Trần Chiến
Ngày Tết, người ta được hưởng cái thú đi bộ. Thành phố vắng vẻ, tinh tươm, chả pháo nổ hay kẹt xe tắc đường. “Ô sin”, thợ thuyền về quê. Nhà trọ sinh viên vắng tanh. Thế rồi bật ra câu hỏi: “Thật sự thì chen chúc trong Thủ đô mình ngày thường có tới chục triệu người không?”.
Lần đi xe ôm, biết ông lái người Xuân Trường Nam Định tôi nói bừa “Dân Xuân Phú à?”, ai ngờ ông ấy hỏi lại “Anh xóm nào?”. Người xã ông lên đây chạy xe có đến một tiểu đoàn. Gần nhà tôi có chị hàng xôi trông hay hay, hỏi chuyện ra chồng bán nước ghi đề bơm xe đầu phố, con học trường phường, còn cái ông tối tối ép nước mía cách mấy dãy nhà là bố đẻ, đều từ Thái Nguyên xuống. “Em còn bà nội trên ấy. Làng đi vãn, cụ chỉ sợ chết không ai biết, có biết thì đám ma không ai đi”.
Ngoài Chương Dương Hàm Tử có những “xóm” Hưng Yên, “xóm” Thái Bình, ngày gánh mướn đội thuê, quét dọn, rửa bát thuê ngoài phố, đêm về kềnh trong vòng tay người làng, giá hai ba nghìn mỗi đêm ngủ, tất nhiên cả tắm giặt. Đa phần phụ nữ, dai sức không thể tả và rất tiết kiệm, về quê đạp xe từ nửa đêm. Trước họ về cả vụ cấy, nhưng giờ đã “khoán” cả ruộng cho họ hàng, “tập trung vào chuyên môn” trên này. Thiếu họ, những lao động đơn giản, và thiếu đội quân “ô sin”, thành phố hẳn sẽ cuống lên.
Hà Nội, như thế, đã thở cùng một “nhịp” với vùng nông thôn vĩ đại xung quanh mình. Và hẳn là xem xét Hà Nội mà không tính đến những vấn đề của Bắc Bộ (tạm thu hẹp thế thôi), có lẽ giống đặt nồi lên bếp mà chưa biết củi lửa mắm muối đủ chưa. Vậy thì cái nông thôn ấy đang như thế nào, quan hệ với Hà Nội ra sao?
Điều tích cực thì chúng ta đã nói đến nhiều: cung cấp thóc gạo, thực phẩm, đất đai, nhân lực, nguyên vật liệu... Người tài người đẹp từ Quảng Bình Thanh Hoá ra, Lạng Sơn xuống, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xó xỉnh chợ búa đâu đâu cũng gặp... Đến đây với khát vọng đổi đời, chả mấy kẻ uể oải, đa phần đều năng nổ, bổ sung phần cần cù mạnh bạo vào cái nhịp yếm thế của người phố. “Hội tụ - Kết tinh - Lan toả”, bổ sung sinh lực, tóm lại là có rất nhiều điều hay để nói về họ. Một nhận xét khác: “mỏ” nhân tài cho Thăng Long xưa nay lớn nhất là Nghệ Tĩnh và xứ Quảng, có lẽ còn mầu mỡ hơn cả Kinh Bắc, Đông, Đoài, bởi người Nghệ người Quảng cạnh tài năng còn là ý chí vô song.
Nhưng lại cũng có cái dở, mà chả hề ít. Sự phát triển làm khoảng cách địa lý giữa thành thị với nông thôn gần lại, nhưng cái hố sâu về mức sống, văn hoá, tập quán... lại toang hoác ra. Những chú phụ nề hơn chục tuổi từ Bắc Giang xuống hay nghêu ngao câu hát về một tình yêu dang dở. Chưa hề thất tình, hẳn thế. Nhưng có lẽ trong vô thức, hàng ngày thấy cả lũ “em Chã” bằng tuổi, chú chả thể bằng lòng về phận mình. Và chú cũng có những ước mơ chứ, có điều chả hướng về ngôi nhà trên đồi có mẹ già cằn cỗi. Nông thôn đang không giữ đợc người. Cái êm ả sau luỹ tre chỉ có nghĩa là ăn đã đủ, mặc không bị rét nữa thôi. Nhưng thế chưa đủ. Đất đai ít, bởi người đẻ mãi ra, trồng cấy sinh lợi ít. Một sào ruộng chịu nhiều khoản: thủy lợi, khuyến nông, phân hoá học, thuốc sâu rầy..., mà trời không thương có khi mất cả. Một “suất đinh” chịu đóng góp các thứ quỹ xóa đói giảm nghèo, tiếp khách, bảo tồn di tích, khuyến học, người cao tuổi, cựu chiến binh, văn nghệ... của xã, thôn, của họ tộc. Thế là phát canh lấy thóc cho bố mẹ ăn, còn mình “ra đi vào chốn đô hội”, chả biết làm nghề gì khác ngoài sức vóc. Cũng không ít đàn bà, với “vốn tự có”. Cái sự ra đi ấy có thể quy cho là bần cùng hóa?
Làng xóm nhiều nơi, vùng xa là chính, đàn ông, thanh niên vãn cả, còn lại là ông già bà lão và những anh dốt nát chả có tài cán gan góc càng không. Nhà văn Dạ Ngân “miêu tả” bằng chữ “trống toang”. Ra đồng tinh đàn bà, tuy đã có đôi ủng cao su buộc cạp lên quá gối lội bùn tiện hơn, nhưng cái việc xấp mặt xuống cấy thì không thể trốn. Tệ hơn là cái nạn cường hào mới. Người giỏi giang ra tỉnh học nghề rồi ở lại, bằng không cứ lao động đơn giản cũng kiếm bằng mấy chân quê. Tết đến, ít hào đem về lại đóng tiền xây nhà thờ họ, mộ tổ, cùng bao thứ quỹ chỉ ở xó xỉnh mới có. Mấy chú đánh giầy bán báo qua bao lần “bắt cóc bỏ đĩa”, nghĩa là những đợt “làm sạch phố phường”, lại nhẩy phắt ra phố. Chúng ưa thích cái “vị” tự do (dù đầy cạm bẫy) hơn tôn ty trong luỹ tre chăng? Và thanh niên ăm ắp khát vọng với tài năng, còn chỗ nào có thể đem lại học vấn, cơ hội đổi đời hơn thành phố? Chả lẽ học xong rồi về quê, nơi lắm khi sự êm đềm lại như một tấm lưới trói chặt cá tính, nghĩ gì nói gì cũng không thể trái lời ông trưởng họ...
Vùng nông thôn gần thì sao? Không thể không nhận thấy là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thay đổi nhiều làng quê cũ kỹ. Giao thông phát triển, những khu công nghiệp mọc lên đem lại bộ mặt mới mẻ, hiện đại. Các dự án đem lại công ăn việc làm. Nhiều làng nghề đang suy sụp hồi sinh. Thanh niên rành vi tính, kỹ thuật mới, hay có thể tậu con xe tải chạy pành pành.
Nhưng cạnh phần được đó, lại là bao cái đáng tiếc. Tiếc mà không níu được, có lẽ là những di sản gắn với đời sống nông nghiệp. Nhiều nơi đập cổng làng, xén đất đình cho ô tô đi. Cái hình ảnh một làng quê xấu đi là rõ nhất: đố thấy còn nhà tranh, nhưng “kiến trúc” mới chả có quy hoạch quy chuẩn nào, cứ xây chằn chặn xìn xịt mà cái nọ chửi bố cái kia. Vườn tược cây cối ao chuôm biến mất khiến nước thải chẳng còn chỗ chảy, vừa đem theo cái vẻ êm đềm thanh mát vừa khiến hàng xóm to tiếng.
Dù sao cái phong cảnh “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” đó còn xa xỉ chán, chỉ mấy lão thi sĩ tiếc quắt ruột. Đáng ngại, là hậu quả của việc mất đất canh tác cho các dự án. Vèo cái, qua một đêm, người nông dân gần đô thị có cục tiền cả đời mơ không thấy. Nhưng vẫn là cái anh chỉ biết cấy cầy mà không còn đất, họ đâm thất nghiệp. Tiền dự án đền bù cho sẽ xoay ra làm gì, càng nhiều có khi càng xảy sự, con cái tranh giành, họ tộc đòi góp. Nhà lên được, xe đã mua, có dễ con thành hỏng. Đất đã sụt dưới chân, mà chuyển nghề chạy chợ thì cụt vốn có khi, bởi “quê ta thuần nông, có mả làm thương nghiệp đâu”. Đó là những con tính nát óc bao ông chủ gia đình. Một điều tra của Đại học Kinh tế Quốc dân trên địa bàn Hà Nội vừa cho biết 57% nông dân dùng tiền đền bù đất đai để xây nhà, chỉ có 1% đầu tư cho nghề mới và 3% cho học nghề. Sự thay đổi là cần thiết với đất nước, thủ đô, làng xã, nhưng xa xôi quá, với họ thì lại nhanh và nghiệt ngã khiến trở tay không kịp.
Và ngay ở phạm vi đất nước, cái đất nước xuất khẩu gạo vào loại ác chiến trên thế giới bỗng dưng lại đối mặt với vấn đề an ninh lương thực, thì hẳn là phải có chuyện trong đường hướng phát triển rồi. Giá đắt chừng nào trời nào mà đong!
Dầu sao, cảnh khó của làng quê gần còn là ước mơ của bao xó xỉnh xa xôi. Và lại dầu sao “giầu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ”, nên chi “Làng ơi, chào nhé”, nên chi “Cô dì chú bác ở lại, cháu ngược”.
*
Mấy chục vạn, hay mấy triệu người kéo lên Hà Nội, chả biết. Lên theo thời vụ hay thành hẳn “người phố” là mấy phần, chả hay. Chỉ biết cái nội thành cho triệu người là vừa giờ san sát, cựa cái đã chạm nhau. Diện tích mở rộng, đường xá thêm ra, nhà cao tầng rộng lên cho tiết kiệm đất, bao nhiêu cũng không đủ. Thủ đô như cái đầu máy phải gánh phải kéo vùng nông thôn, thở hồng hộc, lem nhem, kém thanh lịch đi. Cũng phải, vì tiền xây cất là còn do thuế từ nông thôn chứ. Và thành phố đâu phải chỉ của người ở đã lâu, ai cấm ai vào được.
Người nông thôn mang vô vàn sức lao động đến, kèm theo cách sống của họ. Tư duy tuỳ tiện, áp dụng lệ làng, xây cất cơi nới, đi đứng hồn nhiên, phạm luật mà không biết. Đa phần lao động đơn giản, họ thành công cụ cho người chủ, có thể bị bóc lột, làm nạn nhân, cũng có khi phá đám lại chút ít. Thành phố cần họ và hiển nhiên, “xếp” họ vào đẳng cấp dươi dưới. Với cái “dươi dưới” ấy, và với tâm lý đi ở tạm “hàng xóm”, liệu họ có yêu quý, lo cho cái cộng đồng chung bằng cho làng nước mình? Từ đấy đến chỗ vứt con chuột ra đường, đái một bãi “mặc bố thằng nào ngửi” rất mỏng.
Nhưng có những con người có chí tiến thủ, học hành đầy đủ, chiếm được những vị trí cao, đủ quyền lực định đoạt việc lớn. Sự tác động của họ vào đời sống đô thị có hay dở của nó, chỉ xin nêu ra ở đây cái phía không tích cực.
Từ nơi khác đến lập nghiệp, cái tâm lý không tự tin và cũng chả tin người rất dễ có. “Cơ chế” cục bộ, co cụm để bảo vệ nhau xuất hiện. Những “tập” người hình thành xung quanh vị “gia trưởng” mới để “chào cờ xã ta”. Người huyện người họ kéo ra, dùng người tài theo kiểu hẹp hòi... ác nghiệt nhất là những ông tiểu nông ấy mà càng quyền cao chức trọng học hàm học vị xum xuê với cả cán bộ đảng viên nữa thì càng “Thôi rồi Hà Nội ơi!”. Nhiều yếu tố khiến cơ cấu dân cư thành phố vỡ một cách “tinh tế”, công tác tổ chức, cán bộ bị ảnh hưởng. Cái tâm lý “chín bỏ làm mười” thâm căn cố đế chiếm dụng, lấn át tư duy duy lý - nhất là trong khoa học, khiến nhiều khảo sát, điều tra, giải quyết vấn đề không được đẩy đến cùng. Và còn những biến thái nhỏ li ti nữa không thể không nghĩ tới. Như là liệu không gắn bó, yêu quý Hà Nội, người ta có chỉ tính tới những giải pháp ngắn hạn, “có tính chất nhiệm kỳ” cho nó? Như là một thành phố không có những dòng họ trí thức lớn như Nguyễn Khoa, Thân Trọng, Hồ Đắc, Hà Thúc ở Huế, hay “Hà Tĩnh họ Phan Nghệ An họ Hồ”, thì liệu có mất mát không? Nói thế thật ra không chính xác lắm, vì Hà Nội chi chít làng xóm, dòng tộc khoa bảng. Nhưng sao đã ngót nghìn năm theo Nho giáo, trí thức đô thị nhiều người huỷ tiết tháo đi, hành xử cứ hay khép lại, không nói ra cái điều họ nghĩ? Có một nỗi ám ảnh thường trực nào chăng?
Thành phố của chúng ta đa sắc thật. Những mảng mầu. Những tập người. Những thời khắc... Hệt như cái kính vạn hoa, chỉ nghiêng đi một tý đã thấy khác.
TH st.
Cho Viet Thu xin dia chi Mail cua Thai Hoa nhe !
Trả lờiXóaHotay thân mến, địa chỉ của mình đây, nhờ bạn chuyển cho Việt Thu, rất mong mail của các bạn K22: vaberlin01@yahoo.com
Trả lờiXóa