Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Ngày 29 tháng 02

Nguyễn Thơ Sinh

Có lẽ không nhiều người sinh vào ngày 29 tháng 02 dương lịch so với những ngày khác trong năm. Nói vậy bởi lẽ ngày đặc biệt này chỉ xảy ra 04 năm một lần vào năm nhuận (leap year). Vì thế đó là một sự kiện rất đặc biệt với những ai sinh nhằm ngày 29 tháng 02. Chí ít, nếu họ muốn ăn mừng sinh nhật của mình một cách chính xác, họ phải đợi mỏi cổ 04 năm sau mới được ăn sinh nhật một lần vui vẻ.

Năm nay, 2012, là năm nhuận, nên những ai sinh nhằm ngày 29 tháng 02 sẽ có cơ hội ăn mừng sinh nhật của mình. Có câu chuyện tiếu lâm kể một anh chàng kén vợ mãi, lý do chỉ vì anh mong tìm được cô vợ sinh ngày 29 tháng 02 để không phải nhớ đến ngày sinh nhật của vợ mỗi năm và cũng đỡ tốn tiền mua quà sinh nhật cho vợ mỗi lần sinh nhật. Nói đùa tiếu lâm một chút cho vui vậy thôi, trên thực tế chắc không có người đàn ông nào tính kỹ theo kiểu trời-thần-đất-lở như vậy đâu!

Vậy năm nhuận là gì và tại sao cứ 04 năm lại có một năm nhuận như thế? Năm nhuận là một năm khá đặc biệt vì nó được cộng thêm một ngày. Những năm không nhuận chỉ có 365 ngày và năm nhuận sẽ có 366 ngày. Ngày dư đó sẽ được đưa vào tháng 02 (February) mỗi chu kỳ của năm nhuận mỗi 04 năm. Và vì cứ 04 năm sẽ có một năm nhuận, chúng ta sẽ có năm nhuận kế tới vào những năm 2016, 2020, 2024... Và hai năm nhuận trước năm 2012 là năm 2008 và năm 2004.
Tại sao trong tiếng Anh năm nhuận có tên là "leap year"? Lời giải thích là: cách đây nhiều trăm năm, trong các cứ liệu sử học về luật của người Anh không có khái niệm năm nhuận trong hệ thống luật lệ của họ. Người ta lặng lẽ tảng lờ với ngày dư ra theo chu kỳ cứ mỗi 04 năm và để cho ngày đó nhảy qua (leap over) một cách tự động và không ai chú ý đến nó cả. Từ đó động từ nhảy "leap' đã được người sau này gọi là năm nhuận dịch thoát nghĩa là năm nhảy (leap year) cũng bởi vì lẽ đó.
Bạn sẽ hỏi tại sao chúng ta cần đến năm nhuận làm chi cho phiền toái. Thực ra, năm nhuận được tính vì một lý do khá chính đáng chứ không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, càng không phải do con người muốn tính kiểu nào thì tính. Chu kỳ quỹ đạo của trái đất quay quanh mặt trời thực ra không phải là con số chẵn 365 ngày mà lẻ ra 0.25 ngày nữa. Vì vậy cứ 04 năm sẽ dư ra 1 ngày (0.25 X 4 = 1); thành ra để theo dõi sát và duy trì cho niên lịch được chuẩn xác, tháng Hai là tháng may mắn được chọn để có 29 ngày mỗi khi chu kỳ năm nhuận lại đến. Nói khác đi, để cho tiện, thay vì mỗi năm sẽ có 365 ngày một phần tư, người ta chọn 03 năm có 365 ngày và một năm thứ tư sẽ có 366 ngày.
Một số nước Châu Âu có truyền thống chỉ có đàn ông, con trai mới được tỏ tình, ngày thứ 29 của năm nhuận phụ nữ sẽ được phép phá lệ. Đơn giản vì ngày đó không phải là ngày bình thường của niên lịch như vẫn thấy trong tháng 02 hằng năm. Vì thế ngày này được coi là một ngày đặc biệt (no legal status) và chị em phụ nữ có thể tha hồ mạnh dạn ngỏ ý với người đàn ông hoặc các chàng trai mà họ yêu thích, kể cả chuyện họ có thể ngỏ lời cầu hôn với người đàn ông đặc biệt này mà không sợ người khác nhạo cười. Ví dụ như ở Scotland xưa, mỗi năm nhuận vào ngày 29/2, người phụ nữ có thể ngỏ lời cầu hôn và người đàn ông được nàng ngỏ lời sẽ không được phép chối từ. Nếu anh chối từ lời cầu hôn đó, anh sẽ phải đóng một số tiền phạt vạ khá lớn!
Tục lệ này có thể phát sinh từ thế kỷ thứ 5, theo một giai thoại truyền thuyết của người Irish cổ. Giai thoại này có liên quan đến hai vị thánh: Thánh nữ Bridget và Thánh nam Patrick. Tương truyền thời đó phụ nữ không được phép ngỏ lời cầu hôn với người đàn ông mình yêu thích, song các chị em chỉ có thể thụ động chờ đợi một người đàn ông ngỏ lời cầu hôn với mình. Đôi khi người đến cầu hôn lại là người các chị em không hề đồng ý. Vì vậy có một nữ tu (sau này trở thành Thánh nữ Bridget) đã khẩn cầu với Thánh nam Patrick hãy thương đến thân phận của người phụ nữ và cho phép họ được chủ động chọn lựa người chồng tương lai. Kết quả là thỉnh nguyện của vị nữ tu đã được chấp thuận. Từ đó, mỗi khi năm nhuận đến người phụ nữ Scotland có thể ngỏ lời cầu hôn với nam giới vì ngày đó họ có quyền làm như thế.
Cũng theo người Scotland, những ai sinh vào ngày 29 tháng 02 sẽ được coi là rất xui xẻo. Có không ít người sinh ra ngày này từng xác nhận như thế. Bởi lẽ, ai sinh ra bình thường cũng được cắt bánh sinh nhật và thổi nến mỗi năm một lần. Còn họ thì phải đợi tới bốn năm. Và trong cuộc đời họ, cơ hội được vui vẻ ngày sinh nhật chỉ được 1/4 lần ăn tiệc vui vẻ so với những người bình thường khác.
Năm nhuận 2012 này, ít ra cũng có một điều an ủi, ngày 29/2 năm nay sẽ rơi vào ngày Thứ Tư (Wednesday) chứ không phải ngày Thứ Sáu (Friday) xui xẻo. Bởi lẽ theo thói quen của người Anh, ngày Thứ Sáu thường không được hên lắm, mặc dù đây là ngày cuối tuần. Chúng ta còn nhớ câu nói: Thank God it's Friday (TGIF) - Cảm ơn Chúa hôm nay là thứ Sáu - vốn là câu người Mỹ đi làm thường nói với bạn đồng nghiệp của mình; có lẽ vì họ thấy thứ Sáu là ngày dài nhất trong tuần chăng (?) Nhất là mỗi thứ Sáu họ luôn chờ đợi giây phút được lãnh lương. Còn với người Việt mình, năm nay là năm con rồng (Nhâm Thìn) nên có lẽ sinh con vào ngày 29/2 sẽ là một ngày đặc biệt.
Tản mạn một chút cho vui, nếu như các bạn vào trang mạng (www.datesinhistory.com/feb29.php) sẽ đọc được những biến cố lịch sử xảy ra vào những ngày 29/2 được ghi chép lại, bắt đầu tính từ năm nhuận 1288 khi Scotland chính thức hợp thức hóa luật định cho phép người phụ nữ được cầu hôn với một chàng trai. Dưới đây là những ngày 29/2 đặc biệt được chọn ra trong trang mạng này để cùng vui các bạn.
Vào năm 1504, nhà thám hiểm viễn dương Christopher Columbus (1451-1506), người tìm ra Châu Mỹ, đã hù dọa người Indian bản xứ của Jamaica bằng sự kiện nguyệt thực năm đó. Ông đã làm cho họ sợ hãi và tự nguyện đem thức ăn đến cho ông và thủy thủ đoàn. Còn năm 1720, Nữ hoàng Ulrika Eleonora của Thụy Điển đã yêu chồng đến mức nhường ngôi cho ông. Đức lang quân của bà đã trở thành Vua (King Frederick I). Năm 1864, vào thời kỳ cuộc nội chiến Mỹ, một cuộc cướp ngục của Kilpatrick-Dahlgren dẫn đầu vào ngày 29/2 với mục tiêu giải cứu 15,000 binh lính phe Liên bang (Union, của các tiểu bang miền Bắc) bị giam tại Richmond, Virginia đã bị thất bại.
Ở châu Âu, năm 1880, ngày đặc biệt 29/2 là ngày khánh thành tuyến đường sắt xuyên ngầm dưới lòng đất nối liền hai nước Switzerland và Italy chính thức hoạt động. Năm nhuận 1892 có ngày 29/2 được Mỹ và Anh ký hiệp ước giới hạn săn hải cẩu (seal) tại vùng biển Bering. Cũng trong ngày đó của năm nhuận 1892, Thành phố St. Petersburg của Tiểu bang Florida (chứ không phải St. Petersburg của Nga) được cấp giấy phép thành lập (incorporated).
Sang thế kỷ 20, năm 1904, một năm nhuận khác có ngày 29/2 được thế giới ghi nhớ khi Tổng thống Theodore Roosevelt (1858-1919) cử một nhóm chuyên viên đặc biệt gồm 7 người trong sứ vụ đặc nhiệm nghiên cứu việc thực hiện kênh đào Panama. - Đây là một quyết định có tầm nhìn chiến lược rất quan trọng trong việc mở mang các thương vụ giao thông đường biển sau này, tiết kiệm được rất nhiều nguyên liệu và thời gian, đồng thời giúp phát triển kinh tế giữa các nước của Châu Mỹ. Còn ngày 29/2 năm 1908, các nhà khoa học của Hà Lan đã chế tạo được nguyên tố helium ở dạng rắn. Năm 1919, luật lao động trẻ em tại Tiểu bang South Carolina có một thay đổi mới trong đó độ tuổi tối thiểu (minimum working age) để các em có thể làm việc tại các nhà máy, xưởng xay bột, hoặc tại các hầm mỏ tăng lên từ 12 đến 14 tuổi, chính thức áp dụng vào ngày 29/2. Vào ngày 29/2 năm 1932, phong trào Phát-xít Lapua âm mưu lật đổ chính quyền ở Phần Lan nhưng thất bại. Ngày 29/2 năm 1940 cuốn phim nổi tiếng của điện ảnh Mỹ, Cuốn Theo Chiều Gió (Gone with the Wind), phá kỷ lục đoạt được cả thảy 8 giải Oscar, trong đó có nữ diễn viên da đen tên Hattie McDaniel đóng vai Mammy là nữ diễn viên da màu đầu tiên nhận được vinh dự giải Oscar cao quý. Cũng trùng ngày đó, nhà vật lý Ernest Lawrence (1901-1958) của Mỹ vì lý do cuộc chiến thế giới II nên ông đã lãnh giải thưởng Nobel Vật lý của năm 1939 tại Lãnh sự quán của Hoàng gia Thụy điển ở San Francisco. Sang đến năm 1944, vào ngày 29/2 tại Indonesia có 5 thành viên của Đảng Cộng Sản đã bị xử tử. Ngày 29/2 năm 1952 đánh dấu bởi sự kiện nhà trượt băng Dick Button của Mỹ đoạt giải Thế giới liên tục lần thứ 5. Còn vào ngày 29/2 năm 1960, một trận động đất ở Morocco giết chết hơn 3.000 người (gần 1/3 dân số của Thành phố Agadir) và gần như phá hủy hoàn toàn thành phố Agadir của miền nam nước này trong vòng 15 giây. Cùng ngày đó, trùm báo chí Hugh Hefner đã thành lập CLB Playboy đầu tiên tại Chicago. Vào năm 1964, tay bơi Dawn Fraser của Úc đã lập một kỷ lục mới cho môn bơi tự do 100 mét với thời gian chỉ có 58.9 giây vào ngày 29/2. Đến năm 1968, Ban nhạc hộp đêm Sergeant Pepper's Lonely Hearts của Beatles đoạt giải Grammy. Còn ngày 29/2 năm 1972, với chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (Vietnamization) khởi xướng bởi Tổng thống Richard Nixon nhằm từng bước chuyển trách nhiệm chiến đấu cho quân lực Việt Nam Cộng hòa, Nam Hàn rút 11.000 lính ra khỏi Nam Việt Nam trong tổng số quân gởi đến đây là 48.000. Còn ngày 29/2 năm 1980, một người đàn ông tại nước Anh tên Michael Bracey xui xẻo bị nhốt kẹt trong thang máy với thời gian kỷ lục lâu đến 59 giờ 55 phút mới được giải cứu. Ngày 29/2 năm 1988, vị Tổng giám mục Desmond Tutu của Nam Phi đã bị bắt cùng với 100 giáo sĩ khác trong một cuộc biểu tình kéo dài 5 ngày nhằm chống lại Chủ nghĩa Apartheid ở đây. Ngày 29/2 năm 1996, một chiếc Boeing 737 của Peruvian đã đâm vào dãy núi Andes giết chết 123 người đáp trên chuyến bay đó. Còn vào ngày 29/2 năm 2000, một cậu bé 6 tuổi tên Dedrick Owens đã bắn chết một cô bạn học tên Kayla Rolland cũng vừa lên sáu tuổi tại Trường tiểu học J. Buell Elementary School thuộc Thành phố Mount Morris Township của Tiểu bang Michigan.

Vâng. Ngày 29/2 có cả chuyện vui lẫn chuyện buồn như các bạn đã nhìn thấy.
Trong cái ngày đặc biệt vì cứ phải đợi 04 năm - 1.460 ngày, mới có một lần, hên hay xui, tốt hay xấu, mọi sự kiện (hoặc vui, hoặc buồn) có lẽ hoàn toàn xảy ra cách rất ngẫu nhiên. Mong rằng ngày 29/2 năm nay chúng ta sẽ có thêm nhiều hơn chuyện vui, những điều tốt lành, để những ai sinh ra vào ngày đặc biệt này sẽ thấy ngày mình chào đời là một ngày vui vẻ hơn, đầm ấm hơn, ý nghĩa hơn.
ĐôĐH st

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

NÓI LÁI

Nói lái là một cách nói kiểu chơi chữ của dân Việt. Có nhiều cách nói lái:
Cách 1: Đổi âm sau, giữ chữ đầu và thanh: Thí dụ: Cái bằng - nói lái thành - Cắng bài
Cách 2: Đổi toàn bộ, trước ra sau, nhưng giữ thanh Thí dụ: Cái bằng - lái lại thành - Bắng cài
Cách 3 : Đổi dấu thanh Thí dụ : Thụy điển có thủy điện
Các câu nói lái phổ thông
Câu đố:
Lăng quằng lịt quịt ... lăng quằng trứng là cái gì ? (lưng quần trắng)
Lăng quằng lịt quịt ... lăng quằng rừn là cái gì? (lưng quần rằn)

Nói lái trong thơ
Nói lái thành thơ có lẽ là nghệ thuật chơi chữ tuyệt diệu và độc đáo trong tiếng Việt:
Một bài thơ của cụ Thảo Am viết sau khi nghe tin giặc Pháp chiếm lại đồn Mang Cá, 1946:
Lũ quỷ nay lại về luỹ cũ
Thầy tu mô Phật cũng thù Tây.

Làm thơ nói lái thật không dễ. Ví dụ bài thơ nhắn bạn sau đây:
Làng vọng còn hơn cái lọng vàng
Mang sơ tấm áo, chớ mơ sang
Nhắn bạn lên non đừng bắn nhạn
Hang lỗ tìm vào bắt hổ lang

Cụ Nguyễn Khoa Vy mất năm 1968, cùng với cụ Ưng Bình Thúc Giạ thuộc thế hệ cuối cùng của Quốc tử giám. Cụ làm bài thơ Nhớ bạn thế này:

Nhớ Bạn
Nhắc bạn những thương tình nhạn bắc
Trông đời chỉ thấy cảnh trời đông
Đêm thâu tiếng dế đâu thêm mãi
Công khó chờ nhau biết có không

Hoặc một bài thơ khác:
Đời chua, bậu cứ thử đùa chơi
Chơi ngổ xong rồi, kiếm chỗ ngơi
Bến đậu thênh thang, mời bậu đến
Ngồi đây say tít, ngất ngây đời.
Câu cuối của bài thơ ngồi đây đã bị ép thành ngây đời. Điều đó chứng tỏ nói lái thành thơ, không phải dễ!

Ấy vậy mà bài thơ sau đây sẽ còn làm chúng ta thật sự ngạc nhiên về sự phong phú, đa dạng của ngôn từ tiếng Việt cũng như sự tài tình của nhà thơ.
Nếu ai định dịch nó sang ngôn ngữ khác, chắc là phải bó tay! (khi đọc nhớ lái ở ba từ cuối mỗi câu):
Mỗi độ xuân sang chả có gì (chỉ có già)
Giàu sang, keo kiệt để mà chi? (đĩ mẹ cha)
Vui xuân chúc tết cầu gia đạo (cạo da đầu)
Cạn chén tiêu sầu tiễn người đi (đĩ người tiên).
"Chú phỉnh" tôi rồi "chính phủ" ơi,
"Chiến khu" đông lúa "chú khiên" rồi
"Thi đua" sao cứ "thua đi" mãi
"Kháng chiến" lâu rồi "khiến chán" thôi !!!
Thầy giáo tháo giầy, tháo giáo án dán áo
Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương
Làm giáo chức, phải giứt cháo
Thảo chương, rồi để được ... thưởng chao
Nhường luôn hết cả nhà xe, nhè luôn hết cả xương
Nhường luôn miếng đất, nhất luôn cả miếng đường
Nhường tới tận rau, nhàu luôn tới tận xương
Nhường tới cái túi, nhúi...tới cái tường
Lấy lương hưu, để lưu hương

Vua Tự Đức cũng có 1 câu đối chỉnh mà đến nay chưa chắc ai giải được.
Vế đối ra:
Kia mấy cây mía
và vế đối lại của vua Tự Đức là:
Có vài cái vò
Chỉnh hết chỗ nói!

Nói lái sau năm 1975
Sau năm 1975 đời sống nhân dân khó khăn, do đó trong dân gian có những câu nói lái rất phổ thông:
Quy mã là qua Mỹ , hay :
Kỹ sư đôi lúc làm cư sĩ
Thầy giáo lắm phen cũng tháo dày.
Giáo chức giờ đây đành dứt cháo
Khoái ăn sang nên... sáng ăn khoai.

Nói về tệ nạn cửa quyền tham nhũng của chế độ và các tệ nạn thì nhân gian có các câu nói lái :
Thủ tục đầu tiên là ..tiền đâu ?
Vũ Như Cẩn là Vẫn như cũ.
Nguyễn Y Vân là Vẫn Y Nguyên
Bùi Lan là Bàn Lui
Hộ khẩu là Hậu khổ.

Chỉ riêng ngành giáo dục không thôi đã có nguyên một bài nói lái tự thán như sau :
Thầy giáo tháo giày đi dép
Nhà trường nhường trà uống nước trong
Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo
Lương thầy tiền lính tính liền xong
Thầy giáo tháo ủng tháo giày
Tháo ủng thủng áo tháo giày nóng chân
Giáo án dành lại khi cần
Thay vải dán áo việc làm tốt thôi.

(Theo wikipedia)
T- N st

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

GẶP GỠ ĐẦU NĂM LỚP 9I-10H

Ngày 27 tháng giêng, lớp 9I-10H đã gặp mặt nhau tại nhà BàngHS. Có mời cả cô bạn "10G hàng xóm". Cũng là để hỏi thăm sức khỏe và chúc mừng nhau nhân chưa hết “tháng ăn chơi”. Trời rất lạnh. Có nhiều chuyện bàn thảo và nhất là những kỷ niệm xa và gần của các thành viên trong lớp. Khá rôm rả! Sau đây là một vài hình ảnh hôm gặp mặt.




Đến giờ chưa mà bọn nó chưa đến?



Thắng- Quí - Đô - Vinh - Thoa







Thắng - Quí hình như đứng tụng kinh


Bảo hình như ngồi bắt quyết


Tranh luận về những chuyện xảy ra trong năm



Sắp đến 8/3 rồi đấy nhỉ


BàngHS

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

CHÚC MỪNG NGÀY MỒNG TÁM THÁNG BA

Tặng những ai "Kính vợ đắc thọ" của K22:
VỢ LÀ "TRỜI ƠI!"


Khi còn là người yêu vợ là Thiên Thần
Còn em gái của vợ là... Thiên Nga
Những lá thư của vợ là Thiên Thư
Con đường xưa vợ đi là Thiên Đường
Dáng vợ lướt như là... Thiên Long Bát Bộ
Mùi thơm của vợ là Thiên Hương
Tướng đi của vợ là Thiên Tướng
Vợ có tài tề gia nội trợ là Tề Thiên Đại Thánh
Vợ trang điểm là Thiên Hình Vạn Trạng
Phòng ngủ của vợ là Thiên Cung
Nhà của vợ là Thiên Đình
Thành phố vợ ở là Thiên Đô
Chữ nghĩa của vợ là Thiên Văn
Suy nghĩ của vợ là Thiên Kiến
Lý lẽ của vợ là Thiên Lý
Ý vợ muốn là... Thiên Thạch
Vợ quyết mọi việc, gọi là Thiên Định
Lời vợ dặn là Thiên Lệnh
Vợ gọi thì chồng phải... Thiên Bẩm
Con của vợ là Thiên Tử
Ba mẹ anh chị em họ hàng bên vợ là Thiên Triều
Vợ quen chân đi chơi rông dài là Thiên Di
Vợ ngồi lê đôi mách, nói chuyện tào lao là Thiên Tào
Vợ nổi cơn thịnh nộ là Thiên Lôi
Tài mua sắm của vợ là Thiên Phú
Vợ chỉ biết mình là Thiên Vị
Có bồ nhí mà vợ biết được là Thiên Tai
Bị vợ đo hạ ván là Thiên Hạ
Có hai vợ là... Nhị Thiên Đường
Tiền lương, tiền túi, tiền cà phê cà pháo đều bị vợ tóm gọn là Thiên Thu
Hình bóng vợ nay đã đi vào dĩ vãng là Thiên Cổ
Định nghĩa của những người "nhất vợ nhì trời":... (sưu tầm- Theo Blog Trỗi K7)
Nếu có thêm ý hay - mời bổ xung ngay.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

RỒI MỘT MAI


Yêu dấu tặng Trang

Vẫn biết rằng một mai con sẽ lớn
Buông bàn tay mẹ ru rín một thời
Dò dẫm bước giữa dòng đời nghiêng ngả
Giông bão chờ xô về phía con côi

Nghe tiếng gió thương những ngày đông giá
Ai kéo chăn ủ ấm lúc đêm về
Ngọn đèn nhỏ đầu giường con đọc sách
Quên tắt chăng giữa giấc ngủ bộn bề

Theo bước con từ những ngày trứng nước
Bàn ghế kia sách vở cũng còn kia
Bao dự định và bao nhiêu mộng ước
Xôn xao mơ… vườn cổ tích chưa lìa

Con nhỏ dại như thuở vừa năm tuổi
Vẫn lơ ngơ chạy theo cánh diều bay
Mẹ vẫn ước giá trời đừng nghiệt ngã
Để đời con vắng lạnh nửa vòng tay…

Rồi một mai… mẹ cũng sẽ đi xa
Gom năm tháng dệt thiết tha gởi lại
Theo chân con trên đường đời mê mải
Mẹ nguyện cầu trọn hai chữ bình yên

Tác giả : Thu Phong

Ngày 19/2/2012 hội Nguyentraik22 và lớp 10E TP HCM có dịp gặp Thu Phong tại tiệc cưới của con gái Thu Trang




Nguyentraik22 TPHCM

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Vè sĩ bút tre

ĐỖ HỮU LỰC

Kỳ 1

Kỳ 2: Nỗi oan của Bút Tre
TT - Phong trào thơ ứng khẩu mang tính trào phúng và phê phán kiểu Bút Tre bùng phát ở Phú Thọ. Dù đó không phải là thơ do Bút Tre sáng tác, song nỗi oan bắt đầu vận vào ông.

Bút Tre gặp nạn
“Tôi nhớ đó là năm 1967 hay 1968, trên báo Văn Nghệ có bài phê phán Bút Tre do ông Xích Điểu viết trong mục Dọn vườn” - nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn nhớ lại. Một số văn nghệ sĩ ở Phú Thọ và Hà Nội bắt đầu mở “chiến dịch” công kích Bút Tre - Đặng Văn Đăng. Thơ Bút Tre được xuất bản bị mang ra mổ xẻ.
Tại một hội nghị về văn hóa được tổ chức ở Phú Thọ lúc bấy giờ, có vị lãnh đạo ở trung ương phát biểu rằng thơ Bút Tre lủng củng, ngô nghê, tục tĩu... cần phải được chấn chỉnh. Vè sĩ Bút Tre ngồi ở dưới không tỏ thái độ, lặng im suốt buổi họp. Có ý kiến cho rằng vè sĩ làm trưởng ty văn hóa đã tự ý cho in những tập thơ do mình sáng tác, chứ những tập thơ như thế mà ở Hà Nội đã bị “bóp” từ lâu rồi!
Thêm nữa, những câu thơ ứng khẩu của vè sĩ sau khi bị dân gian “nhại đi” đã biến đổi không ngờ. Họa sĩ Ngô Quang Nam kể một dịp vè sĩ tập hợp tự vệ Ty Văn hóa để động viên tinh thần chiến đấu, ông có ứng khẩu: “Giặc Mỹ leo thang đến Phú Tho (Phú Thọ)/ Napan đốt cháy cả rừng co (cọ)/ Sẵn sàng chiến đấu chị em bắn/ Rớt trước ty mình một dù đo (dù đỏ)”. Nhưng khi truyền khẩu thì lại là “Chị em du kích tài thay/ Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình”!
Thế nên mới có chuyện một nhà thơ nổi tiếng ở Hà Nội lên chơi, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh liền cho mời vè sĩ Bút Tre sang đàm đạo thơ phú. Sau khi nghe Bút Tre đọc thơ, nhà thơ Hà Nội gật gù: “Anh tập hợp những bài thơ của anh để tôi đem về Hà Nội nhờ anh Xuân Diệu sửa cho”. Vè sĩ trả lời: “Anh Xuân Diệu làm thơ bác học. Tôi làm vè dân gian, Xuân Diệu chữa thế nào được!”.
Ông Nhàn hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều ấn phẩm của Bút Tre được xuất bản. Ông đưa cho tôi xem và thách đố: “Tôi đố cậu tìm được câu thơ nào của Bút Tre nói về sự tục tĩu. Thơ của ông chỉ có cười mà thôi”. Ông Nhàn còn lưu giữ một cuốn sổ tay ghi chép công tác của vè sĩ Bút Tre, trong đó xen kẽ những ghi chép các buổi họp hành được ghi bằng… tiếng Pháp, xen lẫn thơ được viết bằng tiếng Việt, chữ của vè sĩ rất xấu. Đó là những câu thơ mà vè sĩ một thời làm hai việc, ba việc trong cùng một lúc.




“Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng”
Ông Nguyễn Kính Mời - nguyên cán bộ Ty Văn hóa Phú Thọ, sau làm phó giám đốc Sở VH-TT Phú Thọ, hiện đã nghỉ hưu ở phố Thái Hà (Hà Nội) - kể: “Thời gian ấy, Bút Tre hơi buồn nhưng trước mặt mọi người ông vẫn vui vẻ, lạc quan vì tính ông thế!”. Cuộc sống của ông vẫn không bị xáo trộn gì, trưa đến anh em trong cơ quan vẫn cùng ông đùa tếu táo tại nhà ăn của cơ quan.
Bà Bùi Thị Ngà, nguyên thư ký đánh máy chữ cho Bút Tre suốt những năm vè sĩ làm trưởng ty, cho hay những ngày sóng gió ấy Bút Tre vẫn miệt mài chỉ đạo anh em khai quật các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh để khẳng định các nền văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên...
Riêng về viết lách, ông chăm viết nhiều hơn, có bận chuyển sang viết nghiên cứu. Vè sĩ vẫn làm thơ như mọi ngày, có ngày đến ba bài thơ đưa cho bà Ngà đánh máy, có một bài thơ ở thời kỳ sóng gió ấy làm bà Ngà nhớ nhất, trong đó có những câu:


Bút Tre văn nghệ không thừa nhận
Thêm bao bịa đặt cá nhân xuyên (xuyên tạc)
Nỗi oan trái đâu cần ai rửa
Ánh trăng vằng vặc góc trời riêng.

Bút Tre cũng có lần tâm sự với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, họa sĩ Ngô Quang Nam là những người thân nhất hay cận kề bên ông: “Oan tớ hơn oan Thị Kính!”. Và cũng kể từ những ngày sóng gió ấy, vè sĩ không gửi thơ đi in nữa.
Nhưng khi ấy trong dân gian, thơ kiểu Bút Tre đã được người ta ứng khẩu đọc tràn cung mây. Bữa ăn ở hội nghị nào của Phú Thọ hay bên mâm rượu vui bạn bè, tiễn bộ đội lên đường đánh Mỹ..., mọi người đều ứng khẩu đọc thơ kiểu Bút Tre. Chính vè sĩ cũng ngây người nhiều bận khi người ta gặp ông thường khoe là... thuộc thơ ông, nhưng khổ một nỗi đó không phải do ông ứng khẩu. Những câu như: “Anh đi công tác Pờ Lây/ Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra/ Còn em em vẫn ở nhà/ Cửa (nhà) mình em mở người ra kẻ vào”; “Thi đua ta quyết thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu rồi tiến đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”... Vè sĩ cười chảy nước mắt!
Bị oan nhưng Bút Tre tự hào rằng những lối thơ của mình đã được dân gian thừa nhận. Ông cảm hứng viết lời khai từ của tập Tia lửa làng quê:

Trăm năm ở một làng vè
Nghìn câu lục bát mấy đề vè hôm
Khi khuya sáng, lúc hoàng hôn
Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời
Bút Tre nối bước những ai
Một dòng thơ, mở đường quai kể vè
Năm năm dân dã lắng nghe
Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng.

Năm 1968, thêm một bước ngoặt trong đời ông: tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, ông được cấp trên phân công làm phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú và giữ cương vị này đến năm 1973 thì nghỉ hưu. Theo lời kể lại của anh em văn nghệ sĩ Phú Thọ, Bút Tre vẫn không ngừng viết nhưng không gửi in ở đâu. Ông làm việc một cách lặng lẽ cho đến khi qua đời tại quê nhà vào năm 1987 ở tuổi 76.
ThuNV st

***********
Bút Tre là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi người ta nói đến thơ Việt Nam trào phúng và châm biếm. Ông tên thật là Đặng Văn Đăng (1911-1986), sinh tại xã Văn Lang, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ – chiếc nôi của nói Trạng; bởi thế dân gian mới có câu “dân Văn Lang cả làng nói phét” Ông sáng tác chính xác bao nhiêu bài thì không ai rõ, nhưng phong cách của ông được người ta học hỏi nhiều và đặt ra 1 dòng thơ “Bút Tre” rất độc đáo và mạnh bạo trong ngôn từ, hàm ý. Người bảo thanh, kẻ chê tục; xin cứ trích đăng các đoạn sưu tầm được để rộng đường dư luận (Chống chỉ định những người không thích đùa và trẻ em dưới 13 tuổi)





Con chó ngồi nghịch cái que
Sau đây tiết mục Bút Tre bắt đầu
Quê hương tôi đẹp tuyệt vời
Ở dưới có nước trên trời có mây.
Xin mời các bạn về đây
Để thăm quê tớ mỗi ngày một sang.
Con đò dịch đít sang ngang
Xa xa có một cái làng thò ra.
Đằng kia là một vườn na
Đằng này thì có mấy bà chổng mông.
Cây lúa cao sản ngoài đồng
Đến mùa thu hoạch nhà nông vui cười.
Quê tôi thế đấy bạn ơi
Nhờ có đổi mới nên đời thêm xuân.
Con gái giờ chẳng mặc quần…
Mà mặc váy ngắn hở chân hở đùi
Ngày hội mới thật là vui…

Chị em nô nức đặt vòng
hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn.

Anh đi công tác Pờ Lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào vê
Họp xong anh ghé Buôn Mê
Thuột xong một cái rồi về với em
Anh đi công tác Cam Pu
Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm
Anh đi công tác bản Muờng
Tè xong một cái lên đường về quê

Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín một cây gật gù
Tụi bây có mắt như mù
Mười cây chết cả gật gù nỗi chi

Trung thu là tết thiếu nhi
Mà sao người lớn lại đi là nhiều
Đi nhiều rồi lại làm liều
làm liều rồi lại có nhiều thiếu nhi

Bà con toàn thể xã ta
Ðồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê
Dái dê to mập dài ghê
Nãm sau ta cứ dái dê ta trồng

Bướm đồng động đến thì bay
Bướm nhà động đến lăn quay ra giường
Chim đồng bóp cái chết ngay
Chim nhà mà bóp càng ngày càng to

Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn
Ði về mới biết chẳng hơn đồ nhà
Ðồ nhà tuy xấu tuy già
Nhưng là đồ thật hơn là Ðồ Sơn
Chưa đi chưa biết Cà Mau
Đi rồi mới thấy chẳng hơn gà nhà
Gà nhà tuy có hơi già
Nhưng mà cà chậm hơn là Cà Mau

Không vô không biết bút tre
Vô rồi mới biết muốn tè ra ngay

Chưa ăn chưa biết cu đơ
Ăn rùi mới biết nó đờ cu ra
Chưa đi chưa biết Cửa Ông
Đi rồi mới thấy toàn mông với giò
Chưa đi chưa biết Cửa Lò
Đi rồi mới thấy toàn giò với mông.
Chưa đi chưa biết Sài gòn
Đi rồi mới biết chẳng còn một xu
Về nhà mới biết là ngu
Mồm tiêu thì ít thằng cu tiêu nhiều

Số tôi số chẳng ra gì
Vợ thì đời cũ, ti vi đời đầu
Đời đầu nên chẳng có râu
Hì hà hì hục chẳng mầu chẳng lên
Ti vi hàng xóm nhà bên
Chưa sờ đến núm đã lên ầm ầm
Ước gì trời nổi cơn giông
Để tôi sang đó ôm nhầm ti vi.

Xưa kia gương vỡ lại lành
Thi đi thi lại cũng thành kỹ sư

Bần tăng chẳng xin cơm chay
Chỉ xin thí chủ “ba ngày ba đêm”
Chị em phụ nữ chơi cầu
Lông bay vùn vụt qua đầu thanh niên.
Chồng người du kích sông Lô
Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần

Ở trong hang đá đi ra
Vươn vai một cái rồi ta đi vào
Ba bà đi chợ cầu đông
Vừa đi vừa nhổ lông mày ra xem
Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Có đôi trai gái ngồi hơ quần đùi

Tiễn anh lên bến ô tô
Đêm về em khóc tồ tồ cả đêm
Lâu rồi mình chẵng yêu ai
Lâu rồi cũng chẳng có ai yêu mình

Ta đi bầu cử tự do
Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm
Hội trường yên ắng ngủ say
Thuyết trình vừa dứt, vỗ tay ra về.

Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo
Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu
Dừng chân đứng lại trên cầu
Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng

Anh em chuẩn bị ra đồng
Chị em đã vội đi trồng dưa leo
Hôm nay đài nói vui thay
Người ở dưới đất, chó bay lên trời
Hôm nay trên quốc lộ hai
Thể nào cũng có một vài ô tô.

Nào đâu có thích vần ồn
Cơ mà yêu quá cái “hồn” chị em
Nên thơ cứ mãi lem nhem
Quanh đi quẩn lại toàn em với “hồn”.

Nghệ an nổi tiếng gió Lào
Trẻ già trai gái người nào cũng đen
Thằng nhỏ mặc quần hở mông
Vẫn hơn con nhỏ còn không mặc quần.
Trẻ em thường thích ở trần,
Nhưng mà người lớn có phần thích hơn.

Rừng xanh núi đỏ um tùm
Thương anh địa chất cưỡi hùm lên non
Chiều về ngựa phóng bon bon
Tay anh nắm chặt hai hòn thạch anh.

Tình yêu đâu phải phân trâu,
Mà anh lại sợ để lâu hóa bùn.
Tình yêu đâu phải con lươn
Mà anh lại sợ nó trườn khỏi tay.

Em như một cái sập vàng
Anh như manh chiếu nhà hàng bỏ quên
Cầu trời cho gió nổi lên,
Cho manh chiếu rách nằm trên sập vàng
Cuộc đời như bát phở gà,
Thiếu chanh, thiếu ớt chắc là mất ngon.
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ chăn vịt, thấy cha chăn ngồng (ngỗng)
Thấy em hát nhạc Trịnh Công
Sơn xanh, sơn đỏ, anh không dám vào.
Con gái ai cũng biết xinh
Con trai tuy xấu, không xinh nhưng liều
Anh đi giường chiếu lặng câm
Anh về giường chiếu reo ầm cả lên

Chọn mãi mới được một ngày
Gặp em để quyết giãi bày yêu thương
Hai đứa ngồi trên bờ mương
Công nông thì chạy trên đường, bụi ghê!
Cứ thế mà buôn dưa lê
Mãi không đề cập vấn đề trọng tâm
Anh liền nói chuyện lòng vòng
Đợi em sơ ý là cầm tay luôn.
Ngờ đâu anh chộp đã nhanh
Em rút tay lại còn lành nghề hơn
>Mất đà anh lộn xuống mương
Bò lên đã thấy em chuồn từ lâu.
Vừa về anh vừa lầu bầu:
Biết thế bố bỏ từ lâu cho rồi!”

Em đi phố Huế chiều mưa
Anh về mài lại cái cưa đã mòn
Đi đâu mà hổng lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông kêu trời
Thu đi để lại lá vàng
Anh đi để lại cho nàng thằng con

Ra đường sợ nhất xe ben
Về nhà sợ nhất vợ rên “không tiền”
Anh đi công tác Sông Đà
Vướng phải tai nạn ở phà sông Gianh
Tay chân thì vẫn nguyên lành
"Cần tăng dân số” tan tành khói mây
Tiến lên, ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu không biết đi đâu
Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi

Trăm năm ở một làng vè
Nghìn câu lục bát mấy đề vè hôm
Khi khuya sáng, lúc hoàng hôn
Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời
Bút Tre nối bước những ai
Một dòng thơ, mở đường quai kể vè
Năm năm dân dã lắng nghe
Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Lễ Tình nhân 14-02

Những món quà của ngày Valentine

Tại sao người ta lại tặng nhau thiệp, hoa hồng và chocolate ngày lễ tình yêu?
Sưu tầm
Chocolate, hoa hồng và thiệp là 3 món quà không thể thiếu trong lễ tình nhân rồi . Nhưng tại sao 3 món quà này theo truyền thống được các cặp tình nhân lựa chọn này cho người mình yêu thì không phải ai cũng biết.

1- Lý do tặng chocolate :
Có rất nhiều truyền thuyết về ngày lễ Valentine, nhưng dù truyền thuyết đó là gì thì ngày 14/2 đã trở thành ngày để người ta trao yêu thương, ngày mà các cặp tình nhân trao nhau những món quà ngọt ngào, những bữa tối ấm áp hay những nụ hôn say đăm,... ngày mà bất kể bạn là ai, bạn kỷ niệm ngày đó như thế nào thì chocolate vẫn là món quà không thể thiếu mà những người đang yêu mong đợi.

chocolate được dùng làm quà tặng đầu tiên bởi những người Aztec và thời đó socola đơn giản chỉ là thức uống đặc biệt trong giới quý tộc. Ngày nay hàng ngàn hộp chocolate sang trọng với chất lượng tuyệt hảo mang những thông điệp khác nhau: “Thanks you”, “Gook Luck”, “I love you”, “Be my Valentine”,… được trao tặng hàng ngày như một cách để nói: “Chúc mừng”, “Xin lỗi”, “Hãy là của anh”,…

Nhưng vì sao chocolate trở thành biểu tượng của tình yêu, của sự ngọt ngào, của những đam mê mãnh liệt? Bởi lẽ Socola đã vượt qua ranh giới của một món ăn bởi socola đem lại cho người sử dụng một thứ cảm giác tuyệt vời mà dù người ta có ưu ái dành cho chocolate bao nhiêu từ ngữ cũng không đủ. Còn từ ngữ nào tuyệt vời hơn bạn muốn dành tặng người yêu thương trong ngày Valentine thay cho một thanh chocolate được mệnh danh là “món quà của thượng đế”.
Hơn thế nữa chính mùi vị ngọt ngào đôi khi còn kèm theo vị đắng chính là một minh họa tuyệt vời cho tình yêu của các cặp tình nhân.

2- Lý do tặng hoa hồng và ý nghĩa màu sắc của hoa : Hoa hồng là món quà cực kỳ tinh tế không gì thay thế được. Tương truyền rằng hoa hồng đỏ được coi là hoa thánh dành cho Thần Vệ Nữ, nữ thần Sắc Đẹp, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt. Truyện kể rằng Nữ thần Tình yêu được sinh ra với một đóa hồng màu trắng. Vì đau khồ trước cái chết của người chồng yêu thương, nữ thần đã vô tình để gai của hoa hồng đâm vào tay. Máu của người đã làm hoa hồng trắng trở thành hoa hồng đỏ. Từ đó hoa hồng đỏ trở thành biểu tượng của Tình Yêu. Và ngày nay, hoa hồng đỏ vẫn được người đời hiểu rằng đó là thông điệp “Anh yêu em” (Em yêu anh).
Hoa hồng tượg trưng cho tình yêu nhưng mỗi màu có một ý nghĩa riêng. Bạn phải hiểu tiếng nói của hoa hồng, để khi ai tặng bạn, bạn có thể hiểu ý nghĩa để tránh khỏi lầm lẫn. 
Màu sắc của hoa:
Hồng đỏ - Tình yêu đam mê của người này cho người kia. Là tình yêu nồng nàn mãnh liệt. Yêu điên cuồng.
Màu hồng - Tình yêu thât sự gắn liền với sự trong trắng. Tình yêu êm dịu nhẹ nhàng. Là một lời hứa tình yêu.
Màu vàng - Có người thì cho là hoa hồng vàng nghĩa là không chung thủy. Trong lúc đó người khác thì hồng vàng tượng trưng cho người tặng yêu bạn nhưng không biết có được yêu lại hay không?.
Màu trắng - Màu trắng là chứng nhân cho tình yêu trong sạch, trinh trắng, thanh cao, quí phái. Có ý nghĩa "yêu thầm lặng"
Màu hoa lavande - Tượng trưng cho tiếng sét ái tình.
Màu đỏ và trắng - Sự phối hợp giữa hoa hồng đỏ và trắng tượng trưng cho sự kết hợp giữa hai người.

3- Bưu thiếp - “From your Valentine” : 
Có một câu chuyện thú vị khắc họa tình yêu giữa Valentine và con gái người cai ngục. Mỗi ngày trong ngục, Valentine đều viết thư cho người yêu. Và đến tận bức thư cuối cùng trước khi vĩnh biệt, luôn luôn là dòng chữ “From your Valentine” (Gửi từ Valentine của em). Cũng bởi thế nên ngày nay, khi gửi tặng người yêu bưu thiếp, người ta luôn viết “from your Valentine”, như một cách để nhớ lại câu chuyện tình rất đẹp của vị thánh mà tất cả các trái tim đang yêu đều kính trọng.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Chúc các bạn K22 vui trong lễ Tình nhân

Tình thứ nhất

Tác giả: Xuân Diệu
Tháng Mười Hai26
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em kèm với một lá thư
Em không lấy, và tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ

Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly.
Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo
Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi

Lòng e thẹn cũng theo tờ vụn dại
Tôi bên em, chờ đợi mãi không về
Em đã xé lòng non cùng giấy mới
- Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê

Cũng may mắn, lòng anh còn trẻ quá
Máu mùa xuân chưa nở hết bông hoa;
Vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã,
Anh lại còn yêu, bông lựu, bông trà.

Nhưng giây phút dù say hoa bướm thắm
Ðã nghìn lần anh bắt được anh mơ
Ðôi mắt sợ chẳng bao giờ dám ngắm
Ðôi tay yêu không được nắm bao giờ

Anh vẫn tưởng chuyện đùa khi nhỏ tuổi
Ai có ngờ lòng vỡ đã từ bao !
Mắt không ướt, nhưng bao hàng lệ rõ
Len tỉ tê thầm trộm chảy quay vào

Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch,
Xuân đầu mùa trong sạch vẽ ban sơ
Hương mới thấm bền ghi như thiết thạch;
Sương nguyên tiêu, trời đất cũng chung mờ.

Tờ lá thắm đã lạc dòng u uất,
Ánh mai soi cũng pha nhạt màu ôị
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Anh cho em, nên anh đã mất rồi.



Đùa 
Tác giả: Anh Ngọc 
(tặng một cô gái không mấy chính chuyên)

Anh phải cảm ơn em
Thực lòng không nói dối
Chính nhờ em phản bội
Anh mới có thơ tình

Phản bội thì quá nhanh
Thơ tình còn mãi đó
Phản bội mình anh khổ
Thơ tình dành muôn người

Buồn vui sẽ qua thôi
Sướng khổ dần quên hết
Người trẻ rồi người già
Người già rồi người chết

Chỉ tình yêu không chia
Chỉ tình yêu bất diệt
Bất diệt với thơ tình
Anh phải cảm ơn em
Tưởng mất mà hoá được

Ở đời ai biết trước
Rủi may là thế nào
Ở đời ai biết được
Dại khôn ra làm sao…

 TH st.

NẾU TÌNH YÊU KHÔNG CÒN


Tác giả : Phạm Anh Xuân

Nếu một ngày tình yêu không còn
Sẽ không còn ánh lửa nhân gian
Nếu một ngày tình yêu không còn
Hoa sẽ không còn thơm.

Một ngày tình yêu không còn,
Cá dưới sông không đẻ trứng
Chim trên cành thôi tìm đôi,
Anh và em liệu có bồi hồi trong lần đầu gặp gỡ?

Một ngày tình yêu không còn nữa
Mọi loài hoa trên đời không còn nở,
Anh biết lấy gì để tặng em?
Thế giới sẽ rối bời nếu mất ngày Valentine!

Nếu một ngày thế gian không còn tình,
Anh sẽ không còn là anh,
Em cũng chẳng biết mình là ai nữa
Và con đò chiều sẽ lạc bến cố hương.
(Nguồn : eVan)

Vườn hoa Al Ain Paradise

Vườn hoa Al Ain Paradise nằm ở trung tâm thành phố Al Ain, cách thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất 160 km. Đây là nơi có nhiều chậu hoa treo nhất thế giới và là điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách bởi vẻ đẹp muôn màu của các loài hoa.


Thiên đường hoa Al Ain Paradise nằm giữa các sa mạc, được khai trương từ tháng 3/2010. Ngay từ ngày mở cửa, vườn hoa đã thu hút hàng nghìn khách du lịch tới chiêm ngưỡng đủ mọi loại hoa trên thế giới. Toàn bộ hoa ở đây được trồng trong những giỏ treo và được sắp xếp xen kẽ về màu sắc để tạo nên một khung cảnh rực rỡ, tuyệt đẹp.
Cũng trong tháng 3 năm ngoái, tổ chức Kỷ lục Guinness đã công nhận đây là vườn hoa có nhiều chậu hoa nhất thế giới với 2.426 chậu hoa. Tới nay, thiên đường này đã bổ sung thêm nhiều giỏ hoa treo nên hiện có khoảng 2.900 chậu được treo trong công viên Al Ain Paradise. Mời các bạn ngắm vườn hoa treo lớn nhất thế giới, ảnh trên trang
Around the World:



























Châu Minh st

THƠ XUÂN




      Đối với mỗi chúng ta, mùa xuân là thời khắc của sự hồi hộp, xao xuyến của những ước muốn vui tươi và hy vọng tràn đầy.
 Nhân ngày  Tình yêu Valentine xin gửi tặng các bạn bài thơ “Thơ xuân cho người đứng tuổi”.
    Chúc các bạn luôn giữ được ngọn lửa     Tình y êu trong cuộc sống  .Chúc các bạn có một ngày Valentine tuyệt vời  nhất!


    Đã lâu rồi không biết nhớ thời gian
Người đứng tuổi lừng khừng như lỗi hẹn
Tình yêu cũ đã qua, tình yêu sau chẳng đến

Cứ lơ ngơ đi giữa bác và anh

    Đã lâu rồi không nhớ cả trời xanh
Không xao xuyến vằng trăng, không thì thầm lá biếc
Người đứng tuổi chỉ lao vào công việc
Công việc tẻ nhàm làm chết cả hồn nhiên!

    Khát vọng như chìm, thiền cảm lặng thầm lên
Quả đã chín mà đất trời vô cảm
Rễ tha thiết dâng đầy lên nhựa sống
Lá sang thu thảng thốt những sắc vàng

    Ngoảnh bên nào cũng ngợp trước thời gian
Người đứng tuổi tự biết mình cô độc
Người đứng tuổi chỉ một mình gan góc
Sóng gió nào cũng trụ , biết cùng ai?

    Bỗng một ngày  trời lại rợp hoa bay
Mùa xuân đến ngọt ngào không chịu nổi

Người đứng tuổi nghe lòng xưa thức dậy…

Trong tình yêu không đứng tuổi bao giờ!

                       Ngoc Hà (st)

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

I WIll AlWAYS LOVE YOU

Whitney Houston

Whitney Houston Diva hàng đầu của làng nhạc thế giới đột tử ở tuổi 48 hôm 11/2/2012 tại Beverly Hills - California, Mỹ.
Khi nhắc tới Whitney Houston, chắc chắn I Will Always Love You sẽ là ca khúc mà nhiều người nghĩ tới đầu tiên, đơn giản bởi đây là ca khúc ghi nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp của cô. Nằm trong album nhạc phim Vệ sĩ (do Whitney đóng vai chính cùng Kevin Costner), I Will Always Love You do Dolly Parton sáng tác và thể hiện từ năm 1973.
Tuy không phải là người hát đầu tiên nhưng Whitney Houston mới là người đem tới thành công cho bản tình ca ngọt ngào này. Khó có ai có thể lột tả được cảm xúc của ca khúc này một cách da diết, mãnh liệt như Whitney. Lời tâm sự của cô gái khi phải chia tay với người mình yêu được gửi gắm qua từng giai điệu, từng lời ca đã khiến tất cả người nghe phải xúc động đến rơi lệ.
Khi Whitney qua đời, hàng triệu người hâm mộ đã mượn lời ca của ca khúc này thay lời nhắn nhủ gửi đến thần tượng - "I will always love you".


Nguồn : vnexpress
VTN st

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

VỀ HỘI LIM




Những ngày xuân, tạm lánh nơi đô hội
Anh về không gian Kinh bắc nồng nàn
Đi tìm lại những lời ca quen thuộc
Một thuở “ cây đa, bến nước, sân đình”

Một vùng đất nằm trong miền cổ tích
Thoảng khói hương giao hòa chốn tâm linh
Áo tứ thân thắm trên nền hoa cỏ
Dòng Tiêu Tương xưa quấn quít thuyền rồng

Nón quai thao chao đôi mày lá liễu
Để lòng anh thấm hiểu nỗi đa tình
“Trầu cánh phượng” giữ trong mình men lửa
Đằm thắm trải lòng liền chị, liền anh....

Anh mê mải trong không gian lễ hội
Uống làn điệu đối nhau đêm quan họ hát canh
Đôi mắt ướt , ngập ngừng như níu kéo
Xin đừng hát câu “giã bạn”, nản lòng anh...






BàngHS

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Vè sĩ Bút Tre

TT - Nói đến thơ Bút Tre, trong dân gian hầu như ai cũng biết, cũng thuộc, thậm chí có người còn làm thơ hay hơn cả Bút Tre thật. Nhưng khi ông còn sống, đã có nhiều ý kiến, bài viết phê bình về những câu thơ “quái quỉ”, “tự nhiên chủ nghĩa”của ông và cũng từ đấy bao nhiêu câu thơ buồn cười người ta đều gán cho ông - vè sĩ Bút Tre.
ĐỖ HỮU LỰC

Kỳ 1: Bút Tre là ai?
Chúng tôi về xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) - quê hương của vè sĩ Bút Tre. Hỏi thăm đường đến nhà ông Đặng Văn Đăng, người dân ở xã đều lắc đầu quầy quậy: “Ở đây không có ai tên Đặng Văn Đăng cả”. Hóa ra trên quê hương ông, ít ai biết tên thật của ông.




“Tớ chỉ là vè sĩ”
Theo anh Đặng Thành Phiến, con trai của vè sĩ Đặng Văn Đăng - tên thật của nhà thơ Bút Tre, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, gia đình anh vốn là gia đình nho học. Thân sinh của ông Đặng Văn Đăng là người hay chữ trong làng, tuy nhà nghèo nhưng ông bà cố gắng tằn tiện nuôi ông Đăng ăn học đến bậc tú tài.
Trước năm 1945, Đặng Văn Đăng làm nghề dạy học và viết báo, ông đã từng có truyện dài kỳ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, báo Đông Pháp ký bút danh Lục Y Lang. Ông rất giỏi Anh văn, Pháp văn, am hiểu triết học, chính trị, kinh tế học và văn thơ. Đặng Văn Đăng đã từng đỗ tú tài Pháp.
Ở làng quê Đồng Lương hồi ấy có anh giáo biết nói tiếng Pháp là uy tín lắm. Thêm nữa, anh còn biết viết báo thì lại càng sang trọng. Thế nhưng, theo các cụ già trong làng còn sống kể lại, anh Đăng rất xuề xòa trong cách ăn mặc, nói năng. Khi trưởng thành, Đặng Văn Đăng lấy vợ là một cô gái kém nhan sắc nhất làng.
Sau ngày giành chính quyền 19-8-1945, Đặng Văn Đăng thôi dạy học và chuyển sang làm thư ký UBND cách mạng lâm thời xã Đồng Lương. Tháng 9-1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản VN và thoát ly công tác, đi làm báo Khu giải phóng (khu 10) rồi là cán bộ ban tuyên huấn khu 10, sau đó chuyển về làm cán bộ ban tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Thọ.
Ông Trần Ngọc Liu - 85 tuổi, nguyên trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, hiện cư trú tại số 2 Láng Thượng, quận Ba Đình (Hà Nội) - cho hay thoạt đầu khi ông Đăng hay ứng khẩu thành thơ biến âm, mọi người nghe ông nói rồi cũng quên chứ không ai nhớ được, nghĩ đến ông Đăng họ buồn cười vì duyên ăn nói mà thôi. Mãi đến năm 1962, về làm trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, ông mới chính thức sáng tác những bài thơ kiểu ngồ ngộ và ký tên Bút Tre, và từ đấy thơ Bút Tre mới được nhiều người biết đến và nhân rộng.
Ông Vũ Kim Biên - người biên soạn cuốn Địa chí xã Đồng Lương, có thời gian sống khá lâu bên vè sĩ Bút Tre để cùng sưu tầm tư liệu viết cuốn sách này - cho hay bút danh Bút Tre bắt đầu được nhiều người biết đến năm 1963 với các tác phẩm Phú Thọ quê ta, Rừng cọ đồi chè.
Tuy nhiên, người ta biết nhiều về ông không phải qua những tập thơ ông được xuất bản mà qua những bài thơ ứng khẩu kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Do ông hay nói thẳng nói thật nên ngôn ngữ ông dùng ít chất tinh tế, quên cả luật thơ, thậm chí cả về ngữ pháp, tự tiện chia đôi các từ phức. Người ta mến tặng và gọi ông là nhà thơ, những lúc như vậy ông bao giờ cũng khiêm tốn: “Tôi chỉ là vè sĩ mà thôi!”.


“Nhà xuất bản miệng”
Các văn nghệ sĩ Phú Thọ hôm nay như nhà văn Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Hữu Nhàn, họa sĩ Ngô Quang Nam... đều thừa nhận Bút Tre - Đặng Văn Đăng là một trong những người đi tiên phong làm cho đời sống văn hóa văn nghệ Phú Thọ phong phú và nổi tiếng đến hôm nay.
Mới năm đầu nhậm chức trưởng Ty Văn hóa, ông Đặng Văn Đăng đã cho “tinh giản” nhiều vị trong ban lãnh đạo các đơn vị văn hóa như chiếu bóng, phát hành sách của Ty Thông tin. Theo ông Nguyễn Kính Mời, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT Phú Thọ thập niên 1980: “Ông Đăng rút lại còn rất ít cán bộ làm việc ở ty, đưa xuống hết cơ sở. Ông hô hào, động viên chúng tôi bám cơ sở mạnh vào, cứ viết thoải mái đi, phải thật gần dân mới viết được hay chứ cứ loanh quanh ở tỉnh thì làm hay sao được!”. Hầu hết các phòng ban của ty đều không có phó trưởng phòng. Ông bảo: “Cứ lấy công việc là trên hết, cứ gì phải là ông nọ bà kia mới làm nên chuyện!”.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, thường trực Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, kể: “Các ấn phẩm của Ty Văn hóa hồi ấy như trăm hoa đua nở, các văn nghệ sĩ Phú Thọ, các cộng tác viên thỏa sức vung bút”. Anh em vung bút, trưởng ty cũng không kém, chỉ ba năm đầu sau khi nhậm chức ông Đặng Văn Đăng cho ra ba tập thơ Phú Thọ lớn lên, Rừng cọ đồi chè, Sông Lô, sông Chảy ký tên Bút Tre, đấy là chưa kể ông còn đi “xuất bản miệng” bao nhiêu lần những bài thơ ứng khẩu.
Ông Nguyễn Kính Mời cho biết chính vì viết lách thoải mái như vậy nên các cộng tác viên khắp hai tỉnh trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ lúc bấy giờ đua nhau viết cho tờ Văn Nghệ Phú Thọ. Ông Đăng đưa ra tiêu chí “hay thì dùng” nên sự cạnh tranh giữa các tác giả, tác phẩm rất quyết liệt, các cộng tác viên như nhà thơ Vũ Đình Minh, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi... lúc ấy làm giáo viên dạy học ở Vĩnh Phúc đã là cộng tác viên “ruột” cho tờ báo này. Tờ báo rất có uy tín vì ngoài việc biểu dương người tốt việc tốt, đăng những bài thơ, truyện ngắn, kịch... còn hăng say đả phá tiêu cực, chính vì điều này mà ông Đăng không được một số lãnh đạo tỉnh thiện cảm.
Họa sĩ Ngô Quang Nam kể rằng ngày ấy có lần Đoàn ca múa nhạc Phú Thọ cần một cây đàn piano để biểu diễn. Trưởng ty Bút Tre làm công văn đề nghị UBND tỉnh cấp ngân sách mua đàn. Dạo ấy, tỉnh đang có phong trào đưa cây sắn lên đồi để phủ xanh đồi núi trọc, vị lãnh đạo tỉnh phụ trách văn xã lúc ấy xem công văn, có nói với ông Đăng: “Các anh vẽ chuyện, đất Phú Thọ này chỉ có sắn, cần tập trung vào sắn!”.
Bẵng đi một thời gian sau, chuyện đề nghị mua đàn cũng đi vào lãng quên. Bỗng một hôm, có vị lãnh đạo trung ương lên thăm Phú Thọ, Văn phòng Tỉnh ủy yêu cầu Ty Văn hóa phải mang đàn piano sang nhà khách để phục vụ. Nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy cầm công văn sang đưa cho ông Đăng, vè sĩ cười rồi bảo anh nhân viên cầm công văn về vì Ty Văn hóa “chỉ có sắn chứ không có piano”! Anh nhân viên nghiêm sắc mặt nói rằng đây là yêu cầu của Tỉnh ủy chứ không phải chuyện đùa. Vè sĩ cũng nghiêm sắc mặt nói lại: “Tôi cũng không đùa, anh về nói lại với các anh lãnh đạo bên ấy rằng “văn hóa chỉ có sắn thôi”!
Họa sĩ Ngô Quang Nam kể có lần nhà báo Phan Lự (Phú Thọ), lúc ấy là bí thư chi đoàn thanh niên lao động của Ty Thông tin, đến gặp trưởng ty Bút Tre - Đặng Văn Đăng báo cáo công tác Đoàn. Trong khi anh báo cáo thì thấy trưởng ty cứ cắm cúi viết trên bàn. Thấy ông Đăng có vẻ bận rộn, Phan Lự xin phép rút lui thì thấy ông Đăng bảo: “Cậu đọc Tam Quốc chưa?”. “Dạ, Tam Quốc thì có liên quan gì đến công việc của em?”. “Cậu không thấy trong đó có nhân vật Phượng Sồ à, ông ta miệng xử kiện, tai nghe trình bày, tay phê đơn, mắt đọc sách, làm bốn việc một lúc, tớ lại không làm nổi hai việc một lúc sao. Để tớ nói lại cho cậu những điều mới nghe cậu báo cáo nhé!”. Ông Đăng nói vanh vách một hồi những điều Phan Lự vừa trình bày, làm Phan Lự phục lăn.


Di chúc của Bút Tre


Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng
Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngàng
Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng
Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng
Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng
Họ hàng thân thuộc chút khăn tang
Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng
Trầm mặc, cử hành đám lễ tang

ThuNV st

Kỳ 2


Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

TIN BUỒN

Ông Trần Thịnh Thái, cụ thân sinh bạn Trần Tất Thắng (lớp 9I-10H) đã mất ngày 6 tháng 2 năm 2012.
Tang lễ cử hành từ 8 giờ đến 9 giờ 30 ngày 8 tháng 2 năm 2012 tại Nhà Tang lễ Quân đội (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Tập thể các bạn cùng khóa xin chia buồn cùng bạn Thắng và gia đình.



Bloggers

Su si món ngon và bổ lại dễ làm




Sushi, món cơm cuộn của người Nhật được trình bày rất sáng tạo. Từ một công thức cuộn cơm sushi được chế ra nhiều kiểu dáng món ăn đẹp mắt, cách làm cũng không khó.


Để cuộn sushi, chỉ cần mua nguyên liệu tại các cửa hàng Nhật hoặc siêu thị gồm: khuôn, thanh tre để cuộn, gừng chua, nước tương Nhật, mù tạt xanh (wasabi), lá rong biển (nori), bột gia vị (tùy thích), trứng cá hồi, thanh cua (kani), rau mầm, trái bơ, dưa leo, cà rốt v.v... Nếu muốn ngon không kém nhà hàng Nhật, nên mua gạo nhật là loại cho hạt cơm rất dẻo. Nếu không, có thể dùng gạo Việt Nam, chọn loại thật dẻo, mềm.













Cơm nấu chín, trộn giấm và đường vào cơm sao cho vị chua trội hơn vị ngọt một chút. Trải miếng rong biển lên thanh cuộn, dàn đều một lớp cơm mỏng lên miếng rong biển (chừa lại một ít ở một đầu để dán).Có nhiều cách làm nhân. Ví dụ, nhân làm từ trứng chiên, xúc xích, dưa leo, cà rốt xắt thành sợi dài; nhân cá ngừ ngâm dầu hoặc xốt sa tế, trộn thêm chút xốt trứng gà rồi cuộn với rong biển và cơm; nhân làm từ thanh cua kani (làm nóng trên chảo không dính). Với loại sushi có nhân làm từ trứng cá hồi đen và đỏ (có bán tại các siêu thị), ban đầu cũng dàn cơm sau đó trét một lớp trứng cá hồi trộn xốt trứng gà lên cơm, cuộn lại, cắt làm sáu. Cũng có thể sáng tạo hơn bằng cách cuộn cơm xong cắt làm sáu, xếp ra dĩa rồi mới nặn hoa làm bằng xốt trứng gà ở giữa, xung quanh trét trứng cá hồi.



Phức tạp hơn là làm nhân từ các món chiên giòn như: tôm, măng tây, nấm kim châm tẩm bột chiên cuộn với vài lát bơ cắt mỏng. Sau khi đặt nhân, cuộn chặt sushi lại. Cuộn sushi dễ hơn cuốn bì, cuốn gỏi, vì không cần gói hai đầu, chỉ cần lăn tròn, sao cho cuộn cơm chắc tay là xong.



Trên đây là cách cuộn xuôi, tức là rong biển nằm ngoài như bánh tráng, còn cuộn ngược, tức rong biển nằm trong còn cơm bao bên ngoài. Khi cuộn kiểu này cần lót một miếng ni lông vào thanh tre. Đặt lá rong biển, dàn cơm đều, trải mè hoặc trứng cá hồi lên cơm, sau đó lật ngược lại rồi cuộn. Nếu muốn thay đổi hình thức khác cho đẹp mắt, có thể thay bằng hình nón (Temaki sushi). Cũng dùng lá rong biển để gói các loại hải sản và rau (có thể là rau mầm, dưa leo… tùy thích). Cách gói này cuộn rong biển giống như làm bánh ít, nhưng chỉ có một lớp.



Đơn giản nhất là món cơm nặn trong khuôn (orinigi). Khuôn có rất nhiều hình dạng: hình hoa, hình sao, hình chữ nhật, hình tròn. Từ khuôn này người ta có thể “vẽ” mặt cười, mặt mếu hoặc mặt mèo… bằng rong biển, cà rốt. Khi ăn chỉ cần pha nước chấm bằng xì dầu, cho thêm wasabi và gừng là xong. Nếu cuốn sushi với nhiều loại nhân thì sau mỗi cuốn dùng một miếng gừng chua. Gừng có nhiệm vụ “đánh đuổi” vị cũ để người ăn hưởng trọn vẹn vị của cuốn sushi mới.



Theo Trúc Đan
PNCN



TH st.