Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Suy ngẫm về Hà Nội: Hôm nay và ngày mai


Những gì Hà Nội đã làm được, chúng ta đều đã thấy rõ. Nhưng cứ nhìn vào những bề bộn của Hà Nội đang phải giải quyết hôm nay lại lo cho tương lai về sau.


"Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình".
Có lẽ người Hà Nội và cả nước không ai là không biết bài hát này. Lời bài hát đã ca ngợi lịch sử hào hùng, vinh quang của Hà Nội. Trên thế giới, không ít thủ đô có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa lâu đời, đặc sắc. Nhưng có lẽ hiếm có thủ đô nào có nhiều bài hát, nhiều áng thơ văn như Hà Nội. Bây giờ chắc chắn không thể thống kê có bao nhiêu bài hát, bao nhiêu bài thơ về Hà Nội. Người ta nói, Hà Nội dễ đi vào thơ văn bởi lẽ Hà Nội có 4 mùa - Xuân, Hạ, Thu, Đông - mùa nào cũng có những nét đáng yêu, mùa nào cũng gợi cho người ta suy tư và những nỗi nhớ.
Người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng là hào hoa, phong nhã và thanh lịch. Nói về người Hà Nội gốc, có rất nhiều điều khác biệt so với các vùng miền khác ở Việt Nam. Người ta nói rằng, đã là người Hà Nội gốc thì không bon chen chốn quan trường, làm gì cũng ung dung, thong thả... Ấy vậy mà người Hà Nội đã làm nên lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Chuyện xưa không nói làm gì, nhưng cứ tính từ Cách mạng Tháng Tám trở lại đây thì Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, Hà Nội vì cả nước.
Gần đây, trên chương trình “Ký ức Việt Nam” của kênh VTV1 có những phim tư liệu về Hà Nội của một thời hào hùng những năm chiến tranh chống Mỹ. Những thước phim đó gợi cho ta nhớ về cả một quá khứ vinh quang, nhưng cũng có nước mắt. Ấy là vào những năm khó khăn, người ta phải xếp hàng mua từng cân gạo, cân mì, mua từng mớ rau... Nhưng Hà Nội ngày ấy vẫn đầy hào khí Thăng Long, thế hệ trẻ hừng hực nhiệt huyết “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.
Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng kinh tế, Hà Nội thay da đổi thịt từng ngày. Người ta dễ dàng nhìn thấy những bước phát triển của Hà Nội về cơ sở hạ tầng. Bây giờ ở Hà Nội đếm không hết những ngôi nhà chọc trời, nhiều đại lộ và những con đường lớn. Hà Nội đã được mở rộng trở thành một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Những gì Hà Nội đã làm được, chúng ta đều đã thấy rõ. Nhưng cứ nhìn vào những bề bộn của Hà Nội đang phải giải quyết hôm nay lại lo cho tương lai về sau.
Không thể phủ nhận rằng Hà Nội đang là một thành phố có trật tự đô thị rất kém. Nào là quy hoạch, kiến trúc hổ lốn, nào là nạn xây cất nhà cửa không phép, không theo quy hoạch, tràn lan. Cho đến nay, mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhưng trật tự đường phố, rồi không ít căn nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn không xử lý được, dù đã có rất nhiều chỉ thị, nhưng vẫn như "bắt cóc bỏ đĩa", dẹp được chỗ này thì lại phình ra chỗ khác... Rồi nạn ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. Nạn khiếu kiện tập thể tuy đã giảm, nhưng cũng chưa được là bao nhiêu...
Tất cả những điều đó đều có thể giải quyết được, chỉ cần các cấp chính quyền Hà Nội vào cuộc quyết liệt.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất cho tương lai của Hà Nội là sự trì trệ không thể hiểu nổi của bộ máy công quyền, sự sa sút về ý chí, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ công chức Hà Nội. Hình như người ta không bao giờ tự hỏi rằng, tại sao là một thủ đô ngàn năm văn hiến với rất nhiều điều kiện ưu đãi mà sự phát triển về kinh tế của Hà Nội vẫn thua kém nhiều tỉnh thành khác, các chỉ số phát triển của Hà Nội cũng chẳng cao bằng ai. Phải chăng đây chính là hậu quả của bộ máy công chức vẫn mang nặng tư tưởng và thói quen làm việc từ thời bao cấp? Thái độ vô cảm của không ít những người được gọi là "công bộc của dân" đã làm xói mòn lòng tin của người dân. Bộ máy công quyền Hà Nội yếu kém đến mức mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phải cay đắng thốt lên rằng: "Ở nơi khác, người ta có bôi thì trơn. Còn Hà Nội thì nhiều nơi có bôi mà còn không trơn".
Nhiều người Hà Nội vỗ ngực tự hào rằng, Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, rằng ta là người Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Nhưng không mấy ai nghĩ đến rằng người Hà Nội bây giờ không còn cái chất ấy nữa. Bằng chứng là Hà Nội đang có một nền văn hóa cực kỳ xô bồ. Cái gọi là sự thanh lịch hình như chỉ còn trong một số rất ít gia đình, một số rất ít người. Một nền “văn minh cơm bụi”, “văn hóa bia bọt”, một nền “văn minh xe máy” đã phá đi rất nhiều nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội. Chính vì thế mà Hà Nội chỉ còn là tấm gương sáng trong lịch sử. Còn bây giờ, Hà Nội đang là tấm gương mờ trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chắc chắn những người từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội sẽ tự nhủ rằng: "Học tập được cái gì ở Hà Nội?". Hình như Hà Nội khó có điều gì đáng trở thành mẫu mực để là tấm gương cho cả nước noi theo.
Trong một gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái. Trong xã hội, cấp trên phải là tấm gương cho cấp dưới làm theo. Và trong một quốc gia, thủ đô cũng phải là tấm gương để cả nước lấy đó mà tự hào, mà học tập. Nếu không làm được điều này, Hà Nội sẽ vẫn chỉ là một thủ đô tồn tại bằng vinh quang của quá khứ.
Người ta đến với Hà Nội là đến với một Hồ Gươm linh thiêng, đến với một Hà Nội có bề dày lịch sử hơn là đến với một Hà Nội đang dẫn đầu cả nước và là tấm gương sáng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và trật tự an xã hội.
Tôi không dám lạm bàn về chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế của Hà Nội. Nhưng muốn xây dựng kiểu gì thì xây dựng, để một thủ đô trở thành trung tâm kinh tế thì phụ thuộc vào rất nhiều điều. Trên thế giới, không phải thủ đô nào cũng là trung tâm kinh tế lớn của các quốc gia. Nhưng có một điều chắc chắn là thủ đô nước nào cũng là một trung tâm văn hóa, chính trị của quốc gia đó. Người ta sẽ đến với một thủ đô nếu nơi đó là một trung tâm văn hóa, chứ không phải mong muốn đến với nơi có nhiều trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng...
Chính vì vậy, theo thiển ý của người viết bài này, phải coi xây dựng văn hóa của thủ đô, xây dựng phong cách người thủ đô là mục tiêu quan trọng nhất.
Tương lai của Hà Nội sẽ phụ thuộc vào sự phát triển văn hóa, chứ chưa chắc đã phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế.
Hơn lúc nào hết, vào ngày kỷ niệm trọng đại 60 năm Giải phóng Thủ đô, mỗi người là con dân Hà Nội - dù là người Hà Nội gốc hay là các thế hệ sau này đều phải ý thức được rằng, đã có danh là người Hà Nội thì phải có một nếp sống văn hóa để ai cũng thấy rằng "đó là người Hà Nội"!
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét