Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

TÁI ÁM ẢNH VỀ MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH

Những kỷ niệm tưởng tượng


(Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras)



Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời
họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu
các nữ y tá nhìn ta
kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói
không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.

Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.

Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa kéo cày vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già.

Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...
Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.

Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống.

Budapest, 4-1983



Ám ảnh và Bất an là hai nguồn nuôi các sáng tạo nghệ thuật sống dài lâu với đời. Cái đầu thường thấy ở thơ; cái sau hay gặp trong văn(1).

Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung là một bài thơ đặc sắc đến… rùng mình! Đọc lời bình của Trần Anh Thái trên trang mạng phongdiep.net­­ tôi cũng bị “ám ảnh” theo, và thấy nó ánh lên một thứ nghệ thuật khác lạ. Khác lạ, không chỉ với thơ phương Đông (điều quá rõ!) mà có lẽ cả trong thơ phương Tây. Thi sĩ Anh-Ấn Rudyard Kipling nói ở đâu thì không biết chứ ở sáng tác này Đông và Tây đã “tay nắm trong tay” rồi!

Chia sẻ với các nhận định khái quát của người bình, tôi thử minh họa bằng năm nét sáng trong bài thơ:

1. Thủ pháp áp đặt

Bí kíp là đây! Dẫu chưa cần biết Hollo Andras(2) là ai - miễn là một ông Tây/Tàu/Phi/Mễ/Hàn/v.v... không cùng hoàn cảnh sinh hạ với chủ thể “tôi” - nhưng độc giả vẫn nhận được thi cảm qua thủ pháp áp đặt chủ thể và nhân vật (“tôi với anh”). Nhờ tựa đề đã có các từ “tưởng tượng”, sự áp đặt này logic về trật tự tư duy, dù khiên cưỡng về sắp xếp nghệ thuật. Cái khiên cưỡng đã gợi vẻ kỳ quái của thơ. Đến lượt mình, cái phi lý lại giải khiên cưỡng, trả thơ về đời thường.

2. Thủ pháp phi lý

2.1. Phi lý về thời gian khiến độc giả choáng ngay ở câu đầu (“Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054”) cho tới câu “tôi với anh...”, rồi “ngày ta sinh...”! Bạn có thể hỏi: Cái “ông Tây” Hollo Andras nào kia chắc cùng thời vua Lý Thái Tông nhà mình, sao lại đi đánh bạn với “tay nhà thơ” Trương Đăng Dung này? Hay lỗi nhà báo in sai - 1954? Đọc tới câu “giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn” đặt gần đoạn kết, ta càng thấy họ Trương quả có nghênh ngang thật đấy nhưng đến là khôn; và lại khéo nữa!

2.2. Phi lý về không gian địa lý (Âu-Á), về hoàn cảnh xã hội (Tây-Ta) được khỏa lấp bằng loạt hình ảnh siêu thực, phi thực hay cực thực, tạo bất an nơi người đọc ngay từ đoạn đầu. Thế rồi lý trí lại bị che lấp trong chuỗi tự sự đầu cua tai nheo. Nhân vật phụ “em gái tôi” xuất hiện (“đột ngột ra đời”) như giải pháp mạnh, hợp lý hóa sự phi lý không gian, hoàn cảnh; Và cũng để lý giải cho sự hồi tưởng song sinh của “tôi” và “anh”. Nhân vật phụ ấy vụt trở thành “VIP” trong tác phẩm! Nhân bản là chỗ này: sinh nở gọi sinh nở! Trữ tình cũng là đấy! Nếu đọc ẩu sẽ tưởng như một dòng hồi ức bằng thơ, khùng dở và rời rạc, dằn vặt và khô khan.

2.3. Phi lý về ngữ nghĩa ở hàng loạt tượng hình siêu/phi/cực thực (“lấy nhau ... làm đồ nhắm rượu”, “chuột ăn cắp tã vá”, “tranh nhau chỗ ngồi với rắn”...) đã dung hòa, nhất là đã xoa dịu các hiện thực có thật trong đó nhà thơ, khoảng 40 năm trước, từng là một chứng nhân cho thời kỳ bi thương của đất nước Việt Nam mà quê hương miền Trung của ông là tuyến đầu. Ở sáng tác này, yếu tố hiện thực huyền ảo đáng được thưởng huân chương chiến công về một bút pháp! Cái “ký ức đau thương, xa xót”, cái “ấn tượng đau thương, quằn quại”, nhờ đó, đã vượt lên bề mặt của văn bản, khiến văn bản lớn dậy và trở thành tác phẩm. Viết về hậu chiến mà đạt tới độ-không như vậy, chiến tranh chỉ còn biết treo cờ trắng!

2.4. Phi lý về kết cấu: bài thơ nom xộc xệch; như dang dở. Đúng là một xâu “kỷ niệm” không chỉ “tưởng tượng” mà còn đầu Ngô mình Sở; như thể câu nói vô thức liền hơi bạ gì kể nấy. Mở và kết đều đột ngột, tạo sốc, nhưng nhộn nhàng, hồn nhiên. Giống câu chuyện cổ tích thời a-còng!

2.5. Phi lý về cảm hứng chủ đạo giữa cái Bi và cái Hài, cái Trữ tình và cái Tự sự; trong đó hai cái sau (Hài, Tự sự) nói chung là xa lạ với thơ Việt.

3. Thủ pháp thành phần phụ

Có thể nói, bài thơ của Trương Đăng Dung đã dùng thủ pháp này hết mức; từ tựa đề, tới lời đề tặng và cuối cùng là địa điểm, thời gian viết. Tức là toàn bộ văn bản, từ đầu đến chân. Tựa đề, như đã nói ở trên, thành quả là ở các từ “tưởng tượng”. Lời đề tặng “Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras” khẳng định thêm các trích ngang về nhân vật “anh”. Địa điểm, thời gian làm bài thơ “Budapest, 4-1983”, nhất là mốc “1983” dự phần vào các điểm 2.1, 2.2. (Ở bản đăng trên trang tapchisonghuong.com.vn 18-8-2009 thì là các con số “5-1984”. Chúng càng trở nên đẹp khi sánh với câu thơ đầu tiên và át chủ; ta hãy đọc lại: “Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054”). Tức là, bài thơ với “ba mươi hai câu” thơ ấy có cả thảy ba-mươi-lăm-dòng-thơ.

Thông thường, phần “phụ tùng” của một bài thơ rất dễ bị (và nhiều khi là được) những “mẫu nghi thiên hạ thơ” ở các tòa soạn ra tay sửa chữa, cắt gọt, thậm chí... liệng đi cho gọn! Tựa đề thì khỏi nói; dù sao cũng là đỉnh núi chứa tinh túy và chủ ý của toàn tác phẩm (Thật ra, tựa đề, nếu không là thành phần chính thì cũng không bao giờ là một thành phần phụ! Ở đây chỉ muốn khu biệt nó, cùng hai cái “phụ tùng” kia, với thân bài thơ). Nhưng còn lời đề tặng và địa điểm, thời gian hoàn thành, dường như ít được người đọc, người biên tập ngó tới khi thưởng thức, xem xét; thi thoảng có nhà phê bình để mắt khi cần tìm hiểu. Thế nên, không chỉ với bài “Những kỷ niệm tưởng tượng”, người viết xin được mạnh bạo cho rằng, với không ít thi phẩm, hai phần phụ đó có thể mang chở các thông tin hữu ích về nội hàm và ngoại vi thơ(3).

4. Thủ pháp kết hợp Đông-Tây

Biểu hiện thi ca qua các yếu tố văn hóa (từ phong tục ẩm thực “cùng nhau ăn thịt chó” tới sinh hoạt “làm búp bê cho em tôi chơi”), y tế (“các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời”) và cốt tử ở bài thơ này là yếu tố chiến tranh (“và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo/ bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...) của hai khu vực Đông-Tây, hai lãnh địa Á-Âu đã được diễn đạt không úp mở qua cả nội dung tư tưởng lẫn cấu trúc, hình tượng.

Mạnh hơn các thủ pháp khác, thủ pháp xóa nhòa không nhân nhượng mọi đường biên giới quốc gia, dân tộc, cá thể trong bài thơ đã làm rõ một nhân sinh quan phổ cập từng được nổi danh qua nhà thơ Nga Konstantin Simonov với “Nỗi đau này đâu chỉ của riêng ai”. Phải rồi, đó là của “chúng ta”, bởi đã “lớn lên cùng nhau”, “cùng nhau thấy...”, cùng nhau thấy....” và “cùng nhau thấy...”! Chúng ta - đó là Hollo Andras và Trương Đăng Dung, là Trần Anh Thái và Đỗ Quyên, là Sông Hương và phongdiep.net, là v.v... và v.v... Danh sách chủ thể và đối tượng thơ cứ kéo dài theo hành trình tiếp nhận. Nghệ thuật thơ là vậy!

5. Thủ pháp điểm rơi của bài thơ

Thiển nghĩ, không chỉ như nhà bình thơ đã nói - “Vào thời điểm ấy (1983), nếu được in ở ­­trong nước, bài thơ của ông sẽ thật độc đáo và lạ lẫm.” - mà ngay bây giờ, 2011, nó vẫn “độc đáo và lạ lẫm” về cách dẫn dắt thơ và về giọng điệu thơ, về thi ảnh và về thi phận. Tôi, và chắc là những ai đọc kĩ Trương Đăng Dung, chỉ ngạc nhiên khi mãi đến giờ ông mới cho ra tập thơ đầu đời, mà không hề ngạc nhiên khi bài này được làm tên của tập thơ: “Những kỷ niệm tưởng tượng”, NXB Thế giới, Hà Nội 2011 - một “điểm rơi” quan trọng của bài thơ. Và tin rằng tập thơ ấy chưa là điểm rơi cuối cùng của bài thơ.

Thi ca Việt Nam còn chưa qua cái thời né tránh hiện thực thô, thẳng; nên nếu đọc nhanh đọc đều bài “Những kỷ niệm tưởng tượng” giữa cả một dòng-thơ-thô-thẳng hôm nay, có lẽ ta sẽ dễ để trượt khỏi mắt mình cái Siêu lấp la lấp lánh từ cái Thực chói chang của tác phẩm. Sau lời kể của tác giả về sự ra đời của bài thơ (theo Trần Hoàng Thiên Kim; antgct.cand.com.vn 6-9-2011), tôi muốn được “tự thưởng” mình khi lặp lại các chữ viết từ hai năm trước: “cái Siêu lấp la lấp lánh từ cái Thực chói chang” là phương pháp của nghệ thuật Trương Đăng Dung.

Sau tập thơ nói trên, độc giả đang quen biết hơn với Trương Đăng Dung như một nhà thơ Việt Nam hiện đại đã tạo được phong cách riêng và mới, có thể gọi là suy tưởng bằng biểu tượng theo không gian và thời gian, trong các sáng tác ít về số lượng, thưa về cảm xúc và tĩnh về dụng ngôn - 3 yếu tố sau cùng có thể không quyết định sự thành thơ và thường là định vị nghề nghiệp. Thế nhưng bài thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” vẫn sẽ còn là một tác phẩm lạ lùng của thơ Việt Nam và của thơ thế giới đương đại. Nó có mặt ở nhiều tọa độ trong và ngoài thơ: Nối thế kỷ 20 và thế kỷ 21, về thi pháp sáng tạo. Nối hai bờ Đông-Tây, bằng truyền thống và hiện đại của mỗi xứ sở. Nối các sinh mạng trong thế gian bất hạnh của hạnh phúc, ­­bằng hiện thực của lãng mạn, bằng sự thật của tưởng tượng. Và, nối cái vô lý và cái hữu tình, trong tư tưởng nhân loại.

Ám ảnh là nguồn sống của thi ca.

Thay cho từng lời cám ơn nhà thơ Trương Đăng Dung, cám ơn nhà bình thơ Trần Anh Thái, cám ơn các diễn đàn thơ Hungary, Việt Nam: Tác Phẩm Mới, Sông Hươngphongdiep.net, mời tất cả chúng ta cùng có lời tổng cám ơn Nàng Thơ - mẫu nghi của thiên địa!

Vancouver, 23-10-2009 & 15-9-2011
Đ.Q
(SH275/1-12)

(TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG SỐ 275 – THÁNG 1/2012)



------------------------------------
(1) - Nhà thơ Argentina Javier Adúriz có quan niệm rằng thi sĩ phải viết ra những gì gây ấn tượng dai dẳng. Nhà văn Nguyễn Thành Long từng coi bất an là đặc trưng thể loại của truyện ngắn; Tôi thấy không chỉ rất đúng, ví như với truyện ngắn của Lỗ Tấn, Nguyễn Huy Thiệp, Daniil Kharms, v.v…, mà cả với một số tiểu thuyết (như của Albert Camus) và với tùy bút (Hoàng Phủ Ngọc Tường); và có lẽ vì thế bất an (angoisse) đã là tâm trạng làm nên triết học hiện sinh (J.-P. Sartre)?
(2) - Hollo Andras là nhà thơ Hungary, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Budapest năm 1977, là một trong những văn nghệ sĩ các nước XHCN cũ ở Đông Âu dành nhiều thiện cảm với Việt Nam. Tác giả Trương Đăng Dung đã học và nghiên cứu ở đó, là người dịch nhiều bài thơ của Andras ra tiếng Việt.
(3) - Người viết cũng đã lưu tâm tới ý nghĩa của các thành phần phụ trong một bài thơ, và xin khất ở dịp khác. Một ví dụ khá rõ cho “sức mạnh” của lời đề tặng là với bài thơ “Nếu” của Nguyễn Đức Tùng (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12515&rb=0101)

2 nhận xét:

  1. Đã thử tưởng tượng nhưng quả là khó tưởng tượng .
    Bạn đọc

    Trả lờiXóa
  2. Hì hì...chỉ có nhà VẬT LÝ NGUYÊN TỬ mới tưởng tượng được mà thôi.

    Trả lờiXóa