Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

LẠI BÓNG ĐÁ!


Vẫn là một môn thể thao như bao môn khác nhưng sao nó có sức hút kỳ lạ. Nơi đây phô diễn những đẳng cấp các đội bóng, kỹ thuật cá nhân các cầu thủ, nghệ thuật dùng người của các huấn luyện viên....11 người mỗi đội tìm mọi cách đưa bóng sang gôn của đối phương. Ông già Khốt ta bít đi xem còn ngạc nhiên:” 22 người tranh nhau một quả bóng? Thôi cho mỗi người một quả, đỡ giành nhau”. Thuở ấy, nơi để chơi bóng đá với lũ trẻ dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều. Một bãi cỏ bên đường, một vuông đất trong khu tập thể là được. Quả bóng đá cũng vậy. Làm gì có bóng. Có khi là một quả bưởi, thậm chí là vo viên cái áo cũ bỏ đi rồi buộc lại. Thế là lao vào hò hét, rê dắt, chuyền, sút...đủ cả. Các trận tranh hùng thường xảy ra vào các giờ tan học. Nhiều hôm quên cả ăn. Kéo nhau ra các sân mả Tây, Long Biên còn gặp các cầu thủ “phủi” đá thực điêu luyện.
Lớn lên một chút, việc quan tâm bóng đá có chuyên nghiệp hơn.Về sau, cũng ngồi tập tọng bàn với các đàn anh về “Cú sút lá vàng rơi”, về đội hình WM, MW, 2–3–5 , 3–3–4,  4–2–4... . Trước đó, với đài truyền thanh, ta thường nghe tường thuật bóng đá trực tiếp. Người tường thuật có tài quan sát và nhớ tên các cầu thủ và đặc biệt nói nhanh như ma đuổi. Người nghe như bị cuốn vào trận đấu qua tiếng nói của họ và âm thanh ngập tràn  sân bóng. Đến bây giờ vẫn thi thoảng lẩm bẩm :” Anh dẫn bóng lên dọc biên trái? Anh chuyền cho ai? Anh chuyền cho ai? Anh chuyền cho cầu thủ số 7. Cầu thủ số 7 vượt qua 1 hậu vệ... vượt qua 2 hậu vệ đối phương...sút!...sút!..Vào..ào..o..o..! Không vào...”
  Ở cấp 3, ngày cuối tuần thường, trường có phân phối vé cho học sinh. Mỗi lớp vài vé. Vé ngồi ở vị trí ở tít trên cao hay sau gôn. Thế nhưng cũng giành nhau quyết liệt, phải rút thăm. Ban đầu chỉ là giữa các học trò nam. Về sau, các bạn nữ cũng đòi quyền được đi xem. Ngày ấy, mặc nhiên mọi người coi đấy là quyền lợi của con trai. Thế là nổ ra đấu khẩu. Một bạn nam “hết khôn dồn dại” tuyên bố:” Con gái đi xem bóng đá, chỉ có là...phò!”. Tình hình thật căng thẳng. Nhưng rồi mọi việc đâu vào đấy. Lại nữa. Còn nhớ 1984,  có cô bạn đại học mời các bạn cùng lớp dự lễ cưới vào chiều tối đúng ngày diễn ra trận chung kết  SKADA. Trận ấy lại kết thúc muộn do không thể phân định thắng thua trong 2 hiệp chính. Kết quả là bọn bạn nam chẳng có đứa nào đi dự cưới vì mãi theo dõi trận bóng. Khi bị trách, cả lũ độp lại:“Tại ông chồng nhà cậu, chả quan tâm gì bóng đá, sao lại đi chọn cưới ngày ấy?” 
Các đội bóng nổi tiếng ngày ấy có đội Thể công, Công an Hà Nội, Đường sắt, Bưu điện... Các trận có Thể công thì cố gắng xoay vé để xem. Đội Công an Hà Nội hay nhưng khá thất thường, lúc rất hay, lúc tùy hứng. Ở sân bóng Hàng Đẫy trong trận đấu lúc đó thường có mấy cậu nhóc nhặt bóng(còn gọi là mấy cậu “3 hào”). Ngồi trong sân mới hưởng hết nỗi cuồng nhiệt bóng đá. Hò hét, chửi tục, thậm chí ẩu đả...đủ cả. 
  Các cầu thủ nổi tiếng ngày ấy, do thiếu thông tin nên nên chủ yếu biết là cầu thủ trong nước  như   Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn ), Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ,   Nguyễn Cao Cường, Văn Sĩ Chi, Lê Thế Thọ, Lê Thụy Hải, Hà Bôn .... Các cầu thủ nước ngoài như Lev-Yasin, Pê-Lê, Bôp-bi Chac-lơ-tôn,  Fran Bec-ken-bau-ơ, Mi-lơ... 
Bây giờ, nói chung ta có thể thoải mái xem bóng đá trên các kênh truyền hình. Vấn đề là lựa chọn trận nào, chất lượng màn hình ra sao. Khi mới giải phóng, ti vi trong Nam chuyển ra Bắc, tín hiệu truyền hình chập chờn, hai hệ truyền hình SECAM và PAL khó thông nhau. Dân tình cứ nói đùa với nhau:” Xem truyền hình mà phát ngượng, quần áo chạy sau”. Thế nhưng vẫn cứ dán mắt vào màn hình để theo dõi, hét khản cả cổ đến mức quên mình với những pha bóng hấp dẫn.
Lại một mùa bóng đá mới. Được xem truyền hình trực tiếp nhưng lệch hàng giờ so với sinh hoạt thường nhật. Có thể thức khuya, ăn đêm nhưng khó hội hè với nhau để mà hò hét, mà cá nhau, cụng ly nhau sau mỗi bàn thắng để mà tán thưởng. Bóng đá mà!
Người xem

1 nhận xét:

  1. Hễ ai đi chân vòng kiềng là có biệt danh ''Ba đẻn''.Lớp mình cũng có tay được gọi là Ba đẻn đấy.
    bạn lớp 10C

    Trả lờiXóa