Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Nghĩ về một số "phản trường ca" (trích)

Đỗ Ngọc Thủy, một người bạn đồng khóa chúng ta, hiện đang định cư tại Canada, đang là một nhà thơ (bút danh Đỗ Quyên) được nhiều người biết đến . Bloggers xin giới thiệu một bài viết về các tác phẩm của "hắn"
Diêu Lan Phương
Đỗ Quyên là nhà thơ Việt viết nhiều trường ca nhất ở hải ngoại, và như Nguyễn Đức Tùng viết: “Xét riêng về thời gian, anh là một trong vài ba người làm mới sớm nhất trong những kẻ cách tân thơ Việt Nam ở hải ngoại”#. Trong các bản trường ca, anh bày tỏ nỗi trăn trở của một con người trong thế giới hiện đại, cô độc và đứng trước nhiều giá trị đang lung lay. Anh đặc biệt đặt thân phận mình trong sự chiêm nghiệm về thời gian, thời gian như một ám ảnh đối với thơ ca và con người. Trường ca Thơ thời gian của anh gồm 6 chương: chương mở, bốn chương chính và chương khép. Trong bốn chương chính, chương 1 – Thơ là gì gồm các phần: Thơ là gì?, Nhà thơ là ai; Người làm thơ về thơ; Tại sao thơ; ba lớp tường văn đàn Việt đương đại; Về Mở miệng. Chương 2 – Thời gian gồm: Tam thập nhi lập; Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Chương 3 và chương 4 đều là Thơ của thời gian (thời gian trong tương lai). Nhìn qua các đề mục, chúng ta thấy trường ca này đề cập chủ yếu đến mối quan hệ giữa thi ca và thời gian - Một vấn đề dường như rất nghiêm túc và cổ điển. Tuy nhiên, đối lập với những nhan đề, những câu trong trường ca nhiều khi mang tính giễu nhại, ví dụ phần Thơ là gì:Sinh một định nghĩa thơ/ giao hợp Tàu ta Tây tân cổ/ Trình làng/ cái của tôi/ đệ nhất thơ/ Là trường ca đây.
Ngôn ngữ Đỗ Quyên sử dụng là dạng ngôn ngữ thời @, đầy tính lai ghép, suồng sã, ví dụ: Ngủ nhắm một mắt chưa tài bằng ngủ lá phổi on lá phổi off/ Dạng cảm quan mĩ học ra cho vừa size thời đại…; ngôn ngữ đầy tính đối lập, như: Trời cho anh còn thơ/ Không còn là của đình/ Không còn là của chùa? Không còn là của cống/ không còn là của rãnh. Xuyên suốt thơ thời gian là biện pháp lặp; chẳng hạn như đoạn “Trời cho anh còn thơ/ Không còn là…”. Nhưng sự lặp lại không phải để nâng lên hay để làm rõ hơn một ý tứ nào đó như trước đây, mà là dường như để liệt kê những ý nghĩ, ý tưởng tuôn chảy; những ý nghĩ đôi khi chẳng đâu vào đâu, đôi khi vô cùng vớ vẩn, không thể xâu chuỗi, liên kết; đôi khi là sự tách từ, lắp ghép (Trời cho anh còn thơ/ không còn là của quốc/ không còn là của gia/ không còn là của xóm/ không còn là của làng…). Trường ca đã không còn khoảng cách cao xa với cuộc sống, thậm chí nó còn đậm mùi vị của cuộc sống, còn mang tính thời sự, cập nhật, tính ghi chép. So với Thơ thời gian thì Buồn muộn cùng thế kỉ là tác phẩm dễ đọc hơn, dễ cảm hơn. Và vì nó gần gũi với quan niệm thẩm mỹ của chúng tôi hơn nên có vẻ những ý tưởng nhân sinh mà tác giả gửi gắm dễ tìm được sự đồng cảm. Bản trường ca gồm 4 chương: Anh; Em; Con và Ta. Những đại từ đều liên quan đến điểm nhìn của từng phân đoạn. Từ các điểm nhìn ấy mà trải lòng, bộc lộ những suy tư về cuộc sống. Mà cuộc sống trong trường ca Đỗ Quyên đó là mọi vấn đề, là đời sống thường nhật, có lúc vô vị, có lúc ý nghĩa, có lúc chán nản, có lúc thăng hoa, có lúc bình yên, có lúc bão tố, có lúc nhỏ nhặt, có lúc lớn lao, và với đời thường thì những cái tầm thường thường chiếm chỗ nhiều hơn. Chung qui, anh nhìn thấy đời sống là những chảy trôi, mang nhiều tính vô định, chịu sự ăn mòn của thời gian khốc liệt; trong đó Em và Anh… tất cả đều mang vác sự cô đơn trong thế giới vô định của mình, trong dòng chảy thời gian ăn mòn cuộc sống. Cách viết của Buồn muộn cùng thế kỉ như một sự giãi bày, như một người thâm trầm đang chậm rãi kể lại câu chuyện của mình, một cách cặn kẽ và nhiều cảm nhận, nhiều lắp ghép như bản chất của hiện thực: Chỗ rách ở đầu gối cái quần jean/ Mặt hồ nổi những chiếc thuyền nhỏ/ Có hai người nằm nhìn trời qua rặng cây khé cất tiếng/ Câu đồng dao vòng quanh thành một vành đai (Các câu thơ ở đây đều là những mảnh ghép, ít có mối liên hệ với nhau). Cách viết của Đỗ Quyên, vì thế, mang đậm tâm thức của thời hiện tại và dấu ấn hậu hiện đại nằm trong chính tính chất của đời sống mà anh cảm nhận: mênh mang, vô định, những vòng xoáy sâu hút chênh vênh, khó tìm được ý nghĩa đích thực của thân phận làm người, khó tin tưởng được ở giá trị của tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn… Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy, Đỗ Quyên đã thành công trong cách tìm tòi của riêng mình.
*
=====
Nhấn vào đây để xem toàn bộ bài theo đường dẫn:

http://vannghequandoi.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=6345:ngh-v-mt-s-qphn-trng-caq&catid=10:-tieu-m-vn-ngh&Itemid=20

1 nhận xét:

  1. Mình đã được đọc nhiều bài thơ và trường ca của bạn Thủy (Đỗ Quyên) trên các báo, mình thấy rất hay và mới lạ. Mong bạn sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng!

    Trả lờiXóa