Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Dòng sông mang lửa-
một cuốn tiểu thuyết có sức hút...

                                                                                                                    
                                       (Nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước30/4
                                        Trân trọng giới thiệu với các bạn cuốn sách này)

   Ra khỏi cổng Hội nhà văn, cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa” của nhà văn Hồ sĩ Hậu, tôi nóng lòng phi về nhà và đọc ngấu nghiến, liền  một mạch hơn 100 trang ngay trong đêm đó. Cuốn sách có sức cuốn hút kỳ lạ, những chuyện anh kể nghe như chuyện cổ tích,  mở ra sẽ thấy những tình yêu chân thật, sâu sắc và đằm thắm. Không chỉ viết cho riêng mình mà anh viết cho đồng đội - những người lính đã hy sinh và bạn bè thân thuộc. Anh xót xa, chia sẻ và đồng cảm với với những người lính còn qúa trẻ  vừa rời ghế nhà trường còn chưa kịp biết cái nắm tay con gái  đã nằm lại giữa Trường Sơn đại ngàn xa lắc. Đôi lúc có cảm giác như anh “kể ” về chuyện riêng tư của mình; cái giọng “kể” thủ thỉ nhiều cảm hứng nhưng không lên gân, rất thật và ấm. Anh chỉ viết về những gì anh và đồng đội anh có.Vậy thôi!

Ôi Trường Sơn ! Ai nói được hết cái giá  đắt của mỗi một ngày trên mảnh đất cháy bỏng này. Một ngày chiến đấu, nhiều năm chiến đấu,  nhiều triệu người lính chiến đấu và hy sinh…Người kỹ sư  trẻ HN vào Trường Sơn nhớ mãi  những mùa  mưa dài quái ác…” mặt đất nhão nhoét, nhừ nát vì bom đạn đào xới, bụi và đất bom quyện vào nhau thành một lớp bùn đặc quánh có khi tới thắt lưng…Những hố bom cũng không ngăn nổi bước  chân người lính. Họ bạt rừng, đào đá, gỡ bom mìn, mở đường lắp  ống dẫn xăng. Có người mang thương tật, cháy sém khuôn mặt, cháy mù hai mắt, cháy cụt đôi tay, da thịt héo quắt vì cháy- cháy xăng, cháy bom ; có người cháy trong biển lửa, thân thể cháy đen và mềm nhũn …
  Những người trở về không ít người đã để lại một phần cơ thể trên Trường Sơn, một số bị nhiễm chất độc da cam hoặc nhiễm độc xăng chì. Những đứa con họ sinh ra tật nguyền quặt quẹo. Những đứa nhỏ không có trí tuệ, liệt chân tay, những đứa trẻ mù loà “…Nỗi cơ cực của người lính đi qua chiến tranh thì không giấy mực nào nói cho hết.
   Khán phòng  trong Hội nhà văn chợt lặng đi…Hà Nội 29/3 năm  2013, nghĩa là đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh gần nửa thế kỷ mà dường như những nỗi đau, điều mất mát, những chiến tích hào hùng, những mảnh đời thầm lặng cứ xao xác hiện về … Những người ngồi đây , trừ một vài người trẻ, tất cả đã bước vào ngưỡng cửa năm mươi , sáu mươi tuổi đời nhưng một khi nhắc đến những năm tháng trận mạc đi qua lại không giấu được những tiếng nấc nghẹn ngào  trong sâu thẳm lòng mình.

    Năm tháng cứ trôi và cuộc sống như một guồng máy khổng lồ cuốn chúng tôi vào cuộc mưu sinh tất bật rồi quên đi những cảm xúc chiến tranh. Để hôm nay, tôi bất chợt sững sờ bởi chính sự vô tình của mình. Tôi  biết ơn anh – nhà văn Hồ sĩ Hậu. Anh đã cho chúng tôi và thế hệ sau này biết về ý chí thép và sự quả cảm của những người lính, về lẽ sống bên cạnh cái chết, về bình yên qua chiến tranh, về những sự hy sinh thầm lặng của bao người lính đường ống xăng dầu Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vĩ đại này. ”Những người lính đã ra đi từ mái tranh nghèo, rồi họ lại trở về với đất khiêm nhường, bình dị”... Họ đã sống, chiến đấu và yêu rồi hy sinh  nhưng  họ không mất đi … vì chiến tranh ,vì thời gian, vì sự vô tình để 40 năm sau chúng ta được “gặp” lại và học được những bài học hay nhất, đẹp đẽ  nhất, lãng mạn nhất về sự sống, cái chết , tình yêu của thời chiến tranh giữ nước.

 Đã lâu lắm rồi tôi mới  lại được đọc một cuốn sách hay như thế - Dòng sông mang  lửa có sức hấp dẫn  lớn đối với  tôi.  Trong đó nói về chiến tranh với một sự chân thật đến thắt lòng. Tôi tin rằng trong hành trang ký ức của bao người cuộc chiến đã và mãi mãi là những khúc tráng ca về một thời máu lửa hào hùng… Gấp cuốn sách lại mà nước mắt tôi cứ lăn dài  trên má.!.
                                                  

Đôi điều về tác giả : Thiếu tướng – nhà văn Hồ sĩ Hậu sinh ngày 16/4/1946  Nguyên Cục trưởng cục Kinh tế Bộ Quốc phòng
Trong chiến tranh chống Mỹ là kỹ sư thiết kế, thi công tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn .

9 nhận xét:

  1. Nhờ cuốn sách này tôi hiểu thêm về cuộc đời quân ngũ của các bạn- những người lính của K22 chúng ta.Tôi tin rằng những bạn mang ba lô vào chiến trường những năm tháng ấy đều đã trải qua những ngày như thế, như anh Thục, anh Ngọc ( nhân vật chính trong tác phẩm ) và thậm chí còn gian nan hơn những gì chúng ta có thể hình dung qua từng dòng chữ.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc tiểu thuyết "Dòng Sông mang Lửa" của anh Hậu như xem lại 1 giai đoạn lịch sử của đất nước trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, mà thế hệ của chúng mình ai cũng đã trải nghiệm.
    Mình cũng vậy, đã vội đọc ngay "Dòng sông mang lửa" khi ngồi trên xe buýt đi về nhà và nhiều đoạn không cầm được nước mắt!

    Trả lờiXóa
  3. Ko chỉ VT mà mình muốn cho nhiều bạn cùng đọc nữa!

    Trả lờiXóa
  4. Mình cũng muốn đọc mà không biết bạn nào có

    Trả lờiXóa
  5. Các bạn K22 Nguyễn Trãi thân mến.
    Tôi là Hồ Sỹ Hậu, tác giả cuốn tiểu thuyết Dòng Sông mang lửa. Tôi được Hồ Sỹ Bàng chuyển cho xem một số nhận xét của các bạn về cuốn sách này. Đọc các nhận xét ấy, tôi rất cảm động. Tôi viết cuốn sách này để trả nghĩa cho đồng đội, mong sao người đọc hiểu được các sỹ quan, kỹ sư và những người lính đường ống đã sống, chiến đấu, sáng tạo và hy sinh như thế nào để đưa được dòng xăng vượt Trường Sơn ác liệt vào tận chiến trường Nam bộ. Đến những dòng cuối cuốn sách, tôi cứ băn khoăn: "Những thế hệ sau liệu sẽ còn biết đến một thời máu lửa, biết đến một thế hệ của những chàng trai, cô gái đã cống hiến trọn tuổi xuân để có được thắng lợi của cuộc chiến tranh vĩ đại này?..."
    Nhận xét của các bạn không chỉ làm cho tôi cảm động, mà chắc sẽ làm cho những đồng đội của tôi nằm lại đại ngàn được ngậm cười nơi chín suối.
    Một lần nữa cảm ơn các bạn.
    Hồ Sỹ Hậu

    Trả lờiXóa
  6. Mỗi khi nhìn thấy những đoàn xe vận tải chạy kìn kìn vào chiến trường tôi tự hỏi họ tiếp xăng dầu ở đâu ??? Và hôm nay tôi đã có câu trả lời nhờ đọc cuốn tiểu thuyết này và bất cứ ai đọc đều cảm thấy xúc động... .Không chỉ là xăng mà còn là máu của những người lính đường ống
    Cám ơn Anh Hồ Sỹ Hậu & đồng đội của anh .

    Trả lờiXóa
  7. Liên al hôm nào rảnh mình sẽ mang cho Liên đọc, cả VT & các bạn khác nữa! Đọc sách chắc chắn thích hơn đọc trên mạng .

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn Toàn nhéMình cũng thấy đọc sách thích hơn đọc trên mạng

    Trả lờiXóa