Thái Hòa(9H+10G) sưu tầm.
Trước hêt, cuốn sách mang một tít đề rất mạnh có khả năng kích thích sự tò mò của lớp trẻ: “Sát thủ đầu mưng mủ”-Thành ngữ sành điệu.
Để có được cách nhìn khách quan, việc đầu tiên phải chú ý là cần xem xét cuốn sách này từ góc độ ngôn ngữ học. Vì đã là thành ngữ thì việc đầu tiên là phải khảo sát về cách tổ chức ngôn ngữ. Thành ngữ là cụm từ cố định, có hình ảnh, vần điệu, dễ nhớ và dễ thuộc. Vì thế nó rất dễ đi vào nhận thức của học sinh cả về thói quen mang tính chất quán tính và cả bằng nhận thức. Nhưng để đạt được yêu cầu của một thành ngữ thật sự thì nó lại đòi hỏi phải hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết.
Về mặt cảm giác, tên cuốn sách mới nghe rất kiếm hiệp, được giới thiệu là cuốn “thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Đó là theo cách nói của Nhà xuất bản Mỹ thuật, còn nó có phải là thành ngữ hay không thì phải bàn. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý là, sau khi cuốn sách này được tung ra một thời gian thì nhiều dư luận trái chiều đã xảy ra. Một số người, trong đó có các nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học phê phán hết sức gay gắt, thậm chí có người còn cho là sản phẩm độc hại làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Trong khi đó, có không ít người lại tỏ ra thích thú và đánh giá đó là cuốn sách “độc đáo” và “ rất hay”. Giáo sư Văn Như Cương, với cương vị là nhà giáo lão thành và là nhà Quản lý Giáo dục cũng coi đó là cuốn sách thú vị, hấp dẫn, vì nó biểu hiện sự thông minh trong cách dùng tiếng Việt. Nhiều giáo viên ở các trường phổ thông lại tỏ ra lúng túng, hoang mang khi gặp các câu hỏi của học sinh về ý nghĩa của các “thành ngữ” trong cuốn sách này cũng như sự phê phán khá quyết liệt về nó.
Về phương diện ngôn ngữ học chúng tôi quả quyết khẳng định rằng, đây chưa phải là cuốn “thành ngữ” theo đúng ý nghĩa khoa học của nó. Đây là một tập hợp các câu nói được giới trẻ thường dùng trong hoạt động giao tiếp như là biểu hiện của tính Thời thượng trong sử dụng ngôn từ. Trong đó, có nhiều câu được tạo ra theo kiểu “vần vè” nhằm cố định hóa một cụm từ với mục đích cho “vui miệng” là chính. Ngoài ra, gần phân nửa trong tập sách là những câu mang phẩm chất thành ngữ thực sự, hoặc mang dáng dấp của thành ngữ, nhưng đó không phải là các thành ngữ hoàn toàn mới do lớp trẻ sáng tạo. Hầu hết đó là những câu thành ngữ đã có sẵn trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, nay được tái tạo theo phương thức “bình cũ rượu mới”. Nó hàm chứa một số thông tin về đạo đức, lối sống hiện đại… được diễn tả theo cách nói bóng bảy mà ta vẫn gọi là cách nói hình tượng. Đọc kỹ sẽ thấy có nhiều điều cần suy ngẫm.
Nếu nhìn nhận cuốn sách như là một hiện tượng văn hóa thì nội dung của nó phản ánh đúng một thực trạng xã hội hiện nay. Đó là sự hỗn tạp và xâm nhập lẫn nhau giữa vẻ đẹp của văn hóa, ngôn ngữ truyền thống với sự lai căng, chắp vá của văn hóa, ngôn ngữ thực dụng, đa màu sắc được hình thành dưới thời kinh tế thị trường. Ở đó, có sự xâm nhập đan xen giữa giữa tư duy khái quát mang tính bác học, với tư duy một chiều, phiến diện, mang tính hiện tượng học chủ nghĩa. Như vậy, thực chất “Sát thủ đầu mưng mủ” có những đặc điểm ngôn ngữ và nội dung xã hội được hình thành theo ba cách cơ bản.
1.Cách thứ nhất. Người nói định nghĩa sự vật, hiện tượng, tính chất… theo sự ngẫu hứng, tùy tiện. Nguyên tắc dùng cho việc cố định hóa cụm từ là phép hòa âm, nói lái và ghép vần. Trong đó, ghép vần được sử dụng nhiều hơn cả. Ví dụ Thanh kiu vi na miu; Đẹp trai nhưng hai phai; Dã man con ngan; Đau sờ cau; Chán như con gián; Bét nhè con gà què; Lạnh lùng con thạch sùng; Đuối như trái chuối; Già như quả cà; Bó tay con gà quay…Những câu kiểu này được hình thành do người nói tận dụng đặc điểm của tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, phân tích tính, trong đó từ là đơn vị trùng với âm tiết và cấu tạo âm tiết có đặc tính là : phần vần và phụ âm đầu kết hợp với nhau một cách lỏng lẻo, dễ tháo rời. Chính vì vậy, dùng tên gọi của một sự vật, hiện tượng, tính chất nào đó có thể ghép với một cụm từ bất kỳ nếu âm tiết cuối của cụm từ này “hiệp vần” với âm tiết cuối của tên gọi đã nêu thì có thể tạo ra ngay được một cụm từ có tính cố định về hình thức, mặc dù nội dung của nó không có ý nghĩa gì cả (như các ví dụ vừa dẫn). Những lối nói này chủ yếu để “gây cười” mang tính giải trí là chính chứ không nhằm phản ánh quá trình nhận thức. Tuy nhiên, cũng có một số câu đã bắt đầu mang dáng dấp của thành ngữ nhờ nó mang một ý nghĩa nhất định hoặc có khả năng gợi ra một hình ảnh nào đó. Ví dụ: Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm;Hồn nhiên như cô tiên; …Tất nhiên, với một số trường hợp, nếu lạm dụng quá sẽ làm mất đi sự tinh túy và vẻ đẹp trong sáng của thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Thậm chí, trong một vài văn cảnh, nó còn xúc phạm tới điều thiêng liêng về các nhân vật có ý nghĩa lịch sử ( Vd: Được voi đòi hai Bà Trưng ).
2.Cách thứ hai. Người nói cố tình sáng tạo lại các cách nói dân gian nhằm phản ánh những nhận thức mới về sự vật, hiện tượng hay quá trình. Đây là cách sáng tạo ngôn ngữ theo phương thức “bình cũ rượu mới”. Nghĩa là, người nói dùng một biểu thức ngôn ngữ đã có (như thành ngữ, tục ngữ, ca dao) nhưng thay đổi đi một hay vài từ nhằm phản ánh những hiện tượng mới xuất hiện trong cuộc sống hiện đại. Có thể coi đây là các thành ngữ, tục ngữ mới.Ví dụ:Thất bại vì ngại thành công; Đầu to óc bằng quả nho;Thuận vợ thuận chồng…con đông mệt qúa; Cái khó ló cái ngu; Khôn như con chồn…
Về nguyên tắc, cách này không phủ định các thành ngữ, tục ngữ cũ mà bổ sung, làm giàu có thêm khả năng biểu đạt của tiếng Việt. Ví dụ, từ câu thành ngữ “ Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, người nói thay chữ “không” bằng chữ “được” để tạo ra thành ngữ “ Một con ngựa đau cả tàu được ăn cỏ”. Nếu xét kỹ sẽ thấy đây là một câu thành ngữ có tính tích cực, nhằm phê phán một thực trạng xã hội đã từng được báo chí phản ánh khá nhiều. Đó là tình trạng ở nhiều Công ty cán bộ quản lý tham nhũng dẫn đến hậu quả là Giám đốc hay Tổng Giám đốc vào tù. Đó là một nỗi đau. Nhưng nhờ đó mà quyền lợi của nhiều mới không bị mất ( cả tàu được ăn thêm cỏ). Như thế, sự xuất hiện của câu thành ngữ mới này không hề làm triệt tiêu câu thành ngữ cũ có nội dung phản ánh quan niệm về tình yêu thương đồng loại, đùm bọc lẫn nhau vốn được coi là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ý nghĩa của câu thành ngữ mới được tái tạo từ câu thành ngũ cũ là rất cập nhật, bộc lộ trí thông minh và tính hiện đại trong tư duy. Tương tự như vậy, có một số câu kiểu: “Một điều nhịn là chín điều nhục”. Về mặt ý nghĩa, nó tương phản với câu thành ngữ cũ “Một điều nhịn là chin điều lành”. Tuy nhiên, xét theo góc độ triết học thì sự xuất hiện của câu thành ngữ mới chính là sự bổ sung rất cần thiết nhằm phản ánh tính biện chứng trong tư duy. Đọc câu này, người đọc có thể liên hệ tới câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa…”. Rõ ràng, nếu nhìn nhận một cách phiến diện thì có thể cho rằng câu thành ngữ này có tính tiêu cực vì nó ngược nghĩa với câu thành ngữ cũ. Song, xem xét một cách toàn diện, chúng ta sẽ nhận thấy, trong kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ của tiếng Việt có không ít các câu nói mang nội dung trái ngược nhau lại có giá trị phản ánh tính hoàn chỉnh trong tư duy người Việt. Ví dụ: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng; mực thẳng mất lòng gỗ queo…
Cách thứ 3. Người nói tạo ra những câu hoàn toàn mới dựa trên những qui luật chung của tiếng Việt. Nó có thể tồn tại dưới hình thức của một câu ca dao, hoặc một cụm từ cố định.Ví dụ: Sáng soi, trưa đánh, chiều chờ, Cầm tờ kết quả cứ đờ mặt ra; Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn. Đây là các câu ca dao hiện đại phản ánh tâm trạng của mấy anh chơi đề hay chơi sổ số và tâm trạng của con người bị dồn đến đường tận cùng của số phận. Ý nghĩa của nó hoàn toàn có tính tích cực là nhằm phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, số câu cấu tạo theo mô hình của ca dao không nhiều, chủ yếu vẫn là các câu được cấu tạo theo hình thức của một cụm từ cố định. Ví dụ: Tiền không thiếu,chủ yếu là thái độ; Tiền thì anh không thiếu, nhiều thì anh không có; Miệt mài quay tay, vận may sẽ đến( nói về việc tham dự trò chơi”Chiếc nón kỳ diệu” trên VTV3);Phi công trẻ lái máy bay bà gìai; Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên( Trên thực tế còn có câu: Trình độ có hạn, thủ đoạn vô biên); Xấu nhưng biết phấn đấu, Xấu xí còn gây chú ý;Chết vì tình là cái chết bất thình lình; Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối; Sống đơn giản cho đời thanh thản; Xấu nhưng kết cấu nó đẹp;Không phải chú dốt, chỉ vì mẹ chú quên cho I ốt vào canh…Không phải băn khoăn gì, có thể khẳng định đây là những câu nói rất hay thể hiện trí thông minh, sắc sảo, sáng tạo tuyệt vời của người Việt trong việc sử dụng ngôn ngữ với tính cách là một công cụ nhằm biểu đạt mọi hoạt động của tư duy. Cần xếp những câu này vào thành ngữ tiếng Việt hiện đại vì nó chẳng những hay về mặt hình thức mà con rất có giá trị về ý nghĩa, về nội dung xã hội, kịp thời biểu dương cái tốt, tích cực phê phán cái xấu. Chẳng hạn, câuNhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên là câu được hình thành để phê phán những vụ gian lận trong các cuộc thi “người đẹp” đã từng được báo chí phanh phui. CâuYêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối là câu thành ngữ phê phán thói đạo đức giả trong xã hội hiện nay: Bên ngoài thì ngọt nhạt yêu nhau nhưng sau lưng thì đánh nhau chí mạng…
Như vậy, nếu nhìn nhận toàn diện và khách quan, “Sát thủ đầu mưng mủ” là một cuốn sách công cụ, giúp người đọc có thể nắm bắt được các hiện tượng ngôn ngữ sống động đang được giới trẻ ưa dùng hiện nay. Nó là một cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ trong cảm xúc người đọc nhờ tính độc đáo trong sử dụng từ ngữ và cách minh họa dí dỏm bằng tranh . Về bản chất, nó không phải là một sản phẩm độc hại như một số người nhận định. Nếu tác giả-người sưu tầm và Nhà xuất bản biết chọn lọc, gạt bớt đi những câu “vần vè” nhưng vô nghĩa, chỉ phục vụ cho giải trí thuần túy thì phần còn lại của cuốn sách là một sản phẩm rất có giá trị đối với việc giữ gìn sự trong sáng và phát huy khả năng biểu đạt vô cùng phong phú của tiếng Việt./.
Ngọc Thủy st