QĐND Online - Đến khoảng gần cuối tháng 9-1972, hình như ta đã rút ra khỏi Thành cổ, chúng tôi được vào khu rừng tên là Chua Nga, gặp lại một số đồng đội, họ đều khẳng định tin các bạn tôi đã hy sinh. Trong số bạn bè thân thiết chỉ có tôi, Vũ Trung và một số nữa bị thương qua loa, có nhiều đứa bị thương đã ra Bắc. Tháng 4-1973, do thành tích chiến đấu tôi và nhiều bạn được gọi ra Bắc đi học sĩ quan và ghé về thăm nhà mấy hôm.
Gặp tôi, mẹ tôi đứng như chết lặng, nước mắt ròng ròng, rồi bà hỏi giọng lạc hẳn đi “Vậy mấy đứa kia đâu?”. Tôi vốn không biết nói dối nhưng không hiểu sao lại bật ra “Bọn con chia tay nhau ở Quảng Bình, chiến trường rộng lắm, con không gặp mà cũng không biết tin tức gì về chúng nó”.
|
Tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ |
Tôi chưa kịp đến thăm nhà Hòa, Hưng thì cô Mai, mẹ của Y Hòa đến gặp tôi, mời lên nhà vừa khóc vừa hỏi “Cô nghe tin nói Y Hòa đã hy sinh, cháu có biết gì không? Chắc không phải như thế chứ?”. Chú Nông, bố của Chấn Hưng thì gặp riêng tôi, nét mặt ông đau đớn đến cực độ “Chú có nghe Hưng đã hy sinh rồi, có phải vậy không? Nếu đúng như vậy thì cháu cũng đừng nói gì nhé vì mẹ của Hưng bị bệnh tim rất nặng, nếu biết tin chắc bà ấy không qua khỏi được”. Tôi chỉ im lặng không dám nói vì mình về gia đình mình vui, còn cô, chú thì đau buồn, làm sao mà nói được. Tối hôm ấy nhà tôi đông khách, những gia đình có con đi bộ đội cùng đợt với tôi ở Hoàng Hoa Thám, ở Bưởi, ở Ngọc Hà và Thụy Khuê… tìm đến hỏi thăm tin tức con em. Trong số ấy tôi đã biết chắc không dưới một chục người bạn đã hy sinh nhưng không dám nói cho gia đình biết. Tôi cố nén nước mắt lặp đi, lặp lại câu nói dối mà tôi đã nói với mẹ để trả lời mọi người. Mãi cho đến bây giờ tôi cũng không biết mình làm như vậy là đúng hay sai nữa?
Chiến tranh qua đi, những người còn sống đều đã trở về. Tôi vẫn phục vụ quân đội, đi công tác khắp nơi kể cả sang Cam-pu-chia, rồi lại lăn lộn với công việc kinh doanh của một doanh nghiệp quân đội. Các bạn đồng ngũ của tôi thì cũng vất vả mưu sinh đủ nghề, cũng có người làm nên quan to, có người công ăn việc làm lúc có lúc không. Có người trở thành tỷ phú nhưng cũng nhiều người lâm vào cảnh túng bấn. Chẳng mấy khi chúng tôi gặp nhau mà ôn lại người xưa chuyện cũ, riêng những người nằm lại chiến trường thì chắc chỉ còn lờ mờ trong ký ức của những người đang sống và có lẽ chỉ có các mẹ già, người chị và các em mới thỉnh thoảng gặp các anh trong những giấc mơ. Xin các bạn thứ lỗi cho cuộc đời, cho bè bạn và cho cả những người thân.
Cho đến năm 2000 khi được cử đi làm đường Hồ Chí Minh đoạn từ Khe Sanh đi Quảng Bình tôi mới có điều kiện được quay lại Quảng Trị. Trong tôi ý thức bằng mọi giá phải đi tìm mộ của Hưng và Y Hòa vì ba má của Hưng đã mất, ba Y Hòa cũng vậy. Má của Y Hoà cùng gia đình đã trở về sống ở Tây Nguyên và bị bệnh tai biến.
Tôi đã dành rất nhiều thời gian lang thang hết tất cả các nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị, đi đến gặp Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện Hải Lăng, Triệu Phong và các xã vùng lân cận Thành cổ tra tìm danh sách liệt sĩ đã được mai táng tại các nghĩa trang của xã, huyện nhưng không tìm được một tin tức gì.
|
Liệt sỹ Y Hoà |
Mãi đến năm 2003, khi đọc bài báo “Sự thật về một lần bốc mộ…” đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật số 31-2003, ngày 10-8-2003, cùng lá thư cuối cùng của Y Hòa viết ngày 16-8-1972 gửi về gia đình. Gia đình Y Hòa sau nhiều lần đi tìm mộ tại các nghĩa trang tại Quảng Trị không thấy, nên đành lấy một ít đất đưa vào nghĩa trang liệt sĩ ở Đắc Lắc thay cho xương cốt để mai táng. Lần đầu tiên sau hơn 30 năm tôi lại bật khóc, sao mà đau xót quá. Tôi ở trong Sài Gòn, gọi điện cho Vũ Trung ở Hà Nội nói đi mua báo ngay và bảo “Trung ơi, lá thư của thằng Y Hòa có nhắc đến 4 cái tên nhưng bây giờ thì chỉ còn có tao với mày, chúng mình phải có trách nhiệm tìm ra nơi chôn cất các bạn”. Cũng chẳng phải nói Vũ Trung đã từ lâu luôn tâm nguyện cũng phải đi tìm các bạn, nên đã tìm được Đức (người chôn các bạn), Quyết (người vuốt mắt Y Hòa lúc đã hy sinh) người làng Ngọc Hà đã từng ở cùng chốt với Chấn Hưng và Y Hòa ngày ấy. Các bạn đã phục viên, cuộc sống khó khăn, lam lũ làm Đức, Quyết già xọm, tóc bạc trắng so với tuổi. Gặp chúng tôi Đức khóc mà nói, “chính tay tao đã chôn cất thằng Hưng, thằng Hòa và 11 đứa nữa cùng chốt ở đồi Cháy, làng Như Lệ. Khi nào chúng mày đi thì đưa tao đi cùng vì hồi đấy ác liệt quá, chỉ chôn được vào buổi tối, chẳng kịp để cái gì làm dấu. Nghĩ lại đến giờ vẫn xót xa ân hận”.
Nhiều lần đi công tác qua Quảng Trị tôi đã lần mò đi tìm đồi Cháy ở thôn Như Lệ gần nhà thờ La Vang, thôn Tích Tường nhưng dân địa phương chẳng có ai biết đồi Cháy ở đâu. Rất có thể đồi Cháy chỉ là một cái địa danh do bộ đội mình đặt trên đường hành quân chiến đấu hồi ấy giống như vô vàn cái tên dốc Ba cô, ngầm ông Thọ, cua ông Khải… mà thôi. Tôi lần mò ở Quảng Trị nhiều, nên cũng có người nhớ và mỗi khi đến lại đều hỏi có tìm được địa danh ấy không?. Đến tháng 7-2007 tôi và Vũ Trung nhận được giấy mời của UBND thị xã Quảng Trị (chị Mai phó chủ tịch ký) mời tham dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ nhân kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ. Chúng tôi quyết định sẽ nhân dịp này đi tìm kiếm một lần nữa. UBND thị xã cử 1 đồng chí quê ở làng Như Lệ, có chị Mai đi cùng, cho xe chở chúng tôi đi. Lúc sắp ra xe chợt có 1 người thanh niên vai đeo ba lô xách 1 làn đồ cúng ra xin đi nhờ về Như Lệ. Trông chàng trai còn trẻ không thể nào là một cựu chiến binh nên tôi tò mò hỏi xem anh ta đi về Như Lệ để làm gì. Qua câu chuyện chúng tôi được biết người thanh niên này là em trai một liệt sĩ thuộc Sư đoàn 325, nhờ có các bạn đồng ngũ, gia đình anh đã tìm được đúng nơi chôn cất người anh trai liệt sĩ nhưng khi đào lên thì có 2 bộ hài cốt không còn đầy đủ nằm lẫn lộn trong một căn hầm tại chốt. Người thân của liệt sĩ thứ hai cũng đã tìm được đúng vị trí ấy nhưng không có cách nào phân biệt được đâu là di cốt người thân nên cả 2 gia đình quyết định san sẻ chỗ di cốt còn lại làm 2 ngôi mộ đặt trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng. Năm nào cũng vậy cứ vào dịp 27-7 thì cả 2 gia đình đều cử người vào Như Lệ thắp hương ở nơi các anh đã nằm xuống. Người thanh niên họ khẳng định với chúng tôi là ở Như Lệ không có địa danh nào gọi là đồi Cháy mà chỉ có đồi Chè mà thôi, chính anh trai của anh đã hy sinh ở đó.
Chúng tôi quyết định sẽ đi đến đồi Chè xem sao. Đến đồi Chè, chúng tôi cũng chỉ mang máng rằng có thể đây chính là nơi các bạn tôi hy sinh. Không dám chắc chắn nhưng vì không có thời gian nên chúng tôi quyết định cứ đặt lễ, thắp hương trên đỉnh đồi, hương hồn các bạn tôi chắc là cũng sẽ thông cảm. Khi chúng tôi vừa bày xong lễ thì chợt có chuông điện thoại, Trung nghe điện nhận ra cái giọng khàn khan, nghẹn ngào của Đức, nó trách chúng tôi sao không rủ nó đi cùng. Khi biết chúng tôi đang đứng trên đỉnh đồi Chè và chuẩn bị thắp hương thì nó mô tả địa hình xung quanh cho nó nghe. Chúng tôi vừa quan sát vừa nói phía Bắc là cái gì, phía Nam là cái gì, ở đỉnh đồi có thể nhìn thấy cái gì… Qua điện thoại Đức thở hổn hển nói vội vã như sợ ai cướp lời; “Thế thì đúng là đồi Cháy đấy nhưng không phải chỗ chôn chúng nó đâu, chỗ ấy là hầm chỉ huy chốt, chúng mày đi xuống qua yên ngựa phía đông đi… đã thấy mương nước nhỏ trước khi lên chốt không? Chỗ ấy là bếp Hoàng Cầm cũ… Có thấy cái hố bom không? Có à? Gần đấy có 3 gốc mít, tìm kỹ đi có thể người ta chặt mất 2 cây rồi thì sao…?”. Chúng tôi vừa nghe điện thoại vừa đi theo chỉ dẫn của Đức, chỉ một lát sau chúng tôi đã tìm thêm 2 gốc cây mít bị đốn sát gốc, ven một hố bom đã bị bồi lấp gần hết, cỏ dại, khóm tre mọc um tùm, xung quanh trồng sắn, chè, chỗ gốc cây bị đốn những chồi mít mập mạp đang cố vươn cao. Sau khi nghe chúng tôi mô tả lại địa hình một lần nữa qua điện thoại, Đức nghẹn ngào xác nhận “là chỗ ấy đấy, chúng mày thắp hương đi, ở nhà tao cũng khấn chúng nó”. Chúng tôi đặt lễ, thắp hương và thầm thì nói chuyện với vong hồn các bạn. Tôi gọi tên Hưng, Y Hòa và nói “Nếu quả thực đây chính là nơi các bạn hy sinh còn ở đây thì làm điều gì để chúng ta gặp nhau được đi Hưng ơi, Hòa ơi và các anh, các bạn ơi”. Trong khói hương nghi ngút chợt có đàn bướm vừa đen, trắng, vàng ở đâu xuất hiện cứ bay quanh quẩn trên đầu chúng tôi vần vũ theo làn khói của khói hương rồi bay theo đến đậu ở các vạt đất. Đúng lúc ấy chuông điện thoại lại réo vang, Đức gọi đến và bảo tôi: “Sơn ơi, ở đấy tao còn chôn Lê Văn Nho ở Hoàng Hoa Thám đấy. Tôi hỏi lại có phải ở số 46 Hoàng Hoa Thám, khu tập thể Sở xe điện không? Đức bảo đúng rồi, nhớ thắp hương khấn nó nhé”.
Tôi bàng hoàng cả người vì cho đến bây giờ tôi mới biết Lê Văn Nho cũng hy sinh ở đây, Nho với tôi học cùng lớp 10E ở trường Nguyễn Trãi, cùng đi bộ đội, Nho huấn luyện ở đại đội 43, cùng vào chiến trường và được biên chế về đại đội thông tin, Trung đoàn 209. Tôi biết tin Nho hy sinh ở Quảng Trị nhưng không ngờ là nó đã nằm xuống ở chính nơi này, tôi thắp thêm một tuần nhang và khấn Nho: “Bạn ơi, thông cảm cho mình nhé, mình không biết bạn nằm nơi đây nên không mua đủ quần áo, vàng mã cho bạn, ngày mai mình sẽ quay lại đây…”. Lễ xong khi chúng tôi đến mương nước trước khi qua cẩu rồi bay lại đồi Chè. Sau khi thắp hương đặt lễ, chúng tôi tìm vào một nhà dân gần đó. Ông Phước, người làm nhà ngay tại đồi cháy năm xưa bảo với chúng tôi: “Trong chiến tranh chỗ này đánh nhau ác liệt lắm. Sau chiến tranh dân trở về làm ăn đào được bom đạn chưa nổ và xương người nhiều lắm. Mấy tháng trước, huyện đội đi quy tập mộ liệt sĩ, ở phía trên đỉnh đồi đào được 1 cái hố có ba bộ hài cốt, tay bị trói lại với nhau bằng dây mình claymore. Chắc tụi nó nống ra bắt được bộ đội mình rồi giết dã man vậy đó…” . Bé gái 15 tuổi con của ông nói thêm: “Ở đây, cứ vào buổi tối là lại thấy bóng các chú về nhiều lắm, cháu không dám ra giếng giặt quần áo. Nếu các chú ở lại đây tối nay cháu chỉ cho…”. Chị Hiệp, một cựu nữ du kích Quảng Trị ngày xưa nay sống cô đơn trong căn nhà lá gần vườn chuối, nơi mà chôn cất các bạn bảo chúng tôi: “Sau chiến tranh, tôi dựng nhà ngay chỗ vạt đất phẳng trên vườn chuối đó nhưng không ở được. Đêm nào các anh ấy cũng về. Ngày rằm, mồng một tôi vẫn cúng mấy anh đấy chú à…”.
|
Liệt sỹ Nguyễn Chấn Hưng |
Hôm sau tôi và Trung mang đồ cúng quay lại đồi Chè, đốt thêm nhang cúng cho các bạn xin chia tay và hẹn tháng 10 quay lại, khi khấn, bướm lại bay đến nhiều lắm. Chúng tôi tìm cách liên hệ với gia đình Y Hòa, Hưng và Lê Văn Nho để báo tin đã tìm thấy nơi chôn cất các bạn. Đã 35 năm rồi nhưng khi được tin, có bao nhiêu là nước mắt vẫn rơi. Chúng tôi hẹn nhau đưa Đức và các gia đình liệt sỹ vào Quảng Trị và bàn kế hoạch quy tập hài cốt các anh.
Ngày 6-10-2007, tôi cùng Vũ Trung, Đức, Quyết, Vinh (bạn cùng nhập ngũ và cùng Trung đoàn 209 nay làm ở Ngọc Hà) đi vào Quảng Trị. Gia đình Lê Văn Nho không đi được mà chỉ gửi cho chúng tôi 1 tấm ảnh, các bạn cùng học lớp 10E trường Nguyễn Trãi với tôi và Nho thì gửi theo đồ cúng lễ. Có nhiều bạn muốn đi cùng nhưng xe chật nên dành ở lại. Gia đình Hưng thì có cả ba người em hiện đang sống ở 3 nơi cùng có mặt. Thật tiếc là trước khi đi tôi không liên lạc được với gia đình Y Hòa. 20h tối 6-10 chúng tôi mới vào đến nơi, Đức cũng chưa vội xác nhận ngay đây là đồi Cháy, vì trời tối, bên gốc mít thắp hương, chưa kịp cắm, đom đóm bay vào tay Trung đang cầm hương…. Phải đến sáng hôm sau chúng tôi vao đi khắp khu vực và đi sang bên Tích Tường, may sao lại gặp người xã đội trưởng cũ năm 1972 giúp chúng tôi xác nhận đúng trận địa năm xưa đã ở và chiến đấu. Đây chính là nơi các bạn tôi vẫn còn nằm ở đó. Khi quay về Trung lại lần xuống mương nước nho nhỏ ven đường để tìm dấu vết cái miếu nhỏ, nay đã không còn, cẩn thận xem lại vị trí cái hố bom, ba gốc mít nay chỉ còn một. Cuối cùng nó nói: “Đúng chỗ này rồi, hồi ấy chỉ có chỗ này là đạn pháo không bắn vào do vướng cái sườn đồi, chúng tao chọn nơi này để chôn cất anh em mình vì sợ đạn pháo lại đào lên lần nữa”.
Chúng tôi xây một cái miếu nhỏ làm chỗ thắp hương cho đồng đội tại đồi Chè (đồi Cháy), người dân còn gọi là đồi Con Kiêu, xóm 2, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thầm nghĩ đồng đội vào có chỗ gặp nhau, các bạn ở đây có nơi hương khói. Bà con quanh đồi chè giúp chúng tôi hương khói cho các anh. Đêm đó bên mâm cơm cúng các bạn có nhiều người dân bên đồi Chè căn dặn nhau phải hương khói cho các bạn. Đêm ấy chúng tôi ngủ ở Đông Hà, Vinh đã mơ thấy Chấn Hưng về.
Từ lúc xác định được nơi chôn cất các bạn đồng ngũ trong lòng những cựu chiến binh chúng tôi canh cánh một điều “làm thế nào để phân biệt và quy tập xác định được hài cốt của từng bạn về một nơi xứng đáng hơn”. Các bạn đồng ngũ còn sống đã lên một kế hoạch gồm những việc phải làm như xây mộ, dựng bia cho người đã hy sinh, quyên góp quần áo, dụng cụ gia đình cho những người dân đang còn nghèo khó tại đồi Chè, dò gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để người dân có 1 cuộc sống bình yên, no ấm… những điều mà chúng tôi dự định làm chính là những điều mà vì nó, ngày xưa chúng tôi cầm súng, vì nó mà bạn bè chúng tôi đã hy sinh. Chúng tôi còn băn khoăn làm sao cùng góp, lo có khoản tiền lớn để làm những việc này. Ngoài tấm bia kỷ niệm, anh em chúng tôi đã có kế hoạch quyên góp, xây tặng người dân ở đây một cây cầu dân sinh theo tâm nguyện. Nhất định chúng tôi sẽ làm, dù có thể không làm hết được…
TH st.