Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Những người lính của chúng ta


                            NHỮNG NGƯỜI LÍNH CỦA CHÚNG TA

                                            Khóa 69-72 Nguyễn Trãi


    Khi nhìn thấy ảnh của 10 Liệt sĩ lòng tôi nghẹn thắt vì một cảm giác khó tả, vừa tự hào vừa chất chứa  một nỗi buồn nặng trĩu.  Bất giác, tôi nhớ  mấy câu thơ   trong sách giáo khoa từ khi chúng ta còn đi hoc “ Đất nước/ Của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng,  cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt ...”
    Ngày ấy, chúng ta còn rất trẻ, khi tiễn các bạn lên đường nhập ngũ .Chúng ta náo nức, vui sướng và tự hào làm sao khi người bạn của mình cởi áo học trò, khoác trên mình bộ quân phục màu xanh lá rộng thùng thình, nhìn các bạn ấy rất uy  nghiêm trong bộ quần áo lính, dù thế vẫn không che được nét trẻ con, hồn nhiên vô tư của tuổi học trò. Giờ chia tay ,xe chuyển quân lăn bánh trên đường Kim Mã, các bạn xô vào nhau , chen nhau  thò tay ra cánh cửa vẫy chào bạn bè, chào mái trường thân yêu ! Còn bọn mình cứ chạy theo xe cho đến khi bóng xe khuất hẳn trên phố Nguyễn Thái Học. Đó là một buổi chia tay đặt biệt không thể quên. Thế mà đã gần nửa thế kỷ, kể từ khi chúng ta còn là những cô cậu học sinh lớp10.
     Hôm nay nhìn thấy ảnh các bạn, những ký ức xưa cũ lại ùa về, buồn vui lẫn lộn ... Những người bạn- những Liệt sĩ trên mũ có một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ và nét trẻ , hồn nhiên của ngày xưa  vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt. Họ là những chàng trai trẻ đẹp nhất trên đời , không biết phân vân , chẳng hề lùi bước. Nhìn di ảnh của các bạn tôi đã khóc, nước mắt ràn rụa vì tôi đã bắt đầu già nên nước mắt rất dễ tuôn trào và cũng vì hành trình để các bạn trở về với mái trường xưa, với Thầy cô, với bạn bè rất...rất dài...
    Khóa 69-72 của chúng ta ở trường Nguyễn Trãi - khóa học phổ thông rất đặc biệt ;  năm học lớp 10 không có ngày bế giảng, trước kỳ thi khoảng 1 tuần nhà trường đột ngột thông báo học sinh về nhà tự ôn để chuẩn bị thi tốt nghiệp và kỳ thi sẽ diễn ra ở nơi sơ tán.Tiếp sau đó kỳ thi đại học cũng sẽ không tổ chức ở HN.
    Hồi đó, cuộc chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt, ngoài chiến trường vừa trải qua cuộc tổng tiến công Mậu Thân 68, với bao chiến công và cũng rất nhiều tổn thất.  Chiến trường đang cần lắm những người lính, các bạn trai không thể ngồi yên trên ghế nhà trường, cứ náo nức lên đường nhập ngũ. Tôi còn nhớ khi chúng ta còn học lớp 9, bạn Hiếu  9 H đã nhập ngũ 1/1971. Rồi năm học lớp 10 còn chừng 1 tháng nữa đến Tết Nguyên Đán  đã có đợt tuyển quân đầu tiên rất rầm rộ vào tháng 1/1972; riêng 10G đã có 5 bạn: Y Hòa, Trọng Bình, Chiến, Lương Hòa, Thái Hòa; lớp 10H có 6 bạn: Hữu An, Quang Vinh, Thái Bảo, Bá Dật, Lê Thành, Đỗ Định; lớp 10E có bạn Nho; lớp 10D có bạn Quý, bạn Châu Sơn, Công Thanh và nhiều bạn lớp khác nữa mà tôi không nhớ hết tên. Tiếp đó là những đợt tuyển quân tháng 3, tháng 4 dồn dập lại có thêm nhiều bạn cùng nhập ngũ: Đăng Hòa 10H, Hữu Bằng 10G,  Khắc Bình  10D, Vũ Bình 10C, Thiết 10A v.v..Khối 10 trở nên vắng vẻ, các lớp 10 đều trống  nhiều chỗ... Các bạn nhập ngũ ngày ấy không kịp dự kỳ thi TNTHPT nên được đặc cách tốt nghiệp. Thế nhưng, một số bạn  đã không trở về nhận tấm bằng tốt nghiệp năm đó, họ đã nằm lại chiến trường, một nơi nào đó trên đất Mẹ VN, và cũng có người nằm ở nơi ngoài biên giới. Bởi lẽ những người lính của chúng ta không chỉ chiến đấu vì TỔ QUỐC mà còn làm nhiệm vụ Quốc tế cao cả. Dù các bạn không trở về nhưng hình bóng các bạn vẫn còn mãi trong nỗi nhớ của mỗi chúng tôi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chiến công và lòng dũng cảm của các bạn nơi chiến trường vẫn lưu truyền cho đến tận hôm nay.Tôi nghe kể rằng có bạn bị thương ở bụng, lòi ruột... mà nén đau dùng tay ép ruột vào tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng; có bạn bị bom sạt vào hầm, bị vùi dưới đất mà dùng tay cào, móc từng nắm đất chui ra, vượt qua lưới lửa của địch trở về với đơn vị. Rất...rất  nhiều câu chuyện kể về các bạn làm chúng tôi rưng rưng nước mắt, đau xót, nghẹn thắt... Tôi tin rằng, những người lính vào chiến trường năm ấy đều trải qua những gian khổ,những trận mưa bom, bão đạn ác liệt  hơn những gì chúng tôi có thể hình dung qua sách báo.       
     Tôi được nghe kể về tấm gương của 1  trong số 10 liệt sĩ của khóa chúng ta- Liệt sĩ Y Hòa.
Từ giã lớp học tuổi thơ để vào bộ đội không phải là hiện tượng lạ đối với lứa chúng ta ngày ấy. Nhưng bạn Y Hòa của lớp tôi đúng là trường hợp đặc biệt. Y Hòa là người dân tộc, con  của cán bộ miền Nam tập kết, không thuộc diện  nhập ngũ; khi thầy chủ nhiệm 10G – thầy Hà Tâm báo tin Y Hòa nhập ngũ chúng tôi hết sức sửng sốt, và càng bất ngờ hơn khi biết bạn đã viết đơn bằng máu để được vào chiến trường. Lúc đó, trong suy nghĩ của chúng tôi bạn ấy đã là Người anh hùng. Khi còn đi học bạn Y Hòa rất hiền, ít nói, ai trêu chọc cũng chỉ mỉm cười , bạn ấy ngồi ở bàn cuối lớp vì Y Hòa rất cao. Sau huấn luyện Y Hòa được điều động vào một trong những chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ - chảo lửa Quảng Trị .Nơi ấy vô cùng khủng khiếp , vô cùng gian khổ , chết chóc hy sinh chỉ trong gang tấc. Tôi đã đọc ở đâu đó, một tùy bút của nhà báo cũng là một người lính trước đêm ra trận nói rằng ”không biết có nơi nào nữa trên trái đất quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không?”
     Y Hòa chiến đấu rất dũng cảm, trưởng thành nhanh trong quân đội và trở thành Trung đội trưởng của Trung đoàn bộ binh 209, Sư đoàn 312. Là một người chỉ huy giỏi, can đảm Y Hoà trở thành một tấm gương sáng trên mặt trận Quảng Trị, được xây dựng là hình tượng người Anh hùng. Sư đoàn đã quyết định đưa bạn ra Bắc tiếp tục đào tạo. Song tình hình chiến trường Quảng Tri lúc đó rất cam go, ác liệt, quân định mạnh hơn ta cả về  quân số và khí tài. Nhận thức rõ tình hình và với trách nhiệm của người chỉ huy Y Hòa đã xin cấp trên được ở lại tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội.
   Là người chỉ huy, Y Hòa sử dụng khẩu súng cỡ lớn 12, 7ml, hỏa lực mạnh có thể bắn được cả máy bay và xe pháo mặt đất. Dù biết, người sử dụng súng đó chính là mục tiêu mà quân địch nhắm tới nhưng Y Hòa không hề nao núng. Trưa ngày 16/10/1972 quân địch ồ ạt tràn lên  Đồi Cháy nơi đơn vị của Y Hòa chốt giữ . Trước sự tấn công mạnh của địch, súng nổ rần rần... Y Hòa không chút ngần ngại nhảy vọt ra khỏi chiến hào chúc nòng súng xuống đồi  bắn thẳng vào lũ giặc đang xông lên, làm tan rã đội hình của chúng. Chính ngay lúc đó địch bắn trả dữ dội về phía Y Hòa và bạn ấy đã trúng đạn tiểu liên cực nhanh của Mỹ, xuyên qua đầu. Y Hòa hy sinh tại trận. Đồng đội đưa anh xuống và đêm đó chôn cất Y Hòa ở đồi Cháy. Cũng như bao người lính khác, Y Hòa bình thản vào trận, bình thản biết mình có thể ngã xuống và anh đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, cho cuộc sống hòa bình hôm nay.
    Dù biết nơi Y Hòa hi sinh nhưng đến nay Gia Đình và đồng đội vẫn chưa tìm được hài cốt anh. Bởi lẽ, chiến sự quá ác liệt, bom đạn liên tục ném xuống, cày xới từng tấc đất, thi thể của các liệt sĩ dù đã được chôn cất vẫn bị hất tung lên vài lần. Xót thương Y Hòa và những người lính đã hy sinh. Các bạn – đồng đội của Anh  (Thanh Sơn, Vũ Chung, Quang Vinh ...) đã nhiều lần vào khu vực đồi Cháy tìm hài cốt mà không được  bèn chung tay xây dưng một Ban Thờ - nơi chốn yên nghỉ cho các liệt sĩ , ở đó có tấm bia ghi danh liệt sĩ Y Hòa, Lê văn Nho của chúng ta và liệt sĩ Chấn Hưng ở khóa trên. Những di vật của Y Hòa, chiếc bút máy Kim tinh cùng cuốn vở ghi chép được chuyển về cho gia đình. Người A trai của Y Hòa – anh Y Nguyên cũng chỉ mang được một chút đất từ đồi Cháy về Tây nguyên xây mộ cho Y Hòa.
    Các bạn của chúng ta - Những người lính trở về sau chiến tranh , dù mang trong mình những mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần, những cơn đau vẫn hành hạ, dày vò  họ mỗi khi trái nắng trở Giời... nhưng họ vẫn luôn lạc quan, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho xã hội, làm giàu cho gia đình , trở thành những người chồng, người cha mẫu mực. Họ luôn tự khẳng định giá trị của mình. Tự trọng không muốn trở thành đối tượng của chính sách. Họ đã sống và làm việc thay cho cả những người lính đã hy sinh và luôn nhớ về đồng đội. Thật đáng khâm phục!
        Hàng năm vào dịp 27/7  đồng đội cũ của Y Hòa như Thanh Sơn, Quang Vinh, Vũ Chung  và một số bạn của K22 ...đều trở lại chiến trường xưa để thắp nhang cho những người nằm dưới cỏ; thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn nơi có bạn Đăng Hòa của chúng ta nằm lại đó . Anh Thương binh Vũ Bá Dật dù trên người đầy vết thương nhưng vẫn khoác ba lô âm thầm lặng lẽ vượt rừng ,suối sâu  đi tìm  đồng đội, mỗi chuyến đi như thế vết thương của anh càng nặng hơn, đau hơn... Còn gì đẹp hơn thế! Những chiến công giữa năm tháng bình yên của người chiến sĩ trong cuộc đời bình dị. Nghĩa cử đền ơn, đáp nghĩa cao đẹp của các bạn làm chúng tôi day dứt… Tình bạn, tình yêu thương đồng đội  thật cảm động biết bao!
    10 liệt sĩ của khóa ta và đồng đội là những Người Anh Hùng. Họ  đã viết lên khúc Tráng ca bất tử cho muôn đời sau. Cuộc sống hôm nay đổi bằng máu xương tuổi trẻ của bao nhiêu người. Biết bao cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh. Nếu không có sự hy sinh của các bạn không biết chúng tôi có được tiếp tục con đường học tập và có được cuộc sống hòa bình hôm nay ?
   Các bạn ấy đã sống, chiến đấu và rồi hy sinh nhưng các bạn không mất đi để 47 năm sau chúng ta được gặp lại. Các bạn đã cho chúng tôi những bài học hay nhất, đẹp nhất, lãng mạn nhất về sự sống, cái chết của thời chiến tranh giữ nước.
     Dẫu biết là không thể nhưng chúng tôi vẫn ước, phải chi các bạn ấy còn sống để cùng trở về thăm lại mái trường xưa, về lớp của mình, ngồi vào chỗ... của ngày xưa ấy và thêm một lần nữa, lại ngước nhìn bảng đen phấn trắng, nghe những bài giảng văn hùng hồn, bay bổng và sâu sắc của Thầy Văn Tâm kính mến! Những câu thơ “ Ôi Tổ Quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!“ vẫn còn khắc ghi trong trí nhớ chúng ta và có lẽ cũng trở thành hành trang của người lính trên đường ra trận.
           Các bạn Y Hòa, Đăng Hòa, Khắc Bình, Lê Hạnh, Châu Sơn, Công Thanh, Tá Quý,Thái Lai, Văn Nho, Sĩ Thái ơi! Hương linh các bạn đang ở đâu, có nghe lớp mình điểm danh ? Khi viết những dòng này tôi như nhìn thấy từng cuộc đời đẹp đẽ và sự hy sinh vô bờ bến của người chiến sĩ. Xin làm  một nén nhang dâng những người đã hiến trọn cuộc đời cho Tổ Quốc! Các bạn vẫn mãi mãi ở tuổi 20 đẹp nhất!  
   ( Cám ơn các bạn Thắng 10D, Kim Vinh 10G, Việt Hòa 10H  đã lưu giữ những thông tin quý giá về các Liệt sĩ . Đặc biệt cám ơn bạn Quang Vinh 10H – một trong số những người lính trở về từ mặt trận Quảng Trị  đã kể lại  câu  chuyện  cảm động về  Liệt sĩ Y Hòa ) .
                                                                                                                                                            Ngọc Hà 10g.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét