Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014
CẢM ƠN CÁC BẠN
Happy New Year 2015
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2015, CHÚC BẠN CÙNG GIA ĐÌNH MỘT
NĂM MỚI NHIỀU SỨC KHỎE, NIỀM VUI, HẠNH PHÚC. VẠN SỰ NHƯ Ý.
K1972 Nguyễn Trãi.
Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014
NẮNG SÀI GÒN
Xuân Hồng là một trong những nhạc sĩ tài ba mà tôi hâm mộ. Bài "NẮNG SÀI GÒN" của ông là một trong số những bài tôi yêu thích. Còn các bạn thì sao?
Mời các bạn cùng thưởng thức nhé.
Lê Hồng Thắm (10D)
Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014
Nhân vật của năm
Năm 2014, K1972 Nguyễn Trãi Ba đình Hà nội, có các bạn không thể thiếu cho hoạt động của khóa đó là Phương Thu, Dương Hồng Thanh, Công Học, Việt Thu. K1972 chúc các bạn luôn vui , khỏe .... mọi điều tốt đẹp tới các bạn cùng gia đình.
Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014
KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN
Em.... em.....
Ngồi trên bờ cỏ
Nhặt chiếc lá nhỏ
Thả thuyền vui chơi
***
Thuyền ơi về xuôi
Thăm Bác Hồ nhé!
Thăm anh bạn trẻ
Vui giữa Thủ đô
|
Bạn 9I-10H st
Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014
NHỮNG NGƯỜI LÍNH CỦA CHÚNG TA
Có lần, vào ngày thành lập QĐND chúng tôi gặp mặt những người lính năm xưa của lớp 10”Gấu”.
Hôm ấy thật đặc biệt , bởi lần đầu tiên được nghe các bạn kể về cuộc đời quân
ngũ. Ngày ấy, các bạn tôi từ giã lớp học tuổi thơ, xếp lại bút nghiên vào quân đội,
dù kỳ thi tốt nghiệp sắp đến .
Sau khi điểm danh, chúng tôi bỗng yên lặng nhớ về người lính đã hy sinh- YHoà. Tuy hôm
nay chưa đủ những người lính cuả lớp nhưng cũng có nhiều binh chủng: Có lính công binh, bộ binh, có lính
pháo binh, lính thông tin, lính văn
công- điện ảnh.
Bạn Mai - nữ chiến sĩ thông tin mảnh mai, giữ cho mệnh lệnh chỉ huy thông suốt.
Bạn Cao- lính trinh sát chiến đấu ở chảo lửa Quảng trị, Đường 9- Nam Lào.
Bạn Trọng Bình, bạn Lương Hoà, bạn Bằng, bạn Chiến, bạn
Hiếu và nhiều bạn khác nữa… Những chàng
lính bộ binh gan dạ, vượt qua dãy Trường Sơn hiểm trở, dưới làn mưa bom, tiến
sâu vào tận chiến trường Nam Bộ
Bạn Dung, bạn Dân Hồng, bạnVinh - lính văn công, điện ảnh.
Những nữ chiến
sĩ tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng phục vụ chiến đấu, mang những giai điệu ngọt ngào tới các chiến sĩ trên đường hành quân, đang vượt trọng
điểm, ở một cánh rừng xa, hay trên cả những chốt tiền tiêu…
Các bạn
của tôi đã nếm tận cùng những gian khổ
của Người lính chiến trường: đói, khát, thiếu thốn, đạn bom, thương tật …và
cũng không tránh khỏi lúc tưởng như kiệt
sức…
Cho dù, gian khổ thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Người
lính vẫn
ánh lên niềm tin, tràn đầy tình yêu và sức sống . Một điều thật bất ngờ,
hai bạn cùng lớp 10G - hai người lính đã gặp nhau ở ban chỉ huy của Lữ đoàn 77.
Họ ôm chầm lấy nhau, trao cho nhau cái
nhìn đầy yêu thương của tình bạn, tình đông
chí và cả những rung động tình yêu … Thế
nhưng, không ai dám ngỏ lời vì chiến dịch lớn đang cận kề.
Những
chuyện bạn kể làm chúng tôi rưng rưng… nước mắt. Chắc hẳn
còn nhiều chuyện cảm động về những Người lính của NT K22
mà chúng tôi chưa kịp biết, không cùng được sẻ chia.
Chiến tranh đi qua, nhưng dư âm và nỗi ám ảnh
của nó vẫn hằn vết trong cuộc đời mỗi người lính, nỗi đau vẫn còn đó! Nhiều bạn đã đổ xương, máu và nằm lại nơi chiến
trường. Có bạn, đến nay gia đình, đồng đội vẫn chưa tìm thấy mộ nhưng những người
lính ấy vẫn luôn trong nỗi nhớ của chúng tôi và với Tổ Quốc họ mãi mãi tuổi 20.
Những người lính trở về,( Văn Thanh, Đăng
Quý, Cường, Quỳnh, Quỳ, Vinh, Hiếu, Chiến….)
các bạn vẫn còn mang những mảnh
bom, đạn trên thân thể cùng những cơn đau
nhức nhối mỗi khi trái nắng trở Giời . Có bạn bị sức ép của bom, bị thương
tật vĩnh viễn, bị mất trí nhớ không thể trở lại với cuộc sống đời thường, vậy mà
nỗi ám ảnh về bom đạn nơi chiến trường thì không thể xoá đi được ...
Tuổi xuân
cùng với những năm tháng chiến tranh đã lùi xa và những câu chuyện ngày ấy đã
trở thành” trầm tích,” nhưng chiến công, sự hy sinh của các bạn vẫn còn mãi trong tâm
trí của mỗi chúng tôi.
Hãy cho
chúng tôi được bầy tỏ lòng trân trọng, lòng biết ơn sự hy sinh và sự hiến dâng tuổi xuân của các bạn cho bình yên đất nước .
Chúc các bạn- những người lính năm xưa thật nhiều sức khoẻ, niềm vui và
hạnh phúc tràn đầy ./.
Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014
Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014
Hát về Anh.
Nhân ngày 22/12 Bạn đọc K1972, Hát về Anh, những người lính Khóa 1972 trường Nguyễn Trãi Ba đình, Hà nội.
Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014
Các cô nương ở sa mạc Dubai
3g30 chiều một đoàn xe Land cruiser đến KS đón khách . Vì đã nghe trước là người yếu bóng vía không nên đi nên các cô nương kéo anh Hướng dẫn viên DL tới chỗ tài xế căn dặn là đi từ từ vì U60 yếu sức khỏe. Thấy bác tài gật lia lịa nên cũng an tâm .
Xe đi khoảng 30 phút rời thành phố thì tới sa mạc. Tài xế cho dừng chân để xì bớt hơi bánh xe chuẩn bị vào vào vùng cát .
Chỉ sau ít phút đề ba bác tài bắt đầu cho xe đánh võng trên các dốc cát . Cứ là nghiêng lượn , thả xe từ trên dốc cao đổ thẳng xuống .Các cô nương tha hồ hét .Thấy cái Ánh nhắm mắt bác tài khoái chí còn cho xe lắc qua lắc lại . Lái xe một lúc có điện thọai tài xế một tay giữ máy để nghe, tay kia cầm bút viết ra giấy ( cả hai tay đều bận hêt ) . Kết thúc ĐT bác tài quay lại hỏi '' music no problem '' . yes một tiếng là có nhạc arap vui nhộn tưng bừng, tài xế cũng lắc lư hát theo . Lúc sau nữa bác ý phấn khởi lấy một chiếc khăn ra bịt kín mắt để lái. Tụi mình đồng thanh ''no, no no'' mới bỏ khăn ra.Kể thế nhưng mà các cô nương cũng phải công nhận là tài xế lái xe quá siêu và rất nhiệt tình .
Sau khi trải nghiệm đi cảm giác mạnh trên sa mạc , chúng mình vào khu lều trại ăn thịt nướng BBQ và xem múa bụng Belly. Họ múa thật đẹp , nhạc lại hay . Mình, Hòa bình và cái Dung tranh thủ ra cưỡi lạc đà ''free'' .
Khoảng 9 giò tối tụi mình mới về . Trên đường ra dưới ánh đèn ô tô mình thấy thấp thoáng những người hồi giáo mặc áo dài trắng, quấn trên đầu khăn trắng quỳ gối cầu kinh rất lặng lẽ. Dưới ánh trăng tròn hôm ấy cảm giác thấy sa mạc thật đẹp và huyền bí .
Thu NTV
1- Xì bớt hơi trước khi xe vào vùng cát nóng |
4- Hội hè |
3- Hoang mạc |
4- Nài lạc đà |
Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014
THÔNG BÁO
Các bạn thân mến!
Vừa qua, các hoạt động giao lưu trong khóa ngày càng gắn kết vì chúng ta đã có nhiều kỷ niệm đẹp bên nhau từ những ngày học sinh và những ngày vừa qua, cả những năm tháng sau 55+... Rất mừng là chúng ta đã có nhiều bài hay, nóng hổi phản ảnh tâm tư và tình cảm về những hoạt động đó.
Càng mừng hơn, nhiều bạn đã liên hệ với nhau qua mạng xã hội Facebook. Mạng này như một cầu nối nhiều người với nhau. Khỏi phải nói đến những lợi ích xã hội mà nó mang lại.
Trên facebook, chúng ta có thể thoải mái trình bày suy nghĩ, hình ảnh của ta. Nó như một căn nhà riêng với cách thức trang trí nội thất, sắp xếp đồ đạc tùy ý. Và cũng chính vì vậy, đây là nơi chứa nhiều thông tin thú vị. Mặc dù blog của khóa, ngay từ lúc có hình hài, cũng với mục đích là nơi giao lưu, ai cũng có thể đăng bài, nhưng nhìn chung mọi người quan niệm viết bài lên đó phải cân nhắc về văn phong, lời lẽ. Tốt nhất viết trên facebook, nhẹ nhàng mà nhìn thấy ngay. Mà đó lại là sở hữu của chính mình.
Các thành viên phụ trách Blog (Bloggers) chúng tôi nhận thấy một thuận lợi là qua đây Blog sẽ đăng một số bài trên facebook của các bạn trong khóa nếu được phép. Làm điều này có 2 ưu điểm:
1) Nhiều bạn trong khóa chưa hoặc không có facebook do chưa quen hoặc không muốn dùng.Các bạn đó có thể đọc tin trên Blog
2) Làm phong phú thêm nội dung log. Thông qua Blog, cung cấp các bài viết của các bạn trong khóa mà các bạn đó với tư cách là tác giả
Để vẫn đảm bảo tính riêng tư của thông qua Blog, cần phải có những phân loại nhất định. Chúng tôi tạm chia thành các loại như sau:
Loại A: Đưa được lên Blog. Loại này bao gồm, ảnh chụp phong cảnh cảnh thiên nhiên, các miền quê, các quốc gia, hoạt động xã hội cùng các bài sưu tầm từ các nguồn tư liệu khác nhau. Loại này phù hợp với mục tiêu chính của Blog.
Loại B: Có thể đưa lên Blog. Loại này bao gồm các bài viết và các ảnh có tác giả về các hoạt động chung, giao lưu bạn bè . Loại này khi đăng, Bloggers sẽ hỏi ý kiến tác giả.
Loại C: Không được phép đăng. Loại này bao gồm các bài viết mang tâm sự riêng, các cảm nghĩ về những vấn đề xã hội, nhân thế, các ảnh riêng tư về cá nhân hay gia đình. Nếu tự tiện đăng, các Blogger có thể làm mất niềm tin của những bạn thân của mình. Chỉ khi chính tác giả đăng hoặc nhờ trợ giúp của các Blogger để đăng.
Và nhiệm vụ mới thêm của các Blogger là lựa chọn các bài đăng theo các tiêu chí trên.
Vậy khi xem Blog, nếu có ý kiến gì, xin các bạn phản hồi ngay cho chúng tôi.
Ý kiến xin gửi về địa chỉ email: bloggerK22@gmail.com.
Rất mong sự quan tâm của các bạn.
Blogger K22
"Bờ-Lôc-Giơ(Blogger)" nói với "Phây-s-bukơ (Facebooker)",
Xin nắm tay nhau đi tới những bến bờ !
Xin nắm tay nhau đi tới những bến bờ !
Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014
ĐÊM PARIS
Jacques Prévert
Nhà thơ Pháp (1900- 1977)
Ba que diêm lần lượt đốt trong đêm
Que thứ nhất để nhìn rõ khuôn mặt em
Que thứ hai để nhìn rõ mắt em
Que thứ ba để nhìn rõ môi em
Và sau đó là bóng tối
Nhớ lại tất cả khi ôm em vào lòng...
Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014
LÁ THƯ NGƯỜI THẦY
Vào giữa năm 1974, những ngày học căng thẳng trong khu
nội trú trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nhận được lá thư của thầy Luân, tôi rất
xúc động.
Những năm đầu của tuổi sinh viên, xa gia đình,
mới chia xa tuổi học sinh, vẫn bộn bề nỗi nhớ, bỡ ngỡ với những mối quan hệ. Khu
nhà cấp 4 lợp fibro xi măng. Mới chớm hè mà nóng vã mồ hôi. Một phòng chừng 40 m2
với khoảng 15 giường tầng. Nắng ngoài sân hắt vào nhà như táp lửa. Quạt trần chạy
ì ạch. Vẫn phải chúi đầu làm bao nhiêu bài tập, vì các thầy giao bài đơn giản là theo chương. Lại
còn phải bước đầu làm quen với cách học mới trong trường đại học. Lá thư của thầy
là nguồn động viên tôi rất nhiều.
Trong thư, thầy kể về công việc của thầy sau khi rời trường cấp
III Nguyễn Trãi trong việc triển khai công tác giáo dục ở Khu 5. Mỹ vừa rút khỏi
Việt Nam, ta và ngụy quyền giằng co giữ đất. Trong những đợt đi công tác Hoài
Châu, Hoài Hảo- Bình Định được thầy chia sẻ về những gian khổ mà đồng bào nơi
đây( đặc biệt các học sinh) phải gánh chịu cùng sự cảm phục về tinh thần anh
dũng của họ. Trong thư thầy lạc quan nói về
vùng giải phóng rộng lớn, nhân dân phấn khởi vì được mùa lúa ngô và thầy
còn kể về tình hình giáo dục nơi đây. Trong thư, tôi còn thấy thầy tâm sự:” Đoạn
đường công tác vừa qua cho thầy nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức thực tế mà
trước đây thầy vừa bước chân đến khu 5 rất ngỡ ngàng”.
Nhớ những
ngày học ở trường cấp III Nguyễn Trãi, bọn tôi được thầy dạy môn Toán. Sao ngày
ấy, bọn tôi được nhiều thầy cô dạy giỏi, nhiệt tình và tâm lý học sinh đến thế.
Thầy là một trong những giáo viên để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Bài giảng
nào cũng được thầy truyền thụ với lời lẽ rõ ràng, khúc chiết, đặc biệt nhấn vào
những ý chính của mỗi bài, và cả những kỹ năng học môn toán của thầy. Còn nhớ, có bài kiểm tra đại số gồm 2 phần: lập
công thức tính toán và sau đó thay số, rút thước tính logarit để có được kết quả.
Phần đầu tôi làm thì ổn, phần sau thì do rút thước chập choạng nên cho kết quả
sai lệch. Thế mà tôi vẫn có điểm khá. Tôi có trao đổi với thầy, được thầy rất nhẹ nhàng giải thích:” Với
mỗi người, trước hết là khả năng tư duy, sau đó mới là kỹ năng tính toán”. Tới
nay, tôi thấy điều đó càng rõ, nhất là học sinh việc tính toán đã quá thuận lợi,
làm gì cũng chỉ bật máy tính tay lên là xong!
Không những vậy, trên lớp, thầy vẫn trao đổi với học
sinh những chuyện thường ngày. Thầy có kể, khi hỏi con thầy học để làm gì, con
trả lời “để phục vụ đất nước”, thầy nói, nếu phục vụ đất nước thì con có thể ra
đi làm ngay, hót rác cũng được, còn việc học, đầu tiên là học cho con, để con
trở thành người. Những phát biểu đó ngày ấy đâu phải dễ “tiêu hóa”. Thế mà thầy
lại “tâm tình” với học sinh!
Cuối thư, thầy gửi gắm vào lời nhắc phương pháp học đại
học khác hẳn cách học ở phổ thông nên phải có cách học phù hợp:” phải biết nhớ,
biết suy luận, biết đọc sách không chỉ bó gọn vào bài giảng của cán bộ giảng dạy”.
Tôi thật sự cảm động từ lời khuyên chân thành của thầy.
Khi chúng tôi đã trưởng thành, mỗi đứa đã đi theo con
đường của mình, tuổi học trò vẫn gọi chúng tôi đến bên nhau. May mắn là bên
chúng tôi vẫn có những người thầy, người cô cùng chia sẻ trên bước đường đời.
Những cuộc hội quân của bạn bè cùng trang lứa cũng có thày cô đến chung vui. Thầy
vẫn tham gia sinh hoạt cùng khóa như những bạn đồng học khi có dịp. Trước những
thành công của lớp lớp học sinh , thầy vẫn luôn vui mừng và chia sẻ. Những dịp
gặp gỡ nhau, thầy vẫn cùng ôn lại kỷ niệm và có những trao đổi chân thành. Đáng nhớ là tháng 5 vừa qua, thầy cùng với
khóa 1972 rong ruổi từ Thành phố HCM lên Đà Lạt, qua mũi Né với sức khỏe và lòng
nhiệt tình , chúng tôi phải nể phục. Thầy vẫn bám sát học trò, chúc mừng thành
công của học trò, chia sẻ tâm tình trên Facebook .
Hôm nay, dẫu cho nhiều bạn đã khẳng định vị trí của mình trong
cuộc sống, nhưng với thầy cô, họ luôn coi mình vẫn là những người trò với bao kỷ niệm với thầy cô và mái trường mình học. Thầy là
một trong những người đã giúp chúng tôi vững vàng hơn trong cuộc sống! Tấm lòng tri ân thầy cô cũng là một tài sản quý giá của mỗi học trò !
BàngHS
Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014
TIN BUỒN
Vô cùng thương tiếc báo tin, bố chồng bạn Bích Hạnh lớp 10A mất do tuổi già sức yếu!
Lễ viếng tổ chức từ 11h30 đến 13h ngày thứ 5 (27/11/2014) tại nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Lớp 10A đi viếng Cụ tập trung lúc 11h45.
Ban Liên lạc lớp 10A
Xuân Hoa
Lễ viếng tổ chức từ 11h30 đến 13h ngày thứ 5 (27/11/2014) tại nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Lớp 10A đi viếng Cụ tập trung lúc 11h45.
Ban Liên lạc lớp 10A
Xuân Hoa
Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014
TRI ÂN THẦY CÔ
Mỗi khi tháng 11 ùa về….
Hình ảnh người thầy chủ nhiệm đôn hậu, tận tuỵ lại trở
về trong tâm trí chúng tôi .Dù Thầy đã đi xa, nhưng khi gặp lại những người
thân của Thầy, chúng tôi vẫn thấy như Thầy đang hiện hữu đâu đây … vẫn ấm áp tình thầy
trò !
Thầy ơi! em vẫn đi tiếp con đường của Thầy, ngày ngày
vẫn quẩn quanh với lũ trò nhỏ.
Thầy ơi! Chúng em nhớ Thầy...
Học trò lớp 10G bên vợ và con trai út của Thầy
Hình ảnh Thầy Hà Mạnh Tâm trước lúc đi xa 10/1999 |
Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014
CHÚC MỪNG THẦY CÔ
Chúng em Lớp 10 B và các bạn Khóa 1970 - 1972 Nguyen Trai Hanoi - Kính dâng các THÀY ,CÔ những tình cảm thiết tha nhất , lòng biết ơn , tôn kính tới các THÀY ,CÔ . Kính chúc các THÀY ,CÔ cùng gia đình niềm vui , hạnh phúc , khang minh , trường thọ —
Vũ Thái Hà (10B)
=========
Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1479885942260483&set=np.112970950.100001323360521&type=1
Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014
Chúc Mừng Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11
K1972 Nguyễn Trãi Ba đình Hà nội, Chúc Mừng Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11
Các bạn không xem được các bạn vào đường dẫn sau :
Blogger K1972 Nguyễn Trãi.
Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014
PHÙ SA MẶN
Bloggers xin đăng lại những cảm nghĩ về những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ của anh Xuân Lăng-một học sinh trường Thiếu sinh Quân Nguyễn Văn Trỗi.
"Xin thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70) đã hy sinh nơi cuối nguồn của những dòng sông: Bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) liệt sĩ Huỳnh Kim Trung đã hy sinh năm 1972. Bên bờ sông Thạch Hãn chảy qua Thành cổ Quảng Trị là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ Bùi Hữu Thích, Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh, Đặng Bá Linh, Y Hòa...
Tôi là một người may mắn được trở về sau những ngày ấy."
Phan Tất Thành st
Kể đi sông ơi! Tôi muốn nghe tất cả
Hỡi con sông cõng nặng phù sa,
Xứ Quảng Trị - dẫu quen mà rất lạ
Bao lớp người qua, bao lớp đất bồi.
Tôi đến bên sông với tâm trạng bồi hồi
- Đâu rồi nhỉ? Đâu rồi lịch sử?
Sông vẫn chảy mặc nhiên dáng trầm ngâm tư lự!
Hãy kể tôi nghe… dù chỉ đôi lời…!
Tôi vẫn biết: Trong suốt cuộc đời
Sông cũng như người: Buồn vui đủ cả.
Có khác chăng:
- Sông đục phù sa mùa hạ.
- Sông trong xanh nổi đá mùa đông.
Nhưng sông ơi! Sông có còn nhớ không?
Những đồng đội tôi đến bên sông ngày ấy
Những con người đầu trần, lưng cháy
Những ”thiên thần” đi xuyên bóng đêm!
Có phải vô tình? Hay lâu quá sông quên?
Như con nước vẫn đổ xuôi về biển…
May có lớp phù sa - phù sa còn lưu luyến
Giữ lại trong mình bao kỉ niệm xa xăm!
Thời gian trôi qua khỏa lấp tháng năm
Nhưng phù sa đến hôm nay còn mặn
Mang trên mình vết thương chưa lành hẳn
Lẫn xương, máu bao người
nên phù sa có vị mặn… Sông ơi!
Đồng đội tôi bao người đi xa rồi
Nhưng sông không bồi - mà sông chỉ lở
Những con người trẻ trung từng làm nên bão tố!
Họ ở đâu bây giờ?
chỉ có phù sa mới nói hộ sông thôi.
Tôi muốn xới lên bao lớp đất bồi
Để tìm dấu chân những đồng đội cũ
Tìm những hương hồn bao năm yên ngủ
Họ vẫn chưa về sau cuộc chiến tranh?
Tôi đang đi trong vô tận mầu xanh
Nghe phù sa vẫn thì thầm kể mãi:
- Đây nơi quân vào, đây nơi vượt bãi…
Tôi như trôi trong huyền thoại…
chơi vơi!
Sông vẫn vô tình đổ nước về khơi
Đâu có biết tôi đang đi ngược dòng chảy.
Bởi có phù sa!
lớp phù sa rực một màu đỏ ấy!
Vẫn mặn mà với bao chuyện đã qua.
Ai đó trên sông đang cất tiếng ca
Hát về chiến công của một thời xa ấy.
Câu hát tỏa lan - xôn xao - sóng dậy.
Như lớp phù sa – chập chờn mãi
… trong tôi!
Quảng Trị, 8-2002
Xuân Lăng
Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014
Mùa Thu Nhớ Bạn
Mùa Thu Nhớ Bạn
Đoàn Thanh Liêm
Đoàn Thanh Liêm
Mùa Thu chợt đến - lòng man mác
Nhớ Hà nội xưa - thuở thiếu thời
Bạn bè năm ấy – giờ đâu nhỉ?
Kẻ vắng người còn – dạ khó nguôi!
ĐĐH st
Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014
Giai điệu thơ Tiệp Khắc
trong lòng Việt Nam
trong lòng Việt Nam
(Lời bạt Tuyển tập thơ Séc &
Slovakia
của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng)
“Nếu như mỗi bài thơ đã là một
định nghĩa về thơ
thì liệu mỗi bản dịch không chỉ định
nghĩa lại mà còn là một định nghĩa khác về thơ?
(Đ.Q.)
Hai chữ “Tiệp Khắc” thân quen
Thay cho “Séc và Slovakia ”,
tôi dùng chữ cũ “Tiệp Khắc”. Hai chữ hết đỗi thân quen và tự hào của cái thuở
ban đầu 60 năm trước cho tới thời hoàng kim trong giao lưu văn hóa, chính trị
và xã hội giữa hai đất nước Việt Nam và Tiệp Khắc những năm 1980. Đó
cũng là tuổi đời, là đoạn đời đẹp nhất mà Nàng thơ Tiệp Khắc dành cho người
dịch và biên soạn cuốn Tuyển tập thơ Séc
& Slovakia([1]).
Bia Tiệp; Pha lê
Tiệp; và Hiến chương 77 - Cách mạng Nhung 1989 - Tổng thống Václav Đó là 3 hình
ảnh đầu tiên về Tiệp Khắc trong thời đương đại. Với văn nghệ sĩ,, còn là Liên
hoan phim quốc tế Karlovy Vary; là Antonín Dvořák - nhà soạn nhạc quan trọng
nhất của mọi thời kỳ, có tác phẩm From
the new world từng theo những bước chân đầu tiên của loài người chinh phục
Mặt trăng; là Franz Kafka - nhà văn gốc Do Thái, người tạo nguồn cho chủ nghĩa
Hiện sinh; là Milan Kundera - nhà văn nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc hiện đại; và
là Jaroslav Seifert - công dân Tiệp Khắc đầu tiên với tư cách nhà thơ đoạt Giải
Nobel về Văn học năm 1984. Thật tự hào cho 18 triệu chủ nhân của 2 ngôn ngữ Séc
và Slovak trên toàn thế giới.
Trong hàng ngũ các Đặc sứ Nàng thơ Đông Âu & Nga đang xuất hiện trở
lại Việt Nam vào các năm qua như Tạ Minh Châu của Ba Lan, Thụy Anh của Nga,
Nguyễn Hồng Nhung của Hungary, Phạm Kỳ Đăng của Đức… đang có thêm Do.honza Đỗ
Ngọc Việt Dũng của Tiệp Khắc.
Dịch giả Việt-Tiệp
Tự bản chất, mỗi bài thơ đã là
một đơn vị nhiều ý nghĩa; ngay trong cùng một văn hóa, một ngôn ngữ cũng đã có
nhiều cách hiểu một bài thơ. Do vậy, việc dịch thơ thường bị coi là bất khả thi.
Nhưng cũng tự bản chất, như một yếu tố văn hóa, thi ca có tính giao lưu; mà
dịch thuật chỉ như một cái giếng lộ thiên cho các dân tộc khác tới cùng hân hưởng
nguồn-thơ của dân-tộc-nguồn. Ai sẽ là người đào giếng, khơi mạch nước ngầm? Chính
là các dịch giả tri âm tri kỷ. Bao đời nay, giữa thế giới thi ca nhân loại, hàng
ngàn dòng thơ đã được hiển lộ trong ánh mắt của những kẻ yêu thơ ở mọi vùng đất
nước rất xa khác nhau.
Giờ đây, dường như lần đầu tiên, đang
tới với bạn đọc tiếng Việt là một tuyển dịch hệ thống và cụ thể dòng thơ Séc - Slovakia
từ cuối thế kỷ 19 đến nay, qua chừng 40 tác giả tiêu biểu với gần 150 bài thơ.
Trước Do.honza Việt Dũng, ít thấy
người dịch tiếng Việt chuyên tâm dịch thơ và giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp các
thi sĩ Tiệp Khắc. Nếu có, chỉ với một số ít tác giả nổi tiếng (như J. Neruda,
V. Nezval) được “quá giang” trong một tuyển chọn nào đó về thơ thế giới. Hai
thập niên nay, theo chúng tôi được biết, có 2 dịch giả nối tiếng và chuyên
nghiệp đã là chủ nhân của 4 “bộ sưu tập” tiếng Việt cho thơ Tiệp hiện đại: đó
là Dương Tất Từ - chuyên gia dịch văn học Tiệp từ 40 năm nay, và Diễm Châu - nhà
thơ kiêm dịch giả tiếng Pháp của hàng chục dòng thơ trên thế giới, trong đó có
thơ Tiệp Khắc.([2])
Do.honza vốn không phải
là dịch giả chuyên nghiệp, chỉ vừa chính thức gia nhập làng văn Việt Nam
vài năm nay. Nhưng việc dịch thơ Tiệp Khắc trong anh lặng lẽ cả chục năm rồi,
với lòng yêu đất nước, văn hóa và con người Tiệp Khắc mê đắm. Vị Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam , ông Martin
Klepetko từng nói: “Gọi Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng là người Việt hay người
Czech đều được.”
Đọc dịch phẩm này,
chúng ta thấy văn hóa và thi ca Séc đã vào anh sâu, nhuyễn. Lời ý thơ được chuyển dịch trầm bổng bám theo nhịp điệu thơ
Việt mà vẫn du dương dẫn bạn đọc đến tinh thần của nguyên bản. Vì người dịch
chủ trương phá thi điệu thơ Séc nên độc giả hay gặp phải các chỗ bí vần thơ
Việt. Để khắc phục điểm yếu tất yếu đó, Do.honza như đã tìm ra sự thông đồng
giữa hai ngôn ngữ Việt-Séc vốn rất khác nhau về gốc gác, cũng như sự giao thoa
giữa hai tình cảm dân tộc vốn không trùng nhau về phong độ. Anh đã khiến
chúng ta cảm nhận được thơ Tiệp Khắc trong từng tác giả, trào lưu, thời kỳ. Ở
đây, điểm nhìn của người dịch không thuần túy từ một người Việt rành tiếng
Tiệp. Đọc một vài bài hay toàn tập sách này, có thể ai đó khác thị hiếu hoặc
khắt khe khi thẩm định thơ chuyển ngữ, song tôi tin là họ đã thấy vẻ đẹp và sự ẩn
mật của cái gọi là thi ca.
Trên bình diện
quốc gia, Tuyển tập đang làm cho hai Nàng
thơ của hai đất nước trở thành bạn hữu thật sự. Đang mang tới các bạn yêu thơ,
những người làm thơ và quan tâm đến thơ, trong đó có tôi, một địa chỉ đầy ý
nghĩa về văn hóa và hữu ích về nền thơ Tiệp Khắc trong 100 năm qua.
Nhân ngày 2/9 vừa qua trên truyền hình VTV4 vị Phó Đại sứ
Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Karel Šrol cho biết bản thân ông và Bộ ngoại giao
Séc trong khi theo dõi văn hóa Việt-Séc chưa thấy ai vừa đủ tiếng Séc lại có
khả năng thơ hòa nhập đến thế. Và như trong bài tựa cho cuốn sách, nhà nghiên
cứu Việt học Ondřej Slówik Nam nhận định: “Quyển sách Tuyển tập thơ Séc & Slovakia do bác Honza dịch là một tác phẩm
rất đặc biệt tổng quát thơ ca bằng tiếng Tiệp từ thế kỷ 19 đến nay. Kể tới bây
giờ, chưa bao giờ có người Việt nào dịch thơ Tiệp kỹ như thế này.”
Trong bài bạt cho một
tuyển dịch khác, chúng tôi đã mạn phép đề xuất một loại barem dịch thơ: “Nếu
dùng ba tiêu chí Tín, Đạt, Nhã từng rất thân thuộc và khả dụng trong dịch
thuật, nhưng theo hai hướng đi ngang và đi lên Tín --> Đạt --> Nhã,
ta tạm cho rằng: Tín là đúng nội dung và văn bản của bài thơ cùng phong cách,
ngôn ngữ của nhà thơ (Tín: 6-7 điểm). Đạt là truyền thi cảm và chuyển hóa ít
nhiều nhịp điệu (Tín + Đạt: 7-8 điểm). Nhã là như một tác phẩm thơ của ngôn ngữ
đích (Tín + Đạt + Nhã: 9-10 điểm).”
Theo cách đó, và dù không
có khả năng đọc nguyên tác tiếng Séc - Slovak, chúng ta có thể cho rằng người chuyển ngữ Do.honza đã chọn cách
dịch Tín mà vươn tới Đạt trong sự cố gắng rất cao để có Nhã. Hầu hết các bản
dịch trong tuyển tập đều có nội dung của vấn đề thơ và đạt tính thơ về nghệ thuật.
Như vậy, Tuyển tập thơ Séc & Slovakia là ấn
phẩm nhiều ích lợi. Hữu ích là tiêu chuẩn cao nhất cho các tác phẩm tuyển chọn.
“Các
nhà thơ - chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi.”
Đó là quan điểm
của J. Seifert từng sáng rõ trong Diễn từ Nobel
Văn chương 1984([3]). Chúng
tôi xin trích dẫn hơi dài, bởi khó có thể ngắn hơn nếu muốn hiểu người Séc nói
về mình, về thơ ra sao:
“Nhiều người,
nhất là người nước ngoài, thường hỏi tôi: làm sao có thể giải thích tình yêu
lớn lao mà dân tộc chúng tôi dành cho thơ ca; làm sao ở chúng tôi có thể tồn
tại không chỉ lòng quan tâm đến thơ ca, mà là cả một nhu cầu đối với thơ ca. Có
lẽ, chỉ có thể giải thích rằng đồng bào tôi có một năng lực hiểu thơ ca lớn hơn
bất cứ dân tộc nào khác. Theo tôi nghĩ, đó là một hệ quả của lịch sử dân tộc
Séc chúng tôi trong suốt 400 năm qua, và đặc biệt là sự phục sinh dân tộc của
chúng tôi vào đầu thế kỷ 19. Việc mất độc lập về chính trị trong thời kỳ Chiến
tranh ba mươi năm đã khiến dân tộc chúng tôi bị mai một thành phần tinh hoa
nhất về tinh thần và chính trị của mình.”
“Tuy nhiên, vào
đầu thế kỷ 19, cuộc Cách mạng Pháp và thời kỳ Lãng mạn đã khai mở trong chúng
tôi những nguồn xung lực mới, khiến dân tộc tôi một lần nữa lại quan tâm đến
những lý tưởng dân chủ, đến ngôn ngữ và văn hóa của mình.”; “Thơ ca là một
trong những thể loại văn học đầu tiên của chúng tôi được hồi sinh.”;
“Ðiều đó giải
thích sự tôn sùng ở nước tôi đối với thơ, và uy thế cao vời mà suốt trong thế
kỷ trước người ta vẫn gán cho thơ. Nhưng không phải chỉ trong thế kỷ trước thơ
mới đóng vai trò quan trọng. Thơ cũng nở rộ huy hoàng cả vào đầu thế kỷ này và
trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, qua đó trở thành phương thức quan trọng
nhất để biểu hiện nền văn hóa dân tộc của chúng tôi trong Thế chiến thứ hai,
thời kỳ mà nhân dân chịu nhiều thống khổ và chính vận mệnh dân tộc chúng tôi ngàn
cân treo sợi tóc.
Mặc cho mọi hạn
chế từ bên ngoài, mặc mọi thứ kiểm duyệt, thơ đã thành công trong việc tạo lập
những giá trị mang đến cho con người niềm hy vọng và sức mạnh. Cả sau chiến
tranh - 40 năm trở lại đây - cũng vậy, thơ chiếm một vị trí rất quan trọng
trong đời sống văn hóa ở nước tôi. Dường như sứ mệnh tiền định của thơ, thơ trữ
tình không chỉ là nói với con người một cách gần gũi nhất, một cách thân thiết
đến cùng cực, mà còn là nơi ẩn náu sâu thẳm và an toàn nhất của chúng tôi, nơi
chúng tôi tìm sự cứu rỗi trong những nghịch cảnh mà thậm chí đôi khi chúng tôi
không dám tìm tên gọi.”;
“Các nhà thơ,
các nhà trữ tình chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi, nói lên
khát vọng dân tộc của chúng tôi trong những thời đại đã qua và vẫn đang tiếp
tục định hình ý thức đó cho mãi đến ngày nay. Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự
thông qua cách trình bày của các nhà thơ.”
Người Việt, thơ
Việt - hơn ai hết, hơn gì hết - rất đáng ký tên chung dưới những dòng chữ máu
và hoa đó!
Các
khuynh hướng thơ Tiệp Khắc
Trong Tuyển tập có gần đủ các trường phái, trào
lưu trong sáng tạo nghệ thuật thơ hiện đại thế giới: Lãng mạn, Tượng trưng,
Hiện thực, Siêu thực, Hiện sinh, Vô sản, Hiện thực xã hội chủ nghĩa… Cho dù đa
số các tác phẩm được chọn mang giai điệu trữ tình và dịu dàng tưởng như thuần
cổ điển. Cho dù với một số tác giả ở hẳn trong các khuynh hướng siêu thực, tượng
trưng nhưng cũng được chọn các tác phẩm và được diễn dịch “trữ tình hóa” theo phong
cách truyền thống vốn là sở trường của người dịch.
Khác hẳn với thơ
Mỹ - Canada , với sự tiến
triển đều đặn của mình thơ châu Âu từ cuối thế kỷ 19 đến nay là loại thơ dễ đọc
với độc giả Việt Nam
vốn từng tiếp nhận trực tiếp thơ hiện đại từ “lò” thơ Pháp. Thơ Tiệp Khắc là
tiêu biểu của nền thơ châu Âu trong vẻ thân thiện về tư duy và đậm cảm xúc về ý
niệm.
Phần tiểu sử cuộc
đời và sự nghiệp văn học của các tác giả được trình bày kỹ càng, đa dạng. Cả về
dung lượng lẫn nội dung đều có thể xem như phần độc lập của cuốn sách. Có không
ít tiểu sử tác giả (như O. Březina, J.
Neruda, K. Hlaváček) được giới thiệu như các bài tổng quan xinh xinh. Gần 40
chân dung thơ là cả xã hội, chính trị, văn hóa Tiệp Khắc trong một thế kỷ được thu
nhỏ.
Qua Tuyển tập, độc giả thấy nổi trội nhất là
dòng thơ trữ tình Tiệp Khắc bao gồm ảnh hưởng từ trào lưu Lãng mạn “gốc” cho
đến mọi phong cách lãng mạn sau đó cho đến nay. Vì thế có thể gọi đây là tập
thơ tình yêu.
Khuynh hướng thứ
hai từng làm nên sức mạnh và vị trí thơ Tiệp Khắc trên trường quốc tế là dòng
thơ Tượng trưng, được nảy sinh và phát triển đồng thời với trào lưu chung của
Pháp và thế giới hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Với nhiều tên tuổi nổi
danh thế giới như: O. Březina – “được xem
là một trong những hiện tượng lớn nhất của thơ ca thế giới”([4]),
rồi đến J. Vrchlický, S. Antonín , K. Hlaváček…
Khuynh hướng siêu thực Séc có hai
người “khổng lồ” dẫn đầu là V. Nezval, J. Neruda. Chủ nghĩa lãng mạn hồi sinh
có K. Erben là đại diện. Mạch thơ Ngôn ngữ tạo hình mới có tên tuổi lớn là V. Holan.
Khuynh hướng Hiện sinh với O. Fischer, J. Kainar… Nền thi ca vô sản qua J.
Wolker là đại diện tài ba nhất. Dòng thơ đương đại Tiệp Khắc với các tên tuổi:
M. Válek, J. Simon, J. Žáček, V. Hrabě, H. Krchovský… Dường như chỉ còn khuynh
hướng Hậu hiện đại là không có mặt, nếu không tính P. Horáková mang đôi chút
tâm thức sáng tác ngoại biên hóa.
Do tính chất đối
lưu của các thi pháp nên không chỉ ở thơ Tiệp Khắc việc xếp đặt tác giả vào các
trường phái luôn luôn bị bấp bênh, trừ một vài trường hợp rõ rệt. Danh sách
trên chỉ tiện dụng cho các độc giả đang làm quen với thơ Séc - Slovakia .
Thơ
Tiệp Khắc nói gì
Không có nhiều
đề tài qua thơ được chọn vào Tuyển tập.
Người biên soạn có thiên hướng tình yêu (nam nữ, tổ quốc, gia đình), về thiên
nhiên, về sự sinh tồn và nhân sinh... Chúng ta phần nào nhận ra, trong thể trữ
tình, thơ Tiệp Khắc nghiêng về diễn tả sự việc đời thường với cảm xúc nhẹ,
lắng. Tình tứ không mạnh mẽ, thê thiết như thơ tình của Nga. Không dữ dội và
sắc cạnh như thơ Đức. Không cụ thể, triết lý thoáng hài hước như thơ Ba Lan...
Chất lãng mạn Tiệp Khắc có lẽ dựa trên cảm xúc tương lai mà không quên trực
giác hiện tại khi nhìn về cổ điển? Thơ là người. Thơ Tiệp Khắc thể hiện bản
tính người Tiệp Khắc an hòa, dễ tính, có phần giản dị; biết lánh đau thương để
tìm chỗ tồn tại.
Dù ở thời kỳ,
khuynh hướng nào, tạng thơ trong Tuyển
tập quả là theo phương châm: “Thơ
không viết ra để các nhà thơ và nhà phê bình văn học tiêu thụ với nhau trong
một cái nồi úp kín mà ở đó cái gì đó đang lên men mốc giống như Viện hàn lâm
Pháp… Thơ viết ra dành cho bạn đọc”. Đúng như nhận định của Seifert nêu ở
trên: “Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của các nhà thơ.”
Tuyển tập như một “tập đại thành” xinh
xắn về tình cảm và tình yêu của người Séc -Slovakia để bạn có thể tin cậy dùng
làm quà tặng trong Ngày lễ tình yêu. Và viết đậm lên đó câu thơ của khôi nguyên
Nobel văn học 1984 Jaroslav Seifert từng thảng thốt: “Nàng thơ muôn năm, tình
yêu muôn năm!”
Các nhà thơ Tiệp Khắc - Ai là ai…
Tuyển tập là chân dung kép về các thế hệ trữ tình Tiệp Khắc dọc thế
kỷ qua. Một bức ảnh chung của đại gia đình các tác giả thơ hiện đại Séc - Slovakia (dù phần Slovakia còn rất ít ỏi). Mỗi người
mỗi kiểu thơ, và đều là thơ Tiệp Khắc chính hiệu. Không lẫn được.
Bằng tình yêu
chân thành và sinh động, Do.honza Việt Dũng đã chọn lựa giữa cả ngàn được gần
40 nhân vật cùng hành trang ngôn ngữ Séc - Slovakia của họ, để mời họ “nhập
tịch” vào xứ sở Việt Nam trong tiếng Việt đáng yêu này.
Đây cũng là lần đầu tiên, độc giả
đại chúng cũng như giới văn học chuyên nghiệp Việt Nam có được một tuyển chọn
tiểu sử văn học cùng đôi nét đời thường của các đại diện thi ca hiện đại Tiệp
Khắc. Trong đó có một số tên tuổi lừng lẫy và đa số là những tác giả làm nên
một nền văn hóa xuất sắc nhưng chưa có dịp được biết tới ở Việt Nam.
“Bàn về thơ, tuy
cần chú trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính và tình.” Chu Thần
Cao Bá Quát bảo vậy, từ xưa. Tính và tình ở mỗi thi sĩ Séc - Slovakia có thể thấy phần nào qua
tiểu sử văn học. Để minh họa cho tính và tình trong thi phẩm đi kèm.
Cũng như trong
mọi xứ thơ khác, mỗi thi sĩ Tiệp Khắc là mỗi mảnh đời tư và gia thế, mỗi nghề
nghiệp và quan điểm. Như người thường, họ đều có sự sống cái chết không ai
giống ai. Trong xã hội Tiệp Khắc thế kỷ 20 với quá nhiều thăng trầm, nhiều
người an lành suốt đời với dòng văn nghệ chính thống; lắm kẻ chọn vị thế loài
lề trọn kiếp; cũng nhiều vị giao lưu trung tâm - ngoại vi. Cái quý của họ là
luôn trong tư cách thi sĩ, tác phẩm của họ có tên chung: thi ca Tiệp Khắc. Dẫu
có nơi có lúc bị dập vùi. Đúng nghĩa, họ là những người thơ, của một đất nước
thơ.
Mời bạn đọc ngắm
nhanh lại các nét mặt sáng rỡ giữa những người thơ đó, trước khi thưởng thức
lại một số sáng tác thi vị nhất của họ.
Vítězslav Nezval
(1900-1958): “Nhà thơ Séc có tên tuổi, nhà
văn và nhà biên dịch, đồng sáng lập viên Chủ nghĩa thơ ca và là nhân vật đứng
đầu chủ nghĩa Siêu thực (Surrealismus)”. Với người viết bài này, trong thuở
đầu đời khi vừa biết thơ tình và biết yêu đã may mắn được đọc bài thơ nức danh
Nezval qua bản dịch “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” của thi sĩ kiêm
dịch giả tài hoa và tinh tế là Tế Hanh: bài Lời
từ biệt và chiếc khăn. Dạo đó với tôi thơ Tiệp là Nezval, là Lời từ biệt và chiếc khăn. (Xem tiếp
phần sau).
Jan Neruda
(1834- 1891): “Nhà thơ nổi tiếng Séc và
nhà báo của thế kỷ 19”; “Có cuộc đời cảm thấy không được đánh giá và từ đó
phát triển theo hướng quan hệ tiêu cực với mọi người. Ông có vấn đề với rượu.
Phần lớn cuộc đời sống trong khó khăn.”; “Thơ Neruda chứa đầy những hoài nghi và bi quan, mà đôi khi đi vào các
giới hạn của thuyết hư vô.” Bạn có biết? Một thi nhân người Chile ,
khi chưa thành thiên tài thế giới đã quá mê Jan Neruda của Tiệp Khắc mà chọn
bút hiệu là Pablo Neruda!
Otokar Březina
(1868-1929): “Nhà văn, nhà thơ Séc; bằng
công trình thơ của mình ông đã hoàn thiện chủ nghĩa hình tượng Séc dẫn tới sự
chuyển biến chung của văn học Séc.”; “Điều thú vị là ông đã 7 lần được đề cử
(1916, 1917, 1918, 1920, 1921, 1925, 1928 và 1929) giải Nobel về văn học.”;
“Những thử nghiệm tác phẩm văn học đầu tiên của ông trong các năm 1883-1887
thuộc nhóm giá trị khó nhất của chủ nghĩa hình tượng văn học châu Âu.”
Jiří Wolker
(1900-1924): “Nhà thơ, nhà báo và nhà
viết kịch người Séc; một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Séc năm
1921.”; “Là người đại diện tài năng
nhất của nền thi ca vô sản.”; “nhìn thấy một thế giới đầy mâu thuẫn, trái
ngược, thế giới của đói nghèo và đau khổ, cần được thay đổ”; Wolker trong linh
cảm trước cái chết gần kề đã tự viết dòng chữ để khắc lên mộ mình: ‘Nơi đây yên
nghỉ Jiří Wolker, nhà thơ, người từng yêu thế giới và cho sự công bằng của nó
mong muốn đấu tranh, nhưng trước khi có thể tuốt trái tim của mình ra chinh
chiến, anh chết trẻ ở tuổi hai tư!“
Jaroslav Seifert (1901-1986): “Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, biên dịch Séc;
đồng sáng lập viên Chủ nghĩa thơ ca”; “học nhiều trường trung học nhưng không tốt nghiệp vì hay bỏ học. Trong
thời gian đó ông lang thang đến các quán bia Praha sáng tác thơ để đổi lấy bia.”; “Trong những năm 1920 được đánh giá
là đại diện chính của nền nghệ thuật tiên phong Tiệp Khắc. Tháng 3 năm 1929
cùng 6 nhà văn thơ hàng đầu khác của Đảng bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản vì đã
ký vào Manifest sedmi (Tuyên ngôn bảy người) phản đối việc bolševich hóa trong
lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Tiệp Khắc.”; “1968-1970 là Chủ tịch Hội nhà văn
Tiệp Khắc. Năm 1976 nằm trong những thành viên đầu tiên của Hiến chương 77.”; “Năm
1984 được trao Giải Nobel về văn học”.
Miroslav Válek
(1927-1991): “Nhà thơ Slovakia, ký giả,
nhà biên dịch, người tổ chức văn hóa, nhà chính trị, người đại diện có tên tuổi
của thi ca hiện đại Slovakia”;“1969-1988 là Bộ trưởng Văn hóa”; “1989 là Chủ
tịch Hội nhà văn Tiệp Khắc”; “tự nguyện rời bỏ chính trị trước tháng 11/1989.”
Vladimír Křivánek (1951-): “Nhà thơ, nhà văn,
sử học, nhà phê bình, giáo sư đại học, biên tập và dịch giả”; góp phần
kiến tạo và chỉnh sửa bốn tuyển tập hàn lâm ‘Lịch sử Văn học Séc 1945-1989
in sách bằng tiếng Bulgary,
Ba Lan và Việt Nam.”; “2008-2011 là Chủ
tịch Hội Nhà văn Séc.”
Petra Horáková (1986-): “Giáo viên giảng dạy nghệ thuật cho trẻ em
và thanh thiếu niên, giám đốc chi nhánh của tổ chức phi lợi nhuận đồ họa và vẽ
tranh tại Plzeň .”
Và, độc giả có
nhận ra không: trong các thi sĩ tham dự Tuyển
tập, số nữ sĩ nổi danh như Petra Horáková rất ít ỏi. Chẳng lẽ Nàng thơ Tiệp
Khắc chỉ “yêu” phái mày râu?
Hoa Tiệp đất Việt
Trong “công viên hoa” Tiệp được nở mọc trên
đất Việt hơn nửa thế kỷ qua, “vườn hoa” Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng vừa xuất
hiện, đang còn hiếm hé ra các đóa thật đặc sắc nhưng đã cống hiến cho khách
làng hoa một dung nhan hiền hòa, thanh lịch và đa sắc.
Mời độc giả cùng
thưởng ngoạn các bông-hoa-thơ Tiệp mà chúng tôi cho là đẹp nhất từ đây…
Trong dịch thuật
không thể chỉ có một con đường, một đích đến. Thêm lần nữa, xin ví von về việc
dùng tiêu chí Tín - Đạt - Nhã khi dịch chuyển các loài giống hoa-văn-học đến xứ
sở có đất có nước khác hẳn mà vẫn gìn giữ được Dáng - Sắc - Hương của chúng.
Do.honza đã linh
hoạt áp dụng định nghĩa của Fyodorov thường được nhiều người chấp nhận: “Dịch
là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác
(đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình
thức.” Với hầu hết các văn bản, anh đứng ở giữa tác giả và độc giả, giữa ngôn
ngữ Việt và ngôn ngữ Séc. Tức là, không tái sáng tác đưa bài thơ tiếng Séc đến
một đời sống Việt; mà cũng không duy trì nghiêm ngặt nguyên tác từ nhịp điệu
(cái bất khả trong dịch thơ) đến ngôn ngữ, phong cách. Với vị dịch giả Séc-Việt
này, dịch là bắc cầu, là sáng tạọ; người dịch không hẳn là đồng tác giả mà
thường là “dấu phẩy của tác giả”. Song, cũng như nhiều người dịch khác, không
hiếm khi Do.honza vẫn thử tài vận may khi lao vào hai thái cực mà ngay các bậc
cao thủ cũng phải nhắm mắt chờ sự bất ngờ của thành tựu. Bùi Giáng tiên sinh là
hiện tượng rõ nhất. Chính tính “phập phù” đã làm cho bộ môn dịch thuật trở nên
nghệ thuật hơn, như ở lãnh vực sáng tác.
Trước tiên là
bản dịch thú vị nhất trong Tuyển tập:
Đó là bài Bài ca (Chim đưa thư) của Seifert được in trang trọng nơi bìa
cuối với bản chuyển sang thể lục bát. Bên trong sách cùng bản này còn có 2 bản
ở thể 5 và 7 chữ. Duy nhất của Tuyển tập,
một bài thơ có tới 3 bản dịch. Vì sao? Vì là bài thơ hay trước đó nhiều người
đã dịch. Vì tác giả là chủ nhân Giải thưởng Nobel danh giá. Vì cùng “gu” với
dịch giả; v.v…
Bạn hãy đọc lại
thi phẩm Bài ca qua 4 bản dịch tiếng
Việt nữa, từ 4 dịch giả khác([5]): Dương
Tất Từ và Lương
Duyên Tâm trực tiếp từ nguyên bản tiếng Séc; Diễm
Châu và Thân Trọng
Sơn qua bản dịch tiếng Pháp. Dương Tất Từ chọn cách dịch trung dung theo quan
niệm chuẩn của Fyodorov. Ba vị còn lại đều theo xu hướng chung thủy với nguyên
tác không chỉ về nội dung, ý nghĩa cả về nhịp vần và nhất là cấu trúc trong thể
thơ tự do. Cả 4 bản dịch đó, vì thế, có điểm chung thường được coi như một tiêu
chí: đọc biết ngay là thơ dịch.
Do.honza như cố
tình khác những người đi trước khi đã chọn 3 thể vần điệu đặc thù Việt. Và rồi
anh “thành chính quả” ở thể Việt tính nhất: lục bát. Chưa so sánh nguyên tác,
chỉ so với 6 bản dịch kia ta cũng thấy rằng, với bản lục bát người dịch đã tập
trung vào nhu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch và thêm bớt, xô lệch nguyên tác.
Bản dịch bài Bài ca của Seifert đã làm sang giá cho lục bát
Việt. Đó cũng là một “bài thơ” mới và hay, đứng cạnh bài thơ cũ đã hay rồi. Thi
ca Đông và Tây gặp nhau tại đây!
Bàn thêm:
+ Hỡi những
ai đã từng ly hương rồi hồi hương, nếu không khóc ra nước mắt thì cũng nén vào
máu mủ hai câu sáu-tám này: “Cùng bao
tuyệt vọng trên đời/ Ta hồi hương trở về nơi quê nhà”. Cảm ơn Do.honza Việt
Dũng! Cảm ơn Jaroslav Seifert! Ai đã khóc đã nén nhiều hơn ai? Trong chúng ta…
+ Tôi yêu bản
lục bát Do.honza. Tôi thích bản Diễm Châu. Tôi quý bản Dương Tất Từ.
+ Ba bản của Do.honza mang 3 cung bậc
khác nhau ở cùng một trạng thái. Hai bản kia chưa nhuyễn về nghệ thuật thơ,
nhất là bản 7 chữ còn vài chỗ gượng. Hồn vía “bài thơ” tiếng Việt của bài thơ Bài ca nguyên tác tiếng Séc đã về hết bản lục bát
rồi!
+ Trong Tuyển
tập, còn một bản dịch lục bát nữa (bài Khoảng cách yêu thương của Wolker). Cũng là một bài thơ mới trong
tiếng Việt. Lời nhuần nhụy nhưng chưa được như bài Bài ca; có lẽ do nguyên tác chưa là một bài thơ hay? Mà cũng khó
đoán biết, dịch là “phập phù”.
Bài Vĩnh biệt và chiếc khăn tay của Nezval:
Vẫn với chủ thể chiếc khăn vẫy
trong chia lìa. Đấy từng là thơ tình nằm lòng của kẻ viết bài này, với tên Lời
từ biệt và chiếc khăn([6]). Thời
đó, bài thơ nằm trong luồng lãng mạn tuyệt vời trôi đến Việt Nam từ trời Âu tân tiến và cuốn hút.
Nó ngây ngất đi vào sổ chép thơ của đủ lứa tuổi, tầng lớp để rồi xuất hiện trên
báo chí, tuyển tập thơ. Tiếng ngâm lời đọc thổn thức trong các cuộc họp, các
buổi chia tay, các đêm cuối cùng… giữa một đất nước phải lâm chiến từng ngày
rồi lại hậu chiến trong xung đột biên giới tứ bề. Cái quý nhất là ở chỗ, Lời từ biệt và chiếc khăn thuộc vào
không nhiều các thi phẩm chính thống mang phong cách ngôn ngữ và sắc thái tình
cảm khác nhưng không quá lệch so với các sáng tác “chuẩn”, mà Cuộc chia ly màu đỏ của thi sĩ Nguyễn Mỹ
từng làm biểu tượng.
Gần như trung
thành với nguyên tác, hai bản dịch có cùng kết cấu và thi điệu. Khí thơ, cú
pháp và cách cảm, đọc lên thấy ngay là thơ dịch của phương Tây, nhưng không
“Tây gỗ” mà là Tây-Việt! Chữ và câu của bản Do.honza đôi chỗ chưa “lụa” bằng
bản của tiền bối nhưng toàn bài đã phả ra tình lứa đôi dưới trời Âu mang hồn
nhân loại. Giữ được chất Nezval. Bản của Do.honza mang nỗi đau mạnh, dứt khoát
hơn, và từ tâm trạng trai gái với cái Tôi cá thể. Bản của Tế Hanh đã “xã hội
hóa” nó trong cái Ta trữ tình rộng khắp.
Hai câu cuối
của khổ đầu thú vị đáo để! Ý tứ tinh vi trong nguyên tác được hai dịch giả chuyển
sang cung bậc đồng tình nhưng không đồng nghĩa. Do.honza: “Vĩnh biệt em dẫu có hẹn mai đây/ Anh không đến có thể người khác đến.”
Lời dịch mượt, bảo toàn ý tứ của tác giả; cho thấy sự khuất phục của anh con trai
thua cuộc mà vẫn hào sảng. Tế Hanh: “Từ biệt nhé và nếu còn gặp nữa/ Không phải
ta đấy trở lại đâu nào.” Trên cả tuyệt vời! Dịch giả đã dùng tay thơ “lụa” của một
thi nhân để bẻ ghi đưa ý tứ sang không gian tình cảm khác. Không chỉ bằng chủ
thể Ta, còn dùng cả dạng phủ định. “Không phải ta” của Tế Hanh chính là “người khác” của Do.honza được dịch gần
đúng từ “jiný host” (người chủ khác) của Nezval. Giản dị và trong sáng, da diết
và đau đớn. “Không phải ta” tức là “địch” rồi, là cái thằng đàn ông khác sẽ thay
thế “ta” ngự trị trái tim nàng. Các nam thanh nữ tú, hãy bình thản đón nhận
những lời từ biệt, những cái vẫy khăn để lên đường đến với một số phận khác,
đang chờ. Thi sĩ Nezval đã khuyên như thế!
Bài Cái chết hát ca của Fischer:
Bản dịch tỏ ra chạy theo kịp với cơn bão từ ngữ và hình ảnh của “nhà phù
thủy” Otokar Fischer trong văn học kinh điển châu Âu. Âm điệu thơ là tiếng vọng
từ các số phận an bài dưới Đấng tối cao, nhắc độc giả Việt nhớ đến những bài
thơ điên của thi sĩ bạc mệnh Hàn Mặc Tử. “Cái
chết hát ca soi gương nước rừng hoa (…)/ Cạn máu, chờ khô, dây đàn Chúa ngân
nga.” Bản dịch hầu như không có vết nhăn dù phải xử lý tạng thơ truyền thống
Séc với nhiều dụng điển.
Bài
Hoàng hôn bên biển của Dyk:
Có thể vào danh
sách các bản dịch đặc sắc trong trang thơ tiếng Việt đương đại. Một tiểu trường
ca dồn dập trong dịu dàng, khốc liệt trong thanh thản. Bài thơ khá dài nhưng
đọc không ngại, vì tứ thơ mang tính truyện rất hoàn hảo, kịch tính cao mà vẫn
lãng mạn. Người dịch đã dìu chúng ta theo từng cơn sóng thi điệu của Việt ngữ
đến với bản sắc văn hóa Tiệp Khắc đập trong mỗi lời mỗi nhịp.“Lớp sóng tám vỗ về và vui vẻ/ Vào mắt em,
lên bầu vú trẻ non”. Độc giả Việt Nam được biết thêm một triết lý về
sự vượt thắng số phận, về giới hạn cuối cùng của thành bại trong cuộc sống qua
biểu tượng trữ tình là “lớp sóng chín”.
Tôi còn yêu
thích các đóa hoa thơ Tiệp từ người chuyển giống trồng cây Do.honza, như: Bài Đêm xuân của Březina; Đôi giày - Con người, Phụ nữ, Thân tặng (Neruda); Tình yêu ốm yếu (Holan); Từ điển tình yêu (Nezval); Tiếng Séc; Có thể (Simon); Gọi đường dài (Sýs); Hội Thoại (Seifert); Cô gái dậy thì (Peterka); Vào
thu, Có thể anh tự sướng (Horáková);
Danh sách (Kainar); Trở lại (Fischer); v.v…
“Chuốt,
chuốt nữa, chuốt mãi”; hay là “Mẹ chăm bé gái”
Để Tuyển
tập tốt hơn nữa, chúng tôi xin thử nêu một số hạn chế, thiếu sót mà các tuyển
tập dịch thuật ít nhiều dính phải trong lần đầu xuất bản.
Dù theo phương
cách nào, bản chất của dịch là dịch lại. “Chuốt,
chuốt nữa, chuốt mãi…” Có lẽ nên là phương châm đầu tiên.
Lâu rồi, mỗi khi
động tới vụ việc dịch thơ lại dựng lên trong tôi hình ảnh một người đàn anh,
“bạn thư viện”. Gần như hàng ngày, anh đến Thư viện Quốc gia - Hà Nội. Khi trọn
cả ngày, khi chỉ nửa tiếng… Đọc sách, nghiên cứu phục vụ nghề khí tượng thủy
văn của anh. Và mỗi lúc giải lao, hoặc chán cái mớ công thức tích phân lằng
nhằng, anh lại lôi ra từ túi áo complet, hay túi sau quần, một cuốn sổ tay be
bé để dịch… thơ. Vâng, thơ. Thơ Pushkin. Chỉ Pushkin mà thôi. Anh dịch hàng
trăm bài; giống một người dịch chuyên nghiệp nào đó. Khác, mỗi bài đều dịch ngót
chục lần; với các bài “đinh” thì hàng chục lần. Cứ vậy hàng năm, hàng năm… Có
đôi kỳ giáp Tết, sau Tết, thư viện hóa thành chùa Bà Đanh. Vẫn thấy anh ngồi đấy,
cúi xuống Pushkin của tiếng Việt. Dạo đó tôi nghĩ rằng, có thể hiểu anh phần
nào và không thể hiểu nổi cuốn sổ nhỏ của anh. Giờ thì ngược lại. Không hiểu
anh. Hiểu cuốn sổ nhỏ như một vật được anh dùng để trau chuốt bản dịch.
Cũng dạo đó mẹ
tôi thì bảo anh ấy vuốt ve bản dịch như bà
mẹ Việt Nam chăm sóc bé gái của mình; từ phút lọt
lòng đến ngày bé thành con gái, từ ngày bé lên xe hoa đến ngày bé sinh con của
bé, rồi đến ngày con bé thành con gái, rồi lên xe hoa…
Đầu thế kỷ trước
bậc thi bá Tản Đà đòi hỏi “Lời văn chuốt đẹp như sao băng”. Đa phần cánh sáng
tác giành đặc quyền chuốt tùy hứng tùy tính. Chứ dân dịch thuật không chuốt, e
không ổn. Cả khi bản dịch đã xuất bản, đã nổi tăm vang tiếng.
Ngoài việc chuốt
lời, tôi còn thấy Tuyển tập cần được
chuốt bài nữa. Tức là cần tinh tuyển tác giả, tác phẩm hơn. Thêm người cần
thêm, bớt bài cần bớt… Các hợp tuyển là vậy, cứ lọc ra lựa vô hoài hoài…
Đọc Do.honza
dịch, tôi liều mà đồ rằng anh dịch-bài theo quan niệm chân phương của Fyodorov, còn dịch-chữ thì theo kiểu phóng túng “dịch thơ giống như
làm thơ”. Thế là hài hòa. Dịch giả tự chọn phương cách riêng, miễn sao có
bản dịch đáng là bản dịch. Có điều, kiểu dịch chữ đó không
có thao tác dấm dứ, nhấc lên hạ xuống. Tôi vẫn hằng tin, dịch thơ ẩn
trong mình nó một hành trình các chuỗi ngập
ngừng. Có những tiểu-ly-âm, tiểu-ly-từ đã
nuôi sống cả một bản dịch thơ. “Đấy” và “đâu” là các tiểu ly âm, tiểu ly từ như
thế trong câu thơ dịch của Tế Hanh. “Không phải ta đấy trở lại đâu nào”. Dịch, không còn là diệt là giết theo cái nhìn hà khắc nữa! Trong
Tuyển tập tôi cũng đã tìm được một số
trường hợp, mà chưa đáng kể.
Nếu thơ
là dòng suối tuôn trào tự nhiên thì dịch thơ là đài phun nước có điều khiển ở
đâu đó mà những kẻ dạo bước trong khuôn viên thi ca khó nhận ra. (Trong rừng
thơ dịch trên trái đất này, chắc chỉ có Trung niên thi sĩ là dịch như thác lũ!)
Nếu thi sĩ là kẻ hành pháp, là ngài bộ trưởng, là vị tướng quân phóng tay thực
hành một sắc lệnh, một chiến dịch thì giới dịch giả như hệ thống tư pháp, như quan
tòa phán xét, chuyển hóa các thực thi công lý của ngôn từ và tình cảm con người.
Phần tiểu sử chân dung tác giả cũng còn không ít
chỗ cần hoàn thiện; như dẫn nguồn tư liệu, nhuận sắc ý, câu…
Điều nữa, lẽ thường tình, ông chủ nhà hàng nào thực
đơn nấy. Tuyển tập phải thuộc về thị
hiếu của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng, người dịch - biên soạn và cũng là nhà thơ
song ngữ Việt-Séc tham gia vào đấy như tác giả của 4 sáng tác về tình ái, khát
vọng sống. Phong cách trữ tình khiến bộ sưu tập thiếu vắng các thi phẩm bừng lên
những biến động khi gai góc nhân quần, lúc sinh tử chiến tranh của xã hội và
con người Tiệp Khắc suốt thế kỷ qua mà bài Diễn từ Nobel của Seifert nêu trên đã gióng giả như những lời cuối cùng còn
có thể nói ra được. Trong tập sách, 4 bài thơ của Seifert (Bài ca, Biển, Chiếc nhẫn mẹ để lại, và Hội thoại) ca tụng tình yêu, hạnh phúc qua
những chân lý nhân bản và quả là chưa hết tầm thi nhân, như vinh danh của Viện hàn
lâm Thuỵ Điển và đánh giá của dư luận văn giới. Các bài thơ thời cuộc, chính
trị của ông từng “mô tả hình tượng rành mạch của tinh thần và sự đa dạng không
thể khuất phục của con người”, và “mang ý thức độc
lập, biết dùng ngôn ngữ thơ ca làm vũ khí hữu hiệu để đấu tranh vì nền độc lập
cho Tổ quốc Séc”.
Làm bạt
Nhiều năm trước, tôi từng có bài thơ Làm bạt cho đời - để nói bao nhiêu dòng
thơ của đám thi sĩ chúng ta nếu như được đời cho phép cùng dự phần, thì may lắm
là làm lời bạt cho pho-sách-cuộc-đời.
Nay tôi đang có hãnh diện nho nhỏ được
làm “trang bạt” cho người đồng nghiệp - người anh em, dịch giả Do.honza Đỗ Ngọc
Việt Dũng, trong một dịch phẩm nồng thắm về tình cảm, cao cả về ý tưởng và đáng
giá về nội dung: Tuyển tập thơ Séc &
Slovakia của Nhà xuất bản
Hội Nhà văn năm 2014.
Đỗ Quyên
[1]) Sẽ được gọi tắt là Tuyển tập ở nhiều chỗ trong bài.
[2]) Dương Tất Từ có 2 dịch phẩm thơ: tập Thành phố tội lỗi - thơ Tiệp Khắc thế kỷ
20, NXB Thế Giới, 2000; và Seifert: Làm
thi sĩ, tuyển thơ và hồi ký, NXB Văn Học, 2007. Diễm Châu có tập Thơ Vladimír Holan,
NXB Trình Bầy, 1992; và nhiều thơ dịch từ một số nhà thơ Tiệp Khắc đương đại,
như J.
Seifert, A. Bartušek… Có thể kể thêm dịch giả quen thuộc khác của văn học
Séc là Lương
Duyên Tâm, và gần đây là dịch giả Thân Trọng Sơn.
[3]) Jaroslav Seifert: Về trạng thái bi tráng và
trạng thái trữ tình của tâm thức; Trần Tiễn Cao Đăng dịch
từ tiếng Anh, vietbao.vn 13/11/2007.
[4]) Các câu in nghiêng trong dấu ngoặc kép là trích từ Tuyển tập thơ Séc & Slovakia.
[5]) Bản dịch của Dương
Tất Từ tại nguoibanduong.net 2/2/2009; Diễm
Châu: tienve.org; Thân
Trọng Sơn: vanviet.info 25/7/2014; và Lương
Duyên Tâm: luongduyentam.blogspot.ca 8/3/2014.