Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

EM Ở NƠI ĐÂU?

Hôm rồi, chúng tôi đi đến và viếng thăm Ngã Ba Đồng Lộc.
Chúng tôi xem bộ phim giới thiệu về ngã ba lịch sử với biết bao người, trong đó có 10 nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống. Khi phim kết thúc, nhiều người dụi đôi mắt hoe đỏ. Hướng dẫn viên yêu cầu mọi người cùng nhau hát baì “Cô gái mở đường “. Mọi người hát say sưa. Điều lạ là trong các em nhỏ cùng đi hôm đó, có nhiều em cũng thuộc bài này.
Bài hát ca ngợi những nữ TNXP với niềm lạc quan vô bờ, dám dấn thân vào cuộc chiến tranh ác liệt, không quản khó khăn gian khổ, thậm chí cả tính mạng mình. Bài hát thực sự trong trẻo. Họ sống rất lạc quan. Chính vì lẽ đó, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đất nước mới có được một chiến thắng hào hùng.
Về những bài hát ca ngợi người nữ TNXP , có nhiều bài đã đi vào ký ức mỗi người chúng ta.  Đó là "Vui mở đường" (Đỗ Nhuận-1966), "Cô gái mở đường" (Xuân Giao 1966 ), "Chào em cô gái Lam Hồng"(Ánh Dương-1969), ... Nhưng không hiểu sao, bài ca về những TNXP lại để lại trong tôi nhiều ấn tượng lại là bài “Em ở nơi đâu” của nhạc sĩ Phan Nhân  sáng tác năm 1974. Bài hát đã được nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có Kiều Hưng và sau này là Trung Đức.

Về những người nữ TNXP, Phạm Tiến Duật đã viết:


 Đại đội thanh niên hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

(Gửi em cô TNXP)

Cũng là bài hát nói về những nữ TNXP trong cuộc chiến ác liệt nhưng nó lại quá da diết. Cuộc sống nào cũng có những phút đời thường. Tuổi xuân của họ dành phần lớn vào những thời khắc đầy hiểm nguy. Có chăng những giờ yên tĩnh trong ngày, họ ngồi chải mái tóc xuân mà rơi bao sợi tóc. Bệnh tật, nước da tái sạm nhưng khi cần, họ vẫn lao vào cuộc một cách vô tư.

Đầu tiên, bài hát mang tâm tư người lính với bao câu hỏi để người tự trả lời: Anh đi tìm em, em ở nơi đâu? Phải qua bao núi? qua bao nhịp cầu? Phải qua bao suối? qua bao dòng sông sâu? Những câu hỏi trên nền nhạc xoắn quyện vào nhau nửa như giãi bày. Câu hỏi trong giao tiếp, ở âm cuối thường lên cao hơn. Nhịp điệu này trong bài hát càng khắc họa rõ điều đó. Nó làm ta suy nghĩ, khắc khoải. Tác giả chơi vơi trong không gian rộng lớn để tìm hình ảnh người con gái không tiếc  tuổi xuân vẫn đang dãi dầu mưa nắng. Giữa mưa bom bão đạn đêm ngày cày xới, cuộc sống cận kề cái chết là những người con gái hiền thục, vô tư xử lý bom mìn, làm cọc tiêu cho những đoàn xe qua. Trên hết, gieo vào trong lòng người lính là những tiếng hát trong trẻo của những nữ TNXP làm xanh lại những khô cằn của cuộc chiến. Những cảm nhận ấy đã thấm vào lòng người lính lái xe tình cảm sâu nặng. Giai điệu bài hát không cao vút mà như thủ thỉ tâm tình. Bên cuộc sống hào hùng là những đòi hỏi khắc nghiệt. Những người lính lái xe thường tâm sự: họ được ca ngợi nhiều do phải lái xe qua nhiều trọng điểm, nơi đó đạn bom ác liệt. Nhưng thoát khỏi trọng điểm, phút hiểm nguy qua đi, thì ở lại phía sau họ vẫn là những nữ thanh niên xung phong đêm ngày bên trọng điểm. Sự cảm thông ấy kết tinh ở câu “Chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát mà đem lòng yêu thương”.
 Dẫu ở đâu, người lính vẫn luôn đi tìm người con gái của ngày hôm qua ấy  “ngỡ em ở đâu đây“ dù cho con đường Trường Sơn đã trở thành “con đường năm xưa” và rồi “Đường vô nghe tiếng hát trên lưng đèo mây, mà đường ra nghe tiếng hát trên công trường đang xây “.
Được sáng tác năm 1974, lúc đó cuộc chiến tranh đã trải qua một thời gian dài, bài hát như lắng lại ở trong lòng hơn. Sự hy sinh của những nữ TNXP thật lớn lao trong những công việc làm đường, tải thương, lấp hố bom, vận chuyển vũ khí.... Họ thực sự là những người lính. “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ” (Võ Nguyên Giáp). Thế mà những người TNXP toàn tâm toàn ý cho đất nước bây giờ vẫn gặp bao khó khăn1. Họ đã ra đi, tươi vui, tràn đầy sức sống, chịu những thiệt thòi để đất nước và bao thế hệ sau sống. Họ không đòi hỏi gì, chỉ có chúng ta phải có trách nhiệm với những người đi trước. Xin trích một đoạn thơ của nhà thơ Vương Trọng đã chia xẻ cùng những người nữ TNXP đã ngã xuống:

“ - Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”

(Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc) 


Cô gái mở đường





Em ở nơi đâu?


BàngHS 
= = = =
(1) Trong nửa triệu TNXP chống Pháp và chống Mỹ hiện còn 52000 trường hợp chưa được hưởng bảo hiểm y tế, 7000 trường hợp chưa được công nhận là thương binh và 680 người chưa được công nhận liệt sĩ cùng 11000 người là con cháu họ nhiễm chất độc hóa học vẫn chưa được hưởng chế độ. (Chương trình thời sự VTV1 ngày 6/3/2014)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét