Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

NGƯỜI THẦY



 Chảy ngầm trong mạch sống sôi động, ồn ã của công nghệ hiện đại, nhà trường và tình
cảm thầy trò đơn sơ ấm áp vẫn luôn là những ký ức đẹp trong mỗi người, là truyền thống tự hào của dân tộc.Từ ngàn xưa ông cha ta đã có câu “muốn sang thì bắc cầu Kiều ,muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, không chỉ nói bằng lời mà truyền thống  tôn sư, trọng đaọ ấy còn được thể hiện ở ngày Tết cổ truyền : mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ ,mồng ba Tết Thầy.
 Giờ đây, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe  lũ con cháu kể về thầy cô ở trường, nhưng sao lại hiếm những chuyện để mà trân trọng, để tôn sư trọng đạo như vốn có… Đáng buồn hơn là năm học vừa qua  ngành giáo dục lại xảy ra sự kiện “Đồi Ngô”- Cả một hội đồng coi thi  gian lận.Cái việc làm “xấu xí” ấy của người thầy khiến chúng ta đau đớn hơn , buồn tủi hơn so với những người làm nghề khác .Chưa nói đến chuyện sa vào tù tội , mà với nhà giáo chỉ mất lòng tin, mất danh dự đã không thể sống yên ổn được rồi. Là một người đã  đứng trên bục giảng, tôi thực sự đau lòng khi những giá trị đạo đức làm nên phẩm cách của người thầy đang bị xói mòn …
Tôi còn nhớ hình ảnh thầy cô của thế hệ chúng ta là thiêng liêng & gần gũi, không phải ai trong họ cũng dạy giỏi, nhưng họ vừa nghiêm khắc vừa  ấm áp, thực sự thương yêu học trò. Bằng nhân cách & tài năng cùng với trái tim nhiệt huyết & tấm lòng nhân hậu  họ đã  thầm lặng gieo những giấc mơ trong lành và thánh thiện cho học trò .
Việc dạy học cũng không  hề tính đến chuyện công, danh, lợi lộc… và kể cả tuổi tác, dạy cho đến tàn hơi. Giờ đây nhiều thầy cô đã thành người thiên cổ nhưng với tất cả chúng ta hình ảnh các thầy cô đã in sâu vào ký ức& dường như. vẫn luôn ở bên học trò tiếp sức cho các trò không bị gục ngã bởi những  đớn đau, gian khổ trong cuộc sống này. Hạnh phúc cho chúng ta có những người Thầy để kính yêu, để nhớ, và ngưỡng mộ!

 . Nhìn vào  thế hệ  Thầy của một thời …xưa ấy, tôi càng thấy rõ một điều  : Trau rèn tri thức đã khó, trau rèn và giữ được nhân cách càng khó hơn nhiều. Có lẽ chưa bao giờ, nhân cách lại quan trọng & cần thiết với nghề giáo hơn tất cả các nghề khác như hôm nay. Khi cơ chế thị trường với những mặt trái của nó đang tác động không nhỏ vào những giá trị đạo đức, văn hoá, niềm tin…Nhưng dù thế, tôi vẫn nghĩ: Thầy, ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào cũng phải là hiện thân của tri thức và Nhân cách đó vẫn là hai phương diện cốt lõi cho sự nhận diện chân dung người Thầy./.


1 nhận xét:

  1. Thế hệ chúng mình tuy cuộc sống khó khăn và vất vả nhưng luôn tự hào và biết ơn thầy cô đã dạy dỗ chúng mình rất tận tình.

    Trả lờiXóa