Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Mùa Thu Nhớ Bạn



Mùa Thu Nhớ Bạn
Đoàn Thanh Liêm

Mùa Thu chợt đến - lòng man mác
Nhớ Hà nội xưa - thuở thiếu thời
Bạn bè năm ấy – giờ đâu nhỉ?
Kẻ vắng người còn – dạ khó nguôi!


ĐĐH st

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Giai điệu thơ Tiệp Khắc
trong lòng Việt Nam

(Lời bạt Tuyển tập thơ Séc & Slovakia 
của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng)


Nếu như mỗi bài thơ đã là một định nghĩa về thơ
thì liệu mỗi bản dịch không chỉ định nghĩa lại mà còn là một định nghĩa khác về thơ?
(Đ.Q.)


Hai chữ “Tiệp Khắc” thân quen

Thay cho “Séc và Slovakia”, tôi dùng chữ cũ “Tiệp Khắc”. Hai chữ hết đỗi thân quen và tự hào của cái thuở ban đầu 60 năm trước cho tới thời hoàng kim trong giao lưu văn hóa, chính trị và xã hội giữa hai đất nước Việt Nam và Tiệp Khắc những năm 1980. Đó cũng là tuổi đời, là đoạn đời đẹp nhất mà Nàng thơ Tiệp Khắc dành cho người dịch và biên soạn cuốn Tuyển tập thơ Séc & Slovakia([1]).
Bia Tiệp; Pha lê Tiệp; và Hiến chương 77 - Cách mạng Nhung 1989 - Tổng thống Václav Đó là 3 hình ảnh đầu tiên về Tiệp Khắc trong thời đương đại. Với văn nghệ sĩ,, còn là Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary; là Antonín Dvořák - nhà soạn nhạc quan trọng nhất của mọi thời kỳ, có tác phẩm From the new world từng theo những bước chân đầu tiên của loài người chinh phục Mặt trăng; là Franz Kafka - nhà văn gốc Do Thái, người tạo nguồn cho chủ nghĩa Hiện sinh; là Milan Kundera - nhà văn nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc hiện đại; và là Jaroslav Seifert - công dân Tiệp Khắc đầu tiên với tư cách nhà thơ đoạt Giải Nobel về Văn học năm 1984. Thật tự hào cho 18 triệu chủ nhân của 2 ngôn ngữ Séc và Slovak trên toàn thế giới.
Trong hàng ngũ các Đặc sứ Nàng thơ Đông Âu & Nga đang xuất hiện trở lại Việt Nam vào các năm qua như Tạ Minh Châu của Ba Lan, Thụy Anh của Nga, Nguyễn Hồng Nhung của Hungary, Phạm Kỳ Đăng của Đức… đang có thêm Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng của Tiệp Khắc.

Dịch giả Việt-Tiệp

Tự bản chất, mỗi bài thơ đã là một đơn vị nhiều ý nghĩa; ngay trong cùng một văn hóa, một ngôn ngữ cũng đã có nhiều cách hiểu một bài thơ. Do vậy, việc dịch thơ thường bị coi là bất khả thi. Nhưng cũng tự bản chất, như một yếu tố văn hóa, thi ca có tính giao lưu; mà dịch thuật chỉ như một cái giếng lộ thiên cho các dân tộc khác tới cùng hân hưởng nguồn-thơ của dân-tộc-nguồn. Ai sẽ là người đào giếng, khơi mạch nước ngầm? Chính là các dịch giả tri âm tri kỷ. Bao đời nay, giữa thế giới thi ca nhân loại, hàng ngàn dòng thơ đã được hiển lộ trong ánh mắt của những kẻ yêu thơ ở mọi vùng đất nước rất xa khác nhau.
Giờ đây, dường như lần đầu tiên, đang tới với bạn đọc tiếng Việt là một tuyển dịch hệ thống và cụ thể dòng thơ Séc - Slovakia từ cuối thế kỷ 19 đến nay, qua chừng 40 tác giả tiêu biểu với gần 150 bài thơ.

Trước Do.honza Việt Dũng, ít thấy người dịch tiếng Việt chuyên tâm dịch thơ và giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp các thi sĩ Tiệp Khắc. Nếu có, chỉ với một số ít tác giả nổi tiếng (như J. Neruda, V. Nezval) được “quá giang” trong một tuyển chọn nào đó về thơ thế giới. Hai thập niên nay, theo chúng tôi được biết, có 2 dịch giả nối tiếng và chuyên nghiệp đã là chủ nhân của 4 “bộ sưu tập” tiếng Việt cho thơ Tiệp hiện đại: đó là Dương Tất Từ - chuyên gia dịch văn học Tiệp từ 40 năm nay, và Diễm Châu - nhà thơ kiêm dịch giả tiếng Pháp của hàng chục dòng thơ trên thế giới, trong đó có thơ Tiệp Khắc.([2])

Do.honza vốn không phải là dịch giả chuyên nghiệp, chỉ vừa chính thức gia nhập làng văn Việt Nam vài năm nay. Nhưng việc dịch thơ Tiệp Khắc trong anh lặng lẽ cả chục năm rồi, với lòng yêu đất nước, văn hóa và con người Tiệp Khắc mê đắm. Vị Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Martin Klepetko từng nói: “Gọi Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng là người Việt hay người Czech đều được.”
Đọc dịch phẩm này, chúng ta thấy văn hóa và thi ca Séc đã vào anh sâu, nhuyễn. Lời ý thơ được chuyển dịch trầm bổng bám theo nhịp điệu thơ Việt mà vẫn du dương dẫn bạn đọc đến tinh thần của nguyên bản. Vì người dịch chủ trương phá thi điệu thơ Séc nên độc giả hay gặp phải các chỗ bí vần thơ Việt. Để khắc phục điểm yếu tất yếu đó, Do.honza như đã tìm ra sự thông đồng giữa hai ngôn ngữ Việt-Séc vốn rất khác nhau về gốc gác, cũng như sự giao thoa giữa hai tình cảm dân tộc vốn không trùng nhau về phong độ. Anh đã khiến chúng ta cảm nhận được thơ Tiệp Khắc trong từng tác giả, trào lưu, thời kỳ. Ở đây, điểm nhìn của người dịch không thuần túy từ một người Việt rành tiếng Tiệp. Đọc một vài bài hay toàn tập sách này, có thể ai đó khác thị hiếu hoặc khắt khe khi thẩm định thơ chuyển ngữ, song tôi tin là họ đã thấy vẻ đẹp và sự ẩn mật của cái gọi là thi ca.
Trên bình diện quốc gia, Tuyển tập đang làm cho hai Nàng thơ của hai đất nước trở thành bạn hữu thật sự. Đang mang tới các bạn yêu thơ, những người làm thơ và quan tâm đến thơ, trong đó có tôi, một địa chỉ đầy ý nghĩa về văn hóa và hữu ích về nền thơ Tiệp Khắc trong 100 năm qua.

Nhân ngày 2/9 vừa qua trên truyền hình VTV4 vị Phó Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Karel Šrol cho biết bản thân ông và Bộ ngoại giao Séc trong khi theo dõi văn hóa Việt-Séc chưa thấy ai vừa đủ tiếng Séc lại có khả năng thơ hòa nhập đến thế. Và như trong bài tựa cho cuốn sách, nhà nghiên cứu Việt học Ondřej Slówik Nam nhận định: “Quyển sách Tuyển tập thơ Séc & Slovakia do bác Honza dịch là một tác phẩm rất đặc biệt tổng quát thơ ca bằng tiếng Tiệp từ thế kỷ 19 đến nay. Kể tới bây giờ, chưa bao giờ có người Việt nào dịch thơ Tiệp kỹ như thế này.”

Trong bài bạt cho một tuyển dịch khác, chúng tôi đã mạn phép đề xuất một loại barem dịch thơ: “Nếu dùng ba tiêu chí Tín, Đạt, Nhã từng rất thân thuộc và khả dụng trong dịch thuật, nhưng theo hai hướng đi ngang và đi lên Tín --> Đạt --> Nhã, ta tạm cho rằng: Tín là đúng nội dung và văn bản của bài thơ cùng phong cách, ngôn ngữ của nhà thơ (Tín: 6-7 điểm). Đạt là truyền thi cảm và chuyển hóa ít nhiều nhịp điệu (Tín + Đạt: 7-8 điểm). Nhã là như một tác phẩm thơ của ngôn ngữ đích (Tín + Đạt + Nhã: 9-10 điểm).”
Theo cách đó, và dù không có khả năng đọc nguyên tác tiếng Séc - Slovak, chúng ta có thể cho rằng người chuyển ngữ Do.honza đã chọn cách dịch Tín mà vươn tới Đạt trong sự cố gắng rất cao để có Nhã. Hầu hết các bản dịch trong tuyển tập đều có nội dung của vấn đề thơ và đạt tính thơ về nghệ thuật.

Như vậy, Tuyển tập thơ Séc & Slovakia là ấn phẩm nhiều ích lợi. Hữu ích là tiêu chuẩn cao nhất cho các tác phẩm tuyển chọn.

“Các nhà thơ - chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi.”

Đó là quan điểm của J. Seifert từng sáng rõ trong Diễn từ Nobel Văn chương 1984([3]). Chúng tôi xin trích dẫn hơi dài, bởi khó có thể ngắn hơn nếu muốn hiểu người Séc nói về mình, về thơ ra sao:

“Nhiều người, nhất là người nước ngoài, thường hỏi tôi: làm sao có thể giải thích tình yêu lớn lao mà dân tộc chúng tôi dành cho thơ ca; làm sao ở chúng tôi có thể tồn tại không chỉ lòng quan tâm đến thơ ca, mà là cả một nhu cầu đối với thơ ca. Có lẽ, chỉ có thể giải thích rằng đồng bào tôi có một năng lực hiểu thơ ca lớn hơn bất cứ dân tộc nào khác. Theo tôi nghĩ, đó là một hệ quả của lịch sử dân tộc Séc chúng tôi trong suốt 400 năm qua, và đặc biệt là sự phục sinh dân tộc của chúng tôi vào đầu thế kỷ 19. Việc mất độc lập về chính trị trong thời kỳ Chiến tranh ba mươi năm đã khiến dân tộc chúng tôi bị mai một thành phần tinh hoa nhất về tinh thần và chính trị của mình.”
“Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 19, cuộc Cách mạng Pháp và thời kỳ Lãng mạn đã khai mở trong chúng tôi những nguồn xung lực mới, khiến dân tộc tôi một lần nữa lại quan tâm đến những lý tưởng dân chủ, đến ngôn ngữ và văn hóa của mình.”; “Thơ ca là một trong những thể loại văn học đầu tiên của chúng tôi được hồi sinh.”;

“Ðiều đó giải thích sự tôn sùng ở nước tôi đối với thơ, và uy thế cao vời mà suốt trong thế kỷ trước người ta vẫn gán cho thơ. Nhưng không phải chỉ trong thế kỷ trước thơ mới đóng vai trò quan trọng. Thơ cũng nở rộ huy hoàng cả vào đầu thế kỷ này và trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, qua đó trở thành phương thức quan trọng nhất để biểu hiện nền văn hóa dân tộc của chúng tôi trong Thế chiến thứ hai, thời kỳ mà nhân dân chịu nhiều thống khổ và chính vận mệnh dân tộc chúng tôi ngàn cân treo sợi tóc.
Mặc cho mọi hạn chế từ bên ngoài, mặc mọi thứ kiểm duyệt, thơ đã thành công trong việc tạo lập những giá trị mang đến cho con người niềm hy vọng và sức mạnh. Cả sau chiến tranh - 40 năm trở lại đây - cũng vậy, thơ chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa ở nước tôi. Dường như sứ mệnh tiền định của thơ, thơ trữ tình không chỉ là nói với con người một cách gần gũi nhất, một cách thân thiết đến cùng cực, mà còn là nơi ẩn náu sâu thẳm và an toàn nhất của chúng tôi, nơi chúng tôi tìm sự cứu rỗi trong những nghịch cảnh mà thậm chí đôi khi chúng tôi không dám tìm tên gọi.”;

“Các nhà thơ, các nhà trữ tình chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi, nói lên khát vọng dân tộc của chúng tôi trong những thời đại đã qua và vẫn đang tiếp tục định hình ý thức đó cho mãi đến ngày nay. Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của các nhà thơ.”

Người Việt, thơ Việt - hơn ai hết, hơn gì hết - rất đáng ký tên chung dưới những dòng chữ máu và hoa đó!

Các khuynh hướng thơ Tiệp Khắc

Trong Tuyển tập có gần đủ các trường phái, trào lưu trong sáng tạo nghệ thuật thơ hiện đại thế giới: Lãng mạn, Tượng trưng, Hiện thực, Siêu thực, Hiện sinh, Vô sản, Hiện thực xã hội chủ nghĩa… Cho dù đa số các tác phẩm được chọn mang giai điệu trữ tình và dịu dàng tưởng như thuần cổ điển. Cho dù với một số tác giả ở hẳn trong các khuynh hướng siêu thực, tượng trưng nhưng cũng được chọn các tác phẩm và được diễn dịch “trữ tình hóa” theo phong cách truyền thống vốn là sở trường của người dịch.
Khác hẳn với thơ Mỹ - Canada, với sự tiến triển đều đặn của mình thơ châu Âu từ cuối thế kỷ 19 đến nay là loại thơ dễ đọc với độc giả Việt Nam vốn từng tiếp nhận trực tiếp thơ hiện đại từ “lò” thơ Pháp. Thơ Tiệp Khắc là tiêu biểu của nền thơ châu Âu trong vẻ thân thiện về tư duy và đậm cảm xúc về ý niệm.

Phần tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp văn học của các tác giả được trình bày kỹ càng, đa dạng. Cả về dung lượng lẫn nội dung đều có thể xem như phần độc lập của cuốn sách. Có không ít tiểu sử tác giả (như O. Březina, J. Neruda, K. Hlaváček) được giới thiệu như các bài tổng quan xinh xinh. Gần 40 chân dung thơ là cả xã hội, chính trị, văn hóa Tiệp Khắc trong một thế kỷ được thu nhỏ.

Qua Tuyển tập, độc giả thấy nổi trội nhất là dòng thơ trữ tình Tiệp Khắc bao gồm ảnh hưởng từ trào lưu Lãng mạn “gốc” cho đến mọi phong cách lãng mạn sau đó cho đến nay. Vì thế có thể gọi đây là tập thơ tình yêu.
Khuynh hướng thứ hai từng làm nên sức mạnh và vị trí thơ Tiệp Khắc trên trường quốc tế là dòng thơ Tượng trưng, được nảy sinh và phát triển đồng thời với trào lưu chung của Pháp và thế giới hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Với nhiều tên tuổi nổi danh thế giới như: O. Březina – “được xem là một trong những hiện tượng lớn nhất của thơ ca thế giới”([4]), rồi đến J. Vrchlický, S. Antonín, K. Hlaváček…
Khuynh hướng siêu thực Séc có hai người “khổng lồ” dẫn đầu là V. Nezval, J. Neruda. Chủ nghĩa lãng mạn hồi sinh có K. Erben là đại diện. Mạch thơ Ngôn ngữ tạo hình mới có tên tuổi lớn là V. Holan. Khuynh hướng Hiện sinh với O. Fischer, J. Kainar… Nền thi ca vô sản qua J. Wolker là đại diện tài ba nhất. Dòng thơ đương đại Tiệp Khắc với các tên tuổi: M. Válek, J. Simon, J. Žáček, V. Hrabě, H. Krchovský… Dường như chỉ còn khuynh hướng Hậu hiện đại là không có mặt, nếu không tính P. Horáková mang đôi chút tâm thức sáng tác ngoại biên hóa.
Do tính chất đối lưu của các thi pháp nên không chỉ ở thơ Tiệp Khắc việc xếp đặt tác giả vào các trường phái luôn luôn bị bấp bênh, trừ một vài trường hợp rõ rệt. Danh sách trên chỉ tiện dụng cho các độc giả đang làm quen với thơ Séc - Slovakia.

Thơ Tiệp Khắc nói gì

Không có nhiều đề tài qua thơ được chọn vào Tuyển tập. Người biên soạn có thiên hướng tình yêu (nam nữ, tổ quốc, gia đình), về thiên nhiên, về sự sinh tồn và nhân sinh... Chúng ta phần nào nhận ra, trong thể trữ tình, thơ Tiệp Khắc nghiêng về diễn tả sự việc đời thường với cảm xúc nhẹ, lắng. Tình tứ không mạnh mẽ, thê thiết như thơ tình của Nga. Không dữ dội và sắc cạnh như thơ Đức. Không cụ thể, triết lý thoáng hài hước như thơ Ba Lan... Chất lãng mạn Tiệp Khắc có lẽ dựa trên cảm xúc tương lai mà không quên trực giác hiện tại khi nhìn về cổ điển? Thơ là người. Thơ Tiệp Khắc thể hiện bản tính người Tiệp Khắc an hòa, dễ tính, có phần giản dị; biết lánh đau thương để tìm chỗ tồn tại.
Dù ở thời kỳ, khuynh hướng nào, tạng thơ trong Tuyển tập quả là theo phương châm: “Thơ không viết ra để các nhà thơ và nhà phê bình văn học tiêu thụ với nhau trong một cái nồi úp kín mà ở đó cái gì đó đang lên men mốc giống như Viện hàn lâm Pháp… Thơ viết ra dành cho bạn đọc”. Đúng như nhận định của Seifert nêu ở trên: “Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của các nhà thơ.”

Tuyển tập như một “tập đại thành” xinh xắn về tình cảm và tình yêu của người Séc -Slovakia để bạn có thể tin cậy dùng làm quà tặng trong Ngày lễ tình yêu. Và viết đậm lên đó câu thơ của khôi nguyên Nobel văn học 1984 Jaroslav Seifert từng thảng thốt: “Nàng thơ muôn năm, tình yêu muôn năm!”

Các nhà thơ Tiệp Khắc - Ai là ai…

Tuyển tập là chân dung kép về các thế hệ trữ tình Tiệp Khắc dọc thế kỷ qua. Một bức ảnh chung của đại gia đình các tác giả thơ hiện đại Séc - Slovakia (dù phần Slovakia còn rất ít ỏi). Mỗi người mỗi kiểu thơ, và đều là thơ Tiệp Khắc chính hiệu. Không lẫn được. 
Bằng tình yêu chân thành và sinh động, Do.honza Việt Dũng đã chọn lựa giữa cả ngàn được gần 40 nhân vật cùng hành trang ngôn ngữ Séc - Slovakia của họ, để mời họ “nhập tịch” vào xứ sở Việt Nam trong tiếng Việt đáng yêu này.
Đây cũng là lần đầu tiên, độc giả đại chúng cũng như giới văn học chuyên nghiệp Việt Nam có được một tuyển chọn tiểu sử văn học cùng đôi nét đời thường của các đại diện thi ca hiện đại Tiệp Khắc. Trong đó có một số tên tuổi lừng lẫy và đa số là những tác giả làm nên một nền văn hóa xuất sắc nhưng chưa có dịp được biết tới ở Việt Nam.

“Bàn về thơ, tuy cần chú trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính và tình.” Chu Thần Cao Bá Quát bảo vậy, từ xưa. Tính và tình ở mỗi thi sĩ Séc - Slovakia có thể thấy phần nào qua tiểu sử văn học. Để minh họa cho tính và tình trong thi phẩm đi kèm.
Cũng như trong mọi xứ thơ khác, mỗi thi sĩ Tiệp Khắc là mỗi mảnh đời tư và gia thế, mỗi nghề nghiệp và quan điểm. Như người thường, họ đều có sự sống cái chết không ai giống ai. Trong xã hội Tiệp Khắc thế kỷ 20 với quá nhiều thăng trầm, nhiều người an lành suốt đời với dòng văn nghệ chính thống; lắm kẻ chọn vị thế loài lề trọn kiếp; cũng nhiều vị giao lưu trung tâm - ngoại vi. Cái quý của họ là luôn trong tư cách thi sĩ, tác phẩm của họ có tên chung: thi ca Tiệp Khắc. Dẫu có nơi có lúc bị dập vùi. Đúng nghĩa, họ là những người thơ, của một đất nước thơ.

Mời bạn đọc ngắm nhanh lại các nét mặt sáng rỡ giữa những người thơ đó, trước khi thưởng thức lại một số sáng tác thi vị nhất của họ.

Vítězslav Nezval (1900-1958): “Nhà thơ Séc có tên tuổi, nhà văn và nhà biên dịch, đồng sáng lập viên Chủ nghĩa thơ ca và là nhân vật đứng đầu chủ nghĩa Siêu thực (Surrealismus)”. Với người viết bài này, trong thuở đầu đời khi vừa biết thơ tình và biết yêu đã may mắn được đọc bài thơ nức danh Nezval qua bản dịch “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” của thi sĩ kiêm dịch giả tài hoa và tinh tế là Tế Hanh: bài Lời từ biệt và chiếc khăn. Dạo đó với tôi thơ Tiệp là Nezval, là Lời từ biệt và chiếc khăn. (Xem tiếp phần sau).

Jan Neruda (1834- 1891): “Nhà thơ nổi tiếng Séc và nhà báo của thế kỷ 19”; “Có cuộc đời cảm thấy không được đánh giá và từ đó phát triển theo hướng quan hệ tiêu cực với mọi người. Ông có vấn đề với rượu. Phần lớn cuộc đời sống trong khó khăn.”; Thơ Neruda chứa đầy những hoài nghi và bi quan, mà đôi khi đi vào các giới hạn của thuyết hư vô.” Bạn có biết? Một thi nhân người Chile, khi chưa thành thiên tài thế giới đã quá mê Jan Neruda của Tiệp Khắc mà chọn bút hiệu là Pablo Neruda!

Otokar Březina (1868-1929): “Nhà văn, nhà thơ Séc; bằng công trình thơ của mình ông đã hoàn thiện chủ nghĩa hình tượng Séc dẫn tới sự chuyển biến chung của văn học Séc.”; “Điều thú vị là ông đã 7 lần được đề cử (1916, 1917, 1918, 1920, 1921, 1925, 1928 và 1929) giải Nobel về văn học.”; “Những thử nghiệm tác phẩm văn học đầu tiên của ông trong các năm 1883-1887 thuộc nhóm giá trị khó nhất của chủ nghĩa hình tượng văn học châu Âu.”

Jiří Wolker (1900-1924): “Nhà thơ, nhà báo và nhà viết kịch người Séc; một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Séc năm 1921.”; “Là người đại diện tài năng nhất của nền thi ca vô sản.”; “nhìn thấy một thế giới đầy mâu thuẫn, trái ngược, thế giới của đói nghèo và đau khổ, cần được thay đổ”; Wolker trong linh cảm trước cái chết gần kề đã tự viết dòng chữ để khắc lên mộ mình: ‘Nơi đây yên nghỉ Jiří Wolker, nhà thơ, người từng yêu thế giới và cho sự công bằng của nó mong muốn đấu tranh, nhưng trước khi có thể tuốt trái tim của mình ra chinh chiến, anh chết trẻ ở tuổi hai tư!“

Jaroslav Seifert (1901-1986): “Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, biên dịch Séc; đồng sáng lập viên Chủ nghĩa thơ ca”; “học nhiều trường trung học nhưng không tốt nghiệp vì hay bỏ học. Trong thời gian đó ông lang thang đến các quán bia Praha sáng tác thơ để đổi lấy bia.”; “Trong những năm 1920 được đánh giá là đại diện chính của nền nghệ thuật tiên phong Tiệp Khắc. Tháng 3 năm 1929 cùng 6 nhà văn thơ hàng đầu khác của Đảng bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản vì đã ký vào Manifest sedmi (Tuyên ngôn bảy người) phản đối việc bolševich hóa trong lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Tiệp Khắc.”; “1968-1970 là Chủ tịch Hội nhà văn Tiệp Khắc. Năm 1976 nằm trong những thành viên đầu tiên của Hiến chương 77.”; “Năm 1984 được trao Giải Nobel về văn học”.

Miroslav Válek (1927-1991): “Nhà thơ Slovakia, ký giả, nhà biên dịch, người tổ chức văn hóa, nhà chính trị, người đại diện có tên tuổi của thi ca hiện đại Slovakia”;“1969-1988 là Bộ trưởng Văn hóa”; “1989 là Chủ tịch Hội nhà văn Tiệp Khắc”; “tự nguyện rời bỏ chính trị trước tháng 11/1989.”

Vladimír Křivánek (1951-): “Nhà thơ, nhà văn, sử học, nhà phê bình, giáo sư đại học, biên tập và dịch giả”; góp phần kiến tạo và chỉnh sửa bốn tuyển tập hàn lâm ‘Lịch sử Văn học Séc 1945-1989 in sách bằng tiếng Bulgary, Ba Lan và Việt Nam.”; “2008-2011Chủ tịch Hội Nhà văn c.”

Petra Horáková (1986-): “Giáo viên giảng dạy nghệ thuật cho trẻ em và thanh thiếu niên, giám đốc chi nhánh của tổ chức phi lợi nhuận đồ họa và vẽ tranh tại Plzeň.”

Và, độc giả có nhận ra không: trong các thi sĩ tham dự Tuyển tập, số nữ sĩ nổi danh như Petra Horáková rất ít ỏi. Chẳng lẽ Nàng thơ Tiệp Khắc chỉ “yêu” phái mày râu?

Hoa Tiệp đất Việt

Trong “công viên hoa” Tiệp được nở mọc trên đất Việt hơn nửa thế kỷ qua, “vườn hoa” Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng vừa xuất hiện, đang còn hiếm hé ra các đóa thật đặc sắc nhưng đã cống hiến cho khách làng hoa một dung nhan hiền hòa, thanh lịch và đa sắc.
Mời độc giả cùng thưởng ngoạn các bông-hoa-thơ Tiệp mà chúng tôi cho là đẹp nhất từ đây…

Trong dịch thuật không thể chỉ có một con đường, một đích đến. Thêm lần nữa, xin ví von về việc dùng tiêu chí Tín - Đạt - Nhã khi dịch chuyển các loài giống hoa-văn-học đến xứ sở có đất có nước khác hẳn mà vẫn gìn giữ được Dáng - Sắc - Hương của chúng.
Do.honza đã linh hoạt áp dụng định nghĩa của Fyodorov thường được nhiều người chấp nhận: “Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác (đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình thức.” Với hầu hết các văn bản, anh đứng ở giữa tác giả và độc giả, giữa ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Séc. Tức là, không tái sáng tác đưa bài thơ tiếng Séc đến một đời sống Việt; mà cũng không duy trì nghiêm ngặt nguyên tác từ nhịp điệu (cái bất khả trong dịch thơ) đến ngôn ngữ, phong cách. Với vị dịch giả Séc-Việt này, dịch là bắc cầu, là sáng tạọ; người dịch không hẳn là đồng tác giả mà thường là “dấu phẩy của tác giả”. Song, cũng như nhiều người dịch khác, không hiếm khi Do.honza vẫn thử tài vận may khi lao vào hai thái cực mà ngay các bậc cao thủ cũng phải nhắm mắt chờ sự bất ngờ của thành tựu. Bùi Giáng tiên sinh là hiện tượng rõ nhất. Chính tính “phập phù” đã làm cho bộ môn dịch thuật trở nên nghệ thuật hơn, như ở lãnh vực sáng tác.

Trước tiên là bản dịch thú vị nhất trong Tuyển tập:
Đó là bài Bài ca (Chim đưa thư) của Seifert được in trang trọng nơi bìa cuối với bản chuyển sang thể lục bát. Bên trong sách cùng bản này còn có 2 bản ở thể 5 và 7 chữ. Duy nhất của Tuyển tập, một bài thơ có tới 3 bản dịch. Vì sao? Vì là bài thơ hay trước đó nhiều người đã dịch. Vì tác giả là chủ nhân Giải thưởng Nobel danh giá. Vì cùng “gu” với dịch giả; v.v…
Bạn hãy đọc lại thi phẩm Bài ca qua 4 bản dịch tiếng Việt nữa, từ 4 dịch giả khác([5]): Dương Tất TừLương Duyên Tâm trực tiếp từ nguyên bản tiếng Séc; Diễm ChâuThân Trọng Sơn qua bản dịch tiếng Pháp. Dương Tất Từ chọn cách dịch trung dung theo quan niệm chuẩn của Fyodorov. Ba vị còn lại đều theo xu hướng chung thủy với nguyên tác không chỉ về nội dung, ý nghĩa cả về nhịp vần và nhất là cấu trúc trong thể thơ tự do. Cả 4 bản dịch đó, vì thế, có điểm chung thường được coi như một tiêu chí: đọc biết ngay là thơ dịch.
Do.honza như cố tình khác những người đi trước khi đã chọn 3 thể vần điệu đặc thù Việt. Và rồi anh “thành chính quả” ở thể Việt tính nhất: lục bát. Chưa so sánh nguyên tác, chỉ so với 6 bản dịch kia ta cũng thấy rằng, với bản lục bát người dịch đã tập trung vào nhu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch và thêm bớt, xô lệch nguyên tác. Bản dịch bài Bài ca của Seifert đã làm sang giá cho lục bát Việt. Đó cũng là một “bài thơ” mới và hay, đứng cạnh bài thơ cũ đã hay rồi. Thi ca Đông và Tây gặp nhau tại đây!
Bàn thêm:
+ Hỡi những ai đã từng ly hương rồi hồi hương, nếu không khóc ra nước mắt thì cũng nén vào máu mủ hai câu sáu-tám này: “Cùng bao tuyệt vọng trên đời/ Ta hồi hương trở về nơi quê nhà”. Cảm ơn Do.honza Việt Dũng! Cảm ơn Jaroslav Seifert! Ai đã khóc đã nén nhiều hơn ai? Trong chúng ta…
+ Tôi yêu bản lục bát Do.honza. Tôi thích bản Diễm Châu. Tôi quý bản Dương Tất Từ.
+ Ba bản của Do.honza mang 3 cung bậc khác nhau ở cùng một trạng thái. Hai bản kia chưa nhuyễn về nghệ thuật thơ, nhất là bản 7 chữ còn vài chỗ gượng. Hồn vía “bài thơ” tiếng Việt của bài thơ Bài ca nguyên tác tiếng Séc đã về hết bản lục bát rồi!
+ Trong Tuyển tập, còn một bản dịch lục bát nữa (bài Khoảng cách yêu thương của Wolker). Cũng là một bài thơ mới trong tiếng Việt. Lời nhuần nhụy nhưng chưa được như bài Bài ca; có lẽ do nguyên tác chưa là một bài thơ hay? Mà cũng khó đoán biết, dịch là “phập phù”.

Bài Vĩnh biệt và chiếc khăn tay của Nezval:
Vẫn với chủ thể chiếc khăn vẫy trong chia lìa. Đấy từng là thơ tình nằm lòng của kẻ viết bài này, với tên Lời từ biệt và chiếc khăn([6]). Thời đó, bài thơ nằm trong luồng lãng mạn tuyệt vời trôi đến Việt Nam từ trời Âu tân tiến và cuốn hút. Nó ngây ngất đi vào sổ chép thơ của đủ lứa tuổi, tầng lớp để rồi xuất hiện trên báo chí, tuyển tập thơ. Tiếng ngâm lời đọc thổn thức trong các cuộc họp, các buổi chia tay, các đêm cuối cùng… giữa một đất nước phải lâm chiến từng ngày rồi lại hậu chiến trong xung đột biên giới tứ bề. Cái quý nhất là ở chỗ, Lời từ biệt và chiếc khăn thuộc vào không nhiều các thi phẩm chính thống mang phong cách ngôn ngữ và sắc thái tình cảm khác nhưng không quá lệch so với các sáng tác “chuẩn”, mà Cuộc chia ly màu đỏ của thi sĩ Nguyễn Mỹ từng làm biểu tượng.
Gần như trung thành với nguyên tác, hai bản dịch có cùng kết cấu và thi điệu. Khí thơ, cú pháp và cách cảm, đọc lên thấy ngay là thơ dịch của phương Tây, nhưng không “Tây gỗ” mà là Tây-Việt! Chữ và câu của bản Do.honza đôi chỗ chưa “lụa” bằng bản của tiền bối nhưng toàn bài đã phả ra tình lứa đôi dưới trời Âu mang hồn nhân loại. Giữ được chất Nezval. Bản của Do.honza mang nỗi đau mạnh, dứt khoát hơn, và từ tâm trạng trai gái với cái Tôi cá thể. Bản của Tế Hanh đã “xã hội hóa” nó trong cái Ta trữ tình rộng khắp.
Hai câu cuối của khổ đầu thú vị đáo để! Ý tứ tinh vi trong nguyên tác được hai dịch giả chuyển sang cung bậc đồng tình nhưng không đồng nghĩa. Do.honza: “Vĩnh biệt em dẫu có hẹn mai đây/ Anh không đến có thể người khác đến.” Lời dịch mượt, bảo toàn ý tứ của tác giả; cho thấy sự khuất phục của anh con trai thua cuộc mà vẫn hào sảng. Tế Hanh: “Từ biệt nhé và nếu còn gặp nữa/ Không phải ta đấy trở lại đâu nào.” Trên cả tuyệt vời! Dịch giả đã dùng tay thơ “lụa” của một thi nhân để bẻ ghi đưa ý tứ sang không gian tình cảm khác. Không chỉ bằng chủ thể Ta, còn dùng cả dạng phủ định. “Không phải ta” của Tế Hanh chính là “người khác” của Do.honza được dịch gần đúng từ “jiný host” (người chủ khác) của Nezval. Giản dị và trong sáng, da diết và đau đớn. “Không phải ta” tức là “địch” rồi, là cái thằng đàn ông khác sẽ thay thế “ta” ngự trị trái tim nàng. Các nam thanh nữ tú, hãy bình thản đón nhận những lời từ biệt, những cái vẫy khăn để lên đường đến với một số phận khác, đang chờ. Thi sĩ Nezval đã khuyên như thế!

Bài Cái chết hát ca của Fischer:
Bản dịch tỏ ra chạy theo kịp với cơn bão từ ngữ và hình ảnh của “nhà phù thủy” Otokar Fischer trong văn học kinh điển châu Âu. Âm điệu thơ là tiếng vọng từ các số phận an bài dưới Đấng tối cao, nhắc độc giả Việt nhớ đến những bài thơ điên của thi sĩ bạc mệnh Hàn Mặc Tử. “Cái chết hát ca soi gương nước rừng hoa (…)/ Cạn máu, chờ khô, dây đàn Chúa ngân nga.” Bản dịch hầu như không có vết nhăn dù phải xử lý tạng thơ truyền thống Séc với nhiều dụng điển.

Bài Hoàng hôn bên biển của Dyk:
Có thể vào danh sách các bản dịch đặc sắc trong trang thơ tiếng Việt đương đại. Một tiểu trường ca dồn dập trong dịu dàng, khốc liệt trong thanh thản. Bài thơ khá dài nhưng đọc không ngại, vì tứ thơ mang tính truyện rất hoàn hảo, kịch tính cao mà vẫn lãng mạn. Người dịch đã dìu chúng ta theo từng cơn sóng thi điệu của Việt ngữ đến với bản sắc văn hóa Tiệp Khắc đập trong mỗi lời mỗi nhịp.“Lớp sóng tám vỗ về và vui vẻ/ Vào mắt em, lên bầu vú trẻ non”. Độc giả Việt Nam được biết thêm một triết lý về sự vượt thắng số phận, về giới hạn cuối cùng của thành bại trong cuộc sống qua biểu tượng trữ tình là “lớp sóng chín”.

Tôi còn yêu thích các đóa hoa thơ Tiệp từ người chuyển giống trồng cây Do.honza, như: Bài Đêm xuân của Březina; Đôi giày - Con người, Phụ nữ, Thân tặng (Neruda); Tình yêu ốm yếu (Holan); Từ điển tình yêu (Nezval); Tiếng Séc; Có thể (Simon); Gọi đường dài (Sýs); Hội Thoại (Seifert); Cô gái dậy thì (Peterka); Vào thu, Có thể anh tự sướng (Horáková); Danh sách (Kainar); Trở lại (Fischer); v.v…

“Chuốt, chuốt nữa, chuốt mãi”; hay là “Mẹ chăm bé gái”

Để Tuyển tập tốt hơn nữa, chúng tôi xin thử nêu một số hạn chế, thiếu sót mà các tuyển tập dịch thuật ít nhiều dính phải trong lần đầu xuất bản.

Dù theo phương cách nào, bản chất của dịch là dịch lại. “Chuốt, chuốt nữa, chuốt mãi…” Có lẽ nên là phương châm đầu tiên.
Lâu rồi, mỗi khi động tới vụ việc dịch thơ lại dựng lên trong tôi hình ảnh một người đàn anh, “bạn thư viện”. Gần như hàng ngày, anh đến Thư viện Quốc gia - Hà Nội. Khi trọn cả ngày, khi chỉ nửa tiếng… Đọc sách, nghiên cứu phục vụ nghề khí tượng thủy văn của anh. Và mỗi lúc giải lao, hoặc chán cái mớ công thức tích phân lằng nhằng, anh lại lôi ra từ túi áo complet, hay túi sau quần, một cuốn sổ tay be bé để dịch… thơ. Vâng, thơ. Thơ Pushkin. Chỉ Pushkin mà thôi. Anh dịch hàng trăm bài; giống một người dịch chuyên nghiệp nào đó. Khác, mỗi bài đều dịch ngót chục lần; với các bài “đinh” thì hàng chục lần. Cứ vậy hàng năm, hàng năm… Có đôi kỳ giáp Tết, sau Tết, thư viện hóa thành chùa Bà Đanh. Vẫn thấy anh ngồi đấy, cúi xuống Pushkin của tiếng Việt. Dạo đó tôi nghĩ rằng, có thể hiểu anh phần nào và không thể hiểu nổi cuốn sổ nhỏ của anh. Giờ thì ngược lại. Không hiểu anh. Hiểu cuốn sổ nhỏ như một vật được anh dùng để trau chuốt bản dịch.
Cũng dạo đó mẹ tôi thì bảo anh ấy vuốt ve bản dịch như bà mẹ Việt Nam chăm sóc bé gái của mình; từ phút lọt lòng đến ngày bé thành con gái, từ ngày bé lên xe hoa đến ngày bé sinh con của bé, rồi đến ngày con bé thành con gái, rồi lên xe hoa…
Đầu thế kỷ trước bậc thi bá Tản Đà đòi hỏi “Lời văn chuốt đẹp như sao băng”. Đa phần cánh sáng tác giành đặc quyền chuốt tùy hứng tùy tính. Chứ dân dịch thuật không chuốt, e không ổn. Cả khi bản dịch đã xuất bản, đã nổi tăm vang tiếng.

Ngoài việc chuốt lời, tôi còn thấy Tuyển tập cần được chuốt bài nữa. Tức là cần tinh tuyển tác giả, tác phẩm hơn. Thêm người cần thêm, bớt bài cần bớt… Các hợp tuyển là vậy, cứ lọc ra lựa vô hoài hoài…

Đọc Do.honza dịch, tôi liều mà đồ rằng anh dịch-bài theo quan niệm chân phương của Fyodorov, còn dịch-chữ thì theo kiểu phóng túng “dịch thơ giống như làm thơ”. Thế là hài hòa. Dịch giả tự chọn phương cách riêng, miễn sao có bản dịch đáng là bản dịch. Có điều, kiểu dịch chữ đó không có thao tác dấm dứ, nhấc lên hạ xuống. Tôi vẫn hằng tin, dịch thơ ẩn trong mình nó một hành trình các chuỗi ngập ngừng. Có những tiểu-ly-âm, tiểu-ly-từ đã nuôi sống cả một bản dịch thơ. “Đấy” và “đâu” là các tiểu ly âm, tiểu ly từ như thế trong câu thơ dịch của Tế Hanh. “Không phải ta đấy trở lại đâu nào”. Dịch, không còn là diệt là giết theo cái nhìn hà khắc nữa! Trong Tuyển tập tôi cũng đã tìm được một số trường hợp, mà chưa đáng kể.
Nếu thơ là dòng suối tuôn trào tự nhiên thì dịch thơ là đài phun nước có điều khiển ở đâu đó mà những kẻ dạo bước trong khuôn viên thi ca khó nhận ra. (Trong rừng thơ dịch trên trái đất này, chắc chỉ có Trung niên thi sĩ là dịch như thác lũ!) Nếu thi sĩ là kẻ hành pháp, là ngài bộ trưởng, là vị tướng quân phóng tay thực hành một sắc lệnh, một chiến dịch thì giới dịch giả như hệ thống tư pháp, như quan tòa phán xét, chuyển hóa các thực thi công lý của ngôn từ và tình cảm con người.

Phần tiểu sử chân dung tác giả cũng còn không ít chỗ cần hoàn thiện; như dẫn nguồn tư liệu, nhuận sắc ý, câu…

Điều nữa, lẽ thường tình, ông chủ nhà hàng nào thực đơn nấy. Tuyển tập phải thuộc về thị hiếu của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng, người dịch - biên soạn và cũng là nhà thơ song ngữ Việt-Séc tham gia vào đấy như tác giả của 4 sáng tác về tình ái, khát vọng sống. Phong cách trữ tình khiến bộ sưu tập thiếu vắng các thi phẩm bừng lên những biến động khi gai góc nhân quần, lúc sinh tử chiến tranh của xã hội và con người Tiệp Khắc suốt thế kỷ qua mà bài Diễn từ Nobel của Seifert nêu trên đã gióng giả như những lời cuối cùng còn có thể nói ra được. Trong tập sách, 4 bài thơ của Seifert (Bài ca, Biển, Chiếc nhẫn mẹ để lại,Hội thoại) ca tụng tình yêu, hạnh phúc qua những chân lý nhân bản và quả là chưa hết tầm thi nhân, như vinh danh của Viện hàn lâm Thuỵ Điển và đánh giá của dư luận văn giới. Các bài thơ thời cuộc, chính trị của ông từng “mô tả hình tượng rành mạch của tinh thần và sự đa dạng không thể khuất phục của con người”, và “mang ý thức độc lập, biết dùng ngôn ngữ thơ ca làm vũ khí hữu hiệu để đấu tranh vì nền độc lập cho Tổ quốc Séc”.

Làm bạt

Nhiều năm trước, tôi từng có bài thơ Làm bạt cho đời - để nói bao nhiêu dòng thơ của đám thi sĩ chúng ta nếu như được đời cho phép cùng dự phần, thì may lắm là làm lời bạt cho pho-sách-cuộc-đời.
Nay tôi đang có hãnh diện nho nhỏ được làm “trang bạt” cho người đồng nghiệp - người anh em, dịch giả Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng, trong một dịch phẩm nồng thắm về tình cảm, cao cả về ý tưởng và đáng giá về nội dung: Tuyển tập thơ Séc & Slovakia của Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2014.


Vancouver, mùa thu 2014
Đỗ Quyên






[1]) Sẽ được gọi tắt là Tuyển tập ở nhiều chỗ trong bài.
[2]) Dương Tất Từ có 2 dịch phẩm thơ: tập Thành phố tội lỗi - thơ Tiệp Khắc thế kỷ 20, NXB Thế Giới, 2000; và Seifert: Làm thi sĩ, tuyển thơ và hồi ký, NXB Văn Học, 2007. Diễm Châu có tập Thơ Vladimír Holan, NXB Trình Bầy, 1992; và nhiều thơ dịch từ một số nhà thơ Tiệp Khắc đương đại, như J. Seifert, A. Bartušek… Có thể kể thêm dịch giả quen thuộc khác của văn học Séc là Lương Duyên Tâm, và gần đây là dịch giả Thân Trọng Sơn.
[3]) Jaroslav Seifert: Về trạng thái bi tráng và trạng thái trữ tình của tâm thức; Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh, vietbao.vn 13/11/2007.
[4]) Các câu in nghiêng trong dấu ngoặc kép là trích từ Tuyển tập thơ Séc & Slovakia.
[5]) Bản dịch của Dương Tất Từ tại nguoibanduong.net 2/2/2009; Diễm Châu: tienve.org; Thân Trọng Sơn: vanviet.info 25/7/2014; và Lương Duyên Tâm: luongduyentam.blogspot.ca 8/3/2014.
[6]) Tế Hanh chuyển ngữ qua bản dịch tiếng Pháp: thivien.net 17/4/2008


Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

CUỘC ĐỜI NÀY...

Cuộc đời này đáng sống biết bao,
Trái tim anh với thời gian vẫn trẻ
Câu hát mẹ ru anh từ tấm bé,
Đi với anh suốt cả cuộc đời

 Đã lớn lên rồi...
Những năm tháng đắn đo lựa chọn
Những ngã ba trước mắt anh bề bộn
Khát vọng con tim dẫn anh đến những ngả đường

Những ngả đường lầy lội bùn trơn
Những ngả đường quanh co khúc khuỷu
Anh vẫn đến với sắc trời xanh kỳ diệu
Cuối mỗi nẻo đường khó khăn

Em đừng bao giờ hỏi anh
Về những lời khen anh từ bạn bè, đồng đội
Nếu cuộc đời này biết nói
Em sẽ hiểu những nếp nhăn trên vầng trán của anh

Em sẽ chẳng hỏi anh
Về tiếng bi bô trẻ thơ giữa rừng người vội vã,
Về khẩu súng trong tay người lính trẻ,
Và về màu xanh cỏ cây

Cảm ơn cuộc đời này
Trao cho anh  tình yêu anh ngóng đợi
Một khoảng trời vời vợi
Khi chúng mình cách xa
Phút bên nhau trên những con đường
                           chao nghiêng lá sấu lá me
Im lặng nhìn nhau không nói...

Tia nắng nào đến với chúng mình
               cũng thành tia nắng vàng đọng lại
Yêu em
               anh thành nhà thơ

"Nửa sau khoảng đời"1 anh chưa từng qua
Phần thương nhớ anh dành em trọn vẹn
Có em trong cuộc đời bận rộn
Với anh
     đáng sống
                    gấp trăm lần....
 Hà nội, 30/1/1983
BàngHS
----------
1: Thơ Vũ Đình Văn

Chúc Mừng ngày Phụ nữ Việt nam 20/10





 Chúc các bạn một ngày 20/10 thật là ý nghĩa, vui tươi ngập tràn hạnh phúc.
Blogger K1972.

Các bạn không xem được các bạn vào đường dẫn sau :

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

NGHĨ LẠI VỀ PAUTÔPXKY

Bằng Việt

1.

Ðồi trung du phơ phất bóng thông già.
Trường sơ tán. Hồn trong chiều lặng gió
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…

” Lẵng quả thông ” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay ” Chuyến xe đêm ” thầm thì mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa.

- ” Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện ” Tuyết “?
Có tiếng chuông rung và con mèo ” Ackhip ”
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…”
Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!

2.

Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
Bể mặn mòi , sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh, trước biển cả dâng triều.

Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời.
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…

Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng.
Nốt cao quá trong đời xao động quá!
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn.

Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…

Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!

3.

Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
” Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm…

Pautôpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải…
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!

Ðưa em đi… Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn. Và Pautôpxky đã chết!
… Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện ” Tuyết ”
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
Đô ĐH st

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

16-10 Nhớ bạn Y Hòa

Hàng năm cứ đến ngày 16-10 là tôi dường như khó ngủ vì những hình ảnh và những kỷ niệm của bạn Y Hòa cứ ào ạt tràn về trong tâm khảm tôi.Y Hòa là người bạn cùng khu tập thể 5B Hoàng Hoa Thám Hà Nội, cùng tổ học nhóm, cùng lớp 10G K22 Nguyễn Trãi Hà Nội, cùng nhập ngũ một ngày...Nhớ ngày 6-01-1972 chúng tôi những học sinh lớp 10G và chúng bạn cùng khóa K22 Nguyễn Trãi Hà Nội lên đường nhập ngũ với tinh thần hừng hực khí thế như nhà thơ Phạm Tiến Duật đă nói "Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, mà lòng phơi phới dậy tương lai!".Nhưng chiến tranh là bom đạn và hiểm nguy cận kề, cuộc chiến ngày càng ác liệt, mùa hè đỏ lửa thành cổ Quảng Trị chìm ngập trong bom đạn.Ngày đó lũ học sinh chúng tôi cùng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tạm xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ vào miền nam chiến đấu hồn nhiên, thơ mộng. Nhưng chiến tranh ngày càng khốc liệt, đơn vị chúng tôi được tăng cường chị viện cho chiến trường thành cổ Quảng Trị, đến tháng 10-1972 thì hai bên ta và địch đều thương vong không kể xiết, Y Hòa, Chấn Hưng và nhiều người bạn cũng như đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng và nằm xuống vĩnh viễn ở những địa danh gắn với mưa bom bão đạn như động ông Gio, đồi cháy, sông Thạch Hãn, thành cổ,...
..Ngày 16-10 trong một trận đánh giữa sư đoàn 312 của ta và sự đoàn 8 của địch, Y Hòa trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7 đã dũng cảm chỉ huy anh em chiến đấu chống trả quân địch và bạn đã anh dũng hy sinh trên chốt ở đồi Cháy gần thành cổ Quảng Trị. Sự hy sinh của Y Hòa, Chấn Hưng và các bạn Liệt sỹ K22 đã đóng góp vào chiến công hiến hách của dân tộc là Mỹ cút, ngụy nhào và đem lại Độc lập tự đó cho Tổ quốc. Chúng ta vô cùng thương tiếc và biết ơn các bạn ấy.
Nhân ngày giỗ của Y Hòa, xin được thắp nén hương cho bạn và các bạn Liệt sỹ của K22, cầu mong linh hồn Y Hòa, Chấn Hưng cùng các bạn Liệt sỹ K22 được phiêu diêu miền cực lạc.



Nhớ bạn Y Hòa

Cùng bạn ra đi năm nào,
Những chiến sỹ đầu xanh, vui vẻ,
Vượt Bến Hải, thành cổ xông vào,
Động ông Gio, đồi Cháy, dốc Miếu, Gio Linh,...

Chiến dịch năm ấy pháo dội, bom gào...
Cùng bạn ra đi năm nào,
Những chiến sỹ đầu xanh, vui vẻ,
 Vượt Bến Hải, thành cổ xông vào,

Anh dũng chiến đấu trên đồi Cháy,
Bão đạn, mưa bom chẳng sờn lòng,
Nay bạn nằm lại bên thành cổ,
lạnh lẽo cô đơn một nấm mồ.

Bao giờ tôi về vô trong đó,
Thăm bạn, thăm lại chiến trường xưa.
Động ông Gio, đồi Cháy, dốc Miếu, Gio Linh,...
Chiến dịch năm nao pháo dội, bom gào...


Liệt sĩ Y Hòa Mlo Dzuon Dzu

Liệt sĩ Y Hòa

Học sinh khóa 7
Sinh 1954 tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
NR: Khu TT Ban Dân tôc TW, Dốc Ngọc Hà, 5B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, HN
Nhập ngũ: 06/01/1972 (HT: 651091 IA01)
Chức vụ: 
Trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7
Đơn vị: C16, D8, E209, F312
Hy sinh 16/10/1972 (10/9 
Nhâm Týtại Mặt trận Quảng Trị - đồi Cháy, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Bia tưởng niệm các liệt sỹ Đồi Cháy
Mộ tại: Nghĩa trang Liệt sĩ TP Pleiku (đưa nắm đất về) - Chưa xác định được mộ phần.
Liên hệ gia đình: anh Y Nguyên (Võ Động Sơn) K5, Plei-ku, Buôn Mê Thuột (0912609599).

Xem bài viết:

Lá thư cuối của liệt sĩ Y Hòa gởi về gia đình.

Hôm nay là ngày Kỷ niệm Thương binh Liệt sỹ( 27/7):Tinh thần của ngày này vẫn luôn đọng lại trong mỗi người chúng ta nỗi trăn trở không yên, khi mà vẫn chưa đưa được các bạn về với gia đình! Trong bài viết của Thanh Sơn có nhắc tới lá thư cuối cùng của Y Hòa viết cho ba, má trước khi đi vào chiến trường. Mặc dù lá thư này đã được đăng trong báo "Tuổi trẻ chủ nhật" đăng ngày 10/8/2003 từ lâu. Tập hai "Sinh ra trong khói lửa"cũng có. Nhân dịp này, tôi nghĩ đăng lại lá thư này sẽ không thừa? Dù sao cũng còn nhiều người chưa biết tới lá thư này? Qua nét chữ nghiêng nghiêng có phần bay bướm của bạn. Chúng ta hiểu thêm tâm tư, tình cảm của những người lính ngoài chiến trường. Riêng những người lính còn được may mắn như chúng tôi thì mỗi lần đọc lá thư này đều khóc!

Ngày 18 tháng 8 năm 1972
Ba má thương nhớ của con!
Hôm nay, từ Quảng Trị con viết thư cho ba má. Sau chặng đường hành quân vượt Trừơng Sơn nóng bỏng, con vừa nghỉ chân.
Ba má ạ! Đến nay, tụi con mỗi đứa một nơi không còn được sống chung với nhau nữa. Vẫn thuộc sư đoàn nhưng thằng Sơn (con chú Chiến) về đơn vị công binh, còn con với thằng Chấn Hưng ở lại tiểu đoàn cũ vưà biên chế thành tiểu đoàn 12 ly 7 pháo phòng không của sư. Buồn quá ba má ạ! Hôm chia tay, thằng Sơn khóc quá. Hiện chưa biết nó ở đâu, Nam hay Bắc?
Còn đơn vị con chỉ là đơn vị phục vụ chiến dịch. Buồn quá vì không đuợc ở bộ binh chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù. Con bây giờ gầy hơn trước vì vừa qua hai tháng gian nan, ác liệt. Vào đây mới thấy ở ngoài Bắc tụi con rèn luyện chẳng ăn thua gì cả. Lúc ở nhà thì sướng như tiên, vào đây thì chẳng có gì ăn, chỉ có cơm với muối thôi. Nhưng vì mệt nên ăn vẫn rất khỏe. Nấu cơm thì chật vật mất mấy tiếng đồng hồ mới chín vì máy bay quần suốt. Ngủ hầm thì ẩm thấp, lầy lội và muỗi nhiều vô kể. Sáng dậy vừa chui ra khỏi màn là muỗi đốt như điên, toàn nhằm vào đầu. Hành quân liên tục suốt ngày suốt đêm. Vác súng đạn nặng nên hai vai sưng đỏ rần cả lên. Có một điều may mắn là con vẫn chưa bị sốt rét lần nào cả. Không biết sẽ thế nào nhưng giờ thì vẫn khỏe. Vì đã xác định trước sẽ khó khăn gian khổ nên con quyết vượt qua. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết mà.
Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị giờ là một nên dân chúng ra vào như đi chợ. Tuy vậy, ở vùng mới giải phóng còn khá phức tạp, chính quyền cách mạng ở đây phải rất vững. Có cửa hàng bách hóa của ta cung cấp nhiều mặt hàng và bán cả bằng hai thứ tiền. Hàng hóa Mỹ thì bãi bỏ triệt để. Dân chúng đã quen với B52, khắp nơi chi chít những vệt bom B52, nhiều khu rừng đã bị chúng thiêu huỷ bằng địa.
Ba má ơi! Hiện giờ chúng con vẫn nằm chờ chiến dịch. Ở Quảng Trị việc giành giữ đất rất gay go, nhất là vùng giáp ranh ngày nào cũng có chiến sự. Bọn con chỉ bắn máy bay thôi, nếu căng lắm mới hạ tầm để đánh bộ binh địch. Vì tiểu đoàn mới nhận súng và mới thành lập, chưa chiến đấu trận nào. Con và thằng Vũ Trung vẫn ở cùng một đại đội với thằng Hưng. Khi hành quân ở Trường Sơn, bọn con gặp nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều. Họ chỉ thích đổi gạo lấy gà chứ không thích đá lửa nên đá lửa con vẫn còn. Thuốc bổ Polyvitamine của má cho con vẫn giữ một gói. Má ạ, bây giờ mới thấy B1 là cần thiết vì không tài nào tìm được một cọng rau. Kiếm được ít lá khoai, lá sắn là mừng lắm. Bây giờ thịt hộp cũng chẳng còn, chỉ có mắm tôm, muối, ít ruốc nên người đứa nào cũng phờ phạc. Mì chính thì nhiều lắm, bọn con cứ pha từng thìa mì chính với nước lã làm canh chan ăn.
Ba má ạ! Bây giờ con mới thấy nhớ nhà, nhớ ba má và anh chị em. Ở giới hạn giữa cái sống và cái chết nhiều lúc ứa cả nước mắt vì nhớ nhà. Biết đâu và vĩnh viễn con chẳng còn được thấy ba má và anh chị em con nữa. Trong chiến đấu điều đó đã trở thành bình thường, cái chết chẳng đe dọa được ai nhưng nó vẫn cứ rình rập đâu đây. Lính tiểu đoàn 56 cùng huấn luyện với tụi con vừa bị B52 rải thảm làm chết ba đứa và bị thương cũng nhiều. Tiểu đoàn con cũng bị máy bay ném bom và bắn rôc- két, may mà không ai bị sao. Con vẫn giữ một cái ảnh của gia đình nhưng thiếu chị Thanh và thằng Trung, thằng Thắng. Nhưng cũng chẳng sao cả vì con vẫn nhớ và hình dung ra chúng nó.
Ba má ơi, không hiểu ở nhà bây giờ ra sao? Ba má có được mạnh khỏe không? Anh Nguyên và chị Thanh học ra sao rồi? Chị Thanh năm nay có khỏe không, có đỗ đại học không? Con Nhung, thằng Trung, thằng Thắng năm nay chắc học ở Chi Nê? Má bảo rằng con vẫn mạnh khỏe và vẫn nhớ chúng nó nhé! Con vẫn hành quân, chưa nghỉ và chắc chẳng bao giờ nghỉ đâu. Còn Thái Hòa không hiểu bây giờ nó ở đâu? Chắc là nó thơm hơn tụi con rồi. Nhưng thôi, sau này về chắc tụi con sẽ lại thơm hơn. Chính trị viên của con nói chỉ còn đánh độ một hay hai chiến dịch nữa thôi.
Cuối thư con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe, chúc cả nhà gặp nhiều may mắn.
Con của ba má.
Quân giải phóng Bắc Quảng Trị – Y Hòa. 
Hòm thư của con: 651091 JA01
TB: Con đã viết về nhà bốn, năm lá thư nhưng vẫn chưa nhận được thư nào.

Đây là lá thư cuối cùng của Y Hòa gửi về cho gia đình. Hai tháng sau, ngày 16 tháng 10, Y Hòa đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

HÀ NỘI ƠI… *)


Tạp văn Đỗ Quyên
 Hà Nội ơi…
Trên giấy tờ mình không được sinh ra trùng ngày 10 tháng Mười năm 1954, nhưng lại được thành thai trên sinh lý hoặc tâm lý có lẽ trúng ngày đó? Vì sau ngày lịch sử ấy đúng 9 tháng 13 ngày, mình đã chào đời tại Bệnh viện Đồn Thủy (sau gọi là Quân y viện 108) của Hà Nội mà lị. So với mốc 10 tháng Mười, bố mẹ mình đã mang cả nhà về thủ đô chưa, mình có được kể; quên rồi. Dù sao mặc lòng: Nếu về trước 10 tháng Mười, chắc trong cái buổi “Năm cửa ô (…) như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”, tức là sau khi đưa các anh chị mình đi dự lễ “đón mừng đoàn quân tiến về” thì bố mẹ mình “thừa thắng xông lên” quyết định sinh ra mình. Còn như nhà mình về thủ đô sau ngày đó, dù ở trên vùng tự do chắc hai cụ vẫn bị âm vang hòa bình lôi kéo. Giống nhiều gia đình thời đó: nhà mình đông anh chị em và có hai thế hệ cách xa nhau với mốc Giải phóng Thủ đô. Tóm, tuổi mụ, mình vẫn tự coi được sinh ra vào 10 tháng Mười năm 1954. Thế hệ Hòa bình.
Hà Nội ơi…
Cha mình sinh ra ở Phú Thọ. Mẹ mình cũng vậy. Quê nội nhà mình gốc ở Hà Đông. Gọi đúng chữ “về quê”, cho đến nay mình chỉ được về quê Phú Thọ “nhõn” 3 lần. (Chữ “nhõn” thời mình ở Hà Nội mọi người ưa dùng!) Lần một, thời chiến tranh được đi sơ tán tránh bom Mỹ, nhưng ít quá, chưa đầy một năm học mà lại ở huyện khác. Lần hai, được theo mẹ trong chuyến đi trối già của mẹ về quê ngoại. Lần ba, rất chậm trễ - năm 2010, sau 22 năm xa nước - lần đầu tiên về được tận làng của quê cha Phú Thọ. Còn đất tổ Hà Đông? Thú thật, chưa một lần về! Cả hai sự chậm trễ và sự chưa này đều là lỗi rất lớn. Của chính mình. Dạo bé, mình hay trách người lớn vì sao có 10 cây số từ Bờ Hồ - Hà Nội vào thị xã Hà Đông phải xa vời đến vậy. Nay thấy mình còn phạm lỗi hơn cả người lớn. Như cái lần về Việt Nam đó, đã được ông em con ông chú “thiết kế” chỉn chu một chuyến về quê tổ. Thế rồi tới giờ chót lại hoãn. Mình nghiệm bao lần rồi, trong các việc quê việc nhà, cứ hoãn cứ trễ là có thể sẽ không bao giờ. Vậy mà lần đó vẫn bị. Tức mình quá, mà không làm gì được mình.
Có lẽ mình thuộc vào lứa trẻ-không-quê, nếu không kể Hà Nội là nơi sinh ra, lớn lên và làm việc. Trẻ con thành phố thời đó vô khối đứa như thế. Nếu không có khách ở quê ra, không đi sơ tán tàu bay Mỹ - coi như mất quê! Kể từ khi biết làm thơ, mình càng tin (và tiếc cho bản thân): muốn thành thi sĩ Việt Nam giỏi, phải có đời sống thôn quê. Kỷ niệm về những phố xá, công sở, nhà cửa (nhất là khu tập thể!) chúng lang bang lắm. Rất khó tụ thành các giọt thơ. So với những cánh cò, dậu mồng tơi, ánh trăng lu…


Hà Nội ơi…
“Hà Đông có thuộc về Hà Nội
Hay là không, thì vẫn cứ Hà Đông”.

Phạm Đình Ân đấy! Anh dường như là người dẫn mình vào làng thơ Hà Thành và sau trở nên bạn thân thiết. Bài Hà Đông được viết vào năm 1985 khi cả nước ở ngưỡng cửa Đổi mới, từng vang tiếng trong dư luận bạn đọc, được ngâm ngợi trên đài báo nhiều lần và cho đến tận các năm gần đây (như mình vừa thấy qua một bài bình trên mạng qdnd.vn ngày 18 tháng Hai năm 2010). Si tới độ “Nghìn buổi chiều tôi đến, phải về không”, một bài thơ tình trai gái đúng nghĩa được xây trên nền sử ký, địa dư, xã hội qua câu chuyện một vùng ngoại vi xoay xỏa cùng trung tâm, trong công cuộc thủ đô phải tung nở tại bước ngoặt nguy khó không thể cưỡng nổi - “điện sông Đà hé sáng giữa gian lao”. Khúc trữ tình riêng tây được mở và khóa bởi tính cận duy lý trong minh triết Việt. Khóa là hai câu trên. Mở:
“Hà Đông vốn thuộc về Hà Nội
nay thì không mà vẫn cứ Hà Đông.”

Ra đây mỗi khi nhớ quê nhà, lại lấy thơ bạn ra nhớ. Bạn thế mới là bạn, thơ thế mới là thơ!
Hà Nội ơi…
Minh mù về nhạc. Chỉ dùng nhạc khi thật cần. Đời còn biết bao thứ cần hơn. Thơ này. Hay như hôm nay viết bài nộp báo chào mừng 60 năm tái sinh Thủ đô này... Nhạc không là mục đích mà là phương tiện dìu dặt mình tới thơ và những gì quanh quẩn thơ.
Cụ thể: Những khi công việc dồn dập (cần vứt gạt trăm thứ để đi làm thơ, hay phải viết bài kịp hẹn tòa soạn, hoặc cấp tập dọn dẹp bài vở trước khi đi xa…) thì mình lại phải Tiến về Hà Nội cùng Văn Cao. Vừa nghe vừa đọc nháo nhào trăm thứ, để vứt đi hay cho vào kho. May, hai năm nay có phiên bản của Tạ Quang Thắng, Bảo Trâm và Sinh viên Tuổi 20. Chứ trước “phang” phiên bản cũ, được việc đấy nhưng hại sức khỏe. Máu bốc từ ngón chân lên đỉnh đầu. Nay lắng dịu, chan hòa hơn mà vẫn tiến về Thủ đô ngon ơ! Có nhiều bận nghe các em các cháu chúng nó luyến láy mà quên cả trang thơ đợi mở trắng tinh.
Còn các lúc cần phải buồn tình, tình riêng chung hay tình thế sự, dữ dội nhất là những năm đầu xa nước, thì cứ Hướng về Hà Nội theo Hoàng Dương. Nhưng phải do Tuấn Ngọc hát. Ở đó có một nỗi buồn thảm đang kêu gọi (như loài chim mà mình chọn làm bút danh). Từ 1994 đến nay, khúc ca tuyệt vời đã được thành đại trà; có cả tá ca sĩ nam nữ già trẻ tầm thượng thặng trình diễn. Kệ, mình vẫn chăm chăm Tuấn Ngọc. Thi thoảng nghiêng ngó qua diva Hồng Nhung cho hợp thời. Cổ kim đông tây, để làm thơ không buồn là không xong. Vậy Hướng về Hà Nội đi, thế nào thơ cũng tới.
Tất nhiên, người nào cũng hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, thất tình lục đục. Ngoài hai cái chính đã nêu, mình có đủ tâm trạng khác khi làm các việc khác như người thường. Trên màn hình máy tính, mình cẩn thận giăng một hàng ngang các đường dẫn vào những bản nhạc với hai bản nhạc đó chặn hai đầu. (Trông giống cái dây thép phơi quần áo giữa sân chung ở các nhà tập thể Hà Nội thời Bao cấp!)
Nửa năm qua dây nhạc gồm có: Cesaria Evora bài Sodade, Phạm Duy - Kỷ niệm; Johann Strauss II - Wiener Bonbons op.307; Bùi Đình Thảo, thơ Hoàng Minh Chính - Đi học, Anh Khang & Quang Thắng song ca; Antonín Dvořák - Symphony No. 9; Dương Thụ - Ô cửa sổ mùa đông; Spanish Guitar Music - Vol.3; Paul Anka - My Way; Ofra Haza - Adama… Đại khái thế. Và mỗi khi chuyển qua máy khác, sao chụp xong bài vở dang dở, vội gì thì vội mình cũng lôi theo “đội nhạc công” đứng đầu là “đội trưởng” Hướng về Hà Nội với câu đầu:
Hà Nội ơi…
Ghế đá trước Đại sứ quán Ba Lan trước đây trên đường Bà Huyện Thanh Quan, đầu đường Điện Biên Phủ tới phố Lê Hồng Phong. “Bè lũ năm tên” tụi mình quy ước tối thứ bảy hay chủ nhật hàng tuần, ai tiện thì đáo qua, ngay cả khi không có hẹn trước. Lệ có từ khi học lớp 10, được giữ gìn cho đến khi cả bọn lớn tướng, đi làm cả, một đứa có vợ con. Chỗ ghế tựa cây nhỏ, sáng choang, nhìn ra thảm cỏ rộng thênh. Hiếm khi bị các đôi tình nhân chiếm đoạt. Nhiều lần, mưa lâm râm mình cũng ra đó. Dù để mình gặp mình... Cũng không ít lần gặp “T. Phán”. Mình và bạn ấy thích đạp xe chậm, kịp ngửi hơi đất Hà Nội bốc nhè nhẹ dưới làn mưa bụi, trên đoạn đường Trần Phú. Mẹ mình thấy con dắt xe đội mưa ngẩng mặt ra ghế đá hẹn với mấy bạn trai, cứ cười tủm tỉm tủm tỉm mỗi khi mình chào mẹ con đi. Sau ngày mẹ mất, mình vẫn đầu đội mưa bụi Hà Nội thế thôi. Rồi sau nữa, những buổi một mình đội gió tuyết Đông Âu, Nam Úc, Bắc Mỹ, chẳng nhớ Hà Nội chẳng thương mẹ sao đành!
Chuyện bạn trai tụ tập tán ngẫu của mình: nhiều, và bình thường. Như đa số đám bạn khác, phải công nhận là lành; ngoài mình ra, bốn bạn kia đều là cán bộ, cán sự lớp, cán bộ Đoàn các kiểu. Ấn tượng nhất là bữa đó “trời đất nổi cơn gió bụi”, một bạn (ắt là “B. Tè”?) nhắc câu đố của tụi bạn trường Trỗi cũ: Khắp phố xá Hà Nội có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng WC? Đứa nhẩm: chắc chắn năm; đứa xòe tay đếm: chín. Rồi năm đứa phóng xe đi. Tìm và đếm. Ba bốn buổi mới hết. Đâu như được 18 cái cả thảy? Mình không nhớ, chỉ nhớ đã ghi lại ngay. Rất nhớ có hai WC gây hậu quả. WC ở phố Đồng Xuân, khi bình thưởng, cả bọn cãi ỏm tỏi do chưa nhất trí khái niệm “nhà vệ sinh công cộng” là phải thuận tiện ngay trên phố xá, hay có thể sâu hun hút trong “siêu thị” chợ Đồng Xuân thời đó. Còn cái ở ngã tư đầu phố Lê Đại Hành, gần cuối đường Bà Triệu, mé kia là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, thì sau đó đã làm mình hỏng việc khi đang “tìm hiểu” một cô bạn gái. (Vụ này tức cười vô cùng, khi rảnh mới “tám” được.) Hôm về thăm, đứng nhìn mãi ngã tư cũ đang là ngã sáu tấp nập trên cái “WC tuổi trẻ” của mình.
Nói cho ngay, mình thật không nhớ “B. Tè” là khởi xướng viên hay không. Có lẽ chỉ vì nick của bạn ấy có chữ “tè”. Nghe nói thời học ở trường Nguyễn Văn Trỗi bên Quế Lâm, Trung Quốc trong các năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, B. hay tè khi ngủ. Trường tuyền là dân “4C”/”con cháu các cụ”, được nuông chiều lại phải xa nhà khi còn chưa rành tè ị, thành thử đám con trai rất giỏi đánh nhau. Năm bạn thì bốn có võ Tàu! Các thiếu sinh quân đó cần tiêu chí Ngoan. “B. Tè” cực ngoan, học giỏi, có tài lãnh đạo, vui tính… Lắm lúc, nhớ các bạn học phổ thông, lại ngẫm cũng có khi mình không nhớ thật! Giai thoại đi tìm và đếm WC có thể xảy ra hồi mình học lớp 8, lớp 9 ở trường khác? Mà cũng có thể xảy ra trong mơ? Đại khái thế…
Dạo mới ra ngoài này, có bữa bỗng dưng nhớ các bạn học cũ quá. Mình viết thành thơ:

“Con thuyền ngoài sông

(tặng X. Hòa)

Sáng thức dậy
Mười ngón tay vẫn đủ
Bạn bè tôi
                sống chết
gửi đâu rồi.”
Bài thơ có ý bị diễn chưa đạt. Dễ hiểu nhầm. Bạn thân mình dạo đó không đứa nào ở tình trạng “chết”. Có “T. Trâu” sang Campuchia xung trận thì đã mang trọn thân hình về. Chết ở đây là phần mình. Câu thơ đăng đối: “bạn bè” - “sống”; “tôi” - “chết”.

Hà Nội ơi…
Không kể các lần “hiếu lệ” (mình chế ra chữ này chỉ việc khóc báo hiếu song thân), về Hà Nội mình được hai lần khóc nước mắt chảy ra ngoài. Đều ở trường học. Lần vào thăm trường nơi đã qua lớp 10. Trường cũ ngay cạnh nhà, dễ chuẩn bị chu đáo. Ban ngày, mình chọn sau giờ tan trường. Vào giữa sân trường nhìn lên lớp cũ, vừa “khóc” một hai cái thì bị hai ba “bạn” đi qua bắt gặp. Ái ngại, các bạn nghĩ mình đến đón con hay cháu gì đó mà nó bỏ về trước mất!? Chắc thấy mình có “đôi mắt mang hình…” giọt lệ, các bạn lại lẳng lặng bỏ đi như vừa lẳng lặng đến gần. Coi như “kế hoạch khóc” hỏng! Lần vào trường đại học, mình đi đêm. Tất nhiên. Tới tận thềm bộ môn cũ, nơi từng học từng làm việc. May, cả khu đại học rộng lớn thay đổi quá chừng nhưng riêng một góc vẫn cảnh xưa hồn cũ. Chả ma nào thèm nhìn. Khóc hết “kế hoạch” mà cậu cháu (bị mình giả vờ nhờ phóng đi mua cái lăng nhăng gì đó) vẫn chưa quay về đón... Trưa hôm sau, đến thăm lại. Lúc đưa tiễn, hai đồng nghiệp cũ thấy mình tần ngần ra lối cổng sau, đứng nhìn. Hỏi anh tìm gì đấy. Tớ tìm các dòng nước mắt đêm qua… Đùa thôi, đâu dám làm thi sĩ lúc đó. Giờ về bên này biển Thái Bình Dương, 4 năm rồi mới viết ra đây. Lúc đó, im lặng.
Còn các nơi chốn Hà Nội mỗi lần về thăm khiến nước mắt chảy vào trong? Nhiều, nhiều ơi là nhiều. Mình dự tính (lại còn cho in đậm là “sắp in” nơi bìa sau của một cuốn sách đã xuất bản hẳn hoi) cho ra tập trường ca mang tên Những dòng thơ không thể chảy về đâu. Ẩn dụ thế thôi. Thơ, nước mắt đấy. Chứ còn gì nữa! Chảy về Hà Nội. Chứ còn đâu nữa!
Hà Nội ơi…
Nhìn đời, mình còn hạn hẹp, ngây ngô; nhìn người không tinh tường lại dễ tin. (Chúng bạn, đàn anh hay đe mày á, nếu là con gái có mà suốt năm bị chửa!). Đã thế mình lại thích để ý chuyện thế thái nhân tình. Chẳng hạn, quan hệ của những người không sinh ra ở Hà Nội với tính cách Hà Nội ở họ trong khi sinh sống, lập nghiệp tại đó. Thử kể một số người tiếng tăm và hiện không còn nữa: Văn Tâm (thày dạy mình môn Văn lớp 10), Hoàng Ngọc Hiến (mình được ít nhiều tiếp xúc từ lâu, những năm trước khi bác ấy mất thì có quan hệ đồng nghiệp gọi là tương đối gần), Đà Linh (sẽ nói dưới đây), v.v… Không phải mình vơ vào chất Hà Nội ở tất cả danh nhân, nhân vật từng hoạt động ở Hà Nội. Ví như: Phan Khôi, Trần Quốc Vượng (cả hai vị mình tuyệt không quen biết), v.v…

Đà Linh - Nguyễn Đức Hùng, nhà văn kiêm dịch giả và cũng là người làm xuất bản có tâm huyết và tầm vóc, sớm qua đời vì bạo bệnh. Mình nhận lời viết bài này với báo Tiền Phong vào hôm qua, ngày giỗ đầu của anh. Tuần rồi, ở Hà Nội đã ra mắt sách Đà Linh - Trí thức dấn thân, gồm bài viết từ khoảng 30 nhà văn, bạn hữu nói về Đà Linh cùng một tuyển chọn những sáng tác của anh.
Chủ biên cuốn sách, và cũng bạn thân của Đà Linh, nhà văn Lê Anh Hoài đã viết: “Toàn bộ công việc Đà Linh đã làm, cũng có thể gọi là một quá trình phản biện xã hội. Chỉ có điều anh không ồn ào khoa trương. Anh không đăng đàn diễn thuyết. Anh làm trong lặng lẽ, với thái độ của một trí thức cầu thị văn hóa, đứng về sự tiến bộ”.

Vốn viết chậm và lang bang, từ cuối năm ngoái khi anh em hú gọi chuẩn bị bài vở, mình thảo sẵn một trường ca mang tên Sách xanh. Đã xong 4 chương ngon lành; dự tính hơn 10 chương-hồi. Viết lách, mình thường theo kiểu mở và lắp ghép. Lúc nào cũng có thể xong; mà mãi cũng không thể xong. Bài đang viết đây là thế. Sách xanh hiển nhiên vậy, và còn hơn cả vậy. Một trường ca mình nhận chịu nhiều thử thách nhất về thi pháp cũng như chủ đề từ khi viết thể loại này. Cũng được góp một trích đoạn vào cuốn sách tiễn bạn hiền tài hoa mệnh yểu. Ngẫm lại thấy mình quá ư liều bút mà dám thay lời cả Hà Nội đề câu trong lời kết trường ca: “Cám ơn xứ sở Quảng Nam - Đà Nẵng đã cho thủ đô Hà Nội một ‘trai Hà Thành’ đúng nghĩa.”

Mình chưa được là bạn thân của Đà Linh đâu. Không kể thỉnh thoảng việc bài vở, còn thì không thư giao nhiều. Mình cũng chưa có sách riêng gì khiến người làm sách xuất chúng đó để tâm. Anh cũng đôi lần biên tập, phê bình bài vở và trường ca của mình. Và trời cho chúng mình chỉ được gặp nhau “nhõn” một lần. May, một lần song lại là “đêm nằm năm ở’. Dịp mình về Hà Nội, hai người hẹn gặp trò chuyện, nhậu khuya… Thấy mình ngại về nơi ở, phiền chủ nhà. Anh hoan hỉ mời mình tới nhà nghỉ đêm để còn chuyện tiếp, và đằng nào sáng sớm cũng cùng đi việc hiếu của một bạn văn khác. Đọc trường ca sẽ thấy mình hiểu Đà Linh mang chất Hà Nội thế nào.
Sau đây là tâm sự của anh, với họa sĩ - nhà văn Trần Trọng Vũ, con trai út cố thi sĩ Trần Dần, khi hai người bàn về tuyển tập Trần Dần - Thơ: Gia đình tôi tập kết ra Bắc năm 1954. Nên tôi sinh ra và học hành ở Hà Nội. Sau này sống và làm việc ở Đà Nẵng, quê cha tôi, nhưng tâm hồn và con người tôi luôn hướng về Hà Nội. Tôi có in được tác phẩm lớn của nhà văn, nhà thơ nào của Hà Nội, đấy là đóng góp của một người Hà Nội cho Hà Nội. Hơn nữa, giới văn chương đều biết tiếng ông cụ là một hồn thơ lạ và luôn đổi mới. Rất cần công bố thơ của cụ vào lúc nhà nước đang chủ trương đổi mới văn học.”

Hà Nội ơi

Năm năm qua, mình mần mò làm biên khảo về trào lưu trường ca Việt Nam tính từ thời Thơ mới, bất kể trong-ngoài nước, Nam-Bắc trước-sau 1975, trong đó có việc lập danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt. Đã từng đăng rả rích ở các trang mạng; sẵn dịp cập nhật: đang có chừng 430 tác giả Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương, với tổng số khoảng 1.118 tác phẩm gọi chung là trường ca. Với đề tài Hà Nội, mình vội nhích ra đây các sáng tác tạm tính theo tên bài.

Về trường ca: Hoài Anh với Trường ca Điện Biên - tổ khúc Hà Nội (1954); Nguyễn Đức Bính / Hà Nội (1969); Nguyễn Hương Trâm / Hà Nội – Thăng Long (1983); Vương Trọng / Hà Nội của tôi (2008); Phan Vũ / Em ơi - Hà Nội phố (1972).
Thơ dài có chất trường ca: Thu Bồn / Hà Nội ngày nào (1996); Nguyễn Linh Khiếu / Lá non mùa Hà Nội (2010); Yến Lan / 1957 - Hà Nội sang hè (1957); Ngô Văn Phú / Hà Nội tháng 12 (2003).

Hà Nội ơi…
Ký giả biết mình có tật lang bang nên khi nhờ viết bài đã nhắc nhỏ “nhà thơ đả động tí về sự đẹp và không đẹp của Hà Nội, nhất là cái không đẹp của Hà Nội nay”. Thì vẫn. Bọn mình ra ngoài này cốt vậy mà! Thật tình, cực lưu tâm đấy. Song, ở tạp văn hôm nay chỉ đủ không gian nói đúng một “tí” thôi.

Về các thảo luận trên báo chí, trang mạng: Hãy nói về con người Hà Nội, xưa và nay? Hà Nội vốn như một thành phố mở, người tứ phương đổ về và gần đây đổ về ngày thêm nhiều, vậy bản sắc người Hà Nội ra sao? Giọng nói Hà Nội thế nào là chuẩn; người Hà Nội bây giờ là ai; vẻ thanh lịch Hà Nội xưa đâu rồi? Mình lưu giữ hết; ghi chép, lập hồ sơ bài vở… Hai ba kho đầy. Thơ và thậm chí trường ca không kham nổi. Sẽ “dí” hết vào tiểu thuyết chăng? Riêng mình thấy nội dung các tranh luận đa phần cần và hay. Có điều, mình không trọng đúng-sai. (Không sai, tranh cãi làm chi!) Quan trọng là thái độ, là mục đích. Tạm gọi là hay-dở.

Như ở văn Nguyễn Việt Hà. Nhiều điều nhà tản văn tài hoa cắn cứa Hà Nội đau ra phết. Đọc phát nhói, nhột. Nhưng đó là ngôn ngữ văn học. Và cũng từ cái tâm văn. Mình chịu.

Chứ còn với không ít chỗ ở cách tự-phản-biện như bác Vương Trí Nhàn thì… “em chã”! Thông tin, kiến thức, nhiệt huyết và nhất là thể tài (tài nhất việc dùng tư liệu nhật ký bản thân để tái sáng tạo chân dung văn học cho các tác gia và thời đại) của nhà phê bình văn học kiêm nhà nghiên cứu văn hóa có thể gọi là kỳ cựu ấy đã được văn giới và độc giả đánh giá rất cao. Riêng mình vốn trọng tài phục chí bác ấy từ khi còn là thằng em nhỏ của một đồng nghiệp với bác (mà có lần ở Thư viện Quốc gia từng được bác chỉ cho ngữ pháp tiếng Nga khi mình đọc sách vật lý.) Chính thế xin thưa trong tình huynh đệ bằng hữu, nếu bác cho phép: có cái gỉ gì gi khó viết ra đây - ở một bài tiểu luận sẽ dễ hơn - về “khối tâm sự” của tác giả.

Một điển hình. Bàn về hai câu ca dao cổ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, Vương tiền bối bảo thế vầy:

Tôi không tán thành câu đó. Tôi cho rằng đó là cái bệnh xấu của thành thị. Đó chỉ là cái hão, cái giả thôi nếu cứ tự nhận là để bắt nạt những người nhà quê đi chăng nữa thì cái đó cũng vô nghĩa. Người tự trọng không bao giờ nên tự hào vì điều đó. Còn chính người Hà Nội thật sự thì phải nghĩ rằng mình chưa là mức của người Hà Nội, mình phải cố gắng hơn nữa, phải trở thành con người mẫu mực của xã hội, tức là phải thanh lịch thật. Cái đó mới đích thị là người Tràng An.” (nguoihanoi.com.vn 18/2/2009).

Mình muốn được gọi nhanh, đó là cách phản biện duy lý, nhưng khác với thơ Phạm Đình Ân, nó không có được chất minh triết Việt. Tức là mang búa lý luận phương Tây hòng làm thịt gà mái tơ phương Đông. Tỷ như bác Vương mà làm thơ, kiểu như bác Phạm, mình chịu liền: “Thanh lịch có thuộc về Tràng An/ Hay là không, thì vẫn cứ Tràng An.”

Việc đọc và đọc lại hai câu ca truyền đời đó đã kinh qua biết bao nhiêu luận bàn. Mình chỉ nói thêm, với bác Vương: ở đây không thể bỏ qua cách đọc-hiểu ca dao, lục bát. Chưa kể diễn ngôn nghệ thuật thơ mà có thể bác rê qua, ngay nội hàm ngữ nghĩa và ngữ pháp dường như cũng chẳng được chú ý? Trong vụ này có nhẽ phải đọc-hiểu câu cú theo quan hệ “đề thuyết Cao Xuân Hạo” cũng nên. Quan hệ chủ vị rành mạch của Tây không ăn thua. Vô ngần quen thuộc và tinh tế là khi người Việt dùng cấu trúc “Chẳng… cũng thể…”, “Dẫu không… cũng…”. “Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta” ở Nguyễn Du. Đến Phan Khôi đã thành một ma trận: “Làm sao cũng chẳng làm sao/ Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi/ Làm chi cũng chẳng làm chi/ Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao."

Mình nghĩ trong câu lục bát đang bàn, các cụm từ có tính đăng đối, bình đẳng, chưa chắc là nhân quả. Diễn nôm sau đây là không thấu hết lòng dạ người xưa: “Mợ là hoa nhài đây. Mơ thơm lắm, dân quê ạ!”. Tam đoạn luận thế này là phá tan ý tứ dân Việt: “Cậu là người Tràng An; vì đã Tràng An nên cậu phải thanh lịch; vậy nhà quê kia không Tràng An thì không thanh lịch.” Còn nữa, về từ vựng. Ai cũng biết trong tiếng Việt, “chẳng” chưa hẳn đã phủ định, và khác xa với “không”. Đến “chả” thì tuyệt rồi. “Em chã…” là một đỉnh ngôn từ và diễn ngôn Việt được chuốt lên bởi “kiến trúc sư” Vũ Trọng Phụng. Rồi đến “Dẫu không” cũng chưa chắc là một phủ định mạnh.

Ba lần, mỗi lần về thăm quê nhà, mình thửa riêng một câu thơ lẻ, thủ trong đáy lòng trên đầu lưỡi, ví dụ: “Đi xa về chưa thể nói điều chi.” Chỉ muốn làm một cái “Trung tâm Nghe - Nhìn” thôi. Nghe nhiều. Nhìn kỹ. Qua bên này viết. Và viết…
Thế nên khi được nhà báo hỏi gợi ý “Anh mong muốn gì về Hà  Nội?”, mình suýt mất ngủ. Hôm 19 tháng Chín vừa qua, báo chí và trang mạng cho hay Tòa đã xử vụ tranh chấp đất đai tại chính làng quê tổ họ Đỗ nhà mình: “Dân oan Cấn Thị Thêu 15 tháng tù giam, ông Trịnh Bá Khiêm 18 tháng tù giam và ông Lê Văn Thanh 12 tháng tù giam với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’”. “Những làng La tôi đã quá yêu thân.” - Thơ bạn mình trong bài Hà Đông ở trên. “La” đây có La Dương, phải không? Hồi bé cứ nghe bố mẹ ông bà nhắc La Dương, La Dương… Từ hai năm nay mình đã cho vào kho tư liệu không biết bao nhiêu tin bài về vụ thu hồi đất Dương Nội. Và giấc ngủ cũng phải đến để rồi qua… Nhủ, thứ thi sĩ như mình trên đầu mây bay dưới tay thơ chảy. May lắm dành được dăm trang thơ lưng vốn. Đâu thể mong muốn gì từ nơi khác. Lại nhủ, mình phải viết gì cho xứng với danh Trai Hà Nội…

Hà Nội ơi…

Vancouver, 10/10/2014
Đỗ Quyên

Cùng nhà thơ Phạm Đình Ân

------------
*) Bản rút gọn của bài này đã được đăng trên tuần báo Tiền Phong Chủ Nhật số 285 ra ngày 12/10/2014 và tienphong.vn 12/10/2014: