Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

TẾT XA


Tết năm nay nhà quây quần đoàn tụ
Cùng nâng ly cạn chén bữa cơm chiều
Tiếng cười vang hòa cùng mùa Xuân mới
Nhưng mắt mẹ vẫn buồn, đau đáu mãi nơi đâu?!

Có phải là mẹ đang ngóng chờ không?
Đứa con yêu trên miền Tây Đức lạ
"Nơi xa ấy chắc con buồn lặng lẽ
Mấy năm rồi chẳng đón Tết quê hương"

Đâu phải là mùa Tết đầu tiên con xa mẹ
Xa gia đình, xa mái ấm thân thương
Xa mùi bánh chưng phồng lên trong chiều 30 Tết
Xa vị mặn miếng giò từ mảnh đất quê hương

Đã có lúc con dỗ mình an ủi
"Trên đời này còn lắm kẻ xa quê
Dẫu ở Đức, ở Nga, Bồ Đào Nha hay nơi nào xa tít
Họ cũng như mình, phải đón Tết nơi xa. "

Biết vây rồi mà
chẳng thể nào hiểu hết được mẹ ơi
Nước mắt từ đâu
cứ loang đầy khóe mắt
Trái tim con vẫn gào lên quay quắt
Tết đến rồi! Mẹ thì ở quá xa...

Mấy chục năm rồi con xa những thân thương
Chốn quê hương chỉ vài lần trở lại
Nhưng mẹ hãy tin trong tim con còn mãi
Ngày Tết gần con sẽ về bên mẹ! Mẹ ơi!

HYA (CHLB Đức).
(Xin lỗi tác giả, mình có sửa đôi từ).

TH,st.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

NỮ TÚ SÀI GÒN – CHÚC TÂN XUÂN

Xuân Sài Gòn rực rỡ sắc màu
Thu Chi song bước . Thuần cười – Vinh Phi
Châu
níu gọi: “Hải – Hồng ơi đợi với!”
Nữ – Phương, Bình cùng với An Khanh
Đón xuân cầu chúc phúc lành
Cho mình cho bạn ở muôn phương trời
Nam thanh – nữ tú khỏe hoài
Hẹn ngày họp mặt vui đùa thỏa thuê
Chúc cho bạn của chúng mình
Cháu – Con hiếu đạo xum vầy bên nhau

Nhâm Thìn tới – Nữ chúng tôi gửi đến
Bạn ở muôn nơi lời chúc chân thành
Sài Gòn nhiều nắng – nhiều hoa
Nắng – Hoa gửi tặng Rồng Vàng đưa đi.


Sài gòn 26/1/2012
D.Hồng 10g

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Đầu xuân Nhâm Thìn vui với Máy làm thơ!

Thân tặng Song Ngọc, Dân Hồng và các bạn K22:

Nhớ phố cổ Hà Nội...nhớ bạn thân xưa!
Hà Nội thủ đô của chúng ta

Lê Văn Hưu, Nguyễn Khắc Cần,
Trần Quang Khải, Đặng Thái Thân, Hàng Mành,
Hùng Vương, vòng lại Yec Xanh,
Nối liền đi nữa Đỗ Hành, đâm qua

Cạnh khu phố cổ Xuân La,
Rẽ ngang rẻ ngửa nằm xa rồi về
Tràng Thi, Võng Thị, Trúc Khê,
Thành Công, trút hết đê mê tạt vào

Kim Ngưu, Quán Thánh, Hàng Đào,
Cắt qua sẽ gặp Thể Giao, nối liền
Hỏa Lò, vuông góc Nguyễn Hiền,
Lê Văn Thiêm, Chợ Khâm Thiên, cách đường

Nhà Thờ, Cầu Giấy, Hùng Vương,
Rẽ ngang một đoạn má hường Hồng Mai,
Tràng Tiền, Tô Tịch, Liễu Giai,
Bắc Sơn, Đinh Lễ, Hòe Nhai, Thái Hà,

Giao nhau Kim Mã, Hàng Gà,
Khôn đâu tới trẻ lại qua Bát Đàn,
Trên đường về Vũ Ngọc Phan,
Hàn Thuyên, Bà Huyện Thanh Quan, thân mềm

Cắt ngang Lê Thạch, trong đêm
Bắc Sơn, Văn Miếu, bên thềm Trúc Khê,
Nguyễn Tư Giản, ngấn sông quê
Cạnh khu phố cổ đam mê nối liền!...

(Các bạn thông cảm, đây là thơ máy)

Thơ máy!
Nếu bạn nào muốn thành nhà thơ các loại kể cả Trường ca! Hãy vào trang sau tham khảo và thực hành nha:

http://lamtho.vn/thomay/index.php?s=T%C3%AAn%20ph%E1%BB%91%20H%C3%A0%20N%E1%BB%99i#bottom


TH(10G)

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

XUÂN NHÂM THÌN - SÀI GÒN CHÚC BẠN


Đào thắm khoe sắc màu
Mai vàng kém gì đâu!...
Từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái
Tưng bừng nhộn nhịp đón xuân sang

Rồng vàng uốn lượn Bắc tới Nam.
Bay khắp năm châu trọn địa cầu
Rồng vàng ngậm Ngọc Sài Gòn đó
Mai vàng
hồng thắm
cúc lung linh.

Xuân đến Sài Gòn nắng vàng tươi.
Tưng bừng nhộn nhịp vui đón tết
Sống đất phương Nam
nhớ bạn nơi phương Bắc …


Một năm mới đến -
Chúc nhau nhiều.
Chúc nhau khỏe mãi …
đầy hạnh phúc …
Nhớ lại tuổi thơ một góc trời …

DanHong 10G

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn chúc các bạn K22 khỏe vui và ngày càng tươi trẻ

HOA TẾT

Sáng qua Hotay đi chợ hoa gần nhà mua hoa về để trưng trong mấy ngày tết. Sẵn dịp chụp mấy tấm ảnh hoa đẹp gửi tới nguyentraik22 cho thêm phần sắc xuân . Thợ nhà , máy ảnh loại thường nên hình không ’’art’’ lắm đâu .

Hotay chúc các bạn đón năm mới Nhâm Thìn thật vui vẻ , hạnh phúc bên gia đình và người thân .










Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Hương vị của ký ức

Ngày xưa, tôi vẫn hiểu lầm về khái niệm” Ăn Tết”là Tết để ăn. Ăn nhiều thứ ngon mà ngày thường không có. Nhưng cái Ăn theo cách hiểu truyền thống Việt Nam hình như không chỉ dừng lại ở vật chất mà ăn là một chuỗi gợi nhớ về tình cảm gia đình, bạn bè, quê hương…Thật lạ khi Tết nào chẳng vậy, vẫn bốn mùa xoay vầnXuân Hạ Thu Đông, nhưng lòng người có khi nào không náo nức và không chứa chất thêm nhiều hy vọng vào tương lai. Cũng bởi mưu sinh , bởi sự cách biệt những phương trời xa nên khi nhìn qua khuôn cửa& bắt gặp làn gió lạnh lẽo đưa hạt mưa phùn rơi nhẹ , lòng người ta vẫn thường hoài cổ để thả tâm hồn về miền nào đó sâu xa trong ký ức, trong những ngay Tết xưa


.


Tết miền Bắc thường kéo theo những đợt gió lạnh mưa phùn, làn mưa nhẹ không dứt, dù không làm ướt ai nhưng cũng đủ rắc bạc li ti lên vai áo & kỳ lạ thay, không khí lạnh lẽo ấy thường gợi về cảnh sum họp , thúc giục bàn tay tìm hơi lửa ấm & cặp mắt tìm ánh mắt thân quen. Dẫu vậy mưa phùn bao đời nay đã gắn bó cùng người dân xứ Bắc & cái lạnh da diết ấy thấm vào lòng người , khiến ai dù chỉ một lần đến HN cũng không thể nào quên . Những người con HN ở nơi xa, bỗng thấy trằn trọc trong nỗi nhớ khôn nguôi , cái giây phút ông bà, con cháu quây quần gói bánh, nghe tiếng nổ tí tách của bếp củi, tiếng nước sôi ùng ục của nồi bánh chưng và hương vị ngai ngái của lá dong, mùi thơm của gạo nếp hòa quện với nhau. Ôi cái bánh chưng nho nhỏ vớt lên từ nồi nấu còn bốc khói bốc nghi nghút mới ngon làm sao! Trong cái giá lạnh, ẩm ướt , người t a mong có một ngày nắng ấm. Song cũng thật lạ lùng, khi đứng trong trời cao, nắng vàng phương Nam, bạn tôi vẫn như mơ màng về trời mưa phùn đất Bắc, lòng vẫn đau đáu với niềm tâm sự “ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, vẫn luôn hoài niệm về nơi ấy!


Tôi muốn gửi cho các bạn những giọt mưa phùn phảng phất & cành đào hé nụ e ấp dịu dàng của đất Bắc để các bạn cảm thấy như được trở về nhà “Ăn Tết”với người thân. Chúc các bạn một năm mới thật nhiều Sức khỏe, An lành, ,Hạnh phúc!


XÔNG ĐẤT, XUẤT HÀNH

Tuổi hợp xông Đất, xông nhà, mở hàng năm 2012 - Nhâm Thìn.
Hướng, ngày giờ tốt XUẤT HÀNH, KHAI TRƯƠNG đầu năm Nhâm thìn
Chọn người xông đất tết 2012 – năm Nhâm Thìn

Theo cổ truyền, đầu năm người ta hay tìm người xông đất cho nhà mình để năm đó được may mắn hơn. Đối với nhiều người xông đất đầu năm được chủ nhà quý mếm vì mang lại tài lộc, nhưng cũng vì vậy nên nhiều người sợ xông đất đầu năm, lỡ được người lại xui mình hoặc xui mình thì được người. Do đó bạn có thể tham khảo trước các tuổi sau để xem mình đi xông đất có hợp không nhé!
Năm nay là năm Nhâm Thìn người có hàng CAN sau đây đến xông đất cho chủ nhà thì cả năm chủ nhà sẽ làm ăn thịnh vượn.
xông đất 2012

Đối với chủ nhà là Nam

1. Chủ nhà tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, chọn khách xông đất có hành can Nhâm hoặc Ất, thí dụ : Nhâm Dần, Nhâm Tý, Ất Tỵ, Ất Mùi,…

2. Chủ nhà tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi, chọn khách xông đất có hành can Nhâm, Bính, Mậu, thí dụ: Nhâm Tý, Nhâm Ngọ, Bính Tuất, Mậu Tý, Mậu Ngọ,…

3. Chủ nhà tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, chọn khách xông đất có hành can Ất, Nhâm, Tân, thí dụ: Ất Mùi, Ất Tỵ, Nhâm Tý, Nhâm Thìn, Tân Mão, Tân Sửu,…

Đối với chủ nhà là Nữ

1. Chủ nhà tuổi Tý, Ngọ, chọn khách xông đất có hành can Bính , Mậu, Tân, thí dụ : Bính Ngọ, Bính Thân, Mậu Dần, Mậu Tuất, Tân Hợi, Tân Dậu,…

2. Chủ nhà tuổi Mão, Dậu, chọn khách xông đất có hành can Nhâm hoặc Ất, thí dụ : Nhâm Thìn, Nhâm Tý, Ất Mùi, Ất Tỵ,…

3. Chủ nhà tuổi Dần , Thân, Tỵ, Hợi , chọn khách xông đất có hành can Nhâm, Bính, Mậu , thí dụ: Nhâm Tý, Nhâm Ngọ, Bính Thân, Bính Ngọ, Mậu Thân,…

4. Chủ tuổi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi , chọn khách xông đất có hành can Ất, Tân, thí dụ : Ất Mùi, Ất Tỵ, Tân Dậu, Tân Mão,…

Ghi chú :

Chỉ cần chú ý đến hàng CAN của khách xông đất, không cần chú ý đến hàng CHI tuổi của người đó.
Cần tránh những tuổi tuy được hàng CAN nhưng lại CHÍNH XUNG với CHI tuổi mình. Thí dụ : Tý xung với Ngọ, Mão xung với Dậu, Thìn xung với Tuất, Sửu xung với Mùi.
Chọn mệnh sinh, bỏ mệnh khắc theo sơ đồ dưới.






xông đất 2012

Thí dụ : Chủ nhà mệnh Thủy nên chọn người xông đất có mệnh Kim.
Thí dụ : Chủ nhà tuổi Đinh Sửu, nên chọn người xông đất tuổi Nhâm Thân, Nhâm Dần hoặc Nhâm Ngọ, Nhâm Tý…


Ngoài ra cụ thể hơn, bạn có thể đọc thêm chọn tuổi xông đất đầu xuân Xông đất tết 2012

Chọn theo tuổi :

Chủ nhà tuổi TÝ nên chọn người tuổi Thân, Thìn, Sửu

Chủ nhà tuổi SỬU nên chọn người tuổi Tỵ, Dậu, Tý

Chủ nhà tuổi DẦN nên chọn người tuổi Ngọ, Tuất, Hợi

Chủ nhà tuổi MÃO nên chọn người tuổi Tuất, Hợi, Mùi

Chủ nhà tuổi THÌN nên chọn người tuổi Dậu, Thân, Tý

Chủ nhà tuổi TỴ nên chọn người tuổi Thân, Dậu, Sửu

Chủ nhà tuổi NGỌ nên chọn người tuổi Mùi, Dần, Tuất

Chủ nhà tuổi MÙI nên chọn người tuổi Ngọ, Hợi, Mão

Chủ nhà tuổẫoTHÂN nên chọn người tuổi Tỵ, Tý,Thìn

Chủ nhà tuổi DẬU nên chọn người tuổi Thìn, Tỵ, Sửu

Chủ nhà tuổi TUẤT nên chọn người tuổi Mão, Dần, Ngọ

Chủ nhà tuổi HỢI nên chọn người tuổi Dần, Mão, Mùi

Chọn theo mệnh :

Chủ nhà mệnh Kim nên chọn người mệnh Thổ, Thuỷ, Kim

Chủ nhà mệnh Mộc nên chọn người mệnh Thuỷ, Hoả, Mộc

Chủ nhà mệnh Thuỷ nên chọn người mệnh Kim, Mộc, Thuỷ

Chủ nhà mệnh Hoả nên chọn người mệnh Mộc, Thổ, Hoả

Chủ nhà mệnh Thổ nên chọn người mệnh Hoả, Kim, Thổ

Chọn theo trạch lưu niên

Năm nay người 19-28-37-46-55-64-73 được trạch Phúc, tốt

Năm nay người 20-29-38-47-56-65-74 được trạch Đức, tốt

Năm nay người 17-26-35-44-53-62-71 đượctrạch Bảo, tốt

Năm nay người 18-27-36-45-54-63-72 được trạch Phúc, tốt

Những tuổi còn lại là trạch : Bại, Hư, Khốc, Quỷ, Tử đều xấu



Tại sao cúng Giao thừa ngoài trời?

Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.
* Lễ trừ tịch
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa.
* Cúng ai trong lễ giao thừa
Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
* Sửa lễ giao thừa
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển.
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
* Tại sao cúng Giao thừa ngoài trời
Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật...Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
Các cụ hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được) thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà..
* Lễ cúng Thổ Công
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa.
* Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch

- Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.
- Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
- Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.
- Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
- Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.
- Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.



NamTV st




Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Rạng danh những chiến công Đường Hồ Chí Minh trên biển

Bạn Nguyễn Mạnh Hà, một trong những học sinh 10B cùng khóa, đã có nhiều công sức đóng góp xây dựng cho nền Lịch sử quân sự Việt Nam. Blog xin giới thiệu một bài của người bạn đó.



* Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự giúp đỡ to lớn của quốc tế cho con đường Hồ Chí Minh trên biển
Những sự giúp đỡ của quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ đã góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, sự giúp đỡ của các nước, đặc biệt là của Trung Quốc, đối với con đường vận chuyển trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một ví dụ tiêu biểu.

Dai ta Nguyen Manh Ha

Từ năm 1954, hàng chục cán bộ, công nhân Việt Nam đã được nhận sang học tại Trường chuyên nghiệp đóng tàu Thượng Hải của Trung Quốc. Trong số này, có đồng chí Trịnh Xương. Sau 5 năm học, với vốn liếng, kinh nghiệm tích lũy được, ông đã trở về và trở thành cán bộ chủ chốt của ngành đóng tàu Việt Nam.

Trịnh Xương từng là “kiến trúc sư trưởng” của hầu hết các con tàu không số làm nhiệm vụ vận chuyển người, vũ khí, hàng hóa vào miền Nam. Từ những thuyền vỏ gỗ nhỏ, có trọng tải nhỏ từ 5-7 tấn, tốc độ chậm, được đóng theo kiểu những con tàu đánh cá ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ cuối những năm 1959, đầu 1960, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, cán bộ, công nhân Xưởng đóng tàu 3 của Hải Phòng đã mày mò nghiên cứu và đóng được các con tàu vỏ gỗ hai đáy với sức chở 35 tấn, rồi đến các con tàu vỏ sắt trọng tải 100 tấn, có tốc độ nhanh hơn, phục vụ yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường và đối phó với các hành động bao vây, truy đuổi của kẻ thù.Trong số các tàu sắt của Đoàn 759 (sau đổi là Đoàn 125) có nhiều tàu được các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đóng giúp vì bạn có điều kiện về kỹ thuật thiết kế, trình độ tay nghề nên chất lượng tàu đảm bảo hơn, có thể chống chọi được sóng gió cấp 7, cấp 8, trong khi khả năng đóng tàu của Việt Nam chưa thể đáp ứng được.
Đại tá Trần Thế Dân, hiện công tác tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, là một trong số gần 50 người sang tiếp nhận tàu vận tải quân sự của Trung Quốc, nhớ lại: Đầu tháng 4/1972, Quân chủng Hải quân giao cho Đoàn 125 (lúc này đóng tại Trạm Giang, Hải Nam, Trung Quốc), tổ chức đoàn tiếp nhận tàu do bạn đóng giúp tại TP. Quảng Châu. Đây vừa là đợt tiếp nhận, vừa là lớp học tại chỗ về cách sử dụng và đưa tàu về đơn vị. Trong đợt này, Hạm đội Nam Hải bàn giao cho ta 4 tàu chở hàng quân sự.

Mỗi tàu có chiều dài khoảng 50 mét, được đóng theo dạng tàu đánh cá, có hai khoang chứa hàng rộng, ở từng khoang có cả cần cẩu hàng. Tàu được thiết kế hợp lý cho tác nghiệp của nhân viên kỹ thuật và thủy thủ; được trang bị các loại súng 12,7mm, 14,5mm, trang bị cá nhân có súng AK, B40, B41...
Sau khi tiếp nhận tàu là thời gian bạn nhiệt tình hướng dẫn chuyên môn cả lý thuyết và thực hành, sửa chữa cho từng người để có thể sử dụng thành thạo máy móc và các tính năng kỹ thuật trên tàu; kể cả việc phải học chéo một số loại máy khác nhau như báo vụ, đo sâu, các việc trên mặt boong... để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Kết thúc nửa tháng học hỏi, cả 4 tàu tổ chức hội thảo đánh giá kết quả tiếp nhận, sử dụng tàu, sau đó rời Quảng Châu về nước nhận nhiệm vụ mới.
Các con tàu của Trung Quốc đã đi hàng chục, hàng trăm chuyến vào Nam ra Bắc, vận chuyển được hàng chục ngàn tấn hàng các loại và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, sau khi đế quốc Mỹ thả mìn và thủy lôi phong tỏa các cửa sông, cửa biển ở miền Bắc (từ tháng 5/1972), gây nhiều khó khăn cho việc nhận và chuyên chở của ta, thì việc Trung Quốc cho ta sử dụng một số cảng ở tỉnh Quảng Châu, đảo Hải Nam để tiếp tục nhận hàng viện trợ của các nước, trong đó có nhiều hàng của Trung Quốc và chở vào miền Nam, là một sự giúp đỡ quý báu, đáng trân trọng.
Việc chính phủ Campuchia cho phép ta nhận một số lượng lớn hàng từ cảng Xihanúcvin, sau đó quá cảnh qua đất Campuchia vào Việt Nam, cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho ta trên cả tuyến đường biển cũng như đường bộ...





Lam Hạnh (ghi)




NĂM MỚI


Năm mới

Tờ lịch rớt xuống
Năm mới đang chờ
Sương trắng khoác hờ
Thời gian lần lữa

“Mèo con” say sữa
Lim dim ngủ rồi
Ông ngồi đọc báo
Chép miệng hoài thôi…

31/12/2011
Thu Phong

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

TÁI ÁM ẢNH VỀ MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH

Những kỷ niệm tưởng tượng


(Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras)



Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời
họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu
các nữ y tá nhìn ta
kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói
không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.

Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.

Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa kéo cày vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già.

Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...
Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.

Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống.

Budapest, 4-1983



Ám ảnh và Bất an là hai nguồn nuôi các sáng tạo nghệ thuật sống dài lâu với đời. Cái đầu thường thấy ở thơ; cái sau hay gặp trong văn(1).

Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung là một bài thơ đặc sắc đến… rùng mình! Đọc lời bình của Trần Anh Thái trên trang mạng phongdiep.net­­ tôi cũng bị “ám ảnh” theo, và thấy nó ánh lên một thứ nghệ thuật khác lạ. Khác lạ, không chỉ với thơ phương Đông (điều quá rõ!) mà có lẽ cả trong thơ phương Tây. Thi sĩ Anh-Ấn Rudyard Kipling nói ở đâu thì không biết chứ ở sáng tác này Đông và Tây đã “tay nắm trong tay” rồi!

Chia sẻ với các nhận định khái quát của người bình, tôi thử minh họa bằng năm nét sáng trong bài thơ:

1. Thủ pháp áp đặt

Bí kíp là đây! Dẫu chưa cần biết Hollo Andras(2) là ai - miễn là một ông Tây/Tàu/Phi/Mễ/Hàn/v.v... không cùng hoàn cảnh sinh hạ với chủ thể “tôi” - nhưng độc giả vẫn nhận được thi cảm qua thủ pháp áp đặt chủ thể và nhân vật (“tôi với anh”). Nhờ tựa đề đã có các từ “tưởng tượng”, sự áp đặt này logic về trật tự tư duy, dù khiên cưỡng về sắp xếp nghệ thuật. Cái khiên cưỡng đã gợi vẻ kỳ quái của thơ. Đến lượt mình, cái phi lý lại giải khiên cưỡng, trả thơ về đời thường.

2. Thủ pháp phi lý

2.1. Phi lý về thời gian khiến độc giả choáng ngay ở câu đầu (“Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054”) cho tới câu “tôi với anh...”, rồi “ngày ta sinh...”! Bạn có thể hỏi: Cái “ông Tây” Hollo Andras nào kia chắc cùng thời vua Lý Thái Tông nhà mình, sao lại đi đánh bạn với “tay nhà thơ” Trương Đăng Dung này? Hay lỗi nhà báo in sai - 1954? Đọc tới câu “giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn” đặt gần đoạn kết, ta càng thấy họ Trương quả có nghênh ngang thật đấy nhưng đến là khôn; và lại khéo nữa!

2.2. Phi lý về không gian địa lý (Âu-Á), về hoàn cảnh xã hội (Tây-Ta) được khỏa lấp bằng loạt hình ảnh siêu thực, phi thực hay cực thực, tạo bất an nơi người đọc ngay từ đoạn đầu. Thế rồi lý trí lại bị che lấp trong chuỗi tự sự đầu cua tai nheo. Nhân vật phụ “em gái tôi” xuất hiện (“đột ngột ra đời”) như giải pháp mạnh, hợp lý hóa sự phi lý không gian, hoàn cảnh; Và cũng để lý giải cho sự hồi tưởng song sinh của “tôi” và “anh”. Nhân vật phụ ấy vụt trở thành “VIP” trong tác phẩm! Nhân bản là chỗ này: sinh nở gọi sinh nở! Trữ tình cũng là đấy! Nếu đọc ẩu sẽ tưởng như một dòng hồi ức bằng thơ, khùng dở và rời rạc, dằn vặt và khô khan.

2.3. Phi lý về ngữ nghĩa ở hàng loạt tượng hình siêu/phi/cực thực (“lấy nhau ... làm đồ nhắm rượu”, “chuột ăn cắp tã vá”, “tranh nhau chỗ ngồi với rắn”...) đã dung hòa, nhất là đã xoa dịu các hiện thực có thật trong đó nhà thơ, khoảng 40 năm trước, từng là một chứng nhân cho thời kỳ bi thương của đất nước Việt Nam mà quê hương miền Trung của ông là tuyến đầu. Ở sáng tác này, yếu tố hiện thực huyền ảo đáng được thưởng huân chương chiến công về một bút pháp! Cái “ký ức đau thương, xa xót”, cái “ấn tượng đau thương, quằn quại”, nhờ đó, đã vượt lên bề mặt của văn bản, khiến văn bản lớn dậy và trở thành tác phẩm. Viết về hậu chiến mà đạt tới độ-không như vậy, chiến tranh chỉ còn biết treo cờ trắng!

2.4. Phi lý về kết cấu: bài thơ nom xộc xệch; như dang dở. Đúng là một xâu “kỷ niệm” không chỉ “tưởng tượng” mà còn đầu Ngô mình Sở; như thể câu nói vô thức liền hơi bạ gì kể nấy. Mở và kết đều đột ngột, tạo sốc, nhưng nhộn nhàng, hồn nhiên. Giống câu chuyện cổ tích thời a-còng!

2.5. Phi lý về cảm hứng chủ đạo giữa cái Bi và cái Hài, cái Trữ tình và cái Tự sự; trong đó hai cái sau (Hài, Tự sự) nói chung là xa lạ với thơ Việt.

3. Thủ pháp thành phần phụ

Có thể nói, bài thơ của Trương Đăng Dung đã dùng thủ pháp này hết mức; từ tựa đề, tới lời đề tặng và cuối cùng là địa điểm, thời gian viết. Tức là toàn bộ văn bản, từ đầu đến chân. Tựa đề, như đã nói ở trên, thành quả là ở các từ “tưởng tượng”. Lời đề tặng “Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras” khẳng định thêm các trích ngang về nhân vật “anh”. Địa điểm, thời gian làm bài thơ “Budapest, 4-1983”, nhất là mốc “1983” dự phần vào các điểm 2.1, 2.2. (Ở bản đăng trên trang tapchisonghuong.com.vn 18-8-2009 thì là các con số “5-1984”. Chúng càng trở nên đẹp khi sánh với câu thơ đầu tiên và át chủ; ta hãy đọc lại: “Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054”). Tức là, bài thơ với “ba mươi hai câu” thơ ấy có cả thảy ba-mươi-lăm-dòng-thơ.

Thông thường, phần “phụ tùng” của một bài thơ rất dễ bị (và nhiều khi là được) những “mẫu nghi thiên hạ thơ” ở các tòa soạn ra tay sửa chữa, cắt gọt, thậm chí... liệng đi cho gọn! Tựa đề thì khỏi nói; dù sao cũng là đỉnh núi chứa tinh túy và chủ ý của toàn tác phẩm (Thật ra, tựa đề, nếu không là thành phần chính thì cũng không bao giờ là một thành phần phụ! Ở đây chỉ muốn khu biệt nó, cùng hai cái “phụ tùng” kia, với thân bài thơ). Nhưng còn lời đề tặng và địa điểm, thời gian hoàn thành, dường như ít được người đọc, người biên tập ngó tới khi thưởng thức, xem xét; thi thoảng có nhà phê bình để mắt khi cần tìm hiểu. Thế nên, không chỉ với bài “Những kỷ niệm tưởng tượng”, người viết xin được mạnh bạo cho rằng, với không ít thi phẩm, hai phần phụ đó có thể mang chở các thông tin hữu ích về nội hàm và ngoại vi thơ(3).

4. Thủ pháp kết hợp Đông-Tây

Biểu hiện thi ca qua các yếu tố văn hóa (từ phong tục ẩm thực “cùng nhau ăn thịt chó” tới sinh hoạt “làm búp bê cho em tôi chơi”), y tế (“các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời”) và cốt tử ở bài thơ này là yếu tố chiến tranh (“và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo/ bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...) của hai khu vực Đông-Tây, hai lãnh địa Á-Âu đã được diễn đạt không úp mở qua cả nội dung tư tưởng lẫn cấu trúc, hình tượng.

Mạnh hơn các thủ pháp khác, thủ pháp xóa nhòa không nhân nhượng mọi đường biên giới quốc gia, dân tộc, cá thể trong bài thơ đã làm rõ một nhân sinh quan phổ cập từng được nổi danh qua nhà thơ Nga Konstantin Simonov với “Nỗi đau này đâu chỉ của riêng ai”. Phải rồi, đó là của “chúng ta”, bởi đã “lớn lên cùng nhau”, “cùng nhau thấy...”, cùng nhau thấy....” và “cùng nhau thấy...”! Chúng ta - đó là Hollo Andras và Trương Đăng Dung, là Trần Anh Thái và Đỗ Quyên, là Sông Hương và phongdiep.net, là v.v... và v.v... Danh sách chủ thể và đối tượng thơ cứ kéo dài theo hành trình tiếp nhận. Nghệ thuật thơ là vậy!

5. Thủ pháp điểm rơi của bài thơ

Thiển nghĩ, không chỉ như nhà bình thơ đã nói - “Vào thời điểm ấy (1983), nếu được in ở ­­trong nước, bài thơ của ông sẽ thật độc đáo và lạ lẫm.” - mà ngay bây giờ, 2011, nó vẫn “độc đáo và lạ lẫm” về cách dẫn dắt thơ và về giọng điệu thơ, về thi ảnh và về thi phận. Tôi, và chắc là những ai đọc kĩ Trương Đăng Dung, chỉ ngạc nhiên khi mãi đến giờ ông mới cho ra tập thơ đầu đời, mà không hề ngạc nhiên khi bài này được làm tên của tập thơ: “Những kỷ niệm tưởng tượng”, NXB Thế giới, Hà Nội 2011 - một “điểm rơi” quan trọng của bài thơ. Và tin rằng tập thơ ấy chưa là điểm rơi cuối cùng của bài thơ.

Thi ca Việt Nam còn chưa qua cái thời né tránh hiện thực thô, thẳng; nên nếu đọc nhanh đọc đều bài “Những kỷ niệm tưởng tượng” giữa cả một dòng-thơ-thô-thẳng hôm nay, có lẽ ta sẽ dễ để trượt khỏi mắt mình cái Siêu lấp la lấp lánh từ cái Thực chói chang của tác phẩm. Sau lời kể của tác giả về sự ra đời của bài thơ (theo Trần Hoàng Thiên Kim; antgct.cand.com.vn 6-9-2011), tôi muốn được “tự thưởng” mình khi lặp lại các chữ viết từ hai năm trước: “cái Siêu lấp la lấp lánh từ cái Thực chói chang” là phương pháp của nghệ thuật Trương Đăng Dung.

Sau tập thơ nói trên, độc giả đang quen biết hơn với Trương Đăng Dung như một nhà thơ Việt Nam hiện đại đã tạo được phong cách riêng và mới, có thể gọi là suy tưởng bằng biểu tượng theo không gian và thời gian, trong các sáng tác ít về số lượng, thưa về cảm xúc và tĩnh về dụng ngôn - 3 yếu tố sau cùng có thể không quyết định sự thành thơ và thường là định vị nghề nghiệp. Thế nhưng bài thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” vẫn sẽ còn là một tác phẩm lạ lùng của thơ Việt Nam và của thơ thế giới đương đại. Nó có mặt ở nhiều tọa độ trong và ngoài thơ: Nối thế kỷ 20 và thế kỷ 21, về thi pháp sáng tạo. Nối hai bờ Đông-Tây, bằng truyền thống và hiện đại của mỗi xứ sở. Nối các sinh mạng trong thế gian bất hạnh của hạnh phúc, ­­bằng hiện thực của lãng mạn, bằng sự thật của tưởng tượng. Và, nối cái vô lý và cái hữu tình, trong tư tưởng nhân loại.

Ám ảnh là nguồn sống của thi ca.

Thay cho từng lời cám ơn nhà thơ Trương Đăng Dung, cám ơn nhà bình thơ Trần Anh Thái, cám ơn các diễn đàn thơ Hungary, Việt Nam: Tác Phẩm Mới, Sông Hươngphongdiep.net, mời tất cả chúng ta cùng có lời tổng cám ơn Nàng Thơ - mẫu nghi của thiên địa!

Vancouver, 23-10-2009 & 15-9-2011
Đ.Q
(SH275/1-12)

(TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG SỐ 275 – THÁNG 1/2012)



------------------------------------
(1) - Nhà thơ Argentina Javier Adúriz có quan niệm rằng thi sĩ phải viết ra những gì gây ấn tượng dai dẳng. Nhà văn Nguyễn Thành Long từng coi bất an là đặc trưng thể loại của truyện ngắn; Tôi thấy không chỉ rất đúng, ví như với truyện ngắn của Lỗ Tấn, Nguyễn Huy Thiệp, Daniil Kharms, v.v…, mà cả với một số tiểu thuyết (như của Albert Camus) và với tùy bút (Hoàng Phủ Ngọc Tường); và có lẽ vì thế bất an (angoisse) đã là tâm trạng làm nên triết học hiện sinh (J.-P. Sartre)?
(2) - Hollo Andras là nhà thơ Hungary, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Budapest năm 1977, là một trong những văn nghệ sĩ các nước XHCN cũ ở Đông Âu dành nhiều thiện cảm với Việt Nam. Tác giả Trương Đăng Dung đã học và nghiên cứu ở đó, là người dịch nhiều bài thơ của Andras ra tiếng Việt.
(3) - Người viết cũng đã lưu tâm tới ý nghĩa của các thành phần phụ trong một bài thơ, và xin khất ở dịp khác. Một ví dụ khá rõ cho “sức mạnh” của lời đề tặng là với bài thơ “Nếu” của Nguyễn Đức Tùng (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12515&rb=0101)

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

NHỮNG TỜ THIẾP CƯỚI





Những vuông giấy in màu xanh đỏ,
Gói trọn tin trong chữ “Thiếp mời”
Giờ kết tụ một gia đình nhỏ
Nơi niềm vui lại gặp niềm vui

Tôi đã gặp các anh các chị,
Trao thiếp cho tôi, mặt ngời ngời
Hạnh phúc làm họ thành thơ trẻ
Còn nói gì hơn một nụ cười

Người bạn tôi sau bao ngày vắng mặt ,
Vỗ vai tôi, trao chiếc thiếp mời
“Chuyện nhiều lắm, hôm nào kể lại,
Còn hôm này, quá bộ đến chơi”


Đôi bạn tôi, sau khi trao thiếp cưới ,
Ngồi chuyện trò không dứt cùng tôi
Tương lai sáng trên nền quá khứ
Nghe ngoài trời mây lặng lờ trôi ...

Một hôm, bạn gái thân thuở trước,
Chậm chạp trao tôi chiếc thiếp mời
Mặt ngoảnh đi giữa hai lần im lặng
“ Đến với bọn mình đấy, bạn ơi!”

Những vuông giấy in màu xanh đỏ ,
Theo gió, theo tay đến mọi nơi
Có ai hiểu những chữ gì trong đó
Đã đi qua bao giông bão cuộc đời!



30 tết Canh Thân
BàngHS

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

TÁO NHÂM THÌN

Giới thiệu một số tranh vui về Táo Nhâm Thìn đã được đăng trên Tuổi Trẻ cười xuân Nhâm Thìn.



Holly st

ỚT ĐÀ LẠT DỒN THỊT


Tết này, mâm cơm nhà bạn sẽ rực rỡ màu sắc hơn với món "Ớt Đà Lạt dồn thịt sốt tương cà". Mình xin hướng dẫn các bạn nhé:

Nguyên liệu:
- 3 quả ớt Đà Lạt cắt đôi
- 6 tai nấm đông cô
- 300g thịt heo xay
- 1 tách tương cà Heinz (có thể dùng cà chua tương bỏ hột, hoặc mua cà chua hộp)
- 1 thìa cà phê nước mắm
- 2 muỗng súp tỏi băm nhuyễn
- 2 muỗng súp hành băm nuyễn
- 1 quả trứng
- Muối, tiêu
Cách chế biền:
- Cho thịt heo xay, hành băm nhuyễn, nấm đông cô thái nhỏ, trứng, nước mắm và tiêu vào trong tô. Trộn đều hỗn hợp.
- Dồn hỗn hợp vào ớt Đà Lạt.
- Cho tỏi vào chảo và phi cho thơm. Thêm tương cà và nước mắm vào, để khoảng 5 phút cho hương vị hòa quyện, đặt sang 1 bên.
- Làm nóng dầu trong chảo không dính và chiên những phần ớt đã được dồn thịt.
- Đậy nắp chảo, nấu trên lửa nhỏ khoảng 15-20 phút
- gắp ra đĩa và đổ nước sốt lên ớt.
- Ăn nóng.
Chúc các bạn "trổ tài nấu nướng" và có một ngày tết vui vẻ bên gia đình.
XHai 10A st

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

TẾT ÔNG TÁO - TRUYỀN THUYẾT VÀ NGHI LỄ




TRUYỀN THUYẾT VỀ TÁO QUÂN



Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau: Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:


- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần


- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.



Truyền thuyết này thể hiện rất đậm nét trong sinh hoạt của người Việt. Trong bếp ngày xưa, thường có ba "ông đầu rau" - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn thứ ba. Và nhân dân có tục lệ thờ "hai ông một bà", ngày 23 tháng Chạp hàng năm làm "lễ Táo quân", "Tết ông Công ông Táo", "tiễn ông Táo lên chầu Trời"... Đây rất có thể là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa - một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc, tuy nhiên cách thể hiện ở mỗi nước một khác. Ví như ở Trung Quốc, từ thời cổ đại, Táo quân (còn được gọi là "Táo thần", "Táo vương", "ông Táo") đã được coi là một trong bảy vị thần đất được toàn dân cúng lễ. Nhưng nguồn gốc của Táo quân thì không nhất quán. Theo sách Hoài Nam Tử, Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp. Sách Lã Thị Xuân Thu lại coi Chúc Dung mới là thần quản lý lửa (do Viêm Đế mang tới) nên khi chết người dân thờ làm thần lửa. Còn sách Tây Dương tạp trở thì kể: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi...Chuyện truyền miệng của người Trung Quốc lại cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình (nhất là về những người đàn bà làm điều xấu); sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Đến ngày ấy, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo; đặc biệt có thêm cả nước và cỏ khô (cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời - khác với Táo quân của ta thì cưỡi cá chép lên trời).

Tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép về trời mà không phải các con vật khác?
Phong tục của người Việt, ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Trên bàn thờ có ba chiếc mũ mới bằng giấy: một màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên - tức hai ông, một bà - không có cỗ mặn, chỉ cúng hương hoa, sau có 3 con cá chép đang bơi trong chậu thau. 3 con cá chép có ý nghĩa làm "ngựa" để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.Sớm ngày 23 Tết, các bà nội trợ của mỗi gia đình đã xách túi ra chợ chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Táo quân. Một thứ không thể thiếu trong buổi đi chợ là cá chép.Cá Chép Vàng hay còn gọi là (Cá Chép Tiên) là một loài động vật sống ở trên Thiên Đình, hồi trước sống trên trời, do phạm phải lỗi, nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian để tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra. Sau khi tu hành có chính quả, thì cá Chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Còn Ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người, xem ai là người Thiện, người Ác.
Sau đó Ông Táo bay về Thiên Đình để tâu lên Thượng Đế những việc ở dưới trần gian Nhưng mà muốn bay lên Trời, thì Ông Táo phải nhờ đến cá Chép mới lên được.

Làm lễ cúng ông Công ông Táo tùy nếp từng nhà nhưng mâm cúng thường bao gồm:
- "Phục trang" của ông Công ông Táo.
- Ba con cá chép vàng (loại nhỏ để cúng), nhớ để vào cái bình cao cao kẻo cá nhảy ra ngoài. Tuy nhiên có nhà không cần cá sống vì đã có cá chép giấy thường bán kèm trong túi "phục trang". Nhà nào gần ao hồ, sông suối thì nên mua cá sống, cúng xong thì đem thả (nếu nhà có trẻ con, cho các cháu đi thả cá và giảng giải cho các cháu biết phong tục thì rất hay). Thả cá xong, xin nhớ đừng vứt túi ni-lông xuống sông hồ kẻo coi như là không những không được phúc phóng sinh mà còn bị vướng vào nghiệp sát sinh.


- Thịt lợn luộc: 1 miếng, thịt vai gáy. Nên đi chợ sớm mua thì được thịt tươi ngon

- Một món canh: canh măng với xương.
- Một món xào có rau.

- Một đĩa muối.

- Hoa quả vàng mã.

*Lập riêng bàn thờ cúng tiễn Táo Quân ở khu vực nhà bếp.


VĂN KHẤN LỄ ÔNG TÁO CHẦU TRỜI

Nam Mô A Di Đà Phật!
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân !
Tín chủ con là:.............
Ngụ tại:.......................Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh. Chúng con kính mời: Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám. Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái. Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.

Nguyễn Xuân Diện sưu tầm.

Ghi chú: Thưa chưa vị,
1. Nếu chư vị vẫn muốn đặt bàn thờ Ông Táo ở khu vực bàn thờ gia tiên thì cũng được, nhưng phải làm thành một mâm riêng, phân biệt mâm cúng gia tiên.
2. Sau ngày 23 tháng Chạp, thì các gia đình có thể tiến hành dọn bàn thờ (quét, đánh bóng các đồ thờ bằng đồng, lau rửa bát hương...), tỉa chân hương, hoặc thậm chí bỏ hết chân hương cũ. Nếu thay bát hương hoặc bàn thờ, xin đem đốt hoặc thả xuống sông lớn.
3. Ngày tiễn ông Táo, nhà nhà đều cúng bái, đốt hương, hóa mã...vậy xin bà con hết sức cảnh giác để tránh hỏa hoạn cho nhà mình và nhà hàng xóm. Vàng hương khi đốt xong, cần gom lại cho sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh cho môi trường.
4. Nếu nhà có trẻ con, nên giảng giải cho các cháu bé hiểu biết về phong tục cúng ông Táo.

http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/01/tet-ong-tao-truyen-thuyet-va-nghi-le.html

CHỮ PHÚC




Người Hà Nội của thế kỷ 21 với dư âm ngày Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ được nét tinh tế, hào hoa, thanh lịch với vẻ đẹp văn hóa thật đáng trân trọng.
Bên bức tường cổ Văn Miếu (Trường Đại học đầu tiên của Việt nam) những ông đồ già Thế Anh, Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách… cùng những đệ tử “Nhị thập bát tú” – 28 ngôi sao trẻ trung và thông thái sẵn sàng “hoa tay thảo những nét như rồng múa phượng bay” để người Hà Thành rước chữ về nhà, treo lên cao chiêm ngưỡng “thần tự” của người xưa để đối nhân xử thế trong cuộc sống phồng thịnh, văn minh, hiện đại ngày nay.PHÚC – LỘC – THỌ - AN – NINH – KHANG
Những thông điệp thật gọn như một cuốn thư để người đời sau mang về nhà trân trọng thành kính mở ra, ngồi đọc, suy ngẫm trong yên tĩnh, lắng đọng tiếp nhận những điều dạy bảo chí tình, chí nghĩa của tổ tiên.
Trong bộ tam đa từ xưa đến nay sự sắp đặt thứ tự như một niêm luật không thể thay đổi PHÚC – LỘC – THỌ
Chữ PHÚC luôn và mãi mãi đứng ở vị trí khởi nguồn.
Với một cấu trúc mã tự vuông vức đầy đặn, hoàn chỉnh, chữ PHÚC mang nghĩa Cát Tường, may mắn, tốt lành.
Bộ bên trái – Bộ ký – trông tựa một cây cổ thụ xum xuê cành lá, bao trùm, che chở. Bộ Ký mang hàm ý: Thần đất, sự phụng thờ. Bên phải là ba chữ ghép lại: chữ Nhất, chữ Khẩu và chữ Điền mang ý nghĩa: Điều may mắn nhất, điều sung sướng nhất, điều tốt lành nhất là con người được sinh ra trên đồng ruộng để cày cấy, gieo trồng có cái ăn cái mặc, để hưởng thụ, được nói, giao tiếp, học hỏi điều hay lẽ phải.






Vậy nên cứ Tết đến mọi người thường rước chữ PHÚC về nhà treo trước cửa để NGHÊNH XUÂN TIẾP PHÚC và kính mời “PHÚC ĐÁO GIA MÔN”, nhiều nhà còn treo chữ “NGŨ PHÚC LÂM MÔN”.
Ngày hôn lễ của lứa đôi, chữ “hạnh phúc” in đỏ tươi trong thiếp mời, treo rạng rỡ trên sảnh đường của phòng cưới.
Những điều tốt đẹp đến với con cái nhân gian thường nói “Phúc đức tại mẫu” để ghi nhớ công ơn của mẹ mà sống hiếu thảo.
Một dòng họ ăn nên làm ra, con cháu học hành đỗ đạt mọi người nhắc nhở nhau đấy chính là phúc ấm – phúc đức của tổ tiên ban cho, hãy tri ân.
Các cụ ông, cụ bà khỏe mạnh sống lâu, ngày thượng thọ con cháu dâng lên bức trướng:
“PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI
THỌ TỈ NAM SƠN”
Ngày đầu năm, bạn bè họ hàng gặp gỡ nhau, chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Đó chính là những lời chúc phúc.
Có thể nói chữ Phúc ẩn hiện vào mọi phương diện văn hóa đời sống con người ăn sâu vào tâm linh, đạo giáo.
Chữ Phúc luôn là mục tiêu tìm kiếm của con người. Vậy chữ Phúc từ đâu tới?
Cứu một người “PHÚC ĐẲNG HÀ SA”
Cuộc sống của con người trên trái đất là vô cùng quan trọng. Hãy bảo vệ cuộc sống. Cứu một người Phúc nhiều như cát trên sông vậy.
Có lẽ vì vậy, mọi sinh hoạt của con người đều hướng tới điều thiện. “Cứu người, làm phúc”, những hành động đi ngược với điều thiện đều bị lên án và trừng phạt.
Cuộc sống phải là bất diệt. Các hội chữ thập đỏ, hội từ thiện, quỹ vì người nghèo, giúp đỡ người khuyết tật xây nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiên tai được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn thế giới.
Chúng ta đang sống những năm đầu của thế kỷ 21 văn minh, hiện đại, nhưng cũng là một thế kỷ phải đối đầu với thảm họa môi trường cực kỳ gay gắt. Những trận động đất, cháy rừng, sạt lở núi, bão táp, lũ lụt, nóng nắng dữ dội, bão tuyết nặng nề xảy ra liên miên phá hoại cuộc sống bình an của trái đất.
Hơn lúc nào hết, mục tiêu lớn nhất của loài người lúc này là phải chung tay góp sức làm mọi việc để bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu những thảm họa thiên tai mà chính chúng ta đã vô tình hay hữu ý gây nên.
Chữ Phúc mà chúng ta tôn thờ trân trọng sẽ không đến với loài người nếu chúng ta không chung tay làm những điều thiện ích. Hãy cùng nhau cứu lấy trái đất để chữ Phúc là một ngôi sao tỏa sáng rạng ngời trên mặt đất, như niềm mơ ước: “PHÚC TINH CAO CHIẾU”.




Nguồn: Giáo dục và Thời đại

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

THÔNG BÁO 12/1/2012

MONG MỌI NGƯỜI CHÚ Ý


Vừa qua, có kẻ mạo danh bạn bè cùng khóa chúng ta đến chơi một số bạn trong khóa. Hơn 40 năm không gặp nhau, lại rất coi trong bạn bè thuở học trò nên có bạn (và cả người thân của các bạn đó)đã nhiệt tình giúp đỡ. Kẻ mạo danh đã lấy một ít tiền của các bạn chúng ta.
Blogers muốn qua chuyện này thông báo cho tất cả các bạn cần nâng cao cảnh giác, không để kẻ gian lợi dụng lòng tin. Nếu gặp chuyện tương tự, có thể "tương kế, tựu kế" để lột mặt nạ chúng. Chúng ta mong kẻ gian sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Thân
Bloggers

…….BÌNH CHÂN NHƯ VẠI

Cái bẫy chuột

(Dân trí) - Một con chuột nhòm qua kẽ tường xem người nông dân và vợ anh ta đang mở gói gì đó. “Không biết cái hộp đó chứa thức ăn gì nhỉ?” con chuột tò mò. Và rồi nó hoảng hốt nhận ra đó là cái bẫy chuột.

Chạy ra sân nông trang, con chuột loan báo: “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy nhé! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy nhé!”
Gà thấy vậy lục cục ậm ừ, ngẩng đầu lên bảo: “Ngài chuột ơi, tôi thấy đây quả là mối nguy cho ngài đấy, nhưng nó lại chẳng hề hấn gì với tôi. Tôi chẳng bận tâm về nó đâu”.
Chuột quay sang lợn bảo: “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy!”. Lợn tỏ ra thông cảm nhưng cũng bảo: “Tôi cũng rất tiếc, ngài chuột ạ. Nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện cả. Hãy cứ yên tâm là tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ngài”.
Chuột bèn quay sang bò cái bảo, “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy!”. Bò cái đáp: “Ồ, ngài chuột. Tôi lấy làm tiếc cho ngài lắm, nhưng điều đó chẳng liên quan gì tới tôi”.
Vậy là chuột lại quay vào trong nhà, gục đầu chán nản vô cùng khi phải một mình đối mặt với cái bẫy chuột của người nông dân.
Cho tới rất khuya đêm hôm đó, một âm thanh vang to khắp căn nhà, hệt như âm thanh khi cái bẫy sập được con mồi. Vợ người nông dân vội chạy tới xem con gì đã sập bẫy. Trong bóng tối, bà không thấy con rắn độc đã bị kẹp đuôi vào cái bẫy đó. Con rắn đớp ngay bà. Người nông dân vội vàng đưa vợ tới bệnh viện, khi trở về nhà, bà lên cơn sốt.
Ai cũng biết, người ta thường trị sốt bằng súp gà tươi, thế là người nông dân liền bắt con gà mái ghẹ để làm súp. Nhưng cơn sốt không dứt, vậy là bè bạn và hàng xóm tấp nập kéo tới thăm bà. Để mời họ ăn cơm, người nông dân đã giết thịt con lợn. Nhưng rồi vợ ông cũng không thể qua khỏi, bà chết. Có rất nhiều người đã tới viếng đám tang bà, và người nông dân lại phải tiếp tục mổ thịt con bò cái để có đủ thịt mời tất cả mọi người.
Con chuột buồn bã vô cùng khi chứng kiến tất cả những chuyện này qua kẽ tường.
Bạn thấy không, nếu lần tới, khi bạn nghe thấy ai đó nói rằng họ đang phải đối mặt với rắc rối nào đó và nghĩ rằng nó chẳng liên quan gì tới bạn, hãy nhớ tới câu chuyện này. Khi ai đó trong chúng ta bị đe dọa, tất cả chúng ta đều sẽ gặp nguy khốn. Bởi chúng ta đều liên đới với nhau trong một hành trình chung gọi là cuộc đời. Hãy để ý quan tâm tới nhau, giúp đỡ, khuyến khích nhau. Mỗi chúng ta chính là một sợi chỉ quan trọng trong tấm vải dệt của người khác.
Đỗ Dương(Theo Motivateus)

Chuyện Thật Xảy Ra ở Trung Quốc

Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô tài xế kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay, nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô tài xế tơi tả trở về xe để tiếp tục lên đường…
“ Này ông kia, ông xuống xe đi ! ” cô tài xế la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói:
“ Cô làm sao thế ? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à ? ”
“ Ông đã cứu tôi ? ”
Cô vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.

Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”
Cô gái nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói:
“ Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa !”
Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe.
Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ !”
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe.

Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút.
Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.
Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô tài xế :
“Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả ?”
Cô tài xế không nói tiếng nào nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài, rơi xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.
Trong thành phố, có một người đàn ông đọc bản tin trên báo đã khóc. !

Bloggers 10H st
(Lang thang trên mạng tình cờ tôi đọc được 2 bài viết này. Bài ‘’ Chuyện thật xảy ra ở TQ’’ không rõ nguồn từ đâu. Xin được chia sẻ cùng các bloggers K22) .

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

CHÓ TẬP YOGA.

5 năm trước đây nhiếp ảnh gia Dan Borris bắt đầu chụp những tấm hình đầu tiên về các chú chó tập Yoga. Đến bây giờ thì anh đã có hẳn một bộ ảnh về những chú chó của mình “chơi” môn nghệ thuật này.Ban đầu nhiếp ảnh gia Dan Borris gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo hình cho chó.Dần dần, các chú chó tập thuần thục hơn.












ĐHĐ St

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

THU XA ĐÔNG GẦN .



Mùa thu vừa đi xa…
Đã nghe chiều gọi nhớ
Những con đường lá đổ
Níu bước mình bâng khuâng

Hình như có vầng trăng
Ôm nỗi niềm xưa cũ
Đêm đêm nhòm song rủ
Về miền quê xa xôi

Rất êm ả mùa trôi
Gom đầy tay sắc nắng
Những cánh cò bình lặng
Chở năm tháng về xuôi

Có nghe không người ơi
Thoáng tiếng ai vừa gọi
Con đò hoài trông đợi
Có về khi đông sang…
13/10/2011
Thu Phong

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

1.1.2012


A.Puskin

Cầu trời phù hộ, bạn tôi ơi,
Trong mọi lo âu của cuộc đời,
Tiệc tùng phóng đãng tình thân hữu,
Trong cả tình yêu đẹp tuyệt vời!

Cầu trời phù hộ, bạn tôi ơi,
Trong lúc buồn đau bão mịt trời,
Trong hang đen tối lòng sâu đất
Và vùng xa lạ, giữa biển khơi.

19.10.1827

Nguồn : xuanhoanews
(XHoa 10H)

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

NIỀM VUI CỦA TÔI

Đây là năm đầu tiên sau 40 năm tôi được gặp lại các bạn K22 tại thành phố Hồ Chí Minh. Chắc các bạn thắc mắc "tôi ở xứ mô" mà giờ mới gặp. Thật tình tuy đã sống tại SG từ năm 1978, nhưng thông tin về trường chỉ thông qua "ban kèn đồng" ở Hà nội thôi. Mỗi lần đi công tác có dịp thì cũng gặp lại 1 số bạn cũ 10A. Có 1 lần (Năm 2010) H.Nam 10a đúng giờ ngọ có ĐT bảo tôi ra họp mặt cựu HS NTrãi, tôi đâu có biết các bạn đã nhóm họp cách đây rất lâu rồi và lại quá đông nữa chứ. Vì gọi giờ đó, tôi nghĩ 10a đâu có bao nhiêu người, nên đâu có ra gặp. Rồi thời gian trôi qua, ấn tượng về trường chắc chỉ là lơp 10a chúng tôi thôi. Tôi "ngoại giao" cũng dỡ, nên rất ngại gặp các bạn mình không quen.
Tháng trước tình cờ Phương Thu cưới con và 1 số bạn K22 cũng đến dự. Khác hẳn với suy nghĩ của tôi, các bạn cởi mở quá, gặp lần đầu nhưng như đã gặp nhau lâu rồi, thế là tôi chính thức ra nhập hội với các bạn.
Số tôi cũng hên, gặp lần đầu nhưng sinh nhật tôi lại đúng ngày đầu năm "cả thế giới ăn mừng" theo sáng kiến của bạn V.Thu, chúng tôi đã tổ chức 1 buổi sinh nhật thật ấn tượng "1 ông 2 bà". (Nhìn hình các bạn cũng thấy chúng tôi hạnh phúc như thế nào đúng không?) Bữa đó tôi lại được gặp và làm quen thêm với nhiều bạn mới như Châu, Thuần, D.Hồng và Cường từ HN vô.
Rất cám ơn các bạn đã có những sáng kiến thường xuyên tổ chức những buổi gặp nhau như vậy. Tuổi chúng mình hiện nay cần vui là chính. Rất mong năm nay kỷ niệm 40 năm xa trường các bạn tổ chức găp nhau nhé và cố gắng thông báo sớnm để còn chuẩn bị.
Nhân dịp năm mới xin chúc toàn thể các bạn có nhiều sức khỏe, vui và hạnh phúc bên con cháu. Chúc tất cả các bạn sinh nhật trong tháng 01, 2, và 3 tàn đầy hạnh phúc
Một lần nữa thay mặt 3 bạn Châu Học, xin cám ơn các bạn đã chúc mừng sinh nhật chúng mình.
XH

Những loại thực phẩm ngon nhưng… độc hại !

BS Lương Lễ Hoàng




Ăn là một trong những "thú vui" lớn nhất mà cuộc sống ban cho chúng ta, tuy nhiên, cần phải cảnh giác vì có rất nhiều loại thực phẩm khi được tiêu thụ với số lượng lớn hoặc đã để lâu, sẽ gây ra một số rối loạn với các cơ quan trong cơ thể con người.

1. Củ Sắn (khoai mì)



Là một loại củ có hình dạng thuôn dài, lõi màu trắng. Theo nhiều thống kê trên thế giới, sắn hiện là loại lương thực chính của hàng triệu người châu Phi, châu Mỹ và châu Á. Ở nhiều quốc gia thuộc các châu lục trên, sắn được làm thành bột để làm bánh mì, bánh mì ngô ở Mexico hoặc quẩy ở Cuba.
Bản thân loại thực phẩm này rất giàu carbonhydrate và cung cấp cho cơ thể các loại vitamin B,C; kali, magiê, canxi và sắt. Mặc dù có vẻ vô hại nhưng chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề khi ăn sắn sống. Sắn sống mang nồng độ cao chất xyanua, là nguyên nhân gây nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày và thậm chí dẫn tới tê liệt toàn thân, nếu kéo dài trong vài giờ sẽ dẫn tới tử vong.


2. Cá nóc



Tại Nhật Bản, các món ăn về loài cá này được coi là “cao lương mỹ vị” trong nền văn hóa ẩm thực của họ. Rất có khả năng các món ăn này tất ngon, nhưng không thể thưởng thức chúng ở bất cứ chỗ nào.
Để thưởng thức các món ăn về loài sinh vật biển này các vị đầu bếp phải thực hiện theo một loạt các bước nhất định trong quá trình nấu và phải rất cẩn thận trong việc chuẩn bị. Nguyên do là loài sinh vật này mang trong mình chất độc tetrodotoxin, là nguyên nhân chính gây ra chứng tê liệt một số bộ phận trên cơ thể con người, làm giảm huyết áp, tê liệt cơ bắp (chủ yếu là cơ hoành), gây khó thở, có thể dẫn đến trụy tim.


3. Nấm (có màu sắc tươi sáng)


Theo thống kê thì trên thế giới có hơn 1 triệu loại nấm, trong số đó chỉ có 70.000 loại đã các nhà chuyên gia nghiên cứu và xác định. Mặc dù có rất nhiều loại nấm được các đầu bếp sử dụng để bổ sung thêm hương vị cho các món ăn nhưng chúng ta phải biết loại nào có thể sử dụng, loại nào không.
Một số người cho rằng các loại nấm mang màu sắc tươi sáng là những loại có hại nhất, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Vì vậy, tốt nhất nên hỏi một chuyên gia về vấn đề này nếu chúng ta muốn tránh những vấn đề về tiêu hóa, buồn ngủ, sốt và nhịp tim nhanh.


4. Cá thu



Có lẽ đây là loại cá phổ biến nhất và được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Thịt cá thu rất giàu protein, vitamin, khoáng chất và omega-3, giúp ngăn ngừa các vấn đề về xơ vữa động mạch, chứng nghẽn mạch và bệnh tim.
Mặc dù thịt cá thu mang lại rất nhiều lợi ích nhưng thịt cá thu đóng hộp lại mang đến nhiều rủi ro hơn bạn nghĩ do có hàm lượng thủy ngân khá cao. Phụ nữ mang thai nên tránh loại thực phẩm này, nó có thể gây ra những tổn hại không thể phục hồi tới thai nhi.


5. Ớt



Đừng bao giờ nghĩ rằng “sự nguy hiểm” gặp phải khi ăn ớt chỉ là độ cay của nó. Nguyên nhân việc cái hương vị rất đặc trưng này hay làm bạn phải chảy nước mắt là trong mỗi quả ớt đều có chứa chất capxaixin, một chất hóa học mà với liều lượng lớn sẽ gây ra những vấn đề về tiêu hóa và trong nhiều trường hợp sẽ trở thành 1 loại độc tố. Ớt càng cay, chất Capsaicin càng nhiều.

===============================================

Canh chua bạc hà: Lợi hại khó lường!


Với chuyên gia trong ngành dinh dưỡng thì bạc hà - thành phần chủ yếu trong món canh chua, là món ăn làm tăng axit uric không kém gì uống... bia ! Ấy thế mà số người để ý đến “khe hở” này khi chẩn đoán và điều trị bệnh thống phong lại không nhiều.
Tác nhân gây nên chứng gout

Nhiều người nay đã hiểu phần nào về bệnh thống phong (bệnh gout) do tăng chất axit uric trong máu khiến khớp ngón chân, ngón tay bị sưng đau đến độ kêu trời không thấu. Đó là chưa kể đến hậu quả khác như gai cột sống, sỏi thận, bệnh ngoài da... hay thường gặp hơn nữa là tình trạng mệt mỏi, đau không ra đau, bệnh không hẳn bệnh. Cũng có nhiều người đã biết tại sao chất axit uric, một loại phế phẩm từ chuỗi phản ứng thoái biến chất đạm thuộc nhóm purin, lại tăng cao trong máu rồi. Vì không được bài tiết kịp thời và đúng mức nên kết tủa trong khớp, trên đường tiết niệu, dưới da... làm khổ bệnh nhân, như trong trường hợp của những người:

* Hoại huyết như sau cơn sốt rét, sau lần chấn thương

* Ăn quá nhiều chất đạm từ lòng heo, da gà, cá mòi, lạp xưởng...

* Uống quá ít nước lại thêm thói quen nín tiểu trong giờ làm việc

* Bị bệnh biến dưỡng như tiểu đường, cường tuyến giáp...

* Lạm dụng dược phẩm như thuốc cảm, thuốc corticoid...

* Có bệnh trên đường tiết niệu như phì đại tiền liệt tuyến, viêm bàng quang...

* Lạm dụng rượu bia.
Nhưng không phải ai cũng rõ là axit uric có thể tăng cao, thậm chí tăng rất cao ngay cả ở người không phạm vào các “trường quy” vừa kể.
Những kết quả vừa cập nhật

Từ nhận xét là không ít bệnh nhân bị tăng axit uric thấy rõ nhưng không hề uống bia, cũng không lạm dụng thịt mỡ, chúng tôi đã tiến hành một số khảo sát lâm sàng với kết quả như sau:

Trong số 20 người tuy cũng có thói quen ăn canh chua nhưng là canh chua măng, hay canh chua lá giang, thay vì bạc hà, thì tỷ lệ tăng axit uric trong máu chỉ là 15%.

Trong số 50 đối tượng có lượng axit uric trong máu cao hơn 7,5 mol (định mức sinh lý tối đa là 5,5 mol) nhưng không uống bia, không lạm dụng thịt mỡ, có 13 người ăn canh chua mỗi tuần tối thiểu 2 lần. Số còn lại, 37 đối tượng, đều có canh chua trong khẩu phần mỗi tuần tối thiểu 4 lần!

Phân tích tiền sử bệnh cho thấy 7 trong 10 trường hợp lên cơn đau như đau cắt ngang khớp kèm theo triệu chứng sưng nóng đỏ xảy ra sau một bữa cơm có canh chua bạc hà.

Trong nhóm thử nghiệm với 30 người có thói quen uống bia và đã bị bệnh gout với xét nghiệm sinh hoá rõ rệt, tất cả đối tượng thường có món canh chua bạc hà trong bữa ăn đều có hàm lượng acid uric cao hơn nhóm không mạnh miệng với món này.

Trị số xét nghiệm của 14 trong số 20 người trước đó có lượng axit uric trong máu trong khoảng 6,5 đến 7,5 mol trở lại bình thường sau hai tuần không ăn canh chua bạc hà mà không cần dùng thuốc.

Trên hai nhóm thử nghiệm trong 10 ngày liên tục, mỗi nhóm với hai mươi đối tượng đều được điều trị bằng Zyloric 200 x 2 viên/ngày, có thể giảm thiểu đến phân nửa lượng thuốc hàng ngày trên nhóm cữ canh chua bạc hà nhưng hiệu năng vẫn tương đồng với nhóm đối chiếu có món canh chua một lần mỗi 2 ngày.

Hai tháng sau khi đã điều trị ổn định, khi kiểm soát lượng axit uric trong máu cho thấy hiện tượng tái phát chỉ xảy ra ở 7 trong số 30 bệnh nhân ăn canh chua bạc hà một cách tiết độ theo kiểu mỗi tuần 1 lần mà thôi.

Lời kết :
Canh chua bạc hà rõ ràng là món ăn có mối liên hệ mật thiết với tình trạng tăng axit uric trong máu.

Nhưng nếu phải kiêng món canh chua bạc hà cá bông lau với vị ngọt, chua, cay pha trộn độc đáo thì thà đừng là người... Việt! Ăn món canh chua mà loại bỏ bạc hà thì thà chọn món khác còn hơn! Nhưng chủ động giảm bớt số lần có món canh chua bạc hà trên bàn ăn nếu đã bị bệnh gout, hay khi lượng axit uric đã mấp mé giới hạn bệnh lý, là quyết định vừa chính xác vừa khôn khéo. Nhờ đó bạn vẫn còn cơ hội thưởng thức món canh chua, thay vì đến lúc nào đó vừa phải nhịn đến phát thèm vừa tốn tiền mua thuốc rồi sinh thêm bệnh... tức cành hông!



Binh Doan st