Trung úy Ngô Ngọc Hòa người cao gầy nhưng rắn giỏi lúc nào cũng nghiêm chỉnh chải chuốt quân phong, quân kỷ nghiêm chỉnh. Thầy rất đẹp trai trong bộ quân phục vải Gabadin mới toe và chiếc mũ cối ( kiểu cụp của TQ ) đội hơi lệch. Miệng thầy luôn cười tươi và đôi mắt hóm hỉnh nhìn về xa xăm...Tôi và anh chị em K6 được thầy dậy văn học Việt Nam trong những chiều đông giá buốt hay những ngày hè oi nồng trong lớp học dã chiến nửa chìm nửa nổi ở An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên ... Với giọng truyền cảm và kiến thức sâu rộng thầy đã đưa chúng tôi những đứa trẻ mới 11- 12 tuổi khám phá kho tàng của văn chương và thi ca Việt Nam, đặc biệt là văn học cận đại như Nhớ Rừng ( Thế Lữ ), Chí Phèo ( Nam Cao ),...và văn học cách mạng như Đất nước đứng lên ( Nguyên Ngọc ), Việt Bắc ( Tố Hữu), Nhật ký trong tù ( Hồ Chí Minh ),...
Sau này do tình hình chiến tranh Việt Nam ngày càng ác liệt, Đế quốc Mỹ leo thang không kích điên cuồng ra miền Bắc hòng bẻ gãy ý chí đánh Mỹ và quyết tâm giải phóng miền Nam của Đảng và Bác Hồ, được lệnh của Tổng cục Chính trị QDND Việt Nam, trường chúng tôi sơ tán sang trường Y Trung Quế Lâm Trung Quốc. Sang đó do bị bệnh viêm xoang mũi dị ứng gây đau đầu nặng phải tăng khóa, tôi xuống B5 C52 ( vườn đào gần nhà ăn và cổng trường). Thầy thường xuyên quan tâm săn sóc tôi và các học trò nhỏ của thầy như quan tâm sức khỏe, tâm tư tình cảm vì chúng tôi mới 11- 12 tuổi xa gia đình, xa quê hương, sống tập thể quân đội nơi đất khách quê người... thầy cùng chơi thể thao bóng đá, bóng bàn, đá cầu với chúng tôi, thầy cắt tóc cho chúng tôi, cắt móng tay cho chúng tôi, kể chuyện ngoài giờ cho chúng tôi... Tôi rất cảm kích tình cảm thầy dành cho chúng tôi. Một lần thầy đến thăm tôi sau trận ốm thập tử nhất sinh do bị lây nhiễm vi rút gây đau màng não, tôi đè nghị thầy nhận tôi làm em kết nghĩa. Thầy cảm ơn nhưng thầy từ chối và nói ở đây trò nào cũng là em của thầy cả, thầy thương yêu quý trọng các em ai cũng như ai , không phân biệt em nào là con quan, con tướng hay con cấp tá, cấp úy cả...
Thầy còn nói cậu cùng họ với tôi lại cùng quê, biết đâu trong họ cậu ở vai trên thì sao... Tôi ngậm ngùi đành yêu quý thầy hơn và tất nhiên là giữ một khoảng cách sau cú " Sốc " đó.
Năm 1969 khi cuộc cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc bùng phát dữ dội và có nhiều biểu hiện xấu ảnh hưởng đến tình hữu nghị và an ninh an toàn trường chuyển về Hưng Hóa và Trung Hà để rồi năm 1970 trường giải thể theo quyết định của Tổng cục Chính trị. Thầy Hòa nhận nhiệm vụ mới lên trường Văn hóa Lạng Sơn tiếp tục dậy văn cho nhiều anh chị em Trỗi sau khi nhập ngũ lên đây học tiếp để đi các trường sỹ quan hoặc ĐHQS, ĐHQY... Từ đó đến nay chỉ gặp lại thầy một lần duy nhất khi tôi ở Đức về phép rồi cùng bố tôi về Bái Dương thăm mộ Tổ họ Ngô có ghé thăm thầy ở Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định. Thầy tiếp bố con tôi trong căn nhà ngói ba gian đơn sơ nhưng mộc mạc chân tình. Bao nhiêu kỷ niệm về trường Trỗi đuọc tôi và thầy ôn lại bên ấm nước vối rôm rả. Nay thầy đã đi xa ... Tôi và các bạn Trỗi K6, K7 không bao giờ quên và luôn nhớ về thầy, một giáo viên văn mẫn cán, chân tình của Tổng cục Chính trị QDND Việt Nam.
Ngô Thái Hòa , K6+7 Nguyễn Văn Trỗi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét