Nguyễn Quang Lập
Mình quen Văn Tâm từ năm 87, mãi đến năm 92, 93 gì đó Bảo Ninh mới rủ đến nhà anh chơi, từ đó qua lại nhà anh nhiều lần, được anh đối xử rất trân trọng, quí mến. Nói thật trước đó mình chẳng biết Văn Tâm là ai, đọc bài anh viết về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất thích nhưng cũng chẳng cố công tìm hiểu tác giả. Đôi khi ngồi nhậu, nghe mấy anh nhà văn lớp trước nói Văn Tâm nói thế này, Văn Tâm nói thế kia cũng không để ý. Một hôm mình đến báo Văn Nghệ lấy nhuận bút cái truyện ngắn, đi ra cửa súyt va vào anh đang dắt xe đạp đi vào. Anh nhìn mình, nói Nguyễn Quang Lập phải không? Mình vâng. Anh bắt tay mình rất chặt, nói vừa đọc cái Chớp Ri của cậu xong. Rồi anh đảo xe ra cửa, nói mình đi đâu ngồi chút đi.
Anh nói chuyện không nồng nhiệt cho lắm nhưng ấm áp và thân thiện. Anh nghe nhiều hơn nói, nghe rất chăm chú nói rất kiệm lời, hình như nói ra câu nào là câu đó anh đã nghĩ ngợi kĩ càng lắm rồi, có lẽ đó là tác phong của ông giáo suốt đời phải đối diện với đám học sinh giỏi. Sau mới biết anh thuộc lớp sinh viên khoa văn sư phạm đầu tiên ở miền Bắc, cùng với Ninh Viết Giao, Cao Xuân Hạo, Phạm Hoàng Gia… được học với các thầy cực nổi tiếng Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường… Kinh. Chỉ cần học với một trong các thầy đó cũng đủ giỏi rồi, đằng này anh học hết các thầy, lại là học trò yêu của họ, mới biết anh giỏi thế nào.
Văn Tâm yêu ghét rõ ràng, thích ai chơi không tiếc thời giờ, ghét ai một phút cũng không tiếp. Ít khi anh chịu bù khú đàn đúm, cao đàm khoát luận ngoài quán xá. Ai thích thì mời về nhà, không thì thôi. Ngồi nói chuyện với anh rất dễ có cảm giác mình rất quan trọng, những ý kiến của mình rất đáng được lắng nghe. Gặp anh một lần rồi cứ muốn gặp mãi, mình hay mò đến nhà anh nhiều cũng vì thế. Anh Quán (Phùng Quán) nói muốn uống rượu ngon đến nhà Văn Tâm, muốn được đón tiếp trọng thị đến nhà Văn Tâm, muốn thật sự đàm đạo văn chương cũng đến nhà Văn Tâm nốt. Anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) thì mê Văn Tâm như điếu đổ, hễ ra Hà Nội là đến nhà anh, bất kể bận rộn thế nào.
Cũng không rõ tai nạn nghề nghiệp của anh đầu những năm 60 là gì, anh không nói, anh Quán có kể qua nhưng quên mất rồi, hình như anh có dính đến vụ Nhân văn giai phẩm, người ta không cho anh cơ hội dạy đại học, “ mời” anh vê dạy cấp III. Mới ra trường, anh nổi lên như một cây bút sáng giá, một loạt bài về thơ 30-45, về văn học lãng mạn, về Nhật kí trong tù, về các tác phẩm được coi là “nhạy cảm” của Vũ Trọng Phụng… được dân trong nghề đánh giá rất cao. Anh Quán gọi anh là “ông một- mười”, mình hỏi sao, anh Quán nói Văn Tâm đề ra nguyên tắc muốn viết một phải biết mười, nghe dễ sợ, nể Văn Tâm vô cùng.
Sau tai nạn nghề nghiệp, anh gác bút mấy chục năm, mãi đến năm 1987 mới viết lại. Cả một thời sung sức nhất của anh đã bị bỏ qua, thật tiếc. Bù lại, đám học sinh lại vớ được ông thầy quá giỏi, họ sung sướng từ thời được học với anh đến bây giờ vẫn sung sướng, tự hào nữa. Một trong số đó là Nguyễn Thanh Sơn, học trò yêu của anh thời anh dạy chuyên văn Hà Nội. Thằng Sơn đạt giải nhất văn toàn quốc điểm 10 tuyệt đối, thầy nào cũng phết điểm 10 đỏ chót cho bài văn của nó, rõ là học trò Văn Tâm.
Chị Cam (vợ anh) kể từ ngày anh mất, hễ khi nào chị lên thăm mộ anh cũng thấy hoa tươi, ba bốn năm nay trên mộ anh luôn hoa tươi như thế. Chắc chắn đó là hoa của học trò yêu mến anh, cả những học trò đã từng yêu trộm nhớ thầm anh nữa, nhiều lắm. Làm thầy được như thế không gì hạnh phúc hơn. Nhưng sinh thời hễ ai khen anh dạy giỏi anh chỉ cười nhạt rồi đánh trống lãng sang chuyện khác. Đôi lần mình có hỏi anh vì sao như thế, anh chỉ mỉm cười không nói. Một lần ngồi nhậu với anh, có ai đó lại khen anh dạy giỏi, anh thở hắt ra, nói ai cũng khen tôi dạy giỏi, nghe phát ngượng. Giỏi giang gì đâu, tôi dạy con tôi còn chả xong… Anh dừng lại đó không nói gì thêm. Biết tính anh mình không dám hỏi, nhưng hơi lạ, hai đứa con gái của anh đều xinh đẹp giỏi giang thế, sao anh còn thất vọng? Sau này mới biết anh có cậu con trai nữa, đó là họa sĩ Cao Tuấn, thời còn bé nó là một bi kịch giáo dục của anh, hi hi.
Bây giờ Cao Tuấn là họa sĩ đã thành danh, vợ đẹp con khôn, tranh tre bán được, tới đây nó sẽ có cuộc triển lãm bề thế ở 39 Hàng Bài. Ngày xưa nó được coi như một thảm họa của Văn Tâm. Thực ra anh với nó là hai thế giới văn hóa khác nhau, thậm chí ngược nhau. Trong khi Văn Tâm coi văn là một cái gì vô cùng quan trọng của văn hóa đời sống thì nó chẳng coi văn veo ra cái gì, người ta hoàn toàn sống tốt mà chẳng cần văn.. Đối với nó sách tình báo, sách phản gián mới gọi là sách trong khi Văn Tâm chẳng hề bao giờ mó tới. Mấy món văn veo trong sách giáo khoa làm nó chán ốm, không bao giờ nó mó tới thì Văn Tâm lại quả quyết đó là thứ không thể thiếu nếu nó muốn trở thành người có văn hóa. Tất nhiên người có văn hóa thì nó thích quá rồi, nhưng nuốt trọn cả mớ sách giáo khoa kinh dị kia để trở thành người có văn hóa thì dù có chém chết nó cũng chẳng theo. Văn Tâm bảo thế nào nó cũng chịu nghe, điểm văn của nó chưa bao giờ vượt quá được điểm 5, mấy điểm đó có được cũng chỉ nhờ quay cóp mà thôi.
Đến kì thi tốt nghiệp lớp 10, anh buộc phải luyện thi môn văn cho nó. Đoán năm đó có thể thi về Truyện Kiều, anh ôm một đống sách vở báo chí về Truyện Kiều về nhà, bảo nó đọc. Thỉnh thoảng anh hỏi nó đã đọc chưa, nó bảo đọc rồi. Anh hỏi đọc kĩ chưa, nó bảo kĩ lắm rồi bố. Anh dạy nó cùng với hai đứa con bạn anh gửi nhờ anh kèm cặp. Một hôm anh bảo mỗi đứa ngâm một hai câu Kiều, hai đứa kia ngâm trót lọt cả, đến lượt nó thì tịt. Anh hỏi sao, nó bảo con không biết ngâm. Anh bảo ừ, thế thì đọc. Đọc nó cũng tịt. Anh trố mắt nhìn nó, nói chả nhẽ con không thuộc câu "Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" hay sao? Nó trố mắt nhìn anh, nói thế hả bố, hai chữ đó ghét nhau thật à? Mặt anh từ hồng tươi chuyển sang tím bầm. Tu trọn một ca nước để giữ bình tĩnh, anh hỏi nó Truyện Kiều là của ai. Nó câm như hến. Anh ném ấm nước vỡ tan, đập bàn đánh rầm, nói mày có thể không biết bố mày là Văn Tâm, nhưng mày không thể không biết Truyện Kiều là của Nguyễn Du, rõ chưa. Hi hi.
Hôm mình đến nhà anh, thăm chị Cam, uống rượu với Cao Tuấn. Nó khen cuốn Kí ức vụn của mình, nói không ngờ Nguyễn Quang Lập viết giỏi thế. Mình cười hì hì, nói tao thật quá vinh dự, mày không biết Nguyễn Du là ai lại biết Nguyễn Quang Lập viết giỏi. Nó liếc vội lên bàn thờ anh, nói thôi, anh đừng nhắc đến nữa kẻo bố em buồn. Nó đem bức chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái ra khoe, một bức tự họa quá đẹp cụ Phái tặng Văn Tâm. Nó bảo từ bé em mê bức này quá trời, mấy lần xin bố em, lần nào xin bố em cũng cười nhạt không nói gì. Em đoán bố em nghĩ cái thứ văn hóa như mày lại dám giữ bức họa của một đại danh. Trước khi bố em mất năm ngày, em nói của cải bố để lại con chẳng xin gì, chỉ xin bố bức chân dung tự họa của cụ Phái. Bố em ngước nhìn em ứa nước mắt, cầm tay em run run, nói bố cho con tất. Nó kể đến đó rồi ngồi rũ ra, ngước lên bàn thờ anh rưng rưng. Mình cũng ngước lên bàn thờ anh rưng rưng. Ôi Văn Tâm, cho đến những ngày cuối đời, trước khi về trời anh mới nhận ra con trai anh không hề là “một thảm họa”, nó là một chân giá trị giữa đời.
Ngvt st
Tôi học văn thầy Tâm nhiều nhất hồi lớp 8.Khi mới vào lớp cũng có những xì xầm về việc NVGP , nhưng khi gặp thầy tôi đâu thấy có gì khác biệt . Tính thầy lạnh lùng, nghiêm khắc. nhưng những bài thầy giảng rất hay và hấp dẫn.
Trả lờiXóaCâu ‘’ đám học sinh lại vớ được ông thầy quá giỏi, họ sung sướng từ thời được học với anh đến bây giờ vẫn sung sướng, tự hào nữa’’ rất đúng với tình cảm của chúng ta dành cho thầy
Cám ơn Ngvt st bài này, cho chúng mình được hiểu thêm và nhớ về người Thầy giáo VĂN TÂM, đúng như tên Thầy!
Trả lờiXóaGần đây mình lại được biết Thầy là học trò cưng của cụ Đoàn Phú Tứ, tác giả của bài thơ nổi tiếng "Màu thời gian". Mình xin giới thiệu cho các bạn:
MÀU THỜI GIAN
Đoàn Phú Tứ
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Toi cũng là một trong ‘’đám học sinh lại vớ được ông thầy quá giỏi, họ sung sướng từ thời được học với thầy đến bây giờ vẫn sung sướng, tự hào nữa ‘’ .
Trả lờiXóaThanh vien 10h
Cảm ơn NgVT sưu tầm bài này. Mình còn nhớ rât nhiều kỷ niệm về thầy Văn Tâm dậy văn kiêm phó chủ nhiệm lớp 9H(sau này là 10G)nhất là những giờ dậy văn thơ lãng mạn hiện thực thời cận đại(ví dụ như bài Nhớ rừng của Thế Lữ). Đến thăm thầy lần đầu, được thầy mời cơm cùng nhóm bạn 9H-10G để hôm sau nhập ngũ, không ngờ lại là lần cuối được gặp thầy.
Trả lờiXóaTrên một chuyến bay sang Đức quá cảnh Moskau, tôi tình cờ ngồi gần một thanh niên Việt Nam, không ngờ lại là con trai thầy Văn Tâm đi Nga để tham gia Hội diễn và triển lãm văn hóa nghệ thuật. Cao Tuấn cho biết thầy Văn Tâm đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.Xin được kính cẩn nghiêng mình và luôn nhớ và biết ơn thầy Văn Tâm.