Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Những thi điệu biên cương hải đảo
(trích trường ca)

 

Đỗ Quyên



 [Nhân sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và các tàu hải quân xâm chiếm, tấn công vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trong các ngày 2,4,5 và 7 tháng 5/2014] *)
  

“Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”

Nguyễn Du

 

 “Cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ nhảy múa lên,

bằng cách hát cho chúng nghe các âm điệu của bản thân chúng.”

K. Marx
                                                                                                                          
“Phát minh ra giai điệu là bí ẩn tột cùng của các khoa học nhân văn.”
C. Lévi-Strauss





*
Thi sĩ dẹp hết chuyện cuối tuần cuối tháng cuối năm
Cuối đầu óc cuối ruột gan
Quá giang leo lưới lên biên ải Thị Hoa [1]
Cao Bằng vừa cao vừa xa từ đảo Vancouver Canada
Dùng trường ca may ra theo nổi đoàn văn nhân
May ra
Thì cứ từng bậc mà leo
Khắc đi khắc tới
(Nói ngay kẻo ngộ nhận tác quyền
Các câu chữ dưới đây thơ hóa phóng sự Trần Nhương
Nội dung chín mươi chín phần trăm cố thủ)

Đường từ thị xã Cao Bằng lên đồn Thị Hoa một trăm cây số ngót
Thuộc huyện Hạ Lang cái tên nghe đã kiếm cung
Chuyện biên thùy nhiều lắm
Trăm ngàn văn thi sĩ Việt xúm lại chửa chắc viết xuể thiếu tá đồn phó kể hoạch định đường biên binh tình ổn hơn không dễ lấn sâu
Như dạo trước
Bao giờ ông-bạn-anh cũng dành phần hơn chẳng nhường ông-bạn-em mấy nỗi thích chiếm đồng bãi ưa nhường núi đá cheo leo
Mình phải chuyển hơn ba trăm ngôi mộ nghĩa là ông bà ông vải ngụ nơi ấy từ lẩu từ lâu mộ họ chuyển về chỉ tròn mấy chục
(Thi sĩ ngưng thơ ra bàn thờ thắp nhang viếng các cụ tổ
Hai bên
Hương hỏa bay lên
Công bình thẳng tắp song phương)
Cột mốc 912
Bây giờ đẹp đá nhẵn thín không xi măng xù xà xù xì như đời ông Tây Râu anh Mãn Tóc đường tiểu ngạch buôn bán không nhộn nhịp vẫn thấy hàng chục xe tới xe lui bên này xuất gạo đi nhập về dược liệu
Chiều tối khách văn tới huyện lỵ Hạ Lang một trong hơn năm mươi huyện nghèo nhất Việt Nam và có bảy mươi tư cây số đường biên
Với Trung Quốc

Phóng sự kết
Chưa có thì giờ viết sâu chỉ dọc đường ghi chép
Thi sĩ hứa cập nhật
Bản trường ca kế tiếp

*
Lâu rồi anh mới gặp trăng thu
            trên nóc nhà hàng xóm
Hàng xóm tứ thời vẫn là hàng xóm
Trăng thu mãi là trăng bốn mùa
Cái nóc nhà
Cái nóc nhà hàng xóm có thể chập chờn
                trống vắng
Trong tầm nhìn của anh
              xuân hạ đông
Lá xanh đất hồng tuyết trắng
Ngủ ngon nghe em
Anh đứng ru bên nóc nhà hàng xóm
          vàng thu

*

Đang soạn câu
                        Phụ nữ dễ chết vì thơ và nhà thơ -
                        Một vài dòng cả đời nghiêng ngả -
                        Cho em ngắm mười ngón tay thơ đâu -

Thì gặp câu
“Hai mươi ba năm trở về chín người lính sống sót trong trận Gạc Ma sống ra sao
Anh Dũng tâm sự con cái từng cho rằng chuyện anh bị Trung Quốc bắt làm tù binh là
Hoàn toàn không có thật” [2]

Sự bình đẳng và khoan nhượng chưa tự hiện diện giữa thi từ
Chữ lớn nuốt chữ bé
Nhịp mạnh đè nhịp lép
Mưa rơi là rơi ngoài trời
Bàn văn là nơi Thi sĩ cúi đầu
Và xếp đặt
(Giữ nguyên câu
Không nguyên văn
                               cho vừa thi điệu):

            “Ngày Mười ba tháng Ba năm 2012 [3]
Nhà báo quân đội Mai Thanh Hải viết
trên blog cá nhân:

… Quần đảo Trường Sa gồm khoảng một trăm bốn mươi tám đảo nhỏ
đảo san hô và đảo chìm ở giữa
biển Đông
hiện nay là của huyện Trường Sa tỉnh Khánh Hoà
  
…Trong những tháng đầu năm 1988 Hải quân Trung Quốc cho quân
chiếm đóng một số bãi đá
Hải quân Việt Nam đưa vũ khí khí tài ra đóng giữ
ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi

Đầu tháng Ba Trung Quốc huy động hai hạm đội xuống khu quần đảo
Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho Vùng 4 sẵn sàng chiến đấu

Mười chín giờ ngày Mười một tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma
Chiến dịch CQ-88
Tàu HQ-605 đến Len Đao năm giờ ngày Mười bốn và cắm cờ Việt Nam trên đảo

Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển
vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm Mười ba
Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo

Trung Quốc điều thêm hai hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm và
yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma

Sáng ngày Mười bốn
Thiếu uý Trần Văn Phương
và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư
Nguyễn Văn Lanh
được cử lên đảo bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm

Sáu giờ sáng
Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đảo
giật cờ Việt Nam
Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bị bắn trọng thương
Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương
trước khi chết thiếu úy Phương đã hô
Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo
hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân

Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam
Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt buộc đối phương phải nhảy xuống biển
bơi trở về tàu

Trung Quốc tiếp tục nã pháo
Tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần
Thuyền trưởng Vũ Phi, lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh

Đảo Cô Lin
lúc sáu giờ
tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đảo

Tám giờ mười lăm phút
thủy thủ tàu HQ-505 dập lửa cứu tàu bảo vệ đảo
và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm phía bãi Gạc Ma gần đó

Thượng uý Nguyễn Văn Chương và trung uý Nguyễn Sĩ Minh chỉ huy
đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505
Thi hài Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh
được đặt trên xuồng
Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay
làm mái chèo đưa xuồng về đến bãi Cô Lin

Trong trận chiến ngày Mười bốn
Hải quân Việt Nam bị thiệt hại ba tàu
ba người hy sinh
mười một người khác bị thương
bảy mươi người bị mất tích
(sau này Trung Quốc trao trả Việt Nam chín người bị bắt
sáu mươi tư người vẫn mất tích và
được xem là đã hy sinh
                                     cho tới tận hôm nay)

Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505
tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này

Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày Mười sáu
tháng Ba năm 1988 và vẫn giữ
cho tới tận giờ này

Suốt thời gian chiến sự
Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp
dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng một
hiệp ước
liên minh quân sự

Khi các tàu Hải quân Việt Nam bị đánh đắm
tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu Hội Chữ thập đỏ vào
để cứu chữa thương binh…”

*
“Không làm nắm đấm trong tay kẻ khác”[4]
anh làm thơ lên mỗi ngón tay em
tay phải thơ thời cuộc tay trái thơ tình
             nghe em

nếu lời thơ không thể hết tình
anh xin được nuốt
từng đốt
từng đốt
ngón tay
 em sẽ nở hoa trong anh

nếu lời thơ không phận sự thế thời
hóa lửa thay thơ
tay mình
 anh sẽ phải tự đốt

 

“Không làm nắm đấm trong tay kẻ khác”.

 

Vancouver 2011 - 2014 (Bản 10/5)

Đỗ Quyên

                 

--------

*) Trích ghép trường ca Trăm thi điệu, với tu chỉnh hai chương 65 & 74. Phiên bản 9/5 đã đăng trên trang mạng khác.
[1] Trần Nhương; Lên biên giới Thị Hoa huyện Hạ Lang (Cao Bằng), trannhuong.com 29/10/2011.
[2] Quỳnh Chi; rfa.org 1/11/2011.
[3] Mai Thanh Hải; Chiến dịch CQ-88 và trận chiến 14/3/1988 tại Trường Sa, maithanhhaiddk.blogspot.com 13/3/2012.
[4] Thơ Bùi Chí Vinh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét