Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

"Câu chuyện phòng khám chiều thứ Sáu!"

BS Phan Xuân Trung

Chiều thứ sáu, phòng khám vắng bệnh nhân. Tôi ngồi lướt web một mình.
Một bệnh nhân bước vào đưa cho tôi tờ xét nghiệm. Xét nghiệm kiểm tra tiểu đường. Đường huyết âm tính, đường niệu âm tính, HbA1C âm tính. Kết luận, không có dấu hiệu của tiểu đường.
Người bệnh nhân nhìn tôi, khẽ nhíu mày. Anh ra tên Lâm, 41 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương. Anh rút ra các tờ xét nghiệm mới làm cách đây 2 ngày. Cũng cùng kết quả là không có bệnh tiểu đường.
"Như vậy là tôi không có bệnh tiểu đường phải không bác sĩ?". 
"Dạ, không".
"Tôi biết bác sĩ ít thì giờ, nhưng tôi muốn kể cho bác sĩ nghe một câu chuyện mà từ trước đến giờ tôi không dám kể cho ai nghe. Bây giờ tôi không biết phải nói với ai về nỗi lòng của tôi, ngoài bác sĩ. Tôi đã làm việc gần 2 năm trời mới có tiền đi khám bệnh, và bây giờ tôi mới xác định rằng tôi không bị tiểu đường"
Tôi hơi ngạc nhiên và tò mò trước lời ngỏ của anh Lâm. Người đàn ông này gầy gò, nói giọng Nghệ An, ăn mặc tươm tất, vẻ mặt sáng sủa. Tôi dừng việc vặt, xếp cái máy tính bảng lại để lắng nghe anh nói.
"Năm 2001 tôi từ Nghệ An vào thành phố Hồ Chí Minh để kiếm việc làm sau khi học xong đại học. Công việc của tôi là tham gia cắm mốc biên giới Tây Nam. Lương nhà nước, không có thu nhập thêm, đủ ăn qua ngày. Làm việc và sinh hoạt như lính. Cuối năm 2003 cơ quan tổ chức cho anh em đi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện HM. Kết quả họ báo về là tôi bị tiểu đường".
"Thôi chết tôi rồi! Bệnh tiểu đường là "bệnh nhà giầu". Phải uống thuốc suốt đời, rồi vài năm thì phải chết!" Anh Lâm nói. "Tôi hoang mang với căn bệnh mới được chẩn đoán và nghĩ về tương lai bệnh tật, mờ mịt. Tiền đâu mua thuốc chữa bệnh? Sức đâu làm việc? Cha mẹ già ai lo?... Tôi càng nghĩ càng quẩn trí. Bác sĩ à, tôi nói cho bác sĩ nghe những điều mà tôi giấu kín từ lâu. Hồi trẻ tôi học rất giỏi, vào đại học đàng hoàng. Tôi không phải kẻ bất lương. Thế nhưng, khi nghĩ đến căn bệnh phải mang, nghĩ đến công việc đang làm, nghĩ đến đồng lương đủ ăn qua ngày, nghĩ đến không thuốc men thì sẽ phải chết sớm... Và... tôi đã liều ăn cắp đồ của cơ quan đi bán! Tôi tìm cách có tiền để chữa bệnh và rời bỏ công việc kham khổ mà tôi sẽ không đủ sức làm. Tôi phải chữa bệnh, phải chọn công việc khác có nhiều tiền hơn. Phải chữa bệnh! Và tôi đã tham ô tài sản của nhà nước đến hơn một tỷ đồng. 
Bác sĩ à, tôi nói thật với bác sĩ, tôi có học, tôi không phải là kẻ bất lương. Đầu năm 2004 tôi đã bị bắt vì đã tham ô tài sản nhà nước. Tôi biết mình có tội và trả lại cho cơ quan hết số tiền mà tôi đã có do phạm tội. Dẫu vậy, tôi vẫn bị kết án 7 năm tù giam.
Tôi biết tôi đã phạm tội và phải bị hình phạt. Và tôi đã ôm theo căn bệnh tiểu đường của tôi vào tù.
Tôi phục thiện ngay từ ngày đầu vào nhà giam. Chí thú lao động. Chấp nhận số phận của mình. Đã quen với kham khổ khi công tác nơi núi rừng nên cảnh tù đối với tôi không có gì quá đáng. Tôi chỉ tội nghiệp bố mẹ tôi. Ông bà cảm thấy nhục nhã lắm!
Được 3 năm thì tôi được đặc xá. Cán bộ quản giáo biết tôi có trình độ và có phục thiện nên đề nghị cấp trên cho tôi được đặc xá.
Tôi được ra tù với 2 bàn tay trắng. Với xã hội, tôi không còn là con người cũ, không còn là cán bộ nhà nước. Những người xung quanh biết tôi là thằng mới ra tù vì tham ô, trộm cắp.
Việc đầu tiên tôi nghĩ sau khi ra tù là kiếm tiền để chữa bệnh tiểu đường. Tôi buôn bán quần áo cũ. Thưa bác sĩ, tôi góp nhóp suốt 2 năm để có tiền đi khám bệnh. Bố tôi mới mất, tôi còn đeo tang đây. Mẹ tôi 71 tuổi rồi. Tôi mới lấy vợ được 1 năm, chưa có đứa con nào. Tôi giấu chuyện tôi bị tiểu đường, sợ cô ấy biết sẽ bỏ tôi. Hai lần tôi đi khám ở đây mà phải nói dối với cô ấy là đi Sài gòn thăm người thân.
Hôm trước, kết quả xét nghiệm tôi không bị tiểu đường, tôi rất ngạc nhiên, vì điều đó khác hoàn toàn với nỗi ám ảnh trong đầu tôi suốt nhiều năm qua. Tôi có đến bệnh viện HM để hỏi lại kết quả xét nghiệm ngày xưa để đối chiếu. Nhưng bên ấy nói kết quả lâu rồi, không còn lưu. Và tôi cũng chẳng có bằng chứng nào để chứng tỏ tôi là bệnh nhân của nơi ấy.
Tôi quyết định xét nghiệm lại một lần nữa. Bây giờ thì đã rõ, tôi không bị tiểu đường!".
Lặng người nghe "người bệnh" kể chuyện, tôi chẳng biết nói sao. 
"Uhm, chúc mừng anh trút được gánh nặng ám ảnh suốt nhiều năm qua. Hãy về báo tin cho vợ biết là anh không có bệnh. Câu chuyện của anh thật bất ngờ. Đây là số điện thoại của tôi, cần gì anh cứ gọi".
"Cám ơn bác sĩ đã lắng nghe. Tôi xin phép đi về đây".
Bóng người đàn ông gầy gò bước ra khỏi cửa. Tôi thần người, tự hỏi: "Ai đã gây nên chuyện này?"

"Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng ..."
(Hải Thượng Lãn Ông)


St  trên Fb nguyentraik72

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét