Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Ngao ngán vì đang xuân trẻ
lại bị gọi là “bà”

Tâm sự của một PN U40
Phụ nữ ai cũng muốn được quan tâm, chia sẻ và tôn trọng. Nhưng có một kiểu tôn trọng mà tôi dám chắc không ai mong muốn, trái lại có khi nó làm chị em ngao ngán nẫu lòng, đó là cách xưng hô.

Tôi năm nay đang ở cái tuổi trung niên, nếu so với bạn bè cùng lứa U40 thì tôi vẫn thuộc loại trẻ hơn họ. Vài năm nay, ra đường chợt giật mình khi thấy lớp trẻ, những người đã có gia đình, có con nhỏ gọi mình bằng bà, xưng con. Đầu tiên nghe cũng lạ và cũng rất chạnh lòng. Tuy rằng chẳng ai ở tuổi tôi, còn đang công tác sung sức, đang bay nhảy, muốn làm đẹp, vẫn còn nhiều người hâm mộ lắm, lại muốn gọi bằng bà. Vì tại sao không gọi là cô, là bác thế có dễ nghe hơn không? Nhưng nghĩ lại các cháu cũng cùng trang lứa với con mình đang học đại học, còn mình thuộc thế hệ như cha mẹ họ, nên xưng hô như vậy cũng phải thôi.


Nhưng có chuyện không bình thường khi những người chỉ kém mình vài tuổi, có thể vì quá tôn trọng nên cũng xưng hô rất “lễ phép”.
Một lần đi chợ mua gà của một đôi vợ chồng (tôi đoán gần bằng tuổi tôi), người vợ đưa hàng và lễ phép: Con gửi bà ạ! Còn người chồng thì nhận tiền cũng rất lễ phép: Con xin bà! Cứ nhìn thái độ, tôi biết vợ chồng anh ta rất tự nhiên như thể tôi đáng bậc cha mẹ nên phải xưng hô như vậy chứ không hề nhầm lẫn. Chao ôi, ngao ngán quá, chẳng lẽ mình già đến mức như vậy sao?


Một lần vào cửa hàng thuốc, cháu gái bán hàng xong liền hỏi thăm: Cô ơi, dạo này cô về hưu rồi hay sao mà cháu thấy cô thường đi chợ sớm thế? Giật mình vì câu hỏi ấy nhưng cũng chẳng muốn giải thích gì, tôi chặc lưỡi: Ừ, cô cũng muốn đi chợ sớm.

Đấy là những người bề dưới, còn những bậc trên thì sao?
Hàng xóm nhà tôi có một bác đã cao tuổi, bác về hưu cũng khoảng hơn chục năm rồi, bằng tuổi mẹ tôi. Nhưng bác ấy lúc nào cũng gọi tôi bằng bà, xưng tôi, mà gọi như vậy cũng hàng chục năm rồi, từ khi tôi mới khoảng 30 tuổi. Tôi nghe mà ngượng lắm, nhưng góp ý mà bác ấy không nghe vì bác ấy thường gọi như vậy với những phụ nữ tầm tuổi tôi. (mà chỉ với phụ nữ thôi chứ đàn ông bác ấy không gọi bằng ông).

Có lần đưa con trai đi ăn kem, ông bán hàng vui tính lắm, thấy hai mẹ con vào thì đon đả: Hai bà cháu mua kem gì nào? Nay bà cho đi chơi lại được thưởng nữa nhé! Tôi từ chỗ đang vui vẻ trở nên giận quá (gần tím mặt). Thằng con trai thấy vậy thì trêu đùa: mẹ cháu đấy, bác nhầm to nhá.

Trong khi được tôn trọng (hoặc nhầm lẫn) đến mức thái quá như vậy nhưng cũng chính tôi một lần đi xe máy trên đường vì mải tránh một người gánh hàng rong nên suýt quệt phải một chiếc xe máy cùng chiều. Anh thanh niên chỉ đáng tuổi con tôi ngoái cổ lại quát: Con ranh, đi đứng thế à? Phút chốc tôi cũng thấy sốc và sững sờ vì kiểu ăn nói như vậy (Chẳng lẽ tôi trẻ đến mức anh ta không nhận ra nữa hay sao?)

Xung quanh chuyện xưng hô có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Đành rằng đó là quan hệ xã hội, xưng hô kiểu gì hay nhầm lẫn tý cũng có ảnh hưởng gì đâu. Nhưng sao chúng tôi, những người phụ nữ cảm thấy chạnh lòng buồn. Vì phụ nữ vốn nhạy cảm, ngoài việc muốn được chia sẻ, tôn trọng thì một yếu tố tâm lý quan trọng là ai cũng muốn mình trẻ hơn, khả ái hơn trong mắt những người xung quanh. “Lời nói không mất tiền mua”, vậy nên xưng hô như thế nào cho dễ lọt tai, cho vừa lòng, nhất là đối với phụ nữ là liều thuốc tinh thần. Nhân ngày 8/3, muốn chia sẻ với những người xung quanh mình điều tâm sự của tôi và chắc rằng của cả rất nhiều chị em về cách xưng hô, một chuyện rất nhỏ trong cuộc sống nhưng có tác động không nhỏ với tâm lý phụ nữ để chúng tôi vui hơn, yêu cuộc sống hơn.
(Nguon : Trang Hà – vietnamnet)
( Bài viết này được đăng trong chuyên mục Đời sống –VNN nhân ngày 8/3. Tâm sự của tác giả bài viết phần nào đó cũng nói hộ cho chúng mình -  những chị em U50-60 già nhưng vẫn muốn trẻ)-  VTst

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét