Một buổi tối cuối thu, trời Nha Trang mưa tầm tã. Trong căn phòng nhỏ tại khu nghỉ mát Ana Mandara, đoàn nghệ nhân Nhật Bản tổ chức buổi trà đạo.
Vừa bước vào phòng đã thấy hoa. Hoa sen cắm trong bình trắng. Hoa cúc tím cắm trong bị cói. Hai giỏ hoa Nhật Bản cắm theo kiểu Ikebana được đặt trong đôi quang đan bằng mây… Tối nay, hoa được bài trí theo chủ đề “Sóng biển”. Chỗ ngồi được sắp xếp với chủ đề “Tình giao hữu”: 9 chiếc chiếu cói trắng được trải trên sàn gỗ, ở giữa là tấm thảm đỏ với đồ pha trà, trái cây, bình hoa sen; trên chiếu là những tấm nệm trắng để khách ngồi. Ở góc chiếu, con hạc giấy đỏ đậu trên chiếc đĩa nhỏ đan bằng mây. Trong ánh sáng ấm áp của những ngọn đèn vàng, tiếng đàn taisho-koto thánh thót bản nhạc “Hoa anh đào”.
Buổi trà đạo bắt đầu. Với trang phục truyền thống, hai phụ nữ Nhật từ sau rèm tre bước ra. Những đôi chân mang tất trắng bước đi thanh thoát. Họ kéo vạt áo gọn lại, rồi ngồi xuống chiếu theo tư thế quỳ, đặt chiếc quạt giấy trước mặt, cúi gập mình chào khách. Việc đầu tiên của người pha trà là kiểm tra chén. Mỗi chén nhỏ được đặt trên một chiếc đĩa gốm màu nâu, hình chiếc lá. Mỗi lần lấy chén lên, đặt chén xuống họ đều nắn nót đưa về trước ngực, nhìn cẩn thận. Lá chè xanh được xay nhỏ. Ấm trà thứ nhất được lắc đều, rót đều vào các chén để tráng. Ấm trà thứ hai lại được lắc đều, rót đều vào 5 chiếc chén một. 15 vị khách tây và ta được mời dùng trà. Một phụ nữ Nhật cung kính bưng khay trà đặt trước quan khách, hai tay đặt xuống chiếu, gập mình chào. Một phụ nữ Nhật khác bưng trà mời khách, rồi hướng dẫn cách uống: hai tay cầm đĩa đựng chén trà, xoay dần dần một vòng, rồi uống từ từ cho đến khi cạn. Uống trà xong, khách ăn bánh ngọt Nhật. Cô phiên dịch xinh đẹp người Nhật hóm hỉnh nhận xét: “Mọi người thích ăn bánh hơn uống trà!”. Tiếng cười ồ lên… Tuần trà thứ hai vị đắng hơn, có tác dụng làm sạch miệng sau khi ăn bánh. Tiếp đó, khách được mời ăn bánh Yoka, đen và mềm như thạch. Bánh được đặt trên mảnh lá chuối với chiếc nan tre. Nhiều người dùng nan tre xiên cả miếng bánh đưa lên miệng. Thấy thế, người phụ nữ Nhật hướng dẫn: dùng nan tre cắt bánh thành miếng nhỏ, rồi xiên từng miếng. Nghĩa là đừng ăn theo kiểu “chém to, kho mặn”. Thế mới biết trong trà đạo có “văn hoá uống”, trong bánh Yoka có “văn hoá ăn”.
Mỗi tiệc trà đạo kéo dài khoảng 30 phút, với hương hoa, vị trà và giai điệu du dương của nhạc truyền thống Nhật. Cử chỉ dịu dàng, thái độ cung kính, chu đáo của những người phụ nữ Nhật như điều hoà nhịp sống mỗi người. Có cảm giác như nhịp tim, hơi thở mình đều đặn hơn, hoà nhịp với giai điệu hiền hoà của trời đất.
Giữa cái dòng chảy quay cuồng đến chóng mặt của đời sống hiện đại, trà đạo đem đến cho ta những giây phút thanh thản hiếm hoi trong tâm hồn, trong miếng ăn, hớp nước. Trà đạo cho ta hương vị quý báu của trời đất, nhắc ta ân cần, lịch thiệp với nhau…
Xuân Hòa(10H)
Mình cũng rất mong tất cả các bạn có nhiều giây phút thanh thản như vậy!
Trả lờiXóa