Cụ ông 73 tuổi đưa cho
cụ bà 65 tuổi một thanh sắt dài chừng 2 mét, đó là món quà tình yêu duy nhất
của 2 người. Kể từ giây phút ấy, họ đã quấn quýt bên nhau như một cặp uyên
ương. Ngày đi nhặt rác, tối ngủ vỉa hè, mưa trú tạm trong ống cống, cứ thế suốt
10 năm, chàng “ Romeo ” già âu yếm nhìn nàng “ Juliet ”
nhăn nheo mà thấy đời mình chẳng còn gì đáng mơ ước hơn thế.
Cuộc “ đối thoại ” đầy hờn dỗi và
yêu thương
“ Cô là nhà báo
phải không ? ” – ông Tống Văn Dinh (73 tuổi, một người vô gia cư sống tại
khu vực bãi rác hồ Hoàng Cầu) hỏi rất tự nhiên, mắt lấp lánh tinh tường khi
nhìn thấy tôi ngồi vào quán trà đá vỉa hè nơi ông đang ngồi cùng bà Đỗ Thị Hiền
– 65 tuổi, người tình ở tuổi xế chiều của mình. “ Sao ông biết ạ ? ”
– tôi hỏi lại. Ông Dinh lắc đầu cười rồi khoát tay như có ý mọi việc đều không
thể qua mắt ông được. “ Sao tôi lại không biết nhỉ ? Nhìn cô là tôi
biết ngay. Cô đúng là nhà báo rồi ! ” – ông đáp lại, không giấu được
(và dường như cũng không muốn giấu) vẻ “ đắc chí ” trên gương mặt già
nua, đỏ au vì giá lạnh và đầy nếp nhăn khắc khổ của mình.
Nhưng niềm vui nho nhỏ
của ông vì đoán đúng được công việc của người khác chưa kịp nhen nhóm xong thì
bà Hiền ngồi kế bên liền “ dội ” ngay một ca nước lạnh : “ Cái
ông này, ai đến đây ngồi ông cũng tự dưng hỏi han chuyện của người ta là
sao ? Để người ta uống một ly nước cho yên nào ”. Nói rồi bà nguýt
ông một cái rõ dài và trân trân nhìn như chờ đợi xem ông sẽ phản ứng thế nào
với cái cách mà bà đã khiến ông “ mất hứng ”. Y như rằng, ông Dinh
đứng bật dậy, vùng vằng tìm tiền trả tiền nước và hướng dương. Ông vừa móc hết
các túi tìm tờ 10 ngàn đồng vừa nói liên hồi với bà Hiền : “ Bà nhé,
tôi chỉ hỏi người ta có thế thôi mà bà cũng mắng tôi. Mà tôi đoán trúng chứ có
lệch tí nào đâu ? Bà hỏi cô ấy xem có phải cô ấy đúng là nhà báo
không ? Cái bà này …”
Tìm một hồi, cuối cùng
tờ 10 ngàn đồng cũng được moi ra từ túi trong cùng của ba lớp áo. Chú Toàn –
chủ quán trà đá vỉa hè nói : “ 7 ngàn ông ạ ”. Ông Dinh đưa tờ 10 ngàn rồi
cầm lại 3 ngàn tiền thừa. Lúc này như sực nhớ ra là chưa trả tiền cho bà Hiền,
ông Dinh (vẫn chưa hết tức giận) liền bất ngờ quay lại hỏi chú Toàn :
“ Của bà í hết bao nhiêu ? ” – “ 3 ngàn ” – “ Đây, trả luôn cho bà í
3 ngàn ”. Bà Hiền chen ngang, nói một câu với giọng “ hờn dỗi ”: “ Để tôi
trả của tôi ”. Ông Dinh như không nghe thấy gì, vẫn đưa cho chú Toàn 3 ngàn
đồng. Rồi ông quay lại bảo bà : “ Bà mắng tôi thì bà cứ ngồi đây mà uống nước
một mình ”, nói xong ông xách túi đi thẳng về khu bãi rác mà hàng ngày hai ông
bà vẫn kiếm sống.
Bà Hiền ngồi im ăn hạt
hướng dương như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chú Toàn – chủ quán trà vỉa hè – vừa
cười vừa nói như để phân bua với khách : “ Ôi, hai ông bà này già rồi
mà dỗi nhau liên tục cô ạ, như thanh niên ấy chứ chẳng chơi đâu ! Dỗi đã dễ mà
làm lành thì còn dễ hơn. Tí cô sẽ thấy ”.
Và không phải chờ đợi
lâu, ngay sau khi ông Dinh đi về phía bãi rác, bà Hiền đã dáo dác nhìn theo.
Đến khi ông Dinh đến bãi rác cách đó chừng 100 m và cố nhấc chiếc ô to lên
để xem bên trong có gì nhặt nhạnh được không thì bà Hiền lẩm bẩm : “ Cái ông
này rõ dở hơi. Làm gì có ai để rác trong ô mà đi tìm ? ” khiến chú
Toàn và mấy người khách đi đường đang ngồi uống nước phải bật cười. Rồi từ đó,
cứ chốc chốc bà lại đảo mắt về phía ông Dinh như để canh chừng xem ông đang làm
gì, có sao không… Một lúc sau, ông Dinh xách túi quay lại. Vừa nhìn thấy mọi
người, ông đã liến thoắng : “ Tết nhất mà không ai vứt đi cái gì
nhỉ ? Chả tìm được cái gì bà Hiền ạ ! ”. Rồi bất ngờ ông rút ra
từ túi áo một quả trứng vịt đưa cho bà Hiền khiến ai cũng tròn mắt ngạc nhiên.
“ Trứng gì
đấy ? ” – bà Hiền hỏi. “ À, trứng vịt lộn, luộc chín rồi đấy.
Vừa nãy có cô đi mua trứng thấy tôi đang nhặt rác nên gọi lại cho tôi một quả.
Tôi mang về cho bà đây ” – ông Dinh nói. Bà Hiền như quên vừa nãy mình và
ông Dinh vừa “ nặng lời ” với nhau, liền vô tư cầm quả trứng cho vào
túi rồi bảo : “ Để tối ăn cơm tôi bóc rồi ăn chung ”.
Lúc này chú Toàn – chủ quán nước – quay sang
nhìn tôi rồi cười đắc chí, như thể cái nhận định vừa rồi của chú đã được bà
Hiền chứng minh…
Cái thái độ “ dỗi
hờn ” rất đáng yêu của hai người lớn tuổi như ông Dinh và bà Hiền khiến
tôi không khỏi tò mò, ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết, họ đã sống với nhau như vợ
chồng từ cách đây 10 năm. “ Nhà ở ” của họ chính là khu vực bãi rác
của công trường đang thi công cạnh hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội). Chú
Toàn chỉ ra khu tập kết rác của cả dãy phố rồi nói : “ Đấy, hai ông
bà ngày đi nhặt rác, tối về đó dựng ô, trải chăn ngủ. 10 năm nay rồi. Đôi bạn
già này “ hoành tráng ” lắm, đúng nghĩa “ đầu đội trời, chân đạp
đất ” đấy cô ạ ! ”
Được lời như cởi tấm
lòng, bà Hiền vô tư tiếp lời chú Toàn bằng việc giải thích tại sao chú Toàn lại
gọi ông bà là cặp đôi “ đầu đội trời, chân đạp đất ”: “ Tôi với
ông ấy (ông Dinh – PV) sống ở cái vỉa hè cạnh bãi rác đó đã 10 năm nay rồi.
Ngày thì chúng tôi đi nhặt rác ở các bãi gần đây, xẩm tối thì quay về đó nấu ăn
rồi dựng ô lên, trải chăn ngủ. Mùa hè thì thoải mái, mùa đông thì khổ hơn nhưng
tôi xin thêm chăn chiếu trải trên trải dưới. Mưa thì chúng tôi kéo nhau vào ống
cống để trú tạm ”.
Quá khứ cơ cực, bần hàn
Bà Hiền sinh năm 1947
trong một gia đình nghèo ở tỉnh Thái Bình. Năm 16 tuổi, bà lấy chồng rồi sinh
được hai người con. Lúc bấy giờ, hai vợ chồng bà cùng làm chiếu để xuất khẩu ở
Hợp tác xã Hữu Nghị, thị xã Thái Bình. Làm chiếu được mấy năm mà vẫn túng đói
quá, vài năm sau, được sự chỉ bảo của ông chú họ trên Hà Nội, hai vợ chồng bà
mon men đặt chân đến mảnh đất phồn hoa này. Bà xin làm cấp dưỡng ở trường Lý
luận Nghiệp vụ Bộ Văn hóa (nay là trường Đại học Văn Hóa Hà Nội), còn chồng thì
được làm bảo vệ. Cuộc sống từ đó không phải giàu sang gì nhưng ông bà cũng
thoát cảnh lam lũ và cái đói đã đeo bám dai dẳng.
Nhưng những khó khăn vất
vả khi phải nuôi con ăn học với đồng lương ít ỏi đã khiến vợ chồng bà Hiền
thường xuyên xảy ra xích mích. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc căn nhà tập thể
được trường phân cho đã bị người ta chiếm mất chỉ vì chồng bà muốn cho thuê để
lấy đồng ra đồng vào. Bà Hiền tiếc đứt ruột, giận chồng quá nên những cuộc cãi
vã nổ ra không dứt. Hai vợ chồng bà bỏ nhau. Người chồng để cả hai đứa con cho
bà nuôi rồi biệt tăm biệt tích, nghe đồn là ông vào Nam làm ăn rồi lấy vợ trong
đó. Bà Hiền mang hai con về quê cho ông bà ngoại chăm sóc. Bị khủng hoảng tinh
thần, bà bỏ việc rồi bắt đầu đi lang thang, sống kiếp vô gia cư. Khi ấy, bà đã
ngoài 40 tuổi.
Bà hay lui tới các vỉa
hè, các bãi rác – nơi không bị xua đuổi, không bị tranh chấp. Rồi sau này, khi
mà phong trào thu gom sắt vụn, rác phế thải trở nên phổ biến thì bà Hiền nghiễm
nhiên sống khỏe nhờ nghề nhặt rác. Bà đã chuyển qua không biết bao nhiêu bãi,
từ bãi rác ở Cầu Bươu (Hà Đông) đến bãi rác gần hồ Thành Công, bãi rác Trung
Liệt…
Ông Tống Văn Dinh cũng
khốn khổ không kém. Xuất thân từ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ông Dinh có 4
người con nay đều đã khôn lớn trưởng thành. Cách đây 20 năm, sau khi giải ngũ,
ông trở về quê hương tay trắng, không có lấy một tấc đất cắm dùi. Khi vợ mất vì
bạo bệnh, ông theo chân nhiều người dân trong quê ra Hà Nội làm thuê ở cái tuổi
ngoài 50. Nhưng vì sức yếu, việc gì ông làm cũng không tốt. Cuối cùng, số phận
run rủi cũng đưa ông đến với cái nghề nhặt rác y như bà Hiền.
Trúng tiếng sét ái tình tuổi xế chiều
Theo lời bà Hiền thì đó
là một buổi chiều muộn cách đây gần chục năm. Khi đó, bà đã về hồ Hoàng Cầu tá
túc. Sau một ngày nhặt rác trở về nhà, bà Hiền không giấu được vẻ mệt mỏi vì
hôm đó bà không thu hoạch được là bao. Đang ngồi nghỉ chân ở khu bãi rác Hoàng
Cầu nhìn bóng chiều buông xuống thì bà bất ngờ thấy ông Dinh cũng đang thất
thểu đi về phía mình. Nhìn hình dáng bà biết ngay người này cũng đi nhặt rác y
như mình. Nhưng không “ xui xẻo ” như bà, ông Dinh hôm đó cầm trên
tay một thanh sắt to, dài chừng 2m.
Đối với những người đi
kiếm rác, đồng nát thì thanh sắt đó quả là có giá trị. Đi ngang qua chỗ bà Hiền
ngồi, thấy bà Hiền dán mắt vào thanh sắt, ông Dinh với bản tính hay trêu đùa
liền dừng lại hỏi : “ Bà làm gì mà ngồi đây ? ”. Bà Hiền
dứt mắt khỏi thanh sắt và nhìn ông Dinh. Đó là giây phút đầu tiên hai người
nhìn mặt nhau. Trong cái nhìn ấy cả hai cảm thấy có điều gì đó đặc biệt. Ông
Dinh liền ngồi xuống trước mặt bà Hiền, cho luôn bà thanh sắt mà bà đang ao
ước. Có lẽ đó là món quà tình yêu duy nhất của hai người.
Kể từ sau lần đó, ngày
nào ông Dinh cũng “ cố ý ” đi qua chỗ bà Hiền ở để được gặp và trò
chuyện với bà. Còn bà Hiền ngày nào không thấy ông Dinh đi qua thì lòng nóng
như có lửa đốt. Dần dần, họ cảm thấy khó mà sống thiếu nhau được nữa, khi mà cả
hai cùng đang cô đơn buồn bã. Cuối cùng, họ chuyển hẳn về sống với nhau trong
khu bãi rác hồ Hoàng Cầu. Nơi ở của họ chính là đoạn đầu đường rẽ vào hồ Hoàng
Cầu (nơi có công trình nạo vét kênh mương Trung Liệt đang được thi công). Hàng
ngày, ông bà chia nhau đi nhặt rác ở khắp mọi nơi trong thành phố, cứ đến sẩm
tối là không hẹn mà cùng quay về “ tổ ấm ” bên hồ. Nếu một người
không thấy một người còn lại thì họ quy ước chỉ được ngồi yên tại chỗ ngủ để
đợi, cấm được đi đâu ! Sau khi sum họp, họ mới bắt đầu nhóm bếp nấu cơm để
ăn tối rồi đi ngủ, chuẩn bị cho ngày nhặt rác hôm sau.
Hạnh phúc sống với người tình già bên đống
đồng nát
Suốt gần 10 năm ở bên
nhau, giờ đây, “ tài sản ” duy nhất của hai ông bà là 2 chiếc xe kéo,
trong đó có 1 chiếc đựng toàn chăn màn, quần áo cũ được mọi người xung quanh
cho. Chiếc còn lại đựng chiếu, xoong nồi bát đĩa và một chiếc ô to nhằm che
nắng che mưa khi đi ngủ.
Cuộc sống của ông bà
xoay quanh một vòng tròn : ngủ dậy – nhặt rác – ăn trưa – nhặt rác – ăn
tối – đi ngủ. Cái vòng tròn ấy đã gắn bó với ông bà gần 10 năm nay. Có điều đặc
biệt là thay vì được an tâm “ cư ngụ ” tại một chỗ thì hai ông bà
thường phải dậy từ lúc 5 giờ sáng (khi trời bắt đầu sáng) để đẩy 2 xe đồ đi
loanh quanh khu vực hồ Hoàng Cầu. Thấy tôi ngạc nhiên vì điều này, ông Dinh
giải thích : “ Chúng tôi ở tạm trong khu vực bãi rác, nhưng chỉ về
đêm thôi. Còn ban ngày thì chúng tôi không được để đồ đạc, trải chăn chiếu ra
đường, làm xấu mặt đường. Nếu không nghe thì phải vào trại dưỡng lão. Vì thế,
cứ tang tảng sáng là chúng tôi phải dậy để đi rồi ”.
Những người dân sống
quanh khu vực hồ Hoàng Cầu đã quá quen thuộc với hình ảnh hai ông bà già đẩy xe
đồ đi đi lại lại loanh quanh khu vực bãi rác từ lúc mờ sáng. Đến giờ đi nhặt
rác, hai ông bà mang hai xe đồ để gọn lại vào một góc đường, đến trưa và tối về
mới lại dỡ đồ ra để nấu ăn. Những người dân ở đây cho biết có khá nhiều đối
tượng phức tạp hay mò đến đây (như nghiện hút, tiêm chích, …) nhưng họ chẳng
buồn động vào hai xe đẩy của hai ông bà già vì “ chẳng có màu mè
gì ”. Thương hai ông bà khốn khổ, ai cũng để ý xe đẩy cho hai người, hễ có
người lạ nào mon men lại gần để “ kiếm chác ” là sẽ bị những người
dân đuổi đi.
Tuy vất vả, cực nhọc, ngủ một giấc cũng không
trọn vẹn nhưng ông Dinh, bà Hiền lúc nào cũng phơi phới. Ngày ngày họ đi nhặt
rác về rồi lại hì hục nấu ăn. Bếp của hai ông bà chính là các góc khuất sau
những ống cống. Khi cần tắm rửa, họ đợi đến đêm rồi dùng ngay nước ở hồ Hoàng
Cầu, còn nước ăn họ được người dân cho không. Nơi ngủ của họ cũng ở cạnh các
ống cống.
Sự gắn bó giữa hai ông
bà già theo thời gian ngày càng thêm khăng khít. Bà Hiền kể có lần ông Dinh bới
rác liền bới được một bọc nilon bên trong chứa một hài nhi đã chết. Ông báo mọi
người để gọi chính quyền đến làm thủ tục mai táng cho cháu. “ Mấy đêm sau,
tôi đi ngủ cứ mơ thấy chuyện cháu bé đó về rủ ông Dinh đi, sáng dậy tôi sợ quá.
Thấy tôi khóc vì chuyện đó, ông Dinh bảo chẳng bao giờ ông ấy bỏ tôi, ông ấy sẽ
ở đây với tôi cho đến lúc chết ”.
Tối tối, khi màn đêm đã
buông xuống thì khu vực quanh hồ Hoàng Cầu có rất nhiều người già đi tập thể
dục, trong đó có không ít những cặp đôi lớn tuổi nắm tay nhau đi dạo rất đầm
ấm. Ngay cả các đôi trẻ đi chơi cũng rất nhiều. Ông Dinh và bà Hiền cũng hạnh
phúc chẳng kém họ khi cùng nhau ngồi hàn huyên tâm sự sau một ngày lao động.
Khi được hỏi ông bà có cảm thấy tủi thân hay không khi nhìn những cảnh tượng
đầy đủ, ấm áp quanh mình, ông Dinh hỏi lại : “ Sao phải tủi thân hả
cô ? Đời tôi thế này chẳng còn gì phải mơ ước. Tôi được trời cho sức khỏe,
có bà Hiền bên cạnh, cứ thế mà tận hưởng thôi ”.
‘’Ông bà mỗi người một
cảnh, nhưng đều chung một cái nghèo, không chỉ đời mình, mà cả đời các con. Ông
Dinh tâm sự “ Đứa gần bố nhất giờ đang làm công nhân ở Đông Anh, nghèo lắm
cô ạ. Thi thoảng nó cũng qua đây cho tôi ít tiền, toàn phải giấu vợ cả đấy. Còn
3 đứa hiện đều ở Tĩnh Gia, nghèo lắm, tài sản chẳng có gì, ăn cũng không đủ.”
Cũng tương tự như ông
Dinh, bà Hiền có 2 người con (1 trai 1 gái) nay đều đã lớn tuổi (con lớn giờ
cũng đã ngoài 40 tuổi). Cách đây vài năm, có người mách bảo, 2 con của bà lặn
lội từ quê lên tìm mẹ. Cuộc gặp gỡ mừng mừng tủi tủi diễn ra ngay cạnh bãi rác hồ
Hoàng Cầu. Các con dù nghèo đói (chỉ có vài sào ruộng) nhưng cũng muốn đón mẹ
về ở cùng. Tuy nhiên, bà Hiền không muốn về. Phần vì việc nhặt rác hàng ngày
cũng giúp bà kiếm được một khoản kha khá đủ để chi tiêu ăn uống. Phần vì thời
điểm đó bà đã có ông Dinh làm bạn “ tri kỉ ”.
Thấy mẹ sống ở bãi rác, các con muốn cả bà Hiền
lẫn ông Dinh chuyển vào trại dưỡng lão hoặc bảo trợ xã hội nhưng hai ông bà
nhất quyết không chịu. “ Chúng tôi còn khỏe lắm, cần gì phải dưỡng.”
Ngọc Anh - Tạp chí Mốt & Cuộc sống số 86 (23-02-2012)
ĐĐH st