Người bạn ấy có khuôn mặt nhỏ nhắn với chiếc răng khểnh, lại hay cười. Đăng Hòa nhà ở phố Hàng Giấy, số 40, chếch bên kia đường là chợ Đồng Xuân ồn ào tấp nập. Ngày cùng lớp đến chơi, mới biết ông già Hòa, bác Nguyễn Đăng Quý, đã từng là một cua rơ xe đạp nổi tiếng khi xưa.
Đường đi học từ nhà Hòa đến trường Cấp 3 Nguyễn Trãi khá xa. Có mấy bạn gái ở Hàng Than cùng đường đi học. Khi thì tàu điện, khi thì xe đạp, thậm chí có hôm còn đi bộ.
Mình ngạc nhiên vì khả năng giao lưu với mọi người, đặc biệt là với các bạn nữ của Hòa. Lúc ấy, mình vừa ở trường Trỗi về. Tiếp xúc với bạn gái, mình khá dè dặt, lúc nào cũng ở thế thủ. Thế mà hắn nói chuyện với bạn nữ nào cũng như quen biết từ lâu. Là cán bộ lớp, khi được thầy cô chủ nhiệm yêu cầu gặp bạn nữ nào đó , mình lại phải đến nhờ Hòa:" Bạn Nhung là ai hả ông?"," Cô bé mặc áo hoa trắng trên nền xanh đang đứng dưới gốc phi lao kia kìa, đang nói chuyện với đứa mặc áo màu da bò ấy".
Hắn biết cách ăn mặc. Trong lớp có một cậu bạn Việt kiều ở Thái Lan về thì hai đứa chịu khó ăn mặc nhất. Mình phục hắn về chuyện xã hội qua nhiều chuyện hắn kể và những câu trả lời khi bạn bè hỏi hắn. Hà Nội vừa rồi có chuyện gì? Ăn ở đâu ngon? Bạn nữ lớp 10C xinh nhất tên là gì? Ở đâu?
Thế rồi đến ngày Đăng Hòa nhập ngũ. Lớp kéo đến gặp trước khi bạn ấy chia tay. Ngày 27 tháng 4 năm 1972 là ngày hắn lên đường nhập ngũ. Còn nhớ buổi gặp gỡ chung với lớp hôm trước đó, cả lớp cố tình ép hắn và một bạn gái mà lớp thường gán ghép đến ngồi bên nhau. Hôm ấy mới thấy Đăng Hòa ngập ngừng lúng túng. Và rồi không biết sau đấy 2 bạn có thư từ giao lưu gì không biết.
Đăng Hòa ra đi từ đấy. Lớp lao vào thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh. Rồi lại lao vào cuộc sống mưu sinh. Và rồi vì xa xôi cách trở, liên lạc với nhau thuở ấy khó khăn. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó.
Được biết, gia đình Đăng Hòa đã chuyển sang nơi ở mới. Sau nhiều năm mò tìm qua người thân mới biết địa chỉ mới của gia đình cậu. Ngày gặp anh cả trong gia đình mới biết rõ sự ra đi của Đăng Hòa.
Sau đợt luyện quân, Đăng Hòa theo đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Cả một thế hệ mười tám đôi mươi rời ghế trường phổ thông, trường đại học xung trận. Được huấn luyện cấp tốc 2- 3 tháng, biết bắn là xuất quân.
Đăng Hòa đã mất trong đêm khi vượt sông Thạch Hãn. Đó là những ngày tổn thất nặng nề. Ban ngày hai bên bắn nhau qua hai bờ sông, địch cố chiếm những nơi đã mất. Đêm, các đơn vị của ta vượt sông để vào Thành Cổ. Pháo giặc bắn như vãi đạn xuống sông Thạch Hãn, nơi mà những người lính trẻ đang tìm cách vượt sông. Một đêm, trong máu loang trên dòng sông ấy có máu của bạn mình. Đăng Hòa đã ra đi…
Phải chăng vì vậy, mình không thể cầm lòng khi đọc những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương :
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
Đúng, không chỉ Đăng Hòa, mà còn bao người học sinh, sinh viên đã nằm lại dưới lòng sông Thạch Hãn. Nhưng hình ảnh một người bạn thân thiết mà mình đã biết, đã cùng học tập, vui chơi dưới một mái trường phổ thông đầy ắp kỷ niệm, sao vẫn để trong mình một nỗi suy tư không thể nguôi ngoai. Tiếc và thương bạn.
...
BàngHS
( Bài kỷ niệm viết cùng các bạn 9I-10H)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét