Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Chấp Ngã



Nguyễn Ninh Thuận

Hôm nay ngày Chủ Nhật trời mát dịu, Tâm gọi điện thoại cho chị Xuân và rủ mấy bạn đến thăm chị Xuân.

Cả nhóm vừa đến cửa chính chỉ đóng bằng cửa lưới, đã nghe tiếng nói chuyện trong nhà vọng ra…Giọng chị Xuân than thở: “Đúng là đổi đời có khác! Ngày nay con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó, khác với ngày xưa còn ở Việt Nam, cha mẹ đặt đâu là con ngồi đó, ngay cả chuyện cưới hỏi trăm năm hạnh phúc cũng lựa chọn ý trung nhân theo ý chúng, không hỏi ý kiến cha mẹ… Thật buồn, tôi đã để ý con Nga, con gái ô. bà Trung từ lâu rồi, con bé xinh ơi là xinh, hiền hậu nết na để chấm cho Tuấn. Tôi nhắn nó về coi mắt để làm quen và hợp nhãn thì tiến hành cưới xin đàng hoàn, nhưng nó lắc đầu ngầy ngậy…Thì ra nó chọn vợ theo ý nó rồi! Tưởng là xinh đẹp và hiền hậu, ai ngờ Huệ thua xa con Nga về mọi mặt…”

- Mẹ mới gặp Huệ một hai lần sao vội vã xét đoán theo ý mẹ thế! Hôn nhân rất hệ trọng là ăn đời ở kiếp với nhau, em con chọn vợ theo ý thích của nó, đó là hạnh phúc lứa đôi của nó, gần ngày cưới rồi mẹ đừng nói ra mà vợ chồng nó nghe sẽ có ấn tượng xấu sau này!...Giọng nhỏ nhẹ của Thu góp ý…

- Phải đó bà, con gái nói đúng! Chúng ta nên biết hai thế hệ khác nhau, thì ý kiến, sự suy nghĩ, cảm giác đều khác nhau. Hơn nữa, chúng ta đừng chấp chặt các quan niệm xa xưa, cổ lỗ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa. Cứ chấp chặt như vậy chỉ đưa đến phiền não và khổ đau mà thôi! Giọng ô. Xuân điềm đạm cất lên…

Trong vấn đề tế nhị…thấy không khí lắng dịu, thế là cả nhóm bấm chuông cửa. Chị Xuân mở cửa mời các bạn vào phòng khách và vồn vã chia sẻ “chắc các chị đã nghe chuyện vợ chồng chúng tôi bàn về việc hôn nhân của cháu Tuấn rồi! tôi thật buồn…”

- Vậy sẵn dịp đây, chúng ta bàn về vấn đề Chấp Ngã nhé!...Về phương diện tinh thần, chúng ta thường chấp chặt ý kiến của mình là đúng, việc mình làm là đúng, ai có ý kiến khác, ai làm khác là không đúng, là sai. Chúng ta thường cho là người khác lúc nào cũng phải suy nghĩ giống như mình, nên khi có người phát biểu khác đi, làm khác đi là chúng ta khó chấp nhận được! Chúng ta không thấy những lỗi lầm, sai trái của mình, cho nên đau khổ, bực bội, vì chỉ thấy lỗi lầm của người. Chuyện vợ chồng cũng vậy. Chuyện cộng đồng cũng vậy. Ngay cả chuyện quốc gia xã hội, cho đến chuyện thế giới, cũng không khác, chỉ vậy thôi! Khi bất cứ chuyện gì xảy ra, người nào, bên nào cũng có một phần lỗi, không nhiều thì ít, không bên nào vẹn toàn, không người nào toàn vẹn. Hiểu được như vậy, làm được như vậy, chúng ta sẽ bớt khổ đau nhiều lắm chị ạ! Tâm lên tiếng trước tiên…

- Cho Kim góp ý thêm…Trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội, điều quan trọng là chúng ta phải biết quên mình vì người, thì mới có an lạc và hạnh phúc. Còn nếu tâm ý quá ích kỷ, chỉ biết có mình, gia đình mình, đoàn thể mình, tôn giáo mình, cái gì cũng vì mình hết trơn, thì chỉ có phiền não và khổ đau mà thôi! Muốn có một gia đình hạnh phúc, người cha phải biết hy sinh, lo lắng mọi nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho cả gia đình, người mẹ cũng phải biết hy sinh những vui thích cá nhân, hòa hợp với nhịp sống chung của gia đình, con cái phải biết nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, phải biết nghe lời dạy dỗ, phải biết báo hiếu…

- Hoa nhớ lại bài thuyết pháp đã nghe trước đây, vậy nay chia sẻ với các bạn…Trong cuộc sống của thế gian này, mỗi người đang sống hàng ngày đây, có bao giờ mình tự đặt câu hỏi: Là cuộc sống là cái gì chăng? Phải thấy lại chỗ này để có một cuộc sống ý nghĩa hơn… Xét kỹ lại, cuộc sống này là cuộc sống của một cái TA chứ không gì khác phải không? Bởi ngay từ cái gốc ban đầu chúng ta sinh ra đời là từ nó mà ra - Tức là do lòng thám ái chấp ngã nên nó mới sinh ra ở đây; nếu không có nó thì đã vào vô sinh, niết bàn rồi! Do đó, nếu sự sống này chấm dứt, mất nó thì quyết phải tìm cái khác thay vào, dòng sinh tử tiếp nối không dừng từ đây… Và cái gọi là cuộc sống cũng từ đó! Cho nên, trừ bậc Bồ Tát thị hiện, ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này đều mang theo một cái tính chấp ngã, nó luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Đây gọi là cái vô minh của chúng sinh. Nếu còn chưa vắng bóng cái này, là chưa bao giờ giải thoát viên mãn, chưa thật sạch hết khổ đau…Mỗi người hãy chín chắn nghiệm kỹ lại xem, mọi thứ buồn vui, mừng giận, thương ghét, hơn thua… trên đời là vì cái gì mà có? Buồn là vì cái gì mà buồn? -Có phải vì cái ta không được như ý chứ gì? Vui là vì cái gì mà mình vui? - Có phải vì cái ta được thỏa mãn phải không? Rồi thương ghét vì đâu mà có? – Có phải vì thuận với ta nên ta thương, bởi nghịch với ta nên ta ghét!?- Tất cả rõ ràng là như thế đó!!! Dù ai có cố biện luận thế nào cũng không thể chối bỏ lẽ thật này! Cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hai bao mồ hôi, xương máu, có lúc chém giết nhau, cũng vì cái gì?- Có phải chỉ vì cái ta này thôi!? Không có nó thì giành giật cho ai? Để làm gì???!... Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kiêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti v.v… cũng gốc tại cái ta thôi! Tự ái là bị chạm đến cái ta chứ gì? Tự trọng là nâng cái ta lên thôi!…. Cho thấy, chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời….

Thông thường chúng ta hay đổ lỗi cho người, cho huynh đệ, cho hoàn cảnh… đó là trốn trách nhiệm, là bảo bọc cái ta này quá kỹ! Chớ lầm! Mỗi người hãy tự xét lại, khi ta buồn trách ai, là tại vì ai mà có buồn trách? Nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác… mà quên điểm chính là Tại vì cái ta này bị đụng chạm!... Lo trách người mà quên trách cái ta này! Cho nên nó từng được mang tên: cái ta nguy hiểm!!!

- Qua đây Tâm nhớ đến câu chuyện trong Kinh Bách Dụ… Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, ông nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai vị đệ tử ấy thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói: “… Không phải là Ta chán ghét ngươi mà chính là ngươi chán ghét Ta….” Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo. Một hôm nọ, một người có việc đi nơi khác, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãy chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ, định tâm báo thù lập tức dùng đá đập gãy chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết! Vậy cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến trường hợp đau đớn như thế? Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra! – Rõ ràng cho thấy cái ta nguy hiểm chưa?

Vậy đã thấy được cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra! Chính chấp ngã là tự đóng khung mình trong cái vỏ chết, là thu hẹp tình thương, thiếu sức sống sáng ngời, rộng lớn…Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau, chúng ta sẽ tìm được an lạc hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại.

- Vậy thế nào là “chấp ngã”? Thủy vẫn không thấu suốt nên lên giọng ngập ngừng hỏi!

- Để Tâm nhớ lại bài giảng hôm trước có dịp đi dự mà phân tích lại cho các bạn rõ nhé!...Chấp ngã có hai phần: vật chấttinh thần. Về vật chất, chúng ta chấp cái thân xác tứ đại mấy chục ký lô này là “mình”. Về tinh thần, chúng ta chấp cái tâm suy nghĩ, tính toán, suy lường là chính “mình”. Nếu có người hỏi: chúng ta là ai? Chúng ta liền chỉ vào thân mình và trả lời: Tôi đây nè! Thực ra, cái xác thân tứ đại giả tạm này đâu phải là “mình”. Cái xác thân tứ đại bao gồm những chất: đất, nước, gió, lửa, tụ hội với nhau trong một thời gian, từ khi cha mẹ sinh ra, cho đến khi chúng ta thở ra, mà không muốn hít vào nữa, thì ô hô tử vong! Thời gian đó ít năm, nhiều năm, ngắn dài tùy theo nghiệp duyên của mỗi người. Người đời thường gọi đó là: số mạng, định mạng, hay số mệnh, định mệnh. Có người được vài chục năm. Có người chỉ trong hơi thở! Lúc đó, hơi thở trở về với gió, hơi ấm trở về với vũ trụ, các chất lỏng như máu, mủ, nước tiểu trở về với nước, các chất cứng như thịt, xương trở về với đất. Cái gì là “mình” đây? Còn lại chỉ là cái xác không hồn, cái tử thi bất động. Cái xác thân tứ đại của chúng ta tan rã, trở về với tứ đại của vũ trụ. Nói nôm na là: cát bụi trở về với cát bụi. Thậm chí, ngay khi còn sống hiện nay, nếu chúng ta không vay mượn tứ đại bên ngoài để bồi bổ từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, thì chúng ta đâu tồn tại được. Luôn luôn mượn không khí thở ra hít vào, lát lát mượn ly nước, ngày ngày mượn vài ba chén cơm. Cái thân tứ đại muốn khỏe thì khỏe, muốn đau yếu thì đau yếu, chúng ta không thể làm chủ nó như ý muốn của chúng ta được. Vậy mà chúng ta cứ chấp chặt cái thân xác tứ đại là “mình”, chúng ta dành trọn cuộc đời để yêu mến, cung phụng, săn sóc nó, thì quả là chúng ta quá mê muội, đang sống trong mộng tưởng, trong cơn mê, mà không biết đó thôi! Chúng ta đã hiểu cái thân xác tứ đại không phải là mình, vậy còn cái tâm suy nghĩ, tính toán, suy lường có phải là mình chăng? Thực ra, cái tâm đó cũng không phải là “mình”. Tại sao vậy? Bởi vì, có lúc chúng ta suy nghĩ rất hiền lành, thánh thiện, muốn giúp đỡ mọi người, muốn bố thí cúng dường, muốn trở thành người hoàn toàn tốt....Nhưng cũng có nhiều lúc, chúng ta tính toán, suy lường, muốn hơn người khác cho thỏa lòng ganh tị, đố ky muốn thấy người khác suy sụp, gặp nạn cho thỏa lòng hơn thua, ganh ghét, tị hiềm. Vậy thử hỏi chúng ta là người thiện hay bất thiện? Chúng ta là một hay là hai? Dù là khởi tâm thiện, hay khởi tâm bất thiện, chúng ta cũng khổ đau. Lúc tâm thiện khởi lên, muốn làm người tốt, muốn giúp đỡ người khác mà không được, thí dụ chúng ta muốn cứu người thân bị bệnh nan y, thầy thuốc đã bó tay, chúng ta sẽ đau khổ. Lúc tâm bất thiện khởi lên, muốn thấy người khác khổ đau, nguy nan, khốn đốn, mà họ vẫn cứ bình an, chúng ta sẽ đau khổ. Đàng nào chúng ta cũng đau khổ cả! Lòng tự ái cao là một dạng của tâm chấp ngã. Do tâm tham ái, chấp ngã một cách mù quáng, chúng ta đã, đang và sẽ tạo tội tạo nghiệp không biết bao nhiêu trong nhiều đời nhiều kiếp. Đó là nguyên nhân dẫn dắt chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi…

- Kim thấy bài Tâm chia sẻ lại rất đúng. Về phương diện vật chất, chúng ta chấp mọi thứ có hình tướng như cái nhà này, cái xe này là của mình. Về tinh thần, chúng ta chấp mọi thứ, mọi việc, mình làm, mình nói, mình nghĩ, cái gì của mình cũng là đúng, là nhất. Về phương diện vật chất, chúng ta đang sống trong mộng tưởng, cho là cuộc đời này sẽ vĩnh viễn trường tồn, cho là những người thân sẽ mãi mãi ở bên mình, cho là những của cải vật chất như nhà cửa, xe cộ, vàng bạc, cơ nghiệp luôn luôn thuộc về mình. Cho nên, nếu người thân có ra đi, hoặc có mệnh hệ nào, nếu của cải vật chất có bị mất mát hư hao thì chúng ta sẽ đau khổ…

- Cho Thủy nói hớt lời Kim để có phần đây!...Về phương diện tinh thần, chúng ta thường chấp chặt ý kiến của mình là đúng, việc mình làm là đúng, ai có ý kiến khác, ai làm khác là không đúng, là sai. Chúng ta thường cho là người khác lúc nào cũng phải suy nghĩ giống như mình, nên khi có người phát biểu khác đi, chúng ta khó chấp nhận được! Chúng ta không thấy những lỗi lầm, sai trái của mình, cho nên đau khổ, bực bội, vì chỉ thấy lỗi lầm của người…

- Có một vị đạo hạnh đã nói với Tâm… Người ta chấp có cái ngã chân thật của mình, vì thế khi làm việc gì đều làm cho ngã, làm danh, làm lợi, làm hơn thua, ganh ghét, tị hiềm, hờn giận đều là vì cho cái ngã của mình v.v.. Nói chung về cuộc sống của con người, là một cuộc sống chấp ngã, sống cho ngã, làm cho ngã v.v.. Buồn vui, khổ đau hay phiền lụy đều do chấp ngã. Cái ngã có tầm quan trọng trong cuộc sống của con người rất lớn không thể nghĩ lường. Cho nên, sự diệt ngã có một tầm quan trọng rất lớn của một đời người tu sĩ theo Phật giáo. Nếu tu đúng chánh pháp của Phật thì mới diệt được ngã, bằng tu sai pháp thì vô lượng kiếp chẳng diệt được ngã mà còn nuôi lớn ngã thêm lên, phục vụ cho ngã, đang làm tôi tớ cho ngã, họ là những người nô lệ cho ngã v.v.. Thôi chúng mình bàn vấn đề này đã nhiều rồi, chúng mình còn có cái hẹn cùng nhau đi mua sắm đây! Chị Xuân đã sẵn sàng đi với chúng em chưa? Cho chị 5 phút là chúng ta đi, sau đó ghé lại tiệm Huế ăn những món miền Trung để chị còn so sánh với ở quê nhà đó nhé!


Đô ĐH st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét