CHUYỆN “CHIẾN TRANH VĂN HỌC” BẤT THÀNH (kỳ 2)
|
Đỗ Quyên |
Cùng đồng bào và chiến sĩ,
Sau sự kiện giàn khoan HD-981, đất nước phải gánh chịu không ít thiệt hại để đối phó mà chỉ riêng về kinh tế đã mất khoảng 1 phần trăm GDP; song nhìn chung chúng ta đã giành thắng lợi bước đầu về Biển Đông. Với các giải quyết căng thẳng 3 tháng qua, Đại Việt đã tạo cơ sở để đấu tranh tiếp tục về ngoại giao, về luật pháp, về thực lực, kết hợp nhiều biện pháp đạt kết quả khi phía Trung rút giàn khoan để tình hình tạm thời hòa dịu. Nhưng, hơn ai hết chúng ta hiểu đó chỉ là phần nổi rất nhỏ của một núi băng chìm: Kế hoạch 50 năm với 3 giai đoạn thống trị châu Á và thế giới của Trung đã gần xong giai đoạn thứ nhất về mưu đồ!
Tới tận ngày hôm qua, các bình luận gia quân sự quốc tế đều nghĩ,
rằng tập đoàn Tập Cần Bính sẽ tiếp tục giữ mức căng thẳng nào đó ở Biển Đông, vừa đủ để Mỹ chưa phải can thiệp sâu nhưng cũng vẫn đủ để lãnh đạo Trung đạt đích ngắn hạn và dài hạn; rằng đây là kiểu chiến tranh đặc biệt về phương cách tác chiến, vũ khí sử dụng, thời gian và không gian; rằng đó là chỉ hành động dọa Đại Việt khi mà những nước láng giềng của Trung không dễ bị dọa; rằng Trung sẽ không đánh Đại Việt, chỉ cần xâm chiếm chủ quyền hữu hình và vô hình (trong đó có ‘nhân nhượng’ của Đại Việt?!); rằng Trung làm vậy cốt cho dân Việt không tin vào nhà nước, từ đó bắt nạt, tạo khó khăn về kinh tế.
Nay tình thế đã khác hẳn!
Những gì tập đoàn bành trướng Trung đã và đang làm khác rất xa những gì chính quyền Trung nói.
Bằng cái gọi là ‘Lệnh phát động chiến tranh trên đại dương Nam Hải’ (với ngôn từ sai trái, thô thiển và ngạo mạn ‘để dạy cho tiểu bá quyền Đại Việt bài học thứ hai’?!), lần đầu tiên trong lịch sử gây hấn thiên hạ, nhà cầm quyền Trung đang công khai thách thức thế giới bằng thực chất lộ liễu của Đại Hán tộc chủ nghĩa.
Hơn ai hết, người Việt càng nhận thức rõ rằng mình đang ở vị trí mong manh nhất, cô độc nhất và bất lợi nhất. Đó là bàn cờ Tạo hóa sắp sẵn tự ngàn xưa, mà tới đầu thế kỷ 21 khi tiến trình toàn cầu hóa sang cung bậc cao thì vị thế Đại Việt càng trở thành mũi tiền tiêu trên bước đường bành trướng của chủ nghĩa Đại hán; và do đó người Việt sẽ bị là nạn nhân đầu tiên cho tham vọng bá chủ hoàn cầu của Bắc Kinh.
Chúng ta không thay đổi được địa lý tự nhiên, nhưng chúng ta có thể thay đổi được địa-chính trị. Chúng ta phải thay đổi được địa-chính trị! Trong đó có cả các sai lầm về địa-chính trị của một thời vì lý do lịch sử.
Chúng ta, theo tư tưởng đó, đang và sẽ duy trì đường lối chiến lược ‘3 không’: không liên minh quân sự; không dùng quan hệ song phương chống nước thứ ba; không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ. Song song với phương châm chiến thuật ‘4 tránh’: tránh xung đột quân sự; tránh bị cô lập kinh tế; tránh bị cô lập ngoại giao; tránh bị lệ thuộc chính trị; và tinh thần chỉ đạo ‘8k’: kiên quyết; kiên trì; khôn khéo; kiềm chế; không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; không để nước ngoài lấn chiếm; không đụng độ.
Chúng ta có kinh nghiệm minh triết Việt và những lời truyền đời Việt làm cơ sở hành động: ‘Dĩ bất biến ứng vạn biến’, chủ quyền độc lập dân tộc là bất biến, những đường lối, chính sách là vạn biến; ‘Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vất bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di.’; v.v…
*
Đất Nam biển Việt đang thật sự ở vào giai đoạn hiểm nguy mà mỗi người dân Việt phải sáng suốt, can đảm và quyết liệt để lựa chọn sinh tử lộ cho Tổ quốc.
Trong thời tiền hiện đại, tư tưởng Đại Hán cực đoan xem Trung như là nền văn minh duy nhất của loài người; các quốc gia nước ngoài hoặc các nhóm tộc khác chỉ như ‘rợ’ ở các trình độ khác nhau. Sang thời hiện đại, chủ nghĩa hẹp hòi Đại Hán coi tầm quan trọng của Trung là tối cao so với các quốc gia khác, và nó cũng bị chính các quốc gia nổi tiếng về chủ nghĩa dân tộc chỉ trích thậm tệ vì thói xâm lược quá lố.
Hơn ai hết, người Việt hiểu chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ở nền tảng triết lý cội nguồn:
Đó là kết hợp giữa hai hệ tư tưởng Nho gia (đề cao nhân nghĩa) và Pháp gia (sùng bái bạo lực, cổ vũ chiến tranh) để theo đuổi chính sách bành trướng của thiên triều;
Đó là mô hình hoàng đế – thiên tử chuyên chế, hà khắc với thần dân và thường xuyên đe dọa xâm lược lân bang;
Đó là phương thức dùng xâm lăng nước láng giềng, trước là chiếm lãnh thổ và quyền lợi, nhưng sau hậu là để tăng thêm uy thế với nội tình;
Đó là dùng chiến tranh như nguyên cớ tỏ uy thế đối nội và đối ngoại, đe dọa trừng phạt kẻ đối kháng, với mục đích cứu vớt thể chế tránh suy sụp, trong sách lược ‘hoàng đế lấy ngoài yên trong’.
Hơn ai hết, người Việt hiểu chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ở các đặc tính cơ bản và cụ thể:
Đó là hiếu chiến, hống hách và hoang tưởng. Tưởng mình lớn mạnh, nắm lẽ phải, cư xử hách dịch, ít nhìn toàn thể, manh động phiêu lưu.
Đó là ngụy thiện, ngụy trang thói tàn bạo qua lời lẽ đạo lý, nhân từ, qua thói lừa dối với thủ đoạn thâm hiểm ‘ăn thịt người’.
Đó là trọng danh hơn trọng thực, sống bằng uy tín chính trị, xâm lược để bảo vệ danh hơn giành lợi thực, suy tính về danh vọng hơn tính toán về thực tế; thường là nguyên nhân gây ra hành động mạo hiểm.
Các quy luật ngàn đời trên đã đúng với bản chất của các vương triều phong kiến Trung, và đang đúng về thực chất của nước Trung hiện nay với tập đoàn bành trướng hiện đại Trung Nam Hải.
Trận Hải chiến Biển Đông với ‘ngụy cớ văn học’ cực kỳ vô duyên và vô lý đã nằm trong mớ bòng bong ‘lấy ngoài yên trong’ của thể chế Trung hiện hành.
Chưa bao giờ tộc người Việt phải đối mặt với họa diệt vong gay cấn như hiện nay, nếu như không ngăn chặn thảm họa đang tới cửa ngõ Biển Đông. Bài học diệt chủng Miên còn đang ứa máu trong các tháng ngày này với cuộc xét xử kéo dài đối với kẻ đồ tể mà máu quân đội tình nguyện Đại Việt dự phần trong đó! Không ai khác, chính kẻ đang mang hải quân xâm phạm Biển Đông hôm nay cũng là kẻ từng mưu tính chiếm nước ta không biết bao lần trong chính sách ‘giết sạch dân bản xứ, di dân từ chính quốc’ mà trong áo bào mang tên Chủ nghĩa thực dân còn thêm lý do giải quyết nạn nhân mãn!
Nhưng, chúng ta phân biệt rõ nhân dân Trung với giới lãnh đạo Trung qua các thế lực có mưu đồ bành trướng, xâm chiếm Biển Đông. Luôn thủy chung với mình và với láng giềng, chúng ta mong muốn và thực hiện bang giao bằng hữu, hòa bình với 1,3 tỷ nhân dân Trung.
Chúng ta đã từng và mãi mãi mong muốn Đại Việt và Trung hợp tác cùng phát triển. Chúng ta chân thành thực thi thực chất của tinh thần “16 chữ và 4 tốt” sao cho ích lợi với cả hai nước. Và tới tình hình phức hợp gần đây, chúng ta đã có thêm phương châm “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong đối ngoại Việt-Trung.
Ngay như tập tài liệu nội bộ ‘Về cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990’ do Ban Tuyên giáo Trung ương soạn thảo và phân phát đến tận các cơ sở đảng cũng nêu rõ rằng, đến tháng ngày này Đại Việt vẫn kiên trì quan hệ hợp tác hữu nghị với nhân dân Trung; rằng trong thời điểm hiện tại Đại Việt vẫn khẳng định mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung là chủ trương đối ngoại quan trọng.
Tưởng cũng cần nhắc lại tại đây về kết quả Hội nghị Thành Đô. Phần 3 của tài liệu khẳng định: ‘Trong các hội đàm, trao đổi chẳng những không hề có vấn đề phía Trung gây sức ép với ta về nhân sự, mà còn không hề có cái gọi là sự thỏa thuận ‘Đại Việt sẽ thành khu tự trị thuộc Trung, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2010’, như một số trang mạng, blog đã đưa tin. Đây là một luận điệu bịa tạc với mưu đồ kích động, tạo bức xúc trong cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân’. Với tâm địa xấu, chính Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung đã dự phần truyền bá tin tức thất thiệt đó.
Về việc Trung đưa giàn khoan HD-981 cùng tàu chiến xâm phạm vùng biển Đại Việt, tài liệu nội bộ quan trọng đó cũng nhấn mạnh: ‘Chuyến đi thăm Trung của Đặc phái viên Tổng bí thư đã đạt kết quả quan trọng, tạm thời làm dịu tình hình căng thẳng Trung-Việt, thúc đẩy Trung vào đàm phán giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình, khôi phục quan hệ giữa hai nước, kiểm soát tình hình để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.’
Là nạn nhân thảm thiết của hàng chục cuộc chiến tranh lớn vào bậc nhất thế giới cổ kim, mà cuộc chiến Mỹ-Việt 1955-1975 còn chưa hết ám ảnh và di chứng, người Việt đang, đã và sẽ nói ‘Không’ với bất kỳ kiểu loại chiến tranh nào. Nhưng, cũng vì thế, người Việt sẵn sàng hy sinh trong trận hải chiến sắp tới để chặn đường tiến sâu vào nội địa Đại Việt vì sự nghiệp vệ quốc thiêng liêng và chính nghĩa. Cũng vì thế, người Việt phải chấp nhận chiến tranh để ngăn chặn, giảm thiểu, rút ngắn chiến tranh. Hơn ai hết chúng ta hiểu câu nói lịch sử: ‘Một dân tộc né tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã, cuối cùng sẽ nhận được cả nhục nhã lẫn chiến tranh’. Đây đang là thời điểm quyết định vận mệnh dân tộc Việt!
Trung mới chỉ xuất hiện tại Biển Đông khi lợi dụng bóng tối của lịch sử vào các thập niên 1970-1980 để thực hiện các mua bán chính trị trên lưng người Việt đúng lúc Tổ quốc của chúng ta bị chia cắt, để cướp đoạt một số đảo trên vùng biển này.
Hiển nhiên, ngay cả về pháp lý quốc tế, tuyệt chưa có quốc gia nào thừa nhận chủ quyền của Trung trên các biển, đảo cưỡng chiếm bằng vũ lực và phi pháp đó. Trung luôn tự nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của mình mà không đủ chứng cớ. Đại Việt đầy đủ bằng chứng lịch sử, hiện trạng và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Với Hoàng Sa, trên thực tế Trung đang chiếm giữ qua 2 lần đánh chiếm, mà lần gần nhất là năm 1974 nhờ có thỏa thuận ngầm của Mỹ khi Tổ quốc ta chưa thống nhất. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa; đời này không xong đời sau tiếp tục. Chúng ta không mong muốn xung đột, chiến tranh xảy ra nhưng đã và đang phải chuẩn bị tất cả mọi phản ứng cần thiết mà hôm nay là biểu hiện cao nhất. Chúng ta từng đặt ra trước dư luận 2 khả năng: hoặc họ nói họ phải từ bỏ ‘đường lưỡi bò đứt khúc 11 đoạn’, hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền mà điều này nhất quyết không người dân Việt nào chấp nhận.
.....
Xin xem bản đầy đủ Truyện 3 kỳ 2 ở đây