Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Một người đàn ông gốc Việt Nam thành công ở xứ người






Chính khách gốc Việt Philipp Roesler


Sắp tới Ngày Đàn ông ở Đức, Chủ nhật 03-06-2011 còn gọi là Ngày Ông Bố-Vaterstag hay Ngày Chúa Chris lên trời-Chris Himmel fahrt ( 40 ngày sau Lễ Ostern-Lễ Phục sinh), tôi giới thiệu với các bạn một người đàn ông đích thực và thành đạt ở Đức:

Hiện tượng chính khách gốc Việt Philip Roesler :
Philip Roesler trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế ở tuổi 36, trẻ nhất trong nội các Chính phủ Liên bang Đức hiện nay (gồm 16 thành viên, tuổi bình quân 51, có 11 tiến sỹ, 4 cử nhân, 1 kỹ thuật viên), và từ 18-05-2011 nắm chức Chủ tịch Đảng FDP và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang ở tuổi 38, trẻ nhất trong lịch sử đảng FDP và nước này; và giá trước đó đảng FDP giành được đa số phiếu cử tri, đứng ra lập chính phủ, thì ông đã là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Đức.
Roesler trở thành hiện tượng đặc biệt trên chính trường Đức, giống như bất cứ “người của công chúng” nào, truyền thông ra sức khai thác “đời tư” gốc thuần Việt của ông, sinh ngày 24.2.1973, ở trại trẻ mồ côi, Khánh Hưng, Khánh Hoà, Việt Nam, sau đó chuyển về trại trẻ mồ côi ở TPHCM và được một đôi vợ chồng người Đức nhận sang Đức làm con nuôi lúc lên 9 tháng tuổi, trong khi chính trường chẳng mấy quan tâm đời tư đó. Bởi thời đại ngày nay không còn cơ sở để phân biệt chủng tộc, một khi khoa học đã xác nhận số gien người như nhau, nghĩa là không dân tộc nào thông minh hơn dân tộc nào; Tổng thống Mỹ Obama gốc Kenia hay Phó Thủ tướng Đức Roesler gốc Việt không thể bị nhìn nhận khác tổng thống hay phó thủ tướng người bản địa bởi nòi giống. Mặt khác, chiểu theo Hiến pháp Đức, “người Đức là người mang quốc tịch Đức”, thì Roesler đích thực người Đức chứ không phải người Việt; khác với dân tộc có thể sống phân bố ở nhiều quốc gia, quốc tịch nước nào thì phải phụng sự quốc gia đó, được quốc gia đó bảo đảm. Vì thế, đứng dầu một quốc gia đa dân tộc, người ta chỉ có thể chọn ai chứ không phải chọn người dân tộc nào. Tổng thống Mỹ da đen Obama hay Phó thủ tướng Đức da vàng Roesler nằm trong lẽ hoàn toàn tự nhiên đó.

Hiện tượng Roesler đã thu hút sự chú ý đặc biệt của chính trường lẫn công luận ngay từ khi trở thành Phó Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen, được coi là “vũ khí bí mật của đảng FDP”, “tương lai của FDP”, “Shooting-Star – Ngôi sao đang lên [tên giải thưởng cao nhất của Tổ chức Phim châu Âu EFP tặng tài tử điện ảnh trẻ]”; người ta hâm mộ ông bởi tài năng bẩm sinh “nói nhanh, sắc bén”, “điểm đúng huyệt, nhưng chừng mực, lịch sự”, “tuân thủ luật hoàn hảo, không chơi xấu đối thủ kiểu đấm bốc vào vùng cấm dưới thắt lưng, không làm tổn thương đẩy họ vào thế đối đầu”, “diễn thuyết đặc biệt hấp dẫn”, “bởi có thể cùng lúc sắm cả vai phản biện chất vấn tranh cãi với chính mình, thay luôn cả đối thủ”.

Sự nghiệp của ông tới nay được coi là “thẳng đứng”, “cực nhanh”, “rất kỳ lạ”, “ít bị tranh cãi”: Tốt nghiệp phổ thông 1992, Philipp Roesler gia nhập đảng FDP, trở thành Chủ tịch đoàn cấp thành phố năm 1994 (21 tuổi), cấp Tiểu bang năm 1996 (23 tuổi); Tổng Thư ký đảng FDP Tiểu bang năm 2000 (27 tuổi); Trưởng đoàn Nghị sỹ FDP Tiểu bang năm 2003 (30 tuổi); Chủ tịch đảng FDP Tiểu bang năm 2006 (33 tuổi); Phó Thủ hiến, kiêm Bộ trưởng Kinh tế tiểu bang năm 2009 (35 tuổi). Chức vụ chưa hẳn khẳng định tài năng, mấu chốt nằm ở thành công. Chỉ 8 ngày sau nhậm chức Phó Thủ hiến (chỉ kéo dài 8 tháng), đơn đệ trình của ông đòi hoãn 1 năm kế hoạch tăng 30% lệ phí quản lý đường hàng không, được Thượng viện bỏ phiếu chấp thuận; 9 ngày sau nhậm chức, ông triển khai chương trình kích cầu 50 tỷ euro toàn Liên bang lúc đó, cho xây dựng 3 tuyến đường tiểu bang kết nối với đường liên bang. 8 tháng sau, với thắng lợi kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang 27.9.2009, Roesler đẫn đầu đảng FDP đàm phán thành công với song đảng CDU/CSU về các chính sách cơ bản cho chính phủ liên minh, giữ chức Bộ trưởng Y tế Liên bang.
Thành công của chính khách bắt nguồn từ tư tưởng chính trị. Chủ thuyết của Roesler là “cần xây dựng một xã hội mạnh thay vì một nhà nước mạnh”, bởi “trật tự, pháp luật, nhà nước, tất cả chỉ là công cụ, phải phục vụ cho các giá trị xã hội, chứ không phải ngược lại”. Một chủ trương muốn thuyết phục được dân chúng phải là chủ trương được chính họ phản biện thường xuyên…; và chỉ có thể khẳng định qua thực tế, chứ không phải suy ra từ lý thuyết. Vì thế, Roesler lại cũng là một con người thực tiễn, luôn biết rõ người dân cần gì ở mình; chính là lợi ích thiết thân của họ, chứ không phải những lời kêu gọi, đánh giá, ca ngợi rập khuôn; trang mạng cá nhân ông mang tên “sổ ý kiến”, mở ngỏ ai cũng có thể viết hoặc mở đọc, được chính ông trả lời hàng ngày.
Tuy nhiên dù Roesler tài xuất chúng tới mấy, thì ghế Chủ tịch Đảng và Phó thủ tướng trước đó không phải bỏ trống chờ ông, mà đã được đảm đương bởi nhân vật lừng danh, 10 năm liền được suy tôn lãnh tụ đảng, vị đương nhiệm Chủ tịch đảng FDP, Phó Thủ tướng Guido Westerwelle. Ông sinh năm 1961, sống theo cha khi bố mẹ ly dị hệt Roesler, học đại học luật, làm tiến sỹ luật, và mở văn phòng luật. Tương tự Roesler, ông gia nhập đảng FDP năm 19 tuổi, nhanh chóng nổi bật trên chính trường: 22 tuổi Chủ tịch Đoàn thanh niên, 27 tuổi Ủy viên BCH đảng FDP Liên bang, 33 tuổi Tổng thư ký FDP liên tục dưới 2 đời Chủ tịch, tác giả cương lĩnh đảng FDP lúc đó, 35 tuổi Nghị sỹ quốc hội, 40 tuổi Chủ tịch FDP. Tới kỳ bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ này, năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm thành lập, đảng FDP do Westerwelle đứng đầu đã lập kỷ lục thắng lợi, giành được tới 14,6% phiếu cử tri, chiếm 6 ghế bộ trưởng trong nội các liên minh 16 thành viên, trở thành Phó thủ tướng ở tuổi 48.
Là biểu tượng tinh thần của Đảng, quyền lực thứ 2 quốc gia, sự kiện tại cuộc họp đoàn chủ tịch đảng FDP tháng trước, Westerwelle tuyên bố không ứng cử tiếp chức chủ tịch đảng, bàn giao chức phó thủ tướng, chỉ sau 1năm rưỡi tại vị, được báo LVZ miêu tả không phải một cuộc “đảo chính“, ngầm ý đánh giá ý nghĩa ngang chính biến ở những quốc gia tranh giành quyền lực, nhưng khác hẳn ở chỗ “đầy nước mắt” lẫn “tiếng vỗ tay vang dội” đối với cả tân chủ tịch tương lai Roesler lẫn người tiền nhiệm Westerwelle vốn từng mang lại chiến thắng vang dội nhất cho đảng ông, và giờ đây còn chứng tỏ được bản lĩnh vĩ đại, chiến thắng cả chính mình dám thừa nhận thất bại, từ bỏ quyền lực đang nắm trọn trong tay, khi ông thẳng thắn thừa nhận, “đó là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với một chủ tịch đã cống hiến liên tục suốt 10 năm liền (ở Đức, đại hội nhiệm kỳ đảng 2 năm 1 lần) bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết!”. Ông coi đây là một ngày đặc biệt đối với ông bởi đã đưa ra một quyết định đúng đắn, đặc biệt đối với đảng, bởi đảng sẽ có cơ hội khởi đầu một bước ngoặt mới.
Lý do: hiện tại đảng FDP do ông đứng đầu đang từ đỉnh cao tín nhiệm chiếm 14,6% cử tri năm 2009, sau 1 năm cầm quyền 2010 chỉ còn 10% cử tri ủng hộ theo thăm dò dư luận (mất 1/3), nửa năm tiếp, tháng trước rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử đảng này chỉ còn 3% số cử tri ủng hộ (mất 4/5), trách nhiệm chính trị không ai khác ngoài người đứng đầu phải gánh chịu, nếu không muốn đảng mình bị đào thải khỏi chính trường. Sai lầm đầu tiên là chủ trương hứa cắt giảm thuế vốn người dân nào cũng mong muốn, ủng hộ, đã không được nội các thông qua do không thể cân đối ngân sách; tới lời hứa giảm thuế giá trị gia tăng cho ngạch khách sạn từ 19% xuống 7% được thực thi nhưng lại gây tranh cãi phản đối trên chính trường, do mang tính giải quyết cục bộ, đòi phải xem lại; ủng hộ kéo dài thời hạn hoạt động các nhà máy điện hạt nhân để giảm giá nhiên liệu, gặp lúc thảm họa nổ lò phản ứng Fukushima Daiichi ở Nhật, bị dân Đức quyết tẩy chay.
Sự kiện Đức bỏ phiếu trắng, mà người chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle, khi Liên Hiệp Quốc biểu quyết về Libya, bị chính giới chỉ trích nặng nề, cho là lần đầu tiên trong lịch sử, CHLB Đức đã tự cô lập trên trường quốc tế. Phát ngôn của Westerwelle đối với chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp lâu dài, bị cả trong và ngoài đảng phản đối, khi ông so sánh chính sách đó với thời La Mã cổ đại tự tiêu vong, do tạo cho lao động không muốn cố gắng. Những chính sách và phát ngôn trên chưa ảnh hưởng gì ghê gớm đến lợi ích nước Đức, nhưng đe dọa vai trò cầm quyền của đảng FDP, vốn do người dân quyết định nơi lá phiếu, được đặt vào đảng nào họ tín nhiệm hơn. Hậu quả, cả 3 cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang cách tháng trước, thì cả 3 nơi đảng FDP đều thất bại nặng nề.
Tại tiểu bang Sachsen-Anhalt, từ 6,7% cử tri ủng hộ lần bầu cử trước, tụt xuống chỉ còn 3,8%, dưới ngưỡng 5% theo luật định nên không còn đại biểu trong quốc hội. Tại tiểu bang Rheinland-Pfalz thất bại tương tự, rớt từ 8% cử tri kỳ bầu cử trước xuống 4,2%. Tại tiểu bang Baden-Wüttemberg, từ 10,7% trước đây, xuống còn 5,4%, mất luôn vai trò cầm quyền. Cứ theo đà mất từ 1/3 tới 1/2 cử tri như 3 tiểu bang trên, thì tương lai đảng FDP từ chỗ vốn có đại diện quốc hội tại 16 tiểu bang, và tham gia chính phủ liên minh ở 6 tiểu bang, có thể chỉ còn giữ đuợc 1 nửa. Lo lắng nhất ở cấp Liên bang, với 3% mức tín nhiệm hiện nay, nếu bầu cử, FDP sẽ bị loại khỏi quốc hội lẫn chính phủ, đặt FDP vào tình thế không còn đường lựa chọn, hoặc phải từ giã chính trường hoặc phải cải tổ đảng, để giành lại tín nhiệm cử tri, tùy thuộc giữ hay thay người đứng đầu, dù họ là ai.
Thế giới chắc không hiếm người tài giỏi như Roesler, nhưng ông bước được lên vũ đài chính trị thay thế Westerwelle, khẳng định bản lĩnh cả hai, chính là do môi trường chính trị ở họ, người dân định đoạt số phận mọi đảng phái, lúc đó chỉ còn niềm tin đóng vai trò xác quyết, không phân biệt “màu cờ, sắc áo”, chủng tộc… Để thấu hiểu ý nghĩa quyết định tiền đồ quốc gia cực kỳ sâu xa đó, có thể liên hệ tới dẫn liệu nghịch, liên quan tới nhà nước phong kiến Trung Quốc được Lỗ Tấn khắc hoạ: "Đến xê dịch mỗi chiếc bàn thôi, cũng phải đổ máu!".

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức.

TH st.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét