong mơ
hoặc ứ biết đường mà nhớ

Bạn cứ nhìn theo thì thấy
hắn vừa đi vừa phủi tay
đoạn leo lên giường và ngáy

Ngoài hiên trời chớm sang ngày...

THƠ BỆNH

Nghe nói bài tập vẫy tay
chữa bệnh
ta thử mỗi ngày
sáng
trưa
hoặc tối
đều đều
đều đều

Chiều thì không thể
thành lệ rồi
chiều chiều
mần thơ tình

Ủ trong ta từ bao giờ bệnh không thể biết
ta phải lòng ai

Nào thì chữa bệnh
vẫy tay

NẾU

Nếu mang mặt trăng vào giấc nồng
mặt trời sẽ không ý kiến

Còn đưa mặt trời ra ngoài đời
thế nào mặt trăng cũng điều tiếng

Nếu cho người tình vào mơ
hẳn anh có thể được nhờ

Nhưng để tình yêu thành đời thực
tất nhiên em là người chịu thiệt

HAI LẦN KHÓ

Cả ngày nay anh sẵn sàng sửa soạn
một cuộc làm tình dự tính là lẫm liệt
trong mơ

Luyện trí nhớ
ôn thuật ái ân phim người lớn sách Kama Sutra
giường chăn nệm phưng phức thoáng thông phòng ốc

Nơi em có lẽ vẫn rộn ràng
chu tất
và ắt là kín đáo hơn nhiều

Hoàng hôn về từ lâu
Trăng mười sáu sao cứ lơ lửng thế

Sắp đặt giấc mơ đã khó
Soạn thảo cuộc tình cũng khó

Kệ
chúng mình vẫn cùng nhau thách đố
hai lần khó
đêm nay

Khuya rồi
Trăng mười sáu như vẫn lơ lửng mãi

Vancouver - Những mùa mưa
Đỗ Quyên
*

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=25892

*
https://vandoanviet.blogspot.com/2020/03/tho-o-quyen.html

--------------------------------------------------------------------------------

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

NHỚ NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Trung úy Ngô Ngọc Hòa người cao gầy nhưng rắn giỏi lúc nào cũng nghiêm chỉnh chải chuốt quân phong, quân kỷ nghiêm chỉnh. Thầy rất đẹp trai trong bộ quân phục vải Gabadin mới toe và chiếc mũ cối ( kiểu cụp của TQ ) đội hơi lệch. Miệng thầy luôn cười tươi và đôi mắt hóm hỉnh nhìn về xa xăm...Tôi và anh chị em K6 được thầy dậy văn học Việt Nam trong những chiều đông giá buốt hay những ngày hè oi nồng trong lớp học dã chiến nửa chìm nửa nổi ở An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên ... Với giọng truyền cảm và kiến thức sâu rộng thầy đã đưa chúng tôi những đứa trẻ mới 11- 12 tuổi khám phá kho tàng của văn chương và thi ca Việt Nam, đặc biệt là văn học cận đại như Nhớ Rừng ( Thế Lữ ), Chí Phèo ( Nam Cao ),...và văn học cách mạng như Đất nước đứng lên ( Nguyên Ngọc ), Việt Bắc ( Tố Hữu), Nhật ký trong tù ( Hồ Chí Minh ),...

Sau này do tình hình chiến tranh Việt Nam ngày càng ác liệt, Đế quốc Mỹ leo thang không kích điên cuồng ra miền Bắc hòng bẻ gãy ý chí đánh Mỹ và quyết tâm giải phóng miền Nam của Đảng và Bác Hồ, được lệnh của Tổng cục Chính trị QDND Việt Nam, trường chúng tôi sơ tán sang trường Y Trung Quế Lâm Trung Quốc. Sang đó do bị bệnh viêm xoang mũi dị ứng gây đau đầu nặng phải tăng khóa, tôi xuống B5 C52 ( vườn đào gần nhà ăn và cổng trường). Thầy thường xuyên quan tâm săn sóc tôi và các học trò nhỏ của thầy như quan tâm sức khỏe, tâm tư tình cảm vì chúng tôi mới 11- 12 tuổi xa gia đình, xa quê hương, sống tập thể quân đội nơi đất khách quê người... thầy cùng chơi thể thao bóng đá, bóng bàn, đá cầu với chúng tôi, thầy cắt tóc cho chúng tôi, cắt móng tay cho chúng tôi, kể chuyện ngoài giờ cho chúng tôi... Tôi rất cảm kích tình cảm thầy dành cho chúng tôi. Một lần thầy đến thăm tôi sau trận ốm thập tử nhất sinh do bị lây nhiễm vi rút gây đau màng não, tôi đè nghị thầy nhận tôi làm em kết nghĩa. Thầy cảm ơn nhưng thầy từ chối và nói ở đây trò nào cũng là em của thầy cả, thầy thương yêu quý trọng các em ai cũng như ai , không phân biệt em nào là con quan, con tướng hay con cấp tá, cấp úy cả...
Thầy còn nói cậu cùng họ với tôi lại cùng quê, biết đâu trong họ cậu ở vai trên thì sao... Tôi ngậm ngùi đành yêu quý thầy hơn và tất nhiên là giữ một khoảng cách sau cú " Sốc " đó.

Năm 1969 khi cuộc cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc bùng phát dữ dội và có nhiều biểu hiện xấu ảnh hưởng đến tình hữu nghị và an ninh an toàn trường chuyển về Hưng Hóa và Trung Hà để rồi năm 1970 trường giải thể theo quyết định của Tổng cục Chính trị. Thầy Hòa nhận nhiệm vụ mới lên trường Văn hóa Lạng Sơn tiếp tục dậy văn cho nhiều anh chị em Trỗi sau khi nhập ngũ lên đây học tiếp để đi các trường sỹ quan hoặc ĐHQS, ĐHQY... Từ đó đến nay chỉ gặp lại thầy một lần duy nhất khi tôi ở Đức về phép rồi cùng bố tôi về Bái Dương thăm mộ Tổ họ Ngô có ghé thăm thầy ở Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định. Thầy tiếp bố con tôi trong căn nhà ngói ba gian đơn sơ nhưng mộc mạc chân tình. Bao nhiêu kỷ niệm về trường Trỗi đuọc tôi và thầy ôn lại bên ấm nước vối rôm rả. Nay thầy đã đi xa ... Tôi và các bạn Trỗi K6, K7 không bao giờ quên và luôn nhớ về thầy, một giáo viên văn mẫn cán, chân tình của Tổng cục Chính trị QDND Việt Nam.

Ngô Thái Hòa , K6+7 Nguyễn Văn Trỗi

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA













Phải bốn năm mới có một ngày đáng nhớ
Chúng tôi trở về thăm mái trường xưa
Tìm lại tuổi thơ, dễ không trở lại bao giờ
Tìm về những kỷ niệm xưa thân ái

Bạn trong Nam ra, bạn phương xa lại
Sắc màu áo hôm nay, gọi Tết chung đường
Tấm huy hiệu trường thân thương
Gợi lại phút xa xưa rất thực

Lớp học bảng đen, thẳm sâu ký ức
Gợi ta mong gặp lại thầy cô
Và từ đâu trong ký ức học trò
Mong tìm bạn xưa, từng trong trái tim diệu vợi

Mái trường xưa đã thay áo mới
Mái trường xưa nay đổi chốn quen xưa
Dù bạn là ai, nếu qua tuổi học trò
Giữa tiếng ồn ào, khoảnh khắc này, xin dừng lại

Mái trường xưa thân ái
Lưu giữ tuổi học trò
Những hư vinh, hơn thiệt, âu lo
Xin biến đi cho chúng mình thắm lại !
Hà Nội,7 - 4 - 2020
BàngHS

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

“NHÀ VĂN VIỆT-NAM HẢI NGOẠI
– Nhận định về 73 tác giả”
(Trích)



Đỗ Quyên tên thật Đỗ Ngọc Thủy, sinh năm 1955 tại Hà Nội. Giảng dạy đại học ở Hà-Nội, 1988 sang Nga tu nghiệp và ở lại, cuối cùng định cư ở Canada từ 1996. Sáng tác thơ, truyện, phê bình, khảo cứu; đồng sáng lập và chủ biên một số báo chí, diễn đàn; cộng tác với nhiều tạp chí văn nghệ Việt hải ngoại và nhiều báo chí trong nước.
Tác phẩm đã xuất-bản: Nhìn Cây Thấy Rừng (Phỏng vấn chuyện nước non; Westminster CA: Văn Nghệ, 1997) – Thơ kể – Poetry Narrates (NXB Lao Động- Hà Nội 2010 & Nxb Tân hình thức, California 2010) – Lòng Hải Lý (Trường ca; Hà Nội: Hội Nhà văn, 2011) – Trung-Việt Việt-Trung (“tiểu-thuyết thời sự”; Westminster CA: Người Việt Books, 2016) – Trường ca Việt Nam: tác giả và tác phẩm (Tài liệu tham khảo; Hà Nội: Hội Nhà văn, 2017) – Đẻ Sách (“tiểu thuyết châm biếm”; Westminster CA: Người Việt Books, 2018).




*
Văn chương hải ngoại đã có những tìm kiếm hình thức, một số nỗ lực đổi mới thi ca và thể-loại tiểu-thuyết, v.v. Thoạt nhìn và nhất là qua các ấn phẩm chúng tôi có được, tính văn-học hoặc giá trị “sống còn” dĩ nhiên là khả dĩ, nhưng cho ai và tới thời nào thì chỉ có thời-gian mới có thể trả lời. Về thi-ca cũng như tiểu-thuyết, nhà văn nhà thơ phải luôn cách tân, tìm tòi, nếu không, sẽ rơi vào sáo mòn của truyện kể hoặc ca-dao. Văn xuôi thì có trường hợp Đỗ Quyên với hai tiểu-thuyết Trung Việt-Việt Trung “tiểu-thuyết thời sự” và Đẻ Sách “tiểu thuyết châm biếm”.
Trung-Việt Việt-Trung được tác giả chú là “tiểu-thuyết thời sự” viết về quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự bất lực của người trí thức trước tình thế, khởi từ biến cố giàn khoan 981 từ tháng 5 năm 2014. Hình thức gồm thông tin thời sự, phóng sự tưởng tượng, tường thuật báo chí và truyện kể. Nhìn chung, Trung-Việt Việt-Trung như một đề cao cảnh giác, hoặc như một tiếng kêu thương cho tương lai và dân tộc.
Đẻ Sách với tiểu tựa “tiểu-thuyết châm biếm”, tác giả cho biết là “cuốn truyện đầu lòng” sau các tập thơ và “tiểu-thuyết thời sự” đã xuất bản. Ý chính nếu nói ngay là chuyện “người ăn thịt người đẻ sách” thì khó hiểu, khó hình dung, tưởng tượng, nhưng nếu độc giả sẵn sàng nhập cuộc sanh đẻ thì có thể phong cho tác giả là một “chiến sĩ văn hóa”… dũng cảm nhờ đa ngôn lênh láng, thuần lý, phi lý, vô lý và lắm lời khiêu khích, châm biếm.
Chương Mở “Thai phu” như một món khai vị cho những món chính có thể… khó nuốt đến sau. Chương này kể chuyện đi… phá thai của nhân vật có cái dương vật “chút núi non da thịt gọn ghẽ … không muốn đưa ra ánh sáng những giấc mơ thai phu”. Nhân vật “tôi” thích thú và quen ăn món “nhau bà đẻ”,“bởi miệng hợp vị thôi chứ không hẳn vì nghe người lớn xui dụ ăn nhau bổ máu. Tin tôi đi, nhờ chịu được chất bổ kỳ dị đó tôi sớm hiểu biết và từng trải nhất nhà, tới nay đã thành nhà văn” (tr. 13). Ăn nhau nhiều nên bị thai đòi nợ phải trả chăng?
Chương 1 “Tim của ai cũng được”, nhà-văn-tim – gọi thế vì y “ăn tim” nghĩa là lấy cảm tình người ta để có thể đi sâu, moi móc, khai thác chất liệu đời tư và tầng sâu tư tưởng. “Nhà văn ăn tim cho biết những trái tim của ai cũng được. Ông không câu nệ giới tính, nghề nghiệp, sắc tộc, tuổi tác… Mà chọn theo gu của ông. Cần nhất nó phải tươi, còn thoi thóp co bóp thì tuyệt. Thế thôi. Đương nhiên phải là tim của chính những người tôi muốn…”. Như “tim của ngài Stewart thì làm nhiệm vụ thợ cày cho một tiểu thuyết gia: tìm chi tiết, kiếm nhân vật, rồi theo thế mà viết. Sòn sòn là đô sòn! Mỗi ngày cứ việc đẻ ra năm, bảy trang, ví dụ vậy. Ừ, mỗi cô dâu – nhất là các cô dâu da màu và lai – tận tụy hóa thân trong cơ thể nhà văn của chúng ta để tái sinh nơi trang sách. Họ làm vậy đâu chiều lòng nhà văn, hay muốn dự phần vào kho tàng nhân vật tiểu thuyết của nhân loại” (tr. 19, 31).
“Tôi” rồi cũng có nhận xét về ăn-tim: “Những người viết ăn tim người đẻ ra sách văn học không nhiều bằng các loại người viết tương tự khác. Thoạt tiên, cứ tưởng có thể suy luận giản đơn rằng công việc văn chương chủ yếu xuất phát từ con tim, nên cần tim hơn; số lượng nhà văn ăn tim sẽ nhiều hơn. Nếu thế hai với hai đã thành năm từ thời Pythagoras! Thực tế ngược lại. Trong cái làng văn ăn thịt người đẻ sách, có phải cứ muốn ăn tim là ăn được, muốn không ăn tóc thì không ăn đâu! Hoặc đó là cái nghiệp mạng; hoặc đó là sự khó hiểu đáng nể của giới cầm bút” (tr. 36).
Chương 2 “Theo chân những người tỵ nạn”: bà luật sư “ăn chân” – ăn chân người tỵ nạn, tức ăn-theo hồ sơ của những người di dân, lao động. Còn David O’Donovan (danh tính gợi tên tác giả ĐQ), ông nhà văn ăn-tim, bỏ viết và hành nghề nhà báo chuyên làm phỏng vấn. Ông ta và bà luật sư di trú thay nhau châm biếm dân tỵ nạn, giới làm báo viết văn ở hải ngoại, giới phê bình văn học, vài lãnh tụ, rồi vài biến cố lịch sử. Đặc biệt làng báo, làng văn và giới phỏng vấn, phê bình văn học ở hải ngoại, được chiếu cố tận tình. Nguyễn Hưng Nước: “… Nguyễn Hưng Nước. Nước. Hồi nhỏ, thằng cu Nước. Thế thôi. Thế mà các bác trong nước tệ bạc quá, đi xuyên tạc tên chân chất của con cái người ta thế này: Nước tức là Quốc. Hưng Quốc là Phục Quốc! Thôi, trôi đời con mẹ hàng lươn! Từ chuyện khai thông dẫn nước nhà nông về cày cấy ruộng đồng mà chính Phạm Thủ tướng tiên phong bổ nhát cuốc đã bị hóa thành chuyện chính trị phản động lật đổ! … Thế nhưng bác này cầm tinh con đỉa hay sao ấy mà bị các bác trong nước thù dai. Trước kịch bản ‘Luận về Cặc’, Hollywood có đặt bài làm phim nhi đồng, bác Nước bèn chọn con cóc làm nhân vật, lấy lời thơ con cóc nhảy ra con cóc nhảy vào làm nền ý tưởng. Khẩu khí rất nhà quê. Bọn tỵ nạn chúng tôi và cả cánh thuyền nhân đọc, vui lắm! Kịch bản không tục tằn. (Cóc thì xếch-xi cái cóc gì!). Thế nhưng không hiểu sao Nguyễn Hưng Nước bị trong nước đặt hỗn danh ‘nhà văn Cóc’. Rồi sang ‘nhà văn Cặc’. Thì cũng vui thôi. Dân làm báo làm văn cứ thế mà réo tên ‘ông Cặc Cóc’. Chính khổ chủ cũng vui! … Hồi kết mới thật là vui ra nước… miếng! Chuyện hay thế đời nào anh ngủ gật. Nghe đây: Tại phi trường Tân Sơn Nhất, khi bác Hưng Nước theo nhóm làm phim Hollywood về Việt Nam công cán, mọi người khác Mỹ, Việt, Tây, Tàu, Ấn, Mễ vào êm ru, riêng bác lại không được vào…”. Lý do: “… trở lại với Cặc của chú, í lộn, Cặc trong file của chú: Chữ này ở dạng báo động xanh. Anh thiếu tá trưởng phòng chúng con có thể để chú qua cửa khẩu với đơn cam kết. Còn chữ Cóc bị báo động đỏ, chú ơi. Thượng cấp có quân hàm cao đến mấy tới can thiệp, software cũng sẽ không nhân nhượng. Trừ khi Liên Bộ An ninh và Tin học ngồi xuống làm lại hệ thống báo động với software mới. Bi giờ chú mà lọt qua cửa mình con, vâng ý là cửa khẩu một mình con ngồi đây, máy móc sẽ kêu toáng cả lên… Dạ xin chớ nóng tánh. Chú bảo giùm các anh chị và các bạn Mỹ ở ngoài cứ bình tĩnh. Không hạn hán làm sao có cóc! Cái gì cũng mang lý do của nó. Chúng con được phép giải thích như sau: Chữ Cóc là taboo vì liên đới tới cụ Nguyễn Hữu Đã. Chú làm văn nghệ, không thể không biết vấn đề đã xảy ra với cụ Đã. Thôi nha, bái bai! Mời chú ra phòng ngoài để làm thủ tục quay lại Mỹ trong chuyến sớm nhất. Con cảm phiền, phải làm việc tiếp… Next, please…” (tr. 115, 117). Cũng như vài nhà phỏng vấn “đương đại hải ngoại” đồng nghiệp (dư) khác. Cũng như chủ nghĩa cộng sản được phê phán một cách “bác học” qua một nhân vật nữ chuyên “đánh” và “đụ” khác: “Với linh cảm của người nữ chiến binh từng trải qua chiến trường ác liệt và có khao khát tình ái – tất nhiên cả tình dục – chị cho rằng, chủ nghĩa cộng sản là một người đàn ông tuyệt tốt đẹp nhưng không mang khả năng sinh đẻ, một sĩ quan được huấn luyện cừ khôi mà không có năng lực chiến trường bom lửa. Đấy như một người tình trăm năm lý tưởng, một sĩ quan tham mưu sa bàn văn phòng… Kế đến, về cái thắc mắc sốt ruột rất dễ thương và đáng trách của em Hoài Nam. Này nghe đây, chị bảo cho mà biết: Em ăn gì mà em chậm hiểu vậy? Ghét tức là Đánh, là chiến tranh, là diệt nội (chiến), là chống ngoại (xâm). Trước khi qua đây xuất khẩu lao động, ở miền Nam em học lịch sử được mấy điểm, trường nào lớp nào, thầy cô nào dạy? Yêu là cái ‘vụ ấy’ đấy. Qua Bun mấy năm rồi sao Hoài Nam của chị vẫn hiền như ma sơ thế ư? Ồ, cho chị nói thẳng như người Nam của em là đụ mới hay. Gọi con mèo là con mèo sẽ ra bản chất. Ngôn ngữ lúc này trở thành sự vật…” (tr. 105). Chương này qua nhân vật bà luật sư di trú Tabitha McAmmond, tác giả đã bàn/nói đủ chuyện đông-tây, kim cổ, chuyện người và nhất là chuyện ta – ta là ông Đỗ Quyên. Từ văn hóa cụ thể đến văn hoa trừu tượng. Từ chuyện mặc cảm “đầu gối củ lạc” – đầu gối người Việt có tính tình dục” (tr. 144+), “học … đéo’” (tr. 95+) vì “dù di dân sang xứ Đức rồi, vẫn coi chuyện làm tình là nhậy cảm. ‘Lói ra ló cứ nàm thao ấy!’”, cho đến việc đụng chạm … phụ nữ (“Xe hơi là thứ đàn bà không biết mệt trong cuộc làm tình với đàn ông của hai thế kỷ 20 và 21. Nó lấy đi không chỉ tiền bạc, sức lực là hai thứ đàn ông làm chủ. “Mụ đàn bà hồi xuân” – các giấc mơ xe hơi – làm tiêu hủy rất nhiều nhân tài khi mà sự đam mê của họ bị chia trí. Còn các tôn giáo, nhất là đạo phái. Thì cũng là đàn bà. Tôn giáo là loại đàn bà lưỡng tính. Nó hấp dẫn phụ nữ vô cùng nhanh chóng, bởi cùng là đàn bà. Nó thu phục đàn ông dễ dàng như chuyện trai gái ngoài đời”; tr. 65-6)
Phải nể ông Đỗ Quyên vì chương 2 dài nhất và cũng nhất về “c.” cũng như về “đ’.” của dân Bắc tức “đụ” trong Nam; ông “kiểm duyệt” (hoặc … kị!) lời ăn tiếng nói của nhân vật miền Bắc, còn dân Nam thì “có sao nói vậy người ơi”!
Chương 3 “Diễn đàn tóc” với nhà viết kịch ăn-tóc. “Ăn tóc” lâu hơn “ăn chân”, vì khó tiêu hóa! Đó cũng là thảm họa của giới nhà văn và cả Văn bút thế giới PEN (!): “tất cả các ông bà văn sĩ đều thủ dâm dưới mọi hình thức khi hành nghề. Chúng tôi còn hay tin đồn thổi thậm chí có trường phái cho rằng bản thân việc viết đã là hành động thủ dâm suy tư, ý tưởng bằng ngôn ngữ, chữ viết” (tr. 158). Nhà viết kịch “ăn tóc để hành văn, xơi tái các ngón tay chỉ để thỏa mãn dục vọng. Kể cũng tội cái nghiệp văn ăn thịt đồng loại ở Nhà viết kịch Ăn-tóc của chúng ta”, phải chăng vì “Kịch luôn có đĩ tính là xung đột. Không đĩ tính xung đột, không thành kịch; người ta quen nói là kịch tính. Mà thuật ngữ sinh tử này của ngành kịch nghệ được dùng trong xã hội, cuộc sống phổ biến tới mức người đời coi phép so sánh “Thiên địa đại hí trường, hí trường tiểu thiên địa” như định luật tương hỗ đời và kịch…. Có lẽ để tránh cho đám cập kê bọn teen khỏi bị sốc và cũng ngại đối diện các nữ quyền gia, người ta bèn gọi đĩ tính của kịch là kịch tính. Khỏe!”. Thi ca qua “nhà thơ Tự-ăn-tóc” và phê bình văn học cũng được “chăm sóc” tận tình!
Chương 4 “Người từ lòng bàn tay mà ra” thêm một lần “ăn” lý luận phê bình văn học vì có thể để “đẻ sách”. Từ những câu có vẻ tầm thường được giới lý luận phê bình chiếu cố, như câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả” rồi đi sang vấn đề “Mút”. Và lan sang cả chuyện tịnh phái: “Có cặp đôi Đông-Tây gặp nhau về căn bản nội dung, tuy hình thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau: Nam-Nữ. Một mâu thuẫn nhị nguyên giằng xé nhất và nhân bản nhất con người vừa chịu đựng vừa hân hưởng. Nữ quyền, Đồng tính luyến ái chính là hai đứa con – một đứa nam, một đứa nữ – được ra đời khi xung đột Nam-Nữ vụt nảy sinh và cọ xát kịch liệt. Công cuộc lựa chọn bản thân là đàn ông hay đàn bà, thực ra, mang tính chất sinh tử nhưng rất ôn hòa, và nó không hề giản đơn như bộ môn giới tính ở các đại học vẫn rao giảng. Sự giằng xé làm búa (Nam) hay làm đe (Nữ) thường được thực hiện trong giấc mơ. Lucien Morgan cho rằng, ngay ở những người “thẳng” trong sinh lý chỉ thuộc về một trong hai đối tượng, nhưng về tâm lý thì… cong queo: không thuộc về búa cũng chả là đe. Mà kết hợp cả hai; và một trong hai đối tượng búa-đe vượt trội lên. Điều thú vị, sự tương đồng giữa búa-đe lại khống chế được sự khác biệt. Dích dắc ở chỗ nếu ai có tâm lý trưởng thành về giới tính sẽ tự phân biệt được sự giống nhau và khác nhau của đe và búa” (tr. 209).
Chương 5 “Độc giả ăn tác giả” hay “người-ăn-theo-tác-giả”, chuyển tải thư của độc giả hoặc Đỗ Quyên đứng (giả và thực!?) về phía độc giả để phê bình nhiều “nhà” trong tương quan xa gần với cuốn Đẻ Sách: “Đẻ Sách mới là cái bàn đẻ cho độc giả vào đẻ chung!”(tr. 272).
Chương kết “Tuyên ngôn của Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách” như một hệ thống hóa lý thuyết về sáng tác, làm báo, làm văn mà tác giả đã gần 10 năm suy nghĩ!
Toàn tập tiểu thuyết tả chân theo trường phái hiện thực thổ tả, bên cạnh những lối bóng gió, ẩn dụ, châm biếm, và lý lẽ trí thức đậm đà; tất cả liên tục tiếp nối nhau như một liên-văn-bản. Truyện còn cho thấy tác giả có khả năng tự trào đáng kể. Nhờ bản thân đã sinh sống ở nhiều Châu (hình như ông chưa sống ở Phi châu?), nên kinh nghiệm cộng đồng, văn nghệ hơn người và làm văn học trong-ngoài đầy đủ nên ông đã có nhiều nhận xét, quan sát hiện thực đởi và hiện thực giới chữ nghĩa và xuất bản, báo chí cũng như sinh hoại của các chủ nghĩa, lý thuyết. Nói một cách khác, Đẻ Sách đã như một toàn tập tiểu sử và sự nghiệp đời làm văn và làm báo cùng du lịch của ông Đỗ Quyên. Tuy “đại truyện” và có vẻ toàn cầu nhưng hơi tiếc là ông thiên về các sinh hoạt và nhân sự trong nước “hôm nay”, có thể vì đó vốn là nơi ông xuất thân và vẫn đi về. Các trích dẫn sách báo trong ngoài nước, internet và cả các tác phẩm, công trình của chính ông như phỏng vấn Đến Rừng Từ Cây, như tham khảo, nói giùm, lý giải mà cũng như thuyết phục người đọc rằng “ăn” và “đẻ” là ok, là chín chắn!
Đọc Đỗ Quyên không dễ; ông làm khó người đọc. Không dễ theo dõi, cần có kiến thức văn hóa, lịch sử… Thơ văn Đỗ Quyên vẫn được biết tới như những trò đùa chữ nghĩa – đùa nhưng con chữ và ý nặng nề; nay với Đẻ Sách, đặc tính này xem như đã đạt cao điểm. Một công trình đã xong, đã đóng nhưng vẫn mang tính hậu-hiện-đại mời gọi, khiêu khích và mở – tác giả vẫn để chỗ cho độc giả can thiệp tùy nghi. Đẻ Sách mang đồng tính “hôm nay” và “hiện sinh” có trách nhiệm, Đỗ Quyên muốn cải cách sáng tác, chúng tôi nghĩ thành công có phần hạn chế, thiếu người đọc hiểu được trò chơi văn hoa và hình thức thể loại của tác giả. Người đọc sẽ có ấn tượng Đỗ Quyên tự giải tỏa uẩn ức hơn là sáng tác văn chương!
*
Kỹ thuật là bận tâm của các tác-giả và nghệ sĩ, vì người đọc và người thưởng ngoạn nghệ thuật chỉ muốn thưởng thức cái được sáng tạo ra hoặc được viết ra! Như vậy, ngôn-ngữ và kỹ thuật văn-chương trở nên quan trọng, là cái riêng của mỗi tác giả, trong cách kể, cách viết, trong không khí mà tác phẩm tạo nên được! Cùng theo hậu-hiện-đại, nhưng Đỗ Quyên, Lê Thị Thấm Vân, Đặng Thơ Thơ,… mỗi tác giả một vẻ đặc thù riêng. Sức mạnh của bài thơ, bài văn hay tác-phẩm nghệ thuật là ở ý tưởng, mục đích, ở hình ảnh và ở nội dung, sứ điệp được chuyên chở hay nhắm tới. Một tác phẩm thành công theo thiển ý là khi có thể giúp người thưởng ngoạn hiểu biết, yêu mến và thực thi được những lý tưởng Chân Thiện Mỹ trong cuộc đời. Nhưng trước khi viết hay sáng tác, văn nghệ sĩ nên biết mình là ai, việc đó tùy thuộc vào việc nhận diện thực-thể, nội dung nền tảng là cái luôn hiện đại hóa, cập nhật hóa. Cơ cấu xã hội, văn hóa luôn sinh hóa, tiến tới phía trước để sống còn, trường tồn, vượt qua được những bế tắc và vấn đề trực diện. Nhà làm văn-nghệ cũng không thoát ra được vòng vây hiện-đại đó. Viết và làm nghệ thuật, là sống cuộc sống hiện thực, dù ở hải-ngoại hay trong nước, hôm nay và sau này! Viết là một biểu hiện cụ thể cái sống sinh động, biểu hiện của cuộc đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống con người, cũng là cuộc tìm kiếm Chân Thiện Mỹ – như một sứ mạng. Sống như một người Việt hiện đại, hôm nay và như một người có văn hóa. Sống và truyền đạt lại cho đời những rung động, tình càm, tư tưởng xuôi cùng chiều với chân lý của đời sống hoặc đáp ứng, phản hồi lại thực tại và con người: có thể kết luận đó chính là sứ mệnh của nhà văn Việt-Nam hiện nay!
Nhà văn thường viết vì nhu cầu… viết hoặc vì một mục đích nhưng ít thấy vì sứ mạng thực sự văn nghệ. Đỗ Quyên cũng có vẻ để ý nhưng đến trang cuối của Đẻ Sách, ông vẫn như chưa thuyết phục được sứ mạng của ông. Văn-chương chết vì ngoài những ám ảnh, vũng lầy còn là vì văn hóa chết, tinh thần chết, nhường chỗ cho vật chất và tính toán, tham vọng của con người. Mà văn-chương chết sẽ đưa đến kiệt quệ tinh thần!
Vậy thì văn-chương có còn là thứ cần thiết không và cần thiết cho ai? Văn-chương có giá trị hay có thể hiện hữu tự tại không? Nhìn thị trường chữ nghĩa gần đây, nhiều người thấy văn-chương đã tự thu hẹp lại, chỉ còn là lịch-sử, là hồi ký, là đời tư, là tự thú cá nhân nếu không là văn nghệ kiểu karaoke và báo chợ: hồi ký, bút ký, du ký và những sản phẩm tầm phào đã giết sáng tạo và thưởng thức văn-chương. Thiển nghĩa nếu văn chương được quan niệm như là ý thức về hiện hữu và tồn tại, thì vấn đề bớt nặng nề. Văn-chương là mặt nổi của thực hữu, viết ra được tức cũng tỏ ra có được sức mạnh và có hành động, ra tay vì dù là sản phẩm tinh thần nhưng không thể tách nó ra khỏi đời sống thực hữu.
Ai cũng biết trong văn-chương, kỹ thuật, ngôn-ngữ khá quan trọng, bên cạnh nội dung, làm nên văn-chương. Ngôn ngữ thoát khỏi quy ước và tinh thần để tự do, canh tân, thì sẽ đạt đến một phạm trù khác của tư tưởng. Về phần tiểu-thuyết, người viết đến với thể loại tưởng là dễ này còn phải nắm vững kỹ thuật kết cấu và điều quan trọng là tác-giả còn cần có giọng văn riêng, có phong cách diễn ngôn đặc thù. Có người viết theo lối viết tiểu thuyết của Mỹ, Pháp, la-tinh hay đề cao kỹ thuật nay có vẻ cần thiết hơn nội dung của tiểu thuyết, v.v. Có người dùng một câu chuyện để ngụ ý, nhắn nhủ hoặc bất kể người đồng thời vì nhắm viết cho con người thời sau hay ở một không gian khác, v.v. Hậu hiện đại sáng tạo không chỉ giới hạn ở nội dung, mà cả ở cấu trúc, không khí riêng chung. Vẫn bám thể loại tiểu thuyết – qua sáng tác và lý luận – dù phúng thích, hoài nghi, thiển nghĩ vẫn có thể gọi Đẻ Sách là một hình thức “tiểu thuyết”.
Người viết và người đọc có thể là đôi bạn song hành (và cả đi ngược chiều), nhưng người viết có vai trò bước những bước khởi đầu. Có thể mỗi nhà văn có một số độc giả riêng của mình. Họ thường cùng đi chung với nhau trên từng chặng đường, có khi thích thú gặp gỡ nhau vì một tình tiết, một lời nói. Trong đủ đề tài từ chiến tranh, cách mạng, xã hội, lịch sử, đến những thay đổi của con người và tập thể.
Trước khi viết tiểu thuyết và làm thơ, Đỗ Quyên đã thực hiện “18 phỏng vấn chuyện nước non Việt tại hải-ngoại” (NCTR), với vài tai mắt cộng đồng, chính-trị và vài nhà báo nhà văn ở hải-ngoại đã thêm một lần cho thấy có những điểm dị giữa 2 nhóm người quốc-gia của miền Nam và người ra đi từ miền Bắc Việt-Nam về màu cờ, chính-trị, xã-hội, văn-hóa, v.v. nhưng tất cả có một số điểm đồng về đa nguyên chính-trị, quê-hương dân-tộc và ước nguyện tương lai – bởi đa phần người Việt sống thân phận xa quê-hương trong hoàn cảnh bi đát của đất nước, đều luôn tự vấn “tôi là ai?” và “dân-tộc Việt của tôi là ai?” như chính người phỏng vấn.
Đỗ Quyên tin tưởng và kỳ vọng nơi tương lai của văn chương, và với thiện chí, hy vọng họ Đỗ sẽ tiếp tục con đường ngoạn mục của văn học và báo chí.
Trích “NHÀ VĂN VIỆT-NAM HẢI NGOẠI – Nhận định về 73 tác giả”
NXB Nhân Ảnh, San Jose CA – 2020
Nguyễn Vy Khanh