Gửi các bạn:
BÀI THƠ "ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ"
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-05-1890 -- 19-05-2011):
Minh Huệ
1951
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ.
Lặng yên như bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Ngoài trời mưa lâm thâm
Mái lều tranh xơ xác.
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
Rồi bác đi dém chǎn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng.
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Â'm hơn ngọn lửa hồng.
Thổn thức cả nổi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
- Bác ơi! Bác chưa ngủ?
- Bác có lạnh lắm không?
- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc!
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn.
Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
Vì Bác vẫn thức hoài.
Chiến dịch hãy còn dài
Rừng lắm dốc lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi.
- Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phǎng phắc.
Anh vội vàng nằng nặc:
- Mời Bác ngủ Bác ơi!
Trời sắp sáng mất rồi
Bác ơi: Mời Bác ngủ
- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chǎn...
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.
Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác.
Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh
BÀI THƠ "ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ"
RA ĐỜI TRONG HOÀN CẢNH NÀO?
CAO NĂM
Giữa tháng 4 năm 2000, tôi có việc nghỉ ở 37 Hùng Vương, Hà Nội, tình cờ ở phòng với nhà thơ Minh Huệ từ Nghệ An ra. Đi xe mệt, tối nhà thơ Minh Huệ và tôi không muốn đi đâu. Tôi ngày còn học phổ thông đã thuộc lòng "Đêm nay Bác không ngủ", nhưng giờ mới "mục sở thị" tác giả bài thơ nổi tiếng ấy. Nên vừa cạn tuần trà đầu, tôi hỏi ngay nhà thơ:
-Ông viết bài thơ "Đêm nay bác không ngủ" trong hoàn cảnh nào?
Như khơi đúng mạch, không cần nghĩ ngợi lâu, nhà thơ nói ngay:
-Đấy là vào một đêm cuối mùa đông năm 1950, tôi vừa từ chiến trường Bình-Trị-Thiên ra Thanh Hoá, làm cán bộ Tuyên huấn Khu uỷ khu Bốn, thì gặp anh Trác. Tôi và Trác trước cùng công tác với nhau, sau anh ấy được điều ra Việt Bắc làm bảo vệ Trung ương. Biết anh Trác có đi chiến dịch Biên giới, tôi hỏi: "Nghe nói Bác Hồ đi chiến dịch, cậu có được gặp Bác không?". Thế là Trác kể luôn những chuyện về Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới, mà anh ấy là một trong những người được đi bảo vệ Bác suốt chiến dịch. Nhưng trong những chuyện anh Trác kể, có một chuyện tôi nghe rất cảm động. Đó là vào một đêm chiến dịch, Bác cùng anh em trên đường đi, ghé vào dừng chân trong một cái lán có các chiến sĩ vệ quốc đang trú quân. Trời tối om. Bếp lửa tắt tự lúc nào. Bác nhóm lại lửa. Ngọn lửa cháy phừng phừng. Một anh vệ quốc quân tỉnh giấc, nhận ra Bác Hồ đang ngồi bên bếp lửa. Anh ta rón rén dậy, đi lại chỗ bếp lửa, lễ phép: "Bác ơi, Bác đi ngủ đi. Khuya lắm rồi". Bác quay lại, giục anh vệ quốc: "Cháu cứ đi ngủ đi. Ngày mai còn đánh giặc". Câu chuyện nghe anh Trác kể, tôi viết lại gần như thật trong bài thơ: "Anh đội viên thức dậy; Thấy trời khuya lắm rồi; Mà sao Bác vẫn ngồi; Lặng yên bên bếp lửa". Chỉ khác là khi viết, tôi để anh đội viên kia ba lần thức dậy: "Lần thứ ba thức dậy; Anh hốt hoảng giật mình", để lột tả tình cảm yêu thương Bác Hồ của anh vệ quốc quân, gói vào một khổ thơ với hai điệp ngữ "mời bác ngủ": "Anh đội viên nằng nặc; Mời Bác ngủ Bác ơi; Trời sắp sáng mất rồi; Bác ơi! mời Bác ngủ".
Tôi hỏi cắt ngang lời nhà thơ:
-Trước đây đọc bài thơ, tôi cứ ngỡ người viết đã có vinh dự được gần Bác Hồ, hoặc ít ra cũng nhiều lần được gặp Bác Hồ mới viết được như thế.
Nhà thơ Minh Huệ nói ngay, bằng một giọng chân thành và cảm động:
-Khi làm bài thơ ấy, tôi chưa được nhìn thấy Bác Hồ lần nào. Nhưng thực thì Bác Hồ đã ở trong tâm tưởng tôi rồi. Tôi tự hào được là người con của quê hương Bác Hồ. Trong tôi vẫn nung nấu viết một cái gì đó về Bác. Đến khi nghe anh Trác kể chuyện Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới thì lập tức trong tôi như bùng lên tình cảm mới và rất lớn lao về Bác Hồ. Sở dĩ trong bài thơ, tôi miêu tả cụ thể từng cử chỉ của Bác: "Rồi Bác đi dém chăn; Từng người từng người một; Sợ cháu mình giật thột; Bác nhón chân nhẹ nhàng" là vì tôi nghĩ tình cảm và sự chăm sóc của Bác Hồ đối với các chiến sĩ cũng giống như mẹ mình đối với mình hồi còn nhỏ. Cho nên khi viết, cảm hứng của tôi về Bác Hồ là cảm hứng về người mẹ đối với con cái vừa ân tình, cẩn thận lại vừa cụ thể dến từng chi tiết nhỏ: "Từng người từng người một; Sợ cháu mình giật thột". Đó là cử chỉ của một người mẹ. Cho nên, bài thơ không có chữ người mẹ nào, nhưng lại đúng là viết về người mẹ. Tôi quên đi là mình viết về lãnh tụ, mà mải nghĩ về một người mẹ chan chứa tình cảm yêu thương, chăm sóc cháu con.
-Hẳn là khi đã có cảm xúc như thế thì ông viết cũng nhanh thôi, thưa nhà thơ?
Câu hỏi của tôi dường như có làm nhà thơ Minh Huệ phải lần dở lại thời gian, nên ông dừng lại giây lát, rồi mới tiếp tục câu chuyện:
-Không nhanh đâu. Tôi viết từ tháng 10 năm 1950, đến qua tết nguyên đán, tất cả khoảng gần 5 tháng mới xong. Lúc đầu tôi viết còn dài nữa. Rồi cứ sửa đi sửa lại. Cuối cùng chỉ để lại 16 khổ thơ như hiện nay. Nhưng làm xong chưa gửi đi đâu, vẫn để trong cặp tài liệu. Cho đến một hôm, có anh ở Chi hội văn nghệ khu Bốn đến chơi. Trong khi trò chuyện, anh ấy hỏi tôi lâu nay có làm được bài thơ nào không. Tôi lấy đưa anh ấy xem bài thơ, rồi anh ấy mang đi in trong tập thơ "Tin vui", do Chi hội văn nghệ khu Bốn ấn hành. Thế là bài thơ ra đời.
-Trước đó ông đã viết bài thơ nào về Bác Hồ chưa?
-Tôi có viết bài "Nắng Nghệ An chuyện trò với mây Việt Bắc" gửi gắm niềm mong ước của tôi, mà cũng là của người dân quê Bác mong được gặp Bác, đón Bác về thăm quê hương. Bài thơ viết theo lối hát ví- một loại dân ca rất gần gũi với người dân xứ Nghệ. Nhưng không thành công. Dù vậy, tôi coi đó là sự thể nghiệm của tôi trong việc sáng tác về Bác Hồ, về sự vận dụng dân ca vùng quê Nghệ-Tĩnh của tôi vào thơ. Đến "Đêm nay Bác không ngủ" là bài thứ hai, thì tôi hoá thân thành anh đội viên vệ quốc để được gặp người Mẹ-Bác Hồ. Còn cách viết, tôi vẫn theo lối hát ví, hát vè như ở bài thơ trước.
-Từ ấy đến nay nhà thơ vẫn theo đuổi đề tài sáng tác về Bác Hồ?
-Tôi vẫn viết, và còn viết nữa về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác và Đảng luôn ở trong tôi, là nguồn cảm hứng vô tận của thơ tôi. Nên trong một bài thơ mới viết, tôi mong được góp một cái gì đó vào việc biến Di chúc của Bác Hồ thành hiện thực, thể hiện qua câu: "Đuốc Di chúc toả Thăng Long; Thơ ơi góp gió cánh rồng Vạn Xuân". Năm 1985, tôi đã ra tập thơ viết về Bác Hồ, mang tên: "Đêm nay Bác không ngủ" gồm 26 bài và một chuyện thơ về Nguyễn Ái Quốc với xô viết Nghệ-Tĩnh. Năm (2000) nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác Hồ, tôi lại cho ra tập thơ "Cõi xanh", gồm 40 bài thơ viết về Bác. Với tôi, một người làm thơ thì không gì bằng: "Yêu Bác làm thơ theo trí Bác; Tâm hồn yên tĩnh giữa trùng khơi".
Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Minh Huệ với tôi về hoàn cảnh ra đời bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" tôi ghi kín mấy trang sổ tay. Nhưng chỉ xin ghi lại chừng ấy, xin được coi những dòng này như nén nhang tưởng nhớ nhà thơ Minh Huệ.
___________________________________________
Địa chỉ: CAO NĂM
Tổ 44, Xóm Mới, Ngõ 258 phố Đà Nẵng, Hải Phòng
ĐT: 0912.926.613; Email: nam3564856@vnn.vn
MINH HUỆ
Nhà thơ Minh Huệ tên thật là Nguyễn Đức Thái, sinh năm 1927, tại Bến Thủy, Thành phố Vinh. Ngoài bút danh Minh Huệ, ông còn có các bút danh khác là Mai Quốc Minh, Nguyễn Thái
Nhà thơ Minh Huệ đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác: hội trưởng Hội Sáng tác văn nghệ Liên khu 4; trưởng ban thơ - lý luận phê bình Nhà xuất bản Văn Học; trưởng Ty văn hóa Nghệ An; bí thư Đảng đoàn kiêm chủ tịch Hội VHNT Nghệ An; hội viên sáng lập Hội Nhà văn VN (1957); ủy viên Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp VHNT VN. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật VN.
Sự nghiệp sáng tác của ông ghi dấu ấn qua bảy tập thơ (có hai tập thơ viết về Bác Hồ là Cõi Sen và Đêm nay Bác không ngủ), bốn tập truyện ký và ký, hai tập truyện và nhiều bài báo, tiểu luận về đời sống văn học nghệ thuật và văn hóa VN. Bài thơ nổi tiếng Đêm nay Bác không ngủ được nhà thơ Minh Huệ viết năm 1951 lúc 24 tuổi
Ông mất ngày 11-10-2003 tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, thọ 77 tuổi.
Tác phẩm:
- Đêm nay Bác không ngủ( Thơ-1951)
- Tiếng hát quê hương (1959)
- Đất chiến hào, (1970)
- Mùa xanh đến (1972)
- Đêm nay Bác không ngủ (Tập thơ-1985)
- Rừng xưa rừng nay (1962)
- Ngọn cờ Bến Thủy (truyện ký, 1974-1979)
- Người mẹ và mùa xuân (truyện ký, 1981)
- Phút bi kịch cuối cùng (1990)
- Thưởng thức thơ viết về Bác Hồ (1992)
- Dòng máu Việt Hoa (1954)
Tình yêu và Thơ:
...Ba tôi- nhà thơ Minh Huệ... Không kể mối nhân duyên giữa tình yêu và thơ của ông thì thật là thiếu sót. Mỗi khi kể cho chúng tôi nghe về quá trình ra đời bài “Đêm nay Bác không ngủ”, ba tôi đều nhắc đến chi tiết, chính mẹ chúng tôi, người vợ yêu dấu của ông đã gợi ý cho ông nảy ra câu kết: “Vĩ một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh”...
Nay thì mộ ba và mẹ nằm cạnh nhau, hai người, nhà thơ và nhà giáo lại được ở bên nhau, vĩnh viễn, ở chốn vĩnh hằng. Và như lời ba thổ lộ với mẹ, ông yêu vợ “cả trong không gian và thời gian, cụ thể và trừu tượng, kiếp này và cả kiếp sau”, có lẽ bây giờ Ba của chúng tôi lại có thể đọc thơ tặng Mẹ của chúng tôi, ở đâu đó, một góc riêng tư:
Cám ơn em, đồng lúa ngát ban mai
Thơm suốt đời anh hương nồng xao xuyến
Đâu chỉ có ban đầu tình mới quyện
Trong lo toan, đằm thắm, em ơi.
Nguyễn Đức Lam
Và chúng ta cũng không thể nào quên ngày Bác đi xa:
Bác ơi
Tố Hữu
6-9-1969
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thǎm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay...
Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác - Lênin, thế giới Người hiền
A'nh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!
Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
TH.st.
Bây giờ mình mới biết về xuất xứ bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của nhà thơ MINH HUỆ - Cám ơn T.H.
Trả lờiXóa