Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị

Đỗ Quyên - 19-06-2012 10:57:47 AM
VanVN.Net - Tọa đàm khoa học “Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại” sẽ được tổ chức tại Viện Văn học trong dịp cuối tháng 6/2012. Nhà thơ Đỗ Quyên đã gửi VanVN.Net bản tham luận viết rất công phu, kỹ lưỡng không chỉ riêng về thơ Nguyễn Quang Thiều, mà ở đó còn mở ra nhiều hướng tiếp cận, nhiều góc soi chiếu về văn học nghệ thuật Việt Nam. VanVN.Net xin đăng tải toàn văn bài viết này (chia làm 3 kỳ để bạn đọc tiện theo dõi), có thể coi đây như một công trình mang tính chất “tiền nghiên cứu” khi chúng ta muốn đi sâu tìm hiểu, khám phá, trao đổi, tranh luận về những vấn đề của thơ Việt Nam đương đại.

Về mục đích “Tọa đàm hướng đến việc tìm hiểu và định giá thơ ca của Nguyễn Quang Thiều như một tiếng nói đại diện của thế hệ nhà thơ sau 1975 trong bối cảnh của quá trình đổi mới thơ Việt Nam đương đại”, với sự chờ đợi lâu nay, chúng tôi đồng ý!
Và xin phép được cho rằng không hẳn chỉ vì “từ sau 1975, một thế hệ nhà thơ mới đã hình thành và có nhiều đóng góp vào quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tiêu biểu cho những nỗ lực đổi mới thơ ca của thế hệ này.” 
Hai dấu mốc thời cuộc 1975 và Đổi mới 1986 rất quan yếu và thuận tiện. Với một số trường hợp, nếu như chỉ được neo vào các tọa độ văn học sử đó, sẽ khó nhận chân về nghệ thuật cũng như học thuật. Thơ Nguyễn Quang Thiều là một trong không nhiều trường hợp như thế của văn học Việt Nam, tạm xét trong nền thơ đương đại. Ở tham luận này, tác giả Nguyễn Quang Thiều như là một đối tượng thuộc dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị.
Các phần từ I đến IV là nhận định, bình giá chung về thơ Nguyễn Quang Thiều. Phần V và VI có phân tích riêng trên văn bản thơ từ tập tuyển Châu thổ và trường ca Lò mổ.


 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tập thơ Châu thổ



I. Thơ Nguyễn Quang Thiều trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
Cũng như đã làm với hai tác giả có thi pháp hoàn toàn khác là Tuyết Nga  và Mai Văn Phấn , phương pháp tiếp cận thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ theo các tiêu chí đối lập (hay - dở, đổi mới - nguyên cũ, hiện đại - truyền thống, cách tân - cổ điển, tiêu biểu - bình lặng, nổi tiếng - chìm khuất, v.v…) mà coi trọng tìm hiểu trong hệ thống và định giá trong tương quan.
Cho rằng mỗi tác giả, tác phẩm là một chữ, một câu trong bài-thơ-chung của nghệ thuật thi ca, chúng tôi mong muốn bình giá mỗi tác giả của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị như những liên-tác-giả . Bàn về tác giả này cũng có thể luận đến tác giả khác, hay chuỗi tác giả khác, trong hoặc ngoài hệ hình. Không chỉ trong nghệ thuật thi ca, mà còn văn-hóa-của-thi-ca.
Trong các tiền đề chính của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị mà hai bài trước đã nêu và minh họa ở hàng loạt tác giả, thơ Nguyễn Quang Thiều là sáng tác “có vấn đề”, gây ám ảnh và âm ỉ, sự hiểu và cảm cần con-mắt-thứ-ba.
Không là tác giả của loại thơ-đọc-đi-đọc-lại, Nguyễn Quang Thiều có thơ-đọc-một-lần. Nếu ở lần đọc đầu tiên không thấy hợp, sẽ rất khó đọc tiếp khi thiếu các giải thích đặc biệt, ngoài những phê bình, nhận định thông thường. Với tác giả này, cũng khó tách bạch thơ-cho-người-đọc hay thơ-cho-người-viết. Tùy duyên mà thích thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhưng đấy ắt là thơ-cho-các-nhà-phê-bình, bởi nó liên hệ tới cả bốn tiêu chuẩn sống còn của văn chương - thẩm mỹ nhận thức, đặc trưng thể loại, phương cách sáng tác, hình thức ngôn ngữ. Như là một sáng tác, đấy cũng không phải là văn-học-khó tự thân, mà là loại sáng tác văn học khó phân định trong văn giới, khó bình giá giữa dư luận.
Bài viết này là một thử thách lớn cho Phương pháp dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị. “Sự tráo trở của phương pháp”  vẫn có thể chưa thấu được “Sự mất ngủ của lửa” !? Bởi xét cho cùng, công việc bình giá thơ Nguyễn Quang Thiều là đi giữa hai bức tường thi cách và thời đại, lại là thời đương đại của văn học Việt - một khu vực tri thức nghệ thuật có sáng tác và lý luận, thực tiễn và nghiên cứu không dễ dàng giải thích giá trị.

3 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá! Chúc mừng bạn Đỗ Quyên/ Đỗ Ngọc Thủy, người bạn tài ba của lớp 10H.

    Trả lờiXóa
  2. Chúc mừng Bạn Ngoc Thuỷ với những nghiên cứu sâu sắc về những vấn đề của thơ VN đương đại.
    Xin bái phục người bạn đa tài của K22

    Trả lờiXóa
  3. Dinh Quang Ton nhan xet:Trong chợ văn vẫn có làng văn. Nhìn tổng thể thì đời sống văn chương có thể coi như chợ. Ai vào cũng được, người bán kẻ mua khá tấp nập. Văn chương đủ các loại, từ rau cỏ đến nhung hươu, ngà voi, vàng, kim cương... Tất nhiên rau cỏ vẫn nhiều hơn. Thì đời nào, lĩnh vực nào mà chả thế! Cứ nhìn năm nghìn năm hình thành và phát triển của nhân loại, những tinh hoa để lại vẫn đo đếm, kiểm kê được mà! Hèn gì một lĩnh vực văn chương chỉ trong một giai đoạn của một dân tộc mà thôi! Vì vậy, tôi không vui nhưng cũng chẳng quá buồn. Tôi vẫn nhìn thấy cái làng văn chân chính trong cái chợ văn ồn ào. Các nhà văn chân chính coi văn là nghiệp văn lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, có thể in hoặc không in tác phẩm. Họ chính là những cư dân chân chính của làng văn, dẫu có người không có tác phẩm được tung hô. Bao quanh cái làng ấy là những người di cư đến để làm ăn, để buôn bán. Họ là những người làm cho chợ văn ồn ào theo đủ các kiểu, hàng bán không phải là văn với mục đích kiếm lời

    Trả lờiXóa