Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Sức khỏe và Đời sống


Khoa học ủng hộ “khóc đi em, khóc nữa đi em”



.......Ai cũng biết trong nước mắt có chứa lysozyme, một enzymes cũng được thấy trong nước miếng và trứng gà. Nhưng gần đây, theo phân tích của các nhà nghiên cứu y khoa, nước mắt có vài enzymes khác và nhiều thành phần hóa học nữa. Trong các enzymes, nước mắt có chứa peroxidase và amylase, những enzymes trợ giúp bộ phận tiêu hóa của cơ thể. Trong các proteins, nước mắt có immunoglobin A, lactoferrin, và albumin. Nước cũng có chứa những khoáng sản như calcium và magnesium. Quan trọng hơn là hormones; nước mắt có khá nhiều: IL-1 alpha (khoảng 11 pg/ml), IL-1 beta (13 pg/ml), IL-6 (226 pg/ml), IL-8 (731 pg/ml). Nhưng điều lý thú là thành chất hóa chất trong “trần lệ” khác với thành chất hóa chất trong “cảm lệ”. Trong cảm lệ, tức nước mắt khóc vì cảm động, có số lượng proteins cao hơn “trần lệ” (nước mắt do bụi bặm làm ngứa mắt gây ra) tới 24%. Nhưng trong trần lệ thì không thấy có hormones IL-1 beta, mà có rất ít các hormones khác như IL-1 alpha (9.3 pg/ml), IL-6 (12 pg/ml) và IL-8 (276 pg/ml.)

Những hóa chất này có ảnh hưởng gì đếm tâm sinh lí? Lysozyme là một loại “dao” (enzyme) có khả năng phá vỡ bức tường tế bào và tiêu diệt vi khuẩn. Còn Lactoferrin thì có nhiệm vụ ngăn ngừa không cho vi khuẩn tăng trưởng và phòng chống nhiễm trùng. Albumin, một protein thông dụng và có nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có chức năng kiểm soát điều tiết nước, chuyên chở các chất bổ vào tế bào và chở các chất thảy ra khỏi tế bào. Phần đông các hormones interleukin (tức IL) có chức năng chính trong việc phòng chống viêm. Nhưng gần đây, một nhóm nghiên cứu y khoa ở trường Penn State đã phân tích lại khoảng 10 hormones thuộc nhóm IL và họ kết luận rằng những hormones này cũng là những “markers” cho sự xúc động căng thẳng và mầm mống của nhiều bệnh tật khác.

Nếu giả thuyết trên đây đúng thì nói một cách khác, trong khi khóc, cơ thể con người tự đào thải những hóa chất phiền muộn! Mà thực vậy, theo các nhà tâm lí học, về mặt tâm lí, sau khi khóc, người ta cảm thấy thoải mái hơn và có năng lực hơn để đối phó với những căng thẳng đã làm cho người ta khóc. Về hiệu quả sinh lí, khóc làm giảm nhịp tim, giảm mức độ tiêu hao oxygen, và giảm sự căng thẳng của cơ bắp. Thành ra, khóc có hiệu quả hết sức thiết thực là đem lại sự bình thường hóa của tâm sinh lí. Trong thực tế, ngày xưa trong y học cổ truyền, nước mắt được coi là một loại thuốc gây mê dân dã. Có lẽ nhận ra giá trị trị liệu này, nên trong những năm đầu thế kỷ này và ngay cả ngày nay, giới y tá thường khuyến khích bệnh nhân khóc mỗi khi đương đầu với những căn bệnh ngặt nghèo hay cần giải phẩu.

Nước mắt còn có thể là liều thuốc chữa những vết thương ngoại nữa. Hơn 50 năm về trước, có người đã chứng minh sự liên quan giữa số lần khóc và tốc độ phục hồi cơn bệnh; người hay khóc có thời gian lành bệnh thường nhanh hơn người không hay khóc. Hiệu quả này cũng được ghi nhận trong các chú chuột. Trong một thí nghiệm được công bố trên một tạp san nghiên cứu về sinh học thần kinh, một nhóm nghiên cứu bên Úc đã phát hiện ra nước mắt còn là một phương thuốc chữa những vết thương.
Họ cắt một vết nhỏ trên da một nhóm chuột; sau đó trong số phân nửa nhóm chuột này, họ nhỏ vào mắt chúng một chất kích thích làm cho chúng khóc ra nước mắt, trong khi phân nửa nhóm kia không được kích thích. Kết quả cho thấy vết thương của các chú chuột “mít ướt” được lành mau hơn các chú chuột không khóc tới 12 ngày.

Nhóm nghiên cứu này bèn thử nghiệm một giả thuyết đảo ngược: họ cho chất kích thích để làm cho các chú chuột khóc hết nước mắt, sau đó làm cho họ bị chút thương ngoài da. Kết quả hoàn toàn ngược lại, tức là vết thương dễ bị nhiễm trùng. Họ suy luận rằng trong nước mắt có một hormone “huyền bí” nào đó có tác dụng trị liệu các vết thương ngoài da.
Như vậy, khóc rất có lợi cho sức khỏe. Và nếu thuyết này đúng thì những ai không khóc hay cố tình ngăn dòng nước mắt phải có nhiều vấn đề sức khỏe. Quả vậy, theo nghiên cứu lâm sàng trong thập niên 70s, những người không khóc có nguy cơ bị những bệnh như loét, viêm kết tràng, nhức đầu, v.v. cao hơn những người hay khóc. Về mặt tâm lí, người không khóc cũng thường gặp trở ngại khi đối phó với các tình huống căng thẳng.

Những quan sát này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ số kiềm hãm lại sự giận hờn có tỉ lệ bị bệnh tim cao hơn những phụ nữ cùng tuổi nhưng chịu thổ lộ ra một cách xây dựng. Một giả thuyết đáng tin cậy để giải thích cho hiện tượng này là khi người ta ở trong một môi trường gây cấn, căng thẳng, và trong khi chưa hay không hóa giải được, trung tâm thần kinh liên quan tới cảm tính dần dần bị “hư hỏng”. Và khi trung tâm này bị hỏng, nó bèn gửi đi những tín hiệu sai lầm cho các cơ quan vận hành điều tiết trong cơ thể, và gây ra rối loạn trong cơ thể, tức là bệnh tật. Nếu xem khóc và nước mắt là một “marker” của sự căng thẳng tâm thần, thì có thể nói một cách khác rằng bệnh tật không những là hậu quả của những rối loạn hệ thống nội tiết trong cơ thể, mà còn bị chi phối bởi sự hệ thống tâm thần.

 Nhưng trong nhiều thập niên qua, có thể nói thế giới y khoa chính thống, đặc biệt là ở phương Tây, đã tập trung quá nhiều năng lực vào việc nghiên cứu phần thể (hay “soma”), mà bỏ qua một phần khác cũng không kém phần quan trọng là phần tâm (hay “psycho”) của con người. Ngày nay, với tiến bộ và giao lưu giữa các bộ môn nghiên cứu như nội tiết, di truyền học, tâm lí học, và cơ thể học đã làm thay đổi nhiều quan niệm về y khoa và cách chữa trị một cách có hệ thống. Sự thành công của chữa trị ngày nay không chỉ đơn thuần phản ảnh qua vài con số thống kê về tỉ lệ lành bệnh, mà còn là chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Sứ mệnh của người thầy thuốc hiện đại, do vậy, không những chỉ đơn thuần chinh phục con bệnh mà còn nâng cao sự an lành của bệnh nhân.

Có người đã cho rằng ở các nước phương Tây, những nơi mà nhà ai nấy ở và cửa đóng kín mít, con người sống trong một môi trường tương đối cô lập và thiếu cái mà tôi gọi là “human interaction”, tức là sự tương tác, có qua có lại giữa con người. Mặt khác, trong mỗi con người bình thường (không phải siêu nhân) đều có một mức độ giới hạn trong sự chịu đựng những gì con người có thể cảm và nhận. Đi quá hay cố gắng đi quá mức độ giới hạn này cũng là đồng nghĩa với tự chuốc lấy đau khổ, phiền muộn. Do đó, thiếu sự “có qua có lại” không những dẫn đến tình trạng bị đè nén, bế tắc những xúc cảm mà còn gây ra bệnh tật.
       
Thành thử, ngược lại với những quan niệm cổ xưa ở Á Châu ta cho nước mắt là biểu hiện của sự yếu đuối, ngày nay nước mắt được xem có nhiều công dụng hết sức thực tiễn và thiết thực. Vậy thì, mỗi khi thất tình, có chuyện buồn, hay đau đớn [cả về tâm thần lẫn thể xác] quá sức chịu đựng thì các bạn hãy bỏ ngoài tai bài nhạc Đừng khóc nghe em, mà cứ khóc, khóc thoải mái. Và nếu một ngày nào đó, người tình trên đồi cỏ non của quí vị có điều gì đó cần phải khóc, thì nhân danh sức khỏe và tình thương nhân loại, quí vị cứ thản nhiên nói:

Khóc đi em, khóc nữa đi em ...
Hoặc, cũng có thể nói rằng:
Khóc đi anh, khóc nữa đi anh...

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn

Báo Đất Việt


Hong Hai 9G-10C st

1 nhận xét:

  1. Theo nghiên cứu này thì khóc rất có lợi cho SK. Nếu chẳng may gặp chuyện buồn các bạn Nam k22 cứ khóc nh...è...nhiều nữa nhé!

    Trả lờiXóa