Đỗ Quyên
V. Những vấn đề thi pháp
Với thơ Nguyễn Quang Thiều, thi pháp bằng ngôn ngữ; ngôn ngữ làm thi pháp. Và đó là đường thơ. Trên lề của “con đường hữu thể” đó, thi sĩ chất chứa khá đủ đầy nhưng ẩn hiện các yếu tố khác của thi pháp. Không đi tìm các gập ghềnh ở lề thơ Nguyễn Quang Thiều, thi đàn còn tốn nhiều thời gian cho các tranh biện.
Người đàn ông châu thổ sông Hồng chất Bắc Kỳ từ râu tới tóc, nhưng đã hành xử văn hóa thi ca y chang như anh Hai Nam Bộ: “Thấy dzậy mà hổng phải dzậy! Và còn hơn dzậy nữa”. Nhìn và đọc thơ, chỉ thấy ngôn từ và nhịp điệu thơ; Nghĩ và ngắm thơ này – hơn vậy nữa - sẽ thấy cả. Thơ này là phải “nhắm mắt”, như hướng dẫn của tác giả trong Thay lời tựa(tr. 13) mà đọc lại trong đầu. Kể cũng mệt! Mà nào đã mệt bằng đọc những Bùi Giáng và Trần Dần, những Đặng Đình Hưng và Lê Đạt. Khác với các thi sĩ đi trước, Nguyễn Quang Thiều không tạo những khó chịu một cách dứt khoát. Nói nôm, lối thơ này có lề. Để tâm tư nào còn muốn lưu trú, thì lên tạm đó. Thời trước, Đinh Hùng là một thi nhân có lề thơ rộng thênh thang, dù đường lối thi ca rậm rì. Văn hóa thơ chính là lề thơ. Dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị có nhiều tác giả loại này. Nội dung tư tưởng, nhất là cảm hứng sáng tạo góp phần tạo nên “lề thơ” Nguyễn Quang Thiều.
V.1. So sánh với các khuynh hướng, trường phái tiêu biểu
Thơ Nguyễn Quang Thiều không thiên lệch theo một chủ nghĩa, trường phái, khuynh hướng quen thuộc nào đã có trên thế giới; như Lãng mạn, Hiện thực, Vị lai, Tượng trưng, Siêu thực, Hiện sinh, Tân cổ điển, Biểu hiện, Cụ thể, Cảm tính, Tân hình thức, Hậu hiện đại… Dường như cũng không chịu ảnh hưởng mà chỉ có những thể hiện tương tự về hình thức. Đây là điểm khác so với hai tác giả quan trọng khác cùng trang lứa, cùng cách tân thơ Việt nhưng lâu lâu lại “nhất biên đảo” về thi pháp: Nguyễn Quốc Chánh và Mai Văn Phấn. Giống hai tác giả đó, Nguyễn Quang Thiều dựng được đường thơ dài và thông suốt theo lộ trình thơ hiện đại Việt, bắt nhịp với các gián đoạn thi pháp của Nguyễn Đình Thi, Nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, chứ không chỉ tạo khuynh hướng Đổi mới trên nền thơ chiến tranh cách mạng và hiện thực XHCN về giọng điệu và thể tài như Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương…
Thơ Nguyễn Quang Thiều không phủ nhận triệt để bất cứ hình thức nghệ thuật nào. Cách tân, nó không cách mạng thơ! Khó đọc khó cảm, nhưng hoàn toàn không là phản-thơ, như Trần Dần hay Đặng Đình Hưng, như Nguyễn Thúy Hằng hay Nhóm Mở Miệng. Sự phản đối và ủng hộ kiểu thơ này bấp ba bấp bênh trong mấy chục năm qua.
Về ý thức lao động nhà văn, Nguyễn Quang Thiều viết như bản năng, không để tâm đến tri thức. Về tính kế thừa và thay thế, thậm chí tiêu vong – yêu cầu số 1 của một chủ nghĩa, trường phái – thơ của anh cũng không là sản phẩm theo một phương pháp. Về cảm hứng, có vẻ anh muốn theo mẫu nhà thơ của các nền thi ca cổ điển trên thế giới. Hai dòng thi cảm phương Đông và phương Tây cùng hòa chảy trong thơ này, dù các cơn sóng lớn đập hắt vào độc giả lại thuộc về dòng phương Tây. Tâm hồn nhân hậu lai láng của R. Tagore. Khát vọng tải đạo mà vẫn cải cách thi pháp của Đỗ Phủ. Dùng thiên nhiên để nói về người, nhớ người để thương mình của Nguyễn Du…
Trước khi vào từng phần của thi pháp, chúng ta thử nhìn nhận thơ Nguyễn Quang Thiều ở các khuynh hướng, thi cảm khác nhau. Các so sánh này là phương pháp chung cho dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị đã và sẽ được làm ở một số tác giả có biểu hiện tương tự. Một số tư tưởng và khuynh hướng khác của thơ phương Đông cũng làm cơ sở cho thơ Nguyễn Quang Thiều được nhắc rải rác trong bài, mà không xét về thi pháp.
Trích ‘’Bài hát về cố hương -NQT ‘’
Trả lờiXóa....
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong ánh sáng đèn dầu
Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy dòng dòng
Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi./.
Mình đọc tiếp phần 2 bài viết về Nguyễn Quang Thiều của nhà thơ Đỗ Quyên/ Đỗ Ngọc Thủy, thấy bài viết hay và khó thế... đọc cũng đau đầu ra phết đấy, hì hì..........
Trả lờiXóaMong được xem tiếp phần cuối :)