Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

NHẮN BẠN

 Ngày mai (2/9 Tân Sửu), trọn 2 tháng Thục ra đi kể từ ngày ấy. Đại dịch quái ác đã cướp đi sinh mạng người bạn thân thiết của chúng mình. Xin trải lòng cùng các bạn về một bài thơ mình tặng Thục trên đường hành quân vào nam năm 1975.


Thân tặng Thục

Vừa nhận được thư cậu gửi về

Định viết trả lời nhưng không kịp

Dòng chữ cậu dường như rất gấp

“Đừng vội trả lời, thất lạc thư”

.

Cậu đã đi xa thật rồi ư?

Vào trong ấy chắc lắm điều mới lạ

Đời bọn cậu thật sung sướng quá

Bàn chân in trên khắp mọi miền

.

Dặn dò cậu đã có chính trị viên

Mình chỉ trao vài lời ngắn ngủi

Lời thằng bạn thư viết chưa kịp gửi

Lời học trò nói với quân nhân

.

Trên đường đi hẳn sẽ gặp khó khăn

Đường đất quanh co có nhiều vực thẳm

Biển rộng thai nghén nhiều bão lắm

Cậu đi cần cẩn thận nhớ không?

.

Miền Nam mình vừa giải phóng xong

Mìn và đạn vãi nhiều nơi chưa biết

Đừng chuộng lạ mà lơi là cảnh giác

Dẫu tâm hồn học sinh còn ngự trị trong mình

.

Và cuối cùng mình nhắn cậu thêm

Khoa học quý không kém gì sức khỏe

Hãy nhớ lấy lời mình Thục nhé

Đừng để mỗi ngày vô vị trôi qua

.

Hồ Sĩ Bàng

Hà Nội, 29/7/1975

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

NHỚ BẠN


Một ngày tháng 4/1975, tại sân trường đại học Bách khoa Hà Nội, tôi tiễn Thục, người bạn thân lên đường nhập ngũ, chuẩn bị cho đợt tổng tiến công mùa Xuân của đất nước. Hai đứa học với nhau từ nhỏ, cùng là học sinh cấp III Nguyễn Trãi và cùng là sinh viên Bách khoa, nay phải xa nhau. Thục lăn lộn nơi thao trường, rồi sẽ lao vào chốn hiểm nguy, còn mình vẫn ôm sách mỗi giờ lên lớp. Ngay những khi bận với công việc, vẫn thoảng nhớ người bạn thân phương xa.
Vậy mà giờ đây bạn đã đột ngột ra đi, ra đi thật rồi. Vô cùng thương tiếc bạn. Mong bạn an lành nơi cõi trời.
Bài thơ này, tôi viết những tháng ngày không quên đó.
.

NHỚ BẠN

Thân tặng Thục
Sao không thấy cậu thư về?
Chờ tin cậu từng giờ từng phút
Ngày lại ngày qua thật là sốt ruột
Mà thời gian cứ chầm chậm trôi qua

Khi hoàng hôn buông xuống dãy phố xa
Nam nữ sóng đôi đi qua trước cửa
Mình vẫn mong có một ngày nào đó
Hai đứa mình cũng sẽ sóng đôi ?

Cũng có khi nói chuyện vui cười
Tình bè bạn chung nỗi niềm tâm sự
Tim dừng lại khi mình vừa chạnh nhớ:
“Giá cậu bạn mình cũng có ở nơi đây!”

Có những khi sách vở ở trên tay,
Bỗng hình ảnh cậu dập dồn xô đến,
Những kỷ niệm giận hờn, lưu luyến
Quyện vào nhau như mới có hôm nào.

Mình chỉ mong sao cho những buổi chiều
Đừng đẹp quá cho lòng mình thêm nhớ,
Mình muốn kéo dài những giấc mơ kỳ lạ
Thấy hai đứa mình nói chuyện cùng nhau.

Hiện giờ cậu đang ở nơi đâu?
Vòm trời nào xanh trên đầu cậu ?
Mỗi đêm ngắm nhìn sao Bắc Đẩu
Cậu biết chăng, mắt mình cũng dõi nhìn ?

Kể làm gì cho thêm nhớ thêm thương
Người bạn sớm trưa gội sương, gội nắng,
Lưng áo mồ hôi đọng màu bạc trắng
Rạo rực tâm hồn mỗi tối liên hoan.

Chúng mình đã đến tuổi trưởng thành
Mỗi cánh chim bay một miền Tổ quốc
Nhưng tình bạn làm sao xa rời được,
Hai đứa mình mãi mãi bên nhau.

Đừng gán cho mình mang nỗi nhớ u sầu
Vì tình bạn mang cho mình sức mạnh
Và nỗi nhớ, ấy là niềm kiêu hãnh
Dắt mình đi tới những ngày mai...

Trên đường hành quân vượt những dặm dài
Xin đem nỗi nhớ của mình làm bông hoa trước mặt


Hà nội, 8/9/75
HỒ SĨ BÀNG

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

NGẬM NGÙI-XÓT XA

 

Trung Thục ơi, sao bạn vội ra đi

Để thương nhớ cho bao người ở lại

Tim chúng tớ cứ quặn đau, trống trải

Thương bạn hiền nằm đó đơn côi

Bạn bè nhiều nhưng không được đến nơi

Nhìn lần cuối bạn xa rời nhân thế

Thương nhớ lắm nhưng làm sao có thể

Tiễn bạn về miền Cực lạc Tây Phương

K 22 tim cứ mãi vấn vương

Tự hỏi lòng sao lại như thế nhỉ

Cách mấy hôm còn luận bình khí thế

Trên Zalo tương tác với nhau mà…

Thôi thế từ nay cách biệt rồi

Người bạn chân quý của chúng tôi

Còn mong chi nữa ngày hội ngộ

Âm dương cách biệt xa ngàn khơi

Vĩnh biệt bạn nhé, Trung Thục ơi

Thanh thản ra đi tận cuối trời

Gặp lại vợ, con, cùng bạn học

Nguyện cầu nơi ấy, bạn yên vui

10/8/2021

Bạch Kim Dung




NHỚ EM TRUNG THỤC

 

Tôi đươc quen biết Cụ nội của Thục nhiều năm khi cụ công tác

ở ban Kinh tế TƯ. Tôi vẫn qua lại như người thân. Xinh Vĩnh biệt TRUNG THỤC.


*****< NHỚ EM TRUNG THỤC >*****

Ngày tôi dạy toán Bàng và Thục

Đã đến thăm tôi ở Ngọc Hà

Đã hiểu thương nhau thành bạn hữu

Đã một năm ròng . Nhớ lúc xa

Ta đi trận mạc em cầm súng

Thầy trò vẫn thế đồng tâm mà

Chiên Thắng , gặp nhau mừng hết nói

Giờ đây vĩnh biệt xót lòng ta

********

Ta thương lớp H ngày xưa áy

Những bạn nằm đâu ở chiến trường

Kẻ mất người còn. Mơ vẫn thấy

Lần này biệt Thục dạ như tương

Không quên lời hẹn thăm nhau đã

Mãi mãi còn là nỗi nhớ thường

Cảm tạ Hồ Bàng : tin Thục mất

Mùa sen đã lụi tơ còn vương

(10/8/2021 Luân)

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Vĩnh biệt họa sĩ biếm Trung Kần

 

Tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cười vừa nhận được tin họa sĩ biếm Trung Kần đã ra đi hồi 16 giờ ngày 9-8-2021.

Đây là một mất mát cho báo Tuổi Trẻ Cười cũng như Câu lạc bộ Họa sĩ biếm mà ông đã tham gia từ lâu.



Họa sĩ biếm Trung Kần trong buổi họp mặt CTV báo Tuổi Trẻ Cười Xuân Canh Tý 2020


Họa sĩ Trung Kần sinh năm 1955 tại Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn Trung Thục. Ông vốn là một kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, từng du học ở Tiệp Khắc trong những năm 80. 

Ông đã góp mặt với Tuổi Trẻ Cười ngay từ ngày đầu thành lập tờ báo. Sau này, ngay cả khi công tác tại một ngành nghề không liên quan đến hội họa, báo chí, họa sĩ Trung Kần vẫn đều đặn sáng tác biếm họa cho tờ báo Cười. Khi đã nghỉ hưu, ông càng thêm hăng say với lĩnh vực sáng tác tranh biếm họa. Tranh ông luôn xuất hiện thường xuyên trên báo Tuổi Trẻ Cười.

Biếm họa của Trung Kần có lúc thì đả kích sâu cay những vấn nạn xã hội, có lúc lại đơn giản chỉ là một tiếng cười thật duyên dáng cho cuộc sống vui tràn.

Tòa soạn Tuổi Trẻ Cười, Câu lạc bộ Họa sĩ Biếm xin thành kính gửi lời chia buồn sâu sắc cùng gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của ông!

Họa sĩ Trung Kần đã về cõi vĩnh hằng nhưng nụ cười hóm hỉnh trong tranh ông sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tích cực cho cuộc sống này ...

Tòa soạn  Báo Tuổi Trẻ Cười.












TIN BUỒN


Đại gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:

Ông: NGUYỄN TRUNG THỤC

(Tức họa sỹ TRUNG KẦN).

Nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ Tân Thuận 2, cảng Sài Gòn.

Sinh ngày: 06 tháng 06 năm 1955.

Nguyên quán: Thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Thường trú tại: 140/4 Trần Huy Liệu, Phường 15, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Đã tạ thế vào hồi 16h10’ ngày 09 tháng 08 năm 2021, (tức ngày 2 tháng 7 năm Tân Sửu) tại TP. Hồ Chí Minh.

Hưởng thọ: 67 tuổi.

Kế hoạch tổ chức tang lễ:

Do những quy định về giãn cách xã hội nên gia đình chưa thể tổ chức tang lễ ngay tại thời điểm này. Khi có điều kiện tổ chức, gia đình chúng tôi xin được kính báo thời gian và địa điểm cụ thể tới thân bằng quyến thuộc và anh em, bè bạn.

Đại diện gia đình,

Em trai Nguyễn Trung Đình


Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

CON HEO ĐẤT

                   
  *     
Thấy bác Tư xách cái giỏ đệm đi chợ để mua sắm đồ Tết, thằng Hoàng từ trong bếp  chạy ra sân nó đưa tay níu cái giỏ rồi nói với bác Tư: 
 -Má đi chợ nhớ mua đồ cho con mặc Tết nghe má, quần áo con cũ mèm hết rồi, Tết mà không có đồ mới thì buồn lắm.   
Nghe thằng Hoàng nói vậy bác Tư lấy tay xoa lên đầu nó rồi bác nói:   
-Má cũng tính mua hà tiện chừa tiền để mua cho con một bộ đồ mặc Tết, nhà mình nghèo nên thiếu trước hụt sau con ơi.  
Nghe bác Tư nói vậy, thằng Hoàng  kéo bác Tư đi về phía căn buồng bên trong nhà rồi nó nói: 
 - Má chờ con một chút, con có cái này phụ với má mua đồ Tết nè.   
    Bác Tư ngạc nhiên vô cùng, vì thằng Hoàng tuổi ăn chưa no lo chưa tới thì nó lấy cái gì để phụ với mình mua đồ Tết nên bác Tư hỏi nó:  
- Hoàng nè, con nói phụ với má là phụ cái gì, tiền bạc ở đâu con có, cha chả có làm gì quấy hông mà có tiền (dậy) ông con?  
    Không trả lời liền cho bác Tư, thằng Hoàng nhanh tay  lật cái rương bằng gỗ ra, nó khệ nệ ôm con heo đất để lên bàn rồi nó hí hửng nói với bác Tư :  
-Đây gia tài của con nè, con không có mần gì bậy bạ đâu má ơi, tiền ba cho con đi học, con không có xài con bỏ hết vô ống heo, chắc cũng khá lắm rồi má.  
   Bác Tư ngạc nhiên vô cùng, bác không ngờ thằng Hoàng lại biết để dành tiền bằng cách này, bác kéo thằng Hoàng vào lòng và hôn lên mái tóc của nó, rồi tự dưng đôi mắt bác đỏ hoe vì xúc động, bác nói :    -Con giỏi ghê má không ngờ con tập tính tốt này từ bao giờ, dậy đó ông bà mình nói tích tiểu thành đại con thấy không, giờ thì muốn mua gì cũng có tiền.  
Thằng Hoàng cười sung sướng vì được bác Tư khen một cách thật tình, nó lấy cây búa đóng đinh của ba nó để đập con heo, bụp..bụp, con heo vỡ toang rồi những đồng tiền xu, tiền cắc rơi đầy trên nền xi măng văng ra tung tóe, Hoàng lấy hai tay lùa những đồng tiền lại rồi bổng dưng gương mặt nó thất thần vì toàn tiền cắc,  tiền giấy thì không còn lấy một tờ, trước tình trạng này nó thảng thốt kêu lên:  
- Ủa sao kỳ vậy cà, sao tiền lẻ không (dậy)? Tiền giấy không còn tờ nào má ơi!  
Bác Tư cũng lấy làm lạ khi nghe thằng Hoàng nói như vậy, nhưng bán tín bán nghi bác Tư gặng hỏi lại nó: 
 -Con có nhớ cho kỹ là có bỏ tiền giấy vô con heo không, bây có nhớ lộn không, nếu con bỏ tiền giấy vô đó thì làm sao mất được .  
Thằng Hoàng tức tối nó nói cho bác Tư biết: 
 - Con có bỏ tiền giấy (dô) rõ ràng, giấy hai mươi đồng, mười đồng, năm đồng, đủ hết má ơi chưa kể giấy một và hai đồng nữa, chắc chắn có ai (dô) nhà mình lấy tiền của con rồi.  
    Nghe thằng Hoàng khai ra những tờ giấy bạc mười và hai mươi đồng, bác Tư hết hồn và đánh dấu hỏi to tướng vì tiền đi học mỗi ngày được giỏi lắm năm cắc bạc, thường thì bác Tư trai cho nó chừng hai ba cắc thì lấy đâu ra thằng Hoàng  lại sở hữu các tờ giấy bạc có mệnh giá lớn như vậy, một là thằng Hoàng  lấy cắp của ai hoặc làm chuyện mờ ám nào đó mới có số tiền lớn kia, bác Tư bắt đầu truy vấn nó: 
 - Hoàng nè, con nói thiệt cho má nghe, tiền đâu con có giấy mười đồng, hai chục, bây khai mau nếu cố tình nói dóc má đánh tróc đít luôn nghe chưa.  
   Nói rồi bác Tư làm bộ giận dữ rút cây roi mây vắt bên vách lá ở hông nhà, bác nhịp nhịp cây roi lên mặt bàn nghe chan chát thấy phát ớn nhằm răn đe thằng Hoàng, thằng Hoàng không ngờ vừa bị mất tiền vừa bị má mình nghi oan mình làm điều bậy bạ gì đó mới có số tiền lớn kia, không muốn má mình hiểu lầm nó khai ra tuốt tuồn tuột :  
 - Dạ thưa má, sở dĩ con có những tờ tiền lớn kia là do ông Năm và ông Bảy ở nhà Cô Ba bán quán cho con đó.  
Bác Tư nghĩ thằng Hoàng cố tình nói dóc để chạy tội và che giấu nguồn gốc những tờ giấy bạc kia, bác Tư gầm gừ :   
-  Mắc chứng gì ông Năm (dới) ông Bảy cho bây số tiền lớn kia, nói thiệt liền không thôi ăn bánh tét nhưn mây nghe con.  
    Điềm tĩnh vì thằng Hoàng biết rõ số tiền kia nó có được do nó làm công cho hai ông hàng xóm, chớ nó nào có làm chuyện bậy bạ đâu mà phải sợ sệt nên thằng Hoàng kể lể : 
  - Má ơi, mấy lúc con với anh Cuộc Mù qua nhà cô Ba quán chơi thì ông Năm với ông Bảy kêu con với anh Cuộc đấm lưng và bóp tay bóp chân cho ông, rồi hai ông cho tiền tụi con, ban đầu hai đứa con không dám lấy vì mỗi khi đến chơi tụi con nằm lên bộ ván ngựa mát cả cái lưng, đã vậy cô Ba quán còn cho bánh ăn chơi nữa, khi hai ông nhờ tụi con đấm bóp mà lấy tiền coi sao đặng, nên con và anh Cuộc mù không lấy tiền, ông Năm và ông Bảy giận nói nếu cho tiền không lấy thì không cho qua nhà chơi nữa, ông Năm nói riết tụi con đành lấy tiền rồi để dành thành ra nhiều lắm đó má. 
 Nghe thằng Hoàng nói vậy bác Tư thở phào nhẹ nhõm, rồi bác tiếc nuối :
  - (Dậy) là mất tiền thiệt rồi, ai cả gan vô nhà mình  lấy tiền của bây, mà cũng kỳ nếu trộm thì nó rinh luôn con heo mất đất rồi, chứ mắc gì mà nó chừa lại cho bây tiền cắc kia chứ.    
Câu hỏi lởn vởn trong đầu, của bác Tư và thằng Hoàng trùng khớp với nhau, họ nghi vấn ba người có thể là thủ phạm, trong đó gồm một người lớn và hai thằng nhóc tì trong xóm.
                                                                               ***
  Bà Năm là người mà hai má con bác Tư đặt nghi vấn nhắm tới, bà thường ghé nhà bác Tư chơi, bà Năm cũng hoàn cảnh nghèo y như nhà bác Tư, tuy vậy thỉnh thoảng bà Năm mang qua cho Bác Tư con cá, trái bầu, tình nghĩa lối xóm chan hòa, những lần bà Năm qua chơi lắm lúc thằng Hoàng  lôi con Heo đất ra nhét tiền vô trước mặt bà, bây giờ mất tiền thì bà Năm nằm trong diện nghi vấn trong đầu nhà bác Tư cũng là điều hiển nhiên, tuy có lòng nghi ngờ như vậy, nhưng bác Tư cũng áy náy trong lòng bởi cái nghĩa cái tình của bà Năm dành cho nhà mình trước sau thật gắn bó, người bị nghi vấn tiếp theo là thằng Ngọc, cũng là người bạn thân tình với thằng Hoàng vô cùng, vì mỗi khi chơi (búng thun), hoặc (tạt hình) hai đứa hùn vốn với nhau, nhiều khi thua hết vốn thằng Hoàng dẫn thằng Ngọc vô buồng nơi để cái rương gỗ, nó lôi con heo đất ra để móc tiền đi mua dây thun hoặc hình nên Ngọc nhà ta được có tên trong thành phần nghi ngờ chôm tiền của thằng Hoàng,  người còn lại là thằng Hướng,  người chót trong danh sách nghi ngờ trên, vì có lần chú Hai "Cắc chú" đẩy xe cà rem đứng ngay chỗ cả đám đang chơi "tạt lon", lúc này trời nắng gay gắt nên Hoàng nhà ta thèm cây cà rem đậu xanh của chú Hai bán, nó rủ rê thằng Hướng vô nhà lấy tiền, cũng con heo đất đó, vậy mà hôm ấy thằng Hoàng móc hoài mà chẳng có xu nào rớt ra, thằng Hướng bày cách cho thằng Hoàng  lấy cây nhíp nhổ râu của bácTư trai ra để thò vô cái khe trên lưng con heo kẹp tiền móc ra dễ ẹt, vì lẽ này cho nên thằng Hướng dính vô vụ mất trộm tiền của thằng Hoàng là điều khó mà chối cãi.   Nghi ngờ như vậy nhưng muốn mở lời hỏi han thì bác Tư rất e ngại, bác nghĩ hỏi thẳng quá thì mất lòng, còn chọn cách nói xa nói gần nhiều khi bà Năm và hai thằng nhóc kia không hiểu, sau khi phân vân so tính thiệt hơn bác Tư chọn cách nói gần nói xa để "Điều tra" vụ này.   
      Hăm ba tháng chạp chợ búa làng quê bắt đầu chộn rộn, phía ngoài đường lộ những chiếc xe bò, xe ngựa chở đồ hàng bông, rau cải, hoa quả, từ trong vườn ra chợ, con đường đất đỏ trước nhà thằng Hoàng suốt đêm nghe tiếng xe bò xe ngựa qua lại liên hồi, tiếng "cút kít " cú bánh xe hòa lẫn tiếng leng keng của mấy cái chuông treo trên cổ con bò con ngựa lúc nào cũng khua vang, đã vậy thỉnh thoảng tiếng của những ông điều khiển xe bò xe ngựa, vang lên cùng tiếng roi đánh chan chát trên lưng các con vật này.   Các bà các cô người "Di cư" gánh những gánh rau muống cao nghệu họ đi thoan thoát trong đêm sương, tiếng chiếc đòn gánh và hai chiếc gióng ở hai đầu kêu kẽo kẹt theo nhịp bước chân của họ, những âm thanh ấy tạo nên sự hối hả của mọi người làm cho các gia đình sống ven con đường phải thức sớm để lo những việc cho ngày tết.   Tình cờ gặp nhau ở đầu xóm, bác Tư thấy bà Năm cầm cây đèn hột vịt từ trong hẻm trờ tới, bác Tư bắt chuyện:
  - Chị Năm cũng đi chợ sớm há, tui cũng đi chợ nè, chị gửi cây đèn cho nhà ông Hai đi, từ đây ra chợ cũng gần sáng rồi, chị cầm theo mắc công lắm, có gì tui nắm tay dẫn chị đi cho.  
     Trên đường ra chợ, bác Tư hỏi dò về con heo đất, bác Tư kể lể thằng Hoàng bày đặt nuôi heo đất mần chi, tiền không có xài mà bày đặt dành dụm chi cho mắc công, nghe bác Tư đả phá việc nuôi heo đất, bà Năm lên tiếng:
    - í cháu nó mần dậy tốt chứ chị Tư, kệ nó thằng Hoàng bỏ nhiêu hay nhiêu chị ơi, thằng Thành nhà tui nó không được cái tánh như cháu Hoàng đâu, có nhiêu tiền nó thồn hết (dô) họng hà chị.  Rồi vô tình bà Năm hỏi tiếp: 
 -  Cháu nó nuôi heo được lâu mau rồi chị, chắc bộn bạc há.  
 Sẳn dịp bác Tư "xổ" luôn :  
  - Nó mới đập heo hôm qua đó chị Năm, chèn ơi nó thấy heo toàn bạc cắc không hà, thằng Hoàng nó nhét tiền giấy (dô) cũng bộn, (dậy) mà đập ra không còn một tờ.  
    Bà Năm nghe vậy bà nói ngay:
 -  Chèn mẹc ơi, (dậy) là có cái quân nào nhám nhúa tay chưn "ẳm" tiền của thằng Hoàng rồi, cái thứ gì bất nhơn quá dậy cà.  
    Nghe bà Năm rủa xả tên "Đạo chích" nào đó quá mạng, bà Tư nghĩ chẳng phải bà Năm là thủ phạm, vì nếu bà Năm có lòng tham thì chẳng lẽ bà tự chửi mình hay sao, nghĩ vậy bác Tư thấy nhẹ lòng vì bà Năm được loại ra khỏi vòng nghi vấn này...  
     Đêm giao thừa, bà Tư cũng gói được vài đòn bánh tét, bà bắt nồi bánh trên mấy cục gạch làm ông Táo trước sân nhà, bà Tư nổi lửa lên, ánh lửa cháy bập bùng bên cái không khí se se lạnh của đêm trừ tịch, thằng Ngọc, thằng Hướng , thằng Hoàng xúm xít quanh nồi bánh, bà Tư vừa canh lửa vừa hỏi dò hai thằng nhóc kia vụ con heo đất của thằng Hoàng, hai thằng nhóc thề bán mạng tụi nó chẳng bao giờ lấy cắp tiền của Hoàng vì biết nhà Hoàng nghèo đồng cảnh ngộ với mình thì lòng dạ nào ăn cắp tiền của bạn..   Vậy là số tiền giấy của thằng Hoàng "ra đi" không hẹn ngày trở lại, tên trộm vô hình nào đó cao tay ấn không để lại dấu vết gì khiến cho việc "Điều tra" của bác Tư đi vào bế tắc .  Bác Tư quan niệm với câu lầm thầm :  "Thôi thì của đi thay người, ai mà lấy tiền của thằng Hoàng mình chắc họ cũng khỗ cực như mình nên mới mượn tạm"  Bác Tư cho rằng việc gì cũng có nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy vì bác Tư thường nghe sư bà ở tịnh thất gần nhà rao giảng như vậy, bác Tư thanh thản trong lòng kêu thằng Hoàng đem trái dưa hấu nhỏ cắt ra cho lũ nhóc ăn lấy hên để bước qua năm mới ....    
 ***   
Ông Hướng treo dây pháo dài gần hai trước trên (ban công) nhà mình, tiếng pháo nhà ông nổ vang cả góc phố, sắp đến giao thừa chuẩn bị dọn bàn thiên ngoài trời để cúng, chợt ông thấy dáng của ai y như ông Hoàng, chừng nhìn kỹ đúng là ông Hoàng bạn chí cốt ngày xưa đã xa cách mấy mươi năm giờ mới gặp.  Mời bạn vô nhà , bên tách trà thơm, bên bánh mức ngon ngọt ông Hướng thiết đãi bạn mình chu đáo, hỏi han hoàn cảnh thì ông Hoàng cho biết từ khi đi vùng Kinh tế mới, đến nơi sơn lâm chướng khí đời sống kham khổ nên một thời gian sau hai bác Tư lần lượt qua đời, còn lại một mình Hoàng cố gắng làm lụng sống đắp đổi qua ngày, gần tết sau mấy mươi năm xa cách, tiềm thức thúc đẩy Hoàng quay về xóm cũ, vật đổi sao dời làng xóm người cũ không còn được lại bao nhiêu người, phần đông người từ phía miền ngoài di dân về nhiều nên lạ hoắc lạ huơ.  Gửi cho bạn một ít tiền để gọi là quà tết, Hoàng quay lại vùng Kinh tế mới sinh sống, ông Hướng từ lúc biết hoàn cảnh thằng bạn thời con nít của mình đang lâm vào hoàn cảnh khốn khó nên ....    
 ***
   Ông Hướng xuống xe đò, theo chỉ dẩn của ông Hoàng nên sau một hồi hỏi thăm người dân họ cũng chỉ ra được nhà ông Hoàng, được chú em nhỏ cho quá giang nên ông Hướng không phải lội bộ vô đến nhà ông Hoàng, sau khi lên mấy đoạn dốc, xuống một vài khe suối ông Hướng đến "căn nhà"  của ông Hoàng, nghe tiếng kêu ông Hoàng tất tả chạy ra sân đón thằng bạn ngày xưa đến sơn lâm cùng cốc để thăm mình, đôi bạn mừng mừng tủi tủi khi nhắc lại chuyện ngày xưa trong xóm nghèo, mấy mươi năm qua tình cảm họ vẫn như ngày nào, sau một hồi cơm nước đạm bạc, hai bạn già ra ngoài sân ngồi uống trà nơi cái bàn làm bằng tre nứa, ông Hướng bổng nhắc lại con heo đất của ông Hoàng, sau khi dò hỏi kỹ lưỡng xem ông Hoàng và bác Tư có tìm ra chút manh mối nào không, ông Hướng nghe ông Hoàng nói : 
 - Trời đất, chuyện lâu lắc dậy mà ông còn nhớ nữa hả, mất tiền tui ấm ức lắm chứ, nhưng má tui nói thôi kệ con ơi của đi thay người, mình còn đôi bàn tay mình sẽ làm lụng có tiền lại thôi, nghe má khuyên dậy tui cũng nguôi ngoai và quên phức lâu lắm rồi . Ông Hướng thở hắt ra một cái thật nhẹ ông trả lời: 
  - Chèn ơi,  cũng là kỷ niệm đáng nhớ đó ông ơi, bác Tư hỏi tui (dới) thằng ngọc (dụ) này,  tui áy náy ghê luôn, lúc đó tui cố làm ra vẻ (dô can) mà bác Tư cũng tin nữa.
   Hớp ngụm nước trà, rồi đưa mắt nhìn lên bầu trời thấy vài vì sao lấp lánh trên không, hít thật mạnh vào buồng phổi làn không khí trong lành của bầu trời đêm miền sơn cước, ông Hướng khẽ nói: 
 -  Hoàng nè, hôm nay mình cố tình lên đây (dới) ông là ( dì)...  
    Nghe ông Hướng nói lấp lửng, nóng ruột vì biết bạn mình sắp nói ra điều gì hệ trọng, ông Hoàng thúc giục :  
- Có gì ông ông cứ nói đi, ai ăn thịt ăn cá ông đâu mà ông sợ:  Nghe đến đây, tự dưng hai hàng nước mắt rươm rướm ông Hướng nói:  
- Tui lấy tiền trong con heo đất của ông ngày xưa chứ ai, tui không dám nhận đã (dậy) còn để thằng Ngọc (dà) bà Năm mang tiếng nữa,  mà tui nói dóc cũng có căn lắm nên bác Tư tin hà rầm. 
     Đến đây thì ông Hoàng cười nhẹ với bạn mình, ông vỗ vai ông Hướng rồi nói:  -Chuyện nhỏ này tui bỏ qua và quên nó lâu rồi, thôi thì ông nói ra nên tui mới nói nha. Má tui biết ông lấy tiền tui chứ đâu, ban đầu tui tính đòi ông dữ lắm, nhưng má nói, thôi con thằng Hướng nó cũng là bạn tốt, nhiều khi nó cần tiền làm gì đó nên nó lấy của con, coi như nó mượn của con đó, nó không trả lại cho con thì sau này cũng có người khác cho con thứ khác.  Nghe xong ông Hướng ngạc nhiên rồi hỏi :
  - Trời, mà sao bác Tư biết hay (dậy):
  Ông Hoàng kể tiếp:
  - Chắc bữa lấy tiền ống heo tui ông cũng không bình tĩnh, ông để lại một vật chứng tố cáo mình mà ông chẳng hay, má tui thấy ông để quên lại nên biết ngay là ông.  
   Ông Hướng hỏi tiếp:
   - Là vật gì :  
    Ông Hoàng chậm rãi kể: 
 - Ba tui cho ông cái Bông vụ (xà beng) giống cái của tui, có điều trước khi cho ông má tui nói phải sơn cái chấm trên đầu Bông vụ cho khác màu, để lúc hai đứa chơi chung biết màu mà phân biệt, cái của ông màu vàng, tui màu xanh, hôm đó ổng để quên kế bên con heo đất của tui, má tui bả có máu thám tử bả đoán ngay chóc luôn.
  Đến đây thì thật sự ông Hướng hoàn toàn kính phục tài năng bà đức độ của bác Tư gái, ông Hướng móc trong túi cái bao thơ dầy cộp đưa cho ông Hoàng, rồi ông nói tha thiết:
  - Hoàng nè, đây là số tiền tui coi như bù đắp lại lỗi lầm của tui khi còn thơ dại, ông nhận cho tui (dui), tui dự tính từ lâu rồi hôm nay mới có dịp thực hiện.   Nói xong ông Hướng ôm chầm ông Hoàng ghì chặt vào mình hệt như hai anh em ruột thịt sau bao ngày xa cách...
    ***  
   Trước mộ phần hai bác Tư, ông Hướng và ông Hoàng thắp nhang cung kính khấn vái, ông thì ăn năn xin tha thứ lỗi lầm, ông thì xin ba má cho mình kết nghĩa anh em suốt đời với người bạn cố tri ngày xưa. Làn khói mong manh bay nhẹ trong gió, tàn nhang uốn cong queo như thể hai bác Tư mãn nguyện và chấp nhận điều cầu xin của hai "trẻ". 
   Bất chợt hai cánh bướm nhỏ vờn bay quanh mộ phần của hai Bác Tư khiến cho hai ông bạn già càng tin tưởng rằng cha mẹ mình đã chứng cho lời cầu nguyện kia bà họ mượn đôi bướm ngầm báo cho họ biết điều tốt đẹp kia .   Lại một cái Tết sắp về trên quê hương, hai ông bạn già lại có dịp gặp nhau để hàn huyên tâm sự, ông Hướng tậu sẳn con heo đất thật bự, nó được sơn và dát vàng, ông bỏ vô đó những tờ giấy bạc mới tinh để tặng cho ông bạn mình, tuy co heo này nhẹ hổng nhưng nó rất "nặng" để ghi dấu lại những ngày xưa thân ái, tuy ai cũng nghèo nhưng tình nghĩa lúc nào cũng sâu nặng vô phương.

                                                                                                                                            Hai Hùng SG  
                                                                                                                                      (Đậu Hoàn Đô st)