Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

THÁNG TƯ VỀ


BàngHS

HỌP TIỂU BAN TỔ CHỨC
GẶP MẶT KHÓA




Hôm rồi, nhân có lớp trưởng 10A Bích Hạnh vào Thành phố Hồ Chí Minh, các bạn 10 A họp bàn tổ chức sinh nhật khoá hôm tới (11/5/2014). 
Bloggers

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

THƠ RASUL GAMZATOP


Có thể nói tình yêu là trường học,
Nơi không phải ai muốn học, cứ vào,
Nơi thầy giáo là nụ cười, tiếng khóc,
Bắt học trò làm việc khắt khe sao!

Tôi đã đọc nhiều sách hay và hiếm,
Học càng lâu, càng thấy rõ một điều:
Khó có thể thành công nhờ kinh nghiệm
Của những người thất bại với tình yêu.

Tôi cố học, nhưng không vào, trầy trật,
Thường vấp đau, thi trượt, nợ bài,
Thường phạm những sai lầm nghiêm trọng nhất,
Lí luận, thực hành không sắc sảo, thường sai...

Thành ra tôi hầu như không tiến bộ
Dù đã học suốt đời trong trường đó.



Thái Bá Tân dịch


Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

TIN BUỒN

Ban Liên lạc lớp 10G,  trường cấp III Nguyễn Trãi thương tiếc báo tin:


    Mẹ đẻ bạn Trần Hồng Châu đã mất ngày 18 tháng 4 năm 2014.
    Lễ viếng: cả ngày 19/4/2014 tại chùa Đại Giác (đường Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh).
    Đưa tang lúc 06 giờ 00 ngày 20/4/2014.
    An táng tại Nghĩa trang Quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh.

                                                         Xin kính báo!
                                                    Ban Liên lạc lớp 10G

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

NHỮNG BỆNH... VÔ DUYÊN!

Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên. 
 Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến một phần tư người già do thầy thuốc gây nên Những bệnh... vô duyên còn có thể do chính mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! 
 Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"! Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics). 
Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp... 
 Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt... Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay. 
 Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao? 
Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh.... vô duyên đáng tiếc. Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ. 
Báo Paris Match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo... Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp. Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả! 
Tây gọi những người sính xét nghiệm là "examinite". 
Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh cáo hiện tượng over - investigation, "thăm dò quá mức cần thiết" này (Health of the Elderly, WHO, 1989). Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong khi thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ. 
 Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại,khi cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ. 
 Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói! Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán nhãn" (labelling) .Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi trên nhập..." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được! 
 Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh. Đáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức... khi vẫn còn có thể tự lo lấy được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp. Các cơ quan chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như bảo đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe. 
(hết phần bài viết của tác giả ) 
------------------------------------------------------------------- 

MẤY ĐIỀU TRAO ĐỔI VỚI CÁC BẠN! 

 Tôi xin bổ xung và xin có quan điểm : tôi không thích cụm từ ''xã hội hóa y tế'' , chẳng qua là một cụm từ để dùng cho ''mỹ tự '' , nói đúng ra là phát triển y tế tư nhân. Đây là cách nhà nước khuyến khích để đỡ gánh nặng cho nhà nước, trong khi khả năng nhà nước không cáng nổi trước yêu cầu của việc điều trị, vì bệnh nhân quá nhiều và dân mình quá nhiều bệnh ( đây cũng là một sự thực đáng buồn , nhưng mấy ai đã nói và dám nói chuyện về nguyên nhân , một phần vì bế tắc không có cách giải quyết ! ), mặc dù nhà nước vẫn đề cao phòng bệnh là chính ( nhưng lại không ai tìm nguyên nhân và không có cách giải quyết nguyên nhân vì nó thuộc lĩnh vực nhậy cảm. 
Hồi tôi học ở Hung tôi chứng kiến mấy ông thầy thỉnh thoảng có ca mổ tại viện (do về hưu rồi vẫn được học trò kính trọng mời đến viện để các cụ vừa giảng dạy , vừa thêm thu nhập và để cho các cụ ''vui'') .Khi đến thăm thày tại nhà riêng, thấy cụ đang khám bệnh tư tại nhà , vì luật y tế của Hung là chỉ cấp phép làm tư cho BS về hưu. Đây là một cáí ưu việt hơn ở ta. Về việc BS khám tư , nhất là bỏ tiền đầu tư thì đương nhiên phải có hiệu quả kinh tế thành ra bị méo mó nghề nghiệp , chỉ có bệnh nhân là chết , chết tiền và thêm bệnh ( ít ra là bị dọa bệnh nên lo thêm mà ốm thêm ! và mất SK ) ... 
 Một dạo tôi nhận làm GĐ cho một BV tư có QĐ của thứ trưởng BYT hẳn hoi .Tuy có thu nhập và cũng thấy vui , vậy mà chỉ sau 6 tháng là tôi không thể chịu được cách kinh doanh này , đành rút lui về nhà nghỉ, vì quá hiểu BV tư , tâm tư và nỗi khổ của các GS , BS được ''mời'' làm việc. Sau cũng có mấy cụ cũng xin nghỉ vì không chịu được áp lực ...và cũng vì thương người bệnh! cho nên sau khi kiếm được bài viết này xin chia sẻ với các vị. 
 Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!
Đ Đ H

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

THƠ TÂN HÌNH THỨC
-KỂ SAO HẾT ĐƯỢC

Đỗ Quyên

Xin trân trọng giới thiệu với các bạn một bài viết của nhà văn-nhà thơ Đỗ Quyên về Thơ Tân hình thức- một thể hiện mới trong dòng thơ Việt Nam. Chắc hẳn còn nhiều trao đổi và tranh luận, nhưng niềm đam mê sáng tạo và công sức của tác giả thật đáng trân trọng.

Nhà văn Đỗ Quyên


Thơ là văn xuôi xuống dòng.
Trần Dần

Bài phê bình với tư cách một văn bản sẽ là đối tượng của một bài phê bình khác.
Về bản chất nó cũng là tác phẩm nghệ thuật hư cấu.
Jacques Derrida

Thơ vừa quên vần.
Viên Mai
 *



 MỤC LỤC

 I. Tân hình thức trên bậc thang sáng tạo thơ Việt theo trường phái, trào lưu
II. Tân hình thức trong cuộc đổi mới thơ Việt
IIITriết lý của Tân hình thức Việt
III.1.Tóm tắt    
III.2. Nhận định chung      
III.3. Cứu cánh biện minh cho phương tiện                 
  III.4. Quá khứ gần, tương lai gần và tương lai xa
IV. Một số hoài nghi, phản biện, bài bác Tân hình thức Việt
V. Những vấn đề thi pháp              
V.1. “Nhân vật” thể loại trong Thơ Tân hình thức Việt            
V.2Nhịp điệu với Tân hình thức Việt              
V.3. Tân hình thức Việt và kết cấu bài thơ             
V.4. Cái Tôi của Tân hình thức Việt          
VI. Nói thêm về kỹ thuật vắt dòng
VII. Tạm kết 


Mời các bạn xem các trang tham khảo:

Thơ Tân hình thức Việt: Kể sao hết được… (kỳ 1)

Thơ Tân hình thức Việt: Kể sao hết được… (kỳ 2)

Thơ Tân hình thức Việt: Kể sao hết được… (kỳ 3)


Tham luận Hội thảo khoa học
THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT – TIẾP NHẬN & SÁNG TẠO
Tạp chí Sông Hương, Huế  - 2014

CHẠM VÀO NỖI NHỚ!



                                                                             ( Gửi bạn phương xa )
Bạn biết không hôm trước, mình trở về thăm trường cũ. Màu sơn mới đã phủ trên ngôi trường già nua của bọn mình. Những em học sinh khoá mới cũng đã khoác lên mình mầu áo đồng phục khác và ngay cả biển trường cũng đã đổi tên( Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi) . Nhưng kỷ niệm cũ vẫn hiện về vẹn nguyên như thế tất cả mới chỉ ngày hôm qua. Vẫn hành lang nhà chữ U nơi cả 3 lớp mình( 9G, 9H, 9I ) nổi tiếng với tên gọi”  quỷ sứ” và cũng vì thế mà nhà trường “xé” lũ quỷ ấy ra để còn 2 lớp 10G, 10H. Vẫn là dãy nhà nhìn ra sân trường , nơi có những vệt nắng vàng rọi vào cửa sổ , nơi mình vẫn ngồi học mà  lắng nghe bước chân bạn …qua, hai đứa vờ đến mượn sách, hỏi bài  để cùng nhau trò chuyện. Chỉ một mảnh giấy nhỏ dấu trong quyển sách với  nét chữ thân quen cũng làm ai đó bồi hồi  
 Thời áo trắng của chúng mình, gần gũi thế mà cũng xa xôi thế! Mình thầm nghĩ tình yêu có thể chia xa nhưng tình bạn là mãi mãi …

                TRƯỜNG CŨ

            Bạn có về trường xưa
         Tìm lại mình thuở ấy
         Như dòng sông đời chảy
        Gửi phù sa bến bờ.

         Bạn có về trường xưa
        Qua cây bàng lá đỏ
        Tìm ngày đông tháng hạ
        Sần sùi trên vỏ cây.
         Bạn có về nơi đây
        Tìm những đêm trăn trở
        Vắt ngang chiều thương nhớ
         Bụi phấn vương áo thầy.

       Trường vẫn trường thuở ấy
       Năm học mới rồi đây
       Thầy cô xưa đâu cả
       Lãng đãng…chiều heo may                       

                                                                                                               
                                              (bài thơ st)

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

THÔNG BÁO

(Cuộc họp mặt tại TP HCM từ ngày 11-15/5/2014)

1./ Đêm hội ngộ cựu học sinh khoá 1972 Nguyễn Trãi - Hà Nội: Ngày 11/5/2014, tổ chức tại 360 Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10, TP. HCM - BV mắt Phương Nam (đối diện BV Bình Dân):
- Tiếp đón các bạn từ lúc 16g30.
- khai mạc vào lúc 17h: có chương trình Văn nghệ ca múa nhạc...
- khai tiệc vào lúc 18g30 và kết thúc vào lúc 21h: các món ăn đặc sản của Nam Bộ.
Liên hệ với Phương Thu (10A): 0913909459.
2./ Chương trình đi tour Đà Lạt và Mũi Né: Từ ngày 12/5 - 15/5, như đã thông báo trước đây. Riêng bạn nào không đi tiếp mũi Né thì tự túc phương tiện về Sài Gòn... Nếu số lượng người về Sài Gòn đủ 1 xe thì sẽ có cho 1 xe đưa  các bạn về Sài Gòn.
3./ Khách sạn: Nhà khách Người Có Công với CM.
Liên hệ với Xuân Hải (10A): 0938242180
4./ Bạn nào chưa đóng tiền thì tiếp tục đóng cho bạn Hồ Sĩ Bàng (ĐT: 0913546785) và bạn Việt Thu (ĐT: 0908875352, 01992862965).
Hẹn ngày gặp mặt!
Đại diện ban Liên lạc
Phương Thu

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Hẻm Sài gòn , chật hẹp mà bao dung

Đối với những người dân sống ở Sài Gòn thì hẻm Sài Gòn không phải là một điều quá xa lạ. Đó là nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ của một thời vụng dại, nơi giữ lại chút gì bình yên trước những biến đổi xô bồ và đó cũng là nơi mà tôi và nhiều người dân Sài Gòn khác nữa được nuôi nấng, trưởng thành.
Hẻm Sài Gòn không rộng, chỉ đủ người đi, từng con đường uốn lượn, quanh co, khúc khuỷu như những nhánh sông hòa vào đại lộ thênh thang. Có thể, đối với nhiều người, hẻm Sài Gòn chỉ là những con đường dài hun hút, tối tăm với những căn nhà san sát và đôi khi không có số nhà…


Nhưng đối với tôi, nó lại là nơi mang lại cảm giác bình yên đến lạ kỳ. Không ồn ào, hối hả, không quán xá tấp nập, không cửa hiệu sang trọng như những con đường lớn hoa lệ của Sài Gòn và cũng không có những giờ tan tầm, kẹt xe khói bụi.
Hẻm trong mắt tôi, đơn giản là nơi tôi sinh sống, trưởng thành. Là những con đường nhỏ nép mình sau những con đường lớn, sau những hối hả, tất bật của Sài Gòn. Là một trời tuổi thơ với bao kỷ niệm, là nơi tôi nhớ về trong những chuyến đi xa.
Hẻm nhỏ, rào thưa, ngôi nhà vắng lặng
Tiếng radio buồn gieo niềm sâu lắng
Tôi chợt nhận ra môi mình mặn đắng,
Nước mắt hiếm hoi trước hạnh phúc không lời

Đại lộ cuộc đời tôi mãi rong chơi
Bỗng thèm quá như trưa nào lạc vào hẻm nhỏ
Dẫu biết giữa thị thành muôn vạn điều không – có
Vẫn ước ao có một hẻm nhỏ để đi về. (Hẻm nhỏ-thơ Thanh Vân)

Hẻm Sài Gòn nhỏ thì nhỏ thật nhưng lại rất bao dung, đây là nơi hội tụ của biết bao người dân tứ xứ, cũng vì thế mà từng con hẻm lại có những bản sắc riêng - Nào là hẻm người Hoa, hẻm người Chăm, người Nam, người Bắc… Từng con hẻm cũng đa dạng như chính bản sắc của Sài Gòn.




Nhà trong hẻm san sát nhau, tựa vào nhau, liền kề thành dãy, hai dãy nhà cách nhau chỉ vài bước chân. Đường trong hẻm vì thế cũng nhỏ nhắn đến lạ, nhiều đường chỉ đủ cho xe đi lại một chiều. Cứ vậy mà, người đi tới thấy nhau từ xa đã vội nhường đường, cuộc sống trong hẻm vì thế cũng nhún nhường thêm chút.
Hẻm chật nhưng lòng người rộng rãi, họ trao nhau từng chút tình người. Sáng mở cửa mỉm cười nói câu chào buổi sáng. Những cụ già thong thả giọt cà phê. Hẻm tĩnh lặng khác xa sự ồn ã ngoài đường, những trưa hè vang lên tiếng rao thân thuộc của những xe hủ tíu gõ, của những người bán bánh… “Ai tàu hũ không”, “ai mài dao, mài kéo đi” tiếng rao ngân dài giữa không gian tĩnh lặng. Tiếng rao được cất lên từ những con người vất vả cần lao chứ không phải là những âm thanh đều đều từ những chiếc loa vô cảm.
Cứ thế mà, những con hẻm Sài Gòn trở thành một phần không thể thiếu trong tôi. Những con đường nhỏ, sâu hun hút, những ngôi nhà bé xíu, san sát nhau, những tiếng rao trưa, tiếng trẻ con cười đùa rộn rã, những nụ cười nặng nghĩa, nặng tình…Bình yên giữa Sài Gòn chỉ bấy nhiêu thôi là đủ.
Và dù thế nào đi nữa, hẻm Sài Gòn vẫn mãi là phần tinh túy của văn hóa Sài Gòn, là nơi đong đầy kỉ niệm của bao người, nơi bình yên giữa Sài thành vội vã và là nơi tôi quay quắt nhớ về trong những chuyến đi xa.
Hà Linh - Baomoi.com

ĐHĐ St


Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Toàn văn bài phát biểu về Ukraine
khiến nước Đức dậy sóng


(Soha.vn) - "Tiếp theo đó lại có sự giành giật giữa EU và Nga về Ukraine. Cả hai đều suy nghĩ và hành động như nhau... Đây là một sai lầm đầy tai hoạ của cả hai bên".



Ông Gregor Gysi

Ông Gregor Gysi, Chủ tịch Khối nghị sỹ Đảng Cánh tả Đức, đảng đối lập lớn nhất của Nghị viện Liên bang Đức trong nhiệm kỳ hiện tại, đã có một bài phát biểu bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về cách ứng xử của Nga, Đức, EU trong vấn đề này. Ông Gysi đã mạnh mẽ lên án sự can thiệp vào vấn đề ở Ukraine của cả Nga và Liên minh châu Âu.
Bài phát biểu đáng chú ý của ông Gysi được đưa ra sau Tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel về tình hình Ukraine tại Phiên họp toàn thể của Nghị viện nước này ngày 13/3 và vài ngày trước khi cuộc Trưng cầu dân ý diễn ra ở Crimea. Trong phiên họp, bà Merkel lên án Nga thiệp quân sự vào Ukraine, vi phạm trật tự châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đồng thời cảnh báo sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga.
Bài phát biểu của Gregor Gysi đã dành được sự chú ý rộng rãi của công luận Đức trong những ngày này và được không ít người coi như là một “bài giảng xuất sắc về công pháp quốc tế”.
Ông Gysi từng là một luật sư gốc Do Thái, xuất thân từ và được coi là một trong những nhà chính trị Đức có khả năng hùng biện nhất.


Toàn văn bài phát biểu về Ukraine khiến nước Đức dậy sóng
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong phiên họp nghị viện 
Liên bang Đức ngày 13/3



Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông Gregor Gysi:
Thưa ông Chủ tịch! Thưa các quý ông, quý bà! Putin muốn giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp quân sự. Ông ta không hiểu rằng các vấn đề của nhân loại không thể giải quyết bằng binh lính hay súng đạn, mà hoàn toàn ngược lại. Kể cả các vấn đề của nước Nga cũng không thể giải quyết bằng cách đó. Tư duy và hành động của ông ta là sai và chúng tôi kịch liệt lên án điều này. Tuy nhiên, lối tư duy này từng đây cũng từng thống trị và vẫn đang thống trị ở Phương Tây: Trong các trường hợp ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Libya.
Sự đối đầu giữa các chế độ trước đây đã được thay thế bằng những xung đột về lợi ích giữa Mỹ và Nga. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, tuy nhiên các xung đột về quyền lợi như vậy vẫn hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ quả tương tự.
Mỹ muốn tăng cường tầm ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có, Nga cũng muốn tăng cường tầm ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có. Liên quan đến Nga tôi chỉ nêu ra các từ khoá: Gruzia, Syria, Ukraine.
Cho dù lên án hành động của Putin, chúng ta vẫn phải nhìn nhận nguyên do đã dẫn tới toàn bộ tình trạng tình trạng căng thẳng và xung đột hiện tại. Tôi xin nói một cách hoàn toàn rõ ràng rằng: NATO và EU đã phạm phải tất cả mọi sai lầm mà họ có thể.
Tôi sẽ bắt đầu với Gorbachev (cựu lãnh đạo Xô Viết) vào năm 1990. Ông đã đề xuất thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsaw, xây dựng khái niệm “An ninh chung” với Nga. NATO đã bác bỏ đề xuất này và nói rằng: Giải thể Khối hiệp ước Warsaw thì được, nhưng NATO vẫn tiếp tục tồn tại. Và NATO, từ một liên minh phòng thủ, trở thành một liên minh can thiệp.
Sai lầm thứ hai: Để chuẩn bị cho việc nước Đức, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc đó là Genscher và các Bộ trưởng Ngoại giao khác đã tuyên bố với Gorbachev rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa hẹn này đã không được thực hiện. NATO đã được mở rộng một cách quyết liệt về hướng của Nga.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã đánh giá việc kết nạp một cách vội vàng các nước Đông Âu vào NATO là một sai lầm lớn và cố gắng của Phương Tây nhằm mời Ukraine vào NATO là một sự khiêu khích nghiêm trọng. Không phải tôi, mà là Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố như vậy.
Sai lầm thứ ba, đó là quyết định đặt tên lửa ở Ba Lan và Séc. Chính phủ Nga đã nói rằng: "Việc này ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của chúng tôi; chúng tôi không muốn điều đó". Thế nhưng phương Tây đã tuyệt nhiên không hề quan tâm. Quyết định đặt tên lửa vẫn được thực hiện.
Ngoài ra, trong cuộc chiến ở Nam Tư, Phương Tây đã nhiều lần vi phạm một cách nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Giờ đây cựu Thủ tướng Gerhard Schröder cũng đã thừa nhận việc này. Serbia không tấn công quốc gia khác, và cũng không có bất cứ một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thế nhưng nó đã bị ném bom, với sự tham chiến lần đầu tiên của Đức từ năm 1945. Và người dân của Kosovo đã được đưa ra quyết định li khai khỏi Serbia bằng một cuộc trưng cầu dân ý.
Lúc đó tôi đã kịch liệt phê phán sự vi phạm công pháp quốc tế này và đã nói với các quý vị: Các quý vị đang mở nắp chiếc hộp của Pandora ở Kosovo; bởi vì nếu việc này được cho phép ở Kosovo thì các quý vị cũng sẽ phải cho phép nó xảy ra ở những nơi khác. Các vị đã mắng chửi tôi. Các vị đã không đếm xỉa đến điều này, đơn giản bởi vì các vị cho rằng với tư cách là những người thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh thì tất cả các ràng buộc cũ không còn hiệu lực với các vị nữa. Tôi xin nói với các quý vị rằng: Người Basque hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc liệu họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Người Catalan hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc liệu họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Và tất nhiên bây giờ người dân của Crimea cũng sẽ hỏi như vậy.
Thông qua việc vi phạm luật pháp quốc tế và qua phương thức luật tục người ta cũng có thể tạo ra một luật pháp quốc tế mới - các quý vị đều biết điều đó. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng việc Crimea ly khai đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như trường hợp của Kosovo.
Tuy nhiên tôi đã biết trước Putin sẽ dựa vào tiền lệ của Kosovo, và ông ta thực tế đã làm như vậy. Và bây giờ, thưa bà Thủ tướng Liên bang, bà lại nói rằng: Tình hình khi đó hoàn toàn khác. Cũng có thể như vậy. Nhưng quý vị bỏ qua một điều rằng: Vi phạm luật pháp quốc tế vẫn là vi phạm luật pháp quốc tế.
Thưa bà Roth thân mến, bà hãy thử hỏi một vị thẩm phán xem, so với ăn cắp vì động cơ không cao cả, thì liệu việc ăn cắp vì động cơ cao cả có còn là hành vi ăn cắp nữa không. Vị thẩm phán sẽ nói với bà rằng: Vẫn là ăn cắp. Đây chính là vấn đề.
Khi đó, ông Struck (Bộ trưởng Quốc phòng Đức dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder) đã tuyên bố rằng: Cộng hoà Liên bang Đức phải bảo vệ an ninh của mình ở dãy Hindu Kush. Và bây giờ ông Putin tuyên bố: Nước Nga phải bảo vệ an ninh của mình trên bán đảo Crimea. Phải nói thêm là Đức không có hạm đội đóng ở dãy Hindu Kush và cũng nằm cách khá xa nơi này. Mặc dù vậy tôi nói rằng: Cả hai câu nói này đều đã, và đang sai.
Nhưng vấn đề còn lại là: Một khi nhiều bên vi phạm luật pháp quốc tế trách cứ một bên vi phạm luật pháp quốc tế là nước Nga, rằng nước này đang vi phạm luật pháp quốc tế, thì điều này không mang tới một hiệu quả và độ tin cậy đặc biệt nào. Đây là thực tế mà chúng ta phải đương đầu.
Obama cũng nói y như bà, thưa Thủ tướng Liên bang, về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Thế nhưng các nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Serbia, Irag và Libya. Phương Tây cho rằng mình có thể vi phạm luật pháp quốc tế bởi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Chúng ta đã coi thường một cách thô bạo các quyền lợi của Trung Quốc và Nga. Các quý vị không còn một sự nể vì nào với nước Nga dưới thời ông Yeltsin, một vị Tổng thống thường say xỉn. Thế nhưng tình thế đã thay đổi. Một cách rất muộn màng, các quý vị đã lại dựa vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế được hình thành vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tôi rất ủng hộ cho việc tái lập hiệu lực của chúng - nhưng mà là cho tất cả mọi bên! Chẳng thể nào khác được.
Tiếp theo đó lại có sự giành giật giữa EU và Nga về Ukraine. Cả hai đều suy nghĩ và hành động như nhau. Barroso, Chủ tịch Uỷ ban EU, đã nói: "Hoặc là Liên minh thuế quan với Nga, hoặc là có các hiệp định với chúng tôi!" – Ông ta không nói: “Cả hai”, mà là “Hoặc thế này – Hoặc thế kia!”. Còn Putin thì nói: "Hoặc là có các hiệp định với EU, hoặc là với chúng tôi! – Cả hai đều cùng tư duy và hành động như nhau. Đây là một sai lầm đầy tai hoạ của cả hai bên.
Không hề có một Bộ trưởng Ngoại giao nào của EU tìm cách nói chuyện với chính phủ Nga và ghi nhận các quyền lợi an ninh chính đáng của Nga.
Nhưng Nga e sợ rằng sau khi có quan hệ chặt chẽ hơn với EU thì NATO sẽ vào Ukraine. Nga cảm thấy càng ngày càng bị bao vây. Nhưng thứ duy nhất xảy ra là sự giành giật Ukraine.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU và NATO đã hoàn toàn không đếm xỉa đến lịch sử Nga và Ukraine. Họ chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của Crimea đối với nước Nga. Bản thân xã hội Ukraine bị phân hoá một cách sâu sắc.
Kể cả điều này cũng không được lưu ý đến. Sự phân hoá sâu sắc này đã bộc lộ từ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai và vẫn còn hiển hiện tới tận ngày hôm nay. Phía Đông Ukraine có thiên hướng nghiêng về Nga. Phía Tây Ukraine có thiên hướng nghiêng về Tây Âu. Hiện tại không có bất cứ một nhân vật chính trị nào ở Ukraine có thể đại diện cho cả hai phần của đất nước. Một sự thật đáng buồn.
Tiếp theo đó còn có Hội đồng châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Thưa bà Thủ tướng Liên bang và ông Bộ trưởng Ngoại giao, các quý vị đã quá sao nhãng các tổ chức này trong thời gian gần đây. Tiền cho các tổ chức này ngày càng bị cắt giảm, bởi vì các quý vị cho rằng chúng không quan trọng. Thế nhưng đây là những tổ chức châu Âu duy nhất mà cả Nga và Ukraine đều là thành viên. Vì vậy chúng ta phải củng cố lại những tổ chức này – cả trên phương diện tài chính, chúng ta không được phép lảm nhảm về việc khai trừ Nga; đây là một chuyện hoàn toàn chẳng ăn nhập gì.
Tiếp theo đó chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng gia tăng một cách nghiêm trọng ở Maidan. Chúng ta đã chứng kiến những kẻ bắn tỉa và nhiều người chết. Có nhiều lời đồn đại về việc này. Trong những tình huống như vậy sẽ có nhiều điều dối trá. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị thiết lập một Uỷ ban điều tra quốc tế. Chúng ta, nhưng trước hết là người dân Ukraine, có quyền biết những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm điều gì. Tôi vui mừng là bà, thưa Thủ tướng Liên bang, đã ủng hộ việc này.
Ở Maidan có nhiều lực lượng dân chủ, nhưng cũng có nhiều kẻ phát xít. Phương Tây đã trực tiếp và gián tiếp đồng loã.
Bộ trưởng ngoại giao Steinmeier, Bộ trưởng ngoại giao Pháp và Ba Lan đã ký kết một hiệp định với Yanukovych và phe đối lập. Bây giờ, thưa Bộ trưởng Ngoại giao, ông lại nói rằng, Yanukovych đã vô hiệu hoá thoả thuận này thông qua việc bỏ trốn. Điều này sai. Người dân ở Maidan đã bác bỏ thoả thuận này với một số lượng áp đảo, còn ông, Bộ trưởng Ngoại giao, đã không tranh thủ sự ủng hộ cho thoả thuận này trên quảng trường Maidan.
Chỉ sau khi bị bác bỏ, Yanukovych mới rời khỏi Kiev.
Sau đó Nghị viện đã họp và bỏ phiếu phế truất ông ta với 72,88% phiếu thuận. Tuy nhiên, Hiến pháp quy định tỷ lệ số phiếu thuận là 75 phần trăm. Bây giờ ông Röttgen (Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Nghị viện Liên bang Đức) và những người khác nói rằng: "Ừ thì trong một cuộc cách mạng người ta không thể tuân thủ chặt chẽ hiến pháp được. Chỉ vài phần trăm ít hay nhiều hơn thì cũng có sao đâu". Chỉ có điều là bây giờ Putin dựa vào đó và nói rằng: “Không có đa số ủng hộ để phế truất theo quy định của Hiến pháp”, và đã căn cứ vào bức thư mà Yanukovych gửi cho ông ta.
Ngoài ra, trong cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện có rất nhiều người trang bị vũ khí đứng ở đó. Điều này đặc biệt không dân chủ. Và trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cũng sẽ có nhiều binh lính có trang bị vũ khí có mặt ở đó. Cả điều này cũng đặc biệt không dân chủ.
Điều thú vị là, thưa Thủ tướng Liên bang, bà có nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý như vậy không được Hiến pháp Ukraine cho phép. Vậy thì lúc nào nó có hiệu lực và lúc nào thì không? Khi bỏ phiếu phế truất Tổng thống thì nó không có hiệu lực, và khi tiến hành trưng cầu dân ý ở Crimea thì bỗng nhiên nó lại có hiệu lực. Các quý vị phải quyết định xem: Các vị chấp nhận toàn bộ Hiến pháp Ukraine hay chỉ là một số phần nhất định của nó, những phần có lợi cho các quý vị? Đây là một kiểu cách mà tôi biết và không thích.
Tiếp theo đó một chính phủ mới đã được thành lập và ngay lập tức được công nhận bởi Tổng thống Obama, bởi cả EU và cả chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức. Thưa bà Merkel! Thưa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Môi trường, Viện trưởng Viện Công tố tối cao – tất cả họ đều là những kẻ phát xít. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là người đồng sáng lập Đảng phát xít Svoboda. Những kẻ phát xít chiếm giữ những vị trí quan trọng và áp đảo, chẳng hạn trong lĩnh vực an ninh. Chưa bao giờ những kẻ phát xít tự nguyện từ bỏ quyền lực, một khi chúng đã chiếm được thậm chí là một phần của nó.
Ít nhất thì chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức cũng phải vạch rõ giới hạn ở đây, đặc biệt là vì lịch sử của chúng ta.
Khi mà đảng Tự do (Đảng cánh hữu ở Áo) của Haider tham gia chính phủ Áo, đã có việc đóng băng quan hệ ngoại giao và các biện pháp tương tự. Vậy mà đối với những kẻ phát xít ở Ukraine chúng ta lại án binh bất động? Svoboda có những mối quan hệ vô cùng mật thiết với NPD (Đảng phát xít mới ở Đức) và với các đảng Nazi khác ở châu Âu. Chủ tịch của Đảng này, Oleg Tjagnibok, đã tuyên bố nguyên văn như sau. Bây giờ tôi sẽ trích dẫn; các quý vị phải nghe những gì ông ta đã nói, nguyên văn như sau:
“Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”
Tôi sẽ nhắc lại. Người đàn ông này đã nói:
“Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”
Đang có những sự tấn công nhằm vào người Do Thái và Cánh tả. Vậy mà các quý vị không hề nói một điều gì về việc này? Vậy mà các quý vị vẫn nói chuyện với những người của Svoboda? Tôi cho đây là một vụ tai tiếng. Tôi phải nói thẳng với các quý vị như vậy.
Bây giờ thì, như đã tuyên bố, các quý vị muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt, nếu như không còn có cách nào khác. Nhưng mà việc này sẽ không gây ấn tượng đối với Putin. Nó sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm. Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, có lý. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt không thể hiện một chiến lược, mà thể hiện việc thiếu chiến lược. Điều này cũng đúng với các chuyến bay quân sự đang diễn ra tới tấp ở Ba Lan và các nước Cộng hoà vùng Baltic. Làm như vậy là vì mục đích gì?
Các tài khoản của Yanukovych và thuộc hạ của ông ta bị đóng băng, vì đây là chúng được cho là tiền ăn cắp của quốc gia. Câu hỏi của tôi là: Các quý vị không biết điều này từ trước đó à? Câu hỏi thứ hai: Tại sao lại chỉ là tài khoản của những người này? Thế còn tài khoản hàng tỉ bạc của các trùm tài phiệt ủng hộ cho những lực lượng khác thì sao? Tại sao ở đây các vị lại không làm gì cả? Tại sao mọi việc lại diễn ra một chiều như vậy?
Ngoại giao là con đường duy nhất.
Thứ nhất. Phương Tây phải công nhận quyền lợi an ninh chính đáng của Nga ở Crimea, điều mà Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng đã thừa nhận. Phải tìm ra một quy chế cho Crimea mà Ukraine, Nga và chúng ta có thể chấp nhận.
Nga phải được đảm bảo rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO.
Thứ hai. Tương lai của Ukraine sẽ là cầu nối giữa EU và Nga.
Thứ ba. Ở Ukraine phải triển khai một quá trình trao đổi và hoà giải giữa miền Đông và miền Tây, có thể là bằng cách thông qua một vị thế liên bang hay là một liên minh quốc gia, cũng có thể bằng cách có hai chức danh Tổng thống.
Điều mà tôi trách cứ EU và NATO là cho đến hiện tại, chưa có một mối quan hệ nào với Nga được tìm kiếm và thiết lập. Bây giờ điều này phải thay đổi một cách triệt để.
An ninh ở châu Âu không thể có được nếu không có Nga hoặc chống lại Nga, mà chỉ có thể có được cùng với Nga. Nếu như cuộc khủng hoảng này vào một ngày đó được giải quyết thì một lợi thế có thể có được là luật pháp quốc tế cuối cùng sẽ được mọi bên cùng tôn trọng.
Xin cảm ơn.

===========
Nguồn: http://soha.vn/quoc-te/toan-van-bai-phat-bieu-ve-ukraine-khien-nuoc-duc-day-song-20140330161149188.htm

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Tin Nóng K1972....



Blogger K1972 Chúc mừng bạn VTN lớp 9I-10H được một tạp chí bình chọn là Người Phụ nữ Tỷ phú, Giỏi giang, Tốt bụng....

Blogger K1972 St.