Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

"TIẾNG THU" của LƯU TRỌNG LƯ

Trần Đăng Khoa

Nhân kỷ niệm 100 nămngày sinh nhà thơ Lưu Trọng Lư (19/6/1911 - 19/6/2011)







Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ...
Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Nhận định về nghệ thuật thơ ông, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh đã có những nhận xét thật chuẩn xác: "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt giũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy".
Nhận định này dường như đã thành nỗi ám ảnh. Và rồi suốt đời, Lưu Trọng Lư cứ loạng choạng, cứ bập bõm bước trong cái vòng kim cô mà Hoài Thanh đã tiên đoán và vạch ra ngay từ khi ông mới xuất hiện trên thi đàn. Còn về con người Lưu Trọng Lư, thiết tưởng cũng chẳng có ai hiểu ông hơn Hoài Thanh: "Cả đời Lư cũng là một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết".
Quả đúng vậy. Và nếu chọn một bài thơ thơ nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài thơ ra, nó không có gì bấu víu, thì đó chính là Tiếng thu. Đây là bài hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạo trên lá vàng khô...
Bài thơ vẻn vẹn có 9 câu, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn lại so le, các ý trong bài thơ rời rạc, khấp khểnh, chẳng ý nào ăn nhập với ý nào. Nếu cứ theo cách hiểu máy móc của những nhà phê bình quen thói bắt bẻ, cứ đè thơ ra mà tìm tư tưởng, tìm ý nghĩa thì đây là bài thơ "đầu Ngô mình Sở". Đã thế, tác giả còn tỏ ra vụng về. Tỳ vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tý nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông:
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng. Người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần. Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi. Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Bởi nó, chứ không thể ngắm nó bằng lý trí tỉnh táo. Đã không ít nhà phê bình nghiên cứu mang lý trí ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất ngơ ngác này. Có người còn viện đến cả thi pháp học để cố hiểu cho bằng được bài thơ, lấy thi pháp làm chìa khoá mở cánh cửa thực dụng, đi vào cõi mù mờ tâm linh này. Bằng cách vận dụng thi pháp, có người cho đây là bài thơ nói về nỗi cô đơn không có sự chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên bài thơ có 9 câu mà đã có đến 3 câu điệp "Em không nghe":
Em không nghe mùa thu
...
Em không nghe rạo rực
...
Em không nghe rừng thu...

Em không nghe, còn anh thì nghe thấy hết. Nghe thấy hết mà không nói ra được. Đây là cuộc đối thoại mà kẻ đối thoại lại ẩn sau sự câm lặng. Hoặc giả em cũng đã nghe thấy, nhưng anh vẫn hỏi như vậy, nghĩa là anh không hiểu em. Đằng nào thì cũng vẫn cứ là thiếu niềm đồng cảm. Một bên thì thổn thức, rạo rực, kêu xào xác, một bên thì không nghe, không nghe, không nghe, cả con nai ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô, nghĩa là nó cũng không nghe nốt. Hiểu một cách sống sít như thế thì thật thô thiển. Nhà phê bình đã kéo những đám mây ngũ sắc đang bay bảng lảng trong không trung, rồi rải xuống đường làm rơm rạ lót chân, và như thế còn đâu cánh rừng thu, tâm hồn thu cho con nai vàng trú ngụ. Mấy câu điệp khúc ấy thực chất chỉ để tạo giai điệu rất đặc biệt cho bài thơ này. Ở đây, nhạc điệu cũng là một phần nội dung chính làm nên hồn vía bài thơ còn ở góc độ khác, cũng nhìn bằng com mắt lý trí, có người còn cho rằng đây là bài thơ Lưu Trọng Lư thâu cóp của nước ngoài. Thực tế trong bếp núc sáng tác, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người bình luận còn viện cớ rằng: "Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng. Đấy là rừng châu Âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm". Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: "Rừng thu từng biếc chen hồng". Và con nai Việt Nam cũng nhanh nhẹn lắm, tinh ranh lắm, nó đâu có ngơ ngác "đạp trên lá vàng khô"! Ơ hay, Lưu Trọng Lư có nhìn thiên nhiên bằng con mắt thịt đâu! Lại phải mời Hoài Thanh về làm luật sư bào chữa cho ông thôi: "Trong thơ Lư, nếu có cả chim kêu, hoa nở, ta cũng chớ tin. Hay ta hãy tin rằng tiếng ấy, màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng, Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ 20, ngày ngày nện gót trên các con đường Hà Nội mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào".
Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non, Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy và toả hương. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời...




Thu Hoàng st

15 nhận xét:

  1. Hoi học phổ thông mình rất thích bài này và đã chép vào sổ tay nữa cơ đấy .
    Hình tượng ‘’ con nai vàng ngơ ngác’’ mới ngây thơ và đẹp làm sao?

    Tran NTM

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Thu Hoàng sưu tầm được bài phân tích về bài thơ Tiếng Thu của Luu Trọng Lư hay quá!

    Trả lờiXóa
  3. Còn một chàng họ Lưu nữa, có lẽ cũng là bạn của vài người trong K22 chúng ta:
    "Con hơn cha,nhà có phúc"

    Lưu Trọng Ninh: “Ngựa hoang” mỏi gối :
    - “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, dáng vẻ phong trần, bụi bặm - đạo diễn Lưu Trọng Ninh được coi là một người đàn ông bạo liệt. Bạo liệt cả trong tác phẩm và cuộc đời với nhiều giai thoại trong giới điện ảnh. Ngô Hương - vợ cũ của anh - từng gọi anh là “ngựa hoang”, là người đàn ông không phải của gia đình. Vậy mà đã ba năm nay, Lưu Trọng Ninh mua hơn trăm mét vuông đất và rút lui về “ở ẩn” tại Đà Lạt. Rồi lấy vợ, sinh con trai Đan Việt nay đã hai tuổi. Gặp anh ở Hà Nội khi đang làm hậu kỳ cho phim 13 nữ tù, thấy đôi mắt anh dường như “dịu” hơn, thấy vẻ ngoài của anh cũng “hiền” hơn và câu chuyện với anh không khỏi khiến người ta đâm ra băn khoăn, hình như “ngựa hoang” đã mỏi gối rồi?
    (TT&VH Cuối tuần)
    Lưu Trọng Ninh 'xao xác' vì phụ nữ
    "Trong tình yêu tôi luôn là kẻ dại dột, mặc dù trông bề ngoài tưởng là dày dặn kinh nghiệm. Có lẽ những phụ nữ thích tôi là thích sự mâu thuẫn đó. Phim của tôi cũng vậy", đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự.
    (TinNhanh.com)

    Trả lờiXóa
  4. Dung , Liên, Hà ,Nam …các bạn nữ k22 ơi! Trong mắt chúng tớ ngày xưa bạn nào cũng đẹp như con nai ngơ ngác , đẹp như hoa mười giờ. Khiến lòng chúng tớ thổn thức rạo rực ….. mà không dám nói.
    Trần 100 Cây Si

    Trả lờiXóa
  5. Rất trân trọng tình cảm của Bạn Trần 100 Cây Si.Nếu như được trở lại..." ngày xưa " thì Bạn sẽ " ứng xử " với tụi con gái chúng tớ thế nào nhỉ ?
    Trịnh Thị Thanh Tú

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn tình cảm của bạn TRẦN 100 Cây si! Ngày xưa mình rất thích trèo lên cây si trong bách thảo! Bọn mình bây giờ thì vẫn là con hươu ngơ ngác và đẹp như hoa mười giờ...tối. Hì hì...

    Trả lờiXóa
  7. Dung ơi! sao to gan thế dám trèo cây si . Cây đó thiêng lắm vì có ma sống ở trên . Nói trộm vía may mà chưa bị ma vật .

    Trả lờiXóa
  8. Người ta nói " Thần cây đa , ma cây gạo ,cú cáo cây đề ". Cây si không liên quan gì đến ...ma cả. Dung và cac Bạn cứ yên tâm trèo...thoải mái. Đừng ngại sự...đe dọa của Bạn duale.

    Trả lờiXóa
  9. Duale à, Muỗi Ngọc Hà không sợ Ma Bách Thảo. Hơn nữa đúng như bạn Ho nói, cây si thì không có ma và rất hiền...

    Trả lờiXóa
  10. Bạn duale định trèo 1 mình à?, để các bạn cùng trèo với...
    Mình thây bọn trẻ đứa nào vào Bách Thảo cũng thích trèo cây si.

    NT Núi Nùng

    Trả lờiXóa
  11. Cây Si rất đáng quí, rất đáng trân trọng ( đương nhiên là không đáng sợ ). Chỉ riêng việc ..." tự trồng " trước nhà bao Bạn gái đã là rất ...đáng yêu rồi. Có phải không ,các Bạn ?

    Trả lờiXóa
  12. Đúng thế, ai cũng yêu quí cây si, bạn hoasua ạ!
    Nếu mình nhớ không nhầm thì hình như trước cửa nhà của các bạn gái K22 NT không nhà bạn nào có cây si cả? Chắc cây Si „tự trồng“ rồi „tự nhổ đi“ chẳng đứng yên 1 nhà? Hì hì

    Trả lờiXóa
  13. Hổng dám "tự nhổ đi " như Bạn Dung nói đâu. Mà là : Những ( vâng, " những " ) cây Si đáng yêu đó đã được các Bạn gái K22NT " bứng " lên và đem ..." chồng " ở nhà của họ.

    Trả lờiXóa
  14. Cây Si đáng quí như vậy, các bạn gái K22 NT không dám tranh nhau mang về "chồng" đâu, mà mỗi người dứt 1 cái rễ đem về làm kỷ niệm...Hi hi

    NT Núi Nùng

    Trả lờiXóa
  15. Hì hì hì...hà hà hà...hí hí hí...

    Trả lờiXóa