Các bạn
thân mến!
Bạn Đỗ Ngọc
Thủy của chúng ta (bút danh Đỗ Quyên) vừa hoàn thành tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung. Chúng ta vui mừng chào đón một tác phẩm văn học mới của Thủy. Đây
là một nỗ lực rất lớn của và cũng đầy tâm huyết của bạn Đỗ Ngọc Thủy. Đây cũng là một
món quà của đứa con xa quê vẫn không nguôi nhớ về Tổ Quốc, nơi đã sinh ra, nuôi
dưỡng mình.
Tiểu thuyết
bao gồm 3 truyện. Truyện 1 và 2 đã đăng trên Blog
Tiếp theo, chúng tôi đăng tiếp truyện 3. Vì tiểu thuyết có
dung lượng lớn, chúng tôi xin chia làm các phần và liên kết đến nội dung đầy đủ
trên mạng.
Sau đây, xin
mời các bạn cùng đọc, suy ngẫm và trao đổi
Truyện 3
CHUYỆN “CHIẾN TRANH VĂN HỌC” BẤT THÀNH
“Lịch sử phân biệt người anh hùng và kẻ sát nhân;
văn học coi nhân vật anh hùng là đáng kể.”
HỒI 1
Thật ra, hai truyện đầu của Trung-Việt Việt-Trung thì như độc giả từng
biết. Không hiểu vì các vấn nạn mà chính quyền Trung sinh sự trên trường quốc
tế, vì tính nghệ thuật của truyện, hay vì cơn sốt từ cả chục triệu độc giả sau
mươi ngày truyện lan tràn trên mạng mà Hollytree – trung tâm điện ảnh có trụ sở
tại Canada, lớn chỉ sau Hollywood – đã quyết định mua đứt bản quyền tác phẩm.
“Chúng tôi không như văn sĩ Hồ An Thái
đã từ chối thẳng tưng đám bạn đạo diễn năn nỉ hết lưỡi không cảm ơn nhiều chớ
động đến truyện của tôi đánh cho gãy tay lại bảo không nói trước.
Chúng tôi không như văn hào Michal
Kundera cậy uy vạch mẽ môn nghệ thuật thứ 7 thời hậu hiện đại thích sục sạo vào
các tác phẩm văn học moi tìm cái đáng làm phim vậy cánh sáng tác tụi mình cứ
viết sao cho truyện kịch thơ là của riêng tụi mình không để chúng chuyển thành
phim được.”
“Chúng tôi hiểu lắm chứ. Văn sĩ muốn bảo
toàn một loại văn chương chuẩn không được phép chỉnh bằng bất cứ loại hình nghệ
thuật phi ngôn ngữ nào, ngoài bộ môn phê bình văn học.
Chúng tôi hiểu lắm chứ. Văn hào muốn giữ
gìn tính đích thực, tính thuần túy của nghệ thuật ngôn ngữ: ‘Có loại văn chương
chỉ có thể hay vì mang đặc trưng văn chương. Văn này chỉ hay ở văn, ở ngôn ngữ,
ở cảm xúc và tư tưởng trên trang sách trong con chữ; khi bị thoát tục khỏi mực
đen giấy trắng hay thiết bị đọc sách như hiện nay thì văn chương bỗng hết hồn
mất vía. Văn hay, chẳng phim nào bắt được hồn vía văn.’ Diễn nôm dân gian Việt:
‘Em xinh em đứng một mình cũng xinh’.”
“Chúng tôi cũng hiểu lắm chứ. Nếu âm
nhạc luôn là người tình đầu tiên và trọn kiếp của mỗi thi sĩ, thì điện ảnh là
cuộc giao hợp đạt đỉnh hân khoái mà vô khối nhà văn mỏi mòn mong ngóng. Vì danh
tiếng tác phẩm và tác giả. Vì khoản thu nhập từ 3 cho đến 6 số không, thậm chí
nhiều không đếm xuể. Vì nhiều điều khác nữa. Còn với chúng tôi, là vì trách
nhiệm và vinh dự công dân, vì lợi ích Tổ quốc khi bị lâm nguy.”
Giữa tác giả Trung-Việt Việt-Trung và Hollytree (*) có
vài trao đổi đại loại vậy…
{xin chú thích:
tác giả thường gọi chệch các danh từ chỉ địa danh, tên người…, ví dụ Hollywood thành Hollytree, không phải do nhầm
lẫn}.
Thế rồi xuất hiện một kịch bản chuyển
thể cho phim mang tên Chuyện tình Trung-Việt Việt-Trung, trong đó Truyện 2 – Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào có thêm phần vĩ thanh:
… 100 ngày sau ngày 15 tháng Tám năm 3029, tức là 100 ngày sau lễ tuyên
dương công trạng, nữ đại tá Vương Thúy Kiều đã trầm mình tự sát tại bờ biển Đà
Nẵng nhìn ra quần đảo Hoàng Sa.
Nguyên nhân án mạng dễ dàng nhận ra từ di chúc của người quá cố: mong muốn
được an táng (nếu tìm thấy xác) không như một quân nhân mà chỉ như một người
dân nước Nam bình thường và xin tự rút danh hiệu Anh hùng Đại Việt; tạ ơn và tạ
lỗi Lưu phu nhân đã sinh thành và nuôi nấng Lưu Vương Trung Việt; mong Lưu
Vương Trung Việt tha lỗi vì sự không hề biết của việc ra đời và trưởng thành
của Trung Việt, và khuyên Trung Việt không nên tiếp tục phục vụ trong ngành an
ninh quốc phòng; cầu xin được gia đình Lưu Tiểu Tinh Đan – trước nhất là Lưu
phu nhân – và người đời coi là vợ không chính thức của Lưu Tiểu Tinh Đan với
con trai là Lưu Vương Trung Việt.
Trong khi điều tra, người ta cũng phát hiện là đúng vào lễ thôi khóc của 15
năm trước, nàng từng ra đây mà đắp mộ gió trong lòng mình cho tình nhân oan
nghiệt.
Lưu Tiểu Tinh Đan – tất nhiên và là người đầu tiên – đã tử trận trong hải
chiến Hoàng Sa/ Tây Sa Giàn khoan 189. Trước giờ G, chàng bỗng thấy toàn thân
bất an, bốc nóng còn hơn cả Tôn Ngộ Không giữa lửa Hỏa Diệm Sơn. Điện thoại cho
Thúy MC không được. Gọi về Lưu phu nhân thì được nghe: “Phu quân ạ, tôi linh
cảm lần này sẽ mang thai. Nhiều năm rồi có còn ‘thấy’ gì đâu? Lạ quá!”. Chàng
kịp nói: “Nếu như đấy là mệnh trời thì con của chúng ta sẽ thành thánh. Phòng
khi ta có mệnh hệ nào, dù trai dẫu gái xin hiền thê đặt tên con Lưu Vương Trung
Việt và dốc toàn lực dưỡng dục quý tử.”
Thế nghĩa là, từng được nuôi trong cơ thể Thúy MC (tức điệp viên HH24,
nguyên đại úy đặc nhiệm Vương Thúy Kiều) Đặc công trứng ĐCT4 chưa kịp làm nhiệm
vụ đã từ cơ thể Lưu quân vô tình bị nhập vào cơ thể Lưu phu nhân và cuối cùng
được thụ thai tại đó.
Có lẽ do từ trong trứng từng bị nhiễm hỗn hợp vô cơ, hữu cơ cùng các tế bào
điện toán, nên ngay khi thoát thai cậu bé con lai Trung-Việt dính nhiều dị tật
như: bạch tạng, máu trắng, thiếu ngón chân ngón tay, tim bên phải, thiếu thận,
v.v… Và lại còn cả một mẩu đuôi be bé có thể động đậy mỗi lúc cậu ta muốn! Là
con trời, bù lại, thần đồng Lưu Vương Trung Việt sở hữu trí lực thông minh siêu
phàm và thể lực phát triển nhanh gấp 2-3 lần người thường. Khi tung tích bị
tiết lộ, người trai 15 năm tuổi đó đang như một trung niên 40 tuổi, và đáng kể
nhất là mang hàm trung tá an ninh trong Cơ quan Phối hợp Trung-Mỹ Chinh phục
Hải dương.
Chưa khởi sự, phim Chuyện tình Trung-Việt Việt-Trung đã làm chao đảo giới
hâm mộ khắp năm châu. Nhiều nam thanh nữ tú bỏ bê gia đình và công việc, lao
vào chuẩn bị vòng thi tuyển các vai Thúy MC/Vương Thúy Kiều và Lưu Vương Trung
Việt. Vai Lưu Tiểu Tinh Đan hiển nhiên là ghế nóng của những tài tử từng đóng
Tôn Ngộ Không.
Cộng đồng người Việt sinh sống ở Quảng
Châu cùng đông đảo cư dân Trung trong vùng đã dựng Miếu Cô Thúy MC bên ngoài
Đài liệt sĩ Hoàng Hoa Cương danh giá – nơi 15 năm trước nguyên vẹn thi hài của
nghệ sĩ Lưu Tiểu Tinh Đan được trang trọng gửi vào lòng đất quê nhà. Mặt chính của
miếu hướng về tượng Lưu “Hầu vương”. Lời đồn lan rải từ đại lục ra tới hải đảo,
rằng “Cô” rất linh thiêng với các cầu xin tình duyên và con cái.
… Sau đây chúng ta thật sự bước vào
Truyện 3 – Chuyện “chiến tranh văn học”
bất thành. Xin nói trước: quý độc giả nào đã rành rẽ những gì đài báo tivi nói về giàn
khoan HD-981 và lại không thích sáng tác văn học bị xen lấn bởi vô số sự kiện
thời sự, mời đọc lướt hồi sau, trừ hai vụ việc ngày 2 tháng Tám. Và lướt gì thì
lướt cũng nắm bắt ý chính giùm. (Thật tình, Hồi 2 những là 9.131 từ, bằng cả
một truyện ngắn hơi bị dài rồi còn gì. Khó lòng ngắn hơn được. Gây chiến cũng
như giết vua, đâu thể một ngày.)
HỒI 2
Ngày 15 tháng Bảy.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang
Shiyou) 981 chính thức rút khỏi vị trí mà nó sinh sự sự sinh trong 75 ngày đêm
– 75 ngày đêm vừa xuất hiện đã xồng xộc đi vào lịch sử gây chiến và xâm lược
thế giới. Rút trước thời hạn. Rút không mở cờ gióng trống. Rút bặt tăm hơi.
Thiên hạ thêm một phen “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”: mừng reo, ngỡ
ngàng, hoang mang, ngờ vực, tẽn tò… Ô là la! Một lô xích xông các lý do, hậu
quả, vấn đề, câu hỏi mọc lên giữa quốc gia Trung và phần còn lại của địa cầu mà
đất nước Đại Việt tiếp tục lãnh đủ: thời kỳ Hậu giàn khoan.
Chưa hết, 75 ngày đêm lịch sử gây chiến
và xâm lược đó lại thòi ra cái đuôi của nó. Đuôi quẫy mạnh và ngoạn mục bằng
hai lý do, phụ: khủng bố văn học và trật tự xã hội; chính: thị uy quân sự.
Nhưng nguyên nhân sâu xa để mọc đuôi lại
bởi màn chót cuộc thanh trừng nội bộ Trung Nam Hải, với lý do chính đáng: đào
tận gốc tham nhũng. Cả nguyên nhân sâu xa lẫn lý do chính đáng đều là “chuyện
thường ngày ở huyện” với đất nước Trung. Truyền thống ngàn năm… Phạt trong
triệt ngoài. Thiên hạ đại loạn, ngư ông hưởng lợi. Xưa Mao Trạch Đồng từng đánh
Mỹ đến người Việt cuối cùng; nay Tập Cần Bính diệt Giang Trạch Dâng tới cùng
qua vụ giàn khoan.
Ngày 1 tháng Tám.
Tin từ báo Sức Trẻ Online của Đại Việt:
“Trưa nay, ba tàu Cảnh sát biển cuối
cùng 9000, 8002, 8003 của Đại Việt cập cảng an toàn sau 90 ngày cưỡi sóng, đối
diện với đe dọa vũ lực từ hàng chục, có khi lên tới trăm tàu chiến đối phương,
chống chọi bão lớn trong mọi thiếu thốn mà vẫn mưu trí và quả cảm, linh hoạt và
kiên quyết tiếp cận giàn khoan HD-981 chỉ để thuyết phục bằng pháp lý.”
“Sáng qua, Tiến sĩ Phạm Quang Nghi,
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng ta phát biểu trong cuộc họp báo tại Quốc
hội Mỹ: ‘Ở khu vực giàn khoan, với số lượng rất ít những chiếc tàu nhỏ nhắn
chúng tôi vẫn kiên trì yêu cầu phía Trung phải rút. Tàu chiến Trung húc, đâm
làm tàu Đại Việt méo, chìm, vỡ vẫn không làm cảnh sát biển của chúng tôi lùi
bước. Vì sao? Vì chúng tôi đã thực tâm chọn phương pháp ngoại giao, hòa giải và
không dùng hải quân tại nơi căng thẳng. Không một tàu chiến nào của lực lượng
bảo vệ lãnh hải Đại Việt giương súng trong suốt 90 ngày đêm tranh chấp. Xin quý
vị nhớ giùm câu này được bảo đảm bằng mạng sống của các ký giả ngoại quốc làm
tin tại trận – ồ xin lỗi – tại hiện trường. (Diễn đàn cười rộ vui vẻ…) Còn phía Trung, họ bảo khoan thăm dò
thôi, đủ rồi. Dư luận đã và đang phân tích thấu đáo. Dù nguyên do gì, rút trước
một tháng, đó là chỉ dấu giảm nguy cơ xung đột, đối đầu và gây chiến. Chúng tôi
đánh giá rất tích cực sự kiện này!”’
Sáng ngày 2 tháng Tám.
Mọi trang mạng lớn bé của Trung và những
trang quốc tế mèng mèng cùng hầu hết các trang lề trái và lề giữa của Đại Việt
đăng toàn văn tam ngữ Trung-Việt-Anh của Thư ngỏ gửi từ Chủ tịch Hội Văn sĩ Bắc
Kinh, dịch giả Thiết Ngôn tới Tổng thư ký Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành, thi sĩ Võ
Thị Mỵ Châu.
Thư này đã đoan quyết:
“Theo quan niệm của Roland Barthes, dễ
dàng thấy các văn bản núp trong tác phẩm văn học ở 2 sáng tác Chuyện tổ quốc moving bất thành và Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào, mà hơn cả là ở dự án
phim Chuyện tình Trung-Việt Việt-Trung đã tạo hiệu ứng cánh
bướm về chính trị, an ninh và xã hội trên đất nước Trung bao la, từ các blogger
cho đến những người đọc báo chữ to, từ trung nguyên ra tới biên đảo.”
Rồi thư này minh họa:
“Không phải ngẫu nhiên, Tân Hoa Xã và
báo Đảng là thời báo Hoàn Cầu đầu tháng Sáu ra loạt bài về việc Đặc công nước
Đại Việt thiện chiến nhất châu Á, với những nhận định như: ‘Đó là những tài
năng xuất chúng trong quân lực Đại Việt, bằng chiến thuật ‘nở hoa trong lòng
địch’ có thể tác chiến tầm xa trên mặt nước và sâu dưới nước, được thủ đắc
những vũ khí, khí tài thượng đẳng; ‘Chính lực lượng người nhái tinh nhuệ đó đã
làm nên Bộ tư lệnh đột kích Đại Việt, không kém gì Nhóm triển khai chiến tranh đặc
biệt của Hải quân Mỹ SEAL. Họ, những chiến binh mang nhiệm vụ mà đối phương cảm
thấy không thể nào tưởng tượng nổi’; ‘Việc tái sử dụng đặc công đột kích như
lực lượng đặc biệt là kinh nghiệm có được của Đại Việt qua chiến tranh Việt-Mỹ
với tổng cộng khoảng 1.000 tàu quân sự Mỹ bị đánh chìm’; ‘Biết còn thua kém về
tàu chiến, vũ khí, phương tiện đại dương, Đại Việt bèn xây dựng lực lượng này
thành ‘lưỡi dao thép’ hòng bao quanh biển đảo của mình.”
Nên thư này suy diễn:
“Các nhà bình luận quân sự chúng tôi không
mấy khi ca tụng bá vơ. Vậy, có liên hệ nào giữa hiện thực đó với cái gọi là hư
cấu văn chương về các Đặc công trứng trong truyện Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào? Còn nữa, cả trong ý
tưởng, dù huyền ảo viển vông thì cung cách viết văn dựng chuyện của người Việt
về vũ khí dị bào sẽ chịu rủi ro về mặt nhân bản khi dùng thân thể con người làm
phương tiện hủy diệt nhân loại.”
Và thư này định hướng:
“Trong tình đồng chí nghĩa đồng văn của
hai hội văn nghệ giao lưu giữa hai thủ đô, Hội Văn sĩ Bắc Kinh chân thành đề
nghị Hội Văn nghệ sĩ Hà Thành chặn đứng các động thái mượn màu văn chương kích
động bá quyền chính trị lung tung và cổ súy bạo lực loạn xị. Trước nhất, sớm tìm
cách giảm thiểu ảnh hưởng tác phẩm, như tổ chức hội thảo phản bác hai truyện
đó, và tìm cách treo bút tác giả Đỗ Quyên hiện là Hội viên dự bị của Hội. Sau,
hạn chế mức thấp nhất sự tuyên truyền cho trường ca Hồn Phàm của nhà thơ Nguyễn
Đinh Tú; sách này đang còn trong nhà in của Hội nhưng nguy cơ gây rối có thể
còn lớn hơn hai truyện kia.”
(Xem tiếp hồi sau mới rõ xuất xứ của Thư
ngỏ. Có nguồn gốc lãng mạn; không khô khan quan phương như ta tưởng.)
Chiều ngày 2 tháng Tám.
Giai đoạn chót của chiến dịch “Săn hổ
đập ruồi” được chính quyền Trung tuyên bố bất thành văn qua việc bắt đầu điều
tra Giang Trạch Dâng, kết thúc thẩm tra, kết tội và tiến hành bắt giữ Chu Vĩnh
Kha và Từ Tài Đậu cùng nhiều nhân vật liên đới, và y án chung thân Bạc Hy Mai.
Tất cả một rọ: tội tham nhũng. Trong 4 siêu hổ đó, một siêu hổ từng là Siêu Top
1, ba siêu hổ kia là nguyên là Top 4, Top 6, Top 7 của nóc nhà Trung Nam Hải.
Tức là lần đầu tiên trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung, không chỉ
các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị mà đến tận Tổng bí thư – kể cả đã về hưu –
đều không được quyền miễn điều tra với tội danh kinh tế (theo quy tắc ngầm
“hình bất thượng thường ủy”). Cũng tức là lần đầu tiên trong lịch sử trị vì của
nhà nước cộng sản Trung đã có việc khởi tố quan chức cấp cao nhất, kể từ sau vụ
“Bè lũ bốn tên” xét xử năm 1980.
Tưởng cũng nên nói thật to thật rõ: 20
tháng qua, từ sau khi ngài Tổng Tập lên ngôi và tung ra chiến dịch thánh chiến
chống tham những, đến nay đã hơn 200.000 người bị điều tra, trong số 86 triệu
đảng viên có 74.000 đảng viên bị kỷ luật, 2.000 cán bộ, đảng viên các cấp bị
thay thế, hơn 50 quan chức từ cấp tỉnh, cấp bộ bị hạ bệ hoặc vào vòng lao lý,
khai trừ khỏi đảng 6 Ủy viên trung ương, với 2 Top là Chu Vĩnh Kha (nguyên Ủy
viên thường vụ Bộ Chính trị) và Từ Tài Đậu (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương). Đó là sơ kết vòng 1 của chiến dịch vừa được
nêu trong Hội nghị bất thường Trung ương Đảng Cộng sản Trung khóa 18 với tiêu
đề “Y pháp trị quốc”.
Tưởng cũng nên nói thật rõ thật to: Tên
chuẩn của chiến dịch phục hồi hình ảnh Đảng và chính phủ đối với người dân vốn
bị sa sút nghiêm trọng vì nạn tham nhũng là “Chiến dịch vì đường lối quần
chúng” – một thành ngữ từng được Mao ưa dùng.
Các hành động trên càng chứng tỏ sự
tranh đấu giữa các bè phái, gia tộc đã làm nên văn hóa chính trị Trung như một
bản chất Hán từ thời phong kiến cho đến hiện đại; và như học giả M. Zhasayev
đánh giá: “Không gian chính trị của tầng lớp tinh hoa Trung từ thời Mao đến nay
luôn cần một điểm quân bình nào đó giữa các phe nhóm. Giá trị đặc biệt trong
cuộc chiến này là mũi tên chống tham nhũng, như phương tiện yêu thích để loại
bỏ đối thủ chính trị”.
Các hành động trên càng ăn dơ với thổ lộ
rất phớt đời của đương kim Top 1 tại cuộc họp kín của Bộ Chính trị tháng trước:
“Trong cuộc chiến chống tham nhũng, sự sống chết và danh lợi là vô nghĩa với
tôi.” Và cũng tỏ ra minh chứng cho nhận định của Viện Dự báo Chiến lược
Stratfor: “Chiến dịch trừng phạt, tái tổ chức và cải tổ giới lãnh đạo đảng của
Tập là sâu rộng nhất, kể từ khi Mao qua đời năm 1976 và Đặng lên ngôi năm
1978.” Thế nào cũng có khối độc giả nhớ câu đầu môi của Mao, “Nã pháo vào Bộ tư
lệnh!”, mỗi khi trừng trị kẻ bất đồng chính kiến trong thời Cách mạng văn hóa.
Các hành động trên càng làm bằng chứng
cho mục tiêu “Giấc mơ Trung”, như kết luận của Giáo sư Neil MacFarquhar, chuyên
viên hàng đầu về Hán học tại Đại học Cambridge:
“Chủ tịch Tập đeo đuổi mục tiêu lần đầu
tiên – kể cả thời kỳ Mao trị vì – Trung phải trở nên hùng cường hơn trên vũ đài
thế giới. Đúng, một viễn kiến giản dị nhưng quyết liệt: phục hưng nước Trung.
Vâng, đó là tiếng gọi của hành động yêu nước, nếu bỏ qua chủ nghĩa dân tộc cực
đoan.
Mấu chốt là ở chỗ nước này chưa hề qua
kinh nghiệm hành xử trên trường thế giới. Chưa. Chưa từng. Vâng thì Trung thật
sự từng là một đất nước mạnh và lớn trong nhiều thế kỷ, nhiều thiên niên kỷ,
nhưng chưa được lên ‘vũ đài thế giới’. Vâng thì Trung thật sự từng có ngôi vị
trên một vũ đài nhỏ, ở Đông Á. Tôi cho rằng ‘Giấc mơ của ông Tập’ là về một
nước Trung ngày càng hùng cường đến mức châu Á, rồi xa thêm là châu Phi, Nam
Mỹ, cuối cùng là phương Tây và Bắc Mỹ, lần lượt cúi đầu. Giấc mơ đang được bước
đầu xảy ra trong hiện tại: mọi lúc mọi nơi mọi người từ 5 châu đang chảy vào
‘cái rốn’ Trung nguyên để kinh doanh, kiếm tiền. Quan trọng, mà hay dở cũng ở
chỗ: đây là ‘giấc mơ kép’ của ông Tập – nước Trung mỗi ngày hùng cường thêm và
Đảng Cộng sản sẽ vẫn độc quyền lãnh đạo mãi. Nên tôi cũng có một quan hệ ‘nghi
ngờ kép’: không nghi ngờ Trung sẽ mỗi ngày hùng mạnh thêm; nghi ngờ Đảng Cộng
sản sẽ mãi thống trị.”
Các hành động trên càng chứng tỏ Tập Cần
Bính quả là:
Nhân vật lãnh tụ số một đang bày lại
luật chơi mới cho bàn cờ quyền lực của Trung; Nhân vật lãnh tụ số một có thể
phá nát Đảng Cộng sản Trung chỉ bằng ván bài “chống tham những – chỉnh đốn
Đảng”; Nhân vật lãnh tụ số một – kể từ thời sau Mao – xuất chúng trước dư luận
quảng đại, thâu tóm nhiều quyền lực nhất của lịch sử Đảng Cộng sản Trung; Nhân
vật lãnh tụ số một – kể từ thời sau Mao – thúc đẩy một chương trình trọn vẹn
hồi phục bảng giá trị cũ và quyền hành mạnh bạo của Đảng Cộng sản;
Nhân vật lãnh tụ số một biết gieo cấy sợ
hãi và tạo bất ổn tâm lý trong hàng ngũ đảng viên từ cao xuống thấp, bằng những
điều răn cấm nghiêm khắc trong văn kiện “Bảy không” lưu hành nội bộ Đảng từ
tháng Tám năm 2013;
Nhân vật lãnh tụ số một – kể từ thời sau
Mao – đang thay đổi Đảng Cộng sản Trung khi xóa mô hình quyền lực “sự đồng
thuận tập thể lãnh đạo”, “dân chủ tập trung”;
Nhân vật lãnh tụ số một với sự cương
quyết và tốc độ nhanh đã đưa một quốc gia với 1,4 tỉ người đang trỗi dậy trước
thế giới;
Nhân vật lãnh tụ số một triệt để chặn
đứng từ trong trứng nước các cởi mở chính trị, từ sau biến cố Thiên An Môn năm
1989 đến nay;
Nhân vật lãnh tụ số một – hơn cả Mao –
biết dùng sự thanh trừng nghiêm trị nội bộ dưới danh nghĩa chống tham nhũng để
bóp nghẹt xã hội dân sự đa nguyên ngay cả với các biểu hiện tranh đấu ôn hòa
nhất, cai trị Đảng cùng với quản lý xã hội trong ổn định trật tự và thăng tiến
kinh tế;
Nhân vật lãnh tụ số một – kể từ thời sau
Mao – được định danh với nhiều cách, từ “hoàng đế trong thời hiện đại” đến “nhà
tân độc tài của Đảng”;
Nhân vật lãnh tụ số một – kể từ thời sau
Mao – đã xưng “tôi” trong ngôi thứ nhất, công khai đăng đàn lập thuyết về vai
trò lãnh đạo với phương châm “Thủ lĩnh số một là quyết định”;
Nhân vật lãnh tụ số một tự coi mình được
số mệnh lịch sử trao cho nhiệm vụ giám sát sự thức dậy của Con Hổ Trung.
Nhân vật lãnh tụ số một có nhiều kinh
nghiệm quốc tế và thương trường: từng sống một thời gian ngắn tại Mỹ, từng chỉ
đạo chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008; gia đình được xếp vào hạng giàu có nhất
trong giới lãnh đạo Trung; con trai đang học ở Harvard, vợ là tài tử danh tiếng
và xinh đẹp.
Nhân vật lãnh tụ số một của nước Trung
đương đại, chỉ sau gần 2 năm lên ngôi đã đạt tới 13 danh xưng kể trên, cũng là
một trong các nhân vật chính của truyện này. Nói một câu cho sớm chợ: nhà bác
lãnh tụ số một ấy hiện có 14 danh xưng cả thảy!
Sáng ngày 3 tháng Tám.
Bang giao Việt-Mỹ vui như chợ phiên, kể
từ chuyến công du sang Mỹ của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Phạm Quang
Nghi được coi là “pha đóng thế bí hiểm” cho Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng
Phạm Bình Sinh.
Các trang mạng quốc tế và Đại Việt đều
hồ hởi phấn khởi đăng tin bài về cuộc viếng thăm ba ngày của 2 Thượng nghị sĩ
Mỹ Sheldon Pentagon (Đảng Cộng hòa) và Bill McCain (Đảng Dân chủ). Ai cũng thấy
qua hai quý ngài chóp bu Quốc hội Mỹ muốn gửi thông điệp không thể rõ ràng hơn
được nữa. Nói theo ngôn ngữ a-còng: quan hệ Mỹ-Việt chỉ còn thiếu dắt tay nhau
vào… nhà nghỉ. Ngắm vuốt, hôn hít đủ cả rồi! Buổi họp báo long trọng tại Hà
Thành, nhị vị Pentagon và McCain thay nhau quần thảo diễn đàn:
“Trong các ngày qua, hai chúng tôi đã có
lần lượt 4 cuộc hội kiến thành công với 4 nhà lãnh đạo Đại Việt: Tổng Bí thư
Đảng, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Với những sự
kiện rất đáng quan ngại gần đây ở Biển Đông, ‘4 điểm sẵn sàng’ của phía Mỹ đã
là tất cả những gì 2 nước không nên bỏ lỡ trong tháng ngày lịch sử này. Nào,
chúng ta hãy cùng biến lời nói của ngài Thủ tướng trong Thông điệp Tết Con Ngựa
2014 thành hành động cách mạng: dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình
của nhân loại và Đảng Cộng sản phải nêu cao hơn nữa lá cờ dân chủ ở Đại Việt.”
Ở một diễn biến khác, trong chuyến viếng
thăm xứ Chuột Túi, Chủ tịch Tập Cần Bính nói trước Nghị viện Úc những lời mà
mía lùi không thể ngọt hơn được:
“Trung sẽ không bao giờ dùng vũ lực để
đạt các mục đích của mình và mong muốn bằng hòa bình xử lý tranh chấp trên biển
với các quốc gia láng giềng. Cứ đọc lịch sử sẽ thấy các nước tìm cách phát
triển bằng vũ lực thì luôn luôn thất bại, đó là điều Trung học được từ lịch
sử.” [He he… Vậy là ngài Tổng Tập chánh thức
công nhận trước thế giới rằng chí ít các cuộc chiến Biên giới Trung-Việt 1979,
Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988 là thất bại rồi nhé. Thế thì trả lại dân Việt chúng
tui Hoàng Sa và Gạc Ma đi cha nội!]
“Về chủ quyền và biên giới trên biển,
lập trường của Trung bao giờ cũng là giải quyết bất đồng với các nước liên
quan, đồng thời bảo vệ lợi ích của mình thông qua đối thoại và tham khảo. Các
nghị sĩ Úc quý mến có biết không: với thương lượng hữu nghị Trung đã giải quyết
hồ sơ tranh chấp lãnh thổ với 12 trong số 14 nước láng giềng [Một con số đáng điều nghiên. Hai nước nào không may mắn vậy ta?] và Trung sẽ còn đi
tiếp theo hướng đó. [Chờ 12 ngày nữa sẽ rõ…]
.......
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét