Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Nhớ Về Hà Nội

Ai mới là người Tràng An?


Tôi 30 tuổi sinh ra và lớn lên ở đất Hà Nội này. Bố tôi là một giáo sư đầu nghành, mẹ tôi từng là hiệu phó một trường Đại học. Bố mẹ tôi thành đạt như vậy nhưng gốc gác trong lý lịch là gia đình bần nông.
 
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, theo tôi khi xuất hiện câu ca dao này thì Hà Nội mới chỉ gói gọn trong khu phố cổ, phố Pháp.
Thưa các bạn, tôi tình cờ biết đến diễn đàn của chúng ta, thật là sôi động, mỗi người một ý, ai cũng lý luận rất hay rất lý thú. Ở diễn đàn tôi cũng thấy nhiều người nói đến người Tràng An, người Hà nội, trai gái Hà Nội, trai gái nhà quê, người nhà quê vậy thì ta hãy tìm hiểu xem họ là ai.
Thưa các bạn, cách đây chỉ 50 năm thôi, thành phố Hà Nội có 53 nghìn dân, có thể một số bạn ngạc nhiên nhưng một phần rất lớn trong số những cư dân đang sống trong các quận nội thành Hà Nội hiện nay không sinh ra tại thành phố này.
Còn nếu xét đến quê hương bản quán trong Chứng Minh Thư thì 80% - 90% là người ngoại tỉnh, vậy họ từ đâu đến? Người dân Hà nội hiện nay theo tôi là đến từ tất cả các xã trên toàn Việt nam này (xin nhấn mạnh là xã). Họ là những người dân lao động hay kinh doanh lớn nhỏ, họ cũng là trí thức, công chức, cũng có thể họ chỉ nội trợ ở nhà, họ có thể làm giám đốc ở tập đoàn tổng công ty hay họ ở trong chính phủ làm đến những chức vụ, quyền lực cao nhất.
Dù họ là ai, tôi khẳng định đa phần họ là người giỏi. Họ phải có học vấn hay giỏi kinh doanh, giỏi nắm bắt cơ hội, là những con người ưu tú, giàu có hoặc khôn ngoan nhất ở những vùng quê thì mới trụ lại được nơi Thành phố khắc nghiệt. Không có họ Hà nội sẽ không phát triển được như hôm nay.
Nhìn lại một chút cách đây vài chục năm, các khu tập thể Giảng Võ, Kim Liên cách đây 35, 40 năm thôi xung quanh toàn cánh đồng, 25-30 năm trước từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông có 5km thì 4km hai bên đồng ruộng bát ngát. Đại lộ Nguyễn Trãi (do Liên xô giúp) cực rộng nhưng chỉ để bà con phơi thóc lúa, trên đường xe trâu, xe bò ỉa đầy đường, cả quận Thanh Xuân là một cách đồng lớn. Hiện tại Hà Đông đã là quận lớn nhất thủ đô, đối với lớp trẻ trên phố ngày xưa (cả ngày nay) thì đây đúng là khu nhà quê, hồi trước có lần tôi chát tán tỉnh với một em nhà buôn bán trên phố đã hai mấy rồi mà còn chưa xuống đến Thanh Xuân bao giờ?? Tệ quá!  
Chỉ 5-10 năm nữa thôi Hà Đông nói riêng và khu phía Tây Thành phố nói chung một Hà Nội mới, khang trang hiện đại. Tôi đã chuyển đến sống trong một khu đô thị mới ở khu vực này được quy hoạch đẹp, thoáng, văn minh, hiện đại, và mức sống cao (tiền hàng tỷ mới mua nhà được ở đây).
Ngoài một phần dân Hà nội ra thì người các tỉnh về mua chiếm đa số (khiếp thật). Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn cho đến Ninh Bình, Thanh Hóa… đủ cả. Người ít tiền thì mua một cái căn hộ cho con lên ở, người nhiều tiền mua cả dãy nhà chia lô hay vài lô biệt thự rồi để đấy chả thèm ở, toàn các đại gia khét tiếng ở quê cả.
Còn những người ở những quận cũ HN chuyển ra ở cũng nhiều, các bác về hưu, các đôi trẻ mới cưới, có nhà còn bán nhà ở trung tâm ra mua liền 3 căn hộ giải quyết khâu chung nhà gây xung đột thế hệ (1 cái đổi được 3) đúng là chí lý và khôn ngoan.
Còn Tràng An cổ gốc ư, ngoài số ít điều kiện mặt phố hào nhoáng cửa hiệu còn bên trong là khu ổ chuột đúng nghĩa. Mọi người có thể tham khảo thêm ở đây để hiểu thêm về Hà Nội: Đến với khu phố cổ Hà Nội
Mỗi thời mỗi khác, ngày xưa không mất tiền có thể có nhà Hà Nội vì cơ quan có đất, bây giờ rất khác đó. Chỉ những nhà cực giầu ở quê mới có thể giúp con mua nhà ở Hà nội còn phần nhiều thì không. Nhiều người thu nhập tốt phải chấp nhận thuê nhà một thời gian, người thu nhập khá hoặc trung bình thì thuê nhà cả đời, và cả đời họ không mua được nhà.
Theo afamily.vn

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Tôi trở về Hà Nội với tâm trạng của một người con xa quê, vừa với tâm trạng của một kẻ ngụ cư. Hà Nội ngày nay sao lại thế?
Tôi là người con cuối cùng trong gia đình trở về Hà Nội sau chuyến hành trình dài 40 năm của gia đình. Do một biến cố lịch sử nên sau khi tốt nghiệp đại học, bố mẹ tôi được điều chuyển công tác về tỉnh trung du, tôi được sinh ra ở đây.
Những năm tháng lớn lên, mỗi chủ nhật được theo bố về thăm quê, thăm người thân, mỗi hình ảnh đều được tôi cảm nhận về một Hà Nội rất đỗi thân thương. Ở nhà mỗi lời nói, cách đi, cách ngồi, mọi sinh hoạt đều được mẹ tôi uốn nắn cẩn thận (mẹ tôi là nữ sinh Trưng Vương mà).
Tôi trở về Hà Nội với tâm trạng của một người con xa quê, vừa với tâm trạng của một kẻ ngụ cư. Nơi tôi sống là một chung cư có rất nhiều con người từ nhiều miền quê khác nhau tập trung lại, người đến trước, người đến sau. Nơi tôi ở có rất nhiều trẻ em, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, những đứa trẻ có chất giọng khác với bố mẹ chúng và dĩ nhiên nền văn hóa gia đình thì không thể mất được.
Những đứa trẻ này học rất nhanh, rất thông minh và khi lớn đương nhiên là chủ nhân của một Hà Nội mới, Hà Nội có chất giọng khác với những người Hà Nội trước 1954, trước 1945, trước nữa, và khác cả văn hóa nữa.
Rất nhiều người nói rằng trẻ em ngày nay thiếu giáo dục, nhìn thấy người lớn không chào, nói năng thiếu tôn trọng. Nơi tôi ở một cô gái đứng giữa thang máy không chào ai, không nhường lối cho mọi người, ... mọi người không nói gì. Tôi dạy con tôi gặp mọi người phải chào, và hàng ngày cháu chào bác công nhân lau hành lang, chào cô nhân viên giữ xe, .... mọi người cười như một sự lạ?
Trên các báo đang nói rất nhiều về một Phố hoa Hà Nội, về văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Vậy bao nhiêu người mang nét văn hóa của người Hà Nội, bao nhiêu người mang văn hóa vùng miền đến Hà Nội...? Câu hỏi này mỗi người sẽ tự trả lời mình là ai và từ đâu đến.
Hà Nội ngày nay sao lại thế? Vậy tại sao không tới xem bến xe phía nam và các bến xe khác những ngày giáp tết, mọi người về quê líu lo giọng nói, vui lắm.
Và Hà Nội sáng mùng một Tết là một ngày yên bình nhất trong năm, và sẽ yên bình và văn hóa hơn nữa khi những kẻ như tôi không có mặt ở Hà Nội.
Nhưng tôi biết đi đâu bây giờ!
Nguyễn Hồng Lân( Theo VnExpress.net )

Dù quê quán ở đâu, sinh sống ở đâu, hãy cư xử có văn hóa
Xã hội hiện đại thì những thành phố lớn như Hà Nội không thể tránh được hiện tượng người ngoại tỉnh đến làm việc và sinh sống ngày càng nhiều. Việc ứng xử có văn hóa hay không đâu có liên quan đến gốc gác xuất thân, chả lẽ chỉ có người Hà Nội là thanh lịch thôi sao?
Năm ngoái rất buồn khi nghe chuyện về đường hoa Hà Nội bị phá tan hoang chỉ sau có mấy ngày; trong khi vào Tp HCM, đường hoa Nguyễn Huệ từ 26 tết đến tận mùng 2 tết vẫn đẹp tuyệt vời, dù không thấy bóng một người bảo vệ nào. Mong rằng đường hoa HN năm nay sẽ được như vậy. Chúc mọi người một năm mới an khang, vui vẻ.
Mong sao mỗi người, dù quê quán ở đâu, sinh sống ở đâu, hãy cư xử có văn hóa để Hà Nội, và không chỉ Hà Nội thôi mà trên khắp đất nước ta, luôn sạch đẹp, văn minh.
( GIACAM ) ( TheoVnExpress.net )
TH st.

1 nhận xét:

  1. Là người Hà Nội, hay người ở đâu đến đều không quan trọng nếu mỗi người đều có ý thức, có văn hóa, biết gìn giữ nếp sống văn minh đẹp ở nơi mình sống và biết tự xấu hổ...
    Hơn nữa, Hà Nội được mệnh danh là „bộ mặt“ của cả nước, thì cũng nên quan tâm, chăm sóc để „bộ mặt“ sao cho thật đẹp! Và còn được ví là trái tim nữa; Tim mà không khỏe, không đập thì sẽ sao đây?

    Trả lờiXóa