Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

THUÊ CHỒNG Ở NAM BỘ

Dù đã có Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng ở nhiều nơi, luật đó xem ra vô tác dụng. Dưới đây là câu chuyện vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà mới nghe qua khó ai có thể tin nổi, đó là chuyện cho thuê chồng với giá 1 triệu đồng/ngày.

Vợ chồng... “thằng Đậu”
Ở miền Tây Nam bộ, tiếng lóng “vợ chồng thằng Đậu” dùng để chỉ những cặp vợ chồng lười biếng, vụng về, ăn xài thì giỏi nhưng làm lụng thì dở, thường là gánh nặng cho gia đình, cha mẹ hai bên.
Mới đây, ở xã Mỹ Phong – thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang cũng có một cặp vợ chồng “đúng chuẩn” như “vợ chồng thằng Đậu”. Mỹ Phong là một xã ngoại thành thuộc thành phố Mỹ Tho, đây là vùng đất màu mỡ nằm bên bờ sông Tiền quanh năm nước ngọt, trĩu nặng phù sa. Cư dân ở xã này có tiếng là chí thú làm ăn, bởi nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa tết và nghề sản xuất sợi hủ tíu, bún, bánh từ bột gạo.
Hàng năm cứ đến những tháng giáp tết, cả làng Mỹ Phong trở nên rực rỡ với những cánh đồng trồng hoa kiểng đủ các loại, để rồi sau đó hoa kiểng từ đây theo xe, tàu đi đếm mọi miền đất nước mang mùa xuân đến cho mọi nhà. Nằm giữa vùng “gạo trắng nước trong”, người dân Mỹ Phong không dừng lại ở sản xuất ra hạt gạo ngon, mà qua bàn tay cần mẫn của họ, lúa gạo trở thành những loại bánh, những hàng hóa có giá trị gia tăng, giúp người dân càng thêm khấm khá.
Sống ở Mỹ Phong, người ta không sợ thiếu việc làm, không sợ nghèo, mà chỉ sợ không đủ thời gian trồng hoa, làm bánh giao cho khách hàng, chỉ tiếc khi phải lấy đất sản xuất để cất nhà, vì đất ở đây đúng là “tấc đất tấc vàng”.
Phần lớn người nông dân Mỹ Phong là vậy, thế nhưng vợ chồng Tám T. là một ngoại lệ. Ông bà thường hay nói, “nồi nào úp vung nấy”, trường hợp này quá đúng với vợ chồng Tám T. Hồi còn thanh niên trai tráng, Tám T. không chấp nhận cảnh quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối trên ruộng rẫy. Lưng dài, vai rộng, lại thêm cái mã ngoài trắng trẻo điển trai, Tám T. tối ngày rong chơi ca hát, đàn đúm nhậu nhẹt chơi bời cùng chúng bạn và…cua gái.
Vợ Tám T. cũng là thôn nữ nhưng tẩy chay nghề nông, lúc nào cũng chưng diện son phấn mịt trời, quần là áo lượt bóng dợn, chuyện ở ngoài thành phố Mỹ Tho biết nhiều hơn chuyện trong xóm. “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” gặp nhau vào một ngày đẹp trời cách nay hơn chục năm và một đám cưới tưng bừng được tổ chức. Chỉ hai năm sau, của hồi môn đội nón ra đi hết, đất đai của hai bên nội ngoại cho hai vợ chồng cũng lần lượt về tay người khác theo đà ăn như tằm ăn rổi của mấy đứa con nối nhau ra đời.
Vợ chồng Tám T. lâm cảnh khốn khó, suốt ngày cắn đắng nhau chuyện cơm gạo, tiền nong, nhưng không ai chịu động móng tay móng chân làm nghề gì để kiếm sống, hết tiền, hết gạo thì vợ chồng con cái dắt díu nhau chạy về nội ngoại hai bên tá túc cho qua cơn nguy cấp. Bà con thân tộc ai thương tình trợ cấp cho được đồng nào thì hai vợ chồng lại thi nhau cà phê sữa, thuốc lá thơm, cơm sườn…như một gia đình quý tộc.
Riết rồi cả hai bên họ tộc nhà nào cũng sợ vợ chồng con cái Tám T. đến thăm. Cuộc sống của vợ chồng Tám T. sẽ cứ mãi “nghèo mà sung sướng”, dù thiếu trước hụt sau nhưng không thèm làm động móng tay, con cái của họ lớn lên cũng chịu cảnh nghèo và học theo cha mẹ cái gương…”làm biếng”, nếu như không có một chuyền tình cờ, hi hữu xảy ra làm thay đổi cuộc sống của họ, làm xôn xao bà con làng xóm ở Mỹ Phong.

Cho thuê…chồng

Giữa lúc cuộc sống đang thiếu trước hụt sau, các con không tiền đóng học phí mà cha mẹ hai bên thì không ngớt miệng rầy la mỗi khi thấy vợ chồng Tám T. đến “thăm”, thì đột ngột “quới nhơn” xuất hiện làm thay đổi cuộc đời của “vợ chồng thằng Đậu”. Trong một lần được các chiến hữu khi xưa rủ đi uống cà phê tán dóc ngoài thành phố Mỹ Tho, tình cờ Tám T. lọt vào mắt xanh của một phụ nữ đã cứng tuổi, nhưng vẻ ngoài cực kỳ sang trọng. Bữa đó, Tám T. đang ngồi tán dóc với bạn bè trong quán cà phê nhưng bụng dạ rối bời vì chẳng còn một xu dính túi thì bất chợt nghe mùi nước hoa đắt tiền thơm nực nồng ngay sát bên cạnh.
Liền đó một giọng oanh vàng thỏ thẻ cất lên: “Anh gì ơi, làm ơn cho em hỏi thăm, phải anh là con bác S. ở phường 3 không ? Em thấy anh quen lắm”. Tám T. vội vàng ngước lên nhìn, thấy trước mắt là một phụ nữ lạ hoắc, gương mặt chẳng có nét gì đáng chú ý, chỉ được cái trên người toàn đồ hiệu đắt tiền.
Nhưng Tám T. vẫn nhã nhặn trả lời: “Xin lỗi, chắc cô nhìn lầm người”. Chẳng dè, người phụ nữ sang trọng mở lời: “Em thấy anh quen lắm, giống hệt một người bạn thân từ nhỏ của em, vậy anh và các bạn cho em ngồi đây nói chuyện với anh chút xíu được không?”. Dĩ nhiên Tám T. và đám bạn không đời nào từ chối.

Những câu chuyện Nam Tào Bắc Đẩu vu vơ kéo dài hết buổi sáng, người phụ nữ trước khi chia tay ra về còn giành thanh toán toàn bộ tiền cà phê của cả hội và mời riêng Tám T. hôm sau đến tại quán này cùng uống cà phê. Khi người phụ nữ sang trọng bước ra khỏi quán, qua các nhân viên phục vụ bàn của tiệm cà phê, Tám T. mới biết “cô nàng sang trọng, cứng tuổi” kia tên B., là giáo viên dạy ngoại ngữ của một trường trung học nổi tiếng ở Mỹ Tho nhưng nay đã nghỉ dạy ra mở lò luyện ngoại ngữ, sống độc thân, rất giàu có, model.
Được đám chiến hữu lên dây cót tinh thần, máu chinh phục đàn bà của Tám T. nóng lại nên nhanh chóng quyết định: mai tiếp tục ra đây uống cà phê mặc cho vợ con nheo nhóc, nhà thiếu trước hụt sau. Sau nhiều lần cùng nhau uống cà phê, Tám T. nhận ra rằng không phải mình đi chinh phục mà đang bị cô giáo ngoại ngữ chinh phục, bởi cô B. thẳng thừng thừa nhận, ngay lúc nhìn thấy Tám T. cô đã bị hớp hồn nên đến làm quen chứ chẳng biết ai là con bác S. ở phường 3. Vài ngày sau, cô B. nói thẳng cho Tám T. biết, cô lớn hơn Tám T. 3 tuổi và muốn chung sống với T., bất chấp chuyện anh này đã có vợ con.
Điều kiện đưa ra hết sức đơn giản: mỗi tuần Tám T. về nhà cô B. làm chồng 3 ngày, được toàn quyền sử dụng xe cộ đắt tiền và các vật dụng trong nhà như một “chủ nhân ông” thực sự. Đổi lại, cô B. sẽ lo lắng cho Tám T. chu toàn và trả tiền “công làm chồng” mỗi ngày một triệu đồng. Cô B. yêu cầu Tám T. về bàn bạc với vợ con để thống nhất “hợp đồng thuê chồng”, nếu đồng ý thì thực hiện ngay lập tức.
Tám T. đem chuyện cô B. về hỏi ý vợ, chẳng ngờ bà vợ nghe vậy không thèm nổi cơm tàm bành như bao phụ nữ khác mà cười tươi rói, gật đầu đồng ý cái rụp, lại còn ra điều kiện: tiền công làm chồng phải đem hết về đưa cho vợ, trách nhiệm lo cho Tám T. từ nay thuộc về cô B.
Vậy là chỉ sau một đêm, Tám T. từ anh nhà quê thất nghiệp, không đồng xu dính túi trở thành “giáo sư ngoại ngữ”, ba ngày trong một tuần mang giày da láng bóng, áo bỏ trong quần bảnh bao, đi xe gắn máy đời mới bóng lộn cặp kè bên bà “giáo sư ngoại ngữ” lớn hơn mình 3 tuổi. Những ngày không làm chồng thì Tám T. về nhà vợ lớn nằm khểnh hoặc lăn lóc với đám chiến hữu bên bàn cà phê, sóng nhậu. Nếu cô B. có nhu cầu tăng thêm thời gian “thuê chồng” đột xuất, vợ Tám T. sẳn sàng chấp nhận, nhưng những ngày như vậy thì…tiền công tăng gấp đôi theo kiểu “làm ngoài giờ”.
Chuyện Tám T. làm nghề “chồng thuê” xứ Mỹ Phong ai cũng dị nghị. Cười Tám T. một nhưng họ cười người vợ của anh “chồng thuê” tới mười. Mấy bà già trầu ở làng Mỹ Phong nói, xưa nay chưa thấy người đàn bà nào như vợ Tám T. Nhưng ai nói gì mặc họ, vợ Tám T. luôn tự hào là nhờ cho thuê chồng mà gia cảnh ngày càng khấm khá, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi để ăn xài, chưng diện.
Còn Tám T. nhờ làm chồng thuê cho cô B. nên nghiễm nhiên được nhiều người tâng bốc gọi là “giáo sư ngoại ngữ” và xem ra anh chàng rất khoái nghe mọi người gọi mình như vậy.
Chỉ có mấy bậc bô lão ở Mỹ Phong và đám chiến hữu từng cùng Tám T. uống rượu đế với cóc ổi trong góc vườn tạp ngày xưa mỗi lần nghe người ta hỏi thăm nhà ông Tám T. “giáo sư ngoại ngữ” ở Mỹ Tho thì cười ngất, nói: “Giáo sư ngoại ngữ gì cái thằng đó, tiếng Việt viết còn như cua bò, tiếng Tây tiếng u không biết được chữ nào, chỉ giỏi được mỗi chuyện…làm giống”. Mặc ai nói gì thì nói, vợ chồng Tám T. cứ điềm nhiên sống cuộc sống khá giả nhờ cho thuê chồng.
Mỗi tuần cho thuê 3 ngày, mỗi ngày 1 triệu tiền công, vị chi mỗi tháng vợ Tám T. được chồng đem tiền “cho thuê…giống” về nộp 12 – 13 triệu đồng, những tháng có “tăng ca” còn nhiều hơn. Đó là thu nhập “như mơ” đối với một gia đình nông dân ở ngoại thành thành phố Mỹ Tho. Mấy bà sồn sồn ở cùng xóm có lần hỏi cắc cớ vợ Tám T.: “Mày cho thuê…giống như vậy, nó “đóng thuế” ở ngoài hết trơn, đến khi về nhà với mày nó có “trả bài” nổi hôn?”.
Vợ Tám T. cũng không vừa, đã trả lời: “Tui giao thằng chả “làm trai hai vợ phải thương cho đồng”, đằng này tui là vợ lớn, lại trẻ đẹp hơn, thì thằng chả phải “đóng thuế” cho tui nhiều hơn”. Không biết chuyện “đóng thuế” nhiều ít thế nào, mà có lần sáng ngồi uống cà phê với bạn bè, người ta nhìn thấy Tám T. ngáp vắn ngáp dài, có con ruồi đậu trên mép mà anh ta không buồn đuổi. Một người biết chuyện, tỏ ra thông cảm với Tám T. nên nói: “Thiệt cũng khổ cái kiếp đàn ông, thôi thì sướng cái này thì cực cái kia, không chịu làm lụng chân chính để sống thì phải chịu “cày” chuyện khác để trả nợ đời”.


ĐHĐ st

4 nhận xét:

  1. Cơm và phở mà được như vầy thì nhất anh Tám T ….
    Bái phục ...! ! !

    TKMa

    Trả lờiXóa
  2. Dich vu neu co chac dat Hang lam day
    chung toi Ho Doc Than doc xg thay choang qua ...
    minhthuan

    Trả lờiXóa
  3. Minh thuan ơi cho tham gia hội độc thân với . Sale 50%

    Trả lờiXóa
  4. Kìa, mấy " anh giai " lên tiếng mạnh lên đi chư...ứ !
    ( Trần Bách Thảo )

    Trả lờiXóa