Nguyễn Bính và đồng nghiệp đấu khẩu bằng thơ
Trước ngày bế giảng lớp “Văn nghệ khoá Lê Trần” (1951) ở ấp Đồng Cùng, rừng U Minh, thi sĩ Nguyễn Bính tâm tình với bạn thân Hoàng Tấn: “Mình đã ngoài 30 rồi, sống lẻ loi mãi cũng buồn, mình tính vào khoảng sau hai tháng nữa sẽ cưới vợ”.
Hoàng Tấn ớ ra, cho là “chuyện lạ kháng chiến”. Một thi sĩ đa tình, lại như bèo dạt mây trôi, từng tuyên ngôn qua hai câu thơ: “Sống là sống để mà đi/Con tàu bạn hữu, chuyến xe nhân tình” và đã có “một ngàn lẻ người yêu trong mộng”, bây giờ muốn làm chú rể! Mà cô dâu là ai đây? Hoàng Tấn liền mau mau tranh thủ kể cho anh em trong tiểu đội nghe. Thế là đêm trước ngày Tiểu đội Thơ chia tay, Hoàng Tấn, Hoàng Phố, Thanh Bình, Truy Phong, Kiên Giang, Nguyễn Hải Trừng bày mưu trêu chọc Nguyễn Bính trong cuộc chất vấn - đối thoại bằng thơ hy hữu. Nhà thơ Thanh Bình xung phong “phát pháo” mở đầu.
Nhà thơ Nguyễn Bính. |
Thanh Bình (hỏi Nguyễn Bính): Phải chăng ông sắp tuyên hôn?
Truy Phong (bồi tiếp): Bạc tiền không có vợ con nỗi gì?Nguyễn Bính (thản nhiên): Bạc tiền không có cần chi/Miễn yêu chung thuỷ việc gì cũng xong.
Hoàng Phố: Rằng xong thì Bính dối lòng/Thuốc không có hút còn hòng cưới ai?
Nguyễn Bính (phản ứng): Các anh nghĩ thế là sai/Theo "Đời sống mới" tiền tài kể chi.
Nguyễn Hải Trừng (ở Tiểu đội Họa sang chơi, góp ý): Đứng trong thực tế mà suy/Bạc tiền không có lấy gì tiếp tân?
Nguyễn Bính (bực dọc): Đã mang tiếng bạn bè thân/Đến chơi đâu phải cầu ăn cho nhiều?
Hoàng Phố (khích bác): Bạn bè là chỗ thân yêu/Ít ra cũng phải một "heo" mới vừa.
Nguyễn Bính (trả miếng): Tưởng rằng tình bạn thiết tha/Ai ngờ lại hoá "bạn gà bạn heo"?
Hoàng Tấn (phê phán): Bính ơi xin chớ đặt điều/Bạn người ai lại bạn heo bao giờ?
Nguyễn Bính (chưa nguôi giận): Bạn người uống rượu ngâm thơ/Bạn heo nên mới đợi chờ thịt heo!
Thanh Bình (tấn công): Ông đừng vin cớ ông nghèo/Đơm chuyện đặt điều nói xấu bạn thơ.
Nguyễn Bính (đắc chí): Nào ai xuyên tạc bao giờ/Biết mình đuối lý thì ngơ cho rồi.
Hoàng Tấn (giả lả): Chuyện ăn là chuyện lôi thôi…
Hoàng Phố (lái sang chuyện khác): Nay xin gác lại hỏi chơi chuyện này/Vợ ông con cái nhà ai/Có phải lạc loài nên mới đụng ông?
Nguyễn Bính (trừng mắt): Con ai cũng có giống dòng/Lạc loài đâu phải là không ra gì?/Biết bao nhiêu phận nữ nhi/Cấm cung mà cũng thị phi tiếng đồn.
Truy Phong (đế vô): Cây có cội nước có nguồn…
Hoàng Phố(châm chọc): Lạc loài gái ắt chẳng còn tiết trinh
Nguyễn Bính (chỉ vào mọi người): Tại sao câu nệ chữ trinh/Các ông phong kiến cùng mình chẳng sai…
… Được một thời gian nghe tin Nguyễn Bính cưới một cán bộ phụ nữ tỉnh, mở sạp báo “Nhân Dân Miền Nam” ở Huyện Sử. Gần cuối kháng chiến, nghe máy bay Pháp lượn vòng từ đập đá dài theo kênh chắc băng xuống Thới Bình, rải truyền đơn kêu gọi đích danh tác giả Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính “quay về với chính nghĩa Quốc gia để được trọng đãi”… Bạn bè xôn xao cho đến khi có người gặp Bính đang làm rẫy ở Hang Mai, chung sống với một phụ nữ Bến Tre vừa sinh mụn con Nguyễn Hương Mai, kế Nguyễn Hồng Cầu.
Tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính hướng về Nam bộ, đặc biệt vùng sông nước kháng chiến chống Pháp dạt dào nỗi nhớ: “Thấy dừa lại nhớ Bến Tre/Thấy hoa sen nhớ đồng quê Tháp Mười/Thấy trăng lại nhớ đến người!”, để rồi đêm đêm ngửa mặt nhìn trời thốt lên “…Sao đặc trời cao sáng suốt đêm/Sao đêm chung sáng chẳng chia miền/Trời còn có lúc sao quên mọc/Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em!” (trích Đêm sao sáng).
(Theo hồi ký Nhớ về rừng U Minh của Hoàng Tấn)
(Nguồn: Văn Nghệ TP HCM)
TH st.
Cám ơn T.H đã "lang thang" tìm được nhiều bài viết hay và luôn làm thay đổi "bầu không khí" Blog.
Trả lờiXóa