Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011
Nhớ Về Hà Nội
Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011
Nhớ nhà thơ Lỡ bước sang ngang
Nhà thơ Nguyễn Bính. |
Lối sống người Hà Nội qua ba thế hệ một gia đình trí thức
I. Hạn định khái niệm Lối sống “Người Hà Nội” trong bài này
1/ Tôi muốn nói về lối sống một thời của “Người Hà Nội” mà người ta thường nhắc đến như “người Tràng An”, với “thanh lịch” là nét đẹp nổi bật của nó. Tôi cho đó là lối sống định hình trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, từ khi Pháp đặt xong nền móng hành chính, giáo dục của chế độ thuộc địa cho đến trước cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954.
2/ Lối sống ấy hình thành trong điều kiện xã hội tương đối ổn định. Hà Nội đã thành hình rõ nét một đô thị hành chính, văn hoá, thương mại mang tính thuộc địa nhưng còn giữ được nhiều nét truyền thống và mối liên hệ chặt chẽ với các làng xã. Thành phần dân cư gồm chủ yếu là tiểu tư sản thành thị: tiểu thương tiểu chủ, công chức viên chức, sinh viên học sinh.
3/ Lối sống ấy kết tinh văn hoá “Kinh kỳ” của giới nho sĩ và thương nhân “kẻ chợ” (tập trung tại “36 phố phường”) hoà với những yếu tố của văn minh Pháp được tiếp thu bởi trí thức Tâyhọc và viên chức nhà nước bảo hộ (sự hoà hợp này diễn ra từ mỗi gia đình với sự nối tiếp của hai thế hệ).
4/ Lối sống ấy bị phá vỡ từng bước từ những năm 1960 với cuộc cải tạo tư sản và xây dựng “chủ nghĩa xã hội”, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, sự phát triển hỗn loạn sau “đổi mới”, đến nay gần như đã bị thay thế bằng một lối sống hỗn tạp, còn lâu mới định hình; nhưng một số nét của nó còn in dấu bền bỉ trong những “người Hà Nội gốc” qua mọi thăng trầm.
5/ Có thể chia thành ba thời kỳ thành-trụ-hoại của lối sống ấy: (1) Cuối thế kỷ XIX-đầu TKXX là thế hệ khởi sự xây dựng nên lối sống, trong đó nếp sống truyền thống vẫn là chủ đạo. (2)Đầu thế kỷ XX-trước 1946 là thế hệ định hình lối sống, có sự cân bằng giữa những yếu tố truyền thống với những yếu tố Tây phương. (3) 1946-1975 là thế hệ níu giữ một số nét của lối sống ấy qua hai cuộc chiến. Sau 1975, đặc biệt từ khi “đổi mới”, lối sống “người Hà Nội” có thể coi như bị phá huỷ, do sự thay đổi triệt để về thành phần dân cư cùng với sự quá tải của hạ tầng đô thị (với sự áp đảo của dân mới nhập cư) và sự “thay bậc đổi ngôi” trong nội bộ dân Hà Nội (với sự giàu lên “trong một đêm” của một bộ phận dân cư). Trong khi đó, sau cuộc di dân lịch sử 1954, lối sống này được lưu giữ nhiều trong những người Hà Nội “lưu vong” (vào Sài Gòn, rồi qua Pháp, Mỹ).
6/ Lối sống ấy không chỉ toàn ưu điểm theo con mắt “hoài cổ” (cái gì đã mất bao giờ cũng đẹp); cần có cái nhìn khách quan và đối chứng (với lối sống của các đô thị như Huế, Sài Gòn cùng thời, và lối sống của người Hà Nội hiện nay) để nhận ra những hay dở của nó.
Những nhận xét trên xin được thẩm định bởi các nhà xã hội học, văn hoá học, nhân học với cáccông trình đi sâu nghiên cứu của họ.
Dưới đây tôi gợi ra một số nét mà mình được biết và trực tiếp quan sát qua thực tế đời sống ba thế hệ của gia tộc bản thân, một gia tộc trí thức ở Hà Nội trong suốt thế kỷ XX. Có thể coi đólà chút tư liệu sống cho các nhà nghiên cứu.
II. Một số nét về lối sống của gia tộc Hoàng Thuỵ ở Hà Nộiqua ba thế hệ trong suốt thế kỷ XX
1/ Thế hệ thứ nhất (sinh vào khoảng thập kỷ 1880):
Đó là thế hệ ông bà nội của tôi.
Cụ ông là Hoàng Thuỵ Chi, quê gốc thôn Phù Lưu (Chợ Giàu, nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn), phủ Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn), Bắc Ninh, một làng đã đô thị hoá khá sớm,cách Hà Nội chỉ 19km. Đầu TK XX, trong khi làm quan Tổng đốc Bắc Giang, cụ đã bảo lãnhcho cụ bà vay tiền của Đông Dương Địa ốc Ngân hàng mua đất xây nhà ở Hà Nội. Ngôi biệt thự mang tên Villa Hoàng Thuỵ Chi ở 14 Đường Thành (rue de la Citadelle) có mặt bằng trên 1000 m2, hoàn thành năm 1926, và một dãy gồm mười mấy ngôi nhà phố kiểu Tây liền nhau ở phố Yết Kiêu (rue Bovet).
Cụ Hoàng Thuỵ Chi (người thời đó quen gọi là Cụ Tuần Chi) giỏi Hán Nôm, là cử nhân trẻ nhất khoá thi 1900 (khi mới 19 tuổi), còn để lại nhiều biên khảo về văn hoá, địa dư (được lưu giữ trong Thư viện Hán Nôm). Cụ bà nhũ danh là Nguyễn Thị Hân, con gái một ông quan tri phủ sống ở phố Hàng Đào và cháu ngoại một vị quan đại thần sống ở phố Châu Long; cụ không biết chữ quốc ngữ, chỉ huy tính toán xây nhà toàn bằng bàn tính ta.
Villa 14 Đường Thành của cụ Tuần Chi do KTS Hoàng Như Tiếp thuộc lứa KTS đầu tiên của VN thiết kế nhưng thể hiện rõ lối sống của chủ nhân: sinh hoạt tiện nghi kiểu Tây với thẩm mỹ trộn, lai Tây – Tàu: nhà 3 tầng tường bê-tông dày 40cm, bố trí phòng ốc kiểu nhà Tây, cổng trong bằng sắt trổ chữ Thọ, cổng ngoài có 2 cột mang đôi câu đối khảm mảnh sứ đỡ tấm hoành bê-tông trang trí cảnh sơn thuỷ kiểu Tàu với nhiều tượng sứ Tàu, mặt tiền nhà trang trí những miếng gốm màu hoa dây như ở Nhà Hát Lớn và các chữ triện Phúc Lộc Thọ, trong nhà có lò sưởi nhập từ Tây bằng cẩm thạch trắng, có bàn gỗ lim lớn kiểu Tây nhưng mặt bàn khảm 100 chữ Phúc Lộc Thọ các kiểu bằng đồng, có dàn cửa kính màu như trong nhà thờ Tây lại có cửa và bình phong gỗ khảm chữ nho, có bàn thờ đồ sộ sơn son thếp vàng truyền thống nhưng ảnhthờ là ảnh chụp in trên sứ, có bộ sưu tập đồ cổ bằng ngọc, sứ Tàu và trống đồng Lạc Việt...
Cụ ông cụ bà và phần lớn các con ăn vận theo nam phục, chỉ có hai người con trai lớn học đại học Y và Luật thì mặc âu phục. Gia đình giữ nghiêm nếp nho phong, đáng chú ý là uy quyềnvà vai trò “nội tướng” của bà chính thất. Cụ ông có hai bà “thiếp” (“nàng hầu”) chỉ được các con bà chính thất gọi là “cô” và tên thì gọi bằng tên làng quê của các bà (cô Xuân, cô Vẽ). Các con được đặt tên một cách nôm na theo thứ tự ra đời (Ba, Tứ, Năm, Lục…). Việc hôn nhân của các con: vợ chính thất là do cha mẹ sắp đặt, những bà sau mà các ông con trai kết duyên một cách tự do không được các cụ công nhận chính thức, có thể cùng sống ở nơi khác nhưng không được đem về nhà. Tuy nhiên con cái của các bà này, đặc biệt là con trai, lại được các cụ yêu quý và đối xử bình đẳng như các con bà chính thất.
Các cụ giữ quan hệ rất chặt chẽ với làng quê. Cụ Tuần Chi là nhà bảo trợ lớn của làng Phù Lưu, là người lát đá xanh toàn bộ đường làng, xây cổng làng, cổng đình, nhà thờ hương hiền, đồng thời xây cái lăng lớn với khuôn viên trên 3000 m2 cho gia tộc Hoàng Thuỵ kiêm luôn chức năng vườn hoa công cộng cho làng (những việc này được kể trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân). Người làng ra Hà Nội nhờ cậy mọi việc đều được giúp đỡ chu đáo.
2/ Thế hệ thứ hai (sinh vào thập kỷ đầu thế kỷ XX):
Bố tôi, Hoàng Thuỵ Ba và chú ruột là Hoàng Thuỵ Năm, là thế hệ Tây học. Ông Hoàng Thuỵ Ba là một trong hai bác sĩ đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội (cùng với ông Đặng Vũ Lạc), hai năm cuối phải sang Pháp học để lấy bằng bác sĩ (1927), sau đó về nước làm quan chức trong ngành y tế. Ông Hoàng Thuỵ Năm học Luật, ra làm quan chức hành chính của chính quyền Bảo Đại và Ngô Đình Diệm.
Tuy theo Tây học, trong quan hệ gia đình các ông vẫn giữ nếp gia phong truyền thống. Sự nghiệp công danh không lấn át bổn phận gia đình. Chữ Hiếu vẫn là đầu mọi sự. Ông Hoàng Thuỵ Ba đang giữ một chức vụ cao trong ngành y tế kháng chiến, nhưng khi bà mẹ sốngtrong “thành” (Hà Nội tạm chiếm) ốm nặng và gọi về, ông xin phép các cấp lãnh đạo đưa con cái về lại Hà Nội đề chăm sóc mẹ (sau khi “về thành”, để tỏ rõ thái độ chính trị, ông không nhận bất cứ chức vụ nào do chính quyền Bảo Đại sẵn lòng phong tặng mà chỉ mở bệnh viện tư; năm 1954, từ chối lời mời làm Tổng trưởng Y tế trong chính phủ mới lập của ông Ngô Đình Diệm, ông ở lại Hà Nội đón “Cụ Hồ”). Năm 1955, khi mẹ qua đời ở Sài Gòn, ông đã xin phép chính phủ VNDCCH vào Nam chịu tang mẹ - một sự kiện làm xôn xao người dân Hà Nội lúc ấy (nhưng cũng lại một lần nữa ông từ chối lời mời ở lại làm việc cho chính quyền Sài Gòn để trở ra Hà Nội).
Đối với các bà vợ, nhất là bà chính thất mà cha mẹ sắp đặt cho, mặc dù không thuận, có thể ly thân, nhưng không ly hôn. Với con cái, mặc dù vợ nọ con kia, các ông luôn làm tròn bổn phận người cha là nuôi dưỡng cho ăn học, bảo đảm sự bình đẳng về mọi quyền lợi vật chất cho những người con các dòng. Tuy nhiên trong quan hệ hàng ngày, người cha luôn giữ khoảng cách, không gần gụi, hầu như không chuyện trò tâm sự với con cái, và để các con tự do đi theo con đường phát triển của chúng.
Trước biến động ghê gớm của thời cuộc, từ đỉnh cao rơi xuống, nhưng thế hệ này có khả năng thích nghi với những thay đổi căn bản của điều kiện sinh hoạt, có khả năng chan hoà có mức độ với những tầng lớp khác nhưng vẫn giữ một cách thế riêng biệt, sự kín đáo riêng tư của đời sống gia đình, bản thân. Không ai hình dung nổi một “quan đốc” (docteur) quen đi xe hơi riêng, nhảy đầm, chơi mạt chược, tiệc tùng thường xuyên, nói tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt lại có thể sống ở nông thôn nhiều năm trong nhà nông dân trong 2 cuộc kháng chiến, hoặc ngày ngày đi ăn “cơm đầu gánh” (“cơm bụi”) ở chợ Hàng Da trong lúc các con phải đi sơ tán khỏi Hà Nội.Cũng thế, ông có thể sống chung hoà bình suốt mấy chục năm trời với mấy chục gia đình “cánbộ” mà ông phải chia sẻ ngôi biệt thự lớn của ông cha để lại. Nhưng khi quyền sở hữu của ôngbị xâm phạm, ông lặng lẽ và kiên trì đấu tranh đến cùng để giành lại (vụ khiếu nại nổi tiếng của BS Hoàng Thuỵ Ba đòi lại 2 căn buồng cho một ông vụ trưởng Viện Kiểm sát Nhân dânTối cao mượn, kéo dài 20 năm mới giải quyết được).
Trong khi đó, ông Hoàng Thuỵ Năm cùng phần lớn thành viên gia tộc Hoàng Thuỵ vẫn giữ nếp sống cũ ở trong “thành” (Hà Nội 1946-1954) cũng như ở Sài Gòn (từ 1954). Khi sang châu Âu, tôi có nhận xét nếp sống này được duy trì một cách đáng kinh ngạc ở các thế hệ con cháu sống ở Pháp, Thuỵ Sĩ, Anh.
Tuy đi theo hai con đường chính trị khác nhau, điểm chung nhất ở hai ông là tình nghĩa gia đình. Dựa vào tình cảm này, chính quyền Hà Nội giao cho BS Hoàng Thuỵ Ba làm trưởngban đấu tranh thống nhất của HĐND thành phố, đề nghị ông thường xuyên viết thư thăm hỏingười em ở Sài Gòn thông qua phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến (lúc đó ông Hoàng Thuỵ Năm làm trưởng đoàn liên lạc của chính quyền Sài Gòn tại Uỷ ban Kiểm soát). Cũng có thể nhận thấy một điểm chung khác là sự thanh bạch, chính trực (qua lời ông Trần Bạch Đằng kể về ông Năm trong cuốn “Ván bài lật ngửa), và uy tín xã hội của hai ông (qua đám tang của BS Hoàng Thuỵ Ba năm 1994 ở Hà Nội và đám tang Đại tá Hoàng Thuỵ Năm năm 1961 ở SàiGòn).
3/ Thế hệ thứ ba (sinh vào những năm 1930-1940):
Là thế hệ chúng tôi, những học sinh trung hoặc tiểu học thời Hà Nội tạm chiếm, tiếp thu nền giáo dục của “nhà trường xã hội chủ nghĩa” sau 1954; khi vào đời phải xa Hà Nội trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (1965-1973), trở về Hà Nội và trở thành chủ gia đình ít lâu trước hoặc sau cuộc chiến. Trong thế hệ này, gia tộc Hoàng Thuỵ có một số têntuổi như PGSTS Y khoa Hoàng Văn Sơn, Tổng thư ký Hội Sinh hoá Việt Nam; GSTS Y khoa Hoàng Văn Minh ngành lao - bệnh phổi; 1 nhà thơ – dịch giả.
Có thể nói, lối sống của thế hệ “người Hà Nội” này bị biến chất, pha tạp rất nhiều do hoàn cảnh xã hội, chịu tác động của ba yếu tố lớn nhất là: lối sống tập thể (quân đội, bệnh viện,trường học là những nơi họ làm việc và sống trong khu tập thể), lối sống thời chiến và lối sống tiểu nông (do về nông thôn sống trong thời chiến). Tuy nhiên, họ còn lưu giữ, tuỳ mức độ theo hoàn cảnh và bản tính từng người, một số nét của “người Hà Nội xưa” mà họ được thấm nhuần trong thời thơ ấu qua giáo dục của nhà trường và gia đình. Họ cố gắng hoà đồng với lối sống của các đồng nghiệp có gốc từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng vẫn nổi bật trong đó với những ứng xử văn hoá tinh tế hơn, ngược lại thường bị xem là khép kín hơn, “mở cửa sổnhưng cửa ra vào thì đóng kín”. “Thiếu chan hoà với quần chúng” là khuyết điểm phổ biến mà tập thể thường phê bình họ.
III. Thử nêu vài đặc điểm của lối sống “Người Hà Nội”
Như trên đã nói, xin coi đây là những quan sát từ người trong gia tộc, bạn bè và người quen củagia đình, có nghĩa là hết sức chủ quan, phiến diện.
1/ Coi trọng đời sống gia đình. Một gia đình yên ổn, nền nếp, có trên có dưới, có tình có nghĩa. Khó hy sinh gia đình cho sự nghiệp, lý tưởng. Cũng không hy sinh gia đình cho những thú vui bản năng (“vợ cái con cột” bao giờ cũng ở trên “vợ lẽ con thêm”). Không muốn ai nhòm ngó vào chuyện riêng tư của gia đình mình (“đèn nhà ai nhà nấy rạng”). Cũng dễ trở thành ích kỷ, chỉ biết ôm lấy vợ con.
2/ Có ý thức mạnh mẽ về lợi ích cá nhân, quyền tư hữu, không dễ để người khác xâm phạm, dễ bị coi là “khoảnh”, tính toán, nhưng cũng không thích xâm phạm lợi ích người khác, sòng phẳng, rạch ròi (“yêu nhau rào giậu cho kín”). Có thể giúp đỡ người khác nhưng có mức độ, không muốn bị làm phiền, khó “sẻ nhà sẻ cửa”. (Lưu ý: trong những hoàn cảnh đột xuất như cách mạng, kháng chiến, “người Hà Nội” đã vượt lên trên lối sống ngày thường, sẵn sàng hy sinh gia tài và cả tính mạng cho đại nghĩa. Một thí dụ: Trong kháng chiến chống Pháp, BS Hoàng Thuỵ Ba đem vàng của gia đình mua lương thực cho học sinh trường nữ hộ sinh ởThanh Hoá mà ông làm hiệu trưởng).
3/ Coi trọng tự do cá nhân của mình cũng như của người. Trong quan hệ ngoài gia đình như bà con, bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm… giữ giới hạn ở mức phải chăng, “thoang thoảng hoa nhài”. Ngại tranh chấp, đối đầu, “dĩ hoà vi quý”. Dễ bị xem là “khôn ngoan”, dễ trở thành ba phải, “hoà cả làng”.
4/ Lịch sự, tế nhị trong giao tiếp xã hội, cả về ăn vận lẫn lời ăn tiếng nói. Ghét sự thô thiển, lố bịch, trắng trợn. Ngại “nói toạc móng heo”. Chỉ muốn làm người tử tế, biết điều, không phải người “chịu chơi”, không thật nhiệt tình, hồ hởi, hào sảng. Dễ bị coi là giữ kẽ, khách sáo, cũngdễ trở thành màu mè giả tạo.
5/ Không chỉ cắm cúi làm việc mà biết hưởng thụ cuộc sống, và hưởng thụ một cách hào hoa, thanh nhã, có chừng mực, không mê đắm, sa đà hay “sả láng”.
6/ Tôn trọng nền nếp có sẵn: gia phong, luật lệ, quy ước xã hội. Có thể thích nghi với sự thayđổi chứ không chủ động tạo nên thay đổi. Hầu như không có máu phá phách, “nổi loạn”.
7/ Trọng danh dự, trọng chữ “tín” trong các quan hệ. Tự trọng trong công việc, có lương tâmnghề nghiệp. Có thể kiên nhẫn để vươn lên hoặc khôi phục quyền lợi, điạ vị bị mất một cách từ tốn. Không thích mạo hiểm hay thành công bằng mọi giá. Không nuôi chí lớn, không có mưu sâu.
8/ Trung dung, một vừa hai phải. Ôn hoà, không cực đoan hay quyết liệt. Lý trí mạnh hơn tình cảm. Tư duy lô-gích mạnh hơn trực cảm, bản năng.
Nhìn chung, lối sống “người Hà Nội” hợp với thời kỳ xã hội yên bình, ổn định, với loại người làm ăn hay học hành trong những điều kiện bảo đảm, có mức sống dễ chịu, có thể nói là lối sống điển hình của lớp trung lưu một thời quen được gọi là “tiểu tư sản thành thị”, hỗn danh là “tạch tạch xè”!
Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011
GẶP MẶT
HỘI NGỘ
Hoc 10H ; Phương 10E ; Trường Sơn 10E ; Hồng Thanh 10B
Hòa ‘’Tôm’’ 10B ; Thành 10D ; Học 10H; Phương 10E
Thanh ,Thuần,Hòa (10B ) và Vinh 10H
Diệu và Nguyễn Phương 10E
CHUYẾN THĂM ĐỊA ĐẠO CỦ CHI
CỦA CÁC CỰU NỮ SINH
"Hạ cánh" trước địa đạo Củ Chi
Rửa tay trước khi ăn khoai mì nấu từ bếp Hoàng Cầm ở địa đạo Củ chi
Chụp ảnh chung với các nữ du kích Củ Chi
Hoa đẹp trong nhà
Đố các bạn 9H+10G K22 nhận ra ai đây? |
Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011
Chuyện tình chim yến làm rơi lệ hàng triệu con người
Những bức ảnh được một nhiếp ảnh gia vô tình chộp lại trên đường, đã tường thuật lại câu chuyện tình li biệt cảm động của đôi chim yến: “cô gái” lúc đó ven theo đường cái, lượn vòng sát mặt đường thì đâm phải một chiếc ô tô đang lao tới. “Cô gái” bị thương, tình hình vô cùng nguy cấp… “Chàng trai” từ đâu bay đến mang thức ăn kiếm được cho “người yêu” như để an ủi “cô ấy”.
Lúc “chàng trai” bay đi kiếm mồi lần nữa trở về thì phát hiện “cô gái” đã chết. “Chàng trai” dường như muốn gọi “cô gái” thức dậy, cố gắng hết sức để gọi “cô gái” dậy. Khi “chàng trai” phát hiện cô gái thật sự đã chết và không thể trở về bên mình, nó đã ngửa mặt lên trời kêu khóc. “Chàng trai” cứ đứng mãi đó bên cạnh “cô gái”, cả thế giới như lắng đọng. “Chàng trai” đau khổ, tuyệt vọng đứng mãi bên xác “người yêu”…
Một câu chuyện tình giản đơn nhường vậy nhưng đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người khi chứng kiến nó qua những bức ảnh. Không biết nhiều người có còn cho rằng “động vật không có trí não và tình cảm” hay không?
Ba Tỉnh (theo vuonraulochung)
Thu NV st
Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011
TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG
1.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến
Nhưng cái thời tôi sống hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi, và súng
Anh yêu em anh phải đi ra trận
Vợ yêu chồng biết chờ đợi, nuôi con
Đất yêu người đất nhận làm lá chắn
Hai mươi năm không nguôi lửa chiến trường
Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay người sống trắng mái đầu
Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ
Chiến tranh chấm dứt rồi mà nào dễ tin đâu!
2.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa thời tôi thì có khác
Xe đến công trường bay mù bụi cát
Màu hoa thường lấm bụi suốt mùa khô
Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ
Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch
Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc
Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người
Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời
Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất
Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc
Cứ rập rình bên cột mốc đêm đêm
Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên
Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tàu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương…
Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình
Có bao người bạc bẽo với quê hương
Thả số phận bập bềnh vào biển tối
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...
3.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo
Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày dường đổi mới
Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn
Tôi sống thời không thể đứng quay lưng
Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được
Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác
Đê sông Hồng sau màu lũ thêm cao
Tàu ngoài khơi vừa phát hiện mỏ dầu
Đập thủy điện sông Đà đang xây móng
Tờ báo đẫm mồ hôi bỗng sáng dòng tin ngắn:
“Nhà máy giấy Bãi Bằng vừa ra mẻ đầu tiên”
Thời đã qua sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên
Nếu trở lại bây giờ vẫn quần nâu dạo phố
Thời tôi sống cả đến bầy em nhỏ
Diện quần bò nhảy theo điệu nhạc vui…
Đài thêm nhiều những bài hát yêu nhau
Những điệu múa ba-lê hồng hào thêm sân khấu
Cái mới đến ngỡ ngàng rồi nhập cuộc
Báo bớt trang báo thêm chút thơ tình
Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...
4.
Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!...
Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thùy…
5.
Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.
Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!...
Hà Nội, tháng 6.1981
Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011
NHỮNG NGÀY NGHỈ HỌC
Tế Hanh (20.6.1921 – 2009)
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tầu đi đến những ga…
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.
Tôi thấy lòng thương những chiếc tầu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề!
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ;
Lòng của người đi réo kẻ về.
Kẻ về không nói bước vương vương…
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường.
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011
Người con gái "Sông Ngọc" và nhà thơ họ "Lưu"
Em sang bên kia sông
những ngày mưa dằng dặc
hạt cốm xanh như ngọc
se dần trong lá sen.
Có muộn lắm không em
ngày qua không trở lại
bên kia vùng Thạch Bàn
trong mưa và trong khói
những ngả đường lầy lội
em đi em nghĩ gì ?
Đã qua cả mùa hè
chờ em, em chẳng tới
hết mùa thu ngắn ngủi
bây giờ đông đã sang.
Trách chi lòng em quên
điều anh chưa nói được
một tình yêu vô vọng
có giúp gì em không ?
Sớm nay em sang sông
guốc mòn trên vũng lội
em bao giờ cũng vội
mưa đầy trời thế kia.
Gió bấc đã tràn về
em có mang áo ấm
mưa loang tờ giấy mỏng
có nhắc gì đến anh ?
Em đi xuống Bát Tràng
nhìn lò nung lửa thắm
lòng anh như men rạn
vỡ trên bình gốm nâu
đường trơn em hay vấp.
Đừng trách anh nhắc nhiều…
nếu thấy chẳng cần nhau
lời anh, đừng nhớ lại
nhưng nếu lòng thương yêu
đừng quên anh vẫn đợi.
Vừa mong vừa sợ hãi
gặp nhau, rồi ra sao ?
lá sấu rụng rào rào
nước dâng đồng bãi ngập
cầu đông, chiều tối lạnh
biết em về kịp không ?
Tác giả: Lưu Quang Vũ
TH st.
Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011
"TIẾNG THU" của LƯU TRỌNG LƯ
Nhân kỷ niệm 100 nămngày sinh nhà thơ Lưu Trọng Lư (19/6/1911 - 19/6/2011)
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ...
Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Nhận định về nghệ thuật thơ ông, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh đã có những nhận xét thật chuẩn xác: "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt giũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy".
Nhận định này dường như đã thành nỗi ám ảnh. Và rồi suốt đời, Lưu Trọng Lư cứ loạng choạng, cứ bập bõm bước trong cái vòng kim cô mà Hoài Thanh đã tiên đoán và vạch ra ngay từ khi ông mới xuất hiện trên thi đàn. Còn về con người Lưu Trọng Lư, thiết tưởng cũng chẳng có ai hiểu ông hơn Hoài Thanh: "Cả đời Lư cũng là một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết".
Quả đúng vậy. Và nếu chọn một bài thơ thơ nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài thơ ra, nó không có gì bấu víu, thì đó chính là Tiếng thu. Đây là bài hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạo trên lá vàng khô...
Bài thơ vẻn vẹn có 9 câu, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn lại so le, các ý trong bài thơ rời rạc, khấp khểnh, chẳng ý nào ăn nhập với ý nào. Nếu cứ theo cách hiểu máy móc của những nhà phê bình quen thói bắt bẻ, cứ đè thơ ra mà tìm tư tưởng, tìm ý nghĩa thì đây là bài thơ "đầu Ngô mình Sở". Đã thế, tác giả còn tỏ ra vụng về. Tỳ vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tý nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông:
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng. Người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần. Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi. Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Bởi nó, chứ không thể ngắm nó bằng lý trí tỉnh táo. Đã không ít nhà phê bình nghiên cứu mang lý trí ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất ngơ ngác này. Có người còn viện đến cả thi pháp học để cố hiểu cho bằng được bài thơ, lấy thi pháp làm chìa khoá mở cánh cửa thực dụng, đi vào cõi mù mờ tâm linh này. Bằng cách vận dụng thi pháp, có người cho đây là bài thơ nói về nỗi cô đơn không có sự chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên bài thơ có 9 câu mà đã có đến 3 câu điệp "Em không nghe":
Em không nghe mùa thu
...
Em không nghe rạo rực
...
Em không nghe rừng thu...
Em không nghe, còn anh thì nghe thấy hết. Nghe thấy hết mà không nói ra được. Đây là cuộc đối thoại mà kẻ đối thoại lại ẩn sau sự câm lặng. Hoặc giả em cũng đã nghe thấy, nhưng anh vẫn hỏi như vậy, nghĩa là anh không hiểu em. Đằng nào thì cũng vẫn cứ là thiếu niềm đồng cảm. Một bên thì thổn thức, rạo rực, kêu xào xác, một bên thì không nghe, không nghe, không nghe, cả con nai ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô, nghĩa là nó cũng không nghe nốt. Hiểu một cách sống sít như thế thì thật thô thiển. Nhà phê bình đã kéo những đám mây ngũ sắc đang bay bảng lảng trong không trung, rồi rải xuống đường làm rơm rạ lót chân, và như thế còn đâu cánh rừng thu, tâm hồn thu cho con nai vàng trú ngụ. Mấy câu điệp khúc ấy thực chất chỉ để tạo giai điệu rất đặc biệt cho bài thơ này. Ở đây, nhạc điệu cũng là một phần nội dung chính làm nên hồn vía bài thơ còn ở góc độ khác, cũng nhìn bằng com mắt lý trí, có người còn cho rằng đây là bài thơ Lưu Trọng Lư thâu cóp của nước ngoài. Thực tế trong bếp núc sáng tác, có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người bình luận còn viện cớ rằng: "Thực tế Việt Nam làm gì có khu rừng vàng. Đấy là rừng châu Âu. Rừng Việt Nam là rừng luốm nhuốm". Mùa thu Việt Nam đúng như Nguyễn Du mô tả trong Kiều: "Rừng thu từng biếc chen hồng". Và con nai Việt Nam cũng nhanh nhẹn lắm, tinh ranh lắm, nó đâu có ngơ ngác "đạp trên lá vàng khô"! Ơ hay, Lưu Trọng Lư có nhìn thiên nhiên bằng con mắt thịt đâu! Lại phải mời Hoài Thanh về làm luật sư bào chữa cho ông thôi: "Trong thơ Lư, nếu có cả chim kêu, hoa nở, ta cũng chớ tin. Hay ta hãy tin rằng tiếng ấy, màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng, Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ 20, ngày ngày nện gót trên các con đường Hà Nội mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào".
Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non, Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy và toả hương. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời...
Thu Hoàng st
Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011
Duyên nợ
.
Ảnh ST
Duyên nợ…
Trời cho mình một chữ duyên
Nâng niu, gìn giữ bao niên vẫn hồng
Bây giờ ngấp nghé vai ông
Nụ cười ánh mắt vẫn nồng hương xưa
Chung nhau quãng nắng, quãng mưa
Khi dìu dặt lối, khi thưa thớt lời
Chén tình chưa lúc nào vơi
Sắp về bên núi vẫn cười cợt… vui!!
Chút danh, chút lợi… kệ thôi!!
Chữ duyên, chữ nợ một đời mang theo
Chung vai gồng gánh phận nghèo
Mà vẫn tiêng tiếc kiếp bèo ngắn ghê…
18/06/2011
Thu Phong
Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011
TRUYỀN THUYẾT HOA MƯỜI GIỜ
Truỵện kể rằng ở một đất nước nọ, quanh năm chỉ có mùa đông băng giá, người đời không hề biết tới sư tồn tại của một ngôi làng nhỏ bé, nơi tràn ngập ánh nắng và qui tụ tất cả các loại hoa đẹp trên đời. Đó cũng là nơi yên tĩnh nhất và thơ mộng nhất trên thế gian. Trưởng làng là một người đàn bà góa chồng, 1 mình nuôi dưỡng đứa con trai độc nhất.
Thời gian cứ thế trôi đi, thằng bé năm nào còn nằm trong nôi nay đã to khoẻ và tuấn tú lạ thường. Kế thừa bản tính nhân hậu của người mẹ, hắn thường hay giúp đỡ dân làng trong những việc nặng nhọc nên rất được mọi người quí mến, nhà nào có con gái đến tuổi lấy chồng cũng ước ao con mình được lấy hắn về làm rể.
Rồi ngày đó cũng tới, trái tim của cậu bé bắt đầu biết rung động : phải hắn đã yêu. Trai tài gái sắc, người con gái có một vẻ đẹp thuần khiết khiến ai ai cũng ngưỡng mộ. Ban ngày 2 người nắm tay nhau tản bộ trên bờ biển hoặc dong duổi trên những ngọn đồi phủ đầy cỏ xanh, đi xuyên qua những bóng cây cổ thụ râm mát. Buổi trưa họ trải mình trên tấm nệm cỏ. Xế chiều họ cùng nhau nô đùa trên bãi cát trắng cho tới chiều tối. Cô gái mồ côi cha mẹ từ bé nên chỉ có người con trai là người thân duy nhất nên dành trọn tất cả tình cảm vào thằng bé. Ngược lại cậu trai còn người mẹ già nên thường phải về nhà trước khi mặt trời lặn. Cô gái lại phải chờ tới sáng hôm sau để được gặp chàng trai.
Ngày này qua ngày khác, cứ đúng 10 giờ hai người hẹn nhau, tay trong tay vui đùa trước biển xanh. Tình yêu của họ tưởng chừng không gì có thể chia rẽ được. Nhưng một ngày nọ chàng trai không tới chỗ hẹn, cô gái đứng đợi, lâu rất lâu nhưng vẫn không thấy bóng dáng của người con trai.
Rồi thời gian trôi qua, cô đã chờ được 1 ngày nhưng vẫn không thấy hắn đâu, ngay lúc đó, người con gái tưởng chừng như bầu trời muốn sụp đổ. Cô muốn òa khóc nhưng sợ rằng người con trai tới nơi thấy đôi mắt đỏ hoe của mình sẽ buồn và lo lắng nên cô nuốt những giọt nước mắt đó vào trong lòng.
Thời gian lại trôi qua cô gái đã chờ được 1 tuần, cô muốn chạy đi tìm chàng trai nhưng sợ hắn sẽ tới và không thấy cô đâu rồi sẽ bỏ đi. Nghĩ vậy nên cô ghìm bước chân lại và tiếp tục chờ. Cho tới khi sức lực cạn kiệt cô gái quị xuống và trút hơi thở cuối cùng, trước khi chết cô không hề oán hận người con trai mà chỉ tự trách tình yêu của mình dành cho người con trai không đủ để tiếp sức cho cô ta tiếp tục chờ đợi và hy vọng.
Sau này xác của cô gái được sóng mang ra giữa biển và chìm vào trong lòng của đại dương. Nơi người con gái ngã xuống mọc lên 1 loài hoa màu tím, cứ khi chuông đổ 10h là hoa lại nở rộ, từng cánh hoa một hứng lấy những hạt nắng của mặt trời để sưởi ấm cho những giọt nước mắt chất chứa trong lòng của người con gái. Người ta ví hoa 10 giờ chính là hiện thân của cô gái si tình đó, hoa nở tượng trưng cho lời hẹn ước năm nào của cô đối với chàng trai; Dù thời gian có trôi đi nhưng lời hứa của cô không hề phai tàn, cô vẫn tin vào 1 câu hẹn ước và vẫn tiếp tục đợi cho dù người con trai đó sẽ không bao giờ tới.
Vũ Ngọc Dung st
BÀI CA VỀ NĂM THÁNG
Chẳng việc gì tôi phải sợ mùa đông
Cứ mặc đầu tôi bạc trắng
Năm tháng của tôi
Không chỉ là gánh nặng
Năm tháng của tôi
Là gia tài của tôi!
Tôi nhiều lần vội vã với thời gian
Gì cũng muốn lao vào làm hết thảy
Ừ, tôi muốn không giàu lên vì vậy
Những năm tháng đời tôi
Là gia tài của tôi!
Xin cảm những năm tháng của đời
Dù lắm lúc đời đắng cay, tệ bạc,
Nhưng tôi giữ,
Không nhường cho người khác
Năm tháng của tôi
Gia tài của tôi!
Nếu thời gian sẽ bảo một ngày kia:
“Ngôi sao của anh, than ôi, đã tắt…”
Tay trẻ thơ sẽ giơ cao, giữ chặt
Năm tháng của tôi
Gia tài của tôi!