(Bài viết về bà Cao Thị Xuân Cam - vợ nhà văn Văn Tâm)
Nhật Huy
Giới văn nghệ sĩ nhiều người biết và luôn gọi bà bằng cái tên thân mật thường ngày: Bà Cam (ảnh). Cũng đã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, khi nhắc đến số nhà 13 Phan Bội Châu đều biết đó là căn nhà quen thuộc của nhiều văn nhân, bạn hữu từng lui tới đàm đạo văn chương với thân phụ của bà: Cố giáo sư Cao Xuân Huy, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học phương Đông, từng được gọi là “nhà đạo học” ngay từ thuở 30 tuổi. Người đã để lại một số giáo trình đại học có giá trị về Kinh dịch, Luận ngữ, Mạnh tử, Bách gia chư tử. Và anh trai bà, giáo sư, dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hạo. Sau này, khi kết hôn với nhà văn Văn Tâm, những bạn bè thân thường gọi thêm bà bằng một cái tên đầy trìu mến mà bà luôn hãnh diện mỉm cười đáp lễ: Chị Tâm.
Theo dòng hồi tưởng, bà kể lại câu chuyện về cuộc đời cũng như những năm tháng làm vợ của nhà văn Văn Tâm với một vẻ mặt tràn đầy hạnh phúc. Năm 1954, do hoàn cảnh của đất nước, mẹ bà vào Nam, chỉ còn bà và cha mình, giáo sư Cao Xuân Huy, từ xứ Nghệ trở ra Bắc. Mọi thứ đối đều bỡ ngỡ với một cô gái 18 tuổi từ xứ Nghệ bước ra chốn Hà thành. Cũng bởi thế, bà chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống thường ngày, ở cách mà một cô gái cần gần mẹ và được sự chỉ dạy của người mẹ.
Là con gái ở tuổi mới lớn, nhưng so với bạn bè đồng trang lứa, bà là người không biết cách làm dáng. Bù lại, bà thông minh và học giỏi. Là con của một học giả, nên bà Cao Thị Xuân Cam chỉ biết học, đọc, trọng chữ nghĩa như cha bà vẫn khuyên bảo. Bà đã lớn lên và trưởng thành như một bông hoa đồng nội giữa chốn đô thành phồn hoa.
Có ai đó đã nói rằng, đường đi của số phận không bao giờ tính được, thì sự gặp gỡ giữa bà và nhà văn Văn Tâm, một người học trò mà cha bà yêu quý, một người bạn thân mà anh trai của bà luôn trân trọng, chính là một sự an bài của số phận. Bà Cam kể lại: “Một hôm cha tôi gọi tôi vào và bảo: “Có anh bạn anh Hạo muốn tìm hiểu con, con định thế nào?” - “Con có biết mặt mũi anh ấy ra sao mà trả lời cha?”. Vài hôm sau, khi đi học về, tôi thấy một anh đi từ nhà trọ bên cạnh vào nhà chơi. Anh chào tôi và tiến đến hỏi: “Cho anh tìm hiểu em nhé!”. Hồi đó tôi dại khờ và ngây thơ lắm. Chả là ngày còn đi học phổ thông ở Nghệ An, tôi mê một anh bạn cùng lớp. Đó là một người con trai Hà Nội vào tản cư ở Nghệ An, học giỏi, giọng nói nhẹ nhàng. Mối tình học trò ấy đơn phương ấy đã đeo đẳng trong tôi một thời gian, dù chưa bao giờ tôi dám thể hiện cho người con trai ấy biết. Nhưng thời trẻ con, cái gì cũng đẹp và đáng nâng niu. Bởi thế, tôi thật thà nói với anh Văn Tâm: “Em đang thích một anh khác rồi!”. Tưởng là anh ấy sẽ bỏ đi luôn, nhưng anh Văn Tâm nhẹ nhàng nói: “Vậy thì lúc nào em quên được anh ấy thì chúng ta sẽ tìm hiểu nhau”.
Từ đó, anh đi bên cạnh cuộc đời tôi, tôi ra bờ đê giặt áo, anh cũng đi cùng, tôi tan trường đã thấy anh đứng đợi. Anh không chỉ là một người bạn, mà là một người anh, một người thầy của tôi. Không ai khác, chính anh Văn Tâm đã dạy cho tôi từng đường đi, nước bước, từ cách chải đầu, từ dáng đi sao cho đoan trang, chín chắn, từ cách nói năng sao cho tròn vẹn trước sau... Cái gì chưa biết, tôi hỏi anh và anh chỉ bảo tận tình như với một cô em gái. Cũng có lúc tôi xấu hổ vì mình… ngố quá nhưng tính tôi không biết giận, biết hờn. Chính những điều cỏn con từ đời sống thường ngày ấy, tình cảm tự nhiên của tôi đã dành trọn cho anh. Thậm chí, khi đó, có đôi lúc tôi nghĩ rằng, nếu sau ngần ấy thời gian biết anh, nếu chẳng may vì một điều gì đó chúng tôi không đến được với nhau, có lẽ tôi cũng chỉ tình nguyện ở vậy mà tôn thờ anh cho đến hết cuộc đời”.
Đám cưới của nhà văn Văn Tâm và bà giản dị và ấm cúng trong một căn hộ tập thể nhỏ xíu nhờ được của nhà thầy giáo. Bà vẫn nhớ, quà cưới của bạn bè hồi ấy là mấy cuốn vở trắng và một chiếc nón lá. Nhưng quý nhất là người tuyên bố lễ kết giao vợ chồng cho bà chính là giáo sư Trương Tửu. Cưới xong thì ai lại về nhà nấy vì lúc đó nhà văn Văn Tâm đi làm gia sư cho một gia đình tư sản ở Hà Nội và ăn ngủ luôn tại gia đình họ. Bà về ở với cha mình. Năm đó, bà đang học năm thứ nhất trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bốn năm kết thúc đại học cũng là lúc ba người con, hai gái một trai lần lượt chào đời. Vừa đi học, vừa sinh con. Có lúc bà ái ngại với các thầy, các bạn. Nhưng chính vì điều đó, bà càng phấn đấu học giỏi. Tốt nghiệp ra trường, bà đã được về công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước, được phân công vào ban dịch thuật, làm từ điển tiếng Nga. Thời gian sau bà chuyển sang Nhà xuất bản Khoa học và làm ở đó cho đến lúc nghỉ hưu.
Hồi tưởng về dòng thời gian cũ, gương mặt của bà Cam ánh lên nét rạng ngời. Bà lấy trong tủ sách ra những tấm ảnh sinh thời của nhà văn Văn Tâm và những bạn hữu, rồi những bức hình ông bà chụp cùng con cháu, ảnh chụp ở đâu, lúc nào, nhân sự kiện nào bà đều nhớ. Từng bức ảnh như một thước phim quay chậm về một ký ức đẹp chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí. Bà bảo, ở đời, bà mang ơn hai người đàn bà, đó là mẹ chồng và nàng dâu. Hai người đàn bà mình không được chăm sóc cận kề, không đẻ, không nuôi, vậy mà họ đến với cuộc đời mình và cho mình bao nhiêu thứ. Bà mang ơn mẹ chồng đã sinh ra ở cuộc đời một người con, mà đối với bà là cả một thế giới rộng lớn của tri thức, quá đủ để bà có thể nương tựa và yêu thương. Từ khi biết ông, bà biết được thế nào là hạnh phúc. Cũng vì thế, bà sống và làm mọi điều vì chồng, vì con. Bà chăm bẵm gia đình để ông chuyên tâm với công việc nghiên cứu.
Một người bạn của nhà văn Văn Tâm, PGS.TS Vũ Thanh từng chia sẻ: “Đối với ông, bà vừa là thư ký, vừa là hộ lý, bác sĩ, đạo hữu... và trên hết là một người vợ rất mực thủy chung, hiền dịu, đảm đang, người bạn đời nâng đỡ cho ông từng giấc ngủ, bước đi. Chính bà là người đã làm dịu bớt đi trong ông những bi kịch mà cuộc đời và số phận đã liên tiếp giáng xuống người trí thức tài hoa - người mà dường như triết lý “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” vẫn luôn theo đuổi trên mỗi bước đường đời”.
Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Văn Tâm coi trọng đạo hiếu và lễ nghĩa bao nhiêu thì trong nghiên cứu khoa học ông lại càng nghiêm túc và khắt khe bấy nhiêu. Gia đình bà có một “luật bất thành văn” là khi ông đang đọc sách, đang viết, thì không được bất cứ ai hỏi han điều gì bởi có thể làm ông mất mạch văn hoặc cảm xúc. Bà nhớ có lần, đã quá 12 giờ trưa, cơm đã dọn sẵn và các con đang đói lắm rồi, chỉ chờ ông rời bàn sách vào ăn cơm. Biết chỉ có cậu út Nguyễn Cao Tuấn có thể “làm phiền” ông nên các chị đã “xui” em ra mời bố vào xơi cơm. Khi Cao Tuấn ra, ông không ngước lên, tay vẫn viết và chỉ nói hai chữ ngắn gọn, đầy tính giản lược “trước đi” (tức là ăn trước đi) và tiếp tục viết. Bởi thế, trong cuộc đời làm nghề của mình, nhà văn Văn Tâm đã có những công trình khoa học để lại những dấu ấn quan trọng trong nền văn học nước nhà như: “Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực”, “Tản Đà, khối mâu thuẫn lớn”, “Đoàn Phú Tứ, con người và tác phẩm”, “Góp lời thiên cổ sự”, “Vườn khua một mình”, “Tuyển tập Văn Tâm”…
Tôi hỏi bà Cam: “Nếu bây giờ có một điều gì đáng nhớ nhất về người bạn đời của mình, bà sẽ kể chuyện gì?”. Bà Cam cười hiền: “Không thể nói là cái gì nhất cái gì nhì vì những gì thuộc về anh ấy đối với tôi đều đáng nhớ. Nói đúng hơn là cho đến nay, tôi chưa quên bất cứ điều gì thuộc về anh ấy...”.
Cám ơn bạn ThủyĐN đã st bài này, thật cảm động và tự hào được là học sinh của thầy Văn Tâm!
Trả lờiXóaLâu quá không đc đọc những tác phẩm của Đỗ Ngọc Thủy 10H – Nhà thơ Đỗ quyên
Trả lờiXóa