Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

THỜI HOA ĐỎ

Nhạc: Nguyễn Đình Bảng
Thơ: Thanh Tùng       
Trình bày: Thái Bảo    
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sao ồn ào mà chẳng cho lòng người yên chút nào
Anh mải mê về một màu mây xa
Cánh buồm bay về một thời đã qua
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ say mê (về một thời hoa đỏ diệu kỳ)
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi
Như nuối tiếc một thời trai trẻ
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say




Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sao ồn ào mà chẳng cho lòng người yên chút nào
Anh mải mê về một màu mây xa
Cánh buồm bay về một thời đã qua
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ say mê (về một thời hoa đỏ diệu kỳ)
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi
Như nuối tiếc một thời trai trẻ
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say


Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Sau bài hát rồi em im lặng cái lặng im rực màu hoa đỏ
Sau bài hát rồi em như thế em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa
(Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi)3




Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị

Đỗ Quyên - 19-06-2012 10:57:47 AM
VanVN.Net - Tọa đàm khoa học “Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại” sẽ được tổ chức tại Viện Văn học trong dịp cuối tháng 6/2012. Nhà thơ Đỗ Quyên đã gửi VanVN.Net bản tham luận viết rất công phu, kỹ lưỡng không chỉ riêng về thơ Nguyễn Quang Thiều, mà ở đó còn mở ra nhiều hướng tiếp cận, nhiều góc soi chiếu về văn học nghệ thuật Việt Nam. VanVN.Net xin đăng tải toàn văn bài viết này (chia làm 3 kỳ để bạn đọc tiện theo dõi), có thể coi đây như một công trình mang tính chất “tiền nghiên cứu” khi chúng ta muốn đi sâu tìm hiểu, khám phá, trao đổi, tranh luận về những vấn đề của thơ Việt Nam đương đại.

Về mục đích “Tọa đàm hướng đến việc tìm hiểu và định giá thơ ca của Nguyễn Quang Thiều như một tiếng nói đại diện của thế hệ nhà thơ sau 1975 trong bối cảnh của quá trình đổi mới thơ Việt Nam đương đại”, với sự chờ đợi lâu nay, chúng tôi đồng ý!
Và xin phép được cho rằng không hẳn chỉ vì “từ sau 1975, một thế hệ nhà thơ mới đã hình thành và có nhiều đóng góp vào quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tiêu biểu cho những nỗ lực đổi mới thơ ca của thế hệ này.” 
Hai dấu mốc thời cuộc 1975 và Đổi mới 1986 rất quan yếu và thuận tiện. Với một số trường hợp, nếu như chỉ được neo vào các tọa độ văn học sử đó, sẽ khó nhận chân về nghệ thuật cũng như học thuật. Thơ Nguyễn Quang Thiều là một trong không nhiều trường hợp như thế của văn học Việt Nam, tạm xét trong nền thơ đương đại. Ở tham luận này, tác giả Nguyễn Quang Thiều như là một đối tượng thuộc dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị.
Các phần từ I đến IV là nhận định, bình giá chung về thơ Nguyễn Quang Thiều. Phần V và VI có phân tích riêng trên văn bản thơ từ tập tuyển Châu thổ và trường ca Lò mổ.


 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tập thơ Châu thổ



I. Thơ Nguyễn Quang Thiều trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
Cũng như đã làm với hai tác giả có thi pháp hoàn toàn khác là Tuyết Nga  và Mai Văn Phấn , phương pháp tiếp cận thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ theo các tiêu chí đối lập (hay - dở, đổi mới - nguyên cũ, hiện đại - truyền thống, cách tân - cổ điển, tiêu biểu - bình lặng, nổi tiếng - chìm khuất, v.v…) mà coi trọng tìm hiểu trong hệ thống và định giá trong tương quan.
Cho rằng mỗi tác giả, tác phẩm là một chữ, một câu trong bài-thơ-chung của nghệ thuật thi ca, chúng tôi mong muốn bình giá mỗi tác giả của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị như những liên-tác-giả . Bàn về tác giả này cũng có thể luận đến tác giả khác, hay chuỗi tác giả khác, trong hoặc ngoài hệ hình. Không chỉ trong nghệ thuật thi ca, mà còn văn-hóa-của-thi-ca.
Trong các tiền đề chính của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị mà hai bài trước đã nêu và minh họa ở hàng loạt tác giả, thơ Nguyễn Quang Thiều là sáng tác “có vấn đề”, gây ám ảnh và âm ỉ, sự hiểu và cảm cần con-mắt-thứ-ba.
Không là tác giả của loại thơ-đọc-đi-đọc-lại, Nguyễn Quang Thiều có thơ-đọc-một-lần. Nếu ở lần đọc đầu tiên không thấy hợp, sẽ rất khó đọc tiếp khi thiếu các giải thích đặc biệt, ngoài những phê bình, nhận định thông thường. Với tác giả này, cũng khó tách bạch thơ-cho-người-đọc hay thơ-cho-người-viết. Tùy duyên mà thích thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhưng đấy ắt là thơ-cho-các-nhà-phê-bình, bởi nó liên hệ tới cả bốn tiêu chuẩn sống còn của văn chương - thẩm mỹ nhận thức, đặc trưng thể loại, phương cách sáng tác, hình thức ngôn ngữ. Như là một sáng tác, đấy cũng không phải là văn-học-khó tự thân, mà là loại sáng tác văn học khó phân định trong văn giới, khó bình giá giữa dư luận.
Bài viết này là một thử thách lớn cho Phương pháp dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị. “Sự tráo trở của phương pháp”  vẫn có thể chưa thấu được “Sự mất ngủ của lửa” !? Bởi xét cho cùng, công việc bình giá thơ Nguyễn Quang Thiều là đi giữa hai bức tường thi cách và thời đại, lại là thời đương đại của văn học Việt - một khu vực tri thức nghệ thuật có sáng tác và lý luận, thực tiễn và nghiên cứu không dễ dàng giải thích giá trị.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

THỪA MỘT CON THÌ CÓ

(Câu chuyện có nhiều thành ngữ, tục ngữ )

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đứng núi này trông núi nọ, già kén kẹn hom, ghét của nào trời trao của ấy. Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn lại đần độn, ngốc nghếch, vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, mười tám cũng ừ mười tư cũng gật, học chẳng hay, cày chẳng biết, lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ được cái sáng tai họ điếc tai cày là giỏi!
Trăm dâu đổ đầu tằm, giỗ tết cúng bái trong nhà, công to việc lớn ngoài xóm, hai sương một nắng, tất bật quanh năm, một tay chị lo toan định liệu. Anh chồng thì như gà què ăn quẩn cối xay, lừ đừ như ông từ vào đền, như cỗ máy không giật không động. Giàu vì bạn, sang vì vợ, hàng xóm láng giềng kháo nhau: “ Chàng ngốc thật tốt số, mả táng hàm rồng, như mèo mù vớ được cá rán”.
Chị vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đèo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi anh đi đường anh, tôi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như gông đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt cay, một điều nhịn chín điều lành, tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, vợ chồng đóng cửa bảo nhau cho êm cửa êm nhà, sao nỡ vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng hổ ai?
Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Biết chồng tại gia không trót, liền trổ tài điều binh khiển tướng dạy chồng một phen, những mong mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ, không thua anh kém chị trong họ ngoài làng.
Một hôm ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, giữa thanh thiên bạch nhật, chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi dặn lại: đến chợ phải tuỳ cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp mắm, tiền trao cháo múc, đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả chì lẫn chài.
Được lời như cởi tấm lòng, ngốc ta mở cờ trong bụng, gật đầu như búa máy, vội khăn gói quả mướp lên đường quyết phen này lập công chuộc tội. Bụng bảo dạ, phải đi đến nơi về đến chốn, một sự bất tín vạn sự bất tin, ngốc quàng chân lên cổ đi như chạy đến chợ. Chợ giữa phiên, người đông như kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò.
Sau một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống, cuối cùng ngốc cũng mua được 6 con bò. Thấy mình cũng được việc, không đến nỗi ăn không ngồi rồi báo vợ hại con, ngốc mừng như được của. Hai năm rõ mười, ai dám bảo anh ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Nghĩ vậy, ngốc ung dung leo lên lưng con bò đi đầu, mồm hô miệng hét diễu võ dương oai, lùa đàn bò ra về mà lòng vui như hội.
Giữa đường sực nhớ lời vợ dặn, suy đi tính lại, cẩn tắc vô áy náy, ngốc quyết định đếm lại đàn bò cho chắc ăn. Ngoảnh trước ngó sau, đếm đi đếm lại, đếm tái đếm hồi chỉ thấy có 5 con, còn một con không cánh mà bay đi mất. Toát mồ hôi, dựng tóc gáy, mặt cắt không còn giọt máu, ngốc vò đầu gãi tai, sợ về nhà vợ mắng cho mất mặn mất nhạt rồi lại bù lu bù loa kêu làng kêu nước mà than than trách phận, ngốc về nhà với bộ mặt buồn thiu như đưa đám.
Thấy chồng về, chị vợ tươi như hoa ra đón, nhưng ngốc vẫn ngồi như bụt mọc trên lưng con bò đi đầu, chắp tay lạy vợ như tế sao: -Mình ơi, tôi đánh mất bò, xin mình tha tội cho tôi…”
Nhìn chồng mặt như chàm đổ mình dường giẻ run, chị vợ không khỏi lo vốn liếng đi đời nhà ma, liền rít lên như xé lụa: - Đồ ăn hại. Đàn ông con trai mà trói gà không chặt. Làm sao lại để bò sổng?
Sợ thót tim vãi đái, nhưng ngốc vẫn lấy hết sức bình tĩnh để phân trần: - Tôi mua tất cả 6 con, họ giao đủ 6, bây giờ đếm mãi vẫn chỉ 5 con.
Nhìn ngốc ta vẫn ngồi như đóng đinh trên lưng bò, chị vợ hiểu rõ đầu đuôi cơ sự, dở khóc dở cười bảo chồng: - Thôi xuống đi! Thiếu đâu mà thiếu, có mà thừa một con thì có!

Nguồn : bacbaphi.com
holly st

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

CHUYỆN VOVA


*****
Trong giờ học môn lao động, thầy giáo giảng cho học sinh về kỹ thuật an toàn trong lao động. Thầy giáo dẫn ví dụ:
- Có cậu bé đang đi ngoài phố, bỗng có viên gạch rơi xuống đầu, và cậu ta chết ngay tại chỗ! Còn cô bé đội mũ bảo hiểm, cũng bị viên gạch rơi xuống đầu, nhưng cô bé chỉ mỉm cười và đi tiếp!
Giọng Vova:
 - Vâng em biết cô ta! Cô ấy đến bây giờ vẫn đội mũ bảo hiểm và vừa đi vừa mỉm cười!

****
Cô giáo hôm nay mặc áo mới, trên ngực thêu hoa hồng. Thấy các học sinh chăm chú nhìn, cô giáo rất vui, hỏi: Thế các em có biết hoa hồng sống bằng gì không?
 Vôva trả lời: Thưa cô bằng sữa ạ!
Cô giáo đỏ mặt đuổi Vôva ra đứng hành lang.
Thầy hiệu trưởng đi ngang thấy Vôva vật vờ ở đấy, hỏi đầu đuôi sự tình rồi nói: Vôva em nhầm rồi, hoa hồng sống bằng phân và nước tiểu
Vôva lầm bầm: Em đâu biết rễ nó dài đến thế!

*****
Cô giáo:
- Petia, bố em làm nghề gì?
- Kỹ sư
- Lena , thế bố em làm nghề gì?
- Giám đốc nhà hát
- Vova, thế còn bố em?
- Ông ấy chết rồi.
- Thế ông ta làm gì trước khi chết?
- Rên rỉ

******
Việc tốt.
 Vova chạy về nhà khoe với mẹ. 
- Hôm nay con đã làm được 1 việc tốt. 
- Việc gì thế con? 
- Con đã đưa 1 bà cụ già qua đường. 
- Ồ, thật là 1 việc tốt, này mai con hãy phát huy nhé. 
Ngày hôm sau.
 - Hôm nay con và các bạn cùng lớp đã làm được 35 việc tốt 
- Việc gì thế con? 
- Con và các bạn đã đưa 1 bà cụ già qua đường. 
- Hôm nay sao con gặp nhiều cụ già thế? 
- Không vẫn 1 bà cụ hôm qua thôi, hôm nay con và các bạn phải vất vả lắm mới đưa được bà cụ qua đường 35 lần đấy. Bà cụ ấy già rồi mà quẫy khoẻ lắm.

******
Giờ học đầu tiên môn hình học lớp 7. Cô giáo vẽ lên bảng 1 cái vòng tròn và đường kính. 
- Các em hãy nhìn đây là vòng tròn và đường kính của nó. 
Vova:- Còn theo em, đó là cái mông! 
Cô giáo tức quá, chạy đi tìm thầy hiệu trưởng và cùng quay về lớp học:
- Thưa đồng chí hiệu trưởng, Vova là 1 học trò hư và không hiểu gì về hình học ........ 
Hiệu trưởng: - Hỗn láo, hỗn láo quá! Thế ai đã vẽ cái mông lên bảng thế này?

**********
Chạy nước gì....? 
Trong giờ sinh vật giảng về con ngựa. 
Cô giáo: con ngựa chạy nhanh thì gọi là gì? 
Vova: thưa cô nuớc đại ạ. 
Cô giáo:thế con ngựa chạy chậm thì gọi là gì? 
Vova: thưa cô nước....tiểu ạ!


*******
Cô giáo dặn học sinh mang theo một số đồ dùng hiện đại trong gia đình đến lớp để minh hoạ cho buổi học mang tên "Cuộc sống hiện đại" . Hôm sau, trong giờ học cô giáo hỏi xem học sinh mình mang theo vật dụng gì và có thể làm gì với nó. 
Natasa: Em mang máy Sony Walkman và em có thể nghe nhạc. 
Boris: Em mang cái mở đồ hộp chạy điện và nó có thể mở hộp dễ dàng.
Cô giáo: Vova, thế còn em mang gì đến vậy 
Vova: Em mang máy trợ tim của ông nội ạ. 
Cô giáo: Thôi chết, thế ông có mắng em không? 
Vova: Không ạ, ông chẳng có ý kiến gì đâu. Ông chỉ ặc ặc 2 tiếng thôi ạ



HTC

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

LẠI BÓNG ĐÁ!


Vẫn là một môn thể thao như bao môn khác nhưng sao nó có sức hút kỳ lạ. Nơi đây phô diễn những đẳng cấp các đội bóng, kỹ thuật cá nhân các cầu thủ, nghệ thuật dùng người của các huấn luyện viên....11 người mỗi đội tìm mọi cách đưa bóng sang gôn của đối phương. Ông già Khốt ta bít đi xem còn ngạc nhiên:” 22 người tranh nhau một quả bóng? Thôi cho mỗi người một quả, đỡ giành nhau”. Thuở ấy, nơi để chơi bóng đá với lũ trẻ dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều. Một bãi cỏ bên đường, một vuông đất trong khu tập thể là được. Quả bóng đá cũng vậy. Làm gì có bóng. Có khi là một quả bưởi, thậm chí là vo viên cái áo cũ bỏ đi rồi buộc lại. Thế là lao vào hò hét, rê dắt, chuyền, sút...đủ cả. Các trận tranh hùng thường xảy ra vào các giờ tan học. Nhiều hôm quên cả ăn. Kéo nhau ra các sân mả Tây, Long Biên còn gặp các cầu thủ “phủi” đá thực điêu luyện.
Lớn lên một chút, việc quan tâm bóng đá có chuyên nghiệp hơn.Về sau, cũng ngồi tập tọng bàn với các đàn anh về “Cú sút lá vàng rơi”, về đội hình WM, MW, 2–3–5 , 3–3–4,  4–2–4... . Trước đó, với đài truyền thanh, ta thường nghe tường thuật bóng đá trực tiếp. Người tường thuật có tài quan sát và nhớ tên các cầu thủ và đặc biệt nói nhanh như ma đuổi. Người nghe như bị cuốn vào trận đấu qua tiếng nói của họ và âm thanh ngập tràn  sân bóng. Đến bây giờ vẫn thi thoảng lẩm bẩm :” Anh dẫn bóng lên dọc biên trái? Anh chuyền cho ai? Anh chuyền cho ai? Anh chuyền cho cầu thủ số 7. Cầu thủ số 7 vượt qua 1 hậu vệ... vượt qua 2 hậu vệ đối phương...sút!...sút!..Vào..ào..o..o..! Không vào...”
  Ở cấp 3, ngày cuối tuần thường, trường có phân phối vé cho học sinh. Mỗi lớp vài vé. Vé ngồi ở vị trí ở tít trên cao hay sau gôn. Thế nhưng cũng giành nhau quyết liệt, phải rút thăm. Ban đầu chỉ là giữa các học trò nam. Về sau, các bạn nữ cũng đòi quyền được đi xem. Ngày ấy, mặc nhiên mọi người coi đấy là quyền lợi của con trai. Thế là nổ ra đấu khẩu. Một bạn nam “hết khôn dồn dại” tuyên bố:” Con gái đi xem bóng đá, chỉ có là...phò!”. Tình hình thật căng thẳng. Nhưng rồi mọi việc đâu vào đấy. Lại nữa. Còn nhớ 1984,  có cô bạn đại học mời các bạn cùng lớp dự lễ cưới vào chiều tối đúng ngày diễn ra trận chung kết  SKADA. Trận ấy lại kết thúc muộn do không thể phân định thắng thua trong 2 hiệp chính. Kết quả là bọn bạn nam chẳng có đứa nào đi dự cưới vì mãi theo dõi trận bóng. Khi bị trách, cả lũ độp lại:“Tại ông chồng nhà cậu, chả quan tâm gì bóng đá, sao lại đi chọn cưới ngày ấy?” 
Các đội bóng nổi tiếng ngày ấy có đội Thể công, Công an Hà Nội, Đường sắt, Bưu điện... Các trận có Thể công thì cố gắng xoay vé để xem. Đội Công an Hà Nội hay nhưng khá thất thường, lúc rất hay, lúc tùy hứng. Ở sân bóng Hàng Đẫy trong trận đấu lúc đó thường có mấy cậu nhóc nhặt bóng(còn gọi là mấy cậu “3 hào”). Ngồi trong sân mới hưởng hết nỗi cuồng nhiệt bóng đá. Hò hét, chửi tục, thậm chí ẩu đả...đủ cả. 
  Các cầu thủ nổi tiếng ngày ấy, do thiếu thông tin nên nên chủ yếu biết là cầu thủ trong nước  như   Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn ), Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ,   Nguyễn Cao Cường, Văn Sĩ Chi, Lê Thế Thọ, Lê Thụy Hải, Hà Bôn .... Các cầu thủ nước ngoài như Lev-Yasin, Pê-Lê, Bôp-bi Chac-lơ-tôn,  Fran Bec-ken-bau-ơ, Mi-lơ... 
Bây giờ, nói chung ta có thể thoải mái xem bóng đá trên các kênh truyền hình. Vấn đề là lựa chọn trận nào, chất lượng màn hình ra sao. Khi mới giải phóng, ti vi trong Nam chuyển ra Bắc, tín hiệu truyền hình chập chờn, hai hệ truyền hình SECAM và PAL khó thông nhau. Dân tình cứ nói đùa với nhau:” Xem truyền hình mà phát ngượng, quần áo chạy sau”. Thế nhưng vẫn cứ dán mắt vào màn hình để theo dõi, hét khản cả cổ đến mức quên mình với những pha bóng hấp dẫn.
Lại một mùa bóng đá mới. Được xem truyền hình trực tiếp nhưng lệch hàng giờ so với sinh hoạt thường nhật. Có thể thức khuya, ăn đêm nhưng khó hội hè với nhau để mà hò hét, mà cá nhau, cụng ly nhau sau mỗi bàn thắng để mà tán thưởng. Bóng đá mà!
Người xem

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

HẠ…



Chợt nghe thấy bước hạ về trong gió
Làn hương xuân cũng phai nhạt lắm rồi
Trên cành xanh những đóa phượng hé môi
E dè nhỉ bông đầu mùa chúm chím

Mùa hạ cũ tiếng ve ngân chưa lịm
Mảnh trời xanh màu hoa thắm đã từng
Khoảng sân con người ra trận rưng rưng
Những kỷ niệm xôn xao bàn tay vẫy

Chợt nghe thấy bước hạ về ngày ấy
Ai trao thư, ai nhận có bâng khuâng?
Người ra đi, người ở lại… tháng năm!
Dòng sông đời chở từng ngày mải miết

Nào có hay ra đi là chia biệt
Biển vô chừng sóng to nhỏ thiếu chi
Chợt chiều nay nghe tiếng hạ thầm thì
Thương nhớ lắm ngôi trường xưa thơ ấu

18/04/2012
Thu Phong

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

THÁNG SÁU TRỜI MƯA

Tác giả: Nguyên Sa
                                                                                 Ảnh minh họa

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng...

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Holly st

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Những bức ảnh hiếm về Hà Nội 1973


Hầu hết các bức ảnh đều được nhiếp ảnh gia Werner Schulze chụp vào tháng 3/1973 tại thành phố Hà Nội sau khi hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt trên danh nghĩa, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Trong khoảng thời gian này, người dân Việt Nam bắt đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau những đợt ném bom rải thảm của quân đội Mỹ bằng pháo đài bay B52.

Dưới đây là những hình ảnh lịch sử quý giá, được trang mạng Pro.Corbis sưu tầm:
Bức ảnh chụp hố bom trên phố Khâm Thiên tháng 3/1973. Cuối năm 1972, Mỹ thực hiện khoảng 2.000 vụ ném bom vào Hà Nội nhằm tạo áp lực cho Việt Nam trên bàn đám phán Paris.

Trẻ em chơi đùa ở những hố bom trên phố Khâm Thiên.


Người đàn ông này đang đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng lại ngôi nhà của mình trên phố Khâm Thiên sau khi con phố này bị bom Mỹ phá hủy nặng nề. Ảnh được chụp tháng 3/1973.

Trẻ em Việt Nam trước một căn nhà mới ở trên phố Khâm Thiên.


Cờ đỏ sao vàng treo trên 1 căn nhà bị tàn phá vì chiến tranh ở Hà Nội tháng 3/1973.


Đường phố Hà Nội thời bấy giờ với phương tiện giao thong phần lớn là xe đạp. Chiếc xe máy hiếm hoi đến từ Cộng hòa Dân chủ Đức.


Một người công nhân chỉ đạo công trình bằng còi và dung tay ra dấu ở công trường xây dựng lại cầu Long Biên


Công trường xây dựng lại cầu Long Biên.


Hai nữ công nhân vận chuyển ngói lên xe tải ở 1 nhà máy sản xuất ngói.

Trẻ em chơi đùa tại một vườn trẻ gần Hà Nội. Ảnh được chụp tháng 3/1973.


Học sinh Việt Nam đeo khăn quàng đỏ và đội mũ ca-lô.


Ảnh chụp người dân vận chuyển hoa tại làng hoa Nghi Tàm.


Người dân Việt Nam quây quần bên gia đình ở làng hoa Nghi Tàm.


Bộ đội Việt Nam trong lễ trao trả tù binh chiến tranh.


Có 116 tù binh Mỹ bao gồm phi công và binh sĩ các binh chủng khác nhau được Việt Nam trao trả cho phía Mỹ sau khi hiệp định Paris được ký kết. Ảnh chụp vào tháng 3/1973.


(Theo Đất Việt)

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

VỀ HƯU

Nguyễn Chi Lan 

Về hưu sao phải về hưu 
Không mong cứ đến cái điều vô duyên 
Về hưu là hết chức quyền 
Bạn bè rơi rụng, bạc tiền hết mong 
Đương khi là Phượng, là Rồng 
Về hưu mới biết mình không là gì 
Lừng khừng dáng đứng điệu đi 
Biến đâu cái vẻ uy nghi đàng hoàng 
Về hưu là chết lâm sàng 
Lơ mơ trần thế, mơ màng cõi âm 
Hết người bưng cỗ dọn mâm 
Rượu tây, đặc sản, hết thăm, hết mời 
Về hưu là hết một thời 
Là thui thủi sống cuộc đời hắt hưu.

LinhPK sưu tầm

VĂN TÂM VÀ CUỘC CHIẾN
ĐỂ GIÀNH TỪNG PHÚT...


                                                                                                                                                                                  Vũ Thanh   
(PGS. TS. - Phó Trưởng khoa Khoa Ngữ văn,
Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội)


25-06-2011


          Nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà giáo ưu tú Văn Tâm (tên khai sinh là Nguyễn Văn Tâm) sinh ngày 5/9/1933 - và qua đời ngày 24/6/2004 là một giảng viên thuộc thế hệ các nhà giáo đầu tiên của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuộc đời ông, đặc biệt là từ khi ông mắc căn bệnh hiểm nghèo - tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người, không tự đi lại được - thực sự là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu để bảo vệ sự trung thực trong khoa học và trong cuộc đời, chiến đấu để giành giật sự sống, vượt lên hoàn cảnh, để có thể có được những giây phút được cầm bút làm việc trở lại và để chứng tỏ mình vẫn đang tồn tại.
          Vào tuổi 24, Văn Tâm cho xuất bản công trình nghiên cứu, phê bình văn học đầu tay xuất sắc Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực (Nxb Kim Đức, 1957). Đối với một người mới tốt nghiệp đại học mà đã có ngay một chuyên khảo riêng bề thế như vậy cũng là điều hiếm thấy. Chàng trai say mê đọc sách và yêu thích văn học đó ngay từ những ngày còn là học sinh trung học tỉnh Thanh đi sơ tán đã hăng hái sáng tác kịch và say sưa tổ chức biểu diễn hết vở Ánh sáng và bóng tối (Nxb Kim Đức, 1952) lại đến Giải tán (Nxb Thời đại mới, 1953). Nhưng từ khi tốt nghiệp đại học loại Ưu và được giữ lại giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội thì nhà viết kịch trẻ tuổi lại chuyển hướng sang nghiên cứu phê bình và nhanh chóng bị cuốn hút vào không khí đấu tranh tư tưởng và học thuật đang diễn ra sôi nổi lúc bấy giờ trên các giảng đường đại học. Với sự chân thành và hăng hái của tuổi trẻ, ông đứng ra phê phán những tư tưởng không trung thực trong học thuật và dám bênh vực những tư tưởng mới mẻ, động chạm đến ngay cả những người thày của mình. Và sự chân thành đã phải trả giá. Ông buộc phải rời vị trí giảng viên đại học - một vị trí lý tưởng đối với những người làm khoa học lúc bấy giờ để chuyển sang công việc khác. Cuốn sách mà ông công phu sưu tầm tư liệu, ấp ủ bao năm trời với những phát hiện mới mẻ Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực đã bị phê phán. Nhà phê bình có cá tính mạnh mẽ, cương trực, “uy vũ bất năng khuất”, một tài năng đã được thể hiện ngay từ tác phẩm đầu tay, tiếc thay, từ đó cũng bắt đầu một số phận long đong, chìm nổi như văn nghiệp nhà văn họ Vũ mà ông yêu quý. Phải hơn 30 năm sau, những ý tưởng khoa học của ông trong cuốn sách này một lần nữa lại được thực tế chứng minh là đúng đắn cùng với việc văn nghiệp của nhà văn họ Vũ được phục hồi trở lại.
          Quyết không chịu lùi bước, năm 1964 Văn Tâm cho ra đời công trình dày dặn thứ hai của mình Tản Đà - khối mâu thuẫn lớn (Nxb Khoa học, 1964) dưới một bút danh khác: Tầm Dương, nhưng tiếc thay cuốn sách này cũng trở nên lạc điệu khi con người và văn chương Tản Đà không phải là tâm điểm chú ý của dư luận đương thời. Văn Tâm chính là người đầu tiên đã nghiên cứu Vũ Trọng Phụng và Tản Đà một cách toàn diện và công phu nhất. Điều đó đã thể hiện rõ bản lĩnh khoa học của nhà nghiên cứu khi dám lao mình vào những vấn đề khoa học gai góc, cũng tức là dám đương đầu với số dư luận đang chiếm ưu thế lúc bấy giờ, đang có những đánh giá một cách cực đoan, sai lệch đối với hai nhà văn lớn của dân tộc. Với hai tập chuyên khảo đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu Tản Đà và Vũ Trọng Phụng, Văn Tâm đã có công đối với nền nghiên cứu phê bình văn học non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày nay, nhiều trang viết của ông, nhiều vấn đề đặt ra từ hai tập sách này vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù ở nhiều phần của cả hai bộ sách ông cũng không tránh khỏi những hạn chế tất yếu của một thời.
          Sau những “tai nạn nghề nghiệp” đó, Văn Tâm dường như “ở ẩn”. Ông buộc phải chuyển sang dạy văn ở trường phổ thông trung học. Nhà nghiên cứu trẻ tài hoa sau bao ngày buồn bã đã tìm thấy trong công việc mới của mình những ích lợi thiết thực hơn cho cuộc đời sau khi rời xa chốn “đao bút”. Ông cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho công việc “trồng người”: đã có rất nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều học sinh giỏi văn Hà Nội, miền Bắc và toàn quốc đã bước vào đời và trở thành những người tài giỏi có ích cho xã hội từ sự dìu dắt tận tình và từ những bài giảng sâu sắc của ông. Văn Tâm trở thành người bạn để họ tìm đến tâm tình, kho sách của gia đình ông trở thành thư viện lớn đối với họ, ở đó có rất nhiều cuốn sách mà họ không thể tìm thấy ngoài đời. Ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu: Nhà giáo ưu tú.
          Bẵng đi vài chục năm, cây viết sung sức ấy im hơi, lặng tiếng. Tưởng rằng thời gian và sự nặng nề của cuộc đời đã bào mòn sức lực ông. Bởi có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự ông đã trở nên mòn cũ, mất thói quen viết, chào thua cuộc đời. Nhưng thật mừng là Văn Tâm đã "tái xuất" văn đàn với một bút lực còn sung mãn, mới mẻ, táo bạo và một vốn tri thức được nhân lên gấp nhiều lần.
      Chính công cuộc đổi mới của toàn xã hội đã "cởi trói", đem lại cho những người trí thức tâm huyết với công việc như ông một vận hội mới. Ông như được hồi sinh bởi khát vọng đổi mới nền văn học dân tộc, đổi mới cách nhìn nhận và đánh giá các giá trị văn hóa dân tộc, cũng như mong muốn phục hồi và khám phá trở lại những giá trị văn học đã bị dập vùi hoặc quên lãng một thời đã trở thành máu thịt, cũng là điều tâm huyết mà ông đã phải chờ đợi bức xúc bao năm trời. Niềm say mê sáng tạo trở lại với Văn Tâm. Ông tự tìm lại mình và giúp bạn đọc tìm lại Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán, Thơ mới và Xuân thu nhã tập..., tìm lại và khám phá nhiều nhà văn, nhà thơ khác nữa. Có lẽ, do có sự đồng cảm sâu sắc, nên Văn Tâm thích tìm đến những tài năng mà số phận cuộc đời hoặc số phận tác phẩm của họ phải chịu sự long đong, vất vả, tìm đến những trào lưu văn học chịu thiệt thòi do những quan điểm còn cực đoan, phiến diện một thời của chúng ta. Qua những hiện tượng văn chương đó, ông đã phát hiện ra những vấn đề lớn lao của văn học và xã hội Việt Nam, khám phá ra vẻ đẹp của văn chương và tình người. Ông bênh vực Vũ Trọng Phụng khi nỗi oan ức của nhà văn lên đến đỉnh điểm, khẳng định tài năng và nhân cách của nhà văn, ông đánh giá cao giá trị văn chương và tinh thần yêu nước đặc thù của Tản Đà giữa lúc mà người ta có những quan điểm không công bằng về nhà thơ, ông “làm sống dậy” “từ trong bóng tối”1 _ một Đoàn Phú Tứ tài hoa tuyệt vời, ông có một thái độ trân trọng trước sau như một đối với bộ phận văn học lãng mạn, đặc biệt là Thơ mới, bị coi là tiêu cực, ông chỉ ra cho mọi người thấy công lao và giá trị đối với sự phát triển văn hóa dân tộc của nhóm Xuân thu nhã tập xưa nay bị coi là tiêu biểu cho chủ nghĩa hình thức bí hiểm, ông bênh vực tác giả Vàng lửa  Kiếm sắc, chứng minh tính cao cả trong hồn thơ Phùng Quán - một nhà thơ còn chưa được đánh giá đúng mức vv...  Ông xứng đáng với danh hiệu mà nhà văn Xuân Cang dành riêng gọi ông là “Người rũ bụi đường trường văn học”2.
       Văn Tâm là một trong những người đi tiên phong góp phần tích cực đổi mới nghiên cứu và phê bình văn học, đổi mới cách tiếp nhận, cách tân các tiêu chí thẩm mỹ, bổ sung công cụ cho việc nhìn nhận và đánh giá văn học, cũng như đổi mới cách giảng dạy văn học trong Nhà trường. Những bài viết của ông vừa mang tính phương pháp luận, vừa có tính thuyết phục cao bởi những lập luận sắc bén và những tư liệu đáng tin cậy mà ông chỉ ra cho bạn đọc. Ông là một trong những khuôn mặt không thể thiếu của văn học thời kỳ đổi mới. Chỉ trong vài năm quay lại văn đàn, ông đã cho ra đời vài cuốn sách gây ấn tượng trong bạn đọc như Giảng văn văn học lãng mạn (Nxb Giáo dục, 1991), Góp lời thiên cổ sự” (Nxb Văn học, 1992. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 1993), Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm (Nxb Văn học, 1995)... Giữa lúc ông đang hăng hái với những kết quả học thuật đã đạt được, lúc mà tư duy, trí tuệ của ông dường như đã được giải phóng thì bệnh tật lại cướp đi của ông sức khỏe cần thiết.
Đọc Văn Tâm từ lâu, nhưng trước khi ông mất vài năm do công việc tôi mới có dịp được tiếp xúc nhiều với ông và may mắn được chứng kiến những năm tháng cuối cùng của một cuộc đời lao động không ngưng nghỉ. Mặc dù bị bạo bệnh, thời kỳ đầu tưởng như không qua nổi, luôn phải nhờ người chăm sóc, nhưng Văn Tâm không ngừng làm việc bằng cánh tay yếu ớt còn chưa bị liệt của mình. Một ngày bình thường của ông cũng hết sức bận rộn. Ông dành nhiều thời gian để đọc sách, nhất là sách Phật học, đặc biệt là Thiền, một lĩnh vực mà nhà nghiên cứu say mê tìm hiểu từ lâu, nhưng như ông tâm sự, ông chỉ thực sự thấu hiểu những triết lý cao siêu đó từ khi phải đối diện trực tiếp với cái chết. Và cũng nhờ có tri thức sâu rộng về mặt này mà Văn Tâm đã viết được một loạt bài về ảnh hưởng Phật giáo trong văn hóa, văn học Việt Nam, trong đó nổi bật là việc khám phá ra chiều sâu độc đáo trong hai vở kịch của Đoàn Phú Tứ: Thiền học trong hai vở kịch nổi tiếng Ngã ba Thằng cuội ngồi gốc cây đa của nhà viết kịch trứ danh này. Sắc thái Thiền học ấy, theo Văn Tâm, độc đáo thay, là “đợt sóng tràn bờ” sau bao năm thu hẹp dòng của dòng chảy văn chương Thiền học Việt Nam khởi nguồn mênh mang từ thời Lý-Trần. Có được phát hiện này một mặt là do Văn Tâm đã tìm về bối cảnh ra đời của tác phẩm, xem xét tâm trạng của người viết lúc đó, nhưng điều cơ bản hơn, là ở đây có sự đồng cảm giữa nhà phê bình và nhà viết kịch. Ở Văn Tâm, có lẽ một phần do những “tai nạn” mà số phận bắt ông phải gánh chịu, ông trở nên chuyên tâm tìm hiểu Thiền học và Phật học nói chung, và trên con đường đi tìm niềm an ủi cho thân phận mình, ông đã tìm thấy sự gần gũi với những niềm sâu kín của nhà văn họ Đoàn. Mỗi phát hiện của Văn Tâm đều gắn với những trải nghiệm của cuộc đời ông và nhiều khi đó là những trải nghiệm cay đắng phải đánh đổi bằng một giá rất đắt... Hàng ngày ông dành thời gian ngồi Thiền, nhờ vợ dìu đi dạo và lúc nào thấy làm việc được là cầm bút ngay. Mỗi khi có việc đến gặp ông, tôi đều phải sắp xếp thời gian thật sát sao để khỏi phạm vào những giây phút hiếm hoi đó. Ông nói với tôi: “Đối với mình lúc này, mỗi giây phút đều hết sức quý giá”. Văn Tâm viết khá vất vả, như vật lộn với trang giấy. Ông ngồi gò bó trên ghế, dùng chiếc ba-toong nối dài thêm cánh tay mình để khều những dụng cụ cần thiết cho việc viết như chiếc bút xóa, thước kẻ, cái kính... Bàn tay phải run run cầm bút, mỗi khi viết xong một bài, thường là mất một thời gian khá dài, mái tóc bạc của ông càng trở nên bơ phờ hơn, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Chữ ông run và khó đọc, vợ ông, bà Cao Thị Xuân Cam, ái nữ của Nhà nghiên cứu văn học, Hán học, Nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng nổi tiếng GS Cao Xuân Huy, thường phải tô lại từng chữ, đọc lại cho ông nghe và giúp ông chữa từng câu trước khi cho đi đánh vi tính. Với ông, bà vừa là thư ký, vừa là hộ lý, bác sĩ, đạo hữu... và trên hết là một người vợ rất mực thủy chung, hiền dịu, đảm đang, người bạn đời nâng đỡ cho ông từng giấc ngủ, bước đi. Chính bà là người đã làm dịu bớt đi trong ông những bi kịch mà cuộc đời và số phận đã liên tiếp giáng xuống người trí thức tài hoa - người mà dường như triết lý “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” vẫn luôn theo đuổi trên mỗi bước đường đời. Tôi chợt nhận thấy ở trong con người đang phải gồng mình để chiến thắng bệnh tật ấy tiềm tàng một nghị lực phi thường, một sự đam mê cháy bỏng đối với công việc, một năng lực không chịu đầu hàng hoàn cảnh. Một lần nữa Văn Tâm lại chiến thắng số mệnh, nhưng lần này rõ ràng là trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ông thuộc vào số những người cầm bút hy hữu trên đất nước ta đã viết văn trong một hoàn cảnh thật đặc biệt.
Mỗi khi trao đổi công việc với ông, nghe ông kể lại những lần ông phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc để tìm kiếm tư liệu liên quan đến một tác giả nào đó, đôi mắt ông lại sáng bừng lên niềm vui của sự sáng tạo. Trên khuôn mặt bị căn bệnh hiểm nghèo làm cho mất cân đối của Văn Tâm lại nở nụ cười hóm hỉnh. Niềm vui ấy như được nhân lên gấp bội mỗi khi bài viết của ông được in ra. Ông thường sử dụng hết tiền nhuận bút (nếu nhuận bút quá thấp thì ông bỏ thêm tiền túi) để mua sách báo gửi biếu bạn bè khắp các miền của đất nước. Tôi chợt hiểu ra rằng, bên cạnh sự phóng khoáng, hào hoa, Văn Tâm còn muốn chứng tỏ cho bạn bè chiến hữu gần xa - những người đã nghĩ rằng trong hoàn cảnh của ông, có lẽ chỉ tồn tại được đã là khó lắm rồi, còn nói gì đến viết lách - biết rằng, Văn Tâm vẫn đang tồn tại đây và không chỉ tồn tại mà còn viết một cách “ngon lành” nữa, vẫn có bài in báo và có sách xuất bản đều đặn. Ông thường ký bên cạnh lời đề tặng chữ Tâm theo mẫu tự Hán đã được cách điệu: gồm “Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”. Trên bầu trời Văn chương chữ Tâm là cái đích đến như thiên tài Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều đã từng viết: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Đối với Văn Tâm lúc này viết chính là cách “nối mạng” với thế giới bạn bè, người thân, học trò, bạn đọc..., là cách hữu hiệu nhất để ông nối dài cuộc đời trong hoàn cảnh không thể khác được của mình.
Văn Tâm viết thành công ở rất nhiều lĩnh vực như: thơ, văn xuôi cả cổ lẫn kim, sân khấu (kịch, chèo), hát nói, hội họa, điện ảnh... Những bài viết của ông về Hề chèo (Hề chèo - một mảnh hồn dân tộc), Hội họa (Tranh hồn quê Việt Trương Đình Hào), Hát nói (Thể phách và tinh anh hát nói - ca trù) là những kỳ công mà người viết chắc chắn phải thâm nhập và nhập thân một cách hết sức sâu vào lĩnh vực mà mình tìm hiểu mới có thể viết được. Ông luôn đặt đối tượng nghiên cứu vào bề rộng và chiều sâu văn hóa dân tộc và nhân loại để làm bật ra những chiều kích mới, mà những bài viết như Vũ Trọng Phụng trong Rừng cười nhiệt đới” và Cảm thức nhân loại trong Nhật ký trong tù là những ví dụ điển hình. Ở bài viết nào sự hiểu biết của ông cũng đến mức thấu đáo, cặn kẽ và mới mẻ. Đó là những bài viết cô đọng, tài hoa, giàu thông tin và hết sức công phu. Đó cũng là những bài viết ngồn ngộn tư liệu nhưng lại mang đậm phong thái lịch lãm, đầy chất nghệ sĩ của người viết, là sự dồn nén tri thức để bật ra thành câu chữ, làm thay đổi nhận thức và cách cảm của bạn đọc ngay cả ở những vấn đề tưởng như đã không còn gì để bàn cãi. Với những cuốn sách và những bài viết của mình, Văn Tâm đã xác định tư cách chuyên gia về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và Đoàn Phú Tứ, chuyên gia về văn học lãng mạn Việt Nam, đặc biệt là Thơ mới. Ở ông đã  hình thành một dạng văn hóa đọc, một cách cảm văn học kiểu Văn Tâm, chỉ nói những điều mình biết trên nền của một vốn tri thức sâu sắc, vừa thấm đượm tình người trong từng trang viết, đọc và viết trên nền của một thứ văn hóa hướng tới và tôn trọng người viết, người đọc, bảo vệ đến cùng cái đẹp và chân lý. Điều đó thật có ý nghĩa trong thời buổi văn hóa tranh luận trên sách báo của chúng ta gần đây có những lúc, những người đã đi quá đà, biến các diễn đàn văn học thành nơi để mạt sát và hạ nhục nhau. Trong nhiều bài viết của mình, Văn Tâm đả phá kịch liệt lối nghiên cứu văn học theo kiểu xã hội học dung tục, minh họa, "gác cổng", hiếu hỉ, mà ông là một trong những nạn nhân trong nhiều năm. Từ lâu ông đã chính thức tuyên chiến với loại văn chương phê bình, nghiên cứu kiểu này. Trong nhiều bài viết của ông có thể thấy rõ tính chiến đấu trong từng lập luận. Người bị phê phán khó có thể bắt bẻ lại được bởi ông có đầy đủ chứng cứ trong tay. Có thể thấy rõ ở Văn Tâm sự hòa quyện giữa những phẩm chất của  nhà khoa học và nhà phê bình.
Nhiều bài trong Vườn khuya một mình (Nxb Văn hóa thông tin, 2001), cuốn sách được ông cho ra đời trong những ngày đau yếu, là những bài viết sâu sắc như: Thiền học trong hai vở kịch của Đoàn Phú Tứ (1999), Thể phách và tinh anh hát nói - ca trù, Thể phách thơ Việt Nam - khát vọng tự do (2000), Hồ Dzếnh - từ trái tim ân hận (2001)... Ông Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, khi giới thiệu bài Thể phách thơ Việt Nam - khát vọng tự do trên tạp chíTổng hợp văn hóa nghiên cứu, số 3/1999 xuất bản tại Tokyo, Nhật Bản đã gọi đó là "một văn phẩm tuyệt tác". Những tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Văn Tâm còn căng sức ra để hoàn thiện một loạt bài viết dài hơi, công phu như “Ông vua phóng sự đất Bắc với thể ký viết về những đóng góp của Vũ Trọng Phụng cho sự phát triển của thể ký trong văn học Việt Nam hiện đại, bài Thơ trong gió của Bằng Việt, trong đó nhà phê bình đề cập đến sự trở lại thành công của Bằng Việt và dự báo một cuộc cách tân trong thơ ca đang tới gần, bài Khuynh hướng cao cả của hồn thơ Phùng Quán ca ngợi vẻ đẹp cao cả đầy nhân cách của con người và thơ ca Phùng Quán...
          Tôi bỗng hiểu ra rằng, mọi nỗ lực của ông từ luyện tập, chạy chữa để thoát khỏi sự tàn phế, ngồi Thiền hàng ngày để hồi phục sức khỏe, đến việc đọc rất nhiều sách Phật cuối cùng không phải để tồn tại một cách bình thường mà chính là để giành giật lấy từng phút quý báu cho khát vọng được viết, được làm việc, được say mê tìm kiếm cái đẹp của văn chương. Tiếc thay những giây phút ấy trong hoàn cảnh sức khỏe của ông thật hiếm hoi. Ông đã lao động cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Đó là một cuộc chiến đấu thật sự để vượt lên số phận, một cuộc chiến đấu không cân sức nhưng vô cùng cao đẹp mà Văn Tâm đã là người chiến thắng.
          Ngay sau khi cuốn Vườn khuya một mình ra đời, tôi đã đề nghị Văn Tâm làm một cuốn Tuyển tập những tác phẩm và bài viết của ông nhưng ông chưa đồng ý, có lẽ nhà phê bình nghĩ rằng mình vẫn còn sức viết tiếp, nhất định danh mục các bài viết của ông còn phải dài hơn nữa. Và Văn Tâm lại miệt mài đọc, viết, viết, đọc... Chỉ đến những ngày cuối cùng ốm triền miên, nghĩ mình không qua nổi, ông mới đồng ý làm Tuyển tập, nhưng tiếc thay cuốn sách không kịp ra mắt trước khi ông từ giã cõi đời.
          Ngày cuối trước khi ông mất, tôi tới thăm ông. Văn Tâm nắm chặt bàn tay tôi xúc động ứa nước mắt khi tôi báo cho biết đã có nơi nhận in sách của ông, ông phải gắng vượt qua đợt này để nhìn thấy sách của mình. Văn Tâm khẽ gật đầu, trong đôi mắt không còn linh hoạt của ông, tôi bỗng đọc thấy niềm tha thiết được trở dậy tiếp tục làm việc, được tiếp tục viết và hưởng niềm vui từ những trang sách của mình. Ông giơ bàn tay yếu ớt trên cơ thể đã trở nên bất động vẫy vẫy như khích lệ, động viên và vĩnh biệt tôi. Đêm ấy Hà Nội nóng kinh khủng, căn hộ nhỏ bé của tôi lại mất điện không thể ngủ nổi, người ta thông báo có vài trạm điện trong thành phố bị nổ do quá tải và con người chiến đấu để giành giật từng phút sự sống ấy đã ra đi.
          Mỗi lần được chứng kiến sự gắng sức của Văn Tâm để được sống, được viết, nước mắt tôi lại trào dâng, thương, phục và tự hào về ông hơn. Sau lúc ông mất tôi luôn nghĩ đến một viễn cảnh để tự an ủi mình: ở phía sau bầu trời có vầng trăng khuyết và và những ngôi sao lấp lánh kia, giờ này chắc Văn Tâm  đang  trò chuyện tâm tình với những nhà văn thân yêu của ông. Họ: Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ, Hồ Dzếnh, Phùng Quán... mỗi người một kiểu, đang hồ hởi chào đón nhà phê bình dũng cảm và nhân ái của mình, người “giũ bụi đường trường” cho họ, người đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình để bảo vệ họ, để chứng minh cho mọi người thấy được sự cao cả, đẹp đẽ và chân thành trong nhân cách, cũng như trong những áng văn chương bất hủ của họ. Ở nơi đó, chắc rằng nụ cười hóm hỉnh của ông sẽ bừng sáng trên khuôn mặt không còn dấu vết của bệnh tật, của những ưu phiền trắc trở mà cuộc đời đã bắt ông phải gánh chịu.

                                                                                                                                               

                          Đỗ Quyên sưu tầm          




1 Chữ dùng của Đỗ Đức Hiểu khi viết về Văn Tâm với cuốn Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm trong Đổi mới đọc và bình văn, Nxb Hội Nhà văn,1999, tr. 137.

2 Xuân Cang. Tám chữ hà lạc và quỹ đạo đời người, Nxb Văn hoá thông tin, 2000, tr. 543.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

MÙA THU Ở CANBERRA – ÚC


 Kangaroos


 Lake Burley Griffin - Weston Park


 Lake Burley Griffin - Warrina Inlet


 Lake Burley Griffin - Aspen Island


Parliament House - Toa nha Quoc Hoi

Một số cảnh đẹp ở Canberra do THH - con trai tớ chụp ảnh .
VT cũng có công trong mấy tấm ảnh đó vì đã trông con cho THH để nó có thời gian đi săn ảnh …..he…he…
VT