Cháu ạ! Những ngày qua, có một bọn người nước ngoài đem dàn khoan mang tên HD981, bên cạnh đó còn đem lực
lượng Hải quân và không quân uy hiếp những ngư dân và những người chấp pháp Việt
Nam hòng đặt một chân vào cánh cửa đất nước. Câu chuyện xưa “cáo gửi chân” mà bọn bác và các cháu học, không hề cũ.
Nhân chuyện này, bác chỉ
muốn chia sẻ với cháu một suy nghĩ nhỏ.
Vào những ngày tháng của
những năm 1967-1968, bọn bác học trường Thiếu sinh quân. Thời gian ấy, chiến
tranh phá hoại ác liệt, trường bác sơ tán tại Quế Lâm (Trung Quốc). Nhưng cũng
thời gian ấy, nơi đó lại xảy ra cuộc "Đại Cách mạng Văn hóa" đã đi vào lịch sử thế giới
nói chung và lịch sử Trung Quốc nói riêng như một thời kỳ tàn bạo và khốc liệt nhất.
Nơi bọn bác ở là một
vùng đồng bào dân tộc Choang. Người dân nơi đây chất phác, hiền hòa như những
người nông dân nước mình vậy. Họ làm ăn sớm tối, chăm lo tưới rau, trồng cây trên những cánh đồng, đánh cá
trên dòng sông Ly...
Ấy thế mà cuộc "Đại Cách mạng Văn hóa" xảy đến. Xảy ra phân chia phe
phái:phe Tạo Phản và Liên Chỉ. Phe Tạo phản chủ yếu là Hồng Vệ Binh, bọn cơ hội đấu đầu với những người muốn
giữ cuộc sống bình yên. Trong phe Tạo phản cũng tranh giành lẫn nhau. Họ mâu
thuẫn với nhau dẫn đến đụng độ nhau, bắn lẫn nhau. Báo chữ to dán lên tường
hàng ngày chồng lấn lên nhau với những lời lẽ kích động, phỉ báng. Lũ trẻ Hồng Vệ Binh mang những huy hiệu, những cuốn “Trích lời Mao Chủ tịch” kéo nhau đấu tố những
người tri thức đáng tuổi cha chú của chúng, sau khi đội lên đầu họ mũ chóp cao
và gán cho họ những cái nhãn như “phản
động”,” đi theo con đường tư bản”, ”theo chân đế quốc”... Hai phe trấn giữ hai đầu
cầu Giải Phóng bắc qua sông Ly. Có nhiều đêm trên bầu trời thung lũng nơi trường bác ở,
vẫn nhìn thấy những đường đạn sáng lòa. Sau nhiều trận giao tranh, bước ra Thị trấn Quế Lâm, những đống gạch vụn đã thay cho những căn nhà đẹp ngày bọn
bác mới sang, các cửa hàng Đại Lầu, Trung Lầu, Tiểu Lầu vắng ngắt bên những tấm hình người lãnh tụ đứng chơ vơ.
Người dân sống thuở ấy
rất lầm than. Bữa ăn thanh đạm, rất nhiều bữa không có thịt. Họ rất tôn trọng Mao Trạch Đông. Có buổi
trưa đi qua nhà họ, bác còn nghe thấy họ nói :”Xing Mao Chủ Xí sư phan!”1
. Điều ấn tượng là trẻ em quanh đấy, có nhiều em không đủ ăn. Và kỷ niệm không
quên được của bác cũng đi cùng ngày đó.
Cháu có biết không? Lũ
trẻ thiếu ăn đến mức không có cơm mà ăn. Chúng thường la cà quanh nhà ăn của bọn
bác để kiếm cơm. Đến mức bọn bác sau khi
ăn xong, đi rửa bát (thiếu sinh quân tự rửa bát của mình như bộ đội) thì
bọn trẻ chặn ở cuối máng nước hớt lấy cơm thừa để ăn!!!
Ngày ấy, bọn bác chỉ biết
rất thương chúng mà đâu có lý giải được nguyên nhân vì sao chúng phải làm như vậy.
Bọn trẻ tranh nhau chỗ lấy cơm cuối máng, đứa nào được thì mừng lắm. Lúc đầu bọn
bác cố gắng để lại cơm nhiều để rửa. Về sau nhường hẳn bát cơm cho chúng nó.
Chúng cũng chỉ kém bọn bác vài tuổi thôi.
Bác vẫn nhớ như in một
cậu bé trong nhóm trẻ. Trông nó rất hiền, nước da tai tái, mắt một mí, áo xanh
công nhân có nhiều chỗ đen sạm. Mỗi lúc có người rửa bát, khi bọn khác châu lại chặn nước,
nó cũng chạy lại nhưng dường như lúc nào cũng bật ra. Những lúc ấy, bác lại
nghĩ đến những đứa em bác ở nhà. Có còn
đâu nỗi tự ái của trẻ thơ khi phải kiếm một cái ăn mà phải hạ mình như vậy. Chiến tranh ở nước mình vô cùng ác liệt mà sao
không đến mức thế này. Nhìn cảnh ấy, cổ bác cứ nghẹn lại. Thế rồi một hôm, bác mang bát cơm đến cho cậu bé. Lũ trẻ
xung quanh nhìn rất ngạc nhiên. Chúng
xao xác nói với nhau những câu gì. Còn cậu bé! Mắt nó mở to nhìn bác. Cái nhìn
như ngạc nhiên mà pha chút ngần ngại. Chiếc áo đầy bụi lấm thấm mồ hôi. Nó nhìn
xung quanh rồi lại nhìn bác. Nó giơ cái bát cũ mang theo để bác trút vào. “Xia
xia nỉ” 2 với giọng run run và nhẹ như hơi thở. Ánh mắt ngây thơ, đau
đáu làm bác phải ngoảnh mặt đi. Anh còn có thể làm gì hơn nữa hả em !
Đi cùng thời gian, bác
mới hiểu. Nhân dân nước họ cũng biết xẻ
chia gian khổ với nhân dân mình. Dù họ có đánh lẫn nhau, chia phe phái thực đấy,
nhưng họ biết có một đất nước Việt Nam nhỏ bé đang gồng mình chống lại xâm lược
để gìn giữ độc lập và góp phần bảo vệ chính đất nước họ. Nhưng nỗi khổ của họ
là ở chỗ khác. Họ tôn thờ một cách mù quáng vào một bộ phận lãnh đạo có quyền lực
để rồi nhận những hậu quả tai hại. Mười
năm "Đại Cách mạng Văn hóa", có 20 triệu người chết, 100 triệu người bị đấu tố, lãng
phí 800 tỉ nhân dân tệ. Bác không rõ thời kỳ "Đại nhẩy vọt" ở Trung Quốc, số dân chết đói, thiệt hại thế
nào, nhưng qua con mắt của bác nhìn trẻ em ngày đó, bác hiểu con số đó là khách
quan.
Cháu ạ! Có thể mai đây
cuộc sống dù có thế nào đi chăng nữa, bác vẫn tin những người dân Trung Quốc vẫn mong
sống những cuộc sống an bình, mưu cầu hạnh phúc. Nhưng còn điều gì khủng khiếp
hơn khi họ bị lừa đảo, và rồi đến mức cuồng tín, họ sẵn sàng trừ bỏ những người thân, những hiền
nhân của mình. Và như vậy, với những dân tộc khác, họ đâu cần quan tâm.
Cũng chỉ lan man với
cháu một chút như vậy vì bác đã có lúc nhìn thấy tận mắt cảnh thương tâm đó. Cháu
cũng đã lớn rồi và cháu cũng đã ý thức được nhiều việc cháu đang và sẽ làm. Bác
muốn chia sẻ cùng cháu một góc nhìn khác về một đất nước có nền văn minh 5000 năm mà bác và cháu cùng trân trọng.,.
BàngHS
======
1: Mời Mao Chủ
Tịch ăn cơm!
2: Cảm ơn
anh!