Phạm Thị Minh Thư.
Xin gửi đến các bạn một truyện ngắn của Phạm Thị Minh Thư. Truyện ngắn này từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1981 Văn nghệ Quân đội . Lúc viết truyện này, chị Thư là sinh viên khoa Toán Lý, Đại học Bách khoa Hà nội.
Câu chuyện xoay quanh một buổi gặp gỡ của hai người nam và nữ xa lạ tại một một miền quê yên bình ngay sau ngày Mỹ ném bom trở lại miền Bắc (16-4-1972). Sau đó người con trai ra trận. Trong cái ồn ào của cuộc sống đời thường sau này, bỗng những kỷ niệm đó lại được trở về với người con gái. Và cô không ngờ những kỷ niệm ngày đó còn sâu đậm hơn nữa đối với người con trai, một người lính . Đó là những hình ảnh trong trẻo, vô tư mà nhờ đó, người lính bước vào trận chiến với một tình yêu và niềm tin vào cuộc sống mãnh liệt. Câu chuyện gắn một thời với lứa chúng ta.
***
Có lẽ dừng ở đây thôi nhỉ? - Ðấy, bây giờ công việc tiến triển nhanh hay chậm là tùy thuộc vào việc cung cấp số liệu của bên các chị.
Gập quyển sổ lại, cẩn thận nhét cây bic vào túi áo ngực - Phụng vừa cười vừa nói với tôi. Tuy mới ra trường, tuổi đời và tuổi nghề so với anh chỉ đáng mặt làm “cháu” nhưng bao giờ Phụng cũng gọi tôi bằng “chị” hết sức trịnh trọng. Cũng có thể với anh đó là thói quen xưng hô trong cuộc sống hàng ngày nhưng về phần mình - mỗi lần sang công tác ở cơ quan này tôi không khỏi cảm thấy tí chút khoai khoái. Chả gì tôi cũng đại diện cho một cơ quan cấp cao hơn.
Công việc kết thúc, chúng tôi quay sang nói chuyện phiếm. Cùng làm việc với tôi hôm nay, ngoài Phụng còn có một người nữa - kỹ sư Vịnh, tuổi trạc ba mươi, Vịnh không hay nói lắm. Tôi chưa khi nào thấy anh tham gia vào những chuyện ngoài lề. Ðặc biệt hôm nay hình như ở con người kín đáo ấy còn có điều gì khác thường, Vịnh cứ lặng lẽ hút thuốc suốt. Ngay cả trong công việc anh cũng không đưa ra nhiều ý kiến tranh luận như những lần khác. Bởi vậy khi nói “chúng tôi” thì có nghĩa là chuyện phiếm chỉ có giữa tôi và Phụng. Sự và Linh - hai kỹ sư khác có mặt trong phòng đang ngồi mài mực tàu. Trước mặt họ, trên bàn la liệt những bản vẽ.
-Thế anh chị, cái ông học sinh vật ấy liệu chiều nay có rẽ ngang, rẽ tắt đâu không nhỉ? Qua nhà gặp được ông ta để hỏi cặn kẽ về cách ươm hạt thì tuyệt.
- Cả phòng này, tiếp sau lời Phụng - Vịnh đột ngột lên tiếng - Mình có cái này, còn gần một tiếng nữa, liếc mắt vào đồng hồ nơi tay Vịnh tiếp - Mình đọc cả phòng nghe nhé.
- Cái gì vậy? Một bài báo mới hả? Ngón tay trỏ đang giơ lên định đỗ xuống đầu tàn điếu thuốc dừng lại - Phụng xăm sắn hỏi. Rồi chẳng đợi câu trả lời của Vịnh anh quay sang tôi. Chắc chị không biết nhỉ? Anh Vịnh của chúng tôi đây “tâm hồn” lắm. Thơ, văn đủ cả. ấy, xin lỗi, cái tật cứ hay nói thành lời những điều chỉ nghĩ, cậu nói bao lần vẫn không sửa được! Nhưng thôi, dẹp qua chuyện vặt. Cậu đọc đi. Ðừng để ý đến đồng hồ. Quá giờ một tý có chết đâu!
- Phải đấy, Vịnh đọc đi - Sự sốt sắng. Bọn mình vừa mài mực vừa nghe cũng được chứ?
Vẫn ngồi ở chỗ mình, tuy nhiên cả Sự và Linh đều đã thay đổi tư thế, họ quay cả về phía chúng tôi.
- Cái này, có thể coi là… Thôi, Vịnh khẽ chặc lưỡi, khỏi dài dòng, cứ đọc nhé.
Rút trong túi đi làm ra một tập giấy, sắp xếp lại những trang phía trên, nhìn đi đâu đó giây lát, Vịnh bắt đầu.
- Có một đêm như thế - Ðây là tên của truyện ngắn, Vịnh dừng lại giải thích và bắt đầu đọc vào chuyện:
Một buổi tối mùa hạ. Trời oi ả lạ thường. Cái oi ả nung nấu suốt cả một tuần lễ vừa qua theo dự báo của Nha khí tượng, ngày mai bão sẽ về. Ngày mai bầu trời sẽ cao và xanh. Rất cao và rất xanh. Những dải mây “si” trắng và mảnh như những rẻo voan nhỏ sẽ bay về. Thế rồi bão sẽ đến. Bất ngờ nhất trong những bất ngờ là bão tố.
Qua ô cửa sổ, Miên nhìn lên bầu trời. Những đêm như thế này mà được nằm ngoài trời thì thật thích.
“Những đêm thế này được nằm ngoài trời, thật thích” Vịnh chữa lại. Sau câu vấp giọng anh có vẻ nhanh hơn:
Dưới bầu trời rộng lớn, uy nghiêm có thể sẽ thao thức, thao thức mãi, lại cũng có thể thiếp đi ngon lành như trẻ nhỏ. Nơi Miên đứng, thẳng xuống là vòi nước công cộng. Mới sau giờ ăn cơm, người rửa bát, người giặt giũ, cái vòi nước ồ ồ chảy suốt. Tiếng thùng, chậu va loảng xoảng chen trong tiếng người chạo nhau về những chuyện xảy ra trong ngày. Lương tăng một trăm linh năm phần trăm, nhưng mấy bà tài vụ tính thế nào lại quên quách không cộng mười hai phần trăm khu vực cho bà Nga, cái bà có giọng nói rin rít như bản lề khô dầu; giá thịt ngoài hạ nhanh đến ngạc nhiên; tình hình Ba Lan xem ra thật đáng lo ngại quá, chẳng hiểu Bộ Chính trị mới sẽ xoay xở ra sao; xuyên tâm liên thực ra là thuốc kháng sinh đấy, vậy mà sao con bé nhà tôi uống đến ngày thứ ba vẫn chưa hạ sốt… Những âm thanh hỗn tạp, và bầu trời đang mở ra trên tít tắp kia - có gì liên quan nhỉ?
“Ngày đêm ta bên nhau, những đêm dài chiến đấu”…
Giọng hát của một ca sĩ nào đó bỗng réo lên. Tội nghiệp cho cô gái. Cô ta không sao xoay xở nổi với chiếc máy hát cũ kỹ. Ðứng ở đây Miên vẫn nhìn được đôi mày đen rậm như con trai của cô gái trên căn gác hai chênh chếch kia. Gia đình cô mới chuyển đến, Miên chưa quen họ.
… “Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu…”.
Giờ thì có đỡ hơn. Song vẫn chệch choạng như thể người sắp ngã. Giai điệu tha thiết ấy, trái tim tha thiết thế, mà lại vấp phải cái đầu máy hát ngỗ ngược. Ðến hỏng đĩa hát thôi! Mà sao máy hát của cô gái chỉ quay với một đĩa. Chỉ quay với một đĩa như thế mấy đêm rồi?
Giá như lúc này cái đầu máy hát tỏ ra biết điều, để giọng hát được cất lên như nó đã từng cất lên. Giá như lúc này được nhìn sâu vào đôi mắt của người hát và đôi mắt của cô gái còn mang đầy vẻ “cô bé” kia! Những lời ca tuyệt đẹp không bay đi, cũng không tắt bao giờ. Nó đọng lại, đọng mãi trong đáy mắt của người hát và người nghe.
Thời gian - Cách trở - Tình yêu… Vượt lên trên tất cả. Ngọn lửa không gì dập tắt nổi trong lời hát của người con trai ấy, nó có thật trong cuộc đời không nhỉ? Ngày mới lớn cùng với “những vì sao của Ðôđê”, Miên đã yêu vô cùng câu chuyện cổ tích về Chử Ðồng Tử và nàng Tiên Dung. Theo Miên, tình yêu phải là như thế: Giản dị và hồn nhiên. ấy thế mà sau này Miên đã gặp ở mình một tình yêu hoàn toàn ngược lại. Và buồn thay, khi thần tượng sụp đổ trong Miên thì cũng là lúc những năm của tuổi thanh xuân đã trôi qua.
Nước vẫn ồ ồ chảy xuống thùng và chậu. Chuyên đề về thời sự vẫn sôi nổi tiếp tục. Ðầu máy hát trở về điểm xuất phát của nó. Hành khúc ngày và đêm của cô gái lại chấp chới cất lên. Trong âm thanh hỗn tạp ấy, những ý nghĩ của Miên sẽ tiếp tục đan nối. Chẳng có gì vội vàng cả. Ðêm này là của riêng Miên. Bầu trời trên kia… Ngày mai…
Cũng không biết Miên sẽ còn đứng bên ô cửa sổ bao lâu nữa, và tiếp sau những dải mây “si” những gì sẽ bay đến trong ý nghĩ của chị, nếu không có tiếng gõ cửa vang lên.
Trong ánh sáng vàng ệch tỏa xuống từ chiếc bóng đèn cũ kỹ trên mái vòm bụi bậm, gương mặt của người khách lạ có những đường nét thật quen. Mũi ngắn và hếch. Một nốt ruồi đen sậm ngay trên khóe miệng, kéo chiếc miệng hơi lệch về bên phải (cái miệng gây cho người ta cảm giác nó đang giấu một tiếng cười sau vành môi rộng). ánh mắt sâu và trầm tĩnh thoát ra khỏi cả cặp kính cận. Một cậu bé, hay một chàng trai - đã gặp ở đâu rồi khuôn mặt này.
- Thưa cô…
Một sinh viên… Không, Miên đã gặp khuôn mặt này ở một khoảng thời gian nào đó khác cơ. Quỷ bắt cái trí nhớ của chị đi! Sao hôm nay nó lại tồi tàn thế.
- Mời bạn vào. Chắc đợi tôi đã lâu?
- Em mang bài đến nộp. Em nộp bài sau thế này…
- ồ, không sao đâu, tôi cũng chỉ muốn biết tình hình học của lớp thôi. Vừa nói, Miên vừa dẹp nhanh mặt bàn lộn xộn. Cô Ngọc đi an dưỡng, tôi sẽ dạy nốt phần còn lại của giáo trình cho lớp. Sáng nay chắc bạn nghỉ. Tên bạn là Long… Ngồi xuống đi Long.
Nhưng… sao lại thế này? - Sau thoáng liếc nhanh nơi góc vẫn đề tên và lớp, Miên hết sức ngạc nhiên. Dưới phần câu hỏi “hãy nói về hiện tượng nguyệt thực” - bài viết chỉ vẻn vẹn mấy dòng:
“Trên mặt trăng không có hoàng hôn…”.
- Cạch! Cạch! Cạch!
Ai đó gõ vào cửa phòng làm việc ba tiếng. Giọng đọc đang dập dồn của Vịnh bị cắt ngang.
Sự đứng dậy đi về phía cửa.
- Gì thế? - Tiếng Sự hỏi ai đó.
- Tiền! Tiền! Tiền!
Tiếp theo ba tiếng “tiền” mạnh như tiếng gõ cửa, một thanh niên thấp nhỏ, tay cầm nắm tiền bước vào. Nhìn thấy tôi anh ta gật đầu chào, rồi đi lại bàn Sự.
- Cậu nộp tiền may ô nhé!
- Bao nhiêu?
- Hai mươi đồng. Phòng này chỉ còn mình cậu. Bốn đồng lưỡi dao cạo nữa là hai tư. Mà cho tiền lành đấy
- Ông cứ nắm cả đống thế kia tiền nào lành nổi, lưỡi dao cạo… thôi khoản này “nghỉ”.
Vừa nói Sự vừa móc ví, đếm đủ hai mươi đồng đặt trước mặt anh cán bộ đời sống. Không hiểu ở đâu ra mà anh có lắm tờ năm hào thế. Hôm nay chắc là “ngày căng tin” ở đây. Có nhiều tiếng lao xao phía ngoài. Hẳn người ta đang bàn xem nên mua thứ gì: áo may ô hay là lưỡi dao cạo. Lưỡi dao cạo - ở nhà tôi mọi người đang rất cần… Hỏi nhờ mua suất của Sự chăng?
“… Biển phong phú, biển Nhụy hoa, biển Mây…”
Thôi chết, Vịnh bắt đầu đọc tiếp từ lúc nào thế nhỉ? Nhưng… chẳng có ai nhìn tôi cả. Anh cán bộ đời sống vẫn đang trao đổi về tem phiếu gì đó với Sự. Phụng và Linh im lặng nhìn ra ngoài cửa sổ. Còn Vịnh - anh đang cúi xuống những trang bản thảo và đọc, giọng khẽ hơn, thong thả như lúc bắt đầu:
… Rời mắt khỏi bàn kiểm tra của Long, Miên bắt gặp trong đôi mắt trầm tĩnh ánh nhìn nửa mừng rỡ, nửa lo ngại. Cái ánh nhìn như đang dò hỏi, chờ đợi.
“Trên mặt trăng không có hoàng hôn, nhưng lại có biển, Biển theo cách gọi của Galilê…”.
Luật sư, trời ơi, có phải em đấy không?
Sự bừng dậy của trí nhớ gần như vô ý thức. Tờ giấy mỏng mảnh rơi nhẹ xuống mặt bàn.
***
Ngày 16 tháng 4 năm 1972, sau ba năm rưỡi kể từ ngày 31 tháng 10 năm 1968 những - người - Mỹ - không - biết - im - lặng đã đột ngột lên tiếng, bằng cách trút hàng loạt bom và rốc két xuống Hải Phòng, Hà Nội. Các trường học phải đóng cửa mặc dù năm học chưa kết thúc. Rồi những người dân Hà Nội được lệnh phải gấp rút rời khỏi thành phố. Những trận bom hủy diệt đang lơ lửng trên đầu họ - về điều này Chính phủ Mỹ vốn thành thạo lắm, hành động của họ bao giờ cũng đi đôi với lời nói.
Ðêm buông xuống trên dòng người cuồn cuộn đổ ra các ô cửa của thành phố, đi về các ngả. Ô-tô, xe máy, xe đạp, rồi xe bò, thậm chí cả người đi bộ gánh gồng nữa; người, đồ đạc, nồi niêu, chăn màn, giường chiếu… mặt đường bị cuốn phăng đi trong dòng thác ấy… Trong một đêm như thế Miên đã gặp anh sinh viên có cái tên Luật sư chị vừa buột kêu lên, khi ấy Luật sư mới là một cậu bé trạc 10 tuổi, và một thanh niên nữa - Lai. Phải rồi, người thanh niên ấy tên là Lai…
Lúc bấy giờ xe của Miên bị hỏng. Xe hỏng đúng vào lúc cô đã rời khỏi đường quốc lộ, rời khỏi dòng người ít nhất cũng hơn nửa giờ. Trên con đường tắt này - đoạn đường phía sau và phía trước chẳng có ai. Ngoài những bóng cây và những thửa ruộng im lặng đến chết người.
Chập tối khi mẹ từ cơ quan đạp xe về, báo tin đã xin các chú trong cơ quan cho Miên đi nhờ xe về quê ngoại sơ tán, cô đã bực bội vô cùng vì bị coi thường. Tự nhận thấy mình là một phần tử độc lập, hoàn toàn có thể tự lực cánh sinh được Miên tuyên bố với mẹ việc đạp xe một mình về quê hoàn toàn là chuyện vặt.
Với một bọc quần áo và sách vở nhỏ, đạp xe đi giữa dòng người đông đúc, “phần tử độc lập” cho việc đi xe một mình là chuyện vặt thật hoàn toàn hợp lý, cũng như nỗi sợ hãi và chút ân hận giờ đây, khi đứng chôn chân với chiếc xe hỏng giữa cái im lặng đến chết người của những bóng cây và những thửa ruộng.
- Ðồng bào nào mà đứng như vạc thế kia!
Từ thửa ruộng sau lưng Miên, một tiếng người đột ngột cất lên. Mừng rỡ ngoảnh lại, Miên trông thấy một cậu bé tay cầm chiếc đèn bão nho nhỏ đi về phía mình. Thì ra trong lúc đang hoảng, chỉ ngó trước ngó sau, Miên đã không nhận thấy cái nếp nhà nho nhỏ, nằm lẫn giữa những vạt lúa tối um trên mé đường cô đang đứng.
- Xe của chị bị hỏng.
Cùng với câu than, Miên tò mò ngắm cậu bé. Nó đã tới nơi. Hai vai nhọn hoắt đung đưa theo nhịp vung vẩy của chiếc đèn bão, gương mặt nhỏ choắt, một cặp kính cận dầy cộp, rồi vành môi bị kéo lệch đi trong “nụ cười bẩm sinh” - Cậu bé như vừa nhảy ra khỏi một bức tranh biếm họa nào đó.
- Chị đi sơ tán phải không?
- Ừ, chị đi sơ tán. Xe của chị đang đi tự nhiên bị hỏng.
- Tự nhiên? Cậu bé phì cười. Cặp kính nảy lên. Hẳn nó đã thấy hết vẻ sợ sệt trong giọng nói của Con - Vạc - Khổng - Lồ này. May cho chị đấy, chứ đạp thêm một đoạn nữa thì chẳng có ma nào trên quãng đường này đâu. Thôi vào nhà bọn em đi. Cậu bé nói như ra lệnh. Ðể em đi trước soi đường cho.- Nhà em có ai biết chữa xe không?
- Em thì không. Nhưng chị yên trí, có anh Lai. Anh ấy có thể làm được tất cả mọi thứ trên đời. Thần thông biến hóa, có kém Tôn Ngộ Không, thì cũng chỉ tí ti thôi.
Miệng nói, chân đi, chỉ một loáng cậu bé đã dẫn Miên tới nơi. Căn nhà xem ra còn bé nhỏ hơn lúc nhìn từ xa. Nó dường như lọt thỏm trước một đầm nước rộng mênh mông.
“Chúng tôi kêu gọi các bạn hãy coi tình yêu, cuộc sống của người Việt Nam là tình yêu, cuộc sống của bản thân mình, hãy coi cuộc đấu tranh…”.
- Cạch - cửa phòng mở. Một phụ nữ bé nhỏ và nhanh gọn bước vào.
- Linh ơi - Xin lỗi, chào cả nhà. Mực mài xong chưa, cho chị một tí vào đây. Này chỗ len ấy để cho chị nhé.
- Vâng! Vâng! - Linh trả lời rồi trút cho người phụ nữ một ít mực vào cái lọ con tí của chị.
- Ðan cho anh cô cái mũ. Anh ấy cứ hay phàn nàn, so sánh. Lúc nào cũng thở than.
- Chậc!
Anh cán bộ đời sống khẽ buông một tiếng. Câu chuyện tem phiếu giữa anh và Sự ngừng từ lúc nào tôi cũng chẳng hay.
- Gì thế? ở đây đang đọc báo à? Thôi, chị về nhé. Chào cả nhà!
Cũng nhanh gọn như lúc vào, người phụ nữ biến mất sau cánh cửa.
“Chúng tôi kêu gọi các bạn”. - Lặp lại câu vừa đọc, Vịnh tiếp.
… Hãy coi tình yêu cuộc sống của người Việt Nam là tình yêu cuộc sống của bản thân mình, hay coi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, vì tiến bộ xã hội là cuộc đấu tranh của chúng mình. Hãy hành động ngay bây giờ để cứu nhân loại khỏi thảm họa…
… Chúng tôi đưa ra lời kêu gọi này từ các hầm tránh máy bay ở Hà Nội.
Ký tên Gớt Hôn(1) Raxít Xtôri Giôdép Noócthơ
Trong căn nhà ai đó đang mở đài. Giọng đọc truyền cảm mạnh mẽ của người phát thanh viên đã ngừng. Phần nhạc xen giữa các đoạn tin cất lên. Miên đứng lại bên chiếc xe. Một thanh niên từ trong nhà bước ra. Hai tay đút túi quần, chân đa đá vào một vật gì đó dưới đất, anh nói một mình: “Tất cả đang sôi lên, vậy mà mình cứ ngồi đây…”.
Hẳn đây là anh Lai của cậu bé, con người có thể làm được tất cả mọi thứ trên đời - Miên nghĩ thầm và quay sang cậu bé, dáng chừng để chờ một sự giới thiệu nào đó.
- Chào bạn.
Nhận ra sự có mặt của Miên và cậu bé, người thanh niên niềm nở lên tiếng.
- Anh làm như cả thế giới đã lên đường rồi không bằng. Nếu anh không ở đây - ai sẽ trông đống tre, lá này, lại còn lo đất làm nhà nữa. Ðặt chiếc đèn bão lên hè, cậu bé lên tiếng chững chạc đến bất ngờ.
- Xin có lời cảm ơn Luật sư. “Ngài” đây cứ bào chữa cho mình suốt đấy. Thân mật như đã quen từ lâu, người thanh niên vui vẻ nói với Miên. Xe của bạn bị hỏng phải không? Luật sư thế mà tài. Bọn này đang ngồi câu, lúc quay lại lấy mồi, cậu ấy phát hiện ra bạn. Mình cho là bạn dừng lại nghỉ, nhưng nó thì bảo: “Đường vắng thế này bọn con gái có đố cũng chẳng dám ngồi nghỉ, kiểu này chỉ có hỏng xe”. Mình định nghe nốt bản tin rồi chạy ra. Mình là Lai. Nào đưa xe mình xem cho. Mà có thể gọi bạn là gì nhỉ?
- Em là Miên - Trao xe cho Lai, Miên trả lời.
- Mình sẽ gọi bạn là Miên.
- Sao lại “sẽ gọi” ạ?
- Anh ấy không biết gọi mọi người bằng tên của họ đâu. Như em chẳng hạn, hẳn hoi là có tên, tên đẹp nữa là khác. Con Rồng Xanh, - ông em vẫn gật gù bảo thế, vậy mà anh cứ réo Nhóc, lại réo Luật sư…
- Có người để than phiền cũng thích thật. Nhưng than vừa thôi, kính tụt khỏi mũi rồi kìa! - Săm của bạn bị hỏng. Lại sang vành nữa. Ðồ chữa xe bọn này không có. Ðồ chữa xe… Sau một thoáng đắn đo Lai tiếp - kể ra chạy vào làng mượn ngay cũng được, có điều đi tiếp nếu lại hỏng dọc đường thì gay. Tối lắm rồi, hay Miên ở lại sáng mai đi sớm? Nhà này chỉ có mình và Luật sư. Trong nhà có đài, có thể nghe đọc truyện đêm khuya, hoặc nếu không thích thì tắt nó đi và nằm ngủ. Ðêm sẽ qua rất nhanh thôi.
Ở lại đêm trong nhà một người không quen - bố, mẹ chắc không bao giờ nghĩ đến chuyện này. Nhưng đi tiếp làm sao được. Anh ấy nói đúng đấy - nhỡ giữa đường xe lại hỏng thì sao? Quả là lúc đi Miên không hề nghĩ đến điều này.
- Nhưng - Miên ngập ngừng, thế còn anh và Luật sư?
- Bọn này nằm ngoài trời. Với lại cũng chẳng ngủ đâu. Nhóc con đang khoái câu cá.
- Chị ở lại đi! Từ đây đến làng sơ tán của chị dọc đường chỉ có một lũ bạch đàn thôi. Ghê chết lên được. ở lại xem bọn em câu cá. Hay lắm!
Ðưa tay đẩy cặp kính dày và nặng đến mức cái mũi hếch ngược lên cũng không giữ nổi, Luật sư giục giã.
- Anh và Luật sư câu được nhiều không ạ? Miên hỏi.
- Một chú! Cậu bé láu táu.
- Thế là chị ấy đồng ý rồi. Của “Ngài” Luật sư đấy. Nom hắn khá đấy chứ? Cả ba đã ở bên bờ đầm. Lai giơ con cá lên ánh trăng soi rõ vệt lấm và những sợi rác vụn bám trên cái lườn bàng bạc của con trôi. Nó đã chết.
Rời mắt khỏi con cá Miên lại gặp vầng trăng. Ðã lên cao, lúc này vầng trăng mảnh hơn, và màu đỏ cũng nhạt hơn. Giờ mới thấy đôi chân mỏi rã rời, mỏi đến không thể làm chủ được. Chả gì, Miên cũng đã đạp trên ba mươi cây số, cô ngồi bệt xuống.
- Sao lại có trăng đỏ hở anh? - Chưa bao giờ em thấy trăng thế kia.
Không phải chỉ riêng Miên dừng mắt trên cái màu đỏ đồng kỳ lạ ấy, có tiếng Luật sư hỏi khe khẽ. Chắc nó sợ nói to cá sẽ nghe thấy.
- Em thì biết gì ngoài sách. Rồi sẽ đến lúc phải đeo lồng hai kính vào nhau nữa kia. Có người bảo đấy là điềm của chết chóc, của mất mùa, rồi chiến tranh Lai bật cười.
- Ðiềm của chiến tranh… Ðừng giễu cợt thế! Nếu như lúc này anh cũng có mặt trong dòng người…
Bàn tay đang bóp bóp chỗ chân nhức dừng lại - Giọng Miên run run.
- Mình xin lỗi, nếu có gì không phải… Nhưng - Miên đã thấy gì nào?
Thấy gì ư?
- Kịch - cửa phòng mở, một người đàn ông đứng tuổi vào.
- Chào cả phòng - Sau khi quay lại khép cửa - ông hướng về phía Phụng. Cho mình xin tí lửa. ồ, xin lỗi…
- Cạch! Cạch! Cạch! Sang lĩnh lương cho người ta còn về chứ!
Cùng với tiếng gõ cửa, ai đó nói to ngoài cửa phòng rồi vội vã đi, tiếng “gộc” khua lộp cộp.
- Lương với chả lậu - Anh cán bộ đời sống lầu nhầu.
- Thôi, dừng ở đây… Tiếng Vịnh nói khẽ.
- Không, không! Ông cứ đọc tiếp! Lương chả lĩnh hôm nay thì mai. Nào! Phụng hất hàm.
Tôi và mọi người cùng gật đầu đồng tình với Phụng. Và Vịnh lại cúi xuống những trang bản thảo.
- Trở lại câu trên nhé - Anh nói, rồi tiếp tục đọc.
Thấy gì ư? Trong đôi đồng tử đang dãn ra của Miên vầng trăng trên kia như đang “to” lên, to mãi. Rồi biết bao ý nghĩ bỗng lấp gấp xô về. Lai và cậu bé Luật sư, không, cả Miên nữa - Chính cô cũng cần phải hiểu lại những xúc cảm miên man ấy.
Em cũng không biết. Vầng trăng như nhòe đi. Tiếng Miên khẽ khàng. Có điều trăng thượng huyền mà lại to và nặng, lại còn màu đỏ nữa… Tưởng như có một mặt trời được kéo ngược từ phía hoàng hôn trở về. Một mặt trời trong đêm - Vầng trăng đỏ ối. Trên dòng người đang im lìm đổ ra khỏi thành phố, trên bầu trời với những đám mây rạn ra từng khoảng lớn, cái mặt trăng lừng lững ấy…
Nói tới đây Miên có cảm giác như đang đi trở lại trên con đường đã qua, lẫn vào dòng xe cộ đông đúc. Trên những chiếc xe ấy Miên đã thấy gia tài bé nhỏ của những người dân trong thành phố của cô, đã thấy những chiếc ghế mây mà trên đó những cái đầu bé bỏng cứ gật lên gật xuống theo nhịp xe xóc, hai bàn tay - cũng bé bỏng như thế buông lơi trên thành ghế - phần lớn các em bé đều đã ngủ ở dọc đường. Có một cái gì đó cứ dâng lên trong mí mắt Miên, cô không sao nói tiếp được.
- Ðừng sợ!
Giọng Lai thấp xuống. Trong giọng nói của anh Miên cảm thấy Lai đã hiểu những gì cô không diễn tả nổi. Trước sự quá tinh tế của những diễn biến tình cảm trong tâm hồn con người - ngôn từ bỗng trở nên khô cứng, nghèo nàn. Vào lúc ấy, may chăng chỉ có âm điệu trong giọng nói mới giúp con người truyền đạt được những gì họ muốn. Bởi vì nếu không, chỉ căn cứ vào hai tiếng “đừng sợ” Miên hẳn đã cho rằng Lai đã hiểu sai cô. Không phải điềm chiến tranh. Cũng chẳng thể là nỗi khiếp sợ. Một sự bất nhẫn chăng? - Nhẹ quá! Vậy thì điều gì đã diễn ra trong tâm hồn khi bắt gặp sự liên tưởng: Có một kẻ nào đó đã dùng cái gam màu ghê sợ ấy xóa đi màu trắng xanh dịu của những ngày tháng thanh bình?
Im lặng trôi qua. Tiếng Lai khe khẽ:
- Trước lời kêu gọi của Gớt Hôn, đài đọc thơ của Nam Hà, Miên có thích bài đó không?
- “Ðường dài đi giữa Trường Sơn. Nghe vọng bài ca đất nước…” - Ðúng không? Thích ghê lên ấy chứ! Cái Dự bạn em, anh có biết không - Miên tiếp - Hơn em hai tuổi. Khai tăng một tuổi, đợt sơ tán này nó ở nhà để xin đi thanh niên xung phong. Bố nó thích lắm, trong mọi việc chẳng bao giờ chú ấy cấm đoán cả.
- Thế bố Miên hay cấm Miên những việc gì?
- Cấm đủ thứ - Miên trả lời. Hai năm lớp tám, lớp chín tối nào Dự cũng đến học nhóm với em. Bàn học của bọn em kê ở một góc, nhưng chỉ liếc qua là bố em biết ngay là đang ngồi học, hay đang xem truyện.
- Giờ học lại ngồi đọc truyện, bị mắng cũng phải. Luật sư xen vào.
- Kìa Nhóc, để chị ấy nói! Lai giơ một ngón tay lên “đe” cậu bé.
“Giờ thì chị hiểu tại sao em bị gọi là Luật sư rồi. Nhưng cấm cũng chẳng được! - Giọng Miên thoáng vẻ đắc thắng. Kéo cái ngăn kéo ra một chút, em để truyện trong đó, và cứ đàng hoàng thế mà đọc. Dự ngồi đối diện với em, lúc nào bố em từ buồng đi ra, nó khẽ ho lên một tiếng, thế là ngăn kéo tự động ập vào. Tất cả những cấm đoán - bố em cứ nghĩ rằng nếu không mê đọc truyện quá, chăm chỉ học hành em sẽ trở thành một người giỏi giang. Rất giỏi giang nữa cơ đấy!
Khẽ bật cười, như thể vì đang hình dung ra mình trong vai trò một người giỏi giang, rồi Miên tiếp:
Có một lần em suýt chết… Anh có biết không - bố em rất hay kiểm soát ngăn kéo và giá sách. Lục truyện mà. Nhưng ai đời dại dột để ở những nơi ấy. Muốn tìm truyện phải xuống dưới bếp cơ! Thùng gạo, chạn thức ăn, thùng đồ vật, rồi trong đống củi, dưới gầm lò cũ… Phái mạnh các anh, nhất là cực mạnh như bố em, ai để ý đến những nơi vớ vẩn?
Thế nhưng “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Lần suýt chết ấy - buổi tối đọc xong, khuya rồi mệt quá, em quên không sơ tán sách. Sáng ra dậy muộn, quáng quàng xách cặp chạy. Ðến lớp, học hết giờ đầu, vào tiết thứ hai, tiết toán của thầy “Tuấn bút chì” em mới sực nhớ: quyển Phục sinh vẫn để trong ngăn kéo. Sợ quá, chẳng còn nghĩ được đến xin phép nữa, em bật ra khỏi cửa sổ lao một mạch theo đường tắt về nhà. Em ngồi bên cửa sổ, bọn em học ở dãy nhà một tầng, chỗ đó có con đường dẫn ra ruộng rau. Theo đường này qua làng Quỳnh. Chỉ mười lăm phút sau là có thể có mặt ở nhà.
Nếu bố em mà giở ngăn kéo ra… thì ôi thôi. Liép sẽ tan tành! Sáng đó sương mới nhiều làm sao. Sương như từ vùng hồ ao dâng lên - Một bức tường sương kéo suốt dọc đường. Lạnh thế mà mồ hôi cứ toát ra…”.
- Chị thoát không? - Luật sư hỏi dồn. Chẳng hiểu nó đang hồi hộp lo cho số phận Liép, hay cho Miên.
“Thoát!” - Miên trả lời Luật sư. Rồi tiếp - giọng bâng khuâng. Thế mà thầy Tuấn không mắng em. Thầy Tuấn rất hiền. Gày nữa, mùa đông trong chiếc áo bông rộng lùng thùng, trông thầy giống hệt chiếc bút chì trên đậy nắp bút máy Hồng Hà, loại bút đàn ông ấy.
Giờ học cuối cùng trước ngày 16 tháng 4, lẽ ra thầy cũng phải giận em, vậy mà… Thực ra em không nên làm thế. Bao giờ em cũng sai. Nhưng tại sao người ta cứ viết ra những quyển sách hay quá như thế?
- Trong giờ toán hôm đó Miên đã làm gì? - Lai hỏi.
- Giờ kiểm tra một tiết, nhưng em lại ngồi đọc “Ðất Quảng”. Kiểm tra hình. Bài rất dễ, chỉ mười lăm phút là xong. Quyển “Ðất Quảng” vẫn còn một phần nữa, cuối giờ toán bọn nó lại đòi… Miên khẽ thở dài. Lẽ ra hết giờ em phải xin lỗi thầy. Thầy ngồi trong lớp chấm bài để trả ngay. Nhưng em đã không xin lỗi. Bọn con trai chơi cờ tướng vui quá… Nếu biết đấy là buổi học cuối cùng em đã không làm thế. Không bao giờ làm thế!
- Hết hè đến xin lỗi vậy.
- Anh bảo sao? Miên hỏi lại.
- Mình bảo hết hè đến xin lỗi - Lai nói.
- Thầy đi bộ đội rồi. Bài làm hôm ấy thầy vẫn cho em điểm mười. Thầy Tuấn đi bộ đội. Dự đi thanh niên xung phong, còn em đi sơ tán. Thế mà bố, mẹ em còn định gửi em theo xe các chú trong cơ quan… Ngừng một lát Miên lại tiếp. Ban nãy anh bảo mặt trăng đỏ là điềm chiến tranh. Ðiềm chiến tranh dứt khoát không phải rồi, nhưng mất mùa thì có thể lắm chứ. Biết đâu chẳng có liên quan nhất định về thời tiết?
- Chẳng phải đâu - Lai trả lời. Ngoài hiện tượng thủy triều và áp triều ra, mặt trăng không có ảnh hưởng gì đến trái đất cả. Còn màu đỏ hồng kia là do sự khúc xạ của các tia sáng mặt trời vào trong khí quyển, các tia đỏ dập lên mặt trăng… Mà có biết không - trên mặt trăng không có hoàng hôn đâu nhé. Nhưng lại có biển. Biển theo cách gọi của Galilê. Người ta đặt cho biển của mặt trăng những tên như: Biển Mưa, biển Trong Sáng, biển ẩm ướt, biển Yên tĩnh, biển Phong phú, biển Nhụy Hoa, biển Mây…
- Anh học về những cái đó à?
Miên thốt lên, ngạc nhiên và thích thú. Ðôi mày doãng ra trên vầng trán phẳng và cao.
- Ðâu có, giọng Lai thoáng vẻ ngượng ngập.
- Ðưa hộ mình cái cần câu với.
Khi đưa cần câu cho Lai, Miên nhận thấy anh có một đôi mắt rất đen. Có lẽ còn đen hơn cả những dải nước mà sóng đang lôi vào bờ, rồi lại ném ra xa tít tắp kia.
- Sao cần câu ngắn thế anh? - Giọng Miên trong và nhẹ.
- Tháng tư cá thường ăn sát bờ… Nhưng kìa, ngồi không khéo bạn sẽ làm hỏng hết hoa đấy!
- Hoa nào?
Theo bản năng Miên nhổm người lên, như thể đang ngồi trên hoa thật. Thì ra chỗ Miên đang ngồi là một thẻo vườn, mà vạt cỏ tươi tốt bên đầm đã mọc trườn vào. Phải nhìn kỹ mới thấy những gốc cây đã héo.
- Có thấy gì không?
- Những gốc cây?
- Chỉ thế thôi à! - Thở ra rồi hít vào thật mạnh xem nào.
- Hít vào thật mạnh… Trời, sao từ nãy đến giờ em không nhận ra nhỉ?
- Suỵt! Luật sư quay lại, đưa tay lên miệng cảnh cáo tiếng reo của Miên.
Hẳn cậu ta sợ cá nghe thấy.
Hoa loa kèn. Một mùi thơm ngọt mát dâng lên.
Giữa những gốc cây đã héo, giữa những lá cỏ dài tươi tốt, cây hoa còn sót lại ở một góc thẻo vườn chỉ có một bông hoa duy nhất. Thật khó tưởng tượng nổi hương thơm ôm đầy cả khoảng không bao la này, chỉ dâng lên từ đài hoa mảnh dẻ đến dường kia.
- Trước đây là nhà của một ông già rất yêu hoa. Giờ ông chuyển vào làng, nhường đất cho sinh viên làm nhà ở và giảng đường. Có biết vì sao mình nhắc đừng ngồi lên không?
- Miên lắc đầu.
- Hoa đã cắt, nhưng còn củ để lại ươm dưới đất đấy - Lai giải thích.
- Giật đi anh… Thôi, hỏng rồi!
Có tiếng quẫy nhẹ. Tiếp theo là tiếng thở dài thực to của Luật sư. Dưới ánh trăng, cái gọng kính của cậu in hình to kệch, nom đến kỳ dị.
- Hôm nay đen quá. Thôi chả thèm câu nữa.
Luật sư ngáp dài, và nằm xoài luôn xuống. Nó gỡ kính. Lại ngáp. Một lát im lặng. Rồi bỗng cất tiếng, giọng ngái ngủ:
- Cái ông Gớt Hôn ấy buồn cười nhỉ. Ngồi dưới hầm rồi kêu gọi… Mà ban nãy anh nói về mặt trăng là bịa thật đấy?
- Xin cứ tin tôi - ngài Luật sư!
Có gì đó vừa giễu cợt, vừa trìu mến trong giọng Lai.
Cả ba cùng im lặng. Trong đêm tĩnh mịch chỉ còn vang lên tiếng nước vỗ bờ. Mặt đầm cứ rộng ra, rộng mãi và, và bầu trời dường như cũng được nâng lên - cao và nhẹ hơn. Luật sư chừng đã ngủ. Tiếng nó thở nhè nhẹ. Cái kính cận rời khỏi tay, từ mặt kính loáng lên một vệt sáng.
Lai đứng dậy đi vào nhà, rồi trở ra với một cái áo. Anh cuộn áo lại, nâng đầu cậu bé lên và luồn xuống dưới.
- Ở nhà nhóc được chiều lắm. Ngủ không gối hắn ta bị đau đầu đấy. Lai khẽ cười, rồi như nhớ ra điều gì anh bỗng ngập ngừng… Thực ra mình cũng chẳng biết gì đâu, về mặt trăng ấy. Ban nãy là mình đọc thuộc lòng một đoạn trong giáo trình thiên văn của Pôlác đấy. Quyển sách tình cờ rơi vào tay mình. Ông ta viết hay đến nỗi không thể không thuộc được… Cả chuyện cá ăn sát bờ vào tháng 4, và hoa loa kèn khi cắt rồi, thì củ để dưới đất ươm tiếp mình cũng “nghe” sách thôi. Bao giờ về Hà Nội mình sẽ tìm lại quyển sách của Pôlác cho Miên đọc.
- Thật chứ?
- Thật. Có điều đừng đọc trong giờ của thầy “Tuấn bút chì” nữa và cũng đừng nhét Pôlác vào gầm lò cũ hay chạn thức ăn mà ông ta lại kiện mình.
Im lặng.
- Anh Lai này… Trong quyển sách thiên văn của Pôlác có viết về đêm không? - Anh bảo có à? Tiếng Miên như từ sóng nước vọng lên. Bố em bảo em sinh ra vào lúc nửa đêm…
- Một giấc mơ - ừ, tên Miên… Nhưng với mình Miên sẽ là đêm, Lai như nói một mình. Rồi bỗng anh thốt lên: Miên xem kìa!
- Trăng…
- Không, đừng nhìn trăng. Vì sao đổi ngôi - Miên có thấy không? Hẳn một vệt sáng xanh… Nó rụng xuống đâu nhỉ?
Im lặng.
- Khuya lắm rồi - tiếng Lai như bừng tỉnh. Thôi Miên ngủ đi, lấy sức sáng mai còn đạp xe tiếp. Mình nhường cho cái bờ đầm này đấy. Nằm đây ngủ khoái hơn vào nhà. Lai đứng dậy nhìn quanh, rồi trỏ vào vạt cỏ ngay chân Luật sư. Nằm đây này!
- Còn anh?
- Mình thức. Phái mạnh mà…
Im lặng. Sóng xô nước vào bờ. Cùng với cảm giác một cái gì mềm mại lướt dưới lưng, Miên nghe tiếng Lai từ trong nhà cất lên:
- Thế… Ngủ đi, đừng sợ!
***
… Tất nhiên không phải ngay trong lúc này tất cả những điều xảy ra trong đêm ấy đã trở về cùng lúc trong trí nhớ Miên. Mà phải một thời gian, một khoảng thời gian dài sau này Miên mới có thể sắp xếp được những ý nghĩ của mình, sắp xếp được những gì đã xảy ra theo một trình tự rành mạch. Mới có thể mường tượng đến từng chi tiết nhỏ những gì đã có trong đêm đó. Còn bây giờ, trong cuộc gặp gỡ quá đỗi bất ngờ này chỉ kịp cảm thấy trong tâm hồn đang mệt mỏi của mình luồng gió năm xưa tươi mát ùa về. Những ngọn cỏ đâm vào chân buồn buồn. Ðài hoa mảnh dẻ đỡ lấy năm cánh hoa trắng ngà, trên mỗi cánh hoa ấy có muôn vàn tia nước li ti chảy - Những tia nước trong lành đã vọt lên từ mặt đất ẩm ướt trong suốt cả mùa xuân, qua thân cây xôm xốp. Rồi hương thơm của nó… thứ hương lúc thì dậy lên nồng nàn, lúc lại mất đi trong những đợt gió ào ạt đưa về từ phía bên kia bờ đầm. Và sau hết, trên tất cả là âm hưởng của một giọng nói - Cái âm hưởng vừa giễu cợt, vừa trìu mến lạ lùng, nhớ lại chị chưa hề gặp ở một người nào khác.
Phải chăng trọn vẹn những gì Miên mơ ước đều đã có trong đêm đó?
Khoảng im lặng của những xao động trôi qua, Miên hỏi:
- Anh em giờ thế nào nhỉ?
- Anh Lai không phải anh trai em. Em sơ tán về làng đó, gặp rồi quen thôi. Ngày ấy anh Lai là một trong những sinh viên đi tiền trạm để lo xin đất, và lo chuyện làm nhà cho trường. Cho đến hôm đó anh Lai đã có tên trong danh sách đi bộ đội. Mắt anh Lai còn cận nặng hơn em rất nhiều, nhưng anh ấy không đeo kính. Anh Lai bảo tập cho quen đi, chứ có kính thì còn đánh đấm gì. Nhưng thực ra không đeo kính để được đi khám tuyển thì đúng hơn. Ðã có tên trong danh sách đi bộ đội, nhưng vì chưa có người tiếp quản công việc, nên mặc dù rất sốt ruột anh ấy cũng phải ở lại. Còn bây giờ, chị hỏi anh Lai… Long quay đi, và cũng như đêm nào cái gọng kính lại in hình to kệch nom kỳ dị, có khác chăng là in trên tường chứ không phải trên bờ cỏ tươi tốt năm nào - Anh Lai mất đã năm năm. Im lặng một lát Long tiếp - Hà Nội thế mà rộng. Sau những - ngày - bê - năm - hai về em tìm chị suốt cả mà không thấy. Những năm sau cũng không hề thấy. Có cái này em vẫn giữ cho chị. Long đặt trước Miên một phong thư đã cũ và nhàu, nét chữ ngoài bì không còn rõ nữa, nhưng lành lặn sạch sẽ. Thư không dán tem. Một người bạn anh Lai đã cầm về - Long giải thích và đứng dậy đi về phía cửa sổ.
Trong phần đầu lá thư gửi cho Luật sư. Lai đã kể về cuộc sống của anh khi chuyển sang đơn vị mới. Bằng vào thư thì những gì anh đã trải qua trong những ngày này đều tuyệt vời hết sức. Cái giọng điệu “từng trải” trong thư, hẳn Lai rất hay dùng với Long, tuy không phải lúc nào anh cũng thành công. Nhớ đêm ấy Long đã tỏ ra ngờ vực hết sức khi nghe Lai nói về mặt trăng. Thậm chí nó còn hỏi thẳng thừng có phải chuyện của anh là bịa không.
Còn phần sau của thư - cứ theo ngày tháng thì phần sau viết cách một khoảng thời gian dài.
“Luật sư ơi, bọn anh giờ bắt đầu vào cuộc rồi. Có kể em cũng không hình dung hết được những gì bọn anh đã qua đâu. Em còn nhớ anh Kiệm không? Cái cậu beo béo, hay cười, cùng đi một đợt với anh ấy. Cách đây hai ngày anh và các bạn anh đã mai táng cho Kiệm cùng hai người nữa. Riêng Kiệm, thật thương tâm - thi hài cậu ấy chỉ là một mảnh áo…
Cứ qua một đợt đơn vị lại vơi đi. Rất có thể ngày mai trong số vơi đi tiếp theo sẽ có anh. Nhóc vẫn hay giễu cợt, rồi lại bào chữa cho tính hay bịa đặt của anh. Nhưng trong những điều anh sẽ nói sau đây - em phải tin và đừng hỏi lại nhé. Trong khoảng thời gian thuộc về mình này sao anh nhớ Hà Nội, nhớ đêm trước mấy ngày nhập ngũ của anh - nhớ đến cồn cào. Tên chị ấy là đêm. Thật may mắn cho anh làm sao, vì như thế lúc này anh có cảm giác như chị ấy đang đứng ở đâu đó rất gần anh thôi. Cô bé có vầng trán thẳng dưới mái tóc hất ngược về phía sau… Vầng trán và đôi mắt - mỗi lúc nhớ lại anh không khỏi liên tưởng đến những đám mây trắng, thứ mây vẫn thảnh thơi bay trên bầu trời, trong những sáng hè yên tĩnh…
Nếu ngày nào đó anh hỏi địa chỉ thì trong từng ấy năm anh đã có thể biết được những gì đã đến với “cô bé” của anh. Giờ đây nếu sau trận pháo này - anh có mặt trong số vợi đi, thì nghĩa là cuộc gặp gỡ sẽ không bao giờ có. Luật sư sẽ bào chữa cho anh thế nào nhỉ? Anh đã chia tay không hề tìm cách biết thêm ngoài một đôi điều chị ấy đã nói, và cũng không hề tỏ ra cần biết tiếp về những gì sẽ đến với chị ấy. Ðêm trôi qua dưới một vầng trăng màu đỏ, dòng người đổ đi vô tận qua các ô, lời kêu gọi của Gớt Hôn… Những ngày tháng dữ dội và khốc liệt đã bắt đầu, vậy mà tại sao anh lại chia tay với Miên như chia tay một cô bạn cùng phố - hết hè rồi sẽ gặp lại. Tại sao thế?
Nhưng thôi tìm cách giải thích những trạng thái tâm lý để làm gì. Tất cả đều kỳ lạ… chỉ chút nữa thôi mặt đất sẽ rung chuyển vì pháo của bọn anh và pháo của bọn nó, vậy mà, Nhóc có tin không - anh nghe thấy cả tiếng cá quẫy đấy. Anh đã để hụt nó. Lúc ấy em thở dài mới khiếp chứ. Lại còn bực lây với cả Gớt Hôn. Con cá hẳn không nhỏ. Nhưng anh có thể chú ý được đến điều ấy chăng - khi mà, trong cái dáng đang vươn về phía trước, chị ấy sao mà giống như bông hoa loa kèn ở góc vườn đến lạ lùng?
Bông hoa vươn thẳng, hắt một tia sáng trắng dịu lên vầng trăng đỏ ối - lúc này đây - giữa không gian khét lẹt và nóng bỏng, anh đã gặp lại hình ảnh này…”
Ðọc tới đây, Vịnh ngừng lại. Anh để tập bản thảo xuống bàn, nơi từ đó đang vang lên tiếng con sâu nghiến vào gỗ kèn kẹt, rồi đưa tay lên xoa mãi vào trán và mắt.
Cái đêm ấy - trong cuộc chiến tranh vừa qua, phải chăng niềm tin ở mỗi chúng ta đều dựa trên những điểm tĩnh đầy thơ mộng như thế, và với niềm tin đó chẳng có sự tàn bạo, khốc liệt nào đè bẹp nổi? Mọi người trong phòng im lặng. Họ đang theo đuổi ý nghĩ gì?
Phần mình, tôi nghĩ chỉ thấy trước mặt một đầm nước rộng mênh mông, bên đầm nước - trong yên tĩnh đầy tin cậy giấc ngủ hồn nhiên của cậu Luật sư và Miên. Làm sao không ngủ được khi vì sao của Lai đã rụng - Khuya lắm rồi… Làm sao không ngủ được khi hai tiếng “đừng sợ” đầy trìu mến đã cất lên? Bên giấc ngủ thật sâu của bông hoa và cậu bé ấy - Lai có biết rằng anh đã thực sự lên đường?
Nhưng kia - có tiếng chân ai vang lên ngoài hành lang… Tiếng dép kéo, rồi tiếng gì đó khua rủng rẻng. Cửa phòng bật mở - và người thường trực của cơ quan xuất hiện với chùm chìa khóa to tướng.
- Chà, các vị - Giọng ông cáu kỉnh. Sao giờ này mà chưa gửi chìa khóa? Bộ không cho người ta ăn cơm nữa sao? Họp thì phải báo trước chứ!
- Xin lỗi bác, chúng tôi có chút việc.
Nở một nụ cười xin lỗi với người thường trực, Vịnh quay sang mọi người:
- Chúng ta về thôi chứ nhỉ?
- Kẻng hết giờ lúc nào mà không nghe?
Trong tiếng ghế xô, tiếng chân bước và tiếng cặp lồng va chạm, anh cán bộ đời sống nói to, hẳn cố ý để người thường trực nghe thấy. Ðúng vào lúc này, chuông đồng hồ của thành phố điểm sáu tiếng.
- Ðúng là ngày tháng mười. Mới sáu giờ mà đã tối là tối.
Trên dãy hành lang, lặng tanh vẫn tiếng anh cán bộ đời sống vang lên.
- Cậu về đâu? Ði bên tôi Linh khẽ hỏi.
- Cuối phố Huế - Tôi trả lời chị.
- Xa nhỉ. Mà cậu có gần chỗ bị bom không? Buồn cười, ngày mới lấy nhau “ông nặn tượng nhà mình” cứ lôi mình đến đấy suốt. Chả là dạo đó bạn bè anh ấy đang đắp phù điêu. Về sau nghe đâu người ta đã bỏ nó.
- Phù điêu là gì? - Sự chen vào.
- Phù điêu trên bức tường của phố Huế - Anh không biết à? Linh hỏi lại Sự.
- ờ, ờ… mình là dân ngoại thành.
- Các vị nhanh chân lên một tý để tôi còn khóa cầu thang. Cơm canh nguội tiệt rồi!
Người thường trực lúc này đã xuống đến bậc thang cuối cùng - ông ta khua nắm chìa khóa lên và giục giã.
Cả mấy người chúng tôi cùng vội vàng rảo bước. Và trong sự vội vàng đó. Linh đã không nhắc lại câu chuyện về những phù điêu ở phố tôi. Thật may cho tôi, vì chính tôi - tôi cũng không hề biết những phù điêu ấy có còn hay không.
Hà Nội - Những ngày áp thấp Tháng 11 năm 1981
BàngHS st
= = =
(1) Khi đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng ngày 16-4-1972, đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Mỹ lúc đó đang ở thăm nước ta đã ra lời kêu gọi này gửi nhân dân Mỹ.