Vào giữa năm 1974, những ngày học căng thẳng trong khu
nội trú trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nhận được lá thư của thầy Luân, tôi rất
xúc động.
Những năm đầu của tuổi sinh viên, xa gia đình,
mới chia xa tuổi học sinh, vẫn bộn bề nỗi nhớ, bỡ ngỡ với những mối quan hệ. Khu
nhà cấp 4 lợp fibro xi măng. Mới chớm hè mà nóng vã mồ hôi. Một phòng chừng 40 m2
với khoảng 15 giường tầng. Nắng ngoài sân hắt vào nhà như táp lửa. Quạt trần chạy
ì ạch. Vẫn phải chúi đầu làm bao nhiêu bài tập, vì các thầy giao bài đơn giản là theo chương. Lại
còn phải bước đầu làm quen với cách học mới trong trường đại học. Lá thư của thầy
là nguồn động viên tôi rất nhiều.
Trong thư, thầy kể về công việc của thầy sau khi rời trường cấp
III Nguyễn Trãi trong việc triển khai công tác giáo dục ở Khu 5. Mỹ vừa rút khỏi
Việt Nam, ta và ngụy quyền giằng co giữ đất. Trong những đợt đi công tác Hoài
Châu, Hoài Hảo- Bình Định được thầy chia sẻ về những gian khổ mà đồng bào nơi
đây( đặc biệt các học sinh) phải gánh chịu cùng sự cảm phục về tinh thần anh
dũng của họ. Trong thư thầy lạc quan nói về
vùng giải phóng rộng lớn, nhân dân phấn khởi vì được mùa lúa ngô và thầy
còn kể về tình hình giáo dục nơi đây. Trong thư, tôi còn thấy thầy tâm sự:” Đoạn
đường công tác vừa qua cho thầy nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức thực tế mà
trước đây thầy vừa bước chân đến khu 5 rất ngỡ ngàng”.
Nhớ những
ngày học ở trường cấp III Nguyễn Trãi, bọn tôi được thầy dạy môn Toán. Sao ngày
ấy, bọn tôi được nhiều thầy cô dạy giỏi, nhiệt tình và tâm lý học sinh đến thế.
Thầy là một trong những giáo viên để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Bài giảng
nào cũng được thầy truyền thụ với lời lẽ rõ ràng, khúc chiết, đặc biệt nhấn vào
những ý chính của mỗi bài, và cả những kỹ năng học môn toán của thầy. Còn nhớ, có bài kiểm tra đại số gồm 2 phần: lập
công thức tính toán và sau đó thay số, rút thước tính logarit để có được kết quả.
Phần đầu tôi làm thì ổn, phần sau thì do rút thước chập choạng nên cho kết quả
sai lệch. Thế mà tôi vẫn có điểm khá. Tôi có trao đổi với thầy, được thầy rất nhẹ nhàng giải thích:” Với
mỗi người, trước hết là khả năng tư duy, sau đó mới là kỹ năng tính toán”. Tới
nay, tôi thấy điều đó càng rõ, nhất là học sinh việc tính toán đã quá thuận lợi,
làm gì cũng chỉ bật máy tính tay lên là xong!
Không những vậy, trên lớp, thầy vẫn trao đổi với học
sinh những chuyện thường ngày. Thầy có kể, khi hỏi con thầy học để làm gì, con
trả lời “để phục vụ đất nước”, thầy nói, nếu phục vụ đất nước thì con có thể ra
đi làm ngay, hót rác cũng được, còn việc học, đầu tiên là học cho con, để con
trở thành người. Những phát biểu đó ngày ấy đâu phải dễ “tiêu hóa”. Thế mà thầy
lại “tâm tình” với học sinh!
Cuối thư, thầy gửi gắm vào lời nhắc phương pháp học đại
học khác hẳn cách học ở phổ thông nên phải có cách học phù hợp:” phải biết nhớ,
biết suy luận, biết đọc sách không chỉ bó gọn vào bài giảng của cán bộ giảng dạy”.
Tôi thật sự cảm động từ lời khuyên chân thành của thầy.
Khi chúng tôi đã trưởng thành, mỗi đứa đã đi theo con
đường của mình, tuổi học trò vẫn gọi chúng tôi đến bên nhau. May mắn là bên
chúng tôi vẫn có những người thầy, người cô cùng chia sẻ trên bước đường đời.
Những cuộc hội quân của bạn bè cùng trang lứa cũng có thày cô đến chung vui. Thầy
vẫn tham gia sinh hoạt cùng khóa như những bạn đồng học khi có dịp. Trước những
thành công của lớp lớp học sinh , thầy vẫn luôn vui mừng và chia sẻ. Những dịp
gặp gỡ nhau, thầy vẫn cùng ôn lại kỷ niệm và có những trao đổi chân thành. Đáng nhớ là tháng 5 vừa qua, thầy cùng với
khóa 1972 rong ruổi từ Thành phố HCM lên Đà Lạt, qua mũi Né với sức khỏe và lòng
nhiệt tình , chúng tôi phải nể phục. Thầy vẫn bám sát học trò, chúc mừng thành
công của học trò, chia sẻ tâm tình trên Facebook .
Hôm nay, dẫu cho nhiều bạn đã khẳng định vị trí của mình trong
cuộc sống, nhưng với thầy cô, họ luôn coi mình vẫn là những người trò với bao kỷ niệm với thầy cô và mái trường mình học. Thầy là
một trong những người đã giúp chúng tôi vững vàng hơn trong cuộc sống! Tấm lòng tri ân thầy cô cũng là một tài sản quý giá của mỗi học trò !
BàngHS