Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

CHÚT ÍT VỀ "SƠN NÚI" - THI NHÂN SỐ D(R)ÁCH VIỆT NAM HIỆN ĐẠI


[Chia sẻ giữa Thi nhơn hạng bét và Thiền sư Cò Hương; cùng nhìu PS]
--------------------------------------------------------------------------------
Họ, đôi bạn thân thời 10H Nguyễn Trãi Nguyen Trai Hanoi. Cùng học trò thầy Văn Tâm - 1 nhân vật lừng danh giới giáo dục, làng văn chương VN 60 năm qua. Thầy giỏi sinh trò quyết không hèn. Thế nên họ, người tu tập thiền tông (không chánh quả ắt chánh hạt!), kẻ luyện chuốt chữ nghĩa (chẳng thành thơ cũng thành thân!)
Họ, vừa giống vừa khác nhau ngoại hình đến nội tâm. Kẻ cao lòng khòng thạo chuyện mặt đất; người thấp xoẳn thông việc trên trời.
Đồng nghiệp giảng viên bỏ ngang cành hông: người toán học xiêu hình, kẻ vựt lý hột nhơn - cả hai không hẹn cùng... mất dạy. "Thầy giáo tháo giày đi chân đất" xông vô nghiệp mới cùng tâm đắc báo chí sinh nhai.
Thiền sư Cò Hương Xuân Hòa sau khi rời 1 trường Cao đ(c)ẳng tung chân nhảy vọt như nhà báo có số ở 1 tờ báo nhớn và nóng của đất nước trong những năm hậu Đổi mới. Yêu thi ca, anh sư tại gia ấy không quá màng 3 cái vụ thơ thẩn, nhưng - như mọi hành giả đắc thủ - khi cần có thể túm lên đỉnh thi, mò tận đáy ca.
Thi nhơn hạng bét thì là bạn thơ bạn thiết bạn hồn bạn xác số d(r)ách của mình Đỗ Quyên - kẻ viết các dòng này. Khỏi cần PR.
Đây, chí chát giữa họ trong những ngày thi giới Việt trên 2-3 bờ đại dương đành chịu để mất đi Sao Trên Rừng - Sơn Núi.
Mời làng Phây...
------------------------------------------------------------
- Thiền sư Cò Hương:
Mô Phật! Thầy có thể tham khảo stt trên FB anh Nguyễn Khắc Nhượng Nguyen Khac Nhuong, nguyên Tổng thư kí Tòa soạn báo Thanh Niên:
"SAO TRÊN RỪNG" ĐÃ TẮT
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (bút hiệu khác: Sao Trên Rừng) đã qua đời lúc 3g sáng nay 11/6/2020 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, thọ 84 tuổi.
Ông nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 là nhà thơ lập dị, đầy cá tính trong thơ, trong đời sống riêng, trong phát ngôn cũng như trong đối nhân xử thế.
Có một kỷ niệm đáng nhớ với tôi [Nguyễn Khắc Nhượng] về ông liên quan đến một sáng tác của ông sau 1975.
Một lần khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước ông từ Bảo Lộc xuống TP HCM và ngủ đêm tại nhà tôi. Sáng ra sau tuần trà, ông trao cho tôi một bài thơ của ông cùng lời "kích tướng" đặc hiệu Nguyễn Đức Sơn rằng, nếu báo Thanh Niên dám đăng bài thơ này thì ông sẽ chịu bú... hết tất cả anh chị em trong toà soạn; riêng tôi ông sẽ cõng đi chơi một vòng khắp chợ Bến Thành.
Gần 30 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ bài thơ ấy không sai một chữ. Xin ghi lại đây để tưởng nhớ về ông:
'MƠ VỀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Hẹn một
ngày vui
Anh đui
em dắt
Réo rắt
đàn kìm
Tiếng chìm
tiếng nổi
Ăn xổi
ở thì
Ta đi
hát dạo
Nắm gạo
tang thương
Nắm xương
lạc phố!
NĐS'
Hồi đó sau khi đọc đi đọc lại bài thơ đầy cay đắng về thời thế này của ông, tôi nói với ông rằng bài thơ hoàn toàn có thể đăng được nếu ông cho phép tôi sửa lại nhan đề bài thơ là "Lạc phố" chứ không là "... thành phố Hồ Chí Minh" một cách cụ thể như thế.
Ông giật lại bản thảo bài thơ tôi đang cầm trên tay rồi bảo: "Bài thơ này "ăn" ở cái nhan đề. Bỏ cái nhan đề bài thơ của tôi đi thì toàn bộ bài thơ này chỉ đáng để chùi đít mà thôi!"
Nay ông đã lìa trần, không biết trong di cảo văn chương và thi ca của Nguyễn Đức Sơn để lại có bài thơ "Mơ về thành phố Hồ Chí Minh" này không nữa. Cầu cho hương linh nhà thơ sớm được siêu sinh tịnh độ.
Sau này, bài thơ được đăng trên trang nào đó nhưng đổi đầu đề thành "Lạc phố".
Ảnh: Chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Sơn qua cọ vẽ của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh"
[Hết trích toàn văn]
+ Thi nhơn hạng bét:
Dạ Mô Phật ạ. Cảm tạ thầy quá xá, 1 bài quá hay và cực hiếm! Bần tăng quan tâm lắm lắm quái sĩ Sơn Núi mà chưa kịp biết stt như thế. Không ngờ ngài nguyên Tổng thư ký có duyên vậy mà chẳng thành quả. Phải tui, sẽ xin đổi tên bài hiền hơn (có thể chả cần là "Lạc phố"; mà "Hẹn" hoặc "Hát dạo", nhưng dưới bài thơ thì đề như sự bình thường: địa điểm và thời gian - "TP HCM, ngày... tháng... năm 19...".
Đây gọi là thủ pháp thành phần phụ. Nó rất hữu hiệu mà Đỗ Quyên, cái tay bạn thơ bạn thiết bạn hồn bạn xác số d(r)ách của tui mươi năm trước trong 1 bài bình thơ Trương Đăng Dung đã xướng ra trên Tạp chí Sông Hương.
- Thiền sư Cò Hương:
Đa tạ thầy hưởng ứng. Cái duyên của bài thơ chỉ có dzậy thui. Hi Hi...
+ Thi nhơn hạng bét:
Thiền sư phán chí phải. Ngài Tổng thư ký dính vô quái kiệt nhân hơi sâu tí nữa, có thể hổng còn... đít mà chùi. He he...
Siêu dị thi nhân dường như ít làm thơ thời cuộc có tánh chính trị (bài "Lạc phố" mới là 1 ám chỉ). Nơi chàng chủ đạo vẫn là thơ tình người, tình đời; thơ nhân sinh triết lý; thơ vấn nạn thời cuộc - tất cả đều pha "muối tiêu" dục tính (không hẳn dục tình) khi tục khi phàm trong cái nhìn phàm tục của trần đời.
Vội cống hiến thầy Cò Hương 1 bài thời cuộc hiếm hoi và đạt đỉnh mà tui vừa biết khi dạo chợ Phây (trang Thi Viện bảo: "Một trong những bài thơ đáng đọc của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn"):
"TÂM SỰ VỚI MỘT ĐẢNG VIÊN TRÍ THỨC MUỐN RA KHỎI ĐẢNG
Anh đi cách mạng bao năm
Từ rừng đến phố dao găm chưa xài
Vẫn chưa dứt điểm sòng bài
Tấm thân ê ẩm khuya dài đau sao
Cứ yêu tha thiết đồng bào
Tuy nhiên hễ thấy máu trào thì ngưng."
Về ngôn ngữ, tui thấy các chữ "dao găm", "đồng bào", "máu trào" thực đắc địa. Tuy nhiên, chữ "tuy nhiên" khi làm tăng độ hài hóm (sở trường của Sơn Núi), đạt hiệu quả chính trị thì lại làm giảm chất thơ.
[Mở ngoặc chê đại sư phụ phát chơi: Về khí thơ, bài này mang giọng vè. Ngay câu đầu đã bị vè hóa, y chang giọng Bút Tre, "Anh đi công tác Plây...". Có thể ngài cố ý? Dở! Chất dân gian, dân dã trong thi giới Sơn Núi cao hơn núi, mềm hơn sông; song khi tác giả quá đà dễ làm chuyển loại hình giữa thơ trữ tình (thơ) và thơ không trữ tình (không-thơ).
(Tiếng ta có chữ "thẩn" là thế. Thơ (lẩn) thẩn. Nói cho ngay, với các thi nhân dưới hàng thi bá, có lẽ già nửa cái viết ra là... thơ thẩn.
Nhưng ở bài "Lạc phố" Sơn Núi không hề bị "vè" dù dùng thể đồng dao; như đa số các bài thơ 2 chữ mạnh như các đường gươm của mình.
Đóng ngoặc, hẹn nếu có duyên trở lại vụ này ở 1 bài chuẩn hơn khi so sánh nhị vị thi bá Bùi Giáng & Nguyễn Đức Sơn]).
Về thủ pháp, chữ "ngưng" là từ khóa của bài thơ. Hạ được nó ở chữ cuối cùng của toàn bài, chỉ tầm thi bá cho đến thi hào. Hạng bét như bần tăng chắc tu mấy kiếp nữa mới được?
- Thiền sư Cò Hương:
Cám ơn thầy chia sẻ! Thiển ý tui: Nhà-thơ-rừng vẻ như chú ý nhiều đến gai hơn là hoa hồng - trái tim, nụ cười, niềm vui?
+ Thi nhơn hạng bét:
Bạch thiền sư, bởi chưng thiên hạ bị cái GAI hiển lộ chọc dữ dội nên quên cái HOA tỏa ngát sâu thẳm trong thơ Sơn Núi.
Đây, trích dẫn từ Lê Trọng Hà mà bần tăng vừa thấy trên 1 trang cực chính thống vanhien.vn 13/06/2020:
"Nguyễn Đức Sơn có những vần thơ rất hay và đẹp (...)
Viết về thiên nhiên:
Có hương có nhạc trên trời
Tóc tôi se gió mắt ngời ánh sao
Có con chim rủ tôi vào
Ở trong giấc mộng tôi trao ái tình.
Nói với con:
Mai kia cắp sách đến trường
Con nên học hỏi bình thường như ai
Trời sinh con dẫu có tài
Cũng không kéo được mộng dài thêm đâu
Một điều phải hiểu cho sâu
Trăm năm hai chữ vô cầu mà thôi".
Chính văn sĩ nức danh Võ Phiến, 1 ngự sử văn đàn văn chương miền Nam, trong Tạp chí Bách Khoa, # 238 - 1/12/1966, cũng lý giải cực tâm lý tâm tình:
"Trông thấy Nguyễn Ðức Sơn khoa trương về những tác phẩm “ngợp mắt” của mình và xỉ vả tất cả những ai, “bất luận già hay trẻ, đực hay cái”, muốn lợi dụng tài năng mình, người ta tưởng tượng ông ngổ ngáo không ai bằng. Nhưng hãy đến gần một chút, sẽ thấy ông hiền lành dễ mến biết chừng nào. Con người ta chỉ làm bộ làm tịch lúc bình thường, chứ một khi có điều trọng đại xảy đến, lay động sâu xa, thì liền quên hết bộ tịch mà xuất lộ ngay chân tướng."
Tất nhiên, trong bài của mình tác giả họ Lê cũng dẫn ra được 2 GAI đỉnh của Sơn Núi:
"Nếu câu thơ này hay và thật, và ai đó cũng có thể viết được:
Ôi tấm thân và da thịt đàn bà
Tôi rất thèm và muốn biết qua
Thì câu thơ sau đây là tuyệt tác, không ai có, ngoài Nguyễn Đức Sơn:
Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt..."
Thầy tha cho tui, khỏi bình lại câu thơ cuối. Nó là câu nhập môn khi kẻ bần tiện này vào thế giới thi ca Sơn Núi (và chắc khối kẻ cũng... bần tiện giống tui chăng?)
Siêu độc giả ấy của Sơn Núi còn bộc bạch cực... dễ thương: "Tôi [Lê Trọng Hà] cũng ngỡ ngàng, nhưng là sự ngỡ ngàng xấu hổ: Thực sự là tôi không biết nhiều về nhà thơ được coi là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam trước đây (ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên)."; và "Tôi biết đến Nguyễn Đức Sơn quá muộn, lỗi của tôi là chính, truyền thông cũng có lỗi một phần."
- Thiền sư Cò Hương:
Đọc thầy, tui thấy mình là kẻ ngoại thi đạo đến mấy vòng gửi xe nên không dám ý kiến ý cò chi hết.
Chia sẻ riêng: Khi nói về vô ngã vô thường mà chưa trải nghiệm qua thiền, đó chỉ là kiến thức. Trải nghiệm vô ngã vô thường qua thiền cũng giống như ăn ớt. Chưa ăn mà mô tả, đó chỉ là "nói về" ớt. Thiền giả thực sự sẽ biết tác giả thơ đã ăn ớt hay chưa. Cảm nhận này tinh tế, khó diễn tả bằng lời.
+ Thi nhơn hạng bét:
Thưa vưng. Thiền sư à, ý nầy cực quan trọng, xin thỉnh thầy duyệt. Cũng như thần thi quái kiệt số 1 là Bùi Giáng, chàng Sơn Núi cực thấm Phật tính và đưa vào thơ điệu nghệ vô cùng tận. Khi trúng duyên xin sẽ nạp thầy hẳn 1 bài lạm bàn (chọc Sơn Núi chơi chớ chắc hẳn kẻ bần tiện làm sao nói trúng lòng quái kiệt?) Nay vội ngắt ra dăm câu thơ minh họa:
.Về tương quan Thiên-Địa-Nhân; cái Không cái Có, cái Siêu cái Phàm:
"Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên"
. Về vòng luân hồi và nghiệp:
“không biết từ đâu ta đến đây
mang mang trời thẳm đất xanh dày
lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ
sống điêu linh rồi chết đọa đày”.
. Về nhi nhiên thiền tịnh:
"đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không..."
. Về tính không:
"Sáng mênh mông.
Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng.
Ồ bông,
ồ mộng,
ồ không."
. Về siêu hình, hiện sinh:
"Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai".
- Thiền sư Cò Hương:
Xin huyên thuyên vài ngu ý nữa. Triết lý Phật giáo là kiến thức; tinh hoa Phật giáo là thiền. Một bài thơ có các từ mô tả vô thường, vô ngã, vô cầu thì nó có triết lý Phật giáo. Một bài thơ diễn tả cảm nhận trực tiếp sự vật mà không có ý nghĩ (thiền) thì nó có hương thơm của tinh hoa Phật giáo.
Bài haiku sau của Basho là một thí dụ:
"Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang."
À, trong một buổi thiền hành, loạng quạng thế nào tôi vớ được chút nước hoa quá đát:
"công viên
cỏ mới cắt
gió vẫn còn thơm."
+ Thi nhơn hạng bét:
À há. Đứng trước núi, thiền sư mới chịu xì thơ mình ra. Not too bad ạ.
Xin tiếp với Sơn Núi. Còn 2 cái này đã từng có lời bình về Phật pháp của sư thầy Tuệ Sỹ:
”Mai sau tắt lửa mặt trời
Chuyện linh hồn với luân hồi có không
Thái hư chừng sắp chuyển vòng
Đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gởi cát bụi về mai kia…"
”Tôi đang rơi xuống kêu cái bịch
Trên rong rêu tịch mịch
Từ muôn đời nay”.
- Thiền sư Cò Hương:
Hành thầy và bạn đọc nghe lời bình của kẻ ngoại đạo về bài haiku thần thánh của Basho.
Tai nghe: Tiếng chuông chùa tan. Mũi cảm: Hương hoa đào buổi tối. Mắt thứ ba thấy: Tiếng chuông và hương hoa quyện vào nhau trở về cõi lặng vô cùng. (Cõi lặng vô cùng là nơi mọi cái khởi sinh để rồi về lại.)
+ Thi nhơn hạng bét:
Thưa vưng. Và cuối cùng, để thấy thâm tình của VIP của chúng ta với làng Phật VN cùng các VIPs trong làng Phật, đây chỉ là 5 trong nhìu info quí mà khi Núi Thơ VN nằm xuống thì cả làng văn báo mới tỏ:
1. "Sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn thất nghiệp một thời gian dài (...) Năm 1979 Nguyễn Đức Sơn dẫn gia đình lên ngọn núi Phương Bối, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng sinh sống (...) khai hoang làm nương rẫy. Hàng ngày ông dùng xe đạp thồ củi xuống chợ bán để nuôi chín đứa con và vợ. (....) từ đó, gia đình ông ăn chay trường, con ông hầu như đều tu tại gia, trong các am thất trên núi...” (motthegioi.vn 11/06/2020)
2. "Hai ông bà Sơn - Phượng có chín người con, bảy trai, hai gái. Theo trình tự là Thạch, Vân, Thảo, Thủy, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê. Không một người con nào được cho đi học cả! (...)
”Những đứa trẻ lớn lên cũng hoang dại như núi rừng, không cách chi sinh sống đươc nên tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Ngoại trừ Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình, Thảo nằm kia từ lâu lắm, nấm mồ chơ vơ trên ngọn đồi yên ả mây bay. Vân từ chối cơ hội sang Pháp tu học, tạm quay về để gom tất cả bốn người em trai, nuôi ăn học lại dưới một mái nhà tại chân Phương Bối. Trong đó, Thủy đang theo học cao cấp Phật học tại Sài Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà theo thế học”. (Nguyễn Hữu Hồng Minh, duyendangvietnam.net.vn 29/7/2019).
Theo đó được biết nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Vân, tức đại đức Thích Giới Lực là bạn của tác giả bài báo - 1 thi sĩ, phê bình gia thông minh, cực năng nổ và tinh nhậy; chí ít trong "vấn đề Sơn Núi" mà trên Phây của chàng Nguyễn Hữu Hồng Minh đang có nhiều nhận định, info, foto, link về Sơn Núi và về thơ Sơn Núi ít nhất từ khi ngài đổ bịnh 1 năm qua.
3. "Từ khu đất trên đồi do thiền sư Thích Nhất Hạnh tặng lại, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã cùng vợ con trồng thông, chấp nhận khoai sắn qua ngày để giữ khoảng trời thông reo”. (Báo Nông Nghiệp Việt Nam 11/6/2020)
- Thiền sư Cò Hương:
Để có bài "chuông chùa tan" nói trên, Basho cảm nhận bằng 2 giác quan là tai và mũi. Khi nghe hay ngửi, người ta không thể suy nghĩ. Khi suy nghĩ dừng thì đó là thiền. Bài thơ của Basho có tính thiền vì thế.
+ Thi nhơn hạng bét:
4. "Trong lần xuất bản tập thơ "Chút lời mênh mông, NXB Đà Nẵng - 2019, thầy Không Hạnh ở thư viện Huệ Quang có nhận định về nét dâm tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn bằng một ý quan trọng:
"Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông... Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!" (Trang Tuổi Trẻ TTO 11/6/2020)
5. Còn đây, các lời hoa ý hương mà thi nhân kiêm nhà tư tưởng hàng đầu Phật giáo VN là hòa thượng Thích Tuệ Sỹ dành cho thơ của bạn đạo của mình:
“Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh (Sơn Núi) với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? Làm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai”.
Cũng ở bài báo trên, phê bình gia họ Nguyễn phán khá là chuẩn: "Tuệ Sỹ có một phát hiện về thơ Nguyễn Đức Sơn độc đáo, riêng một. Có lẽ chỉ duy nhất ông nhìn thấy do soi rọi ngôn ngữ thơ qua lăng kính triết học Phật giáo", và "Thân người, lạ bóng! Từ cổ chí kim tôi đọc chưa ai viết như thế! Chỉ có Tuệ Sỹ viết về thơ Sơn Núi và đọc ra như vậy quả là hết sức kính nể!"
Úi chao, bần tăng đang muốn thất kinh luôn, thiền sư à.
- Thiền sư Cò Hương:
Vừa coi lại những gì chúng mình san sẻ. Hoa cả mắt trước một rừng chữ về thi nhơn thứ thiệt thứ dữ Sao Rừng. Xin nhại theo sư thầy Tuệ Sỹ: "Tui chưa biết mình là ai nên làm sao biết tỏ thơ Rừng". Nhờ rừng chữ thầy vừa mang về, tui mới vỡ ra: Nhìn người thơ ấy, cụ sư thầy thấy nhiều gai. Nhìn rừng thơ đó, cụ sư thầy thấy nhiều hoa.
+ Thi nhơn hạng bét:
À, chốt lại sẽ là lời hương ý hoa nữa bên tấm hình 2 người thơ - đạo hữu rủ rỉ bên nhau khiến kẻ thi nhơn hạng bét phải lao xao, bởi qua đây mới thấy Sơn Núi cũng biết... cười (dù chỉ tủm tỉm). Mời xem foto đầu tiên.
- Thiền sư Cò Hương:
"FB của anh Nhượng Nguyen Khac Nhuong:
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã được hoả táng tại TP Đà Lạt. Xin vĩnh biệt ông bằng bài thơ chỉ có bốn câu của chính ông trong tập thơ Vọng do An Tiêm xuất bản năm 1971:
HẠ HUYỆT
(Tặng thầy Th. Tr. G.)
trăng đã lấp một bóng dài hun hút
như chặn đầu sinh tử thấu trong hang
mây lẩn quẩn dựng thành sầu ngút ngút
ta nổi khùng châm lửa đốt xe tang
NĐS"
+ Thi nhơn hạng bét:
Mô Phật ạ! A vẫn chưa xong, xin nói vớt 3 câu: Từ khóa của bài thơ - chữ "tang" - lại một lần nữa rơi vào chữ chót của toàn bài. Wow, siêu thi bá của chúng tui, siêu thi bá của chúng ta! Mô Phật ạ. Xong.
Vancouver, 15/6/2020
Đỗ Quyên cẩn bút soạn chép
--------------------------------------
PS:
Các fotos đều rất đỗi quen thuộc, thân thương với bá tánh làng phây - mạng; riêng foto quý hiếm 2 ái nữ út của siêu thi bá Sơn Núi (tức là của Nguyễn Đức Sơn & Nguyễn Thị Phượng - cặp uyên ương đặc biệt hạng nhứt làng thơ VN) đến từ nhà tín chủ văn hữu Trịnh Thanh Thủy. Xin phép và cảm tạ!
A vẫn chưa xong, xin nói vớt nhiều câu nữa:
Tường nhà Trịnh Thanh Thủy Thanh Thủy Trịnh đang treo bài của chính chủ, cực hay và rất gần gụi với Sơn Núi. Được viết từ 3 tháng trước trong thời gian khổ chủ lâm bịnh cực nặng. Về tập thơ mang tên "Thơ và Đá" của Sơn Núi. Vừa được ra lò tại hải ngoại tháng 12/2019. Bởi Nxb Van Hoc Press & Culture Art Education Exchange Resource. Tuệ Sỹ viết Thay lời tựa. Bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Nhật (Mua sách trực tiếp qua Barnes and Noble. Mại dzô! Mại dzô!)
Giang hồ đồn thổi Nhóm chủ trương từng toan tính ra mắt sách vào ngày 19/3/2020 tại Garden Grove, California để mong tất cả tiền lời bán sách sẽ được chuyển về gia đình siêu thi bá ở Đà Lạt.
Ngờ đâu.
Mưu sự bất thành.
Chung quy chỉ tại Vua Hùng.
Úi xin lỗi.
Chung quy chỉ tại Cô Vy!
Xong hẳn.
PS Bis:
Tưởng bở "Xong hẳn"! Đâu dễ. Mần xong tút đặc biệt, mình nằm vắt mouse lên mũi... Nhớ lại, nhận thêm nhìu bài vở, info chất lừ về chính chủ Sơn Núi.
Đành hẹn dịp khác thuận tình hơn. Tất cả để hiểu đúng thơ Sơn Núi hơn mà thui. Đích cao nhất: Tôn vinh 1 Núi Thơ VN vừa nằm xuống. Mọi chuyện xung quanh Núi chỉ là hoa lá cỏ cây bụi cát và... "dòi". He he...
Xin ghim lại nơi đây 1 nhận định chuẩn khó mà chỉnh của 1 VIP mình quá hên được thân quen - 1 nhà tranh đấu kiêm văn sĩ cực am hiểu và tham dự trong vấn nạn văn học miền Nam, văn học cả nước VN ngay sau 1975 nhứt là thời Đổi mới, và - tất nhiên - cực am và thân tình trong "vấn đề Sơn Núi".
Ảnh bảo thế vầy:
"Theo tôi, Sơn Núi là một tài năng thi ca độc đáo, một trí tuệ lớn mà cũng là một con người đầy mâu thuẫn, đôi khi hoang tưởng, lộn nhào giữa thiên đường và địa ngục nhưng vẫn cho mình đã giải thoát. Cuộc sống của anh là bi kịch lớn mang tầm thời đại và tính nhân văn sâu sắc, một hiện tượng phi thường và nghiệt ngã, bi tráng đột khởi giữa vùng nhân gian bình thường đơn điệu tự nghìn xưa."
- The end hẳn -
Nói dzậy mà hổng phải dzậy:
Thêm 1 bài ký giá trị viết từ năm 2000 lận (dám mình đọc rùi mà quên), nay vừa thấy lại trên web: Người Đàn Bà Trên Đồi Cỏ của văn sĩ phản kháng nức danh một thời Đào Hiếu.
Về thơ và đời Sơn Núi cùng gia đình qua hình ảnh Mặt trăng Nguyễn Thị Phượng.
- Tạm The end -




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét